25. Kinh Bẫy Mồi

(Nivàpa sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. –“Bạch Thế Tôn”, các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

— Chư Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi khi gieo đồ mồi cho đàn nai không nghĩ rằng: “Ta gieo đồ mồi này cho đoàn nai ăn để đàn ấy được sống lâu, được tốt đẹp thêm và được nuôi dưỡng lâu dài hơn”. Chư Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi khi gieo đồ mồi cho đàn nai nghĩ rằng: “Ta gieo đồ mồi này cho đàn nai, để đàn này xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn. Sau khi xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, chúng trở thành mê loạn; do mê loạn, chúng trở thành phóng dật; do phóng dật chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn, giữa các đồ mồi này”.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đàn nai đầu tiên xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi này do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi, nên trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Chư Tỷ-kheo, như vậy đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đàn nai thứ hai suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi này do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng ở đây xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi, nên trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Như vậy, đàn nai đầu tiên không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú”. Rồi đàn nai ấy hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú. Cuối tháng mùa hạ, cỏ nước khan hiếm, thân hình đàn nai ấy trở thành hết sức gầy yếu. Vì thân hình đàn nai ấy trở thành hết sức gầy yếu, sức lực của chúng bị kiệt quệ. Vì sức lực bị kiệt quệ, đàn nai ấy trở lại các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng ở đây xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi. Vì chúng ở đây xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi, nên trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Như vậy đàn nai thứ hai không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đàn nai thứ ba suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập tham đắm, ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng ở đây xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi, nên trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Như vậy, đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Còn đàn nai thứ hai này suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập, tham đắm, ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi… (như trên)… Như vậy đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy hoàn toàn từ bỏ các món ăn bẫy mồi, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú”. Rồi đàn nai ấy hoàn toàn từ bỏ các món ăn bẫy mồi, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú. Cuối tháng mùa hạ, cỏ nước khan hiếm, thân hình đàn nai ấy trở thành hết sức gầy yếu. Vì thân hình đàn nai ấy trở thành hết sức gầy yếu, sức lực của chúng bị kiệt quệ. Vì sức lực bị kiệt quệ, đàn nai ấy trở lại các đồ mồi ấy do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Chúng ở đây xâm nhập tham đắm ăn các đồ mồi. Vì chúng ở đây xâm nhập tham đắm ăn các đồ mồi, nên trở thành mê loạn. Do mê loạn, chúng trở thành phóng dật. Do phóng dật, chúng trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Như vậy đàn nai thứ hai không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Nay chúng ta hãy làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Sau khi làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ta sẽ ăn các đồ mồi ấy do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập không tham đắm ăn các món ăn, chúng ta sẽ không mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta sẽ không phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta sẽ không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi”. Rồi chúng làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Sau khi làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ăn các đồ mồi ấy do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, nên chúng không mê loạn. Do không mê loạn, chúng không phóng dật. Do không phóng dật, chúng không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi.

— Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi và quyến thuộc người thợ săn bẫy mồi suy nghĩ như sau: “Ðàn nai thứ ba này thật tinh khôn, xảo quyệt. Ðàn nai thứ ba này thật có thần lực và ma quái. Chúng ăn các đồ mồi được gieo ra này, mà chúng ta không được biết đường đi lối về của chúng. Vậy chúng ta hãy bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này, với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Rồi chúng ta có thể thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ ba này, chỗ chúng có thể đi để lấy đồ ăn”. Rồi họ bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Này các Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi và những người quyến thuộc người thợ săn bẫy mồi thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ ba, chỗ chúng đi để lấy đồ ăn. Như vậy này các Tỷ-kheo, đàn nai thứ ba này không thoát được như ý lực của người thợ săn bẫy mồi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đàn nai thứ tư suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập tham đắm, ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi… (như trên)… Như vậy đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Còn đàn nai thứ hai này suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập tham đắm, ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi… (như trên)… Như vậy đoàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy… (như trên)…”. Như vậy đàn nai thứ hai này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Ðàn nai thứ ba suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên xâm nhập tham đắm, ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi… (như trên)… Như vậy đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Còn đàn nai thứ hai này suy nghĩ như sau: “Ðàn nai đầu tiên này xâm nhập tham đắm ăn các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi… Như vậy, đàn nai đầu tiên này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy… (như trên)…”. Như vậy đàn nai thứ hai này không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Sau khi làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm chúng ta sẽ ăn các đồ mồi ấy do người thợ săn gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm, ăn các món ăn, chúng ta sẽ không mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta sẽ không phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta sẽ không trở thành những vị bị làm theo ý người ta muốn giữa những đồ mồi của người thợ săn bẫy mỗi”. Rồi chúng làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Sau khi làm chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ăn các đồ mồi ấy do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, chúng không mê loạn. Do không mê loạn, chúng không phóng dật. Do không phóng dật, chúng không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa những đồ mồi này của người thợ săn bẫy mồi. Ở đây, người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy suy nghĩ như sau: “Ðàn nai thứ ba này thật tinh khôn, xảo quyệt. Ðàn nai thứ ba này thật có thần lực và ma quái. Chúng ăn các đồ mồi được gieo ra mà chúng ta không được biết đường đi lối về của chúng. Vậy chúng ta hãy bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Rồi chúng ta có thể thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ ba này, chỗ chúng có thể đi để lấy đồ ăn”. Rồi họ bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ ba, chỗ chúng đi để lấy đồ ăn. Như vậy đàn nai thứ ba ấy đã không thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi. Vậy chúng ta hãy làm một chỗ ẩn nấp, tại một nơi mà người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp tại đó xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ta sẽ ăn các đồ mồi do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, chúng ta sẽ không mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta sẽ không phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta sẽ không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi”. Rồi đàn nai thứ tư làm một chỗ ẩn nấp tại một nơi mà người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp tại đó xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ăn các đồ mồi do người thợ săn bẫy mồi gieo ra. Vì không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, chúng không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, chúng không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, chúng không trở thành những vật bị làm theo ý người ta muốn giữa các đồ mồi của người thợ săn bẫy mồi.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy suy nghĩ như sau: “Ðàn nai thứ tư này thật tinh khôn, xảo quyệt. Ðàn nai thứ tư này thật có thần lực và ma quái. Và chúng ăn các đồ mồi được gieo ra mà chúng ta không biết được đường đi lối về của chúng. Vậy chúng ta hãy bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Rồi chúng ta có thể thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ tư này, chỗ chúng có thể đi để lấy đồ ăn”. Rồi họ bao vây xung quanh các đồ mồi được gieo này với những cây cột to lớn và những bẫy sập cùng khắp mọi nơi. Nhưng này các Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy đã không thấy được chỗ ẩn nấp của đàn nai thứ tư này, chỗ chúng có thể đi để lấy đồ ăn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, người thợ săn và những quyến thuộc của người ấy lại suy nghĩ như sau: “Nếu chúng ta đánh phá đàn nai thứ tư này, chúng bị đánh phá sẽ đánh phá các đàn nai khác; các đàn nai khác bị đánh phá sẽ đánh phá các đàn nai khác nữa. Như vậy toàn thể đàn nai sẽ từ bỏ các đồ mồi được gieo này. Vậy chúng ta chớ có can thiệp vào đàn nai thứ tư”. Này các Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi và những quyến thuộc của người ấy không can thiệp vào đàn nai thứ tư. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đàn nai thứ tư đã thoát khỏi như ý lực của người thợ săn bẫy mồi.

Này các Tỷ-kheo, tỷ dụ này được Ta dùng để giải thích ý nghĩa. Và ý nghĩa ở đây là như sau: Chư Tỷ-kheo, đồ mồi đồng nghĩa với năm dục trưởng dưỡng. Chư Tỷ-kheo, người thợ săn bẫy mồi đồng nghĩa với Ác ma. Chư Tỷ-kheo, các quyến thuộc của người thợ săn bẫy mồi đồng nghĩa với quyến thuộc của Ác ma. Chư Tỷ-kheo, các đàn nai đồng nghĩa với các Sa-môn, Bà-la-môn.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, nên trở thành mê loạn; vì mê loạn, họ trở thành phóng dật; vì phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi này và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này không thoát được như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này giống như đàn nai đầu tiên trong thí dụ.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai suy nghĩ như sau: “Hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra, và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, nên trở thành mê loạn; vì mê loạn, họ trở thành phóng dật; vì phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi ấy và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy, chúng ta hãy hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi và các vật dụng thế gian, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú”. Họ hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi, các vật dụng thế gian, từ bỏ các vật dụng đáng sợ hãi, đi sâu vào rừng và an trú. Ở đây, họ trở thành những người ăn cỏ lúa, ăn lúa tắc, những người ăn gạo lức, những người ăn hột cải Nivara, những người ăn da vụn, những người ăn trấu, những người ăn nước bột gạo, những người ăn hột vừng, những người ăn cỏ, những người ăn phân bò, những người ăn trái cây, những người ăn rễ cây trong rừng, những người ăn trái cây rụng để sống.

Cuối tháng mùa hạ, cỏ nước trở thành khan hiếm, thân hình của hạng Sa-môn, Bà-la-môn ấy trở thành hết sức gầy yếu. Vì thân hình hạng Sa-môn, Bà-la-môn ấy trở thành hết sức gầy yếu, nên sức lực tinh tấn của họ bị kiệt quệ. Vì sức lực tinh tấn bị kiệt quệ, nên tâm giải thoát bị kiệt quệ. Vì tâm giải thoát bị kiệt quệ, họ trở lui lại các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, họ xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn. Do ở đây xâm nhập, tham đắm ăn các món ăn, chúng trở thành mê loạn. Do mê loạn, họ trở thành phóng dật. Do phóng dật, họ trở thành những người bị làm theo ý Ác ma muốn giữa các đồ mồi này và giữa các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này giống như đàn nai thứ hai trong ví dụ này.

Này các Tỷ-kheo, ở đây hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba suy nghĩ như sau: “Hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi được Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian… (như trên)… Như vậy hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai suy nghĩ như sau: “Hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra, và các vật dụng thế gian… (như trên)… Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn đầu tiên này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy chúng ta hãy hoàn toàn từ bỏ các đồ mồi… (như trên)… chúng ta từ bỏ hoàn toàn các đồ mồi… (như trên)…”… Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai này cũng không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy chúng ta hãy làm một chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Ở đây, sau khi làm một chỗ ẩn nấp xong, không xâm nhập, không tham đắm, chúng ta sẽ ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Do không xâm nhập, không tham đắm ăn các món ăn, chúng ta sẽ không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta sẽ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta sẽ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn, giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian.” Hạng Sa-môn, Bà-la-môn này làm chỗ ẩn nấp gần các đồ mồi do Ác ma gieo ra và giữa các vật dụng thế gian. Sau khi làm chỗ ẩn nấp ở đây xong, họ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm, họ không ăn các đồ mồi nên không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, họ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, họ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian. Nhưng rồi họ có những tà kiến như sau: “Thế giới là thường còn; thế giới là không thường còn; thế giới là hữu biên; thế giới là vô biên; mạng sống và thân thể là một; mạng sống và thân thể là khác; Như Lai sau khi chết có tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại; Như Lai sau khi chết có tồn tại và không tồn tại; Như Lai sau khi chết không tồn tại và không không tồn tại”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba này đã không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba này giống như đàn nai thứ ba trong ví dụ này.

Ở đây, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư suy nghĩ như sau: “Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất xâm nhập, tham đắm ăn các đồ mồi của Ác ma và các vật dụng thế gian… như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn này không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai suy nghĩ như sau: “Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất… (như trên)… Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ nhất không thoát được như ý lực của Ác ma. Vậy, chúng ta hãy từ bỏ hoàn toàn các món ăn bẫy mồi… (như trên)…”. Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ hai không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba suy nghĩ như sau : “…(như trên)… Như vậy, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ ba không thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Vậy chúng ta hãy làm chỗ ẩn nấp tại một nơi mà Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp ở đấy xong, chúng ta sẽ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ ăn nên chúng ta không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, chúng ta không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, chúng ta không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn, giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian”. Rồi họ làm chỗ ẩn nấp tại một nơi mà Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được. Làm chỗ ẩn nấp ở đấy xong, họ không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian. Không xâm nhập, không tham đắm ăn các đồ mồi do Ác ma gieo ra và các vật dụng thế gian, nên họ không trở thành mê loạn. Do không mê loạn, họ không trở thành phóng dật. Do không phóng dật, họ không trở thành những người bị làm theo Ác ma muốn giữa các đồ mồi và các vật dụng thế gian. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư đã thoát khỏi như ý lực của Ác ma. Này các Tỷ-kheo, Ta nói hạng Sa-môn, Bà-la-môn thứ tư này giống như đàn nai thứ tư trong ví dụ này.

Này các Tỷ-kheo, sao gọi là Ác ma và Ác ma quyến thuộc không thể đến được? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly ác bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Như vậy gọi là vị Tỷ-kheo làm Ác ma mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Như vậy gọi là Tỷ-kheo… (như trên)… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy gọi là Tỷ-kheo… (như trên)…đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, không tác ý đối với dị tưởng. Tỷ-kheo nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Như vậy gọi là Tỷ- kheo…(như trên)… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Như vậy, gọi là vị Tỷ-kheo… (như trên)… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có một vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Như vậy gọi là Tỷ-kheo… (như trên)… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy gọi là vị Tỷ-kheo… (như trên)… đường đi lối về.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo vượt lên mọi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy (mọi vật) với trí tuệ, các lậu hoặc được diệt trừ. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Tỷ-kheo làm Ác mà mù mắt, đoạn tuyệt mắt của Ác ma, không còn dấu tích, khiến Ác ma không thấy đường đi lối về. Vị ấy đã vượt khỏi tham trước ở đời.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Mục lục Đầu trang

    Xem thêm:

  • Kinh Cổ Lai Thế Thời - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 32 – Linh Tinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Hợp Bộ Kinh Kim Quang Minh - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Từ Thị Bồ Tát Hạ Sanh Thành Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Kinh Bảo Tinh Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng