Kinh 31: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Con Thỏ Chúa
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:
-Ngày xưa, có con thỏ chúa sống cùng với đàn ở trong núi, đói thì ăn trái cây, khát thì uống nước suối, luôn thực hành bốn tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Hộ, dạy dỗ đám quyến thuộc phải nên nhân ái hòa thuận, chớ làm điều xấu ác, thì khi thoát khỏi thân này sẽ được làm thân người, có thể thọ nhận được đạo pháp. Các quyến thuộc đều vui mừng nghe theo lời chỉ giáo, chẳng dám trái mạng. Khi ấy, có một vị Tiên nhân sống trong rừng cây, ăn hoa quả, uống nước suối trong núi, một mình tu tập theo đạo pháp, chưa từng buông thả tâm ý, dốc tạo theo bốn phạm hạnh: Từ, Bi, Hỷ, Hộ, tụng kinh, luôn nhớ nghĩ đến pháp, âm thanh vang tỏa khắp nghe rất hòa nhã khiến ai cũng vui thích. Khi thỏ chúa đến gần nơi đó, được nghe tụng kinh, lòng vô cùng hớn hở, nên nghe không biết chán, bèn cùng với đám quyến thuộc mang trái cây đến cúng dường cho vị đạo nhân. Cứ như thế, ngày qua tháng lại suốt năm, khi mùa đông lạnh lẽo đến, vị Tiên nhân muôn trở về nơi xã hội thế tục, thỏ chúa thấy ông mặc áo, mang bát và cái túi da hươu đựng y phục, nên buồn rầu chẳng vui, lòng đầy lưu luyến, chẳng muốn ông bỏ đi. Thỏ chúa liền đến trước ông, rơi nước mắt, hỏi:
-Ngài đi về đâu vậy? Ở đây ngày ngày được trông thấy ngài, tôi lấy làm vui vẻ, quên cả đói khát, y như đổi với cha mẹ, nguyện xin ngài ở lại nơi đây, chớ nên bỏ đi.
Vị Tiên nhân đáp:
-Ta có thân tứ đại, phải giữ gìn nó, nay mùa đông rét mướt đã đến, trái cây đều hết, nước suối trong núi này sẽ đóng băng, lại không có hang kín để có thể ở được, nên mới tính bỏ đi dựa vào xã hội đông đảo dưới kia làm kẻ khất sĩ xin ăn, nghỉ tạm ở tinh xá chờ qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ tới đây gặp lại nhau, vậy chớ nên lo lắng ưu sầu.
Thỏ chúa nói:
-Đám quyến thuộc của chúng con sẽ đi khắp nơi, lục lọi khắp chỗ để tìm kiếm trái cây nhằm cung cấp đủ cho nhau, chúng con nguyện một lòng một dạ, xin ngài thương xót tế độ cho. Giả sử ngài bỏ đi, nỗi luyến thương càng tăng thêm buồn bã, sầu khổ, hoặc chẳng tự bảo toàn được. Còn như hôm nay, không có đủ phẩm vật để cúng dường, thì xin lấy thân con để dâng lên đạo nhân.
Vị đạo nhân thấy vậy, thương cảm hết mực, thấu được lòng dạ chí thành của thỏ chúa, phân vân chưa biết phải thế nào. Vị Tiên nhân này thờ lửa, trước mặt có đông than đang cháy rực. Thỏ chúa nghĩ là vị đạo nhân này đã bằng lòng nên mới im lặng, thế là nó bèn gieo mình vào đống lửa. Lửa đang bừng bừng cháy đỏ, thỏ chúa vừa rơi vào trong ấy, vị Đạo nhân muốn cứu, nhưng nó đã chết. Sau khi chết, thỏ chúa được sinh lên cõi trời Đâu-suất, làm thân Bồ-tát, công đức đặc biệt tôn quý, uy thần lồng lộng. Vị Tiên nhân thấy thỏ chúa đã vì đạo đức mà không tiếc thân mạng mình, nên thương xót lắm và cũng nghiêm khắc tự trách bản thân, rồi tuyệt cốc, chẳng ăn uống gì, thần hồn về nơi cõi trời Đâu-suất.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Con thỏ chúa ngày ấy là bản thân Ta, các quyến thuộc của thỏ nay là các vị Tỳ-kheo đây, còn vị Tỳ-kheo kia nay là Đức Phật Định Quang. Ta làm Bồ-tát chuyên cần khổ hạnh như thế, luôn tinh tấn chẳng chút biếng trễ, vì kinh điển, đạo pháp nên chẳng hề tiếc thân mạng, tích lũy công đức từ vô số kiếp mới chứng đắc Phật đạo. Vậy các vị phải nên tinh tấn, siêng năng, không được phóng dật, không được lười nhác, nỗ lực đoạn trừ sáu tình như cứu lửa cháy đầu, tâm không tham vướng, luôn tự tại như chim bay lượn giữa hư không.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 32: Đức Phật Thuyết Giảng về Việc Không Sợ
Ngày xưa có một người tánh tình vốn hiển lành, nhân đức, phụng thờ kinh pháp, giữ giới luật, dốc sức tu tập tinh tấn, vun bồi đức hạnh. Mỗi ngày đều tự nghiêm khắc trách mình, việc làm không vướng tội lỗi xấu ác, bản thân luôn tuân hành theo lề lối sống trong thiên hạ, đi lại với bốn chúng, dứt hết những ý tưởng cấu uế, hành động chân chánh không bị mê hoặc, tu tập sáu pháp của hàng Bồ-tát là: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Nhất tâm và Trí tuệ, dứt mọi nẻo mong cầu, dùng đạo pháp để tự bảo vệ, đến với bạn đồng học khống hề có tâm tính toán sai khác. Như ở đâu có pháp hội, ông liền đến đó để nghe kinh, không nhàm chán mệt mỏi, luôn nhớ nghĩ đến công đức của Phật, tán thán Phật là Bậc Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, là Phật Thế Tôn, ân đức của Đức Phật ấy đã ban bố lưu truyền rộng khắp. Ông cũng ca ngợi diệu nghĩa của đạo pháp, ý chí chỉ đặt ở nẻo vô vi giải thoát là gốc của đạo pháp, luôn thâm đượm dịu ngọt hương của giáo pháp lan tỏa rộng khắp, mười phương thảy đều hay biết, bỏ ác tích thiện, còn ở nhà là ô nhiễm, xuất gia mới là vô vi, giải thoát, ý chí thường suy tư về giáo pháp, lấy giáo pháp làm nhiệm vụ, chuyên cần tụng kinh pháp như uống nước cam lộ, giáo pháp là thuốc đạo trị liệu nhiều bệnh, giáo pháp là cây cầu nối thông các nẻo qua lại, giáo pháp là chiếc thuyền đưa những người chưa giác ngộ tới được bến giác, giáo pháp là mặt trời, mặt trăng chiếu sáng ngày đêm, trừ khử tố tăm, làm tiêu tan bóng tối che phủ, thấy được nơi vô hình. Ông lại tin tưởng ở Thánh chúng, các vị tu học trong chúng cũng như các dòng nước chảy dồn về biển lớn. Những vị trong Thánh chung, hoặc đã đắc quả Đạo tích, hoặc đắc quả Vãng lai, hoặc đắc quả Bất hoàn, hoặc thành tựu đạo quả Vô trước, quả Duyên giác, hoặc hành Bồ-tát hạnh, cho đến bậc Bất thoái chuyển, Nhất sinh bổ xứ và chứng được đạo quả Vô thượng Chánh chân, cũng do từ đấy mà sinh ra, giáo pháp ấy là vô tận, không bờ bến giới hạn, nói chung biển đạo pháp là hết sức sâu xa vi diệu. Nẻo phụng sự hành hóa của Bồ-tát luôn qua lại cùng khắp để độ thoát tất cả muôn loài, không gì là không dốc sức tế độ. Nhờ vào trí tuệ giác ngộ cao diệu, nên không còn bị một nơi chốn nào ngăn ngại. Người ấy mỗi khi hành động, ra vào nơi bốn chúng, thường ca ngợi Tam bảo, bản thân thì tự quy y, từ đó giáo hóa tất cả, thường tôn trọng ba việc: Một là dấy khởi, tạo lập công đức như tu sửa chùa Phật. Hai là tụng kinh niệm đạo, tuyên dương kinh điển, giáo pháp. Ba là tâm ý luôn định tĩnh, dứt mọi phóng dật, phụng trì, thể hiện bốn tâm vô thượng là: Từ, Bi, Hỷ, Hộ, thực hành các phép không, vô tướng, vô nguyện, hiểu rõ nẻo quyền biến khéo léo, tùy thời mà hóa độ người, khiến họ phát đạo tâm.
Khi người ấy tuổi đã lớn, thọ mạng sắp hết, thì những người trong bốn chúng cùng học, những người bà con gần gũi trong vùng và các nơi khác đều đến thăm hỏi: “Sắp ra đi không gì phải lo sợ, luôn an tâm, chớ sợ!” Người kia liền làm bài kệ đáp:
Các ác ta lánh xa
Làm công đức tối đa
Nay thân này đã hết
Sợ hãi sạch lòng ta.
Giống như cây cầu nối
Trụ cứng cầu vững đà
Như người đi thuyền chắc
Bờ giác ngộ ắt qua.
Mọi người nghe kệ thảy đều vui mừng hớn hở. Người kia mạng chung, sau khi chết được sinh lên cõi trời Đâu-suất cung kính đảnh lễ Phật Di-lặc, chứng được quả Bất thoái chuyển, cùng với các vị Bồ-tát giảng kinh, luận pháp, khai thị giáo hóa những chúng sinh chưa được giác ngộ.
Kinh 33: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Năm Trăm Đứa Trẻ Nhỏ
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại nước Ba-la-nại cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị và các vị Bồ-tát.
Bấy giờ có năm trăm đứa trẻ thường chơi đùa với nhau, tâm đầu ý hợp, cùng kết làm bạn bè, ngày ngày cùng đi chơi với nhau, coi nhau như một, không chút phân biệt, một ngày không gặp mặt xem dài bằng trăm ngày, rất kính trọng nhau. Một ngày kia, chúng đi chơi gần sông nước, lấy cát đắp làm tháp, miếu, đứa nào cũng nói: “Tháp của tao là đẹp nhất, mày nên bắt chước làm đi.” Năm trăm đứa trẻ kia, tuy có tâm lành, nhưng phước đức của đời trước mỏng manh. Khi ấy, ở trong núi, trời đổ mưa lớn, nước lũ tuôn về làm nước sông dâng lênh láng tràn ra khắp nơi cuốn trôi mất năm trăm đứa trẻ đang chơi, khiến chúng bị chết chìm trong nước, cuốn theo dòng chảy. Mọi người nhìn thấy không ai là không than thở thương tiếc, đều nghĩ: “Thật đáng thương, thật đáng thương thay!”
Cha mẹ chúng thương khóc thảm thiết, không thể tự kiềm chế được, không biết tìm kiếm tử thi con ở đâu, càng thêm sầu buồn thê thảm. Khi ấy, mọi người đều quay trở lại, các Tỳ-kheo trình bày đầy đả việc này và hỏi ý Đức Phật. Đức Phật bảo với mọi người:
-Ta đã sớm biết thọ mạng đời trước của chúng, không thể xin cầu được.
Ngài gọi cha mẹ chúng, bảo là chớ có buồn khổ, năm trăm đứa trẻ ấy đời này túc mạng đã ứng như vậy. Nay tuy thọ mạng chúng hết, nhưng đã được sinh lên cõi trời Đâu-thuật, đều cùng phát tâm tu tập hạnh Bồ-tát. Đức Phật bèn phóng hào quang sáng tỏa để cho cha mẹ chúng thấy các con tại đây. Khi Đức Phật từ xa gọi: “Năm trăm đồng tử hãy đến!”, thì các đồng tử đều đến đứng giữa hư không, tung rải hoa cúng dường Đức Phật, rồi hiện xuống cúi đầu đảnh lễ, xin quy y Đức Phật. Các đồng tử nói:
-Nhờ ân Đức Thế Tôn, tuy thân mạng mất, nhưng chúng con được sinh lên cõi trời, gặp Đức Phật Di-lặc, xin Ngài rủ lòng Từ bi ân đức, hóa độ cho những người chưa được giác ngộ.
Đức Phật:
-Lành thay! Các con có sự tính toán rất hay, hiểu biết về đạo pháp chí chân giác ngộ, tạo lập chùa tháp, do nhân lành ấy mà được sinh lên cõi trời, được gặp Phật Di-lặc, thọ nhận lời dạy về đạo pháp.
Đức Phật còn vì họ mà thuyết pháp, khiến họ thảy đều vui mừng, an trụ nơi pháp Bất thoái chuyển, mỗi người đều thưa với cha mẹ:
-Xin cha mẹ chớ có buồn rầu, mỗi người sống đều có mạng, không thể cản lại được, vì thế phải nỗ lực tinh tấn, lấy đạo pháp để tự tu tập. Người sống trong ba cõi như bị giam hãm trong tù, chỉ có đắc đạo, vượt khỏi cuộc đời sinh tử thì mới hoàn toàn tự tại. Vậy nên quy y Tam bảo, thoát khỏi sự chi phối của ba dòng, phát tâm Bồ-đề mới mong được lâu bền, du hóa khắp nơi, độ thoát tất cả.
Cha mẹ thảy đều nghe theo những lời chỉ dẫn của con, nên đều phát khởi đạo tâm, Khi ấy, các người con trên trời kia cúi lạy nơi chân Đức Phật, đi nhiễu quanh ba vòng, làm lễ xong lui ra bỗng nhiên biến mất, trở về cõi trời Đâu-thuật.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 34: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Cây cỏ Độc
Ngày xưa, ở một nước kia có rừng cây lớn, cây cối um tùm cao ngất trời, không ai chặt phá. Trong khu rừng ấy có vị thần cây, thông đạt nghĩa lý, vào ra hành động luôn thích hợp, không giống với những kẻ khác, thường hay đi đến khắp bốn phương, trải qua nhiều khu rừng lạ. Bấy giờ, thần cây rất vui vẻ nên để mặc cho những người vào rừng hái quả, kiếm củi, cắt cỏ, chẳng chút hờn giận. Nước suối có bóng mát phủ che, uống vào luôn an lành. Khi ấy, có con chim từ phương xa bay tới, miệng ngậm cây cỏ hết sức xấu độc, lượn qua khu rừng đó, ném cây cỏ độc xuống. Cây cỏ độc vừa rơi chạm vào cành thì độc tố đã thâm nhập vào cây, làm cây bị khô quá phân nửa. Thần rừng cây thấy thế, lòng nghĩ: “Chất độc này quá hung ác, vừa rơi vào cây chỉ trong giây lát đã làm khô nửa cây, chưa hết nửa ngày, chưa hết đêm tối mà đã khô héo như thế, thì chưa tới mười ngày, cây cối trong khu rừng này sẽ khô héo hết!”
Đang chưa biết làm thế nào để trừ khử độc tố tai hại kia, thì giữa hư không có vị Thiên thần nói:
-Này vị thần cây, chẳng bao lâu có bậc cao minh trên đường du hóa sẽ đi ngang qua khu rừng cây này, ông hãy chuẩn bị giấu vàng trong rừng, để thuê ông ấy trừ độc này, trừ sạch từng gốc cây một, khiến không còn một chút chất độc nào cả nơi cây thì các người mới được yên ổn lâu dài, nếu không như vậy thì ngày chưa tối, cái cây bị độc ấy sẽ khô hết, rồi tiếp đến là cả rừng cây.
-Vị thần cây nghe theo lời bảo, hóa làm người đứng bên đường chờ đợi. Khi người đó đến, ông liền nói:
-Tôi có kho vàng sẽ xin biếu ông, xin ông ra sức diệt trừ tận gốc thứ độc tô” trong cây bị nhiễm độc này.
Người kia nghe nói sẽ được cả kho vàng lớn, liền mau mắn nhận lời. Ông liền trừ tuyệt tận gốc thứ độc tố phá hại cây đó. Thần cây vui mừng, liền dâng cho người ấy kho vàng, người ấy nhận lấy vàng rồi cáo lui, nhà cửa nhờ đấy trở nên giàu có. Thần cây thì vui mừng vì tránh được cái nạn nhiễm độc, cây cối yên ổn lâu dài, hoa trái sum suê, chẳng còn lo bị độc hại nữa, các tội tiêu tan hết.
Đức Phật nói:
-Rừng cây ấy là ví cho ba cõi, ông thần cây là ví cho vị Bồ-tát phát tâm cứu độ chúng sinh, con chim từ phương xa mang độc hại đến là ví cho các tưởng về ma chướng có từ vô minh, thần trên hư không chính là Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Đức Phật mượn chuyện này nhằm dẫn dạy cho những người tu học đạo pháp, đừng theo nẻo ma, phải thuận theo bạn lành là các bậc Bồ-tát Đại sĩ và những người đồng chí cùng tu học, mới mong diệt trừ được ba thứ cấu nhiễm và các tai ách nhọc nhằn. Việc giải trừ độc tố cho cây tận gốc rễ là ví cho việc tiêu diệt cái tối tăm của dâm, nộ, ngu si. Nếu không trừ dứt được chúng thì luôn bị chìm đắm trong bã cõi, tội lỗi cứ chồng chất, phủ che thì không có cái uy thế gì có thể cứu độ được chúng sinh thoát khỏi khổ não của sinh tử. Việc tặng cho kho báu là ví cho kho báu đạo pháp. Các vị Bồ-tát Đại sĩ lần lượt giúp nhau để hoàn thành sứ mạng độ sinh, cũng như muốn dòng sông đều chảy về biển lớn. Thần cây vui mừng, không còn hoạn nạn sầu khổ, tiếp tục ở lại rừng cây ấy là các vị Bồ-tát đã chứng được pháp nhẫn Vô sở tùng sinh đại bi, nhân đấy mà luôn qua lại nơi ba cõi để hóa độ khắp tất cả chúng sinh. Việc được của báu vui mừng, gia đình trở nên giàu có ấy là chỉ cho việc đạt được pháp Tổng trì sáu Độ vô cực, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tu bốn tâm vô lượng, bốn ấn, mười lực, hòa hợp khéo léo với bổn vô sở úy, các căn tịch định, ấy chính là của quý báu vô hạn, đạo pháp giàu có vô lượng. Việc trở về nhà ấy chính là sự giải thoát trở về với cái gốc thanh tịnh chân thật của cõi đạo. Từ đó, thị hiện thân Phật để hoằng dương đạo pháp, khai thị hóa độ khắp mười phương, không ai lá không chịu ân.
Kinh 35: Đức Phật Thuyết Dụ về Con Ba Ba
Thuở xưa có một con ba ba chúa, sống đi đây đi đó trong biển cả, qua lại khắp nơi lấy làm vui sướng. Khi ấy, ba ba chúa ra đến bờ biển, lên sát mép nước mà nằm. Thân nó vừa dài vừa rộng, mỗi bên đến sáu mươi dặm, nằm phơi mình ở đấy trải qua nhiều ngày, nên cứ ngủ say trên mặt đất, không động đậy gì cả.
Bấy giờ, có một đoàn lái buôn từ phương xa tới đi ngang qua đó, thấy chỗ này tưởng là bờ biển cao ráo liền với đất, có thể đi được. Năm trăm khách buôn, xe ngựa, gia súc, số đông lên đến hàng ngàn đều dừng lại ở trên lưng con ba ba. Người ta còn chẻ củi, nhóm lửa, nấu đồ ăn thức uống và chăn thả súc vật như trâu, ngựa, lừa, la, lạc đà… đi lại, đứng nằm trên lưng con vật khổng lồ ấy. Lúc ấy, con ba ba chúa thân bị đốt nóng quá khiến nó cựa mình, tức thì chuyển thân bò nhanh vào biển lớn, bơi chạy khắp đó đây nhưng lửa hại trên lưng vẫn không dứt. Các người khách buôn thấy vậy cho là động đất, nước biển dâng tràn, nên họ kêu gào thảm thiết:
-Hôm nay nhất định bị chết, phải làm sao đây?
Thân con ba ba bị đau nhức không thể chịu đựng được, nên nó liền lặn sâu hút vào lòng biển, dìm chết mọi người cùng với trâu ngựa, gia súc cũng đều thiệt mạng.
Khi đó, vị Bồ-tát nói với các đệ tử:
-Cái thí dụ nêu trên là để giảng giải ý như sau: Đoàn khách buôn từ xa đến là chỉ cho con người trong ba cõi. Năm trăm khách buôn là chỉ cho năm ấm, sáu trần và cái nạn của các nhập. Thân con ba ba rộng dài mỗi chiều sáu mươi dặm là chỉ cho hai lớp giao tiếp của sáu thứ dẫn dắt của mười hai nhân duyên, khiến chúng sinh luân chuyển mãi trong cõi sinh tử không bến bờ, đi khắp năm nẻo không biết bao giờ mới chấm dứt. Đốt lửa nấu ăn là chỉ cho ba độc lây lan dữ dội, dục tình dấy khởi mạnh. Con ba ba chạy vào trong biển rộng là chỉ cho kẻ phạm mười điều ác, chết bị đọa trong ba đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chịu biết bao là thống khổ khổng thể nói hết. Cho nên Đức Như Lai hiện rõ Thánh đức, trí tuệ giác ngộ lớn lao không cùng, qua lại cõi sinh tử để cứu độ các chúng sinh bị những ách nạn hiểm nguy, tội lỗi che lấp, mờ tối không tỏ, làm hiển bày cái vẻ rực rỡ của đạo pháp, khiến cho tâm ý của chúng sinh được mở mang, cùng phát khởi đạo tâm Vô thượng chánh chân.