Kinh Thiên Tử Ta Vạt Nẵng Pháp Quy Y Tam Bảo Khỏi Sinh Vào Ác Đạo

Phật Thuyết Ta Vạt Nẵng Pháp Thiên Tử Thọ Tam Quy Y Hoạch Miễn Ác Đạo Kinh

Tống Pháp Thiên dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với đại chúng Tỳ-kheo đông đủ.

Lúc ấy, có một Thiên tử tên là Ta-miệt-nẵng-pháp sắp hết phước báo của hàng trời, mạng sống chỉ còn hơn bảy ngày, hiện rõ trước năm tướng suy, thân không còn oai đức, cấu uế sinh trở lại, vòng hoa trên đầu héo úa, các chi phần trong thân thể phát ra mùi hôi, do đó Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp chẳng thích tòa ngồi cũ, lăn lộn trên đất, khóc lóc bi thảm, than thở:

-Khổ thay, khổ thay! Ao tắm Mạn-na-cát-nhĩ. Khổ thay, khổ thay! Ao tắm gội. Khổ thay, khổ thay! Xe báu và rừng rậm hoan hỷ trở thành xấu xí… Các vườn tược như vậy chẳng còn dạo chơi được nữa. Khổ thay, khổ thay! Hoa Phả-lý-da-đa-la-ca mãi mãi không còn hái được, mặt đất đủ các thứ báu mềm dịu không còn được giẫm lên. Khổ thay, khổ thay! Các kỹ nữ ở cõi trời đoan trang, xinh đẹp, thường theo hầu hạ, nay đều xa lìa.

Lúc này, có vị Thiên tử khác thấy sự việc như vậy, bèn đi đến chỗ của Đế Thích thưa:

-Thưa Thiên chủ! Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp hiện rõ năm tướng suy thoái, mạng sống chỉ còn bảy ngày nữa, đang lăn lộn trên đất, gào khóc bi thương, than rằng: Khổ thay, khổ thay!… Thưa Thiên chủ! Con thấy sự việc này rồi, lòng rất thương xót nên đến để thưa lại.

Khi ấy, Thiên chủ Đế Thích vì lòng thương cảm nên đi đến chỗ Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp, bảo:

-Này Thiên tử! Vì sao mà ông lăn lộn trên đất, than khóc bi thảm, nói những việc khổ làm cho người thấy động lòng thương xót?

Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp nghe lời hỏi ấy, liền đứng dậy sửa lại y phục, cung kính chắp tay thưa:

-Thưa Thiên chủ Đế Thích! Hiện nay mạng sống của con chỉ còn bảy ngày, sau khi chết sẽ bị đọa vào cõi Diêm-phù-đề, ở thành Vương xá, do nghiệp tạo từ đời trước nên bị làm thân heo. Thưa Thiên chủ! Khi đã thọ thân ấy thì trong nhiều năm phải ăn uống đồ dơ bẩn, con thấy khổ như vậy nên rất buồn lo.

Thiên chủ Đế Thích nghe rồi, rất thương xót nên bảo với Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp:

-Này Thiên tử! Ông có thể thành tâm quy y Tam bảo, nên nói lời như vầy:

Quy y Phật, Đấng Lưỡng Túc.

Quy y Pháp, bậc lìa dục.

Quy y Tăng, chúng tôn quý.

Lúc đó, Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp vì sợ chết phải bị đọa vào loài súc sinh nên thưa với Đế Thích:

-Thưa Kiều-thi-ca! Hôm nay con xin nguyện:

Quy y Phật, Đấng Lưỡng Túc.

Quy y Pháp, bậc lìa dục.

Quy y Tăng, chúng tôn quý.

Thiên tử thọ tam quy y rồi, tâm luôn nhớ nghĩ đến Tam bảo, cho tới lúc mạng chung. Đối với pháp của chư Thiên, hàng trí tuệ thấp kém còn bị kiến chấp, không thể quán xét được.

Bấy giờ, Thiên chủ Đế Thích quán xét xem vị Thiên tử kia sinh vào nơi chốn nào. Sinh vào thành lớn Vương xá, thuộc cõi Nam Diêm-phù-đề thọ thân heo chăng, hay chẳng thọ thân heo?

Đế Thích vận dụng hết Thiên nhãn để quán xét mà chẳng thấy, lại quan sát nơi cõi ngạ quỷ, súc sinh cũng không thấy. Lại quan sát cõi người ở thế giới Ta-bà cũng lại chẳng thấy, cho đến chư Thiên của cõi Tứ Thiên vương và trời Đao-lợi, xem xét hết thảy cũng đều không thể thấy. Lúc này Thiên chủ Đế Thích do không thấy nên sinh tâm nghi ngờ, bèn đi đến chỗ Đức Phật nơi rừng cây Kỳ-đà, đảnh lễ sát chân Phật, lui ra ngồi một bên thưa:

-Bạch Thế Tôn! Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp hiện tại với năm tướng suy bày rõ, mạng sống chỉ còn bảy ngày, nên lăn lộn trên đất, gào khóc bi thương, nói lên các sự thống khổ, khiến người trông thấy đều cảm động.

Khi con đến đó thấy sự việc như vậy bèn hỏi:

-Vì sao Thiên tử buồn bã khóc lóc thảm thiết, vóc dáng tiều tụy như thế?

Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp nói:

-Nay mạng sống của tôi chỉ còn bảy ngày, sau khi chết sẽ sinh vào thành Vương xá ở cõi Diêm-phù-đề, đọa làm thân heo, trong nhiều năm phải ăn uống những thứ dơ bẩn.

Con nghe như vậy, lòng rất thương xót mới bảo:

-Nay Hiền giả muốn thoát khỏi khổ ấy thì nên quy y Tam bảo, đọc lời như vầy:

Quy y Phật, Đấng Lưỡng Túc.

Quy y Pháp, bậc lìa dục.

Quy y Tăng, chúng tôn quý.

Khi ấy, Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp vì sợ chết bị đọa làm súc sinh nên thưa:

-Nay con xin nguyện:

Quy y Phật, Đấng Lưỡng Túc.

Quy y Pháp, bậc lìa dục.

Quy y Tăng, chúng tôn quý.

Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp thọ tam quy rồi sau đấy thì mạng chung.

Đế Thích thưa:

-Bạch Thế Tôn! Nay con không biết Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp kia thác sinh vào nơi chốn nào?

Đức Thế Tôn dùng Chánh biến tri bảo Đế Thích:

-Này Kiều-thi-ca! Thiên tử Ta-miệt-nẵng-pháp đã được sinh lên cõi trời Đâu-suất, hưởng thọ năm thứ dục lạc.

Thiên chủ Đế Thích nghe Phật nói rõ như vậy liền hết sức vui mừng, tâm ý thư thái, các căn sung mãn, liền ở trước Phật nói kệ:

Nếu quy y Thế Tôn

Thì chẳng đọa đường ác

Xả bỏ thân người rồi

Sẽ được thọ thân trời.

Nếu quy y chánh pháp

Chẳng đọa vào đường ác

Xả bỏ thân người rồi

Sẽ được thọ thân trời.

Nếu quy y Thánh tăng

Không đọa vào đường ác.

Xả bỏ thân người rồi

Sẽ được thọ thân trời.

Đế Thích lại nói kệ tiếp:

Thành tâm quy y Phật

Chỗ người ấy đạt được

Hoặc ngày hoặc trong đêm

Tâm Phật thường nhớ nghĩ.

Chí tâm quy y Pháp

Người ấy sẽ đạt được

Hoặc ngày hoặc trong đêm

Pháp lực thường gia hộ.

Thành tâm quy y Tăng

Người ấy sẽ đạt được

Hoặc ngày hoặc là đêm

Oai lực Tăng che chở.

Đế Thích nói kệ xong, Thế Tôn liền bảo:

-Đúng vậy, đúng vậy!

Quy y Phật, Pháp, Tăng

Chắc chắn khỏi đường ác.

Xả bỏ thân người xong

Sẽ được làm thân trời.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Nếu hai chữ Phật-đà

Phát ra từ trên lưỡi

Thì những người quy y

Không uổng phí một đời.

Nếu hai chữ Đạt-ma

Phát ra ở trên lưỡi

Những người đã quy y

Không uổng phí một đời.

Nếu hai chữ Tăng-già

Phát ra từ trên lưỡi

Thì những người quy y

Không uổng phí một đời.

Lại nói kệ:

Không biết danh hiệu Phật, Pháp, Tăng

Người ấy cuối cùng chẳng được gì

Ở mãi chốn sinh tử luân hồi

Như hoa Ca-thi giữa hư không.

Phật nói kinh này rồi, các chúng Tỳ-kheo, trời Đế Thích… tất cả đại chúng đều vui mừng tin thọ, đảnh lễ và lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Trung Bộ 62 – Ðại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Mahà Ràhulovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ðảnh Sanh Vương Cố Sự - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 1 – Một Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 146 – Kinh Giáo Giới Nandaka (Nandakovàda sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 39 – Ðại Kinh Xóm Ngựa (Mahà-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 09 – Kinh Bố Sá Bà Lâu (Potthapàda Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Chi Bộ Chương 9 – Chín Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Sắc Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 122 – Kinh Ðại Không (Mahàsunnata sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 139 – Kinh Vô Tránh Phân Biệt (Aranavibhanga sutta) - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 34 – Kinh Thập Thượng (Dasuttara Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nghiệp Báo Sai Biệt Cho Trưởng Giả Thủ Ca - Kinh Tạng
  • Kinh Ưu Bà Di Vô Cấu - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Công Đức Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 84 – Kinh Madhurà (Madhurà sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm Nhân Sự - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 15 – Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Hộ Quốc - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 05 – Kinh Cứu La Đàn Đầu (Kutadanta Sutta) - Kinh Tạng