1
2
3
4
5
6
7
8
9

Kinh Hiền Ngu

Nguyên Ngụy Huệ Giác Đẳng dịch

Bản Việt dịch của Thích Trung Quán

***

Ghi chú: Kinh Hiền Ngu tất cả là 13 Quyển và 69 Phẩm, nhưng ở đây Hòa Thượng chỉ chọn lọc dịch có 9 quyển và 46 Phẩm thôi.

Nội Dung Lời Tựa Của Tác Giả

Phật dạy: – Ông có lòng vì tất cả chúng sinh vậy cũng tốt, song Tôi nhận thấy chúng sinh bị trần cấu che tôi, say mê, tài sắc, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ, tham dục, sân si, lòng dạ đen tối không có chút trí tuệ gì, vì thế tôi có ở đời cũng chỉ luống công thôi! Nên tôi muốn vào Niết Bàn là một sự an vui hơn.

Ông lại thưa rằng: – Kính lạy đức Thế tôn! Xin Ngài nhủ lòng thương đến con và tất cả chúng sinh trong cõi trời, cõi người, đương bị màn vô minh che tối, tìm ra không biết lối, ngày nay biển Pháp đã dấy, cơ Pháp đã dựng, thời đã tới, những chúng sinh có thể độ được, con xem số đó cũng khá đông nhiều. Vậy kính mong Ngài thi ân tế độ hoằng pháp lợi sinh.


QUYỂN 1

Phẩm Thứ Nhất: Phạm Thiên Thỉnh Pháp

CHÍNH tôi được nghe: Một thời Đức Phật ở nước Xá Vệ, tại đạo tràng Thiện Thắng. Cũng do lòng bi thiết cứu thế, hoằng pháp độ sinh, đã mất bao công gian khổ tu tập. Khi mới thành Phật, thấy vấn đề trên đối với tất cả chúng sinh khó, nên Ngài tự nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh mê tối thâm độc qúa, lòng dạ đảo điên, kiến thức hẹp hòi, chỉ mê theo những lối tà đạo, rất khó giáo hóa, ta có ở đời cũng vô ích, chi bằng ta vào cõi Vô Dư Niết Bàn là hơn”.

Khi đó ông vua cõi trời Phạm Thiên biết Ngài tự nghĩ như vậy, liền từ trên trời bay xuống tận nơi, tới trước làm lễ, rồi qùy gối chắp tay cung kính thưa với Ngài rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Vừa đây con được biết ý niệm của Ngài, vì thấy chúng sinh điên đảo khó giáo hóa, nên Ngài muốn vào Niết Bàn, vậy con tới đây xin cầu thỉnh Ngài ở lại truyền Pháp cho đời, khiến ánh sáng chân lý lan tràn khắp cõi nhân gian thiên thượng muôn loài được thấm nhuần đức hóa, thoát qua khỏi luân hồi sinh tử trong sáu thú, đời đời được an vui tự tại nơi Phật Quốc. Kính xin Ngài hoan hỷ nhận lời thành kính cầu thỉnh của con.

Phật dạy: – Ông có lòng vì tất cả chúng sinh vậy cũng tốt, song tôi nhận thấy chúng sinh bị trần cấu che tối, say mê, tài sắc, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ, tham dục, sân si, lòng dạ đen tối không có chút trí tuệ gì, vì thế tôi có ở đời cũng chỉ luống công thôi! Nên tôi muốn vào Niết Bàn là một sự an vui hơn.

Ông lại thưa rằng: – Kính lạy đức Thế Tôn! Xin Ngài nhủ lòng thương đến con và tất cả chúng sinh trong cõi trời, cõi người, đương bị màn vô minh che tối, tìm ra không biết lối, ngày nay biển Pháp đã đầy, cờ Pháp đã dựng, thời đã tới, những chúng sinh có thể độ được, con xem số đó cũng khá đông nhiều. Vậy kính mong Ngài thi ân tế độ hoằng pháp lợi sinh.

Kính lạy Ngài! Con nhớ cách đây vô số kiếp, cũng vì lũ chúng con nên Ngài từng góp nhặt, một bài kệ, cho đến một câu đạo, đến nỗi quên mạng sống, bỏ cả vợ con yêu dấu, hy sinh vì Phật pháp, một cách rùng mình sởn gáy, tất cả không ai làm nổi, được những hạnh của Ngài đã thực hiện, giờ đây Ngài đã thành tựu trên công cuộc tầm đạo giải thoát, chúng sinh như những áng cỏ trên mặt đất bao la bị sương mù phủ đậy đã lâu năm đương ngóc ngó ánh thái dương phản chiếu, để biến thành những bông hoa tươi đẹp. Kính lạy Ngài, xin chớ bỏ lũ chúng con để vào Niết Bàn.

Con lại nhớ kiếp qúa khứ cách đây đã khá lâu xa có một ông vua tên là Tu Lâu Bà ở Châu Diêm Phù Đề, cai trị tám mươi bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám mươi ức Tụ Lạc, hai vạn bà Phu nhân và một vạn quan Đại thần.

Đối với thời ấy, phúc đức và thế lực của vua Tu Lâu Bà không ai bì kịp, nhân dân thuở đó đức vua, được an lạc thái bình, mưa hòa gió thuận, vui sướng vô cùng vô tận!

Một hôm vua tự nghĩ rằng: – “Đối với vật chất ta đã giúp dân được đầy đủ, nhưng về tinh thần giải thoát cho con người chưa có. Nếu con người chỉ sống theo vật chất, sống theo tình dục, tâm như gỗ đá, tâm như cát sỏi tha hồ cho bốn tướng sinh, già, bệnh, chết lôi quanh, thì không khác chi thú vật, ăn no nằm mát, phơi mình trên đám phân tro, cho qua ngày đoạn tháng. Nhưng lẽ đó là lỗi ở ta, ta có trách nhiệm tìm đường giải thoát cho họ”.

Nghĩ thế rồi Ngài ra yết thị và báo cho thiên hạ biết rằng: “Nếu ai biết đạo giải thoát của Phật dạy nói cho ta hay, muốn dùng gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ”.

Tuyên lệnh đã lâu, nhưng không thấy ai đến nói, nhà vua luôn luôn mong mỏi, và tâm ý lúc nào cũng không được vui!

Sau đó ông Tỳ Sa Môn, là một ông vua cõi trời Tứ Thiên Vương thấy vậy bèn đến thử Ngài như sau.

Ông biến hình làm một con qủi Dạ Xoa, mặt xanh lè, mắt đỏ như huyết, răng to như quả chuối măn, mọc chìa ra ngoài, tóc dựng ngược, mồm phun lửa đến cung vua giựt lấy bảng rồi nói: – Các ông vào báo cho nhà vua biết, tôi có Phật Pháp, nhà vua muốn nghe, tôi sẽ giảng cho.

Quan Môn Giám nhận lời, vào tâu vua rằng:

– Tâu bệ hạ ngoài thành có một người hình thể khá sợ, tự nói có Phật Pháp, và xin nói cho bệ hạ nghe, việc đó thế nào xin cho hạ thần được rõ?

Nhà vua nghe nói, vui vẻ đội mũ mặc áo chỉnh tề, tự ra đón tiếp mời vào chánh điện và nhường ngồi trên ngai vàng, thết đãi một cách rất trọng hậu.

Sớm ngày mai nhà vua bày một tòa cao đẹp, trà nước xong xuôi, đánh trống ca nhạc rước Pháp sư thăng tòa thuyết pháp, Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Lúc đó có đông đủ quan quân, dân chúng, nhà vua ra lễ bái Pháp sư, rồi quỳ xuống xin Pháp sư thuyết pháp.

Pháp sư nói:

– Học pháp rất khó, ông muôn được nghe không phải dễ.

Nhà vua thưa rằng: – Kính thưa Pháp sư! Thương đến chúng tôi là kẻ ngu si, việc nghe Pháp phải đúng lễ thế nào, xin cho chúng tôi được rõ.

Pháp sư nói: – Nếu nhà vua đem vợ yêu con quí cho ta ăn, thì ta sẽ nói cho nghe.

Nghe xong nhà vua vui vẻ thọ giáo, bái tạ lui ra trở về cung gọi vợ con nói:

– Tôi xin nói để các người hay: vợ chồng cha con, yêu nhau trong vòng sinh tử, ân ái có ngày biệt ly, tôi muốn tìm con đường giải thoát, cho tôi và lũ ngươi, vì thế tôi muốn đem thân mạng của lũ ngươi dâng Pháp sư để cầu thành Phật; ý thế nào cho tôi được rõ?

Nghe xong hoàng hậu và thái tử liền quỳ xuống, xin tuân lời chỉ giáo.

Được sự đồng ý rồi nhà vua liền đem vợ con dâng Pháp Sư. Pháp sư nhận rồi, ngồi trên tòa cao, giữa đám hội đông người nghiểm nhiên ngồi ăn, nháy mắt đã ăn hết, mọi người thấy thế đều lắc đầu, lè lưỡi, kinh sợ hãi hùng.

Khi đó quần thần, dân chúng, thấy nhà vua hành động như vậy, ai nấy đều không bằng lòng, và cho nhà vua qúa ư mê chấp. Song họ có biết đâu nhà vua làm những việc mà người đời không ai làm được. Họ như con ếch nằm trong đáy giếng, chưa bao giờ nhìn thấy biển Đông. Sự nhìn xa trông rộng không phải kẻ phàm ngu có thể so sánh.

Tiếp đến Pháp Sư đọc bài thơ như sau:

Nhất thiết hành vô thường.

Sinh giả giai thị khổ!

Ngũ ấm không vô tướng.

Vô hữu ngã, ngã sở.

Nghĩa là:

Hết thảy đều vô thường,

Sinh ra tất phải khổ!

Năm ấm không có tướng.

Ta và của đều không.

Nhà vua nghe xong vui vẻ khôn xiết! Sai người chép lấy, để ban phát cho mọi người trong nước, bắt ai cũng phải tụng đọc.

Bấy giờ Pháp Sư (quỉ Dạ Xoa) thấy vua có vẻ bình thản như vậy, liền hiện lại nguyên hình, nói rằng: “Quí hóa nhà vua! Biết tôn trọng Chánh Pháp như vậy không bao lâu Ngài sẽ được thành Phât”. Nói xong, bỗng nhiên lại thấy phu nhân và thái tử hãy còn toàn vẹn.

Kính thưa Ngài! Vua Tu Lâu Bà thuở đó chính là ngài đẫy. Xưa kia Ngài đã hy sinh vì Pháp như vậy, sao nay Ngài nỡ bỏ chúng sinh để vào Niết Bàn?

Kính lạy Ngài! Lại một kiếp nữa, thuộc thời quá khứ, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Kiền Sá Ni Yết Lê, thống trị nhiều nước, tám vạn bốn ngàn Tụ Lạc, hai muôn Phu Nhân và thể nữ, một vạn quan Đại Thần. Nhà vua nhân hiền, yêu thương tất cả, nhân dân sung sướng, cây cỏ xanh tươi. Dân coi vua như một người cha lành.

Nhà Vua tự nghĩ như vầy: “Ta được địa vị cao sang, tôn trọng quý giá! Là do trước kia ta đã tạo nhân lành. Hiện nay nhân dân được an vui sung sướng! Tuy thế, chỉ an vui về vật chất, song vật chất có ngày hoại diệt, không phải một sự an vui lâu dài vĩnh viễn, muốn cho chính mình và tất cả chúng sanh, được an vui vĩnh viễn, ta phải tìm đạo giải thoát do Phật dạy mới có kết quả”.

Nghĩ thế rồi vua sai các quan viết bảng cáo thị, và truyền lệnh cho khắp trong nước biết: “Nếu ai có Diệu Pháp, nói cho ta nghe, ý muốn gì ta sẽ cung cấp cho đầy đủ”.

Sau có người Bà La Môn tên là Lao Độ Sai, đi tới nói rằng: – Tôi có Diệu Pháp, các ông vào báo cho vua biết.

Quan Môn Giám liền đem tin ấy vào tâu vua. Nhà vua nghe nói, ý rất vui mừng, mũ áo trang nghiêm, tự ra lễ bái, hỏi han ân cần trịnh trọng rồi mời vào trong chánh điện, bày giải một tòa cao đẹp, mời Pháp sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Vua và hai bên tả hữu chắp tay thưa rằng:

– Kính thưa Đại sư, được hạnh phúc cho chúng tôi nhiều lắm! Hôm nay Đại sư có lòng thương đến chúng tôi mà tới đây. Vậy kính xin thể lòng từ bi cao cả, thuyết Diệu Pháp cho chúng tôi được thừa thụ.

Lao Độ Sai đáp: – Ta có trí tuệ cũng phải mất bao công khó nhọc, tìm mãi ở phương xa, dầy công học tập, không phải là một việc dể dàng quá như vậy.

Nhà vua thưa: – Kính thưa Đại sư, ý Đại sư thế nào xin dạy bảo cho chúng tôi được rõ?

Lao Độ Sai nói: – Nhà vua muốn được nghe Pháp, thì phải khoét trên mình ra một ngàn lỗ, đổ dầu cho bấc, đốt lửa cúng dàng ta, thì ta sẽ thuyết cho nghe.

Nghe nói, nhà vua vui vẻ nhận lời xin khoét, và khất lại bảy ngày để báo cáo cho dân chúng biết, lời báo cáo như sau:

“Tất cả quốc dân nên biết: Vua Kiền Sà Ni Yết Lê sau bảy ngày nữa vì sự cầu đạo, sẽ khoét trên mình ra ngàn lỗ, đốt đèn cúng dàng Pháp Sư, ai muốn nghe, và xem sự hy sinh cúng dàng của nhà vua thì đến”.

Bấy giờ các ông vua nước nhỏ và nhân dân các nước, hay tin ai cũng buồn rầu, cùng nhau đến yết kiến và tâu rằng:

– Kính thưa Đại Vương! Tất cả muôn dân nhờ phúc đức của Đại Vương được an lạc thái bình, như kẻ mù được nhờ cây gậy, con dại ngóng mẹ hiền, nếu Đại Vương khoét mình đốt đèn, tất nhiên tuyệt mạng, thì muôn dân trông cậy vào ai? Xin không nên vì một người mà nỡ bỏ chúng sinh trong thiên hạ.

Sau đó hai muôn bà phu nhân, và năm trăm thái tử, một vạn Quan Đại Thần, tất cả đều can vua việc đó.

Nhà vua liền lớn tiếng nói:

– Các ông không nên cản trở tôi, tôi hy sinh thân này để nghe một câu đạo, sau này tôi thành Phật, tôi sẽ độ cho lũ các ông trước.

Họ thấy nhà vua khẳng khái như vậy, ai nấy đều tha thiết kêu van! Nhưng vua cũng quyết định không thay đổi ý kiến.

Hết hạn bảy ngày nhà vua tới trước Pháp sư làm lễ và thưa rằng:

– Kính thưa Đại sư, chúng tôi xin dốc lòng thành kính, theo lời chỉ giáo của Đại sư! Để bắt đầu khoét mình đốt đèn cúng dàng, xin Đại sư hoan hỷ!

Nói xong nhà vua sai khoét, nhưng không ai dám khoét. Sau đó có người Chiên Đà La đến khoét hộ cho vua, anh này khoét xong, vất dao xuống đất chạy mất, khi đổ dầu bỏ bấc xong mọi người coi thấy ai cũng rùng mình run sợ!

Nhà vua thưa rằng:

– Kính xin Đại sư thuyết pháp trước, sau sẽ đốt lửa, sợ mạng tôi tuyệt thì không nghe pháp.

Lao Độ Sai đọc bài thơ rằng:

Thường giả giai tận.

Cao giả tất trụy?

Hợp hội hữu ly

Sinh giả hữu tử.

Nghĩa là:

Thường rồi có hết,

Cao thì phải rơi,

Hợp rồi có tan,

Sinh thì có tử.

Đọc xong vua sai đốt lửa, trong khi lửa cháy dữ dội, vẻ mặt nhà vua vẫn nghiễm nhiên tươi tỉnh, không hề biến sắc. Ngài tự phát thệ rằng:

– Tôi chịu đau khổ để cầu nghe đạo giải thoát, nguyện đem công đức này hướng về Phật qủa, sau khi được thành, tôi sẽ lấy trí tuệ quang minh, phá ngu si hắc ám cho tất cả chúng sinh.

Nói dứt lời, thì trời đất tự nhiên chuyển động, tới cõi trời Tịnh Cư. Khi đó các người cõ Trời ngó xuống xem, thấy một vị Bồ Tát đốt mình làm đèn cúng dường Pháp Sư để nghe pháp, một cách rùng rợn! Họ bay xuống đứng kín cả hư không, ví sự cảm động quá! Nên nhiều người sa nước mắt roi xuống thành mưa, đồng thời họ lại tung hoa xuống để cúng dàng. Vua Đế Thích đến tận nơi, tới trước khen và hỏi rằng:

– Nhà vua đau khổ như vậy thì có hối hận gì không?

Nhà vua đáp: – Thưa không!

Đế Thích nói: – Tôi thấy nhà vua run rẩy không yên như vầy, tự nói không hối, lấy gì chúng cớ biết rõ được?

Đế Thích nói dứt lời, thì Ngài tự thề rằng:

– Nếu tâm tôi thủy chung như một, không hối hận gì, thì xin lỗ trên mình tôi, lại được bình phục như cũ.

Vì lòng chân thực cầu đạo pháp tha thiết, cảm động mười phương, nên những lỗ trên mình tự nhiên lại được bình phục như cũ, thân thể lại tốt lành hơn xưa.

Kính lạy Ngài! Ông vua khoét mình đốt đèn để cầu đạo thuở đó, chính là Ngài đấy. Ngài đã cực khổ cầu Pháp như vậy, tới nay đã đầy đủ, tại sao không thuyết Pháp? Vào Niết Bàn làm chi, để chúng sanh mất con mắt quang minh trí tuệ?

Kính lạy ngài! Lại một đời quá khứ nữa, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một ông vua, tên là Tỳ Lăng Yết Lê thống trị được nhiều nước, tám vạn bốn ngàn Tụ Lạc, hai muôn bà Phu Nhân và thể nữ, năm trăm Thái Tử, một vạn quan Đại Thần. Nhà vua có đức nhân, coi dân như con đẻ, lại ham nghe chánh pháp, nên sai quan Đại Thần tuyên lệnh cho toàn quốc biết như sau:

– Thông cáo cho toàn quốc biết: Hoàng Thượng muốn được nghe Phật Pháp, ai biết đến nói cho ngài nghe, Ngài sẽ trọng thưởng tùy ý muốn.

Cách thời gian lâu, có một người dòng Bà La Môn, tên là Lao Độ Sai tới cung môn nói: – Tôi là người đã từng nghiên cứu và tu tập giáo lý của Phật đã lâu, xin ông hãy vào tâu Hoàng Thượng cho.

Theo lời yêu cầu của Lao Độ Sai, quan Môn Giám vào tâu vua.

Nhà vua được tin rất vui vẻ, đội mũ mặc áo trang nghiêm, thân ra cổng thành, trịnh trọng chào hỏi, rồi mời vào trong chánh điện, thiết đãi trọng hậu. Sớm ngày mai vua sai bày một tòa cao đẹp, thỉnh Pháp sư thăng tòa ngồi yên tĩnh.

Nhà vua và bá quan, nghiêm chỉnh thân tâm, tới trước Pháp Sư cúi đầu lễ lạy, rồi qùy xuống thưa rằng: – Kính thưa Đại Sư phát tâm từ bi, thuyết pháp cho chúng tôi được thừa ân công đức!

Lao Độ Sai đáp: – Sự hiểu biết của ta đây, là do ta chịu khổ đã lâu năm, đi tìm học ở bốn phương xa mới được; nhà vua coi sự học một cách dễ dàng quá!

Nhà vua toát mồ hôi, một lòng kính cẩn thưa rằng:

– Kính thưa Đại sư! Việc nghe đạo phải đúng quy tắc thế nào? Chúng tôi là kẻ trần tục phàm phu, không biết sự lễ Pháp bao giờ, xin Đại sư chỉ dạy cho?

Đáp: – Nhà vua có thể đóng lên mình một ngàn cái đinh sắt, được như vậy ta sẽ thuyết pháp cho nghe.

Nhà vua thưa: – Dạ! Xin tuân lời dạy bảo của Đại sư, và xin ngài cho lui lại bảy ngày, để báo cáo cho dân biết.

Nói xong lễ tạ lui ra, lời báo cáo như sau:

– Tất cả toàn quốc nên biết, tôi là Nhân Chúa Tỳ Lăng Yết Lê, vì muốn được đạo giải thoát cho chính tôi, và toàn thể, nên tôi đóng đinh trên mình một ngàn cái, cúng dàng Pháp sư, quốc dân ai muốn biết sự thực hành của tôi, sau bảy ngày nữa xin mời đến.

Dân chúng được tin nhà vua đóng đinh trên mình, để cầu nghe giảng đạo. Họ nô nức kéo nhau đến kinh thành rất đông, sau đó một số đại biểu của dân chúng lên tâu vua rằng:

– Kính tâu Hoàng Thượng! Lũ chúng tôi thay mặt cho toàn thể quốc dân, đến đây kính mừng Thánh thượng, thọ lạc thiên thu, hưởng phúc lâu dài chúng tôi tự biết, nhờ ơn đức Hoàng Thượng nên được thái bình an lạc, cúi xin thương đến toàn thể quốc dân, miễn bỏ sự đóng đinh trên mình.

Sau đó, tiếp đến Phu nhân, thể nữ, thái tử, quan đại thần cũng đồng thanh tâu vua xin miễn bỏ việc đó.

Nhà vua đáp: – Tôi nhận thấy đã bao kiếp tới nay, bị sống thác trong vòng sinh

tử luân hồi, thân mạng đã mất đi vô số; những thân mạng ấy cũng chỉ đeo những tấm lòng tham dục, giận tức, ngu si, nhìn lại số xương thịt trong những kiếp sinh tử ấy, có thể chất cao hơn núi Tu Di, đầu rơi máu chảy ra nhiều hơn nước sông lớn; nước mắt khóc người thân nhiều hơn nước bốn bể; những thân mạng sống chết đó, chẳng qua cũng chỉ uổng mà thôi, chưa từng bao giờ vì đạo pháp má hiến thân. Tôi đóng đinh cúng Pháp Sư để cầu thành Phật, sau khi thành Phật, tôi sẽ lấy trí sáng suốt để trừ diệt bệnh kết sử của lũ các người, và đưa dắt các người lên đường giác ngộ giải thoát thành Phật, một việc ích lợi chung cho toàn thể chúng sinh, can tôi làm chi?

Theo lời nhà vua tuyên bố, mọi người ai nấy đều im lặng, không dám nói năng gì hết.

Tới giờ phút này nhà vua đến trước Pháp sư thưa rằng:

– Kính xin Đại Sư ra ân, thuyết pháp trước đóng đinh, nếu đóng trước, thì tôi sẽ chết không được nghe.

Đại Sư đọc bài thơ rằng:

Nhất thiết giai vô thường,

Sinh giả giai hữu khổ!

Chư pháp không vô chủ.

Thực phi ngã sở hữu

Nghĩa là:

Tất cả đều vô thường

Sinh ấy đều có khổ!

Các pháp không có chủ.

Thực chẳng phải ta có.

Pháp Sư đọc xong, nhà vua vui mừng, sai người viết lấy bài thơ ban bố cho quốc dân, bắt ai cũng phải tụng đọc.

Giờ phút bắt đầu, nhà vua sai người đóng đinh, thì tất cả các ông vua nước nhỏ, và quân thần, dân chúng trong đại hội, đều gieo mình xuống đất than thở. Trời đất chấn động sáu lần, các ông thiên tử trên trời bay xuống, thấy ngài hy sinh cầu đạo như vậy, ai nấy đều cảm động, rơi lệ chứa chan, một lòng tôn kính tung hoa xuống cúng dàng. Vua Đế Thích xuống tận nơi hỏi rằng:

– Nhà vua quyết liệt tâm chí, cầu đạo không tiếc mạng sống như vậy, để nguyện đời mai sau làm gì? Làm Đế Thích ư, làm Chuyển Luân Vương ư, làm Ma Vương, Phạm Vương ư?

Đáp: – Thưa Ngài! Tôi quên mình để cầu đạo giải thoát của Phật, để cầu làm Phật, và tế độ cho chúng sinh cũng được giải thoát, chứ tôi không cầu phúc báo ở ba cõi sinh tử, như Đế Thích, Chuyển Luân Vương, Ma Vương hoặc Phạm Vương.

Đế Thích hỏi: – Tôi coi nhà vua đau đớn như thế, thì tâm có hối hận gì không?

Đáp: – Không!

Đế Thích hỏi: – Ngài nói không thì lấy gì chứng tỏ?

Nhà vua liền lập thệ thư sau:

– Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai chư Phật, tôn Pháp, Bồ Tát Hiền Thánh Tăng tác đại chứng minh, con chí thành cầu Bồ đề, nếu tâm không hối hận, thì thân thể lại được bình phục như củ.

Phát thệ dứt lời, thì những cái đinh bật hết ra ngoài, thân thể quả nhiên lại được bình phục như cũ.

Khi đó tất cả trời, người và quan quân, dân chúng chứng tỏ tâm của Ngài thành thật cảm ứng như vậy, ai nấy đều vỗ tay vui mừng không tả xiết!

– Kính lạy Ngài! Ông vua đóng đinh trên mình thuở đó, chính là Ngài đấy! Tâm Ngài lớn như biển cả, rộng như hư không, đã phá tan những tập kiến chúng sinh, chúng đương ngoai ngáp trong chốn bùn lầy, nghẹt thở nơi hang tối. Kính lạy Ngài chớ bỏ đàn con đau khổ mà vào Niết bàn.

– Kính lạy Ngài! Lại một kiếp nữa, thuộc thời qúa khứ đã quá lâu, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Phạm Thiên, sinh được một thái tử tên là Đàm Ma La Kiềm.

Thái tử có trí tuệ khôn sáng, ưa ở nơi thanh vắng, ít sự xa hoa dục vọng, có tính tìm tòi chân lý, ham nghe chánh pháp, nên thường sai người đi khắp đông tây, kiếm thầy học đạo, đã nhiều lần, nhưng không gặp được một ai là người có chánh pháp giải thoát. Trong thời gian tìm thầy chưa được, Thái tử thấy luôn luôn khổ não, làm cho không lúc ngớt ý nghĩ nói trên.

Bấy giờ vua Đế Thích biết Thái tử lòng thành như vậy, liền hóa thân làm người dòng Bà La Môn, đi đến kinh thành, tới chỗ đông người nói rằng:

– Các bạn nên biết, tôi là người hiểu biết Phật Pháp, nếu bạn nào muốn nghe, tôi sẽ giảng giải cho.

Họ liền đến mách bảo Thái tử, ngoài thành có người tự xưng hiểu giáo lý đạo Phật.

Thái tử được tin thấy lòng vui sướng vô cùng, vào phòng đội mũ tề chỉnh, và đem một số người theo hầu, ra tiếp đón Pháp sư, lễ bái, hỏi han rồi mời vào trong cung nơi biệt thự, thết đãi trịnh trọng.

Sớm ngày mai trà nước xong xuôi, vầng thái dương mới nhôn khỏi núi ánh bình minh vừa tỏa khắp cõi không gian, bầu trời yên lặng, thanh khí ôn hòa! Thái tử sai người bày tòa giảng thuyết, Pháp Sư lên tòa ngồi yên tĩnh. Thái tử tới trước lễ bái, quỳ gối chắp tay thưa rằng:

– Kính thưa Đại Sư, chúng tôi bị những bức thành mờ tối vô minh dục vọng đã bao kiếp, là do không được gặp chánh pháp của Như Lai, chúng tôi thành kính trước ngài, ngửa mong từ bi giảng thuyết, để cho hết thảy được ân triêm đức hóa?

Đại sư nghiêm nét mặt đáp:

– Học đạo không phải một việc dễ, ta đã biết bao công trình tìm thấy tu học, mới được hiểu biết. Người chưa chút khó nhọc, nay muốn được nghe ngay, thực là coi sự học đạo dễ dàng quá.

Thái tử thưa rằng: – “Kính thưa Đại Sư! Từ thân tôi cho đến vợ con tôi, vàng bạc châu báu, Đại Sư dạy bảo thế nào, chúng tôi xin tuân mệnh không dám trái ý”.

– Đại sư đáp: “Muốn nghe pháp, Thái tử hãy đào một hố lớn, sâu chừng mười trượng, ở dưới đốt than cho thật đỏ hồng, rồi Thái tử nhảy vào hố lửa ấy, cúng dàng ta, thì ta sẽ thuyết pháp.

Thái tử nói: – Dạ xin tuân lời dạy của Đại Sư.

Sau khi Thái tử sai người đào hố thì nhà vua biết tin. Từ vua cho đến tất cả mọi người trong Hoàng cung ai ai cũng lo phiền, và khuyên can, nhưng Thái Tử quên mình vì sự cầu đạo giải thoát, nên không nghe theo những lời khuyên can ấy.

Sau nhà vua và các quan đều thưa với Đại Sư rằng:

– Kính thưa Đại Sư! Thương đến lũ tôi, để miễn bỏ việc Thái tử nhảy xuống hố lửa, ngoài ra Đại Sư muốn dùng gì chúng tôi xin dâng.

Đại Sư đáp: – Việc đó tùy ý Thái tử, ta không bó buộc, đúng thế thì ta thuyết pháp, bằng không thì thôi!

Nhà vua thấy tâm địa của Đại Sư khẳng khái quá, nên ngài cũng vái chào rồi trở ra về, không nói năng gì nữa.

Trở về nhà vua sai người đi thông báo cho quốc dân biết rằng:

Lời thông báo như sau: – Tất cả quốc dân nên biết, sau bảy ngày nữa Thái tử vì sự nghe đạo, nên xả thân, nhảy xuống hố lửa, ai muốn thấy việc đó, thì lại sớm nơi đây.

Nhân dân được tin Thái tử nhảy xuống hố lửa, họ nô nức kéo nhau đi đến kinh thành đông như hội, sau đó một số Đại biểu của nhân dân, tới thưa với Thái tử rằng:

– Kính thưa Thái tử: Lũ chúng tôi hay tin Ngài vì sự nghe đạo nhảy xuống hố lửa, lợi ích chưa thấy đã thấy sự tang thương cho quốc dân! Vậy kính mong Ngài miễn bỏ việc đó, để cho quốc gia được an lạc.

Thái tử đáp: – Các ông lẳng lặng để nghe tôi nói, thiệt hại hay lợi ích. Nhận thấy con người sống thác từ đời vô thủy cho tới ngày nay, không số tính, chết cõi này sinh cõi kia luân chuyển như bánh xe quay không mối. Trong loài người vì lòng tham dục, nên giết hại lẫn nhau; trên cõi trời khi hết tuổi thọ, thì lo về mất sự dục lạc; nơi địa ngục lửa đốt suốt ngày đêm, nào nước sôi, búa chém, dao đâm, núi dao, rừng kiếm, hành phạt con người vô cùng thảm khốc, trong một ngày chết đi sống lại biết bao lần, sự hình ngục không thể giải bày cho xiết. Cái khổ trăm thứ tên độc xiên dùi vào mình loài ngạ quỉ. Cái khổ kéo cày chở nặng loài súc sinh, sau lại dâng thân cho người ăn thịt, những nỗi khổ như thế, khó nói hết trong những kiếp đã chịu đoạ đày, xét lại những thân mạng ấy chỉ uống mà thôi, có làm được một việc gì về vấn đề giải thoát cho chính mình và chúng sinh trong pháp giới, ai đã biết đem thân ấy chết về việc nghe đạo bao giờ. Ta đem dâng thân này, cúng dàng để nghe đạo giải thoát, sau thành Phật, ta sẽ đem lại cho lũ các ông năm phận pháp thân, can chi phải ngăn cản công việc ta đã quyết định làm.

Mọi người nghe Thái tử nói xong, ai nấy đều nín thinh, không dám trả lời sao hết.

Khi sắp nhảy xuống hố lửa Thái tử nói:

– Kính thưa Đại Sư! Xin thuyết pháp trước khi tôi nhảy xuống hố.

Đại Sư đọc bài thơ như sau:

Thường hành ư từ tâm,

Trừ khứ khuế, hại tưởng.

Đại bi mẫn chúng sinh!

Căng thương vị vũ lệ!

Tu hành đại hỷ tâm,

Đồng kỷ sở đắc pháp.

Cứu hộ dĩ đạo ý

Nãi ưng Bồ Tát hạnh.

Nghĩa là:

Thường làm theo tâm từ

Trừ bỏ tưởng, giận hại.

Đại bi thương chúng sinh!

Quặn lòng rơi nước mắt!

Tu làm tâm đại hỉ,

Với mình cùng đắc pháp,

Cứu giúp bằng đạo lý,

Ấy là hạnh Bồ Tát.

Khi sắp gieo đầu xuống hố lửa thì vua Đế Thích và vua Phạm Vương chạy lại cầm tay hỏi gạn rằng:

– Thái tử hãy khoan, để tôi nói chuyện đã: Một ông vua có đức nhân, thì muôn dân được an lạc! Chúng tôi nhận thấy Thái tử là người đức tầy bốn biển, Phụ Hoàng yên lòng có người nối trị nuôi dân, hà tất vì một câu đạo mà bỏ tất cả chúng sinh trong thiên hạ, theo ý chúng tôi thì không nên quá ư thiên chấp như vậy.

Thái tử đáp lời rằng:

– Thưa quý Ngài! Tôi nhận thấy phần nhiều người, chỉ biết lúc an vui, chớ không lo một ngày gặp tai nạn! Chỉ biết cái sống hôm nay mà không sợ cái chết của ngày mai. Sở dĩ tôi làm một việc có thể an vui mãi mãi, cho chúng tôi và tất cả chúng sinh, chứ không phải tôi không biết thương chúng sinh! Quý Ngài không nên cản trở đạo tâm cao cả của tôi làm gì.

Nói xong Thái tử nhảy xuống hố lửa! Tự nhiên trời đất chuyển biến làm cảm động cả thiên cung. Khi đó mọi người đều sa nước mắt, cũng có người lên tiếng khóc thương! Giờ phút đương làm cho mọi người khủng hoảng, thì hố lửa ấy tự nhiên biến thành một ao sen, mùi hương thơm ngào ngạt, những làn gió thổi mát, thấu đến tâm phủ của mọi người, họ nhìn vào thấy Thái tử ngồi trên đài sen, ai nấy đều vui mừng không tả xiết. Lúc đó hoa trên trời bay xuống như mưa. Vua Đế Thích, vua Phạm Thiên cũng phải cất tiếng khen rằng:

– Quý hóa! Cầu đạo như vậy, sau này quyết định thành Phật.

Kính lạy Ngài! Nhà vua thuở đó nay là thân phụ Ngài (Tịnh Phạn Vương), bà Hoàng hậu thuở đó nay là thân mẫu Ngài (Ma Gia), Thái tử nhảy xuống hố lửa chính nay là Ngài, cũng vì thương chúnh sinh, cầu pháp như ngài đó, nay đã thành công, cúi xin Ngài từ bi thuyết pháp, tế độ quần sinh qua nơi biển khổ!

Kính lạy Ngài! Lại một đời quá khứ nữa, tới nay vô lượng kiếp, cũng Châu Diêm Phù này có một nước tên là Ba La Nại, nước ấy có năm trăm vị Tiên sĩ tu trong núi, ông Uất Đà La làm thầy các vị Tiên này, tuy ông tu theo Tiên đạo, nhưng ông hằng mong được gặp chánh pháp của Như Lai (Phật), ông đã từng đi khắp bốn phương trời, và thông báo cho thiên hạ biết rằng:

– Tôi Đại Tiên sĩ rất muốn được nghe chánh pháp của đức Như Lai, ai biết nói cho tôi nghe, nếu muốn dùng gì tôi xin dâng biếu.

Khi đó có một người dòng Bà La Môn tới chỗ ông nói rằng:

– Nghe biết Tiên sĩ muốn tìm hiểu chánh pháp của Như Lai, chính tôi là người hiểu biết giáo pháp của Như Lai, nếu Ngài muốn học hỏi, tôi sẽ thành thực giảng thuyết, nhưng nghe là một việc rất khó.

Đại Tiên thưa: – Kính thưa Đại sư việc nghe pháp phải thế nào xin Ngài dạy bảo cho?

Đáp: – Ngài có thể lột da của Ngài để làm giấy; chẻ xương của Ngài dùng làm bút; lấy máu của Ngài để làm mực viết lấy giáo pháp của Như Lai, thì tôi sẽ thuyết cho Ngài nghe.

– Dạ, rất đa tạ Đại Sư, chúng tôi xin tuân lời của Đại Sư dạy.

Nói dứt lời ông sai người lấy dao lột da, chẻ xương, lấy máu thực sự, làm xong ông ngửa mặt thưa rằng:

– Dạ, kính xin Đại Sư đọc để chúng tôi tiện viết ạ!

Đại sư đọc bài thơ rằng:

Thường đương nhiếp tâm hành

Nhi bất sát, đạo, dâm;

Bất lưỡng thiệt ác, khẩu,

Vọng ngôn, cập ỷ ngữ.

Tâm bất tham chư dục;

Vô sân, khuể, độc tưởng;

Xả ly chư tà kiến.

Thị vi Bồ tát hạnh.

Nghĩa là:

Thường phải nhiếp tâm hành.

Mà không sát, trộm, dâm,

Không hai lưỡi, nói ác;

Nói dối, nói đơm đặt,

Tâm không tham mọi dục;

Không sân giận, độc tưởng;

Xa lìa mọi tà kiến:

AṠlà hạnh Bồ tát.

Đại Sư thuyết xong thì Ngài viết cũng vừa xong. Từ đó Ngài dùng bài thơ này đi khắp nhân gian để dạy bảo cho mọi người biết lối tu hành. Những người được hàm ơn Ngài giáo hóa, khi mạng chung được thoát khỏi ba đường ác sinh lên cõi Trời, cõi Người, hương phúc vô cùng vô tận.

– Kính lạy Ngài! Ông Tiên ngày đó chính là Ngài đấy, Ngài đã vì chúng sinh cầu học đạo một cách khổ cực đến như vậy, tại sao lại bỏ để vào Niết Bàn mà không thuyết pháp?

– Kính lạy Ngài! Lại một thời quá khứ nữa, cũng Châu Diêm Phù Đề này, có một ông vua tên là Thi Tỳ, ở thành Đế Bà Bạt Đề, dân nước lúc đó giàu thịnh vô cùng. Nhà vua thống trị tám vạn bốn ngàn nước nhỏ, sáu muôn núi sông, tám ngàn ức dân ấp. Nhà vua có hai muôn bà phu nhân và thể nữ, năm trăm Thái tử, một vạn quan Đại thần. Vua có hạnh từ bi, thương dân như con đỏ.

Trên Trời lúc ấy, Vua Đế Thích gặp lúc năm đức ly thân, sắp tới ngày tận số (chết) khí sắc ông lúc nào cũng âu sầu, ông Tỳ Thủ Yết Ma thấy thế, bèn hỏi rằng:

– Tâu Bệ hạ! Hồi này Hạ thần coi khí sắc của Bệ hạ kém xưa nhiều lắm, chẳng hay có chuyện chi, xin nói cho Hạ thần được rõ.

Đế Thích đáp: – Khanh không biết hay sao? Hoa trên đầu ta đã héo, tử chứng đã xuất hiện, mạng sống chẳng còn được là bao, hiện nay ở thế gian không có giáo pháp của Như Lai, ta không biết qui hướng về đâu nên ta buồn!

Ông Tỳ Thủ Yết Ma thưa rằng: – Tâu Bệ hạ hiện nay ở thế gian thuộc Châu Diêm Phù có một ông vua tu theo hạnh Bồ tát, tên là Thi Tỳ, tâm ý bền vững và tinh tiến lắm, sau này quyết định thành Phật, xin Bệ hạ tới đó quy y, thì lai sinh sẽ được đầy ý nguyện, đầy vẻ tôn vinh trên cõi nhân, thiên, hoặc xuất thế gian”.

Vua Đế Thích nói: – Nếu như qủa như lời của khanh nói, thì may cho ta lắm, nhưng phải thử xem hư thực thế nào. Vậy khanh hóa làm con chim Bồ Câu, ta hóa làm chim Cắt, khanh bay trước ta bay sau, khi tới nơi khanh bay vào lòng nhà vua, và yêu cầu vua cứu, còn ta đến sau ta sẽ đòi trả để ăn thịt, xem nhà vua giải quyết thế nào.

Tỳ Thủ Yết Ma nói: – Tâu Bệ hạ! Bồ tát là người từ bi phúc đức, chúng ta nên cúng dàng, và ủng hộ là phải, chứ không nên làm những sự đau khổ đến Bồ Tát.

Vua Đế Thích liền đọc bài thơ đáp rằng:

Ngã diệc phi ác tâm,

Như trân bảo ưng thí.

Dí thử thí Bồ tát,

Tri vi chí thành phủ?

Nghĩa là:

Ta cũng chẳng ác tâm.

Nếu thực vàng nên thử.

Để thử Bồ tát xem,

Có thực chí thành không?

Vua Đế Thích đọc xong, bắt đầu Tỳ Thủ Yết Ma hóa làm chim Bồ Câu bay trước, Vua Đế Thích hóa làm chim Cắt bay sau. Khi tới cung thành, chim Bồ Câu bay thẳng vào lòng nhà Vua tỏ vẻ sợ hãi, rồi kêu Vua cứu. Chim Cắt bay tới sau, đứng ở trên điện nói:

– Tâu Bệ hạ! Xin Ngài trả lại cho tôi con chim Bồ Câu ấy?

Đáp: – Trả cho ngươi để làm chi?

Tâu Bệ hạ! Nó là món ăn của tôi, tôi đương đói trả để tôi ăn.

Đáp: – Ta có nguyện cứu tế cho muôn loài, nó đã lại đây với ta thì ta không trả đâu.

– Tâu Bệ hạ! Ngài tự nói cứu tế cho muôn loài, mà cướp món ăn của tôi, thì tôi phải chết đói, đối với tôi không phải là một trong muôn loài hay sao!

Đáp: – Ngươi đói thì có thể dùng thứ thịt khác được không?

– Tâu Bệ hạ! Vâng! Cũng được nhưng phải cho tôi thứ thịt hãy còn tươi, máu hãy còn nóng, thì tôi dùng.

Nhà Vua thầm nghĩa: – Nếu thế thì phải giết một con vật khác; nhưng nếu giết một con, cứu một con cũng vô ích, chi bằng ta cắt thịt của ta thay thế cho nó là hơn.

Nghĩ xong lấy dao cắt một miếng thịt đùi ra trao cho chim Cắt và nói rằng:

– Đây! Ngươi dùng miếng thịt của ta để thay chết cho Bồ Câu.

Chim Cắt ra cách không hài lòng nói:

– Tâu Bệ hạ! Ngài đã mang danh là vị Đại Thí chủ, đã dùng con mắt bình đẳng đối với tất cả, tôi đây tuy là một con chim nhỏ thực, nhưng nếu theo sự công bình, thì Ngài phải bắt cân để chim một bên thịt một bên; thịt và chim bằng nhau thì tôi sẽ nhận.

Theo lời chim nói có lý phải, nên nhà vua sai người bắt cân, để chim một bên để thịt nhà vua một bên, bắt đầu để một miếng hãy còn nhẹ, lại cắt thêm miếng nữa, vẫn thấy còn nhẹ, dĩ chí nhà vua cắt hết một vế đùi, nhưng vẫn nhẹ như thường, sau cắt hết hai vế đùi, cho đến hai cánh tay, hai bạng mỡ, song vẫn còn nhẹ sau róc hết các thớ thịt ra để lên cũng vẫn còn thấy nhẹ, chim vẫn nặng hơn, nhà vua liền đứng dậy để bước lên bàn cân, thì đau quá, khí lực đã hết nên Ngài ngã lăn đùng xuống đất, mê mệt không biết gì, giờ lâu tỉnh lại, thầm nghĩ rằng:

– Ta từ bao kiếp đến nay, cũng chỉ vì có thân này, mà làm cho ta khốn khổ, nổi chìm trong ba cõi, trôi dạt trong sáu thú, cũng do tham thân sống, tiếc thân sống, nuôi nó bảo thủ nó, gìn giữ nó, yêu quí nó, vì nó mà làm hại biết bao sinh mạng khác, nhưng trái lại rồi một ngày gần đây nó lại tan không, hòa đồng với đất, nước, cây cỏ, chưa bao giờ vất nó đi, để hy sinh mà cứu chúng sinh, vậy ta phải tiến lên để đập tan những bức thành ngã chấp từ bao kiếp tới nay, để đạt tới pháp thân bất diệt.

Nghĩ xong liền ngồi dậy cố gắng đứng lên bàn cân nhìn vẻ mặt vẫn vui tươi!

Bấy giờ trời đất tự nhiên chuyển động sáu lần, thiên cung nghiêng ngả, có rất nhiều người ở các cõi trời bay xuống xem, họ nhận thấy một ông vua, quên mình để cứu một con vật, tất cả nhân gian thiên thượng, chưa từng ai làm nổi, họ đều cảm động rơi lệ chứa chan, và tung các thứ hoa xuống cúng dàng.

Đối với lòng đại bi cứu sinh một cách dũng mãnh như vậy, vua Đế Thích cũng phải cảm phục và hiện lại nguyên hình rồi nói rằng:

– Kính thưa Ngài! Tôi thấy Ngài làm hạnh Bồ tát, nên tôi tới đây để thử Ngài đấy thôi, chính tôi đây là Đế Thích Vương là chúa cõi trời Đao Lợi. Nhưng xin hỏi Ngài: Ngài làm những việc mà người đời không làm nổi như vậy, để cầu làm gì? Làm Đế Thích hay làm Chuyển Luân Thánh Vương?

Nhà vua đáp: – Thưa Ngài tôi nguyện đem lòng từ bi cứu hộ chúng sinh để cầu thành Phật, chứ không có ý cầu làm Đế Thích hay Chuyển Luân Thánh Vương mong hưởng những thú vui trong ba cõi.

Vua Đế Thích nói: – Nhà vua cắt thịt đau đớn như vậy, thì tâm có phàn nàn gì không?

Đáp: – Thưa không!

Vua Đế Thích nói: – Nhà vua nói không, việc đó thì ai biết? Tôi coi thân thể nhà vua run rẩy như vậy, khí sắc đã gần tuyệt, tự nói không thì lấy gì làm bằng?

Đáp: – Trước mặt Ngài tôi xin có một cụ thể để chứng tỏ lòng thành của tôi, nói xong Ngài lập thệ rằng:

– Kính lạy thập phương Đại Giác tam thế Hùng Sư! Nếu con chí thành cầu đạo! Xin cho con lại được bình phục như cũ.

Thệ dứt lời, nhà vua lại được lành mạnh như cũ, những vết thương tiêu tan, da dẻ lại tươi sáng hơn xưa.

Bấy giờ tất cả trời người phàm thánh ai nấy đều tắc lưỡi bái phục tâm chí thành của nhà vua, và coi như một việc chưa từng có, thảy đều kinh sợ vui mừng!

– Kính lạy Ngài! Vua Thi Tỳ thuở đó chính là Ngài đấy, Ngài đã vì chúng sinh chịu cực khổ như vậy! Giờ phút này chúng sinh đương bị chìm đắm trong bể sinh tử luân hồi; phơi thây trong rừng tà kiến, dục vọng! Ngóc đầu lên không ai vớt, gào kêu không kẻ chỉ đường. Kính xin Ngài từ bi cứu tế thuyết pháp độ sinh, khiến cho khắp nhân thiên, phàm thánh được mong ân đức hóa.

Vua Phạm Vương đứng trước đức Phật tán dương công đức, và tha thiết cầu thỉnh Ngài thuyết pháp độ sinh một cách thành thực, nên đức Phật hứa lời ông thỉnh.

Đầu tiên Ngài đến nước Ba La Nại thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển độ cho nhóm ông Kiều Trần Như năm người. Ngôi Tam Bảo từ đấy mới xuất hiện ở thế gian.

Phẩm Thứ Nhì: Thái Tử Ma Ha Tát Đỏa Đem Thân Cho Cọp Ăn

Chính tôi được nghe: Một lần Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái Tử Kỳ Đà.

Tới thời khất thực, đức Phật mặc áo mang bát và tôi (Át Nan) đi theo hầu. Khi vào tới thành gặp một bà lão và hai cậu con trai; hai cậu này trộm cắp ngang tàng, không có nhân cách. Giữa hôm ấy sa lưới chánh quyền bị đem đi xử tử.

Giờ phút hãi hùng này thì tôi và Phật vừa tới, ba mẹ con đều cúi đầu lễ Phật và kêu Phật cứu mạng. Phật bèn sai tôi (Át Nan) đến xin vua tha cho, sau khi tôi đến nói với nhà vua, vì có lời Phật đến để xin vua phóng thích cho ba mẹ con bà lão, nên nhà vua tuân lời dạy tha cho tội chết.

Mong ơn cao cả của đức Phật, ba mẹ con bà này đến tạ ơn, tới nơi cúi đầu làm lễ và bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Mong ơn sơn hải mẹ con được thoát chết, không biết lấy gì để đền đáp ơn đức cao dầy ấy. Kính lạy Đức Thế Tôn, mẹ con một lònh thành kính cúi đầu bái tạ, xin từ bi hoan hỷ nhận tấm lòng thành kính của mẹ con chúng con.

Phật dạy: – Quý hóa! Tội phúc do mình tạo tác gây nhân kết qủa, từ nay chăm tu thiện nghiệp, lai sinh hưởng phúc lâu dài.

– Dạ, kính lạy Đức Thế Tôn! Mẹ con xin tuân lời chỉ giáo! Và xin cho cả ba mẹ con chúng con được nhập đạo tu hành.

Phật dạy: – Quý hoá! Muốn trút bỏ những trần duyên ràng buộc của thế tục, để tìm đường giải thoát thì ta cũng cho.

Nói xong ngài gọi lên rằng: – Thiện Lai Tỳ Khưu!

Ngài gọi xong, cả ba mẹ con, tự nhiên rụng tóc, áo mặc tại mình biến thành áo cà sa, lòng tin vững chắc, sau khi nghe Phật thuyết pháp, những trần cấu phiền não đều tiêu mất, tâm ý sáng tỏ, hiểu thấu đạo chân thật. Lúc đó hai người con được chứng quả A La hán, còn người mẹ chứng quả A Na Hàm.

– Thấy việc như thế tôi (A Nan) cũng khen ngợi, và cũng lấy làm kỳ ngộ, không biết nhân duyên của ba mẹ con người này, đời trước thế nào? Nên tôi quỳ xuống bạch Phật răng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Không hay ba mẹ con người này, đời trươc có phước gì, nay được gặp Ngài cứu cho thoát nạn, hơn nữalại được chứng đạo Niết bàn? Xin nói cho chúng con được rõ nguyên nhân.

Phật dạy: – A Nan! Ông hãy để ý nghe Ta nói.

Dạ, con xin chú ý nghe.

A Nan! Ông nên biết, cách đây đã vô số kiếp, ở Châu Diêm Phù Đề này có một ông vua tên là Ma Ha La Đàn Na, cai trị ba ngàn nước nhỏ, vua có ba người con trai, người thứ nhất tên là Ma Ha Phú Na Binh ; người thứ hai tên là Ma Ha Đề Bà ; người thứ ba tên là Ma Ha Tát Đỏa.

Người con thứ ba Ma Ha Tát Đỏa, có phúc đức lớn, lòng từ bi quảng đại, chí khí cao cả, nhân hiền hiếu thảo, có lòng thương dân giúp vật. Một hôm nhà vua đưa phu nhân thể nữ (nàng hầu ) và ba người con vào rừng chơi. Nhân lúc nhà vua nằm nghỉ dưới gốc cây, thì ba Hoàng tử đưa nhau đi chơi, đi tới rừng kia chợt gặp một con hổ mẹ và hai hổ con; con hổ mẹ nằm gục đầu vào tảng đá gầy còm, da sát xương, hơi thở thoi thóp, hai mép phung ra hai bãi bọt lớn, tựa như bọt xà bông, còn hai con nằm chui đầu vào hông mẹ, tuy nhìn thấy người nhưng không hề cử động, vì bị đói lâu ngày khí lực bạc nhược. Song có ý muốn ăn thịt con. Thấy thế, Thái tử Ma Ha Tát Đỏa nói với hai anh rằng:

– Thưa anh! Con hổ mẹ, em thấy đói khát quá, lại thêm nuôi hai con nhỏ, em xem ý nó muốn ăn thịt con, có phải chăng?

Đáp: – Phải! Anh cũng nghĩ thế.

– Thưa anh! Vậy nó hay ăn những thứ gì?

Đáp: – Nó hay ăn những thứ thịt tươi máu nóng.

– Thưa anh! Bây giờ phỏng có ai cứu được nó không?

Đáp: – Việc ấy khó lắm.

Khi đó Thái tử Ma Ha Tát Đỏa động lòng thương! Thầm nghĩ rằng: – Ta bị sống thác trong bao kiếp tới nay, bỏ thân cũng đã nhiều, song những thân ấy chỉ gây thêm những tội nghiệp, tham, sân, si, chứ chưa từng đem thân ấy mà làm lợi ích cho nhân vật bao giờ; ta hãy bỏ thân tham, sân, si, này cho hổ ăn, để đổi lấy thân từ bi trí tuệ bất diệt.

Nghĩ xong rảo đi trước hai anh, đi chưa được bao xa, quay lại nói với hai anh rằng: – Hai anh hãy đi trước, em có chút việc riêng.

Nói rồi cứ nhắm thẳng con đường cũ, đi tới chỗ ba con hổ nằm, tới nơi gieo mình vào cho hổ ăn thịt. Hổ bị đói lâu ngày run rẩy không thể há mồm ăn được. Thái tử dùng cây nhọn đâm vào cổ họng cho phọt máu, hổ thấy máu lè lưỡi liếm, dần dần tỉnh táo, mới có sức ngồi dậy để ăn thịt, ăn xong thân thể được khoẻ mạnh, mẹ con dẫn nhau đi nơi khác trú ẩn, chỉ còn để lại đống xương trên mặt đất.

Hai người anh ngồi chờ mãi không thấy em về, tự nhiên ruột nóng như lửa đốt, nước mắt chảy dạt dào. Rồi đi tìm em và tự nghĩ rằng: “Em ta có ý định cứu hổ đói”. Cứ thẳng lối tìm đến chỗ con hổ, quả nhiên không thấy hổ mà chỉ thấy đống xương và cái đầu nằm trơ trên bãi đất, quá thương em, nên hai người anh ngất đi hồi lâu mới tỉnh lại!

Đoạn nầy nói đến nhà vua và Hoàng hậu nằm nghỉ mát dưới bóng cây, Hoàng hậu nằm chiêm bao thấy ba con chim cáp bay vào rừng, con chim thứ ba bị chim ưng bắt ăn thịt, sực tỉnh dậy bà sợ quá! Liền đem chuyện đó nói với vua:

– Tâu Bệ Hạ tôi vừa mộng thấy ba con chim cáp bay vào rừng, con chim thứ ba bị chim ưng bắt ăn thịt, tôi nghe lời ngạn ngữ nói: Chim cáp thuộc con cháu, cáp nhỏ bị chết tất nhiên con yêu của tôi gặp sự bất tường.

Bà nói vừa dứt lời thì thấy hai cậu con lớn đã về, bà lật đật hỏi:

Em đâu? Em đâu? Hai con?

Hai cậu quỳ xuống thưa rằng:

– Thưa Phụ vương cùng Mẫu hậu! Em con bị hổ ăn thịt. Nhưng không biết bị hổ ăn, hay em con thương nó đói mà cho nó ăn, việc đó chưa tường.

Được tin như sét đánh bên tai; ông bà chết ngất giờ lâu mới tỉnh lại! Đồng thời vua cùng Hoàng hậu và quan quân đi đến chỗ thái tử, chao ôi! Chỉ còn đống xương trắng phơi dãi trên mặt đất, ai nấy đều than khóc tiếc thương! Hoàng hậu tự mang lấy cái đầu lâu, còn vua mang hai ống xương tay, trong lòng rầu rĩ xót đau, ngơ ngẩn! Tâm hồn như mơ như mộng, chứa chan rơi lệ!

Đoạn này nói đến thái tử, vì lòng từ bi cứu hổ đói, sau khi trút khỏi xác, được sinh về Trời. Tự nghĩ rằng:

– Ta được phép thiên nhãn, coi xa năm cõi như coi vật trên bàn tay, chắc đời trước đây ta làm phúc gì, nên mới được quả báo như vậy.

Nghĩ xong nhìn xuống nhân gian, thấy mình là thái tử, vì hy sinh cứu hổ đói, tử thi nằm ở rừng xanh, phụ mẫu hãy còn đương than khóc, Thái tử động lòng thương cha mẹ, ngu si mê muội, khóc thương quá chừng như vậy, hoặc nhân thế mà táng mất thân mạng, liền từ trên Trời bay xuống, đứng trên hư không thưa rằng:

– Kính thưa Phụ hoàng cùng Mẫu hậu! Xin hãy khoan tấm lòng, đừng quá thương Thái tử nữa! Nên trở về hoàng cung trị quốc an bang tu thiện nghiệp.

Thấy thế nhà vua liền hỏi rằng:

– Ông là vị thần nào xin chỉ bảo cho chúng tôi được rõ.

Đáp: – Con là Thái tử Ma Ha Tát Đỏa đây, bởi con xả thân cứu hổ nên con được sinh lên cõi trời Đâu Suất, kính thưa Phụ vương tất cả muôn vật cho đến nhân sinh, có hình tất có hoại, có sinh tất có tử, có rồi phải không, tạo ác thì sa địa ngục, làm lành được sinh lên trời, sống chết là một luật nhất định cho tất cả chúng sinh, Phụ vương không lo buồn làm chi, cho tổn tâm can, nên tỉnh ngộ để tu đạo hạnh.

Nhà vua nòi: – Người làm hạnh đại từ tế độ cho khắp muôn loài, bỏ ta mà chết! Lòng ta thương nhớ, đến nỗi quặn lòng đứt ruột, đau đớn không tả xiết vậy người tu hạnh đại từ có xứng hay không?

Nghe nhà vua nói, Thái tử dùng vô ngại biện tài, đem những ý nghĩa nhiệm mầu thiện đức, cao siêu xuất phàm để báo tạ và khuyên vua.

Khi đó nhà vua mới nguôi nguôi tấm lòng, và tỉnh ngộ tâm thức, rồi sai người làm hòm thất bảo thu bỏ hài cốt làm lễ an táng và xây tháp cúng dàng.

Tới đây cha con từ biệt: Thái tử hóa thân về thiên cung; vua, phu nhân và quan quân trở về kinh thành.

Phật nói tới đây rồi Ngài nhắc lại cho tôi:

– Này A Nan! Nhà vua thuở đó là cha của ta ngày nay, Hoàng hậu thuở đó, nay là mẫu thân ta bây giờ, ông Ma Ha Phú Na Ninh nay là ông Di Lặc, Thái tử Ma Ha Đề Bà, nay là ông Bà Tu Mật, còn Thái tử Ma Ha Tát Đỏa chính là ta đây. Hổ mẹ bấy giờ, nay là bà lão này, hai hổ con tức là hai người con trai nầy. Thời đó ta đã cứu sống cho ba mẹ con được an toàn tánh mạng, tới nay ta thành Phật ta lại cứu cho khỏi tội chết và được thoát sinh tử luân hồi.

Phật thuyết xong thì tôi và tất cả mọi người trong đại hội hoan hỷ kính mến đức cao cả của Ngài, ai nấy đều cúi đầu lễ tạ lui ra.

Phẩm Thứ Ba: Hai Người Dòng Phạm Chí Thụ Pháp Bát Quan Trai

Chính tôi được nghe: Một lần Phật ở nước Xá Vẽ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà. Lúc đó trời vừa sẩm tối, có hai người cõi trời vào yết kiến Phật, thân thể to lớn đẹp đẽ, người có hào quang, ánh sáng chiếu khắp rừng Kỳ Hoàn trở thành vàng ửng. Tới nơi họ cúi đầu lễ Phật nhiễu ba vòng, rồi lui đứng về một bên, và bạch Phật rằng:

– Kính lạy Đức Thế Tôn! Đấng từ bi cao cả làm thầy cho hết thảy trời, người, hôm nay chúng con tới đây cúi xin Ngài chỉ dạy cho một lối tu hành thoát khổ trong sáu thú, được an vui đạo Niết Bàn?

Khi đó Ngài cũng tuỳ theo căn khí của họ, thuyết cho họ nghe những pháp thích hợp với tâm lượng của họ, nên hai người đều chứng được đạo quả rồi cúi đầu lễ tạ trở về trời.

Sáng hôm sau buổi trà nước dâng Phật vừa xong, giữa lúc bầu trời êm dịu, thanh khí ôn hòa, trong cuộc thư nhàn vấn đạo, tôi (A Nan) tới trước bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Tối hôm qua hai người cõi trời, lại yết kiến Ngài, coi tướng mạo, và oai nghi tốt đẹp, ánh sáng chói loà, phúc đức đầy đủ, không rõ đời trước họ tu những hạnh gì, nay được kết quả tốt lành như vậy?

Phật bảo tôi rằng:

– Này A Nan! Ông lắng nghe tôi nói: Thuở xưa đức Phật Ca Diếp ứng thế độ sinh, sau khi Ngài đã diệt độ, bấy giờ pháp đã tới thời cuối rốt (thời mạt), thuở ấy có hai người tu theo dòng Bà La Môn, họ thấy công đức Pháp Bát quan trai cao cả, nên họ xin thụ trì (tu giữ ), người thứ nhất nguyện sinh lên trời, người thứ hai nguyện làm Quốc vương.

Thụ rồi trở về nhà vào lúc đã quá giờ ngọ, người thứ nhất được vợ gọi ăn cơm; anh nói:

– Thôi, em ăn cơm đi, hôm nay anh đã thụ giới Bát quan trai của Phật dạy, cử quá giờ ngọ không ăn! Vậy anh không ăn đâu, em ăn đi, để cho sự trai giới của anh được hoàn toàn.

Cô vợ thấy chồng nói thế, bực bội cau mặt nghiến răng nói:

– Anh xưa nay thuộc dòng Phạm chí (đạo Bà La Môn) đã có đủ giới pháp, cớ sao hôm nay anh lại đi thụ trai giới của đạo Phật? Nếu anh không chịu bỏ trai giới ấy, mà ăn cơm với tôi, thì tôi đem chuyện này, nói cho tất cả mọi người trong đồng đạo họ biết, họ sẽ đuổi anh ra khổi bọn họ và chính tôi cũng không chung sống với anh nữa.

Cũng do lòng không vững chắc và nhất là nể vợ, sợ vợ! Nên anh thoái chí bỏ trai pháp, tức là phá giới “Bát quan trai”, ngồi ăn cơm phi thời với vợ.

Hai người nguyện tu trai pháp ấy, tùy theo tuổi thọ dài vắn rồi cùng chết cả. Người nguyện làm vua thì được sinh vào nhà vua, vì giữ trai giới được hoàn toàn, sau sẽ được làm vua; người nguyện sinh lên trời, vì phá trai giới phải đọa sinh trong loài Rồng.

Cũng do lòng tin vững chắc, trai giới hoàn toàn thanh tịnh, người làm vua nói trên được hưởng một cuộc đời vương giả trong boàng cung, đầy vẻ tôn sang, thỏa lòng vui sướng với năm cảnh dục lạc của thế gian! Ông vua này có một vườn cây, trong vườn trồng đủ các thứ quả, mùa nào thứ ấy; vườn nầy có một người trông nom, để hàng ngày dâng quả lên vua, gọi là Viên Giám, vua vẫn tin dùng anh là người có khả năng trồng cây coi vườn, tưới bón, tuỳ thời dâng các hoa quả. Một hôm Viên Giám ra giếng nước, quả nầy trên thế gian chưa từng có, sắc đẹp mùi thơm lạ thường, anh vớt lấy và đặt tên cho nó là quả nại, được quả quý này rồi thầm nghĩ rằng:

– Mỗi khi ta vào thành, quan Môn Giám đã chạy ra đón ta, đối với ta một cách thân mật, ta chưa có gì để đền đáp tấm lòng quý hóa ấy, vậy ta đem quả này biếu Ngài.

Nghĩ thế rồi đem quả ấy biếu Môn Giám. Quan Môn Giám được quả này cũng tự cho là một vật quý, nên không ăn, lại đem biếu ông bạn thân là quan Hoàng Môn, quan Hoàng Môn thấy quả quý cũng không ăn, lại dâng lên bà Hoàng hậu, để mua lấy tấm lòng ưu đãi của bà. Bà thấy quả đẹp lạ thơm khác đời, nên bà dâng lên vua dùng. Nhà vua dùng quả này thấy ý vị, mùi thơm từ thuở sinh đến nay chưa từng ăn thứ quả nào được ngon như vậy, liền gọi bà lên hỏi căn do:

– Này bà! Quả mà tôi vừa ăn xong, ngon lắm! Tôi chưa từng thấy quả nào quý như vậy, quả này ai cho?

Phu nhân đáp: – Tâu Bệ hạ! Qủa này do quan Hoàng Môn dâng.

Cho gọi Hoàng Môn.

Nhà vua hỏi: – Quả này mua tại xứ nào?

Đáp: – Tâu Bệ ha! Quả này nhà hạ thần không có, hôm qua quan Môn Giám cho con, xin bệ hạ khoan thứ.

Cho gọi Môn Giám, vua hỏi:

– Quả ngươi cho Hoàng Môn hôm qua là quả gì, mua ở đâu?

Đáp: – Tâu Bệ hạ quả đó nhà hạ thần không có, hôm qua quan Viên Giám cho, xin Bệ hạ lượng thương.

Cho gọi Viên Giám, hỏi:

– Viên Giám trong vườn của ta có những thứ quả ngon lành như thế, sao không đem dâng ta lại đem cho kẻ nào?

Đáp: – Tâu Bệ hạ quả này trong vườn không có giống trồng, hôm qua hạ thần ra giếng thấy nổi trên mặt nước, xin Bệ hạ thương xét.

Nhà vua nói: – Từ ngày mai trở đi ngày nào ngươi cũng phải đem quả này dâng cho ta, nếu không thì ngươi bị tử hình.

Viên Giám nghe xong chết điếng người, mắt xanh lè, run sợ toát mồ hôi lễ tạ, trở về vườn, tiu nghĩu một mình, sầu khổ một mình! Không biết kêu ai cho mình thoát được cái oan ức ấy? Anh òa lên khóc, đương khóc có người tới hỏi:

– Anh có việc chi lo sợ hãi hùng như vậy? Anh nói cho tôi biết, nếu có thể giúp được tôi sẽ giúp anh!

Đáp: – Thưa bác, tôi là một người coi vườn cho nhà vua, chịu trách nhiệm trông coi vườn quả và hàng ngày dâng quả cho nhà vua dùng, hôm qua tôi bắt được một quả nổi trên mặt giếng, vì thấy quả lạ, quý nên tôi không ăn, đem biếu quan Môn Giám, sau quả đó đưa tới vua; vua ăn thấy ngon lành, giờ đây bắt tôi ngày nào cũng phải dâng, nếu không dâng thì bị tử hình, tôi không biết tìm đâu ra được nên tôi khóc.

– Thôi anh khỏi lo nữa! Nhà tôi có rất nhiều, tôi sẽ cho anh một mâm dâng vua.

Nói xong từ biệt ra về. Viên Giám vui mừng an lòng đã có người cứu mình. Chính người này là con Rồng hóa hiện ra thân người để hỏi thử chơi đó thôi.

Một lát anh đã đội lên một mâm đầy quả ngon lạ dưới Long cung, thuần những quả trên thế gian không có, trao cho Viên Giám và dặn rằng:

– Khi anh dâng mâm quả này lên vua thì anh nói rằng: Tôi với nhà vua vốn là bạn thân với nhau, đời trước ở dòng Phạm chí, cùng nhau thọ pháp “Bát quan trai”, mỗi người có một bản nguyện: Nhà vua tu hành giữ giới hoàn toàn được làm nhân vương, tôi không giữ được toàn, nên phải đọa sinh vào loài Rồng, chịu nhiều cực khổ, thân thể xấu xa, giờ đây tôi muốn tu theo Trai pháp, để cầu bỏ thân này sinh về cõi trời. Vậy nhà vua tìm hộ cho tôi bài văn “Bát quan trai” ấy để tôi tu tập, nếu trái lời tôi, thì tôi sẽ lật đổ nước của nhà vua biến thành biển cả.

Viên Giám mừng rỡ; hai tay cất lấy mâm quả trịnh trọng cảm ơn dâng mâm quả ấy lên vua và trình bày những lời của Rồng dặn cho vua nghe.

Nhà vua nghe xong, trong tâm thổn thức không yên, trống ngực đập liên hồi, vẻ mặt mất vui tươi! Tại sao thế? Là vì thời đó không có kinh của Phật. Nhà vua đêm ngày âm thầm lo nghĩ cho chính mình và tánh mạng cả một nước, nhưng không tìm được một phương tiện gì để giải quyết, trong lúc đương ngồi suy nghĩ, thì thấy một ông quan Đại thần vào chơi, ông này là một người quan trọng nhất thời đó. Nhà vua liền đem câu chuyện Rồng đòi xin văn “Bát quan trai”, nói cho ông nghe và nhờ ông tìm hộ.

Ông thưa rằng: – Tâu Bệ hạ! Đời này không có Phật pháp, thì không thể tìm đâu ra được.

Nhà vua nói: – Việc này khanh phải chịu khó tìm cho bằng được, nếu không tìm được thì khanh cũng chết, ta cũng chết, cho đến toàn quốc cũng chết, vậy việc này ta giao cho khanh phải chịu trọng trách!

Theo lời vua truyền xong, ông bái tạ ra về. Ông là người rất có hiếu với cha già, mỗi khi ông đi đâu về, ông cũng làm ra vẻ mặt tươi, để cho cha ông yên lòng, mừng con được an lạc! Nhưng ngày hôm đó ông không thể nào làm nét mặt của ông tươi nữa! Cha ông thấy thế hỏi ông rằng:

– Hôm nay con vào chầu vua có việc gì bất trắc mà lo buồn như vậy, nói cho cha biết với!

Đáp: – Thưa cha! Hôm nay nhà vua truyền cho con phải tìm bài văn “Bát quan trai” của Phật giáo, nếu không tìm được thì nguy cả một nước nên con lo quá! Mà con không thể nào gượng sầu làm vui được!

Người cha nói: – Con ạ! Cái cột nhà ta, thường thường cha nhìn thấy có ánh hào quang hiện lên, con bảo người phá ra xem trong đó có vật gì?

Nghe lời người cha nói, ông sai gia nhân lấy cây cột khác thay vào và bổ ra được hai quyển kinh: Một quyển nhan đề là “Thập Nhị Nhân Duyên”, một quyển nhan đề là “Văn Bát Quan Trai”. Thấy thế, ông vui mừng quá! Vội đem dâng vua, nhà vua cũng hoan hỷ cảm ơn, sai người chép lấy một quyển để lại, còn một quyển cho Viên Giám biếu Rồng. Rồng được kinh cũng rất hài lòng với nguyện ước! Trở về đem rất nhiều bảo vật dưới Long cung tạ ơn nhà vua.

Từ đó Rồng chuyên tu trai giới, lúc chết được sinh lên trời, nhà vua cũng chăm tu trai giới, sau khi mạng chết cũng được sinh lên trời, hai người này cùng ở với nhau một nơi. Nói tới đây Ngài lại nhắc cho tôi biết rằng:

Này A Nan! Hai người trời đó, chính là hai người dòng Phạm chí thụ giới “Bát quan trai” thuở xưa ấy, hôm qua tới đây nghe ta thuyết pháp chứng quả Tu Đà Hoàn cắt đứt ba đường ác, là địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, đời đời thường được sinh trong cõi trởi, cõi người. Từ đây trở đi hai người này sẽ được đạo Niết Bàn.

Phật thuyết nhân duyên của hai người xong, tất cả trong đại hội ai ai cũng vui mừng! Kính tin phúc tu của Bát quan trai giới, đều hoan hỷ phụng hành lễ tạ lui ra.

Phẩm Thứ Tư: Đi Ở Lấy Công Cúng Dàng

Chính tôi được nghe: Một lần đức Phật ở nước Xá Vệ, tại vườn cây của ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà.

Thuở đó nước Xá Vệ có một Trưởng giả, sinh được đứa con trai mặt mũi tốt tươi dáng người xinh đẹp; mới sinh đã biết nói ngay. Nó tự hỏi rằng:

– Thưa mẹ! Đức Phật có còn tại thế không?

Đáp: – Ôi! Sao con biết nói sớm thế? Ai dạy mà con đã biết nói? Con hỏi Phật làm chi? Phật hãy con ở đời con ạ!

Nó lại hỏi: – Thưa mẹ, Tôn giả Xá Lợi Phất và Tôn giả A Nan có còn không mẹ?

Đáp: – Các Tôn giả hãy còn đây con ạ!

Cả nhà họ thấy cậu bé biết nói ngay, ai cũng ồn ào hỏi nhau, nghi nghi hoặc hoặc, chắt môi chắt miệng cho là quái gở? Rồi ông bố cậu đi hỏi Phật; tới chốn Phật, làm lễ xong, quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Con mới sanh được đứa cháu trai biết nói ngay, không hiểu hay dở thế nào? Kính xin Ngài chỉ giáo cho chúng con được đoạn lòng nghi hoặc ấy?

Phật dạy: – Nhà ngươi có phúc đấy, đứa trẻ này có tướng tốt đẹp, sau sẽ làm cho gia đình được tôn vinh trên cõi nhân, cõi thiên nhiều lắm! Không nên hoài nghi làm chi, ngươi cứ an tâm, nuôi nó cho cẩn thận là hơn.

Theo lời Phật dạy ông rất vui mừng! Ông trở về, nó lại nói với ông ấy rằng:

– Thưa cha! Con rất muốn thỉnh Phật và chư Tăng tới nhà cúng dàng, vậy xin cha mẹ vì con sửa soạn giường tòa cho đẹp trang nghiêm, để ấn định ngày thỉnh.

Đứa trẻ nói: – Thưa cha! Các vật dụng về sự cúng dàng, cha không phải sắm chi hết, cha sai người quét dọn và bao sái nhà cửa cho sạch sẽ, bày bàn ghế tòa ngồi, giường chiếu cho trang nghiêm, bát đĩa cho trong sạch, mâm bàn dụng cụ về bữa ăn cứ sắp đặt sẵn, còn về món ăn con đã có đầy đủ. Hiện nay bà thân mẫu con hãy còn ở nước Ba La Nại, xin mời lại đây cho con, và bày cho con ba tòa cao đẹp.

Người cha nghe con nói lấy làm vui vẻ lắm! Ông sai người cỡi voi đi đón bà mẹ ở nước Ba La Nại về, trong nhà bày tòa trải chiếu trang nghiêm mâm bàn, bát đĩa, cốc chén bày trên sồi có thứ tự, bày xong các món ngon lạ, bao thứ ăn uống tự nhiên đầy đủ. Bày ba tòa cao đẹp, tòa thứ nhất để cúng Phật, tòa thứ nhì để bà mẹ ở nước Ba La Nại ngồi, tòa thứ ba để bà mẹ hiện tại ngồi, các việc được chu đáo ổn định rồi, người cha thân đi mời Phật, tới nơi lễ Phật và bạch rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Chúng con cả gia đình thành kính sửa soạn trai nghi, đúng giờ ngọ ngày mai, xin kính thỉnh Thế Tôn và các hàng Tăng Chúng tới nhà thụ trai và tác phước cho chúng con được ân triêm công đức.

Phật dạy: – Quý hóa! Có lòng cầu thỉnh ta sẽ nhận tâm thành ấy cho.

Ông vui vẻ ra về, ngày mai đúng giờ ngọ Phật và Tăng chúng đến đông đủ, thăng tòa ngồi yên tĩnh, ông ta và hai bà mẹ cậu bé ra lễ Phật, thỉnh Phật và chư Tăng thọ trai. Phật dùng trai xong thăng tòa thuyết pháp được thấm nhuần đức hóa của Phật, cả nhà đều chứng sơ quả, vui mừng tạ lễ lui ra.

Cậu bé nay sau lớn tuổi, cũng xin đi xuất gia tu đạo, cậu rất chăm chỉ tu hành không bao lâu đã chứng được quả A La Hán.

Thấy việc như vậy, tôi (A Nan) quỳ xuống bạch Phật rằng: – Kính lạy đức Thế Tôn! Cậu bé này vì duyên gì, được sinh vào nhà giàu có, tôn sang? Và biết nói ngay? Hơn nữa lại được đắc đạo quả? Kính xin Ngài chỉ giáo để chúng con được rõ!

Phật dạy: – Này A Nan! Cậu bé này, tiền thân ở nước Ba La Nại là con một ông Trưởng giả, sau khi cha chết, gia nghiệp bị suy tàn, ngày một nghèo thiếu. Tuy được gặp Phật tại thế, nhưng không có gì để cúng dàng vì thế nên anh ta lúc nào cũng buồn. Sau tự đi làm mướn được một năm, anh xin chủ một lạng vàng. Người chủ thấy anh xin vàng bèn hỏi:

– Anh lấy vàng để cưới vợ hay sao?

Đáp: – Thưa không!

Hỏi: – Anh lấy vàng làm gì?

Đáp: – Thưa! Để mua các món ăn, dâng Phật và các vị thánh Tăng.

Ông chủ nói: – Nếu anh muốn thỉnh Phật và chư Tăng, thì ta cũng ưng lắm! Ta sẽ làm những cỗ bàn, và ta đi mời Phật về nhà ta cho anh cúng, có ngại chi việc đó.

Đáp: – Dạ quý hóa lắm! Nếu ông bà có lòng vì tôi như vậy, thì phúc đức vô lượng vô biên!

Ông chủ sai người sắm lễ vật, sửa soạn trai nghi, trịnh trọng, rồi sai người đi thỉnh Phật và các vị thánh Tăng để cúng dàng.

Nói tới đây Phật lại nhắc lại cho tôi hay rằng:

– Này A Nan! Người nghèo đi làm mướn thuở đó, chính là cậu bé này, vì có lòng cúng Phật và Tăng một bữa cơm, sau khi chết được sinh làm con ông Trưởng giả, cũng nhân phúc đó nay đắc quả A La Hán, từ đây sẽ được cõi người, cõi trời cúng dàng.

Khi Phật nói xong câu chuyện này, tất cả mọi người trong đại hội ai ai cũng vui vẻ, tin kính sự cúng dàng được phúc vô lượng vô biên, thảy đều lễ Phật mà lui.

Phẩm Thứ Năm: Thần Bể Với Người Đi Buôn

Chính tôi được nghe: Một lần đức Phật ở nước Xá Vệ tại vườn của ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà.

Thuở đó trong nước có năm trăm người đi buôn, định ra biển tìm châu báu. Nhưng sự ra biển có rất nhiều hiểm trở khó khăn! Vì thế họ bàn nhau tìm một người đủ tài đức để dẫn đường cho họ. Sau họ tìm được người Ưu Bà Tắc ông này trì ngũ giới và có tài biện thuyết nhanh chóng.

Khi ra đến biển một trời, một nước, ông thần bể biến thành còn quỉ Dạ Xoa hình thể xấu xa, mắt xanh lè, răng chìa ra ngoài, trên đầu lửa cháy dữ dội, tới nơi nắm thuyền lại hỏi:

– Này các ông trong thuyền! Trên thế gian có người nào đáng sợ như tôi không?

Người Ưu Bà Tắc đáp: – Dạ! Thưa ông! Có rất nhiều người đáng sợ gấp trăm ngàn triệu ông, đối với ông có chi đáng sợ.

Dạ Xoa hỏi: – Kẻ đó sợ như thế nào?

Đáp: – Là những kẻ ngu si làm những việc bất thiện, nào sát sinh, hại mạng, trộm cướp, dâm dật vô độ, nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói ác, nói đơm đặt, tham dục, giận tức, đắm chìm nơi tà kiến, những kẻ đó chết phải sa xuống địa ngục, chịu khổ muôn phần, quân ngục tốt bắt kẻ có tội ấy, đem ra nhiều thứ để hành phạt, hoặc lấy dao chém, hoặc lấy xe nghiền cho tan thân nát thể ra hàng ngàn vạn đoạn; hoặc bỏ vào cối giã, hoặc bỏ vào cối xay, còn có những hình phạt như: Núi dao, rừng kiếm, xe lửa, vạc nước giá lạnh. Tất cả những bình phạt nói trên, kẻ có tội ấy phải chịu trải qua vài ngàn muôn năm. Như thế mới đáng sợ hơn ông.

Quỉ Dạ Xoa nghe xong buông thuyền cho đi, rồi ẩn mình biến mất, thuyền tiếp tục đi được vài dặm, ông thần bể lại hóa ra một người hình thể gầy gò đen xấu, gân lộ, da sát xương tới nắm thuyền kéo lại hỏi:

– Này các ông trong thuyền, trên thế gian có kẻ nào xấu hơn tôi không?

Ông Ưu Bà Tắc đáp:

– Dạ thưa ông! Có rất nhiều người xấu gấp trăm ngàn vạn triệu ông, đối với ông chi đáng xấu!

Ông thần bể lại hỏi:

– Người đó xấu như thế nào?

Đáp: – Dạ thưa ông! Là những kẻ ngu si, lòng dạ ác độc, tham lam nịnh hót, ghen ghét, bợ đỡ, tích cóp, làm hạnh xấu không có thẹn hổ, có tiền của không nuôi cha mẹ vợ con, thậm chí thân mình cũng không dám ăn mặc, khinh mạn giáo pháp, không biết kính trọng đạo đức, không biết nghe theo lẽ phải, có tính gian lận và không có tâm thương những người đói khát, không biết làm hạnh bố thí, kẻ đó khi chết phải đọa làm loài quỉ đói, muôn ngàn vạn triệu năm đói khát, không biết miếng cơm ngụm nước ra sao! Thân thể hôi thối có những con vi trùng cắn rứt đau đớn suốt ngày đêm, lửa trong mồm phát ra dữ dội; trên đầu có những mụn nhọt luôn luôn chảy, tưới những máu mủ xuống mặt, mắt, mồm thè lưỡi liếm ăn. Kẻ đó mới xấu, mới đáng thương họ ngu si, còn như ông chưa phải là xấu.

Ông thần bể nghe xong, lại buông thuyền cho đi rồi ẩn mình biến mất. Thuyền đi chưa được bao xa, ông thần bể lại biến hình thành một người cực kỳ xinh đẹp. Nắm thuyền lại hỏi:

– Này! Các ông trong thuyền, trên thế gian có ai xinh đẹp bằng tôi không?

Đáp: – Dạ thưa ông! Có rất nhiều người đẹp, gấp trăm ngàn vạn triệu triệu ông, đối với ông có chi đáng đẹp.

Ông thần bể lại hỏi:

– Họ đẹp hơn tôi bằng cách nào?

– Dạ, thưa ông! Trên thế gian có những người thông minh trí tuệ, chăm làm các việc thiện: Thân, miệng, ý; ba nghiệp thường thường trong sạch, biết tôn kính ngôi Tam Bảo, tùy thời cúng dàng. Người ấy khi mạng chung được sinh lên trời, thân thể trong sáng tướng mạo oai nghiêm, phúc đức và thể lực đầy đủ, như thế mới là đẹp, đem cái đẹp của ông đối với họ cũng chẳng khác chi đem con khỉ mù mà ví với cô gái tươi trẻ vậy! Như ông đã lấy gì làm đẹp!

Ông thần bể lại bốc vốc nước bể hỏi:

– Nước trong bàn tay nhiều hay nước bể nhiều?

Đáp: – Dạ thưa ông! Nước trên bàn tay nhiều hơn!

Hỏi: – Vì lý do gì nước trong bàn tay nhiều, xin ông hãy giải đáp cho?

– Dạ thưa ông! Nước bể tuy nhiều nhưng rồi đây cũng có ngày khô cạn, khi trời tai kiếp đến bắt đầu hai mặt trời ra, thì ngòi lạch suối ao khô cạn! Ba mặt trời ra, thì các sông lớn và các bể nhỏ cạn! Năm mặt trời ra thì nước bể lớn đã giảm bớt! Sáu mặt trời ra, thì ba phần giảm hai! Bảy mặt trời ra, thì nước bể cạn hết tiếp đến núi Tu Di tan đổ cho đến đáy kim cương dưới quả địa cầu cũng đều cháy rụi. Nếu kẻ nào có tâm tin sự cúng dàng Phật! Hoặc các vị Sư Tăng, hay cha mẹ hoặc kẻ ăn xin hoặc cho loài cầm thú. Thì công đức ấy trải bao kiếp cũng không mất. Thưa ông, ý nghĩa nhiều ít là như vậy!

Ông thần bể nghe xong vui mừng khôn xiết! Đem tặng ông Ưu Bà Tắc một số châu báu ở long cung và gửi thêm một số báo vật về cúng Phật rồi ẩn hình biến mất.

Tới đây mọi người lái buôn thâu lượm vàng bạc trở về nước nhà, chia cấp cho gia đình rồi cùng nhau đi yết kiến Phật, đem châu ngọc của ông thần bể dâng cúng Phật, và chư Tăng rồi quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lậy đức Thế Tôn! Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, chúng con sinh thời may mắn được gặp Thế Tôn, tới đây một lòng thành cầu xuất gia tu học để thoát khỏi sinh tử luân hồi, kính xin từ bi tế độ cho chúng con được ân triêm công đức.

Đức Phật Ngài hoan hỷ nói rằng:

– Thiện lai Tỳ khưu!

Phật nói dứt lời tóc của những người này đều rụng hết, áo trên mình tự nhiên biến thành áo Cà sa, sau nghe Phật thuyết Pháp, tâm dục nhiễm đều sạch không, ngay giờ phút đó họ chứng được quả La Hán.

Thấy thế mọi người trong đại hội ai ai cũng vui mừng, lòng tin kính cúng dàng lại thêm vững chắc, cúi đầu lễ tạ lui ra.

Phẩm Thứ Sáu: Cầu Tự

Chính tôi được nghe: Một lần Phật ờ nước La Duyệt Kỳ, tại tịnh xá vườn Trúc.

Nước ấy có quan Phụ tướng, nhà rất giàu sang, nhưng không có con trai. Tại vùng đó có đền thờ thiên thần ở bên sông, gọi là Ma Ni Bạt La, nhân dân quanh miền ấy tin sùng lễ bái cầu sao được vậy. Hay tin thần thiêng, quan Phụ tướng tới đền làm lễ và cầu nguyện rằng:

– Thưa Ngài, tôi chưa có con trai, nghe biết thiên thần công đức cô lượng, cứu hộ quần sinh, ai cần gì cũng được như ý nguyện. Vậy tôi tới đây cầu xin thiên thần, năm nay sinh quý tử, nếu được như lời nguyện, tôi sẽ lấy vàng bạc để điểm tô thân Ngài, và các hương tốt để bôi nơi miếu Ngài, bằng vô hiệu quả, tôi sẽ phá miếu và lấy phân trát vào mình Ngài.

Quan Phụ tướng kêu xong lễ tạ ra về.

Khi đó quan Giám điện nghe xong, toát mồ hôi thầm nghĩ rằng: “Người này hào phú, thế lực hùng cường, tới đây cầu xin quý tử, ta thiếu đức làm sao cho đặng, nếu không giúp được hắn thì hắn làm ô nhục”. Nghĩ rồi lên tâu với thần Ma Ni Bạt La:

– Kính tâu thiên thần chúng tôi vâng lệnh coi đền, hôm qua quan Phụ tướng nước La Duyệt Kỳ đến nói rằng: Xin thiên thần cho sinh quý tử, nếu được như lời, thì lấy vàng bạc điểm tô thân Ngài, và lấy các thứ hương tốt để bôi nơi miếu Ngài, bằng vô hiệu quả, sẽ phá miếu và lấy phân trát vào mình Ngài, việc đó hạ thần bất lực xin thiên thần chỉ giáo cho?

Nghe xong, thần Ma Ni Bạt La lên tâu với ông Tỳ Sa Môn Thiên vương.

Tỳ Sa Môn Thiên vương nói: – Việc này để ta lên tâu vua Đế Thích, chứ ta cũng bất lực. Nói rồi bay lên cung trời Đao Lợi tâu vua Đế Thích rằng:

– Kính tâu Thiên Đế! Tôi có một hạ thần tên là Ma Ni Bạt La lên kêu rằng: Quan Phụ tướng tại thành Vương Xá cầu xin quý tử, và hẹn nếu được như lời thì xin cúng dàng trọng hậu, bằng không sẽ phá miếu, và hủy nhục, kính mong Thiên Đế cứu giúp.

Nhân lúc trên trời có người sắp tận số. Đế Thích cho gọi tới bảo rằng:

– Ta xem Khanh sắp tới ngày mệnh hết, hiện nay quan Phụ tướng ở thành Vương Xá đương cầu tự, vậy sau khi Khanh mệnh chung thì thác sinh vào nhà đó an hưởng sự vinh hoa phú quý.

Đáp: – Kính tâu Thiên Đế! Cái bả phú quý hay làm mê hoặc lòng người, nhân sự vinh hoa phú quý khiến bao người sa xuống hố sâu, ý định của hạ thần muốn sinh vào nhà dân thường, để dễ bề xuất gia tu đạo, cho thoát khỏi sinh tử luân hồi, là hơn nhất, xin bệ hạ tha thứ!

Đế Thích nói: – Không lo, Khanh hãy nghe ta sinh vào nhà đó, rồi ta giúp chớ ngại.

Đáp: – Dạ muôn tâu bệ hạ! Lời thánh chỉ hạ thần không dám trái, nhưng xin bệ hạ luôn luôn giúp đỡ cho, kẻo sợ tham về phú quí mà bỏ mất đại nguyện.

Đế Thích nói: – Khanh yên trí không sao.

Nói xong lễ tạ ra về, ít ngày mệnh chết, thần hồn thác thai vào nhà quan Phụ Tướng.

Đoạn này nói đến Phụ Tướng Phu nhân, sau ngày cầu tự trở về không lâu bà đã có thai, mãn tháng no ngày tới tuần hoa nở, sinh được cậu con trai đầy đủ tướng đức, ông bà yêu quý lắm. Từ khi sinh cậu trong nhà thấy nhiều điềm ứng cát tường, sự trông nom săn sóc một cách phi phàm, một hôm ông bà mời thầy đến xem tướng cho cậu và nhờ đặt tên giùm. Tướng sư đến căn do, rồi đặt cho cậu là Hằng Gia Đạt. Một mai khôn lớn học hành thông sáng nhưng có một điểm cậu ham học đạo và ham nghe đạo các vị Sa môn giảng, được thấm nhuần đạo đức, thấy đời không có gì vững chắc như mây trôi, như bọt nổi nên cậu quyết tâm xuất gia tu đạo, để cầu giải thoát, rồi lên tâu với ông bà Phụ tướng rằng:

– Kính lạy song thân, được làm người là khó, được gặp Phật tại thế lại khó hơn nữa, hiện nay đức Phật ra đời, mục đích cứu người ra khỏi vòng trầm luân khổ hải. Vậy xin song thân cho con đi xuất gia tu đạo, được phúc vô lượng vô biên.

Đáp: – Con ơi! Việc tu đạo cũng tốt nhưng con khổ cực chi, mà đày thân hoại thể nơi chùa chiền, muối dưa khô quạnh, cha làm quan Phụ tướng quyền cao, giàu sang tội bực, quốc gia chưa ai sánh kịp, cha mẹ chỉ sinh được mình con, để nối nghiệp nhà, nay con đi xuất gia thì của này để cho ai, và nhất là cha mẹ già sớm hôm vò võ, lấy ai là người trông cậy lúc bình sinh cho vui ý chí.

Hằng Gia Đạt thấy ông bà không đồng ý với ý nguyện của mình, bèn lễ tạ lui ra, từ ngày đó ngày đêm âu sầu buồn bã! Rồi tự nghĩ rằng:

– Ta sẽ tự sát thân này đi, để sinh vào nhà thường dân đạt được chí nguyện xuất gia của ta.

Nghĩ rồi một mình ra đi, lên ngọn núi cao tự gieo mình lăn từ trên đỉnh núi xuống chân núi, tưởng làm thế cho chết, nhưng trái lại thân thể vẫn còn toàn vẹn không xây sát chút nào; lần này ra sông để tự vẫn, nhưng nhảy xuống không chìm, cuối cùng lấy thuốc độc uống, song cũng không chết, rồi dùng đủ cách để chết, nhưng cũng không chết được, sau định kế phạm quốc pháp cho vua giết. Một hôm Hằng Gia Đạt thấy hoàng hậu và mỹ nữ của nhà vua ra giếng nước giữa vườn tắm, họ cởi áo giắt trên cành cây rồi xuống giếng, anh lẻ vào trộm lấy quần áo và trang phục đem ra, người Môn giám bắt anh tâu vua A Xà Thế.

– Nhà vua nổi giận sai người đem ra pháp tràng xử tử, thoạt đầu sai người giương cung bắn, mỗi khi bắn thì cái tên quay đầu trở lại nhà vua, bắn luôn ba phát đều như thế cả. Nhà vua chột dạ hỏi rằng:

– Nhà ngươi là bộ thiên, bộ long hay quỷ thần mà có phép lạ như vậy?

Đáp: – Tâu Bệ hạ tôi có một việc riêng, nếu Bệ hạ giúp tôi được thì tôi xin nói.

Nhà vua hỏi: – Ngươi có việc gì cứ nói, nếu ta giúp được thì ta giúp.

Tâu Bệ hạ! Tôi chẳng phải là thiên long quỷ thần chi hết, chính tôi là con quan Phụ tướng bản triều, vì muốn xuất gia tu học nhưng cha mẹ tôi không cho, nên tôi muốn chết để sinh nơi khác, cho toại nguyện vọng ấy, vừa rồi tôi lên núi, gieo mình xuống vực sâu, và uống thuốc độc nhưng vẫn không chết, còn một kế là tôi phạm pháp để mong nhà vua xử tử thì mới đạt được nguyện vọng ấy, sự thể như vậy, kính xin bệ hạ lượng thương, truyền lệnh cho cha mẹ tôi, để tôi được xuất gia đầu Phật.

Đáp: – Việc ấy không khó con cứ an tâm, ta sẽ bảo Phụ tướng cho.

Qua thời gian sau nhân buổi đi thính pháp nhà vua dẫn cậu đến chốn Phật, tới nơi làm lễ xong nhà vua trình bày ý nguyện của Hằng Gia Đạt cho Phật nghe, Phật mỉm cười nói:

– Thiện lai Tỳ khưu.

Hằng Gia Đạt nghe dứt lời tự nhiên tóc rụng hết, áo trên mình biến thành áo Cà sa, thành tướng Tỳ khưu, sau nghe Phật thuyết pháp, tâm ý khai ngộ chứng La Hán quả, được ba phép “Minh”, sáu pháp “thần thông”, tám phép “giải thoát”.

Thấy thế vua A Xà Thế quì xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Hằng Gia Đạt trồng nhân lành gì, gieo đầu từ trên núi xuống mà không chết, nhảy xuống sông không chìm, uống thuốc độc không hại, tên bắn không trúng, hơn nữa lại gặp Thế Tôn được thoát khỏi sinh tử luân hồi đại khổ, xin nói cho chúng con được rõ?

Phật dạy: – Cách đây đời quá khứ đã vô số kiếp, có một nước lớn tên là Ba La Nại, vua nước ấy là Phạm Ma Đạt, một hôm đưa các người mỹ nữ trong ấy là Phạm Ma Đạt, một hôm đưa các người mỹ nữ trong cung vào rừng uống rượu ăn thịt, thưởng thức những khúc đàn hay, tiếng nhạc xéo, giọng hát cao, đương lúc các mỹ nữ cất tiếng ca khúc thì bên ngoài có người cất tiếng để họa lại. Nhà vua nghe thấy nổi giận sai người bắt rồi giao cho lính đem đi xử tử.

Vừa lúc ông quan đại thần đi chơi về bắt gặp, ông hỏi họ rằng: Người này tội gì?

Đáp: – Dạ bẩm quan lớn! Anh này bị tội họa lại giọng hát của các mỹ nữ.

Nghe xong ông thầm nghĩ: “Chà, có thế mà cũng giết người! Thực là vô lý quá”. Ông nói:

– Hãy khoan để ta vào tâu vua đã.

Ông vào tâu rằng:

– Tâu Bệ hạ, kẻ kia chưa đến tội chết, vì chưa lấy gì làm nặng lắm, tuy có họa lại tiếng nhưng chưa thấy hình và cũng không có sự giao thông dâm dục, cúi xin Bệ hạ tha cho hắn tội chết.

Nghe nói có lý, nhà vua hạ lệnh tha cho người đó tội chết. Muốn đền đáp ân cao cả ông Đại thần, từ đó anh ta đến hầu hạ phụng sự một cách tôn kính đã lâu năm, giữ một lòng trung thành, trước sau như một, rồi thầm nghĩ như vậy:

Sự dâm dục giết người ta hơn dao kiếm sắc, trước đây ta suýt chết cũng do lòng dục vọng phát động. Rồi thưa với ông rằng:

– Kính thưa ông! Chúng tôi tự nghĩ sự sinh tử vô thường nhanh như chớp nhoáng, như đèn ở trước gió, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ, sớm có chiều không, thân này chẳng lâu sẽ vào cửa chết. Vì vậy chúng tôi xin ông để đi tầm đạo giải thoát.

Đáp: – Việc ấy rất hay, nếu học đạo được thành công thì đến đây cho tôi gặp mặt một lần nữa.

Bắt đầu lên núi tu học, chuyên tâm suy xét đạo lý, không bao lâu tinh thần tự nhiên khai ngộ, hiểu thấu nguồn chân, thành ngôi Bích Chi Phật, và giữ lời hứa trước nên Ngài trở về nhà ông quan Đại Thần, và hiện ra mười tám pháp thần thông: bay trên hư không mình phun ra nước lửa, hoặc phóng đại quang minh chói lòa khắp trời đất, ông Đại Thần coi thầy phép thần cao siêu, trong lòng vui vẻ, kính trọng và khấn rằng:

– Kính lạy Ngài, tôi có phúc duyên được cứu Ngài năm trước, vậy xin cho tôi đời đời được phú quý tràng thọ cao đẹp hơn đời, và trí tuệ đức tướng của tôi cũng được như Ngài.

Nói tới đây đức Phật lại nhắc cho vua A Xà Thế biết rằng:

– Nhà vua nên biết quan Đại Thần cứu sống một người thuở đó, nay chính là Hằng Gia Đạt. Bởi duyên lành ấy nên sinh vào nơi nào cũng không bị chết yểu, và cũng do phúc duyên ấy mà nay được gặp ta chứng đạo giải thoát.

Phật nói xong, tất cả mọi người trong Đại Hội ai rấy đều kính tin vui mừng cúi đầu lễ tạ lui ra.

Phẩm Thứ Bảy: Thái Tử Tu Xà Đề

Chính tôi được nghe: Một lần Phật ở nước La Duyệt Kỳ, tại Tinh Xá vườn Trúc.

Bấy giờ đức Phật và tôi (A Nan) vào thành khất thực gặp hai ông bà già đã lòa đôi mắt, nhà nghèo ở trú dưới cổng thành. Ông bà chỉ được một cậu con trai năm ấy mới lên mười tuổi, hàng ngày cậu phải đi xin để nuôi cha mẹ, được quả gì tươi chín, hoặc thức ăn ngon thì dâng cha mẹ, còn thứ gì không ngon thì mình ăn.

Tôi thấy đứa bé hiếu thảo với cha mẹ như vậy, động lòng thương và yêu nó lắm! Sau lúc về Tinh Xá tôi bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Vừa đây con đi theo hầu Ngài vào thành Xá Vệ, thấy một đứa bé con, biết báo hiếu, đi xin được món gì ngon thì để dâng cha mẹ, món gì dở để mình dùng, còn nhỏ dại mà đã có từ tâm hiếu kính như vậy, thực là hiếm có.

Phật bèn dạy rằng:

– Người xuất gia hoặc tại gia có từ tâm hiếu dưỡng với cha mẹ thì được phúc vô lượng vô biên, ta tự nhớ rằng thời quá khứ có một lần cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc đói khát nguy nạn! Bởi công đức ấy ta sinh lên trời được làm Thiên Đế, sinh xuống nhân gian được làm Thánh Vương, cho đến nay được thành Phật, đặc tôn trong ba cõi cũng do phúc ấy.

Thấy Phật nói thế, tôi hỏi Phật rằng: – Kính lạy đức Thế Tôn! Thời quá khứ Ngài cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc nguy nạn, việc đó thế nào xin nói chúng con được rõ?

– Này A Nan: Ông hãy đễ ý nghe! Cách đây vô lượng vô số kiếp, cũng Châu Diêm Phù Đề này có một nước lớn tên là Đặc Xoa Thi Lợi. Ông vua nước ấy tên là Đề Bà, được mười con trai, mỗi người cai trị một nước, người con trai út tên là Tu Đề La Chi, (Tàu dịch là Thiện Trụ ) trị dân được an lạc, giàu thịnh mưa gió thuận hòa, thái bình thịnh trị nhân dân mến chuộng.

Thời đó ở nước vua cha có quan Đại Thần tên là La Hầu, tính hung ác tàn bạo, nổi dậy làm phản cướp ngôi giết vua rồi đem quân đi giết Thái Tử ở các nước nhỏ. Thái Tử ứt là người có đức lớn, nên các bộ quỉ thần thường hay ủng hộ, hôm ấy nhà vua ra vườn chơi chợt gặp một con quỉ Dạ Xoa, rẽ đất chui lên thưa rằng:

– Là Hầu Đại Thần làm phản giết vua cha rồi, đương đem quân đi giết các anh của nhà vua, nay mai sắp tới đây để giết nhà vua đó, vậy mau mau sửa soạn lánh đi nơi khác. Nhà vua gật đầu cảm ơn trở về cung, không nói cho ai biết, nửa đêm lẻn ra đi một mình, đi chưa được bao xa, sực nhớ con yêu của mình là Tu Xà Đề mới bảy tuổi, tính rất thông minh khôn sáng, trở về ẵm đi vừa đi vừa sụt sùi rơi lệ chứa chan! Bà phu nhân thấy có vẻ lật đật lo sợ, ngạc nhiên hỏi:

– Nhà vua lo việc chi mà lật đật như vậy? Nói cho tôi biết với.

Đáp: – Việc chi bà không cần phải biết.

Bà bèn nắm vạt áo kéo lại hỏi: – Tôi với nhà vua hai thân như một, cam khổ cùng chung chịu, sống thác có nhau, điều chi xin nói cho tôi biết?

Nhà vua bất đắc dĩ nói rằng: – Hôm qua tôi ra vườn chơi gặp con quỉ Dạ Xoa bảo cho biết rằng: Hiện nay ở nước nhà La Hầu đại thần đã giết mất vua cha rồi, đang đem quân đi giết các anh ta, nay mai sắp tới đây giết ta, vì thế ta không kịp nói cho ai biết.

Hoàng Hậu nói: – Chao ôi! Một việc nguy như vậy mà ông nỡ bỏ tôi, chực đi một mình, thôi để tôi đi cùng, sống chết có nhau.

Nói rồi bắt đầu đi, mục đích sang nước láng giềng là một ông vua bạn thân, sang nước ấy có hai lối: Một lối đi bảy ngày, một lối đi mười bốn ngày, vì lo sợ quá nên lúc ra đi không chuẩn bị lương thực, nhà vua chỉ đem lương đủ có một người ăn trong bảy ngày, nhưng không may đi phải con đường mười bốn ngày, đi được vài hôm lương thực đã hết, đói khát mê man giữa rừng thực vô phương kế! Vì sợ Thái tử chết nên nhà vua định giết Hoàng Hậu để cứu con, nghĩ rồi giục bà đi trước, rút dao định chém. Thái Tử thấy vậy chắp tay thưa rằng:

– Kính lạy cha, cha cầm dao để làm gì?

Đáp: – Ta giết mẹ để lấy thịt cho con ăn kẻo con chết mất.

Thái Tử thưa: – Kính lạy cha! Xin cha giết con, để ăn dùng cho qua lúc tai nạn này, cha chớ giết mẹ con, không bao giờ con lại ăn thịt mẹ, con tuy chết nhưng cha mẹ lại sinh được con khác, nếu mẹ con chết, thì không bao giờ có mẹ con lần thứ hai nữa, cứ mỗi ngày con xin cắt thịt con để dâng cha mẹ dùng cho tới nước kia.

Thấy Thái Tử nói thế, nhà Vua lòng đau như cắt không biết tính kế gì, nếu không ăn thịt chết cả ba người cũng vô ích, nếu ăn thịt thì thương con, và nhất là sự cứu vãn nước nhà là cần thiết hơn, nghe xong nhà Vua đành nhận lời của Thái Tử, cứ như thế mỗi ngày cắt hai miếng thịt ăn cho khỏi mệt mỏi, để lấy sức đi đường, đã gần hết mà chưa tới, sự đói thúc giục nghèo ngặt quá, nhà Vua cầm dao cắt thêm được chút thịt nữa, tới lúc cha con sắp chia tay thì Thái Tử thưa với cha rằng:

– Thưa cha, mạng con sắp chết, vừa rồi cha cắt được chút thịt xin cho con một phần.

Nhà Vua bèn phân số thịt đó ra làm ba, hai phần để ăn, còn một phần trao cho Thái Tử. Tới đây cha con từ giã nhau, nhà Vua và Hoàng Hậu hai người đi không lâu đã tới nước kia. Còn Thái Tử nằm trơ trên mặt đất giữa khoảng rừng xanh, khi đó Thái Tử nguyện rằng:

– Kính lạy Thập Phương đại giác Tam Hùng Sư chứng minh lòng thành kính của con cắt thịt dâng cha mẹ, xin đem công đức này để cầu thành Phật, tế độ mười phương chúng sinh, hết mọi sự đau khổ, đưa chúng sanh đến cõi Niết Bàn an lạc.

Phát nguyện xong ba ngàn thế giới chấn động sáu lần, cõi trời Dục Giới và Sắc Giới, ngạc nhiên không biết chuyện chi mà chuyển động cả cung điện, họ nhìn xuống nhân gian thấy Thái Tử Tu Xà Đề cắt thịt nuôi cha mẹ, vì lòng hiếu thảo làm chuyển động trời đất, họ bay xuống rất đông, vì lòng hiếu của Thái Tử làm cho mọi người rơi lệ thành mưa. Vua Đế Thích tự hóa thân làm đứa bé con lại xin Thái Tử trao cho miếng thịt đương cầm tay, Đế Thích lại hóa ra con sư tử chồm nhảy gào thét ý muốn ăn thịt, Thái Tử thầm nghĩ:

– Những loài muông thú kia, muốn ăn thịt ta thì cứ ăn, ta rất vui lòng có tiếc chi.

Vua Đế Thích thấy Thái Tử một dạ bền bỉ vững chắc, liền hiện lại nguyên hình, rồi thưa rằng:

– Thưa Thái Tử tôi đây là Thiên Đế, thấy Thái Tử có hiếu đối với cha mẹ một cách tuyệt đãi, tất cả trời người phàm thánh không ai làm nổi, xin hỏi, Thái Tử đem công đức ấy hướng về ngôi Đế Thích, Phạm Thiên, Ma Vương hay sao?

Đáp: – Thưa Ngài tôi đem công dức này hướng về cõi Phật, cầu thành Phật độ sinh, chứ không cầu làm những ông vua cõi trời, cõi người như Đế Thích, Phạm Vương, Ma Vương hay Chuyển Luân Thánh Vương để hưởng những dục lạc trong ba cõi.

Đế Thích hỏi: – Thái tử đau đớn như thế thì tâm có hối hận gì không?

– Thưa không có hối gì?

Thái Tử nói không, chúng tôi không lấy gì để làm chứng tỏ.

Nếu Ngài không tin thì xin phát nguyện rằng: – Nếu tâm tôi không hối thì thân tôi lại được phục như cũ.

Tuyên thệ xong, thân thể tự nhiên lại được lành mạnh như cũ, các vết thương biến mất, da dẻ tốt đẹp thân người rạng rỡ.

Thấy sự chứng tỏ có cụ thể như vậy, vua Đế Thích và tất cả mọi người cõi trời ai ai cũng vỗ tay vui mừng và khen Thái Tử chí thành, chí hiếu, rồi cùng nhau biến thân về thiên cung.

Đoạn này nói đến nhà vua khi tới nước kia vào yết kiến vua nước ấy, hai người nói chuyện với nhau hồi lâu và trình bày công cuộc đi, sự hiếu của Thái Tử Tu Xà Đề cho vua láng giềng nghe, nhà vua láng giềng nghe xong, vừa thương vừa cảm động, đồng thời tất cả vua quan sĩ chúng đi thăm Thái Tử, đến nơi thấy Thái Tử được lành mạnh, tới trước chào mừng và thuật rõ câu chuyện để vua nghe. Thấy thế ai ai cũng vui mừng không tả xiết. Nhà vua láng giềng thấy Thái Tử có sự ly kỳ như vậy, lại càng thêm phần kính trọng rồi tất cả trở về kinh thành.

Sau thời gian ấy, vua láng giềng sửa soạn binh nhung xa quân, mã quân, bộ quân. Cùng với vua Thiện Trụ và Thái Tử Tu Xà Đề về bản quốc tiêu diệt bọn La Hầu, và lập Đại vương cho vua Thiên Trụ, từ đó trở đi trong nước lại được thái bình thịnh trị.

Phật nói tới đây lại nhắc cho tôi biết rằng: “Này A Nan vua Thiện Trụ thuở đó chính là tiền thân Phụ Vương của ta ngày nay (vua Tịnh Phạn), bà mẫu lúc đó chính là tiền thân của ta bây giờ (Ma Gia), Thái Tử Tu Xà Đề chính là tiền thân của ta. Cũng do đời quá khứ ta có từ tâm hiếu hạnh, cắt thịt nuôi cha mẹ trong lúc nguy nạn, bởi phúc ấy trên cõi nhân, cõi thiên ta thường được sinh vào nhà tôn quý hưởng phúc vô cùng vô tận, và nhân thế cho đến ngày nay ta được thành Phật, đặc tôn trên ba cõi.

Bấy giờ trong đại hội được nghe thuở tiền sinh của Phật, ai ai cũng cảm lòng hiếu hạnh của Ngài, thực là hiếm có. Ngay lúc ấy có người đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm cho đến quả A La Hán, có người phát bồ đề tâm, có người trụ ngôi bất thoái, mọi người đều vui vẻ cúi đầu tạ lễ mà lui.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 129 – Kinh Hiền Ngu (Bàlapandita sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiệu Lượng Sổ Châu Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Nhân - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Quả Trong Đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bắc Đẩu Thất Tinh Diên Mạng - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh 12 Danh Hiệu Của Đại Cát Tường Thiên Nữ - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 13 – Bần Tiện - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng
  • 100 Bài Kệ Tụng Về Hiền Thánh Tập - Kinh Tạng
  • Vãng Sanh Tịnh Độ Cảm Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Thiện Ác Nhơn Quả – Thích Giác Quả dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tám Danh Hiệu Của Chư Phật - Kinh Tạng