1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

Kinh 41 Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Biến Hôi Dụ

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, có một vị cư sĩ chán cuộc đời đau khổ, vạn vật vô thường, mọi tài sản hiện có của bản thân chỉ như ảo ảnh, sống gởi nơi cõi trời đất như khách qua đường, không một chút đáng để ham muôn, chỉ có giáo pháp chân chánh mới là vĩnh viễn trường tồn. Nhân đấy bèn xuất gia làm Sa-môn, tinh tấn không biếng trễ. Gốc của chí nguyện chưa đạt, nên ông liền đi vào trong núi, ở đấy ông ngày đêm tu hành không chút bê trễ, chẳng tiếc thân mạng, tu tập sáu pháp là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm và trí tuệ, giữ gìn tâm ý không vọng động, nhưng rốt cuộc chẳng đạt được đạo quả, lòng ông biến đổi, hối hận về việc đã làm, muốn trở về với cuộc sống thế tục.

Ông trước đây đã theo học đạo lâu năm, siêng năng chẳng hề dừng nghỉ, mà tâm vẫn mờ tối, không biết đâu là mục đích. Vốn lúc ở thế gian thường ưa bàn luận, miệng lưỡi lưu loát, nay ở trong núi không học hỏi thêm được gì, tiến lui chưa biết phải làm sao, không rõ nẻo về đâu, chi bằng cởi áo tu trở về với nghề nghiệp cũ, do dự chưa quyết định. Lúc ấy, thần núi, thần cây biết được, tiếc cho công phu tu tập của ông, nên muốn giúp ông thành tựu được sự nghiệp đã chọn, vì nếu để ông trở về nhà thì tâm ý tất bị nhiễm bao lỗi lầm cấu uế, cứ mãi dằn vặt về cuộc đời không sao nêu tả hết. Nhân đó, một vị thần hóa thân làm vị Tỳ-kheo-ni, mong muốn hóa giải các ý loạn động của ông ta, làm phát khởi đạo tâm và ý chí kiên định của con người đó. Vị Tỳ-kheo-ni này thân mang nhiều đồ châu báu, sắc mặt tươi sáng, hiếm có trên đời. Một vị thần nữa lại hóa làm một người con gái, dáng vẻ đoan chánh, sắc đẹp bậc nhất, phong độ rạng rỡ, không ai hơn được. Hai người nói với nhau:

-Nàng là Tỳ-kheo-ni, sao thân lại đeo chuỗi anh lạc quý giá, môi miệng tươi đẹp như ngọc châu đỏ thắm?

Vị Tỳ-kheo-ni nói:

-Các thứ của báu như đồ huyễn hóa, môi miệng tươi đẹp chẳng qua như tranh vẻ rực rỡ, vẻ đoan chánh rõ ràng chỉ là chất mỡ bóng dáng bên ngoài, có gì đâu mà ham muốn. Như nàng đây, hôm nay thân sắc tuy tươi đẹp, như vẻ rực rỡ của hoa mùa xuân, nhưng thân người như quả sắp rụng, không ở mãi trên cây được, bốn đại hợp rồi tan, không có cái gì gọi là chủ đúng nghĩa, chỉ có cái tâm là gốc, ở trong ba cõi một mình qua lại không có gì đi theo. Họa phước đuổi theo thân như bóng với hình, ba cõi đều không, chẳng có gì để nương cậy. Do tội lỗi phủ che, với năm ấm, sáu thứ trùm lấp khiến tâm ý bế tắc, không thấu rõ các pháp thiền định, tam-muội.

Vị Tỳ-kheo tu trong núi nghe những lời luận bàn ấy, tâm liền giác ngộ, biết rõ đúng như lời nói trên là: thân bốn đại vốn do nhân duyên hòa hợp, thân tham là tự hại, phân tích rành rẽ thì nó vốn là không, giống như sống gởi. Xem mọi người trong mười phương không còn phân biệt thân sơ thì tâm ý đều cởi mở thông tỏ, các lậu được dứt sạch, gốc sinh tử đã dứt, tất không còn dấy sự phân biệt, ra vào tự tại không còn đắm nhiễm trần cấu.

Vị Tỳ-kheo đã đạt đến sự hiểu biết thì núi rừng bỗng hiện ra như một đám mây nổi. Thân cây quỳ lạy, tự trần tình về nỗi cay đắng bị cuốn hút theo nẻo luân hồi trong ba cõi, bị năm ấm ngăn che, mười hai nhân duyên dẫn dắt nối tiếp không dứt. Xin vị Tỳ- kheo kia rủ lòng thương xót cứu giúp thoát khỏi sự phủ che ấy. Vị Tỳ-kheo liền vì vị thần cây đó mà thuyết giảng kinh khiến tâm vị thần mở rõ, phụng thọ năm giới, tu hành mười điều thiện, lánh xa ba đường ác, chút ít đạo tâm trước đây nay phát triển đến vô cùng, vào được nẻo chánh chân của Phật đạo.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo:

-Các ông đã rõ gốc ngọn rồi đấy, phải giữ lòng kiến định, việc phải đã quyết định không được hối hận.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 42: Đức Phật Thuyết Dụ về Chuyện Con Ngựa

Ngày xưa, có một ông Trưởng giả nuôi một con ngựa tốt. Lúc đầu mới được ngựa, nó hay hung hăng không thể chế ngự nổi. Vừa đóng yên cương là nó cất hai vó trước chạy càn tứ tung không theo đường lối, vào nơi suối khe, rừng cây hoặc tường vách. Ông Trưởng giả chủ giận lắm, trở về nhà lấy roi đánh ngựa rất tàn nhẫn, chẳng cho ăn cỏ, uống nước gì cả, khiến ngựa cùng khốn đói khát, lòng buồn tự trách, chưa nghĩ ra kế, chưa biết làm thế nào thì trên không trung có tiếng bảo cho nó biết:

-Hãy thuận theo chủ thì không có hoạn nạn.

Khi đó, lòng ngựa hiểu rõ. Rạng ngày, ông Trưởng giả sắp cỡi ngựa, lấy yên cương mang vào thì con ngựa chịu ngay, chẳng còn nhảy nhót nữa, ông cỡi lên yên vững vàng, điều khiển dễ dàng, đi đây đi đó theo lệnh chủ chẳng dám trái, về nhà, nó được cho ăn uống đầy đủ. Theo thời gian, nó trở nên béo tốt, khí lực sung mãn, về sau càng trở nên điều độ, nhu hòa. Rồi nó sinh được hai con, ngựa con đến tuổi trưởng thành, ông Trưởng giả cỡi, nó cũng lại nhảy nhót, chạy lung tung làm đứt dây cương, lại bị đánh đập, không thể sửa đổi, phải chịu đói khát. Nó nghĩ tới cái tai ương của mình đang gặp: ăn thì ăn cỏ ôi, uổng thì uống nước suối bẩn, tự làm phải chịu, oán ai bây giờ! Đêm đến, ngựa con đi tìm gặp mẹ, quỳ xuống hỏi:

-Hôm nay đại gia độc ác chưa từng thấy, đã chẳng cho ăn uống, lại còn đánh đập tàn nhẫn, mẹ một mình ở trên cao chẳng nghĩ đến thân thích, lúc nào đi lại cũng hớn hở, vui vẻ một mình, trông cao thấy xa như chim hồng, chim hộc, chẳng lo cho con cháu đang một mình gặp cảnh khốn khổ này.

Ngựa mẹ đáp:

-Đó là cái lỗi của bản thân con, oán trách ai đây? Nếu ông Trưởng giả thắng yên cương thì con phải chịu để người ta cỡi, thuận theo ý người ta điều khiển đi đây đi đó thì được thương yêu ngay, việc làm này rất dễ, vì con làm ngược lại nên mới bị cái họa ấy.

Ngựa con nghe theo mẹ dạy. Sáng ngày liền làm theo lời mẹ. Ông Trưởng giả đi ngựa, nó an nhiên thuận theo lời người cỡi, bảo đi nó đi, bảo đứng nó liền đứng lại. Ông Trưởng giả rất mừng, con ngựa đã thuần nên cho ăn uống đúng lúc, cùng với ngựa mẹ không khác.

Giả mượn câu chuyện trên là để nêu dụ, ông Trưởng giả là chỉ cho Đức Phật, con ngựa là chỉ cho những người theo học chẳng thọ Phật pháp, tâm ý phóng túng, chẳng theo nẻo giáo hóa của đạo pháp, cho nên phải thuyết giảng kinh giới để họ biết cách đi đứng, tới lui. Nhảy nhót, chạy đi không thể kiềm chế nên phải dùng gậy đánh là diễn dụ cho năm giới, mười thiện, nếu giữ thì được sinh lên ở các cõi trời, người, còn nếu phạm tội thì phải chịu nạn lao khổ trong ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Khổ nạn trong ba cõi, luân hồi qua lại, không một phút được yên. Như chẳng vi phạm điều ác, thọ trì năm giới, mười thiện thì được khai mở chuyển hóa. Thực hành các hạnh, bốn tâm vô lượng, sáu pháp Ba-la-mật, đạt được thần thông thì cùng với mười phương chư Phật được gặp gỡ, tiêu trừ ba độc, khử bỏ các lớp che phủ vây buộc. Ngựa con kia chạy theo ngựa mẹ quỳ dài thưa hỏi là ý dụ cho việc trước nghe theo lời thầy làm theo phép tắc, thầy thuyết giảng các hạnh nguyện cạn, sâu đều có chủ ý. Cho nên năm giới, mười điều thiện là nhân vì hàng chúng sinh ở cõi trời, người mà nêu giảng. Còn như các pháp không, vô tướng, vô nguyện, sáu độ, bổn đẳng tâm, bốn ân là nhằm đạt đến chỗ không còn sinh tử, không trụ ở cõi diệt độ, chứng được đạo quả chánh chân, dùng thần thông đi khắp ba cõi để độ thoát tất cả chúng sinh.


Kinh 43: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tỳ-kheo ni Hiện Biến

Thuở xưa, thành Xá-vệ có tên là thành Câu-tát. Trong nước có các nhóm phóng đãng, dâm loạn, chuyên làm những việc hung ác, không theo đường ngay thẳng, cả nước lâm vào cảnh hoạn nạn, thật là tàn khốc, đau khổ. Các phe nhóm ấy như cùng đua nhau để làm điều nghịch ác. Quan nha tìm bắt, đuổi chúng đi nhưng không được. Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo-ni trong nước đều cùng đi du hóa, ở bên các gốc cây, tinh chuyên tu tập, tư duy về chánh đạo, tâm chẳng hề xao động. Trong số các Tỳ-kheo-ni ấy, người có trí tuệ hơn hết tên là Sai-ma, người có thần túc bậc nhất tên là Liên Hoa Tiên, ai ai cũng đều có đức hạnh và uy thần lồng lộng. Gặp tiết trời nóng nực muốn tắm rửa, họ cùng đến bên dòng suối. Bọn hung ác từ xa trông thấy liền sinh lòng xấu, ý dâm nổi lên muốn xúc phạm họ. Chúng chờ các vị Tỳ-kheo-ni cởi hết quần áo, vào trong nước tắm rửa thì liền đến lấy quần áo đem để nơi chỗ xa hầu dễ bề xúc phạm họ. Lúc ấy, có một Tỳ-kheo-ni thấy bọn chúng có ý xấu xa, trong lòng bà thản nhiên, thương hại cho sự ngu muội của chúng. Nhân đó, mà móc đôi mắt mình để trong lòng bàn tay, bảo cho bọn nghịch ác biết:

-Các ngươi yêu ta chỉ vì ham chuộng sắc diện, nay ta mù rồi thì còn gì đẹp nữa đâu?

Bà lại phơi bày cả ruột, dạ dày… ngũ tạng của thân thể, tay chân cùng các thứ khác bỏ sang một bên và bảo bọn hung ác:

-Này, đẹp ở đó đấy!

Bọn nghịch ác thấy vậy, bỗng nhiên sợ hãi, thấy đời là vô thường, sống trong ba cõi chỉ là sống gởi, thân thể kia là do kết hợp mà thành, máu xương đều chẳng sạch sẽ, không có gì đáng ham muốn. Chúng liền đem quần áo trả lại, cúi đầu ăn năn lỗi lầm vì đã làm điều không hay, trái nghịch không hợp đạo nghĩa, nguyện từ nay bỏ những việc làm gây ra tai họa kia. Chúng lại quỳ gối chắp tay xin thọ năm giới. Đến chỗ Đức Phật, chúng dập đầu sát đất, tự trách tội lỗi ấy, vì mù lòa không biết, bị mê muội lâu ngày nên làm ác nhiều quá, không hay là đời đời phải chịu nhiều tai họa, nguy khốn. Nay mong Đức Đại Thánh ban ân cứu giúp, cảm kích cái đức của vị Tỳ-kheo-ni đã dùng đôi mắt để giáo hóa, bỏ điều tội lỗi khiến tội lỗi nhẹ đi, được gần gũi với đạo giải thoát.

Đức Phật nói:

-Lành thay! Đã xa lìa đường ác, đang thành tựu dần dần, như cây hoa nở đầy cành thì quả trái cũng sum suê, hành động cũng như thế.

Mọi người đều vui sướng cùng xin làm Sa-môn. Đức Phật liền chấp thuận, chỉ dạy thêm:

-Khi đi xuất gia, lấy chánh tâm làm gốc, giữ gìn các căn, các tai ương hoàn toàn dứt trừ, năm thứ che lấp không còn tồn tại, ba độc bị tiêu diệt, làm con cháu Đức Phật, lìa bỏ sinh tử, tự nhiên được thần thông. Như thế mới biết rõ cái ân đức lớn lao của Phật.


Kinh 44: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Cô Độc

Ngày xưa, có một người, lúc thiếu thời cô đơn, khổ cực, một thân một mình dốc sức canh tác trên một mảnh ruộng lớn đúng ra phải có nhiều trâu bò cày, nhờ vậy mà thu hoạch được rất nhiều ngũ cốc, sữa, bơ, đề hồ, vô số rau quả các loại, cung cấp cho người tiêu dùng xa gần, thỉnh thoảng còn cho những kẻ nghèo cùng. Tiếng tăm đức hạnh vang khắp mười phương. Khi ấy, ông thuyết giảng cho mọi người hiểu ý của mình là phải sống cho có bạn có nhóm, còn đơn độc một mình thì không thể có được sự hòa hợp. Mọi người hiểu ý ông nên kéo đến sống cận kề, gia cư ngày càng nhiều, rồi lập nên thôn xóm. Ông lấy vợ, sinh con, con khôn lớn, người thêm đông, người cha đã có tuổi, dạy bảo các con nên thi hành những việc tốt, giữ gìn thân khẩu ý, bố thí ân đức. Nhưng các con đều lầm lạc vi phạm, chẳng theo lời dạy của ông cho rằng cha nay đã già, sao chẳng an phận, những lời dạy đều sai dối, ai mà nghe theo. Người cha buồn bực về đám con, lòng tự nghĩ: “Ta vốn một mình làm nên sự nghiệp, bố thí khắp xa gần, không ai bì kịp, nay bị các con làm loạn thân tâm ta, không nghe lời ta dạy bảo, cầm bằng như không con.”

Đức Phật nói:

-Con người vốn là tốt. Một mình mà trong sáng thì có thể có đem ích lợi cho nhiều người. Phụng trì đức hạnh chân chánh, có sức quan sát hiểu biết tốt, nhưng chẳng hiểu được vạn vật vốn không, tự cho thân mình là có, nhân đó mới sinh ra cái mê lầm của năm ấm, sáu trần, do vì cái mê lầm ấy mà không đến được chỗ chân chánh của Phật đạo. Nếu sau biết rõ mọi vật trong ba cõi đều không thì năm ấm tiêu trừ, ba độc đều diệt, mới đến được với đạo Vô thượng Chánh chân.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 45: Đức Phật Thuyết về Chuyện Ông Phạm Chí

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bây giờ, trời vừa sáng, Đức Thế Tôn mặc y, mang bát đi vào thành Xá-vệ khất thực theo thứ lớp. Vừa lúc đi đến nhà ông Phạm chí thì từ xa ông đã trông thấy Đức Thế Tôn uy đức lồng lộng, các căn tịch tĩnh, an định, tâm ý an nhiên trong lặng, hàng phục các căn, không hề lộ vẻ suy yếu, như mặt trời lên khỏi sườn núi, như mặt trăng tròn đầy sáng ngời giữa các vì sao, như Đế Thích ngự ở cung Đao-lợi, như vua Phạm thiên ở giữa các Phạm chúng, như trên núi cao có tuyết phủ ngút ngàn bổn phương đều trông thấy, như hoa trên cây đang nở tốt tươi, lòng Ngài lắng đọng như nước trong lành, thân tướng hết mực trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, uy thần rực rỡ không thể kể xiết, nhìn Ngài như thấy mặt trời. Ông Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng với quyến thuộc bước lên phía trước để cung kính nghinh đón, đảnh lễ ngang chân Đức Phật, rồi thỉnh Ngài ngồi lên giường riêng. Đức Phật ngồi vào chỗ ngồi rồi, ông Phạm chí và vợ, lòng vô cùng mừng rỡ, dọn ra vô số đồ ăn ngon, tinh khiết, tự tay hết lòng dâng cúng. Cơm nước xong, ông nâng bát rửa tay cho Đức Phật, rồi ngồi nơi giường thấp để nghe Đức Phật giảng kinh. Khi ấy, Đức Thế Tôn vì ông Phạm chí và vợ con, đám nô bộc, tùy tùng của gia đình đó mà thuyết giảng kinh pháp, khai mở tâm ý của họ, chỉ rõ về nghĩa lý nơi các giáo pháp của chư Phật, tùy theo căn cơ của họ mà phân biệt giảng giải về sáu pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, ứng theo bệnh mà cho thuốc, khiến họ hiểu rõ về bốn chân lý Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Khi đó, ông Phạm chí và vợ con, kẻ nô bộc, kẻ tùy tùng, ngay tại chỗ ngồi, đã kịp hiểu về bốn Thánh đế, biết nắm chỗ quan trọng trong lời dạy của Đức Phật, chứng được Thiên nhãn, quy y Phật, Pháp, Tăng, vâng giữ năm giới. Ông Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cung kính đảnh lễ và thưa với Thế Tôn:

-Hôm nay, nhờ ân dày của Đức Đại Thánh, làm rõ nghĩa hay nên chúng con đã lãnh hội được, độ thoát các hoạn nạn, tất cả là nhờ sự cứu giúp của Đức Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, như vầng mây lớn lan tỏa khắp hư không, như mưa rơi khắp trời đất, nhiều chỗ được thấm nhuần. Đức Thế Tôn là như vậy, thường lấy lòng đại Từ vô bờ mà rộng nói pháp lớn.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Hôm nay các vị có nghe chính từ miệng ông Phạm chí những lời tán dương hết mực không?

Các vị Tỳ-kheo đáp:

-Vâng thưa Thế Tôn, chúng con đều đã thấy, đã nghe.

Đức Phật nói:

-Hôm nay, ông Phạm chí này cùng với quyến thuộc đều đã thu được lợi ích lớn lao, đầy đủ như thế. Ta ở đời trước đây, cũng đã từng làm cho ông Phạm chí ấy đạt được nhiều lợi ích như vậy.

Đức Phật kể:

-Về thời quá khứ xa xưa, ở thành Ba-la-nại có một vị Tôn giả tên là Sở Thủ, thuộc dòng Phạm chí, trí tuệ thông minh, hiểu biết nghĩa lý, lời lẽ ngôn từ đối đáp luôn dịu dàng thông suốt làm cho vua luôn kính nể, thường được lòng vua. Nước này có nhiều rượu bồ đào ngon và đồ ăn thức uống dồi dào nên nhà vua và dân chúng thường ăn uống vui thích. Một hôm nọ, ông Phạm chí bày ra một thuật khéo léo lạ lùng rất là vui vẻ khiến vua ngạc nhiên và vô cùng hoan hỷ nên ban cho ông một đặc ân là ước muốn gì cũng được. Ông Phạm chí tâu với vua:

-Tôi phải trở về nhà hỏi ý kiến vợ xem muốn cầu xin điều gì?

Nhà vua bằng lòng. Ông Phạm chí về đến nhà hỏi vợ:

-Ta làm được thuật lạ, khiến vua hoan hỷ, hứa đáp ứng sở nguyện của ta, vậy bà muốn có được những gì hãy bảo thật với ta đi, vì bà, ta sẽ đem về cho!

Người vợ hỏi:

-Còn ông thì nguyện xin cái gì?

Ông Phạm chí đáp:

-Ta nguyện xin một huyện.

Vợ đáp:

-Thì cứ xin một huyện, ấp đi! Còn tôi thì xin trăm món trang sức như chuỗi ngọc Anh lạc, vòng đeo tay bằng ngọc, y phục đủ loại và cả nô tỳ, sữa, đề hồ, đồ ăn thức uống nữa.

Ông Phạm chí lại hỏi con trai:

-Con muốn cầu xin gì?

Con trai đáp:

-Sở nguyện của con là không phải đi bộ nữa mà được đi xe ngựa, cùng với thái tử và đại thần đi du ngoạn.

Ông lại hỏi con gái:

-Chí nguyện của con muốn gì?

Con gái đáp:

-Sở nguyện của con là muốn được nhiều châu báu để trang sức, quần áo thuộc loại sang đẹp nhất để cho giữa hàng ngàn con gái khác, một mình con nổi bật hơn cả.

Ông Phạm chí lại hỏi đám nô tỳ:

-Muốn cầu xin cái gì?

Kẻ nô bộc thưa:

-Kẻ nô bộc muốn được xe cộ, trâu bò, các dụng cụ để cày ruộng.

Đám hầu hạ thưa:

-Muốn được cối xay, cối giã để giã lúa, nghiền bột là an tâm, vì nếu ông bà, cô cậu không được ăn uống thì chúng tôi chẳng vui vẻ gì.

Bấy giờ, ông Phạm chí trở lại hoàng cung thưa với nhà vua đầy đủ đầu đuôi về những điều cầu xin của đám vợ con, nô tỳ, lại dùng kệ ca ngợi:

Xin đại vương nghe đây

Sở nguyện đều lạ thay

Nhà tôi lòng đều khác

Vợ đòi ngọc đầy tay.

Trai thì xin xe ngựa

Gái cầu trang sức hay

Nô tỳ tôi nuôi dưỡng

Thì xin ruộng, cối xay.

Nhà vua dùng kệ đáp:

Theo chỗ muốn của ông

Mà cho chẳng trái lòng

Khiến Phạm chí khi ấy

Được vui sướng vô cùng,

Nhà vua đều cho cả

Mỗi mỗi theo nguyện mong

Được đầy đủ như ý

Lòng đầy nỗi vui mừng.

Đức Phật bảo cho các vị Tỳ-kheo biết, vị quốc vương thời đó là bản thân Ngài, ông Phạm chí ngày ấy nay là ông Phạm chí hiện tại, vợ con, đám nô tỳ ngày trước của ông ta thì nay cũng vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

    Xem thêm:

  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Sinh Ra Tâm Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Sư Tử Nguyệt Phật Bản Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Từ Thị Sở Thuyết Đại Thừa Duyên Sinh Thí Dụ Cây Lúa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Tử Ta Vạt Nẵng Pháp Quy Y Tam Bảo Khỏi Sinh Vào Ác Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 5 – Kinh Không Uế Nhiễm (Anangana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Nhiễu Loạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng