Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

IV. NHẬP ĐẠO

IV.1. Lời dẫn

Trộm nghĩ, nhân duyên giả hữu là gốc chấp trước của chúng sinh, các pháp vốn chẳng sinh là lí vi diệu của bậc thánh. Do đó, chúng sinh trong ba cõi, sáu đường luôn tạo nghiệp chướng mà tự mê muội; bậc Bát giải[26], Thập trí[27] đạt đến cội nguồn mà được rỗng lặng. Vì thế, Đức Phật tùy duyên giáo hóa, thương nhà lửa đang bốc cháy, xót cõi Dục mãi mịt mù. Cho nên, Ngài nương vào cung vua Tịnh Phạn thị hiện thân màu vàng ròng; ở trong chốn đầy phiền não mà hiện sắc hình giả huyễn, rồi dạo chơi bốn cửa thành, lại nhàm chán cảnh đời như mây trôi chẳng bền vững, Ngài tự than thở: “Đời người đổi thay bất chợt đến như thế!”. Thế rồi, chư thiên nâng ngựa trắng vượt thành, Xa-nặc mang mão báu về cung khuyết, Ngài đã vứt bỏ tất cả để đi tìm chân lí như thế!

Tuy ở Trung Quốc đời Tần có Tiêu Sử[28], đời Chu có Tử Tấn[29], đời Nghiêu Thuấn có Hứa Do rửa tai ở Ky Sơn, Trang Chu sống an bần thủ đạo ở Bộc Thủy, họ đều từ bỏ thế tục như thế, nhưng đâu có ai khinh thường? [28b] Ngược lại, còn có người ngưỡng mộ đức của họ mà bỏ ác để tu thân, khâm phục phong thái của họ mà giữ mình trong sạch để tu thiện. Cho nên, để thành tựu chí nguyện, mà phải hủy hoại dung mạo, cạo bỏ râu tóc; để lĩnh hội đạo cả, mà phải lìa xa thế tục, từ bỏ ngôi vua; tuy thân không phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lòng luôn hiếu thảo; dù không trọn lễ thờ vua, nhưng lòng thường nhớ nghĩa. Ân huệ thấm đượm cả oán thân để thành tựu đại pháp; phúc trạch gội nhuần hai cõi âm, dương, đâu câu nệ lỗi nhỏ nhặt!

Bậc thượng trí y theo lời Phật nên được lợi ích, hàng phàm phu phụ lời Ngài nên bị tổn hại. Trừng ác thì kẻ buông lung tự sửa đổi, khuyến thiện thì cảm hóa được mọi người. Cho nên, rừng Tiên[30] là nơi Thái tử xuất gia, dòng Ni-liên là chốn Bồ-tát tu khổ hạnh. Ngài tắm gội thân vàng trong dòng sông thanh tịnh, đến ngồi tòa cỏ nơi cội bồ-đề ở đạo tràng, thức ăn nhờ cô gái phụng cúng, tòa cỏ được người hiến dâng. Thế mà trí thập lực viên mãn, đầy đủ sáu thần thông, thành đạo Chính giác, quân ma cuốn cờ bỏ chạy.

IV.2. Ưa thích và nhàm chán

Kinh Văn-thù vấn ghi: “Đức Phật bảo:

– Này Văn-thù-sư-lợi! Tất cả các công đức đều không bằng công đức của người xuất gia. Vì sao? Vì người tại gia có vô số khiếm khuyết, còn người xuất gia có vô số công đức; người tại gia có chướng ngại, người xuất gia không có chướng ngại; người tại gia ở chốn trần lao nhiễm ô, người xuất gia không ở chốn trần lao nhiễm ô; người tại gia chìm đắm trong bùn lầy tham dục, người xuất gia ra khỏi bùn lầy tham dục; người tại gia theo phép tắc của người ngu, người xuất gia xa lìa phép tắc của người ngu; người tại gia không giữ được chính mạng, người xuất gia sống đúng chính mạng; người tại gia ở nơi lo âu buồn bã, người xuất gia ở nơi an lạc vui vẻ; người tại gia ở nơi trói buộc, người xuất gia ở nơi giải thoát; người tại gia ở nơi có sự tổn hại, người xuất gia ở nơi không có tổn hại; người tại gia khổ vì tham lợi, người xuất gia không khổ vì tham lợi; người tại gia ở nơi ồn ào, người xuất gia ở nơi vắng lặng; người tại gia ở nơi thấp hèn, người xuất gia ở nơi cao quý; người tại gia bị phiền não thiêu đốt, người xuất gia trừ được lửa phiền não; người tại gia thường làm theo ý người khác, người xuất gia luôn sống vì chính mình; người tại gia lấy khổ làm vui, người xuất gia lấy việc lìa khổ làm vui; người tại gia tăng trưởng phiền não, người xuất gia thường diệt trừ phiền não; người tại gia thành tựu pháp nhỏ, người xuất gia thành tựu pháp lớn; người tại gia không có pháp yếu[31], người xuất gia có pháp yếu; người tại gia bị hàng tam thừa chê trách, người xuất gia được hàng tam thừa khen ngợi; người tại gia sống không biết đủ, [28c] người xuất gia sống thường biết đủ; người tại gia bị ma vương luyến nhớ, người xuất gia làm ma vương sợ hãi; người tại gia phần nhiều buông lung, người xuất gia không buông lung; người tại gia làm tôi tớ cho người, người xuất gia sai khiến người khác; người tại gia ở nơi tối tăm, người xuất gia ở nơi sáng sủa; người tại gia tăng trưởng kiêu mạn, người xuất gia diệt trừ kiêu mạn; người tại gia được ít phúc báo, người xuất gia được nhiều phúc báo; người tại gia phần nhiều tâm tà vạy, người xuất gia tâm ngay thẳng; người tại gia thường lo lắng đau khổ, người xuất gia trong lòng vui vẻ; người tại gia lòng hay dối gạt, người xuất gia sống đời chân thật; người tại gia nhiều tán loạn, người xuất gia không tán loạn; người tại gia lưu chuyển trong sinh tử, người xuất gia không lưu chuyển trong sinh tử; đời tại gia như thuốc độc, hạnh xuất gia như cam lồ; người tại gia không biết tư duy, người xuất gia biết tư duy; người tại gia không nơi nương tựa, người xuất gia có nơi nương tựa; người tại gia nhiều giận hờn, người xuất gia thường thực hành từ bi; người tại gia có gánh nặng, người xuất gia buông bỏ gánh nặng; người tại gia có lỗi lầm, người xuất gia không có lỗi lầm; người tại gia mãi chịu sinh tử, người xuất gia có lúc đoạn dứt sinh tử; người tại gia lấy tài vật làm của báu, người xuất gia lấy công đức làm của báu; người tại gia thuận dòng sinh tử, người xuất gia ngược dòng sinh tử; người tại gia như ở trong biển lớn phiền não, người xuất gia như cưỡi con thuyền lớn; người tại gia bị phiền não trói buộc, người xuất gia xa lìa phiền não trói buộc; người tại gia nhận sự dạy dỗ của vua, người xuất gia được Phật giáo hóa; người tại gia kết bạn tùy tiện, người xuất gia kết bạn nghiêm túc; người tại gia hay gây tổn hại, người xuất gia hay giúp đỡ; người tại gia tăng trưởng phiền não, người xuất gia xa lìa phiền não; người tại gia như ở trong rừng gai, người xuất gia như đã ra khỏi rừng gai.

Này Văn-thù! Nếu Ta chê trách người tại gia, khen ngợi người xuất gia, dù lời nói đầy hư không cũng không kể hết. Đây chính là nói khiếm khuyết của người tại gia và công đức của người xuất gia”.

Lại nữa kinh Niết-bàn ghi: “Người tại gia bị ép ngặt như ở trong tù ngục, tất cả phiền não nhân đó sinh ra. Người xuất gia thong dong như ở nơi trống trải, tất cả pháp lành nhân đó tăng trưởng. Người tại gia, trong thì lo nghĩ vợ con, ngoài thì phải rong ruổi phục dịch cho vua. Nếu là người giàu sang cao quý thì buông lung bừa bãi; nếu người nghèo khổ, hèn hạ thì đói rách, chán nản. Tất cả họ đều bị việc công, việc tư quấy nhiễu, nên ngày đêm cứ đau đáu, bị mọi việc lôi kéo, đâu rảnh mà tu tập”.

[29a] Lại nữa, Kinh Úc-già trưởng giả ghi: “Người tại gia rất nhiều phiền não: bị tình thương yêu của cha mẹ, vợ con trói buộc, thường suy nghĩ tham cầu tiền của, sắc đẹp không biết chán; cầu được rồi lại lo giữ gìn, tăng thêm nhiều lo âu. Thế nên, họ mãi lưu chuyển trong sáu đường ác, xa lìa Phật pháp. Nên khởi tưởng như là oan gia, bạn ác, nên nhàm chán đời sống tại gia, phát tâm xuất gia. Không có người tại gia nào tu tập đạo Vô thượng bồ-đề, tất cả đều nhờ xuất gia mới chứng quả Vô thượng”.

Lại nữa, kinh Xuất gia công đức ghi: “Nếu cho phép tớ gái, tôi trai, hoặc thứ dân xuất gia thì được công đức vô lượng. Nếu có người suốt một trăm năm cúng dường các vị a-la-hán trong khắp thiên hạ, không bằng cúng dường cho một người an trụ Niết-bàn. Một ngày một đêm xuất gia thụ giới thì được công đức vô lượng. Lại nữa, nếu có người dùng bảy báu xây tháp cao đến cõi trời Ba Mươi Ba[32] thì công đức ấy không bằng công đức của người xuất gia”.

Kinh Đại duyên ghi: “Nếu có người một ngày một đêm xuất gia thì trong hai mươi kiếp không rơi vào ba đường ác”.

Luật Tăng-kỳ ghi: “Người một ngày một đêm xuất gia tu Phạm hạnh thì sáu trăm sáu nghìn sáu mươi năm xa lìa cảnh khổ trong ba đường ác”.

Kinh Xuất gia công đức cũng ghi: “Nếu có ai làm khó, gây cản trở, chèn ép không cho người xuất gia, thì người này đã đoạn mất hạt giống Phật, thân sẽ phải chịu nhiều điều xấu, đời hiện tại phải mắc bệnh cùi, sau khi chết sẽ vào địa ngục tối tăm không có ngày ra”.

Lại nữa, kinh Ca-diếp ghi: “Bấy giờ, nghe dạy công đức xuất gia rất sâu rộng, đức vua và thái tử đều phát tâm xuất gia. Sau đó, tất cả nhân dân trong bốn thiên hạ cũng đều phát tâm cầu xin xuất gia. Sau khi xuất gia, họ không cần trồng trọt, mà từ đất tự nhiên sinh các loại lúa gạo, từ cây cối tự nhiên sinh ra quần áo, được tất cả chư thiên cung kính cúng dường”.

Lại nữa, kinh Phật tạng ghi: “Nên nhất tâm tu tập, thực hành theo chính pháp, chớ nghĩ nhớ việc ăn mặc. Về những món cần dùng, nên biết chỉ cần từ một phần tướng lông trắng của Đức Như Lai hiện ra, tất cả đệ tử xuất gia trong thời mạt pháp cũng không bao giờ dùng hết”.

Kinh Hiền ngu ghi: “Ví dụ có một thầy thuốc giỏi cùng lúc trị lành mắt cho một trăm người mù và một người cứu được một trăm kẻ thoát khỏi tội bị móc mắt. Hai người này phúc đức tuy vô lượng nhưng vẫn không bằng phúc đức cho phép người được xuất gia, cho đến tự mình xuất gia; công đức ấy thật to lớn”.

IV.3. Xuất gia

[29b] Người muốn xuất gia, theo luật, trước hết phải thỉnh hai thầy: một, hòa thượng; hai, a-xà-lê (pháp thỉnh đúng như luật).

Luận Tát-bà-đa ghi: “Trước hết, phải thỉnh hòa thượng. Khi đệ tử đang thụ mười giới, hòa thượng vắng mặt thì đệ tử cũng đắc giới. Nếu đệ tử nghe biết hòa thượng mất thì không đắc giới, nếu không nghe tin hòa thượng mất thì đắc giới. Trường hợp a-xà-lê cũng giống như vậy”.

Lại nữa, kinh Thanh tín sĩ độ nhân ghi: “Nếu người muốn cạo tóc, trước hết phải đến chỗ cạo tóc lấy nước thơm rảy trên mặt đất chu vi khoảng bảy thước, treo phan ở bốn góc, xếp một chỗ cao để người cạo tóc ngồi và đặt hai tòa cao đẹp hơn cho hai thầy ngồi. Người muốn xuất gia phải mặc áo quần thế tục, lạy từ biệt cha mẹ, người thân, rồi đọc bài kệ:

Xoay vần trong ba cõi,

Ái ân không thể cởi.

Bỏ ân ái, vào đạo,

Là báo ân chân thật.

Nói kệ xong, người ấy liền cởi bỏ áo quần thế tục”.

Luận Thiện kiến ghi: “Trước khi xuất gia, nên dùng nước thơm tắm gội sạch sẽ để trừ hơi cư sĩ”.

Kinh Độ nhân ghi: “Tuy người mới xuất gia được mặc y phục xuất gia, nhưng chỉ được mặc quần và áo ngắn, chưa được đắp ca-sa. Khi vào giới trường, người mới xuất gia nên đến quỳ thẳng trước hòa thượng. Hòa thượng phải xem đệ tử như con, không được ghét, hoặc khinh rẻ. Đệ tử phải xem hòa thượng như cha, luôn cung kính cúng dường. Sau khi nghe hòa thượng nói giới pháp và khuyên răn xong, đệ tử phải đến ngồi trước mặt a-xà-lê”.

Luận Thiện kiến ghi: “A-xà-lê rưới nước thơm trên đầu đệ tử và đọc bài kệ:

Lành thay! Đại trượng phu,

Biết rõ đời vô thường,

Bỏ tục, hướng niết-bàn,

Ít có, khó nghĩ lường.

Đọc kệ rồi, a-xà-lê dạy đệ tử lạy mười phương chư Phật và nói kệ khen ngợi:

Quy y đấng Thế Tôn,

Hay cứu khổ ba cõi,

Và nguyện các chúng sinh,

Cùng hưởng vui niết-bàn.

Sau đó, a-xà-lê cạo tóc cho người ấy”.

Kinh Độ nhân ghi: “Khi a-xà-lê cạo tóc cho đệ tử, các thầy tôn chứng ở bên cạnh đọc bài kệ xuất gia:

Hủy hình giữ chí hướng,

Cắt ái, lìa người thân,

Xuất gia hoằng Thánh đạo,

Thệ độ các chúng sinh.

Khi cạo tóc, a-xà-lê nên chừa lại một ít tóc trên đầu đệ tử. Sau đó, đệ tử đến quỳ thẳng trước hòa thượng. Hòa thượng bảo:

– Nay ta cạo tóc trên đầu của ông được không?

Đệ tử đáp:

– Dạ được.

Cuối cùng, hòa thượng đắp ca-sa cho đệ tử. Khi đắp ca-sa, theo luận Thiện kiến, lại đọc bài kệ tán thán:

[29c] Đẹp thay! Áo giải thoát,

Áo ruộng phúc không tướng,

Khoác rồi giữ nghiêm giới,

Độ khắp các chúng sinh”.

Kinh Độ nhân ghi: “Sau khi đắp ca-sa, người mới xuất gia phải lễ Phật. Người tại gia đi theo phía sau người ấy nhiễu Phật ba vòng. Người ấy sung sướng, nói kệ:

Tình cờ được gặp Phật,

Người nào lại không vui,

Phúc nguyện đúng thời gặp,

Nay ta được lợi pháp.

Sau khi lễ Phật, lễ tăng chúng và hai thầy, người mới xuất gia đến ngồi ở hàng cuối, nhận lễ mừng của gia đình và họ hàng. Người ấy được xuất gia, lìa xa thế tục, đã vui vẻ, lại còn được cha mẹ và người thân chúc mừng, nên đạo tâm càng phấn khởi. Trước khi cạo tóc nên ăn chay là tốt nhất”.

Luận Tì-ni mẫu ghi: “Sau khi cạo tóc và mặc ca-sa, người mới xuất gia được hòa thượng truyền tam qui và ngũ giới”.

(Ngoài ra, còn những phép tắc khác, không thể trình bày hết được, ngay lúc ấy châm chước mà làm để cho tốt thì càng hay).

IV.4. Dẫn chứng

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Ngày xưa, có một người đàn bà rất xinh đẹp xuất gia tu theo ngoại đạo. Một hôm, có người hỏi:

– Bà xinh đẹp như vậy, lẽ ra phải sống đời thế tục, tại sao lại xuất gia?

Bà ấy đáp:

– Đến nay, tuy tôi vẫn còn xinh đẹp, nhưng thời gian gần đây tôi chán ghét sự dâm dục, do đó, tôi xuất gia. Lúc còn tại gia, vì xinh đẹp, nên tôi phải sớm lấy chồng, sinh một đứa con trai. Con tôi lớn lên xinh đẹp vô cùng, nhưng dần dần, nó bỗng gầy yếu như người bị bệnh. Tôi hỏi nguyên do, nó không chịu nói. Tôi hỏi mãi, nó bất đắc dĩ mới nói: “Cứ im ỉm không nói thì e rằng con sẽ chết. Nhưng con chẳng có mặt mũi nào mà nói ra. Bởi vì con muốn quan hệ tình dục với mẹ mà không được, nên con sinh bệnh thôi”. Tôi bảo nó: ‘Từ xưa đến nay, đâu có việc ấy’. Song tôi lại nghĩ rằng nếu tôi không làm theo ý con thì nó sẽ chết, thà nay tôi làm trái đạo lí để nó được sống. Tôi liền bảo nó cứ làm theo ý nó muốn. Khi nó định lên giường, mặt đất bỗng nứt ra, nó rơi ngay vào địa ngục. Tôi sợ hãi, nhanh tay kéo nó, nhưng chỉ túm được một nắm tóc của nó, đến nay tôi vẫn còn cất giữ. Quá đau lòng vì việc ấy, nên tôi xuất gia”.

Luận Trí độ ghi: “Người xuất gia trong Phật pháp dẫu có phá giới, mắc tội, nhưng khi tội hết, vẫn được giải thoát. Như tì-kheo-ni Ưu-bát-la Hoa mà kinh Bản sinh nói đến. [30a] Vào thời Phật còn tại thế, tì-kheo-ni này chứng được quả A-la-hán, có sáu thần thông. Mỗi khi vào các nhà sang trọng, vị này thường khen ngợi pháp xuất gia và bảo với phụ nữ ở nhà ấy:

– Các chị em nên xuất gia.

Các phụ nữ sang trọng nói:

– Chúng tôi đang trẻ trung, khỏe mạnh, dung mạo xinh đẹp, khó giữ được giới, sẽ phá giới mất.

Tì-kheo-ni bảo:

– Phá giới thì phá, cứ hãy xuất gia đi.

Họ hỏi:

– Phá giới thì sẽ đọa địa ngục, làm sao phá được?

– Đọa địa ngục thì đọa.

Các phụ nữ ấy cười và hỏi:

– Đọa địa ngục phải chịu tội thì làm sao dám đọa được?

Tỳ-kheo-ni bảo:

– Nhớ lại kiếp trước, ta làm nghệ sĩ nữ, đã mặc nhiều kiểu y phục và nói đủ thứ ngôn từ. Có lần ta mặc y phục của tì-kheo-ni để cười đùa, song nhờ nhân duyên ấy, đến đời Phật Ca-diếp ta được làm tì-kheo-ni. Bấy giờ, tự cậy mình xinh đẹp và là con nhà giàu sang, nên ta đã kiêu căng và phá giới cấm. Vì thế, ta bị đọa địa ngục chịu nhiều tội khổ. Sau khi chịu tội xong, ta được gặp Phật Thích-ca Mâu-ni cho xuất gia và chứng được quả A-la-hán. Tuy đời trước phá giới, nhưng đời này ta cũng chứng được đạo quả.

Hơn nữa, khi Phật đang ở tinh xá Kì-hoàn, có một người bà-la-môn say rượu đến chỗ Phật xin xuất gia làm tì-kheo. Phật sai ông A-nan cạo tóc và mặc pháp y cho người ấy. Sau khi tỉnh rượu, người ấy sợ hãi khi thấy mình bỗng trở thành tì-kheo, liền bỏ chạy. Các tì-kheo hỏi Phật vì sao cho người bà-la-môn ấy làm tì-kheo. Phật bảo rằng người bà-la-môn ấy trong vô số kiếp đã không có tâm xuất gia, nay do say rượu nên tạm thời phát tâm trong khoảnh khắc, song nhờ nhân duyên này, người ấy về sau sẽ xuất gia và đắc đạo.

Có nhiều nhân duyên xuất gia được lợi ích và công đức vô lượng như thế, vì vậy, người tại gia dù thụ năm giới, nhưng công đức cũng kém xa người xuất gia”.

Kinh Tạp bảo tạng ghi: “Ngày xưa, tại thành Lư Lưu có vua Ưu-đà-di thông minh, trí tuệ uyên bác. Nhà vua có một vị phu nhân tên Hữu Tướng, xinh đẹp ít ai sánh bằng, lại có đức hạnh, nên nhà vua rất yêu mến. Theo luật nước ấy, người làm vua không được tự tay gảy đàn. Bấy giờ, bà phu nhân ấy đang cùng vui đùa với vua trong hậu cung. Tự cậy được nhà vua sủng ái, bà phu nhân bảo nhà vua gảy đàn cho mình múa. Nhà vua vốn rất giỏi xem tướng, nhìn thấy tướng chết của bà ấy hiện ra khi vừa đưa tay múa. Tính toán biết mạng sống của bà ấy chỉ còn chưa đầy bảy ngày, nhà vua liền buông đàn, buồn bã, thở dài.

Bà phu nhân nói:

– Được hưởng ân sủng của đại vương, nay ở hậu cung, thiếp cả gan xin đại vương gảy đàn cho thiếp múa để đại vương được vui vẻ. Nhưng thiếp đã làm điều gì sai quấy khiến đại vương bỏ đàn, xin đại vương nói cho thiếp biết.

Nhà vua không chịu nói. Phu nhân ân cần hỏi mãi, nhà vua mới nói sự thực. Nghe nhà vua nói xong, bà phu nhân rất lo sợ, liền tâu:

[30b]- Thiếp có nghe một vị tì-kheo-ni trong hang đá nói, nếu người có lòng tin xuất gia được một ngày, chắc chắn được sinh lên trời. Nay thiếp muốn xuất gia, xin đại vương cho phép.

Là người nặng ái tình, nên nhà vua nói:

– Đến sáng ngày thứ sáu, ta sẽ cho nàng đi.

Đến ngày thứ sáu vẫn không làm phu nhân thay đổi ý định được, nhà vua bảo:

– Nàng có thiện tâm cầu xuất gia như vậy, nhưng nếu nàng hứa được sinh lên trời sẽ nhất định đến gặp ta, thì ta mới cho phép xuất gia.

Phu nhân đồng ý và liền được xuất gia, thọ tám trai giới. Ngay hôm ấy, bà bỗng bị đau bụng sau khi uống thạch mật[33], đến sáng sớm hôm sau thì qua đời. Nhờ duyên lành xuất gia ấy, phu nhân được sinh lên trời. Nhớ lời hứa trước kia, phu nhân liền đến chỗ nhà vua, ánh sáng trên người tỏa rực khắp hoàng cung. Nhà vua hỏi:

– Nàng là ai?

Vị trời đáp:

– Thiếp là Hữu Tướng, phu nhân của đại vương đây.

Nhà vua vui mừng nói:

– Xin nàng hãy đến đây ngồi!

Vị trời nói:

– Nay thiếp thấy đại vương hôi bẩn, không thể đến gần được, nhưng vì lời hứa trước đây, nên thiếp mới đến gặp đại vương.

Nghe xong, nhà vua hiểu ngay, liền than thở:

– Vị trời kia trước đây là vợ của ta, sau khi xuất gia một ngày thì được sinh lên trời, trở nên cao quí, nên vị trời ấy thấy ta thấp hèn. Tại sao nay ta không xuất gia? Ta từng nghe nói một móng tay của trời lớn bằng cả cõi Diêm-phù-đề. Đất nước này của ta đâu đáng tham tiếc!

Nói xong, nhà vua thoái vị nhường ngôi cho con, rồi xuất gia học đạo, cuối cùng chứng được quả A-la-hán”.

Luận Đại trí độ có bài kệ:

Chim công dẫu thân hình sặc sỡ,

Chẳng bằng hồng hạc thường bay cao.

Sống tại gia dẫu thật sang giàu,

Chẳng bằng xuất gia công đức cao.

Kinh Tạp thí dụ ghi: “Ngày xưa có hai anh em nhà giàu sang, thế lực lớn, tiền của vô số, cha mẹ đều đã qua đời. Tuy là anh em, nhưng chí hướng của họ rất khác nhau. Người anh thích học đạo nghĩa, còn người em thích mở mang gia nghiệp. Thấy anh mình không tha thiết đến gia nghiệp, người em giận, bảo:

– Cha mẹ qua đời rồi, là anh em với nhau, em siêng năng chăm lo cuộc sống gia đình, ngược lại, anh bỏ bê gia nghiệp, chỉ đi theo các sa-môn nghe giảng kinh Phật. Các sa-môn đâu thể cho anh áo cơm, tiền của? Anh cứ theo họ thì gia đình trở nên nghèo khó, tiền của ngày một tiêu hao, bị người chê cười là bỏ bê gia đình. Chỉ có nối tiếp giữ gìn gia nghiệp của cha mẹ mới là hiếu thôi!

Người anh đáp:

– Thụ năm giới, thập thiện, cúng dường tam bảo, dùng thánh đạo giáo hóa người thân mới là hiếu. Đạo và tục khác nhau là lẽ tự nhiên[34]. Điều người xuất gia ưa thích là điều người tại gia chán ghét. Điều người tại gia quí trọng thì người xuất gia xem thường. [30c] Sự suy tính của người trí và kẻ ngu không giống nhau, như sáng và tối. Người hiểu biết thường bỏ chỗ tối, đến nơi sáng, vì chỉ có thánh đạo là chân thật cùng tột. Điều em ưa thích hôm nay chính là sự trá hình của đau khổ, mà em đâu biết đó là khổ đau!

Người em tỏ vẻ giận, cúi đầu, không tin lời anh. Thấy thế, người anh bảo:

– Em ham mở mang gia nghiệp, nên cho tiền của là quí, còn anh thích tu học giáo pháp, nên cho trí tuệ là quí. Xét ra, mạng người ở đời hư huyễn, như sóng nắng, vô thường chợt đến thì liền bị nghiệp tội vây trói. Vì thế, nay anh muốn lìa bỏ gia đình, lánh xa tham dục, đến nơi yên tĩnh, xuất gia trở thành phúc điền.

Thấy anh có chí hướng đến đạo nghĩa, người em im lặng và càng thêm tức giận. Thế rồi, người anh từ bỏ gia đình, xuất gia làm sa-môn, tinh tiến tu tập, suốt đêm ngồi thiền tư duy, thực hành đúng với giáo pháp, nên chóng thành tựu đạo quả. Còn người em ham mở mang gia nghiệp, không bao giờ để tâm đến Phật pháp. Về sau, người em qua đời, bị đọa làm con bò rất to béo, được một lái buôn mua về dùng để kéo xe chở muối đi bán. Trải qua một số chuyến buôn thì con bò ấy gầy yếu đi, không còn khỏe như trước. Một lần nọ, khi vượt qua sườn núi một cách vất vả, nó khuỵu chân nằm xuống không đứng lên được. Người lái buôn vung roi đánh, lay đầu mãi, nó mới cử động. Bấy giờ, người anh đang đi trên không trung nhìn thấy, liền bảo con bò:

– Nhà cửa, ruộng đất của em ở đâu mà nay lại đọa làm bò ở đây?

Người anh bèn dùng uy thần soi cho con bò biết kiếp trước của nó. Khi nhận biết rồi, nó tuôn nước mắt, tự trách:

– Do làm việc bất thiện, bỏn xẻn, tham lam, ganh ghét, không tin Phật pháp, khinh thường các thánh, không tin lời anh, ngang ngạnh, cho nên mình phải đọa làm thân bò vất vả, khốn khổ. Nay có hối hận cũng đâu kịp!

Biết lòng dạ con bò đang xót đau, tê tái, người anh liền thuật đầu đuôi sự việc cho người chủ bò nghe. Nghe xong, người ấy liền cho người anh con bò. Người anh dắt con bò đến một ngôi chùa, dạy nó nhớ nghĩ đến tam bảo, ăn uống theo giờ giấc. Sau khi chết, con bò được sinh lên trời Đao-lợi[35].

Lúc bấy giờ, các thương nhân đều nghĩ: Chúng ta lâu nay lo làm ăn buôn bán, không biết bố thí, không biết đạo pháp, sợ rằng sau khi chết cũng sẽ giống như vậy! Thế rồi, họ cùng từ bỏ vợ con, của báu và các thú vui để xuất gia làm sa-môn. Họ tinh tiến tu tập nên tất cả đều chứng được đạo quả.

Do đó, có thể thấy của cải, châu báu không có ích gì cho con người, nếu cung kính thờ phụng tam bảo, tu thân, học đạo thì đời đời được an vui”.

Kinh Phó pháp tạng ghi: “A-la-hán Xà-dạ-đa vừa dẫn các đệ tử đến thành Xoa-thi-la thì bỗng tỏ vẻ buồn rầu. Tiến thêm một quãng ngắn nữa, trông thấy một con quạ, tôn giả liền mỉm cười vui vẻ. Một đệ tử xin ngài cho biết nguyên do. Tôn giả đáp:

[31a] – Lúc ta vừa đến đây, có một con quỉ con đang đói lả dưới cửa thành nói với ta: ‘Mẹ tôi vào thành tìm thức ăn cho tôi đã được năm trăm năm rồi, tôi đang bị cơn đói hành hạ sắp chết. Tôn giả vào thành nếu thấy mẹ tôi thì nói giúp rằng tôi hiện đang đói khổ. Xin ngài hãy báo gấp hộ cho’. Vừa vào thành thì thấy con quỉ mẹ, ta liền bảo cho nó biết ý của con nó. Quỉ mẹ nói: ‘Tôi vào thành này đã năm trăm năm mà chưa kiếm được một miếng nước bọt hay nước mũi nào. Tôi vừa mới sinh xong, sức khỏe còn kém, có tìm được chút nước bọt nào thì liền bị các con quỉ khác cướp mất ngay. Hôm nay, tôi vừa tìm được một chút nước bọt của người, định ra ngoài thành cùng ăn với con, nhưng dưới cửa thành có nhiều quỉ thần mạnh mẽ, tôi sợ nên không dám ra. Cúi xin tôn giả đưa giúp tôi ra khỏi thành’. Ta liền đưa quỉ mẹ ra ngoài thành để nó cùng ăn với con nó. Ta hỏi nó sinh vào thời nào, nó đáp rằng nó thấy tòa thành này xây lên và đổ nát đã bảy lần. Nghe quỉ nói, ta xót thương cho cảnh chịu khổ đau triền miên trong sinh tử. Vì thế, ta buồn. Còn con quạ kia, cách đây chín mươi mốt kiếp, vào thời Phật Tì-bà-thi, ta là con một ông trưởng giả, muốn được xuất gia. Thời ấy, người xuất gia chắc chắn chứng được quả A-la-hán. Nhưng cha mẹ ta không cho phép, mà ép ta cưới vợ. Cưới vợ xong, ta lại xin xuất gia. Cha ta bảo nếu ta sinh được một đứa con trai thì sẽ cho phép. Ta đã vâng lời và sinh được một con trai. Khi con ta được sáu tuổi, ta lại muốn đi xuất gia. Bấy giờ, cha mẹ ta bảo đứa bé ôm chân ta, khóc lóc cầu xin: ‘Nếu cha bỏ con thì ai nuôi dạy con đây? Cha nên giết con trước đã, rồi hãy đi xuất gia’. Nghe xong, ta khởi tâm ái nhiễm, bảo nó: ‘Vì con nên ta sẽ không đi xuất gia nữa’. Do ngăn cản ta xuất gia, nên từ đó đến chín mươi mốt kiếp về sau, đứa con ấy phải lưu chuyển trong năm đường ác, không được gặp ta. Nay ta dùng đạo nhãn thấy con quạ kia chính là đứa con ngày trước. Thương xót nó ngu si ở mãi trong sinh tử, cho nên ta mỉm cười. Vì nhân duyên ấy, nếu người nào cản trở người muốn xuất gia thì mắc tội báo phải thường ở mãi trong đường ác chịu đau khổ cùng tột, không được giải thoát. Sau khi hết tội trong đường ác, nếu sinh làm người thì sẽ bị mù bẩm sinh. Do đó, nếu thấy người muốn xuất gia, người trí phải siêng năng dùng các phương tiện khuyến khích, giúp đỡ họ được toại ý, chớ gây khó khăn cho họ”.

Kinh Xuất gia công đức ghi: “Ngày xưa, lúc còn tại thế, một hôm Đức Phật cùng A-nan vào thành Tì-xá-li[36] khất thực, đi ngang qua một tòa lầu cao, nơi vương tử Tì-la-tiễn-na đang vui đùa với các mỹ nữ. Nghe tiếng nhạc, Đức Phật bảo A-nan:

[31b] – Ta biết người này sau bảy ngày nữa sẽ chết. Nếu không xuất gia, người này có thể đọa địa ngục.

Nghe Phật nói thế, A-nan liền đến giáo hóa và khuyên vị vương tử ấy xuất gia. Nghe A-nan khuyên, trong sáu ngày sau đó, vị vương tử tận hưởng thỏa thích các thú vui. Đến ngày thứ bảy, vương tử Tì-la-tiễn-na đến xin Phật cho xuất gia. Tu tập tịnh giới được một ngày một đêm thì vương tử qua đời, được sinh lên cõi trời Tứ Thiên Vương[37] làm con của bắc thiên vương Tì-sa-môn, cùng hưởng thú vui ngũ dục với các mỹ nữ. Sau khi hưởng hết năm trăm tuổi thọ ở cõi trời ấy, vương tử lại sinh lên cõi trời Đao-lợi làm con của Đế Thích, thọ một nghìn tuổi. Kế đó, vị ấy sinh lên làm vương tử ở trời Diêm-ma, thọ hai nghìn tuổi. Rồi vị ấy sinh lên làm vương tử ở trời Đâu-suất, thọ bốn nghìn tuổi. Tiếp theo, vị ấy sinh lên làm con của trời Hóa Lạc, thọ tám nghìn tuổi. Hết tuổi thọ ở trời Hóa Lạc, vị ấy sinh lên cõi trời Tha Hóa Tự Tại làm con của Thiên vương. Niềm vui ngũ dục được hưởng cùng với các mỹ nữ ở đây tuyệt vời hơn ở các cõi trời bên dưới, tuổi thọ ở cõi này là mười sáu nghìn tuổi. Vị vương tử qua lại hưởng thụ thú vui ở sáu cõi trời thuộc Dục giới như thế mà không bị chết yểu.

Một ngày xuất gia thì hai mươi kiếp không bị đọa vào đường ác, thường được sinh lên trời hưởng phúc tự nhiên; kiếp cuối cùng làm người được sinh vào gia đình giàu sang, đầy đủ tiền của, tuổi trẻ sung sướng, về già chán ghét thế tục nên xuất gia tu tập đạo pháp, thành Bích-chi phật hiệu là Tì-lưu-đế-lê, độ khắp vô số trời và người. Vì nhân duyên ấy, nên biết công đức xuất gia lớn vô lượng, không thể ví dụ được. Giả sử có người hết lòng cúng dường đầy đủ bốn thứ cần dùng cho số a-la-hán đầy khắp trong bốn thiên hạ, đến khi các vị này vào niết-bàn thì lại xây tháp cho từng vị, cúng dường các thứ hương, hoa và chuỗi ngọc, thì công đức tạo được cũng không bằng công đức của người xuất gia trì giới một ngày một đêm cầu quả vị Niết-bàn. Vì thế, pháp xuất gia thật đáng tôn quí. Không được vì một chút tài sắc mà tham đắm thế gian để phải trôi giạt trong biển sinh tử, tự chuốc khổ vào thân.

Có bài tụng:

Tam sơn[38] tu đạo cũng chẳng thành,

Ngũ nhiệt[39] đau buồn tự trói thân,

Ở quán, vào lồng phiền lao cả,

Đâu bằng lặng lẽ vượt nguy thành.

Gương trí sáng tròn, thêm tinh sạch,

Giữa trời vằng vặc ánh trăng thanh,

Vết cũ quanh co theo lối hẹp,

Thông Trang, đạt Lão, há đồng hành?”.

    Xem thêm:

  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 14 – Khuyến Khích Tu Tập - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 17 – Làm Phúc - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Thọ Đề Già - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Phúc Báo Tạo Hình Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 20 – Lục Độ - Kinh Tạng
  • Kinh Khổ Ấm - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 02 – Kính Pháp - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Số - Kinh Tạng