Kinh Sinh
Hán dịch: Tây Tấn Trúc Pháp Hộ
Việt dịch:Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
***
Kinh 1: Đức Phật Nói Kinh Na-lại
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm nằm mươi vị hội đủ.
Lúc bây giờ, có một vị Tộc tánh tử bỏ nhà, xa vợ con, lìa quyến thuộc để làm Sa-môn. Người vợ đoan chánh, xinh đẹp, thấy chồng bỏ nhà đi tu liền tái giá. Vị Tộc tánh tử nghe được tin ấy, lòng nghĩ nhớ những lúc cùng vợ vui vẻ: khi thì vợ chồng giữ lễ tương kính, khi thì cùng nhau cười đùa, phóng túng. Lòng tưởng nhớ không chút nguôi ngoai, hình bóng vợ luôn ám ảnh, khiến Tộc tánh tử hình đáng tiều tụy, nếp sông luôn luôn sầu thảm, không ham thích việc tịnh tu phạm hạnh, liền định quay về nhà. Các vị Tỳ-kheo hay được, bèn đến bạch Phật. Đức Phật kịp thời cho gọi Tộc tánh tử đến. Tộc tánh tử lập tức tới nơi, làm lễ Phật, ngồi sang một bên. Đức Phật -liền vì Tộc tánh tử mà dứt trừ vọng niệm về sắc dục, lỗi lầm về si ái, giảng dạy về sự nhơ bẩn của phiền não cấu nhiễm, vui ít buồn nhiều, nhiều thất bại ít thành đạt, diễn ra không giới hạn, chỉ có Đức Phật và các đệ tử sáng suốt của Ngài mới phân biệt nhận rõ được. Ái dục sinh tội lỗi, nhiều không kể xiết, vượt khỏi sắc dục, dứt bỏ mọi tưởng về chúng thì mới có được cuộc sống vắng lặng để học hỏi Diệu đế.
Sau khi nghe Phật thuyết giảng, vị Tộc tánh tử liền thấu rõ pháp sáng suốt của bậc Thánh hiền, đồng thời các vị Tỳ-kheo cũng đạt được điều chưa từng có. Các vị ấy cùng nhau bàn bạc:
-Chúng ta hãy ngẫm nghĩ xem việc này, quả là vị Tộc tánh tử đã lìa bỏ gông cùm, xiềng xích của tù ngục gia đình, nhưng lại tự ràng buộc tư tưởng tham đắm về vợ con, không chuyên tu phạm hạnh, Đức Thế Tôn đã kịp thời, bằng những phương tiện thông tuệ của Bậc Như Lai mà khai thị cho, khiến cho con người trở nên Hiền thánh.
Khi ấy, các vị Tỳ-kheo thưa với Đức Thế Tôn:
-Chúng con xét thấy quả là vị Tộc tánh tử có lìa bỏ gia đình, quyết làm Sa-môn, nhưng lại tưởng nhớ tới vợ con, gia sự. Đức Thế Tôn đã vì ông ấy mà chỉ ra lỗi lầm của ái dục, công năng của giới luật, hoạn nạn của sinh tử và sự an vui của cõi vô vi giải thoát khiến cho người tu tập đạt đến cảnh giới của bậc Thánh, dứt mọi tham đắm, vướng mắc. Làm được việc này, ngoài Đức Như Lai Chí Chân Chánh đẳng giác ra, không còn ai có thể thực hiện được.
Đức Phật nói:
-Này các vị Tỳ-kheo, vị Tỳ-kheo ấy, chẳng phải mới đời này dấy lòng tham đắm sắc dục, tình ái, không thể tự kiềm chế tâm, ý bị ràng buộc với ái dục không thể dứt ra được Đây cũng không phải lần đầu Ta khuyến hóa ông ấy dứt trừ những mê hoặc của ái dục mà ngay trong đời quá khứ xa xưa kia, Ta cũng đã từng làm việc ấy rồi.
Đức Phật kể:
-Trong thời quá khứ, có một vị quốc vương tên là Phương Tích, trong cung có rất nhiều mỹ nữ nhan sắc mặn mà không đâu sánh kịp. Bọn họ hay cùng với người khác tranh cãi, như với bọn gái dâm đãng không chút xót thương, hoặc với các tỳ nữ, đám đồng tử cũng cấu tranh giành. Mọi người đều gây gỗ không chịu hòa mục với nhau, vừa gây gỗ xong, liền kéo ra khỏi cung đi mất. Vua Phương Tích nghe được chuyện này bèn nổi giận. Bọn mỹ nữ ấy đi đâu mà đám gia nhân tìm không thấy khiến nhà vua ưu sầu chẳng vui, lại khóc lóc thảm thương. Vua luôn tưởng nhớ những người phụ nữ: nhớ lúc cười đùa vui vẻ, nhớ cảnh tình nghĩa vợ chồng, giờ đây, mọi tâm tư, hành động đều hướng về họ, nên dù có đờn ca xướng hát cũng chỉ thêm buồn, chẳng ích lợi gì. Nhà vua không thể tự thoát ra khỏi tình cảnh này.
Lúc bấy giờ có một vị Tiên nhân, đầy đủ năm thứ thần thông, dùng thần túc bay đi, oai lực vô cùng, tên là Na-lại (đời Tấn gọi là Vô lạc), thấy vua Phương Tích bị mê hoặc theo nẻo ái dục, không thể tự cởi bỏ được, nên đem lòng thương xót, muốn vì nhà vua mà dứt trừ hoạn nạn của ái dục. Vị Tiên Na-lại bay trong không trung, thể hiện thần thông, đột nhiên đáp xuống giữa điện vua. Nhà vua trông thấy, liền đứng dậy nghênh đón, nhường chỗ mời ngồi. An tọa xong, vị Tiên hỏi nhà vua:
-Do đâu mà tâm ý của đại vương đắm nơi ái dục, luôn nghĩ ngợi lao lung, tư tưởng về tình ái, sắc dục, không thể tự ngăn mình lại?
Nhà vua kính cẩn cứ sự thật nêu rõ ràng việc thể nữ trong cung tranh giành về địa vị: lớn, nhỏ, trên, dưới không chịu hòa với nhau, tất cả đều bỏ đi. Đây chính là nỗi ưu sầu, lo lắng không sao cởi mở được.
Lúc ấy, vị Tiên nhân vì nhà vua mà thuyết giảng về các khổ nạn của ái dục, về các công đức của việc xa lìa ái dục. Vị Tiên nói:
-Người đời tìm cầu về dục không biết thỏa mãn. Giả sử có một người thỏa mãn được mọi ham muốn nhưng vẫn không hề thấy mình là đầy đủ.
Bèn nói bài kệ:
Người đời bao ham muốn
Biết chán không một ai
Mọi nẻo đều nguy hại
Cớ sao tự giết mình.
Tất cả các dòng nước
Đều đổ về biển khơi
Chẳng hề thấy đầy đủ
Không chán ai cũng thế.
Ví được làm Phạm thiên
Sang quý nào ai kịp
Chỗ dục lại còn hơn
Chẳng hề biết chán đủ.
Giả sử cõi Diêm-phù
Hết mọi thứ cây cỏ
Thiêu đốt mãi không chán
“Dục chẳng đủ ” cũng vậy.
Như tám hạng nam tử
Đoan chánh, dung mạo tươi
Tất cả thêm về dục
Uy lực đoan chánh tốt,
Như vì lời thêm ác
Hủy dục nơi trượng phu
Không đáng khinh lại khinh
Chưa chán, cho là chán.
Đại vương phải nên biết
Như học theo ái dục
Ân ái càng thêm tăng
Khác nào uống nước mặn.
Vị Tiên nhân đã vì
Vua Phương Tích giảng giải
Nói bài kệ “thông thiết”
Khiến vua được thông tỏ.
Bấy giờ, vị Tiên nhân đã vì vua Phương Tích đem giáo pháp ấy mà khai thị giáo hóa, khiến nhà vua liền được cởi mở, hiểu rõ, không còn ham chuộng nẻo hoan lạc, xuất gia học đạo, tu tập bốn phạm hạnh, đoạn trừ ái dục, nghiêm trì đầy đủ giới luật, sau khi mạng chung được sinh lên cõi Phạm thiên.
Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Có lẽ các ông đều muốn biết vị vua Phương Tích thời ấy là ai? Đó là vị Tỳ-kheo này (chĩ vị Tộc tánh tử), còn Tiên nhân Na-lại chính là tiền thân của Ta đấy! Kiếp xưa gặp nhau, đời này gặp lại!
Đức Phật đã thuyết giảng như thế, không một vị Tỳ-kheo nào là không hoan hỷ.
Kinh 2: Đức Phật Nói Kinh Tỳ-kheo Khất Thực.
Nghe như vầy:
Khi Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ có một Tỳ-kheo cùng với nhiều vị khác đi khất thực khắp nơi. Theo thứ lớp, vị ấy đi vào nhà một người đàn bà dâm đãng. Thấy vị Tỳ-kheo đến nhà mình, người đàn bà ấy vui mừng lăng xăng, vội vàng đón tiếp, đảnh lễ nơi chân vị Tỳ-kheo, mời vào chỗ ngồi, rồi hỏi:
-Thầy từ đâu đến đây?
Vị Ty-kheo đáp:
-Tôi là kẻ khất thực đến đây để xin ăn.
Người đàn bà này liền bày biện các thức ăn ngon đầy bình bát để cúng dường. Vị Tỳ-kheo nhận cúng dường rồi ra về. Lúc ấy, vị Tỳ-kheo được nhận đồ ăn ngon lành đầy đủ, trong lòng rất hoan hỷ, không tự kiềm chế nên thường chỉ đến nhà người đàn bà dâm đấng ấy để khất thực. Người đàn bà này suy tính: “Vị Tỳ-kheo ấy khó lòng giữ được đạo pháp.”
Bà luôn sửa soạn các thứ đồ ăn ngon lành, bổ dưỡng để trao cho vị Tỳ-kheo kia thường lui tới luôn. Học vấn chưa thông, nẻo hành hóa không đủ sức tính toán, chưa điều phục được các căn, vị Tỳ-kheo khất-thực ấy thấy nhan sắc mỹ miều của người đàn bà dâm đãng, nên ý dâm vọng khởi, lòng dạ buông thả, say đắm người đàn bà ấy, miệng nói ra những lời dịu ngọt, ân tình, lòng luôn tơ tưởng chuyện thương yêu và những lời đáp lại cũng ân cần trọn vẹn.
Tỳ-kheo khất thực hằng ngày luôn đến đấy, mắt thường thấy sắc đẹp, tai luôn nghe tiếng ngọt ngào, nên ý dâm loạn động, mê hoặc lầm lẫn, chẳng biết gì cả. Như kinh Phật đã nói: “Mắt thấy sắc đẹp, động lòng dâm tà.” Đức Thế Tôn lại dạy: “Nhìn đàn bà, nếu lớn thì xem như mẹ, trung niên thì xem như chị, còn nhỏ thì xem như em gái hoặc như con cái. Phải quán tưởng bên trong thân ấy đều là chất nhầy nhơ uế, không có gì để yêu. Bên ngoài thân thì như cái bình được vẽ vời, trong đó chẳng sạch sẽ gì. Phải quán tưởng: thân này do đất, nước, lửa, gió, bốn đại theo nhân duyên hòa hợp thành, nó vốn không có thực.”
Vị Tỳ-kheo kia chưa hiểu được pháp quán về Không, bị sắc đẹp quyến rũ nên ý dâm cứ loạn động mãi, vì người dâm nữ ấy mà nói bài tụng:
Tuổi thơ thục nữ luôn tươi tắn
Dung mạo đoan chánh càng đẹp xinh
Nhan sắc so ra hơn tất cả
Cùng nàng ta nguyện sống chung tình.
Khi đó, người dâm nữ nghe vị Tỳ-kheo, ấy nói như thế, tự cho là mình vốn không biết tham dâm hung ác là phản lại việc nghiêm trì giới luật thanh tịnh, là không tội, nhưng với người tu hành thì tội lỗi thêm dày, nên nàng dựa theo câu nói, lựa lời mà đáp. Nàng dùng bài kệ đáp lại:
Ta mang cơm nước đến
Hương hoa, y phục tốt
Bằng thứ ấy hiến cúng
Như vậy đã đủ chưa ?
Vị Tỳ-kheo liền dùng kệ đáp lại nàng:
Ta không có tài sản
Xem hoạt động của ta
Xin ăn đế nuôi sống
Muốn cùng được nương nhờ.
Người dâm nữ dùng kệ nói:
Giả sử thân người không sự nghiệp
Tại sao quyết cầu chỗ khó đạt
Nếu ông không biết chỗ hổ thẹn
Thì hãy mau rời khỏi nhà ta.
Nàng liền trục xuất vị Tỳ-kheo, đuổi đến tận cửa tinh xá Kỳ hoàn. Các vị Tỳ-kheo thấy vậy, liền đến thẳng chỗ Đức Phật thưa rõ sự việc với Đức Thế Tôn và xin Ngài nói rõ gốc ngọn của việc này. Đức Phật nói, vị Tỳ-kheo ấy thân kiếp trước đã từng làm con ba ba, còn người dâm nữ đã từng là con khỉ cái. Chúng rất hợp nhau nhưng không được như ý. Rồi quay lại tự lừa dối, bức bách nhau, không đi vào nẻo chánh giáo, nên họ phải chịu hoạn nạn đau khổ mãi như thế. Ý chí, ước nguyện cùng dâm nữ, ước nguyện không thành mà còn bị nhục nên xấu hổ bỏ đi.
Đức Phật kể:
-Trở về vô số kiếp của thời quá khứ xa xưa, trong dòng sông lớn có một con ba ba sinh sống. Bờ cây này cây cối sum suê, trong đám rừng rậm ấy có một con khỉ cái lấy đấy làm nơi ở. Lúc con ba ba ngoi lên mặt nước, xa thấy trong đám cây cối có con khỉ cái này, nó cùng chuyện trò, rồi từng chút, từng chút tiến đến dần dần, muốn gần gũi với con khỉ. Lần lượt qua lại hằng ngày thấy nhau, ngày ngày đều như vậy. Nó nhìn mãi không chán, liền khởi ý dâm tà, lòng lại mê hoặc và bị cấu nhiễm, không thể tự biết được. Nó liền dùng bài kệ mà than. Kệ:
Đỏ vàng nhan sắc, mắt lại xanh
Cây cối nhởn nhơ vui lá cành
Ta muốn biết lông này nhẵn bóng
Ứớc sao được mãi ở bên mình.
Con khỉ cái dùng kệ đáp:
Ta nay biết rõ chàng ba ba
Vương tử thông minh tài lắm đa!
Nay cớ sao lại hỏi đến tớ
Ta nghe chàng hỏi dạ nghi ngờ.
Con ba ba dùng kệ bày tỏ:
Tâm ta mơ tưởng bóng hình nàng
Ân ái hoài mong thật rối lòng
Do có nhớ thương ta mới hỏi
Bằng cách gì đây để gặp nàng.
Con khỉ cái đáp lại bằng bài kệ:
Ba ba, chàng biết ta nương cây
Không thể cùng chàng giao kết được
Nếu muốn cùng ta vui gặp gỡ
Lên đây ta phụng dưỡng đủ đầy.
Bấy giờ con ba ba lại nói kệ:
Ta nhờ thịt cá để nuôi thây
Hấp dẫn ngon lành hơn trái cây
Đâu bỏ để cầu đồ khó nuốt
Vì nàng phải ngậm trải hoa này.
Khỉ cái dùng kệ đáp lại:
Giả sử người chàng ở cây to
Làm thế nào cầu ta chẳng đến
Nay thấy ta không chút thẹn thò
Thì mau rời khỏi, nỡ nào ngó.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Con khỉ cái ngày trước nay là người đàn bà dâm đãng ấy, còn con ba ba là ông Tỳ-kheo khất thực. Ngày trước phóng túng, mong ước những chuyện như vậy mà chẳng được như nguyện, mãi đến bây giờ rồi cũng thế!
Đức Phật thuyết giảng như vậy, các vị Tỳ-kheo đều vui vẻ lãnh hội.
Kinh 3: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Hòa Nan
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Lúc ấy có vị Thích tử tên là Hòa Nan. Vị này muốn có nhiều đệ tử, nên có ai muốn xuất gia, ông không cần biết họ hành vi tung tích thế nào, cứ cạo sạch râu tóc cho làm Sa-môn, truyền đủ giới pháp, không hỏi đầu đuôi, từ đâu đến, cha mẹ là ai, lành, dữ, tốt, xấu, biết hay không biết, miễn có được người là cạo đầu, truyền giới Cụ túc. Ông chỉ muốn có nhiều đệ tử, không nghĩ đến hậu hoạn. Đáng lẽ phải hỏi rõ ngọn ngành từ đâu đến, theo dõi hành động, đề phòng kẻ lừa dối xâm nhập để khỏi phải hối hận. Tỳ-kheo Hòa Nan chẳng chịu ai can ngăn, hễ gặp được người liền cho cạo đầu xuất gia.
Thuở ây, có một người hung ác, con kẻ đánh bạc lận. Hắn nghe đồn Thích tử Hòa Nan có nhiều quần áo, bình bát, lại rất muốn có nhiều đệ tử, liền đến xin theo học. Ông Hòa Nan chẳng hỏi gốc ngọn, từ đâu đến mà cứ xuống tóc cho hắn, bản thân hắn thì đói lạnh, không có gì sinh sống, muốn đến đấy để lừa dối. Trong lòng dự sẵn mưu kế, hắn đến thẳng chỗ Hòa Nan, cung kính nghiêm trang, dập đầu làm lễ, thể hiện oai nghi phép tắc, đứng ngồi phải cách, không chút sơ hở, vội vã. Thích tử Hòa Nan bảo với hắn:
-Làm Sa-môn phải sống ẩn dật, không ưu phiền, không lo lắng. Còn gần gũi với ái dục thì không phải là điều tốt đẹp. Lười nhác không lo tu tập là người không biết nên bị ái dục hủy hoại. Ái dục mà theo đuổi nhiều thì chỉ mang đến bao nỗi ưu phiền rối rắm, tai hại. Người tham đắm ái dục thì không thể được hóa độ.
Hắn đáp lại:
-Bản thân con không thể vất bỏ ái dục làm Sa-môn.
Hòa Nan lại hỏi:
-Tại sao ngươi chẳng chịu làm Sa-môn? Làm Sa-môn thu đạt được nhiều lợi ích. Ngươi đã có ý xuất gia làm Sa-môn rồi mà. Còn sở học và đức hạnh của ngươi thì ta sẽ giúp đỡ cho.
Hắn đáp:
-Xin vâng lời Thầy dạy, dứt hết lo âu, phiền muộn, sống cảnh ẩn dật, an nhàn để làm Sa-môn.
Như thế là hắn được cạo bỏ râu tóc, thọ Cụ túc giới. Động cơ làm Sa-môn của hắn có ý đồ, nên hắn cố biểu hiện tốt. Hắn cung kính, thuận hòa, tinh tấn tu hành, chưa từng lười biếng, nhẫn nhục, thuận theo lời dạy. Bấy giờ, Hòa Nan thấy có thể tin tưởng bảo bọc hắn, chẳng dò xét thái độ, chẳng chút nghi ngờ, lại tin tưởng tuyệt đối. Vì vậy mà Thích tử Hòa Nan đem hết y phục, bình bát cùng các đồ vật được cúng dường giao cho hắn trông coi, rồi đi ra ngoài du hóa, trong lòng yên ổn, chẳng còn vướng bận gì. Ở nhà, hắn ta tóm thâu tất cả y bát và các vật được cúng dường, vội vàng đem cất giấu một nơi kín đáo, rồi cùng với bọn đánh cờ bạc lận tụ họp nhau ăn uống. Lúc ấy, Hòa Nan nghe được người đệ tử mới kia như thế, liền tức tốc trở về, thấy nhà cửa trống không, mọi vật dụng bị trộm hết, bèn hỏi khắp chung quanh, tìm tới chỗ đông người cũng không thấy hắn, chỉ biết hắn là con kẻ đánh bạc lận, là hàng côn đồ hung bạo, giả vờ làm Sa-môn, dối trá lừa thầy để ăn cắp của cải. Mọi người đều nói: “Tánh thầy hấp tấp, chẳng hỏi rõ nguồn gốc mà đã xuống tóc cho hắn xuất gia! Nay hắn chiếm lấy của cải, lẫn trốn đâu đó, cùng với bọn đánh bạc lận ăn chơi!”
Hòa Nan biết được về hắn như vậy, sợ là không thể làm gì được hắn ta nên Thích tử Hòa Nan âm thầm chịu mọi sầu não. Các vị Tỳ-kheo nghe biết việc ấy liền thưa lại đầy đủ với Đức Phật. Bấy giờ, Đức Đại Thánh bảo các vị Tỳ-kheo:
-Người đánh bạc lận trụy lạc ấy không phải chỉ đời này dùng dáng dấp nhà sư đạo đức để lừa gạt, chiếm đoạt của cải, mà kiếp trước hắn cũng thế. Ông Tỳ-kheo Hòa Nan cũng không dứt được sự tin tưởng đối với hắn.
Đức Phật kể:
-Về đời quá khứ xa xưa, lúc đó tại thành Vương xá, có một người hiền đi vào nhà chứa dâm đãng, cùng với gái mãi dâm ăn uống, ca xướng, vui chơi hoan lạc. Của cải của ông ta chẳng bao lâu tiêu tán, vì đã bị bọn dâm nữ đoạt lấy hết cả. Chẳng chừa, ông ta lại vào nhà chứa, bị dâm nữ xua đuổi, ông ta la mắng chửi bới chẳng chịu đi. Bấy giờ, người dâm nữ nhất quyết đuổi ra khỏi nhà. Cuối cùng, ông ấy đành đi mưu tìm của cải, nhưng rồi đi đi, về về, chẳng tìm được gì.
Quyết tìm cầu của cải, lần đó ông ấy đến nước Uất-đan, tuy đến được nước này, nhưng vì lạ, ông ta chẳng biết ất giáp gì cả. ở nước uất-đan, bấy giờ có một vị đại Tôn giả, nhiều của cải, châu báu, giàu có vô kể. Ông ta giả vờ làm một người hiền lành, nhân đức đến gặp thẳng vị Tôn giả, thưa:
-Tôi là một người buôn bán, dẫn đường cho nhiều người từ nước tôi đến đây, mang theo của cải châu báu. Trên đường đi, chúng tôi gặp bọn hung ác cướp đoạt hết mọi tài sản đó khiến chúng tôi trở nên nghèo cùng, mười phần nguy khốn, không thể sống nổi. Tôi vừa được cứu mạng, hết sức chạy đến đây, xin được nương nhờ, hầu hạ Tôn giả.
Vị Tôn giả thấy hắn ta oai nghi tề chỉnh, đi đứng đàng hoàng, có cái uy đức của người hiền, đúng là một người tốt. Từ đó hắn ta lập tâm làm ra vẻ một người trí tuệ thông minh, biện tài, biết ứng xử trong hành động, không lười biếng, tinh ý nhạy cảm mau mắn. Để làm cho Tôn giả hết sức vui mừng, hắn ta cẩn thận giữ gìn tâm ý, chưa từng phóng túng, làm việc gì đâu ra đó, không có việc gì mà không thành tựu, thân hành động trong sạch, miệng nói lời dịu dàng, không chút thô tục, toàn là lời khéo từ đẹp, mọi người thấy thế đều rất hoan hỷ. Toàn thể người trong nhà, quyến thuộc lớn nhỏ của Tôn giả đều rất quý mến thương yêu, ca ngợi hắn ta, khiến Tôn giả thấy thế rất là hài lòng, đem lòng tin tưởng vì những hành động của hắn ta không chút sơ sót. Bấy giờ Tôn giả thấy đức hạnh của hắn trong ngoài tốt đẹp không chút lỗi lầm, nên khuyến khích, giúp đỡ hắn trong mọi công việc của hắn tạo ra. Tôn giả rất kính trọng không chút khinh thường, dốc hết lòng tin, xem hắn như anh em, không có gì phân biệt, đâu đó rõ ràng, không mảy may lừa dối, ít lâu sau khi được tín nhiệm, nắm được một số tài sản lớn, hắn liền chiếm đoạt đem ra ngoài, dùng xe chở hết số tài sản quý báu ấy về thành Vương xá, cùng với bọn gái dâm đãng ăn uống, vui chơi thỏa thích.
Ở nhà vị Tôn giả không thấy hắn xuất hiện, liền cho người tìm kiếm lục lọi khấp chốn, không biết hắn tụ họp nơi nào! Xem lại kho tàng thì thấy mất rất nhiều của cải, châu báu không biết bao nhiêu mà kể. Thấy mất của cải, vị Tôn giả lại cho người tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn không thấy hắn đâu. Mãi sau mới nghe người ta đồn đãi: Tên ấy đã trở về thành Vương xá cùng với bọn dâm nữ ăn chơi. Gã con của người đánh bạc lận ấy, chẳng phải là hạng trưởng giả, chẳng phải là hạng người như Tôn giả đã nghĩ. Tôn giả đi dò tìm khắp nơi cũng không gặp được, rất tự giận mình, làm bài kệ than:
Không phải hiền quân tử
Mà ra dáng hào hoa
Lời khéo chứa điêu ngoa
Không nên tin tưởng chúng.
Nhìn bề ngoài hành động
Thấy họ rất hiền hòa
Người trí phải phòng xa
Quan sát cho thật rõ.
Tánh ác mới tường tỏ
Bọn lưu manh giở trò
Mà ta không nỡ lờ
Như ăn đồ độc hại.
Thì sao không phần lại
Ân tình cũng tiêu tan
Kẻ trí phải biết phân
Lúc nào nên giúp đỡ.
Như ta vừa rồi đó
Tin tưởng kẻ dối lừa
Giả hiền dạng dễ ưa
Đoạt của cải trốn mất.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Vị Tôn giả lúc đó nay chính là ông Tỳ-kheo Hòa Nan đây, còn tên lường gạt thì nay chính là tên con của người đánh bạc lận giả làm Sa-môn lừa dối ông Hòa Nan. Đời trước đã xâm đoạt nhau, đời nay cũng thế.
Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 4: Đức Phật Thuyết Giảng về Việc Sinh Sống Bằng Tà Nghiệp.
Nghe như thế này:
Một thời Đức Phật du hóa ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, vị Thích tử Hòa Nan vì người thuyết kinh giảng về mọi hoạt động để sinh sống, ông chỉ nói về việc ăn, mặc. Trong nhiều trường hợp khác, ông chỉ thuyết giảng về các việc phước đức cùng sự báo ứng, chưa từng giảng luận về cái diệu nghĩa của trí tuệ nơi đạo pháp, nhờ đó ông thu được rất nhiều đồ dùng về ăn mặc, rời xa nẻo Hiền thánh. Nói lắm điều về việc ăn uống của thế gian, những lúc cao hứng, ông đã nói những điều không nên nói và không đả động gì đến trí tuệ rộng lớn vượt sinh tử của đạo pháp. Các vị Tỳ-kheo thấy vị Tỳ-kheo đi khất thực, đến nhà người ta chỉ thuyết giảng; về các sự việc thế gian cùng sự cúng dường về ăn uống, y phục, liền trách cứ can ngăn, tiếng ồn lan ra làm các người theo học nghe được, họ cũng a vào để trách cứ can ngăn việc làm đó. Họ bàn với nhau:
-Thế nào là người hiền? Đức Thế Tôn Đại Thánh, Ngài đã thể hiện sự thông đạt bậc Thánh ấy qua tự thân chứng đạt Tối Chánh Giác, thuyết giảng cho đời pháp thâm diệu khó kịp, khó tỏ, truyền đạy khắp nơi giáo lý mầu nhiệm: vô niệm, vô tưởng, lòng lìa danh, sắc, được yên định, dứt hết khổ hoạn. Hạng sáng suốt đạt đạo, từ vô số kể trăm ngàn muôn ức kiếp, gốc từng theo chư Phật, lãnh hội chánh pháp, phụng trì, đều đạt đến cõi an ổn, tịch tĩnh. Các vị Tỳ- kheo nghe được chánh pháp, có được lòng tin từ gia đình, đã lìa bỏ nơi ấy xuất gia theo đạo, mà trở lại chuyên thuyết giảng về kinh điển thế tục, nhiều vọng tưởng tham cầu, dấy khởi bao chuyện về ăn uống dung tục, thật không nghĩa lý gì cả. Chỉ có kẻ xa lìa nẻo Thánh hiền mới làm những sự việc như vậy!
Các vị Tỳ-kheo liền đến bạch với Đức Thế Tôn.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
-Đó không phải là Sa-môn, cũng không phải là hành động của kẻ xuất gia thọ Cụ túc giới, đó chỉ là dựa dẫm vào đạo pháp để sinh sống, chỉ cầu lấy sự ăn mặc, chưa từng biết chỉ dạy hay dẫn dắt kẻ khác.
Lúc ấy, Đức Phật Thế Tôn đã dùng vô số sự việc để khiển trách về việc làm ấy là trái với giáo pháp. Ngài nói với các vị Tỳ- kheo:
-Ông Thích tử Hòa Nan là hạng nam tử ngu si, không phải chỉ mới đời này, đem chuyện lợi ích về ăn mặc của thế tục, thuyết giảng rộng rãi để được nổi danh, khiến cho mọi người cúng dường, mà từ kiếp trước, ông cũng đã làm thế.
Về thời quá khứ xa xưa, ở một nơi chốn hết sức vắng lặng, có nhiều vị Thần tiên cư ngụ, trong số đó có một vị Tiên ngu tối, không có trí tuệ, tâm ý tự ngăn lấp, thuyết giảng cho các quốc vương, thái tử và hàng quan lại, ông cũng chỉ nói tới các việc ăn uống với các món ngon vật lạ hoặc chuyện may mặc đủ loại, không hể bàn luận về đạo lý. Ông còn biết chọn hoàn cảnh thích hợp, như thấy kẻ giàu sang, xe ngựa thì đón lại để tìm đến giảng kinh. Hoặc vì những kẻ mê muội mà tìm tới giáng kinh. Hoặc nhân sự trở ngại khó khăn gì đây mà tìm đến giảng kinh. Hoặc vì sự ăn mặc ngon lành, đẹp đẽ của thế tục mà tìm tới khen ngợi để giảng kinh. Do những việc làm đó, ông được mọi người cúng dường đủ thứ các món ngon vật lạ. Khi ấy có một vị Phạm chí ngoại đạo thấy sự việc như thế, nên đã vì quốc vương, thái tử và các đại thần mà thuyết giảng kinh điển. Từ xa trông thấy xe ngựa của vị Tiên mê muội ấy đi tới, các vị Tiên liền đến thưa lên vị Hòa thượng và các vị Tiên khác biết. Nghe được các điều đó, các vị Tiên đều cùng trách cứ, can ngăn, cho rằng những việc làm ấy là sai trái. Đến khi vị Hòa thượng lớn nhất, tức vị Tiên đạt được năm thần thông hỏi rõ việc đó, Bồ-tát (vị Tiên năm thần thông) tức thời quở trách:
-Không nên như thế! Vì nếu người kia đã phạm phải những việc làm phi nghĩa, mà ta lại bài báng thì kể cả hai bên đều chẳng tốt đẹp gì! Chẳng phải là việc chân chánh. Lại nữa thuyết giảng kinh ấy là rời xa chỗ đứng của Hiền thánh, không thích hợp với sách vở. Người nghe, nhận thì cũng có nên chăng? Bởi vì cả hai đều bị đọa lạc!
Đối với việc của Hòa Nan, Đức Phật nói bài kệ:
Hai bên không thông nghĩa
Đọa lạc kể cả hai
Thuyết pháp nghĩa lý sai
Nghe kinh không hiểu rỡ.
Đánh giá đời rất khó
Thần tiên giảng tục kinh
Thu lợi lộc cho mình
Không biết cách khen ngợi.
Ăn cơm gạo thơm ngon
Thịt toàn đồ bổ dưỡng
Còn dựa vào Thánh hiền
Nhằm luận giảng điển chương.
Chí tại nơi nhàn nhã
Lương thực bằng rau quả
Ta vui cuộc sống đây
Thần Tiên vui pháp này
Ca ngợi đạo tịch diệt
Muốn làm Phạm chí tốt
Tự điều phục oai nghi,
Không vui trong mê si
Ít đòi hỏi, biết đủ
Bỏ nhà làm khất sĩ
Hãy nên sống như vậy
Chớ trái với kinh pháp.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Các vị hẳn muốn biết người vào thời ấy hay lấy chuyện ăn ngon, mặc đẹp để thuyết giảng, không bàn luận gì về đạo pháp, nay chính là ông Thích tử Hòa Nan đây. Các vị Hòa thượng với những phạm hạnh thanh tịnh nay chính là chúng Tỳ-kheo này. Vị Tiên nhân chứng đắc năm thần thông chính là Ta. Đời trước gặp nhau, đời này cũng gặp nhau.
Đức Phật giảng dạy như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 5: Đức Phật Thuyết Giảng về Kinh Ngã Sở
Nghe như thế này:
Một thời, Đức Phật du hóa ở khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Lúc bấy giờ, có một vị trưởng giả tuổi cao, giàu có vô kể, vàng bạc châu báu nhiều không biết bao nhiêu, nhưng ông sống trong cảnh khổ cực, thiếu thốn, chịu mọi sự đói khát, lạnh nóng. Ông cứ đương đầu với những khó nhăn, lo lắng toan liệu về các hoạn nạn, không kể gì đạo lý là để ky cóp nên cái sản nghiệp này. Tuy giàu có, ông chẳng chịu tiêu xài, không biết bố thí, không hề cúng dường, không nuôi dưỡng mẹ cha, không cung cấp đầy đủ cho vợ con, tôi tớ. Đối. với gia đình, bà con, hàng xóm trong ngoài, còn không được chút lợi lộc gì thì nói chi đến việc ông bố thí để tạo phước đức! Mặc thì toàn áo quần bằng vải thô xấu, ăn thì ăn đồ ôi hư, lòng luôn tiếc của, cha mẹ thiếu thốn, vợ con đói lạnh, gia thất trong ngoài không hề giao tiếp. Ông thường sợ những người ấy gây điều phiền nhiễu. Họ có cầu xin điều gì, ông đều tỏ ra keo kiệt, tham tiếc của cải, đúng là hạng thiếu phước không trí, chỉ bo bo giữ lấy phần mình, không chịu giúp đỡ ai.
Trong lúc còn sống, hoặc vô tình hay hữu ý, tích lũy tài sản của báu nhiều vô số kể mà chẳng tiêu dùng, đến khi mạng chung, nếu không có con nối dòng thì mọi của cải đều bị sung công quỹ. Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:
-Các ông hẳn đã được nghe về con người tầm thường, ngu muội, có được nhiều của báu mà chẳng tiêu xài, không phụng dưỡng mẹ cha, nuôi nấng vợ con, tôi tớ, khách khứa thì muôn phần về sau không được chút lợi ích gì mà còn tổn hại.
Các vị Tỳ-kheo nghe thế, tất cả cùng thưa với Đức Phật:
-Dạ đúng như vậy, thưa Đức Thế Tôn, có một vị trưởng giả tên gọi là X, giàu có, của cải nhiều thật không lường, không chịu tiêu dùng, lại không phụng dưỡng mẹ cha, không nuôi nấng vợ con, tôi tớ, không biết bố thí, một ngày kia chết đi, mọi của cải đều bị sang công quỹ.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Ông trưởng giả cao tuổi ấy chẳng phải chỉ mới đời này keo kiệt, tham tiếc của cải mà kiếp trước cũng thế.
Đức Phật kể:
-Thuở đời quá khứ xa xưa, ở núi Đại hương mọc rất nhiều cây Tất-bát, là loại dược liệu và hồ tiêu. Trên cây Tất-bát có một con chim tên là Ngã sở, sinh sống nơi đó. Đến tháng xuân, trái cây thuốc chín, người ta đến hái về để ăn và làm thuốc chữa bệnh. Khi ấy, con chim Ngã sở hô hoán kêu than: “Đấy là trái của tôi, các người chớ lấy, lòng ta chẳng muốn các người hái!” Mặc cho chim kêu la, người ta vẫn cứ tiếp tục hái, chẳng thèm nghe tiếng kêu của nó. Con chim phước mỏng, cứ ưu sầu kêu la mãi không thôi, do vậy mà chết.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Đúng như thế đấy! Người ngu si lúc ấy là người căn trí thấp kém, sống chỉ lo làm giàu, không kể chánh tà, dốc tích lũy tài sản. Một mai chết đi, của cải không đem theo được. Như con chim tên là Ngã sở kia, thấy quả cây Tất-bát và các cây thuốc đã chín liền hô hoán kêu than: “Tất cả đều của ta” nhưng người ta cứ hái lấy, không thể ngăn cấm được.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói bài kệ:
Có chim tên Ngã sở
Ở tại núi Hương sơn
Đến mùa trái chín ngon
Hô hoán của tôi đấy (Ngã sở).
Nghe tiếng lữ vang dậy
Lũ chim đều kéo về
Người hái trái rồi đi
Chim Ngã sở bực dọc.
Con người đâu có khác
Tích tụ của quá nhiều
Mà không chịu chi tiêu
Như chim, không bố thí.
Quan trên và giặc dữ
Oan gia cùng lửa nước
Thiêu rụi hoặc cướp đi
Như chim, trái bị mất.
Sống chẳng ưa ăn mặc
Giường chõng cũng không màng
Hương hoa khắp cúng dường
Nên có được như vậy.
Đã được thân con người
Lại về với giống nồi
Chết là bỏ hết rồi
Không đem được gì cả.
Cho nên phải tạo đức
Lo nghĩ-đến kiếp sau
Người tạo phước đức nhiều
Quả đời sau chờ kết.
Không được vậy, khi chết
Nóng nảy ở trong lòng
Nếu trước ta buông lung
Thì nay nên tạo đức.
Đức Phật bảo cho các vị Tỳ-kheo:
-Nên biết chim Ngã sở lúc đó nay là ông trưởng giả đây. Vậy nên Tỳ-kheo các ông phải lo tu học, chẳng nên keo kiệt, tham tiếc của cải, dứt trừ lòng cáu bẩn, thường tu hạnh thanh tịnh, đó là lời dạy của chư Phật.
Đức Phật giảng nói như thế, không ai là không vui mừng lãnh hội.