Kinh Cổ Lai Thế Thời
Cổ Lai Thế Thời Kinh [古來世時經]
Thất dịch
Việt dịch: Thích Chánh Lạc
***
Nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại Tiên nhân Lộc xứ ở Ba La Nại. Bấy giờ các Tỳ kheo sau khi đã ăn xong, hội tại giảng đường để cùng nhau nghị luận rằng:
–Giả sử có một trưởng giả thực hành bình đẳng. Có vị Tỳ kheo tịnh giới, phụng hành giới chơn chánh, đi vào nhà vị trưởng giả ấy để khất thực, so với người được một trăm cân vàng, cái nào thù thắng hơn?
Có vị Tỳ kheo đáp:
–Người được một trăm cân vàng, ngàn cân vàng nào có ích gì. Hãy suy tư cho kỹ điều này. Vị Tỳ kheo tôn thờ giới, tu hành chơn chánh, thọ nhận sự cúng dường của ông trưởng giả, tôi cho phước đức của ông trưởng giả mới là tối thượng.
Bấy giờ hiền giả A Na Luật cũng ở trong hội chúng, nghe lời thuyết pháp ấy, ngài trả lời rằng:
–Đâu chỉ có trăm ngàn cân vàng, giả sử châu báu nhiều hơn gấp bội như vậy cũng không bằng sự cúng dường phạn thực của vị trưởng giả cho Tỳ kheo chơn giới. Vì sao như vậy? Nhớ lại kiếp trước của tôi ở nước Ba La Nại, lúc ấy lúa thóc khan hiếm, nhân dân đói kém, tôi phải gánh cỏ đi bán để tự nuôi sống. Lúc đó có vị Duyên giác tên là Hòa Lý đi đến du hóa nước này. Buổi sáng tôi ra khỏi thành muốn đi gánh cỏ, bấy giờ vị Duyên giác đắp y, ôm bát vào thành để khất thực. Ở giữa đường, tôi đang gánh cỏ trở về trong thành thì lại gặp ngài ôm bát không đi ra. Ngài Duyên giác Hòa Lý từ xa trông thấy tôi đi đến, liền tự nghĩ rằng: “Sáng sớm ta vào thành thì người này ra khỏi thành. Nay y gánh cỏ trở về, có lẽ buổi sáng y chưa ăn, vậy ta hãy nên theo sau, đến nhà y để xin được chút gì cho qua cơn đói”. Lúc đó tôi gánh cỏ tự trở về nhà mình rồi thả gánh cỏ xuống đất, quay lại thấy vị Duyên giác đi theo sau tôi như bóng theo hình. Khi ấy tâm tôi suy nghĩ: “Sáng sớm ra khỏi thành ta thấy vị Duyên giác này vào thành khất thực, nhưng lại ôm bát không trở ra, có lẽ ngài chưa được ăn uống gì, ta hãy nhịn ăn để dâng cho ngài”. Tôi liền mang thức ăn ra, quỳ xuống dâng cho ngài để thân ngài được an ổn. Tôi nói:
–Mong trên đạo nhân thương xót mà nhận cho.
Khi ấy vị Duyên giác nói:
–Lúa thóc khan hiếm, nhân dân đói kém, vậy hãy chia cơm này ra làm hai phần, một phần bỏ vào bình bát ta, còn một phần thì ngươi hãy ăn vào. Như vậy mới là đúng pháp.
Tôi đích thân thưa:
–Đúng vậy, thưa thánh nhân, kẻ bạch y này ở nhà, hễ đốt lửa lên nấu bất cừ vật gì ăn cũng được, từ từ nấu ăn, sớm muộn gì cũng không sao. Xin đạo nhân hãy thương xót nhà con mà thọ nhận cho.
Khi ấy vị Duyên giác kia mới chịu thọ nhận đồ ăn. Nhân công đức này mà ta được bảy lần sanh lên trời làm vua chư thiên, bảy lần ở thế gian được làm người tôn quý. Nhân một lần cúng dường này mà được các quốc vương, trưởng giả, nhân dân, quần thần, trăm quan hễ trông thấy là cúng dường áo quần, đồ ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc men chữa bệnh, những thứ ấy ta không cầu nhưng nó vẫn tự đến. Lúc ta mới sanh ở nhà dòng họ Thích, các kho tàng hiện ra các thứ kim ngân trân bảo không thể kể xiết, và tài vật khác nhiều vô số. Khi ta bỏ nhà, vứt sự nghiệp là sa môn, giả sử bấy giờ ta biết được vị đạo nhân Duyên giác ấy đã thành đạo, ta dùng tâm rộng lớn cúng dường thì phước đức không thể đo lường được. Bấy giờ có bài tụng:
“Ta từng đi gánh cỏ
Bần cùng, làm thuê sống
Cúng dường vị sa môn
Là Duyên giác Hòa Lý.
Nhân đó sanh họ Thích
Gọi là A Na Luật
Ta liền ca và múa
Giỏi trống đờn và sáo.
Bấy giờ thấy đạo sư
Chánh giác hơn cam lồ
Liền phát tâm hoan hỷ
Xuất gia làm sa môn.
Bèn biết được kiếp trước
đời trước đã trải qua
Ở cung trời Đao Lợi
Được bảy lần an ổn.
Ở trời bảy, đây bảy
Cả thảy mười bốn lần
Ở trên trời, thế gian
Chưa từng đến ác đạo.
Biết được người đến, đi
Sanh tử đi về đâu
Tuy trên trời vui sướng
Sao bằng được Thánh đạo?
Nhờ định ý của ta
Tịch nhiên được nhất tâm
Tẩy trừ kết, các cấu
Đạo nhãn thấy thanh tịnh.
Cho nên mới xuất gia
Bỏ sự nghiệp tại gia
Sự nghiệp đã hiệp thành
Nhờ Phật dạy đầy đủ.
Cũng chẳng thích sự sanh
Cũng không cầu sự tử
Lúc đầu không lựa chọn
Tịch nhiên định ý chí.
Giữa rừng Trúc, Duy Đa
Ở đó ta mạng chung
Ở nơi Trúc thọ hạ
Diệt độ được vô lậu”.
Bấy giờ đức Thế Tôn với đạo nhĩ nghe hết tất cả những điều Tỳ kheo A Na Luật nói về túc mạng (đời trước) cho chúng Tỳ kheo , vốn là quả báo ngài đã đạt được trong những kiếp trước. Đức Thế Tôn từ phòng tham thiền đi đến giảng đường, ngồi trước Tỳ kheo, Ngài bảo các Tỳ kheo:
–Các ngươi cùng hội họp nơi đây để bàn luận chuyện gì?
Các Tỳ kheo thưa:
–Tất cả chúng con cùng hội họp nơi đây để bàn luận về chỗ quy thú của việc tội, phước, thiện, ác. Hiền giả A Na Luật tự nói về sự vun trồng gốc đức ở đời trước của ngài.
Đức Phật bảo các Tỳ kheo: -Các ngươi đã nói về sự việc đời quá khứ. Vậy có muốn nghe Như Lai nói về nguồn gốc ở đương lai chăng?
Các Tỳ kheo thưa:
–Xin vâng, bạch Thế Tôn, nay đã đúng lúc đức Thế Tôn nói về pháp đương lai cho các Tỳ kheo nghe. Nghe xong chúng con sẽ phụng trì.
Đức Phật bảo:
–Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ.
Các Tỳ kheo thưa:
–Xin vâng, bạch Thế Tôn, chúng con mong được nghe.
Đức Phật bảo:
–Ở đời đương lai, con người sống lâu đến tám vạn tuổi. Nhân dân ở cõi Diêm Phù Đề này thịnh vượng, ngũ cốc dồi dào. Các tụ lạc của con người sống cách nhau bằng tiếng gà gáy (hai bên cùng nghe). Người nữ đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Chúng sanh lúc ấy chỉ có ba thứ bệnh: bệnh già, đại tiện, tiểu tiện và mong cầu.
Bấy giờ có một vị vua tên là Kha, chủ bốn thiên hạ, làm vua Chuyển luân vương, lấy chánh pháp trị dân, có bảy báu tự nhiên: xe có bánh bằng vàng, voi trắng, ngựa xanh, minh châu, vợ là ngọc nữ, vị thần coi về kho tàng, vị thần coi về binh đội. Nhà vua có một ngàn người con trai dõng mãnh, sức lực, dung mạo thù thắng, hàng phục được binh đội của nước khác. Nhà vua cai trị bốn thiên hạ, không dùng roi, gậy, dao kiếm, lấy chánh pháp để giáo hóa, nhân dân an ổn. Vua có cổ xe lớn làm bằng bảy báu, bánh xe có ngàn cây căm, cao ba mươi hai trượng. Xe này rất cao, oai quang vòi vọi, bên trên xe có treo phan để bố thí tất cả chúng sanh y thực, giường chõng, xe chở hương hoa, đèn đuốc để cúng dường Sa môn, đạo nhân và những kẻ bần cùng. Khi bố thí xong, nhờ đức tin của gia đình, bỏ nước, bỏ ngôi vua, bỏ nhà học đạo, làm sa môn. Khi ấy tộc tánh tử này đã mộ đạo, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp y, đạt được phạm hạnh, tịnh tu vô thượng, cứu cánh Phật giáo, hiện tại tự nhiên thành sáu thần thông, đã chấm dứt sanh tử, việc cần làm đã làm xong, thấu rõ nguồn gốc của danh sắc.
Bấy giờ Tỳ kheo hiền giả ở trong hội, từ tòa đứng dậy, trịch áo vai hữu, quỳ dài chắp tay bạch đức Thế Tôn:
–Đời tương lai con sẽ làm vua Kha, chủ bốn phương thiên hạ, bảy báu tự nhiên, có ngàn người con trai, lấy chánh pháp cai trị, rộng thí tất cả, rồi xuất gia học đạo, thành Vô trước huệ chăng?
Khi ấy đức Thế Tôn la mắng Tỳ kheo ấy rằng:
–Này gã ngu si kia, hãy nên làm cho một đời được thành đạo đức rốt ráo. Sao lại cầu trôi lăn trong sanh tử mà nói rằng: “Đời sau của con làm Chuyển Luân Thánh Vương, tham đắm bảy báu, có ngàn người con trai dõng mãnh, rồi sau đó mới vào đạo”.
Đức Phật bảo Tỳ kheo ấy:
–Đời đương lai của ngươi sẽ được làm vua Kha, chủ bốn phương thiên hạ, rộng bố thí tất cả, xuất gia thành đạo.
Đức Phật bảo các Tỳ kheo:
–Con người ở đời hậu lai tuổi thọ tăng đến tám vạn tuổi. Sẽ có đức Thế Tôn hiệu là Di Lặc Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật Thế Tôn như ta hiện nay vậy. Chư thiên, Phạm Thích, Sa môn, Phạm chí, ở trên trời, dưới trời chẳng ai mà chẳng quy phục theo Ngài để thọ lãnh đạo giáo. Ngài rộng thuyết pháp giáo hóa bậc thượng, trung, hạ, làm cho họ khéo phân biệt nghĩa lý, tịnh tu Phạm hạnh. Ngài làm cho tất cả được đạo hóa, giống như ta ngày nay vậy. Lời dạy thanh tịnh của Ngài lưu bố cùng khắp trên trời, dưới đất, chẳng ai chẳng thọ lãnh chúng. Chúng Tỳ kheo của Ngài có vô số.
Khi ấy hiền giả Di Lặc ở trong hội này liền từ tòa đứng dậy, trịch áo vai bên phải, quỳ dài chắp tay, đến trước bạch đức Phật rằng: -Thưa vâng, bạch Thế Tôn, đời đương lai của con lúc ấy con người thọ đến tám vạn tuổi, con sẽ làm Di Lặc Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác, giáo hóa chúng sanh trên trời, dưới trời như đức Phật hiện nay vậy.
Khi ấy đức Thế Tôn tán thán ngài Di Lặc rằng:
–Lành thay! Lành thay! Hãy thi hành lòng từ nhu thuận rộng lớn để cứu độ vô lượng vô số chúng sanh. Hãy hưng khởi ý muốn này, vì tất cả chúng sanh ở đời đương lai mà tuyên xướng, dẫn dắt, cũng như ta hiện nay vậy. Đời đương lai ngươi sẽ thành Phật hiệu là Di Lặc Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu là Phật Thế Tôn.
Bấy giờ hiền giả A Nan cầm quạt hầu Phật, đức Phật bảo tôn giả A Nan : -Hãy đem tấm y do tơ vàng dệt thành lại đây. Ta sẽ thưởng cho Tỳ kheo Di Lặc.
Tôn giả A Nan vâng lời, liền mang đến dâng đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nhận rồi liền đem cho ngài Di Lặc, nói với ngài Di Lặc rằng:
–Hãy nhận lấy pháp y này để cúng dường chúng tăng. Vì sao vậy? Vì các đức Như Lai Chí Chơn Đẳng Chánh Giác ở thế gian làm cho con người được nhiều lợi ích, dùng chí đức để cứu độ họ.
Ngài Di Lặc liền lấy y này dâng lên chúng tăng. Bấy giờ ma Ba Tuần trong lòng tự nghĩ: “Sa môn Cù Đàm vì các Tỳ kheo giảng về đời đương lai. Nay ta muốn đến nhiễu loạn giáo pháp của ngài”.
Ma liền đi đến trước đức Thế Tôn, nói kệ tụng:
“Tôi nghĩ người bấy giờ
Thân mềm mại, tóc mượt
Thân đầy báu anh lạc
Đầu trang sức ngọc hoa”.
Thế Tôn nói:
–Nay ma Ba Tuần cố ý đến đây muốn não loạn đạo giáo của ta.
Đức Phật nói kệ:
“Nhân dân thời bấy giờ
Vô trước, đoạn hồ nghi
Cắt đứt lưới sanh tử
Việc làm không thất thoát
Theo Phật Di Lặc dạy
Tu phạm hạnh thanh tịnh”.
Thiên ma:
“Tôi nghĩ người bấy giờ
Thân mặc y ngời sáng
Và xoa hương chiên đàn
Trang nghiêm thân và đầu
Ở thành Kê Đầu Mạc
Nơi vua Kha trị vì”.
Thế Tôn:
“Người bấy giờ chí thành
Vô ngã, vô sở thọ
Không dùng châu báu lạ
Tâm không có tham trước
Ở đời Phật Di Lặc
Tu phạm hạnh thanh tịnh”.
Thiên Ma:
“Tôi nghĩ người bấy giờ
Tham của báu, uống, ăn
Thích công việc ca múa
Ưa trống, đờn, cầm sắc
Ở thành Kê Đầu Mạc
Nơi vua Kha trị vì”.
Bấy giờ đức Phật dùng bài kệ đáp lại ma:
“Kẻ ấy được vô cực
Phá lưới, hết câu thúc
Thiền định, hành bình đẳng
Vui mừng vô sở trước
Ma Ba Tuần nên biết
Lúc đó ngươi không còn!”.
Bấy giờ trong lòng ma Ba Tuần tự nghĩ: “Đức Như Lai là bậc thần thánh, đã biết chỗ an trụ, hưng khởi và hủy diệt của ta”, nên ma buồn rầu, không vui, xấu hổ mà bỏ đi.
Đức Phật nói như vậy xong, lúc ấy tất cả đều hoan hỷ.