Thiện Ác Nghiệp Báo

Chư Kinh Yếu Tập

Đường Đạo Thế tập

Bản Việt dịch của Thích Quảng An

***

VI. HƯƠNG ĐĂNG

Gồm bốn duyên: Lời dẫn, Hương hoa, Đốt đèn, Treo cờ.

VI.1. Lời dẫn

Đã nhân nơi sự mà ngộ lí, nhất định nhờ tướng để hiển chân; chiêm ngưỡng dung nghi của bậc Thánh, hoặc phải mượn hương hoa để cúng dường. Thế nên, hoa báu tốt tươi, rực rỡ tợ như sen hồng, hương quí ngạt ngào, nhẹ tỏa lan như sương biếc, mặt trời lên thì màn đêm cuốn, mặt trăng mọc thì bóng tối tan, ánh đèn xua tăm tối, cũng như vậy, trí tuệ diệt trừ vô minh. Vì thế, cung kính Phật Đăng Vương, thành tâm với Đức A-di-đà, gắng sức tiếp nối ánh sáng, cho nên được hiệu là Định Quang Như Lai. Nhờ chút duyên soi sáng, mà gần thì được ánh sáng sắc thân; do nhân thí đuốc đèn, mà xa thì được phúc báu thiên nhãn. Huống gì dùng đại trí này hiển phát, khai mở ánh sáng thù thắng kia ư! Thế nên, vua A-dục đến lúc lâm chung, đã tạo tám mươi bốn nghìn ngọn đèn, chiếu khắp tám mươi bốn nghìn ngôi tháp; lại còn treo thần phan phất phới, mong bay vút lên tận cõi Đại thiên, những hạt châu màu tía xen nhau, tỏa ánh sáng đến trăm ức dặm. Lúc gió trí tuệ thổi lên thì nghiệp thuần thanh hiện; khi luồng gió nhiệm mầu thổi đến, thì được quả báo vô tận của Chuyển luân thánh vương.

VI. 2. Hoa hương

Trong kinh Phật thuyết hoa tụ đà-la-ni ghi: “Đức Phật dạy:

– Sau khi Ta diệt độ, nếu có người đi trên đường trống, thấy tháp miếu của Như Lai, mà dùng một cành hoa, một ngọn đèn, hoặc một viên đất bùn đặt trước tượng để cúng dường, cho đến cúng dường một đồng tiền để sửa sang tượng Phật, hoặc dùng một vốc nước rửa tháp Phật, rồi dùng hoa hương cúng dường, hoặc bước một bước hướng đến chùa tháp, hoặc chỉ một lần xưng nam-mô Phật, [34a] mà muốn người ấy rơi vào ba đường ác trăm nghìn vạn kiếp, thì thật vô lí”.

Lại kinh Chính pháp niệm ghi: “Nếu có chúng sinh dùng hương giới thoa lên tháp Phật, sau khi mạng chung được sinh lên cõi trời Hương Lạc, vui chơi với các thiên nữ, từ cõi trời mạng chung, sanh làm người trong một gia đình giàu có”.

Kinh Thái hoa thụ quyết ghi: “Lúc bấy giờ, vua La-duyệt sai hơn mười người thường xuyên vào rừng hái hoa đẹp dâng cho nhà vua. Một hôm, các cung nữ ra ngoài thành hái hoa, trên đường về thì gặp Đức Phật, họ liền cúi đầu kính lễ và suy nghĩ: ‘Thà bỏ thân mạng, dâng hoa cúng dường Phật và thánh chúng, cho dù bị hại cũng không rơi vào đường ác’. Nghĩ xong, họ liền tung hoa lên cúng dường Phật và thánh chúng rồi tự qui mạng nhất tâm kính lễ. Đức Phật biết ý niệm ấy, nên thương xót thuyết pháp cho họ nghe. Những người hái hoa nghe xong, đều phát đạo tâm, được Đức Phật thụ kí:

– Về sau các ngươi sẽ được thành Phật hiệu là Diệu Hoa.

Lúc bấy giờ, các cung nữ liền trở về nhà từ biệt cha mẹ:

– Mạng con chắc không còn nữa! Vì hôm nay nhà vua sẽ giết con.

Cha mẹ ngạc nhiên hỏi:

– Con có tội lỗi gì mà bị vua giết?

Các cung nữ kể rõ câu chuyện cho cha mẹ nghe và nói:

– Nếu không có hoa dâng lên nhà vua, thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, nên hôm nay con trở về từ biệt cha mẹ!

Cha mẹ nghe xong càng thêm buồn rầu, họ liền mở giỏ ra, thì thấy đầy hoa đẹp, mùi thơm lan tỏa khắp nơi, liền bảo:

– Con hãy đem hoa này dâng lên nhà vua!

Chờ mãi vẫn không thấy hoa mang đến, nhà vua tức giận, sai người bắt trói những người hái hoa phạm tội đem ra chợ xử trảm. Thế nhưng sắc mặt của họ vẫn không biến đổi, lấy làm lạ nhà vua hỏi:

– Tội của các ngươi sẽ bị giết, vì sao không sợ?

Những người hái hoa đáp:

– Con người có sống thì phải có chết, vạn vật có thành ắt có hoại, chúng tôi vì pháp mà phạm tội, nên không tiếc thân mạng. Buổi sáng đi hái hoa, trên đường về gặp Đức Phật, nên đã dâng lên cúng dường, biết làm như thế là trái mệnh vua, tội sẽ bị giết, nhưng thà có đạo mà chết, còn hơn sống mà không đạo. Nhưng khi trở về mở giỏ ra thì thấy hoa vẫn còn như cũ, đều là nhờ ân của Đức Phật chở che.

Nhà vua càng lấy làm lạ, trong lòng không tin, bèn đến hỏi Phật:

Đức Phật bảo:

– Đúng vậy! Những người này chí tâm, muốn độ chúng sinh khắp mười phương, không tiếc thân mạng, nên tung hoa cúng dường Như Lai, lại không có ý cầu quả báo, đã được Ta thụ kí tương lai sẽ thành Phật, hiệu là Diệu Hoa.

Nghe xong, nhà vua rất vui mừng, cởi trói cho họ, hối hận trách mình quá ngu si, không bằng bồ-tát và xin Đức Phật tha thứ. Đức Phật bảo:

– Lành thay! Người biết sửa lỗi lầm, thì đồng với người không có lỗi!

[34b] Kinh Bách duyên ghi: “Một thời, Đức Phật ở Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, Ngài đắp y ôm bát cùng các tì-kheo vào thành khất thực, vừa đến một ngõ phố thì thấy một phụ nữ bồng con ngồi dưới đất.

Lúc ấy, đứa bé từ xa thấy Đức Phật thì rất vui mừng, liền đòi mẹ mua hoa dâng cúng dường Đức Phật. Đứa bé được hoa, liền đến chỗ Phật tung lên hư không, biến thành lọng hoa theo che Đức Phật. Thấy thế, nó rất vui mừng, phát nguyện lớn:

– Xin đem căn lành công đức cúng dường này, nguyện đời sau con thành Chính giác, độ thoát chúng sinh giống như Đức Phật!

Bấy giờ, Đức Phật nghe đứa bé phát nguyện thì liền mỉm cười, từ miệng phóng ra một luồng ánh sáng năm màu, xoay quanh Phật ba vòng rồi trở vào đỉnh Ngài.

Khi ấy, ngài A-nan bạch Phật:

– Đức Thế Tôn là bậc cao quí, không bao giờ cười vô cớ, nay có nhân duyên gì lại mỉm cười? Kính xin Đức Thế Tôn chỉ dạy!

Đức Phật bảo A-nan:

– Ông thấy đứa bé tung hoa cúng dường ta chăng?

Ngài A-nan bạch:

– Vâng! Con đã thấy.

Đức Phật dạy:

– Đứa bé này đời vị lai, không rơi vào đường ác, sinh lên cõi trời hay xuống cõi người, thường được vui vẻ, trải qua ba a-tăng-kì kiếp được thành Phật hiệu là Hoa Thịnh, độ thoát chúng sinh không thể tính kể, thế nên ta cười.

Các tì-kheo nghe Đức Phật dạy xong, đều vui vẻ vâng theo”.

Lại trong kinh Bách duyên cũng ghi: “Một thời, Đức Phật ở Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên tại thành Xá-vệ. Bấy giờ, các trưởng giả giàu sang quyền quí trong thành, tụ tập bên bờ suối, mở hội Bà-la hoa, ca hát vui chơi. Họ sai một người vào rừng hái hoa bà-la về kết tràng. Người được sai đi, liền vào rừng hái hoa, trên đường về thấy Đức Phật đủ ba mươi hai tướng quí, tám mươi vẻ đẹp, sáng rực như trăm nghìn mặt trời, lòng rất vui mừng, liền cúi lễ dưới chân và tung hoa cúng dường. Cúng dường xong, người ấy lại vào rừng, leo lên cây định hái hoa, chợt cành cây bị gãy, ông ta rơi xuống đất và qua đời, liền được sinh lên cõi trời Đao-lợi, thân hình xinh đẹp, ở trong cung điện được làm bằng hoa bà-la. Đế Thích hỏi:

– Ông ở đâu, tu phước gì mà được sinh về cõi này?

Người hái hoa đáp:

– Tôi ở cõi Diêm-phù-đề, một hôm vào rừng hái hoa về lập hội vui chơi, trên đường về gặp Đức Phật, liền tung hoa cúng dường, nhờ nhân duyên công đức ấy, nên được sinh về cõi này!

Đế Thích thấy vị trời này, thân hình vô cùng xinh đẹp, liền nói kệ khen:

Thân như sắc vàng ròng,

Tỏa ánh sáng rực rỡ,

Dung mạo rất xinh đẹp,

Vượt hơn cả chư thiên.

Vị trời ấy liền nói kệ đáp:

Tôi nhờ ân Đức Phật,

Cúng dường hoa bà-la,

Do nhân duyên lành này,

Được quả báo tốt đẹp.

[34c] Nói kệ xong, ông ta liền cùng Đế Thích đến chỗ Đức Phật, đỉnh lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên, nghe Phật thuyết pháp, tâm ý khai mở, phá tan mười hai ức nghiệp chướng[48], tà kiến[49], chứng quả Tu-đà-hoàn. Do đó, ông vô cùng mừng rỡ, nói kệ khen Phật:

Đại Thánh Tôn vòi vọi,

Vô thượng không ai bằng,

Công cha mẹ, thầy tổ,

Cũng không thể sánh kịp,

Làm khô bốn biển lớn,

Vượt qua núi xương trắng,

Lắp kín ba đường ác,

Mở rộng ba cửa lành”.

Lại kinh Tạp bảo tạng cũng ghi: “Lúc ấy, thiên nữ nói kệ:

Xưa ta dùng vòng hoa,

Cúng tháp Phật Ca-diếp,

Nay sinh lên cõi trời,

Được công đức thù thắng,

Đã sinh lên cõi trời,

Lại được thân sắc vàng”.

Luận Tát-bà-đa ghi: “Đất của tứ phương tăng, không được xây tháp, nên vì Phật pháp mà trồng trọt. Nếu tăng hòa hợp thì được, nếu không hòa hợp thì không được làm; hoặc trong đất chúng tăng có trồng hoa, thì cũng nên để cho tịnh nhân[50] chăm sóc, thu hoạch trao cho tăng tùy ý cúng dường, không được tự ý lấy riêng cúng dường tam bảo. Nếu hoa nhiều, tăng sử dụng không hết, tăng hòa hợp cho phép, thì tuỳ ý mà lấy. Trong tăng phường, không được xây tháp, đúc tượng, vì để gần người thì nhơ bẩn, không thanh tịnh. Nếu nhà nhiều tầng, có thờ tượng Phật ở tầng dưới, thì không được đứng ở tầng trên; không được lấy hoa trồng trên tháp cúng dường tăng, phải nên cúng dường Phật, hoa này cũng được bán để lấy tiền cúng dường tháp. Nếu nước thuộc về phần của tháp thì cúng dường cho tháp, nếu còn dư, mà nước này do công sức của người chăm lo tháp mà có, nên bán phần nước này lấy tiền cúng dường tháp, không được dùng vào việc khác, nếu dùng thì tính theo số tiền mà phạm tội. Hoặc trong tháp không có người, mà phần nước này hoàn toàn do công sức của tăng, số nước dùng cho tháp còn lại bao nhiêu, tăng khéo tính toán mà sử dụng”.

Kinh Văn-thù vấn ghi: “Lúc bấy giờ, ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Các hoa cúng dường xong còn dư, dùng để trị bệnh, thì như thế nào?

Đức Phật bảo ngài Văn-thù-sư-lợi:

– Mỗi hoa đều phải chú nguyện riêng đủ một trăm lẻ tám biến.

Chú hoa Phật:

– Nam-mô Phật-thát-tả-dã sa-ha

[35a] Chú hoa bát-nhã ba-la-mật:

– Na-mạt kha-lô-lí bát-nhã-ba-la-mật-đa-duệ sa-ha

Chú hoa Phật túc:

– Na-mạc ba-đà-chế-điểm-đam-diêm sa-ha

Chú hoa bồ-đề thụ:

– Nam-mô bồ-đề hóa lực khám lam sa-ha

Chú hoa chuyển pháp luân xứ:

– Nam-mô đạt-ma chước-kha-la-dạ sa-ha

Chú hoa tháp:

– Na-mạc thâu-bạt-tà sa-ha

Chú hoa bồ-tát:

– Nam-mô bồ-đề tát-đỏa-dã sa-ha

Chú hoa chúng tăng:

– Na-mạc tăng-già-dã sa-ha

Chú hoa Phật tượng:

– Na-mạc ba-la-để-da sa-ha

Đức Phật lại bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Về việc sử dụng hoa này, nếu bốn chúng phát tâm tôn kính tu hành, thì sáng sớm thức dậy tắm gội, súc miệng sạch sẽ, nhớ nghĩ công đức của Phật và cung kính hoa này, không được dẫm lên hoặc bước ngang hoa, phải như pháp cắm hoa vào bình nước sạch. Nếu có người bị bệnh nóng lạnh, nhức đầu, thì giã nát hoa rồi cho vào nước lạnh, dùng thoa vào thân; hoặc có người bị bệnh kiết lị ra máu, hoặc bị đau bụng, cũng dùng hoa giã nát hòa vào nước lạnh rồi cho họ uống, thì liền hết bệnh. Nếu có người bị lở miệng, cũng cho họ ngậm nước hoa giã nát, cũng được lành. Nếu trời mưa không tạnh, nên đến nơi vắng vẻ đốt hoa, mưa liền dứt. Nếu gặp lúc trời khô hạn, cũng nên đến nơi vắng vẻ cắm hoa vào nước rồi chú nguyện trong nước lạnh, rưới lên hoa, trời liền tuôn mưa xuống. Nếu các loài trâu, ngựa…không thuần, thì đem hoa cho chúng ăn, chúng liền điều phục; hoặc các loại cây, hoa, trái không tươi tốt, nên trộn hoa giã nát với phân bò, hòa với nước lạnh rồi rưới lên gốc cây, không được dẫm đạp hay tiểu tiện trên đó thì hoa trái sum sê; hoặc ruộng có nhiều nước làm hư hại lúa mạ, thì giã hoa thành bột rồi đem rải vào ruộng, lúa mạ liền xanh tốt. Nếu trong cõi nước có bệnh tật thì giả nát hoa hòa vào nước lạnh, thoa vào loa hoặc trống, rồi thổi hoặc đánh, người nghe âm thanh này liền khỏi bệnh. Nếu các nước thù địch muốn đến xâm lăng, nên giã nát hoa, hòa vào nước rồi rải lên họ, tất cả liền lui tan Nếu trên núi cao có tảng đá lớn, các tì-kheo mài hoa trên đá rồi cùng nhau lễ bái, ít lâu sau trên đá tự nhiên sinh ra trân bảo.

Đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi:

– Mỗi hoa đều phải tụng đủ một trăm lẻ tám biến, ông cũng nên đi khắp nơi tuyên nói các câu chú này cho mọi người rõ biết. Hoa Phật, hoa pháp và các hoa khác cũng như vậy.

[35b] Kinh Hoa nghiêm ghi: “Thuở xưa trong loài người có một loại hương tên là Đại tượng tạng, do rồng đánh nhau mà có, nếu đốt một viên, thì phóng ra một luồng ánh sáng lớn, tạo thành lưới mây che phủ phía trên, vị ngọt như cam lộ. Trời mưa hương suốt bảy ngày bảy đêm, nếu dính vào thân, thì thân có sắc vàng, nếu dính vào y phục, cung điện, lầu gác, thì tất cả đều biến thành sắc vàng. Nếu có chúng sinh ngửi được mùi hương này, trong bảy ngày bảy đêm thường được vui vẻ, diệt trừ tất cả bệnh khổ, không bị tai nạn bất ngờ, tâm hằng xa lìa sợ hãi, nguy hại, khởi lòng đại từ, nhớ nghĩ khắp chúng sinh. Ta biết rõ tâm họ, nên thuyết pháp, giúp cho vô lượng chúng sinh chứng được quả vị Bất thoái chuyển. Lại hương ngưu đầu chiên-đàn, do lìa cấu nhiễm mà có, nếu đem thoa vào thân, thì lửa không thể thiêu đốt”.

Kinh Bách duyên chép: “Lúc Đức Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một trưởng giả rất giàu, của cải nhiều vô lượng, không thể tính kể. Ông sinh được một người con, dung mạo xinh đẹp, hiếm có trong đời, các lỗ chân lông trên thân đều tỏa ra mùi hương chiên-đàn, trong miệng thường thoảng ra mùi thơm hoa ưu-bát. Cha mẹ rất vui mừng, nhân đó đặt tên con là Chiên-đàn Hương. Thời gian sau Chiên-đàn Hương lớn lên, cầu Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán, các tì-kheo thấy thế liền bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Chiên-đàn Hương này đời trước trồng phúc gì mà được sinh vào nhà giàu sang quyền quý, thân và miệng thường thoảng ra mùi thơm, lại được gặp Đức Thế Tôn xuất gia, chứng đạo quả?

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Thuở quá khứ, trải qua chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn, vua Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi xây tháp bằng bốn báu, cao một do-tuần để an trí cúng dường. Lúc ấy có một trưởng giả vào tháp Phật, thấy nền tháp bị thủng, ông liền nhồi trộn đất bùn trám lại, lấy bột hương chiên-đàn rải lên, phát nguyện rồi đi. Nhờ công đức ấy, từ đó về sau trải qua chín mươi mốt kiếp, trưởng giả kia không rơi vào đường ác, được sinh lên cõi trời, người, thân và miệng thường thoảng ra mùi thơm, hưởng thụ niềm vui sướng, đến nay được gặp Ta xuất gia chứng đạo quả”.

Lại nữa, trong luận Đại trang nghiêm ghi: “Đức Phật dạy:

– Thuở xưa, vào thời Đức Phật Ca-diếp có một pháp sư thuyết pháp cho đại chúng, thường hay khen ngợi Đức Phật Ca-diếp. Nhờ nhân duyên ấy, nên khi mạng chung, pháp sư ấy được sinh lên cõi trời. Về sau dù sinh vào cõi trời hay cõi người, ông ta cũng thường hưởng thụ niềm vui sướng. Sau khi Đức Phật Thích-ca văn nhập niết-bàn một trăm năm, vào thời vua A-thâu-ca, vị này cũng làm pháp sư, chứng quả A-la-hán, trong miệng thường thoảng ra mùi thơm vi diệu. Lúc ấy, pháp sư ở cách vua không xa, thuyết pháp cho đại chúng nghe, trong miệng tỏa ra mùi thơm bay đến chỗ vua. Nhà vua ngửi được mùi thơm, trong lòng nghi ngờ, liền nghĩ: ‘Tì-kheo này ngậm hương thơm trong miệng chăng, sao lại thơm đến như thế?’. [35c] Nghĩ xong, nhà vua liền bảo pháp sư súc miệng, xem còn có mùi thơm không. Tì-kheo hỏi:

– Sao đại vương bảo tôi súc miệng?

Vua đáp:

– Tôi ngửi được mùi hương, trong lòng nghi ngờ, nên mới bảo ngài làm thế.

Thế là pháp sư liền súc miệng, mùi thơm ấy từ trong miệng pháp sư càng tỏa ra ngào ngạt, không có mùi thơm khác. Vua liền nói:

– Xin pháp sư thuyết pháp cho tôi nghe!

Pháp sư mỉm cười và nói kệ:

Tự tại trong trời đất,

Vì đại vương thuyết pháp,

Chẳng phải hương trầm thủy,

Cũng không phải lá hoa,

Các loại hương chiên-đàn,

Hòa hợp mà có được,

Tôi sinh tâm hi hữu,

Mà nói như thế ấy,

Nhờ khen Phật Ca-diếp,

Nên được mùi hương này,

Khi Phật nhập niết-bàn,

Mùi hương vẫn không khác,

Đêm ngày thường tỏa ra,

Chưa lúc nào đoạn dứt”.

Kinh Nhật vân ghi: “Hương cháy chưa hết mà ném xuống đất thì bị tội việt khí, rơi vào địa ngục Phẩn Thỉ trọn năm trăm năm. Vì sao? Vì tâm thường buông lung”. Lại trong kinh Dạ vấn ghi: “Nếu có người dùng miệng thổi tro bụi trên các vật dụng trang nghiêm, cúng dường, bị đọa vào địa ngục Ưu-bát-la, quả báo làm vua các thần gió”. Lại kinh Yếu dụng tối ghi: “Nếu có người dùng mũi ngửi hương, làm giảm mùi thơm thì không có phúc đức, quả báo rơi vào địa ngục Ba-đầu-ma, đến đời vị lai tỉ căn không thưởng thức được hương thơm”. Kinh Nhật cúng dường cũng ghi: “Khi cúng dường hương mà không ngậm miệng lại, sẽ bị rơi vào địa ngục Hắc Phẩn Thỉ, chịu tội trọn nửa kiếp, quả báo không có trí tuệ. Vì sao? Vì thở ra sẽ làm bốc bụi hương lên”.

Tam thiên oai nghi ghi: “Thắp hương trước Phật, có ba việc: một, thay hương cũ trong lò; hai, tự lấy hương ra; ba, nên chia cho người. Nói về lò hương cũng có ba việc: một, trước hết nên đỗ tro cũ; gom hương trong lò để qua một bên; hai, lau lò hương cho sạch rồi mới thắp hương, lại lấy hương cũ cắm vào; ba, khi hương đang cháy, không được thổi tắt”.

VI. 3. Đốt đèn

[36a] Như kinh Bồ-tát bản hạnh chép: “Đức Phật dạy:

– Thuở quá khứ, vô số kiếp về trước, Ta ở cõi Diêm-phù-đề làm vua một nước lớn, thường bỏ thân mạng ra để bố thí. Có lần Ta cầm dao trao cho quần thần khoét một nghìn lỗ sâu trên thân, lớn như đồng tiền, rồi đỗ dầu vào, làm thành một nghìn ngọn đèn, sau khi đặt tim đèn vào, Ta bảo bà-la-môn:

– Xin ngài nói pháp trước, sau đó hãy đốt đèn!

Thế là, bà-la-môn nói kệ:

Thường rồi cũng phải đoạn,

Cao rồi cũng phải rơi,

Có hợp cũng biệt ly,

Có sinh ắt có tử.

Nghe kệ xong, Ta rất vui mừng, liền phát nguyện: ‘Hôm nay tôi vì cầu pháp, khoét thân làm đèn, không cầu vinh hiển ở đời, cũng không cầu chứng quả Nhị thừa, chỉ đem công đức này nguyện cầu đạo Vô thượng chính chân’. Ta vừa phát nguyện xong, tức thời cõi tam thiên đại thiên chấn động sáu cách, một nghìn ngọn đèn trên thân được thắp lên, tất cả chư thiên, Đế Thích, Phạm vương, Chuyển luân thánh vương… đều đến an ủi thăm hỏi:

– Một nghìn ngọn đèn đang cháy trên thân, Ngài có đau không? Hối hận không?

Ta đáp:

– Không đau, cũng không hối hận!

Đế Thích lại hỏi:

– Lấy gì làm bằng chứng đại vương không hối hận?

Ta liền phát nguyện:

– Tôi dùng thân làm một nghìn ngọn đèn, để cầu đạo Vô thượng, được thành Phật. Nếu đúng như thế, thì xin các vết thương đều lành lại’.

Phát nguyện xong, thân Ta liền bình phục như cũ. Lúc ấy Đế Thích, thiên vương, vua quan và quyến thuộc, cùng vô lượng nhân dân hết lòng khen ngợi và cùng nhau tu tập mười điều lành”.

Trong kinh A-xà-thế vương thụ quyết ghi: “Đức Phật nhận lời thỉnh của vua A-xà thế, sau khi thụ trai xong, Ngài trở về tinh xá Kì-hoàn. Lúc ấy, vua A-xà-thế bàn với Kì-bà:

– Đức Phật đã thụ trai xong, tiếp theo ta phải làm gì?

Kì-bà tâu:

– Nên thắp nhiều đèn để cúng dường!

Thế là vua A-xà-thế liền truyền lệnh đem một trăm hộc dầu vừng, thắp sáng từ cổng cung điện cho đến tinh xá Kì-hoàn. Bấy giờ có một bà già nghèo thấy vua làm công đức ấy, thì cảm động, bà đi xin khắp nơi được hai đồng tiền, liền ra tiệm mua dầu, chủ tiệm hỏi:

– Bà quá nghèo khổ, chỉ xin được hai đồng tiền, sao không mua thức ăn để nuôi thân, lại mua dầu làm gì?

Bà già đáp:

– Rất khó gặp Đức Phật ra đời, trăm kiếp chỉ có một lần, tôi may mắn được gặp Phật mà không cúng dường. Hôm nay thấy nhà vua làm công đức lớn, tuy nghèo khổ, nhưng tôi cũng muốn thắp một ngọn đèn cúng Phật để làm nhân duyên kiếp sau.

Nghe nói thế, chủ tiệm vui mừng. Lẽ ra hai đồng tiền chỉ mua được hai cáp[51] dầu thôi, nhưng ông đặc biệt thêm ba cáp nữa, tổng cộng là năm cáp. Sau đó bà già đem dầu đến trước Phật thắp lên, nhưng lại tính số dầu này không đủ thắp sáng đến nửa đêm, bà liền phát nguyện: ‘Nếu đời sau tôi đắc đạo giống như Đức Phật, thì xin số dầu này được cháy sáng suốt đêm không hết’. Phát nguyện xong, bà đỉnh lễ Phật rồi ra về.

Những ngọn đèn của vua, có ngọn bị tắt, có ngọn bị hết dầu, [36b] nhưng ngọn đèn của bà già vẫn còn cháy sáng hơn các đèn khác suốt đêm không tắt, đến sáng mà chất dầu vẫn không hết. Đức Phật bảo tôn giả Mục-kiền-liên:

– Trời đã sáng, ông nên tắt các ngọn đèn!

Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời Phật dạy, lần lượt tắt hết các ngọn đèn, chỉ còn lại ngọn đèn của bà già, thổi đến ba lần vẫn không tắt. Tôn giả liền vén ca-sa lên quạt cho tắt, nhưng ngọn đèn càng cháy sáng hơn. Tôn giả Mục-kiền-liên bèn dùng uy thần dẫn gió Tùy Lam [52]đến thổi, mà đèn càng cháy mạnh, soi thẳng đến Phạm thiên, cho đến ba nghìn thế giới, đều nhìn thấy ánh sáng ngọn đèn ấy. Đức Phật bảo tôn giả Mục-kiền-liên:

– Thôi thôi! Đây là ánh sáng công đức của Phật đương lai, uy thần của ông không thể dập tắt, bà già này đời trước đã cúng dường tám mươi ức Phật và được Phật thụ kí, nhưng mãi lo tu tập kinh pháp, không rãnh làm việc bố thí, nên nay nghèo cùng không có của cải, trải qua ba mươi kiếp sau bà già này sẽ được thành Phật hiệu là Tu-di Đăng Quang Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chính Giác. Lúc ấy thế giới không có mặt trời mặt trăng, trong thân nhân dân tự phát ra ánh sáng, soi chiếu xen nhau như cõi trời Đao-lợi.

Bà già nghe xong, lòng rất vui mừng, liền đỉnh lễ Phật rồi ra về.

Vua hỏi Kì-bà:

– Ta tạo công đức rộng lớn như thế, Đức Phật không thụ kí. Bà già này chỉ cúng một ngọn đèn, lại được thụ kí?

Kì-bà đáp:

– Đại vương tạo công đức tuy nhiều, nhưng tâm không chuyên nhất, nên không bằng bà già chú tâm về Phật.

Thế là, sau đó vua A-xà-thế đem tâm chí thành dâng dầu và hoa cúng dường Phật. Đức Phật liền thụ kí:

– Đời sau, trải qua tám vạn kiếp, đến một kiếp tên là Hỉ Hoan, đại vương sẽ thành Phật hiệu là Tịnh Kì.

Lúc ấy, thái tử con vua A-xà-thế tên là Chiên-đà-hòa-lợi, mới lên tám tuổi, nghe vua cha được thụ kí, lòng rất vui mừng liền cởi các châu báu trên thân, tung lên Phật và phát nguyện:

– Nguyện con đến thời Đức Phật Tịnh Kì, được làm Kim luân vương, cúng dường Phật, sau khi Đức Phật ấy bát-nê-hoàn, con sẽ được làm Phật kế tiếp.

Đức Phật bảo:

– Ông chắc chắn sẽ toại nguyện và được thành Phật hiệu là Chiên-đàn”.

Kinh Hiền ngu ghi: “A-nan bạch Phật:

– Không biết thuở quá khứ, Đức Thế Tôn đã tạo căn lành gì, mà đến đời này được phúc báo cúng dường Vô cực đăng[53] như thế?

Đức Phật bảo A-nan:

– Thuở quá khứ trải qua hai a-tăng-kì, chín mươi mốt kiếp, cõi Diêm-phù-đề này có một vua nước lớn tên là Ba-tắc-kì, đại phu nhân của vua sinh được một thái tử, thân màu vàng tía, đầy đủ các tướng quí. Thời gian sau, thái tử dần lớn lên, xuất gia và thành Phật, giáo hóa, độ thoát vô số chúng sinh. Bấy giờ, vua cha thỉnh Phật và chúng tăng cúng dường ba tháng, lúc ấy có một tì-kheo tên là A-lê-mật-la nguyện làm đàn-việt cúng dường đèn suốt thời gian ấy. Hằng ngày ông vào thành xin các thứ tô dầu và bấc đèn. [36c] Khi ấy có vương nữ tên là Mâu-ni đứng trên lầu cao, thấy tì-kheo này hằng ngày vào thành xin các thứ cần dùng thì sinh lòng cung kính, sai người đến hỏi tì-kheo cần gì. Tì-kheo đáp:

– Hôm nay tôi làm đàn-việt cúng dường đèn cho Đức Phật và chúng tăng trong ba tháng, nên vào thành xin tô dầu và bấc đèn.

Người được sai đi trở về kể lại cho vương nữ biết, vương nữ rất vui mừng nói:

– Từ nay về sau ngài đừng đi xin nữa, tôi sẽ cung cấp đầy đủ bấc đèn… cho ngài!

Tì-kheo đồng ý, thế là từ đó về sau, vương nữ thường dâng đủ các thứ như tô dầu và bấc đèn cho tì-kheo. Tì-kheo A-lê-mật-la thành tâm thắp đèn cúng Phật, Đức Phật liền thụ kí: ‘Đời sau trải qua a-tăng-kì kiếp, ông sẽ được thành Phật hiệu là Định Quang’. Vương nữ Mâu-ni nghe tì-kheo A-lê-mật-la được thụ kí, liền nghĩ: ‘Những thứ làm thành đèn cúng dường Đức Phật đều là của ta, mà tì-kheo đã được thụ kí, ta còn không được’. Suy nghĩ xong, bà liền đến chỗ Phật, trình bày suy nghĩ của mình. Đức Phật liền thụ kí: ‘Đời sau trải qua hai a-tăng-kì, chín mươi mốt kiếp, ngươi sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni, đầy đủ mười hiệu’. Vương nữ nghe Phật thụ kí xong, lòng rất vui mừng, liền hóa thành nam tử, cúi lạy chân Đức Phật, xin làm sa-môn. Đức Phật đồng ý. Từ đó vị sa-môn này tinh tấn tu tập không ngừng, nhờ thuở xưa cúng dường đèn sáng, từ đó đến nay trải qua vô số kiếp, thường được sinh lên cõi trời người, hưởng phúc tự nhiên, thân hình xinh đẹp, hơn hẳn mọi người, nay được thành Phật, phúc báo được cúng dường đèn sáng này”.

Lại trong kinh Thí đăng công đức ghi: “Đức Phật bảo ngài Xá-lợi-phất:

– Nếu có người đến trước hình tượng hoặc chùa tháp Phật mà cúng dường đèn sáng, cho đến dùng một ít bấc đèn, hoặc đốt đèn dầu cúng dường, ánh sáng ấy chỉ soi chiếu được một lối đi hoặc một bậc thềm. Này Xá-lợi-phất, phúc đức của người này tất cả hàng thanh văn, duyên giác đều không thể biết được, chỉ có Phật Như Lai mới có thể biết. Người cầu quả báo thế gian, mà còn được phúc đức như thế, huống gì công đức của tâm thanh tịnh, tin ưa niệm Phật liên tục không gián đoạn. Ánh sáng chỉ chiếu đến một bậc thềm, còn được phúc đức như thế, huống là chiếu cả một lối đi, hoặc hai, ba, bốn lối đi, hoặc một tầng, hai tầng tháp, cho đến nhiều tầng, một phía, hai phía, bốn phía tháp, cho đến chiếu khắp tượng Phật. Này Xá-lợi-phất, ngọn đèn của người kia hoặc tự nhiên vụt tắt, hoặc gió thổi tắt, hoặc dầu hết mà tắt, hoặc do bấc đèn hết mà tắt, hoặc tất cả đều hết mà tắt. Nếu có người trong khoảng thời gian ngắn như thế cúng dường chùa tháp Phật một ít đèn sáng, vì tin Phật pháp tăng, nên phúc điền cúng dường chút ít đèn này, sẽ được quả báo, thành tựu phúc đức, chỉ có Phật mới biết được. [37a] Người kia chỉ cúng dường chút ít đèn sáng mà còn được nhiều phúc đức không thể tính kể như thế, huống là sau khi Ta diệt độ, nếu có người tự mình hoặc dạy người khác đốt một ngọn đèn, hai ngọn đèn hoặc nhiều ngọn đèn cùng hương hoa, chuỗi báu, tràng báu, lọng báu và các thứ thượng diệu khác cúng dường tháp Phật! Lại nếu có người cúng dường tháp Phật một ngọn đèn, sau khi mạng chung sẽ được ba loại ánh sáng: một, người ấy đến khi lâm chung, những phúc đức đã làm trước kia, thảy đều hiện đến, luôn nhớ nghĩ các pháp lành không quên, nhờ nhớ nghĩ các pháp lành mà sinh tâm vui mừng; hai, nhờ đó mà có thể phát tâm niệm Phật, bố thí, tâm hoan hỉ không còn khổ về sự chết; ba, được tâm niệm pháp.

Này Xá-lợi-phất! Khi người kia mạng chung, lại được thấy bốn loại ánh sáng; một, thấy vầng mặt trời tròn sáng xuất hiện; hai, thấy vầng mặt trăng tròn sáng xuất hiện; ba, thấy chư thiên cùng ngồi một chỗ; bốn, thấy Đức Như Lai, Ứng Chính Biến Tri ngồi bên cội bồ-đề sắp chứng đạo quả, lại cũng tự thấy thân mình tôn trọng, chắp tay cung kính Đức Như Lai.

Lại nữa, này Xá-lợi phất! Nếu có người cúng dường tháp Phật một ngọn đèn, khi lâm chung được thấy bốn loại ánh sáng như thế, sau khi qua đời, được sinh lên cõi trời Tam Thập Tam. Đã sinh về cõi trời rồi, liền được năm việc thanh tịnh:

1- Được sức mạnh thanh tịnh

2- Được uy đức thù thắng trong hàng chư thiên

3- Được tuệ niệm thanh tịnh

4- Được nghe âm thanh nhiếp ý

5- Được quyến thuộc vừa ý, nên tâm thường vui vẻ.

Sau khi thọ mạng cõi trời đã hết, không rơi vào đường ác, sinh xuống nhân gian, làm con một gia đình giàu sang quyền quý, kính tin Phật pháp. Thuở ấy, nếu thế gian không có Phật pháp, cũng không sinh vào nhà thấp hèn, tà kiến.

Nhờ cúng dường đèn mà được bốn pháp đáng ưa thích; một, sắc lực; hai, của cải; ba, vui vẻ; bốn, trí tuệ. Nếu có người trụ bậc Đại thừa mà cúng dường tháp Phật một ngọn đèn sáng, sẽ được tám pháp thù thắng:

1- Được nhục nhãn thù thắng

2- Được niệm thù thắng không thể suy lường

3- Được thiên nhãn thù thắng

4- Nhờ tu tập đầy đủ, nên không khuyết giới

5- Đầy đủ trí tuệ, chứng quả Niết-bàn

6- Do những điều lành đã tạo trước kia, nên không sinh vào tám nơi nạn[54]

7- Nhờ những nghiệp lành đã tạo, mà được gặp các Đức Phật, làm mắt sáng cho tất cả chúng sinh

8- Nhờ căn lành ấy, mà được luân bảo của Chuyển luân thánh vương, [37b] không bị người khác làm chướng ngại, thân hình xinh đẹp; hoặc làm Đế Thích có uy đức lớn, đầy đủ nghìn mắt; hoặc làm Phạm vương khéo tu tập, chứng đại thiền định.

Này Xá-lợi-phất! Đem căn lành này hồi hướng bồ-đề sẽ được tám pháp an lạc thù thắng như thế. Này Xá-lợi-phất! Nếu có người thấy người khác đem lòng tin trong sạch cúng dường đèn cho Như Lai, liền chắp tay, khởi tâm tùy hỉ, nhờ căn lành này, được tám pháp tăng thượng:

1- Được sắc thân tăng thượng

2- Được quyến thuộc tăng thượng

3- Được giới tăng thượng

4- Được cuộc sống tăng thượng trong cõi trời người

5- Được niềm tin tăng thượng

6- Được biện tài tăng thượng

7- Được thánh đạo tăng thượng

8- Đắc A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề.

Này Xá-lợi-phất! Lại có năm pháp khó được:

1- Được thân người

2- Tin ưa chính pháp của Phật

3- Ưa thích xuất gia trong chính pháp của Phật

4- Đầy đủ giới thanh tịnh

5- Được lậu tận.

Tất cả chúng sinh khó được năm pháp này, các ông đã được”.

Kinh Thí dụ ghi: “Lúc Phật còn tại thế, các đệ tử của Ngài có đức hạnh không đồng nhau, như tôn giả Xá-lợi-phất trí tuệ bậc nhất, Đại Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất còn A-na-luật thiên nhãn đệ nhất, có thể nhìn thấy ba nghìn đại thiên thế giới, cho đến các vật nhỏ nhiệm, tối tăm cũng đều nhìn thấy. Tôn giả A-nan thấy thế rồi liền bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Tôn giả A-na-luật đời trước trồng nghiệp lành gì mà được thiên nhãn như thế?

Đức Phật bảo:

– Thuở quá khứ cách nay chín mươi mốt kiếp, sau khi Đức Phật Tì-bà-thi nhập niết-bàn, bấy giờ có một tên cướp lẻn vào tháp lấy trộm vật, trong tháp có một ngọn đèn để trước tượng Phật, nhưng lại sắp tắt, tên cướp liền lấy mũi tên khêu đèn lên cho sáng, chợt thấy ánh sáng uy nghiêm của Đức Phật thì chấn động tâm thần, liền nghĩ: ‘Người ta còn bỏ của cải để cầu phước, sao ta lại đi trộm’. Nghĩ thế, tên trộm liền bỏ đi, nhờ nhân duyên phúc đức sửa lại ngọn đèn, mà từ đó về sau trải qua chín mươi mốt kiếp, tên trộm ấy thường sinh về cõi lành, dần dần xả bỏ những việc ác, phúc đức càng tăng trưởng, đến nay được gặp ta, xuất gia tu đạo và chứng quả A-la-hán, ở trong chúng được thiên nhãn, nhìn thấu suốt bậc nhất. Huống gì có người sinh tâm buông bỏ, thắp đèn cúng Phật, sẽ được phúc đức không thể suy lường. [37c] Trong luận Trí độ ghi: “Nếu có người trộm hạt châu trong tháp Phật, cho đến trộm đèn trong tháp Phật, sau khi chết sẽ rơi vào địa ngục, nếu được làm người, thì đời đời thường bị đui mù”.

Trong kinh Quán đỉnh[55] cũng ghi: “Bồ-tát Cứu Thoát bạch Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có kẻ nam người nữ nào đau bệnh nằm mãi trên giường, không người cứu giúp, con sẽ khuyến thỉnh chúng tăng trong bảy ngày bảy đêm, nhất tâm trì trai, vâng giữ tám điều giới cấm, sáu thời hành đạo, cho đến tụng đọc kinh điển bốn mươi chín biến, đốt đèn bảy tầng và treo thần phan tục mạng năm màu.

Ngài A-nan hỏi:

– Đèn và phan tục mạng phải làm như thế nào?

Bồ-tát Cứu Thoát nói:

– Thần phan phải làm bằng vải năm sắc, chiều dài bốn mươi chín thước; đèn cũng lại như vậy, phải đốt đèn bảy tầng, mỗi tầng để bảy ngọn đèn, mỗi ngọn lớn như bánh xe. Nếu gặp tai nạn nguy hiểm, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, gông cùm xiềng xích, thì cũng phải tạo lập thần phan và đèn tục mạng, phóng sinh các loài vật, trong bốn mươi chín ngày, sẽ qua khỏi các ách nạn, không bị các loài ác quỉ não hại”.

Lại trong kinh Siêu nhật minh tam muội ghi: “Nhật Thiên vương và vô số thiên chúng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Ngài và bạch:

– Bạch Đức Thế Tôn! Phải tu pháp gì để được làm Nhật Thiên, ánh sáng chiếu khắp tứ thiên hạ, lại do duyên gì được làm Nguyệt Thiên chiếu sáng cảnh đêm tăm tối?

Đức Phật dạy:

– Thực hành bốn việc sẽ được làm Nhật vương:

1- Thường vui vẻ bố thí

2- Tu thân, cẩn thận các hành vi

3- Giữ giới không phạm

4- Đốt đèn nơi chùa Phật, hoặc ở chỗ cha mẹ, sa-môn và đạo nhân; thân, khẩu, ý, thực hành mười điều lành.

Đức Phật dạy tiếp:

– Thực hành bốn việc sẽ được làm Nguyệt vương:

1- Bố thí cho người nghèo thiếu.

2- Giữ gìn năm giới.

3- Cung kính phụng thờ tam bảo.

4- Đốt đèn sáng nơi tăm tối, hoặc chùa miếu, vua chúa, cha mẹ và thầy tổ.

Luật Tăng-kì ghi: “Đức Phật dạy:

– Từ nay về sau, cho phép khi đốt đèn, đặt mồi lửa một bên, rồi lần lượt đốt, trước hết nên để đèn nơi thờ xá-lợi và hình tượng Phật, lễ bái xong, theo thứ lớp mà đốt. Khi đèn tắt, tắt những nơi khác trước, rồi mới tắt đèn trước Phật và xá-lợi, đồng thời nên nói: ‘Các đại đức không được dùng miệng thổi đèn (vì có trùng trong lửa, sợ làm tổn hại hơi thở của người, nên không cho phép thổi), chỉ cho phép dùng tay, hoặc dùng y quạt cho tắt, phải cúi thấp đầu xuống để mồi lửa. Khi vào không được vội vàng, nên xướng lên rằng: “Các đại đức nào muốn thắp đèn mới được vào, nếu không làm như thế, sẽ bị tội việt uy nghi”.

Lại nữa, trong Tam thiên uy nghi ghi: “Đốt đèn có năm việc:

1- Nên lấy khăn lau bên trong và ngoài đèn cho sạch

2- Phải làm sạch bấc đèn

3- Phải tự làm dầu

4- Khi châm dầu không được quá đầy, cũng không được quá ít

5- Phải giữ cho chắc, không được treo, làm trở ngại người đang hành đạo”.

[38a] Ngũ bách vấn sự ghi: “Giữ ánh sáng trước Phật suốt ngày không được tắt. Phật không có sáng tối, vì vốn không, nhưng lời nói và ý nghĩ của chúng sinh đều có giới hạn, nên làm mất ánh sáng là có tội”. Lại trong Đại Đường tam tạng Ba-phả-sư ghi: “Đèn đốt trước Phật, không được lấy, lấy vật cạnh đèn, mà không che mất ánh sáng thì được lấy”.

VI.4. Treo tràng phan

Trong kinh Ca-diếp cáo A-nan ghi: “Thuở xưa, vua A-dục xây dựng trong nước một nghìn hai trăm ngôi tháp. Sau đó vua lâm bệnh nặng, có một sa-môn đến thăm, vua liền nói với vị sa-môn:

– Trước kia, ta có xây một nghìn hai trăm ngôi tháp, muốn tự tay treo các tràng phan được dệt bằng sợi vàng và rải hoa mới thành tựu, nay bị bệnh nặng thế này, e rằng không toại nguyện.

Sa-môn bảo vua:

– Đại vương hãy chắp tay nhất tâm cung kính.

Nói xong, vị sa-môn liền hiện thần túc, tức thời một nghìn hai trăm ngôi tháp hiện ra trước mặt vua, vua A-xà-thế nhìn thấy, lòng rất vui mừng, liền sai lấy tràng phan và hoa bằng vàng treo lên các ngôi tháp, tức thời các ngôi tháp cao thấp đều hiện đến tay vua, vua được toại nguyện và lành bệnh. Sau đó, vua phát tâm rộng lớn, kéo dài tuổi thọ thêm hai mươi lăm năm. Do đó gọi phan này là thần phan tục mạng”.

Lại trong kinh Phổ Quảng ghi: “Nếu bốn chúng tì-kheo, tì-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, có người lâm chung, hoặc đã qua đời, thì ngay trong ngày mất quyến thuộc của họ làm tràng phan màu vàng treo trên tháp, thì người ấy được phúc đức, xa lìa tám nạn khổ, được sinh trong cõi nước của chư Phật ở mười phương. Cúng dường phan lọng, thì được sở nguyện tùy tâm, cho đến thành đạo bồ-đề. Tràng phan tung bay theo gió, rách nát hết, cho đến thành từng hạt bụi nhỏ. Khi tràng phan vừa xoay, sẽ được ngôi vị Chuyển luân thánh vương, cho đến bay một hạt bụi, cũng liền được ngôi vị tiểu vương. Quả báo ấy không thể suy lường. Đốt đèn cúng dường, chiếu sáng những nơi tăm tối, giúp cho chúng sinh đau khổ, nhờ ánh sáng này, mà được thấy nhau, cũng nhờ phúc đức ấy mà các chúng sinh đều được yên ổn.

Hỏi: Vì sao trong kinh dạy phải làm phan màu vàng treo trên mộ tháp cho người chết ?

Đáp: Tuy chưa thấy trong kinh giải thích, nhưng có thể theo nghĩa suy biết. Trong năm màu chính thì màu vàng ở giữa, tiêu biểu cho sự trung thành, tận tâm tu phúc, dẫn tới thân trung ấm không rơi vào đường ác, chẳng sinh biên địa. Lại màu vàng còn giống vàng trang sức, quỉ thần ở chốn u minh đều sử dụng vàng, nên trong nhân gian lúc cúng tế, người ta thường cắt tiền giấy bạc để cúng, thì quỉ nhận tiền giấy sử dụng; khi cắt tiền giấy màu vàng cúng cho quỉ, quỉ liền nhận được tiền giấy vàng để sử dụng.

Hỏi: Làm sao biết được?

Đáp: Trong Minh báo kí và Minh tường kí đã chép đầy đủ, nên biết”.

[38b] Lại trong kinh Thí dụ ghi: “Có người đào hầm chứa được mấy trăm tạ lúa, một hôm có một con vật trộm ngũ cốc đến trộm hết số lúa ấy đi, đến khi người chủ mở kho ra, thì phát hiện không còn một hạt lúa nào, chỉ thấy một con vật rất lớn, ông ta liền bắt tra hỏi:

– Vì sao ngươi lại trộm hết lúa của ta? Ngươi là thần gì?

Trùng đáp:

– Ông hãy đem tôi đến ngã tư đường, sẽ có người biết tên tôi!

Người chủ đồng ý và đưa con vật ấy đến ngã tư đường. Trên đường đi thì gặp một vị quan cưỡi ngựa vàng và mặc áo vàng, tất cả xe cộ và y phục đều đồng một màu vàng. Lúc ấy, vị quan ấy hỏi:

– Loài trộm lúa! Sao ngươi lại ở đây?

Lúc ấy, người chủ mới biết con vật này là kẻ trộm lúa, liền hỏi:

– Người mặc y phục màu vàng và cưỡi ngựa vàng là ai?

Kẻ trộm lúa đáp:

– Đó là tinh tinh của vàng ròng, tôi xin lấy số vàng này để đền lại giá trị số lúa đã mất cho ông.

Người chủ nhờ đó mà được vàng, dùng không hết. Bởi vì người và quỉ khác đường, cảm thấy không giống nhau, nên bậc thánh đã chế ra phan màu vàng, vì người chết mà treo lên mộ tháp, quỉ thần tìm được của báu, liền cứu giúp”.

Kinh Bách duyên ghi: “Khi Đức Phật còn tại thế, trong thành Ca-tì-la-vệ có một trưởng giả rất giàu, của cải nhiều vô lượng, không thể tính kể. Vợ ông sinh được một bé trai khôi ngô tuấn tú, không ai sánh bằng. Lúc mới sinh bé trai ấy, trên hư không có tràng phan lớn che phủ khắp thành, cha mẹ thấy thế thì rất vui mừng, nhân đó mà đặt tên con là Ba-đa-ca.

Thời gian sau, Ba-đa-ca lớn lên, liền xin Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán, đầy đủ ba minh, sáu thông và tám giải thoát.

Các tì-kheo thấy thế liền bạch Phật.

– Bạch Đức Thế Tôn! Tì-kheo Ba-đa-ca thuở xưa trồng phúc gì, mà mới sinh ra đã xinh đẹp hơn người, lại có tràng phan lớn che phủ khắp thành, nay được gặp Đức Thế Tôn, xuất gia chứng đạo quả?

Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Thuở quá khứ chín mươi mốt kiếp về trước, ở nước Ba-la-nại có Đức Phật Tì-bà-thi ra đời, sau khi Ngài nhập niết-bàn, vua Bàn-đầu-mạt-đế thâu lấy xá-lợi, xây tháp bằng bốn báu cao một do-tuần để tôn thờ. Lúc ấy, có một người mở hội lớn bên tháp để cúng dường. Khi cúng dường xong, ông làm một chiếc tràng phan treo lên tháp, phát nguyện rồi đi. Nhờ công đức này, từ đó về sau trải qua chín mươi mốt kiếp, ông ta không rơi vào ba đường ác, dù sinh lên cõi trời hay vào cõi người, thường có tràng phan theo che, hưởng thụ niềm vui sướng, đến nay gặp Ta, xuất gia chứng đạo quả”.

Kinh Bồ-tát bản hạnh ghi: “Thuở xưa, khi Phật còn tại thế, Ngài dẫn các tì-kheo từ nước Uất-ti-la-diên du hóa khắp nơi.[38c] Bấy giờ, khí trời nóng bức, có người chăn dê thấy Đức Phật đi như thế thì khởi tâm thanh tịnh, bện cỏ làm lọng, theo che cho Đức Phật, đến khi cách đàn dê rất xa, ông ta mới buông chiếc lọng xuống đất và trở về chỗ đàn dê. Đức Phật mỉm cười bảo ngài A-nan:

– Người chăn dê này, với tâm cung kính làm chiếc lọng bằng cỏ che cho Ta, nhờ công đức này, trong ba mươi kiếp, ông ta không rơi vào đường ác, được sinh lên cõi trời; sau khi sinh xuống cõi người, làm con trong một gia đình cao quí, hưởng thụ niềm vui, thường có lọng bảy báu tự nhiên theo che, mãn ba mươi kiếp, ông ta xuất gia tu đạo và thành Bích-chi phật hiệu là A-nậu bồ-đề”.

Tụng rằng:

Nhàm chán cội vô minh,

Sẽ ưa vườn Nại[56] tốt,

Mới vào lối Hương sơn,

Trọn được thân bất hoại,

Hoa định sinh quả trí,

Đèn thần chiếu Phạm thiên,

Tràng phan như sắc gấm,

Ngào ngạt tợ khói hương,

Quyện vút tận không trung,

Toả xuống như sen hồng,

Ngày đêm gió thường thổi,

Chồng chất nhân Luân vương,

Chiêm ngưỡng không nhàm chán,

Kết bạn để ngắm nhìn,

Đâu biết trong sắc ấy,

Được phúc thọ lâu dài.

***

Chú thích:

[26] Bát giải (Gđ: bát giải thoát 八解脫; S: aṣṭau vimokṣāḥ): tám định lực giúp lìa bỏ tham dục của hai cõi Sắc và Vô sắc. Một, trong có tưởng về sắc dục, quán các sắc để giải thoát; hai, trong không có tưởng về sắc dục, quán sắc để giải thoát; ba, thân thanh tịnh giải thoát chứng Cụ túc; bốn, vượt các sắc tướng diệt hữu đối tưởng, không suy nghĩ mọi cái tưởng, nhập vào Không vô biên xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; năm, vượt tất cả Không vô biên xứ, nhập thức vô biên xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; sáu, vượt qua tất cả Thức vô biên xứ, nhập vào Vô sở hữu xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; bảy, vượt qua tất cả Vô sở hữu xứ, nhập vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ đầy đủ giải thoát; tám, vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập vào tưởng thụ diệt, thân tác chứng trọn vẹn, an trụ đầy đủ giải thoát.

[27] Thập trí 十智 (S: daśa jñānāni): mười thứ trí mà bồ-tát ở Quán đỉnh trụ thành tựu được. Đó là trí làm chấn động vô lượng thế giới; trí chiếu sáng vô lượng thế giới; trí trụ trì vô lượng thế giới; trí biết khắp vô lượng thế giới; trí trang nghiêm và tịnh hóa vô lượng thế giới; trí biết được tâm hạnh vô lượng chúng sinh; trí biết được tùy tâm sở hành của vô lượng chúng sinh; trí biết được các căn của vô lượng chúng sinh; trí phương tiện độ thoát vô lượng chúng sinh; trí điều phục được vô lượng chúng sinh.

[28] Tiêu Sử 簫史: người giỏi thổi tiêu sống vào đời Tần Mục Công, Trung Quốc.

[29] Tử tấn 子晉: tên tự của Vương Tử Cao, là thái tử đời Chu Linh Công. Tương truyền Tử Tấn giỏi thổi sênh làm tiếng phượng hoàng, về sau được Phù Khâu Công đưa đến Tung sơn tu luyện thành tiên.

[30] Rừng Tiên (Lộc Dã uyển 鹿野苑; S: Mṛgadāva): nơi Đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên, hiện nay chính là Sārnāth, ở cách thành phố Varanasi 6km, thuộc Bắc Ấn Độ.

[31] Pháp yếu 法要: những nghĩa lí cốt yếu trong giáo pháp.

[32] Trời Ba Mươi Ba (Tam Thập Tam thiên 三十三天; S: Trāyastriṃśat-deva): tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục, tầng trời này nằm trên đỉnh núi Tu-di, có bốn đỉnh núi, mỗi phía có tám thiên thành, thành Thiện Kiến ở giữa dành cho trời Đế Thích, tất cả là ba mươi ba nơi, nên còn gọi là Tam Thập Tam thiên.

[33] Thạch mật 石蜜 (S: phāṇita): tên gọi khác của đường phèn.

[34] Lẽ tự nhiên (nguyên bản là tự nhiên chi nguyện 自 然 之 願), Pháp uyển châu lâm quyển 12 ghi là tự nhiên chi số 自然之數.

[35] Đao-lợi 忉利 (S: Trāyastriṃśa): tầng trời thứ hai trong sáu tầng trời cõi Dục, tầng trời này nằm trên đỉnh núi Tu-di, bốn phía đỉnh núi, mỗi phía có tám thành, thành Thiện Kiến ở giữa dành cho trời Đế Thích, gồm ba mươi ba nơi, nên gọi là Tam Thập Tam thiên.

[36] Tì-xá-li 毘舍離 (S: Vaiśāli): một nước thuộc Trung Ấn Độ xưa, là nơi ở của bồ-tát Duy-ma-cật.

[37] Trời Tứ Thiên Vương (Tứ Thiên Vương thiên 四天王天): tầng trời thứ nhất của cõi Dục, ở lưng chừng núi Tu-di.

[38] Tam sơn 三山: ba ngọn núi thần trong thần thoại Trung Quốc.

[39] Ngũ nhiệt 五熱: một phái ngoại đạo ở Ấn Độ, chuyên tu khổ hạnh bằng cách phơi mình ngoài nắng mặc cho năm phần thân thể bị nắng thiêu đốt

[40] Bà-đề (婆提; S:Bhadrika): một trong năm vị tì-kheo đầu tiên trong giáo đoàn Đức Phật. Sau khi Đức Phật xuất gia, Bà-đề cùng A-nhã Kiều-trần-như v.v… vâng lệnh vua Tịnh Phạn theo hầu hạ Đức Phật và cùng tu khổ hạnh.

[41] Trời Tịnh Cư (Tịnh Cư thiên 淨居天): tức năm cõi trời Tịnh Cư thuộc đệ tam thiền.

[42] Trần Tư 陳思 (Cg: Trần Tư Vương): người con thứ hai của Tào Tháo, mới lên mười tuổi mà giỏi về văn thơ,

chỉ cần hạ bút là thành thơ, không cần suy nghĩ.

[43] Văn Tuyên 文宣: chỉ cho Khổng Tử. Vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 27, vua Huyền Tông nhà Đường phong cho Khổng Tử làm Văn Tuyên Vương.

[44] Thùy cái 垂蓋: buồn ngủ, theo Duy Thức học, là một trong bốn tâm sở bất định.

[45] Lục tình 六情: đây chỉ cho sáu căn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

[46] Bố tát 布薩 (S: poṣadha, upavasatha, upoṣadha, upavāsa): các tì-kheo ở chung, cứ mỗi nửa tháng nhóm họp lại một chỗ, thỉnh vị tì-kheo tinh thông giới luật nói cho nghe giới bản Ba-la-đề-mộc-xoa, để xét lại hành vi của mình trong nửa tháng qua.

[47] Lục khế 六契: sáu âm vận

[48] Nghiệp chướng 業障 (S: karmāvaraṇa): các nghiệp ác do thân, khẩu, ý của chúng sinh tạo ra, ngăn che chính đạo, một trong ba chướng, một trong bốn chướng.

[49] Tà kiến 邪見 (S: mithyā-dṛṣṭi): kiến chấp sai lầm. Chỉ cho những chủ trương phản bác và không chấp nhận đạo lý nhân quả và tứ đế.

[50] Tịnh nhân 淨人: người ở trong chùa, nhưng chưa cạo tóc, chỉ lo làm những nghiệp thanh tịnh.

[51] Cáp 合: tên một đơn vị đo thể tích thời xưa, một cáp bằng 1/10 thăng.

[52] Gió Tuỳ Lam (Tuỳ Lam phong 毘嵐風): trận gió dữ thổi nhanh và mạnh khi vũ trụ bắt đầu hình thành (kiếp Sơ) và khi kết thúc (kiếp Tận).

[53] Vô cực đăng 無極燈: đèn cháy mãi không tắt.

[54] Tám nơi nạn (bát nạn 八難; S: aṣṭāv akṣaṇāḥ): tám nơi khổ nạn chướng ngại chúng sinh đến với đạo pháp. Tám nạn đó là nạn địa ngục; nạn ngạ quỉ; nạn súc sinh; nạn sinh lên cõi trời Trường Thọ; nạn sinh ở cõi Uất-đan-việt; nạn điếc, đui, câm, ngọng; nạn thế trí biện thông; nạn sinh trước Phật và sau Phật.

[55] Kinh Quán đỉnh (Quán đỉnh kinh 灌頂經; S: Mahābhiṣeka-mantra): kinh, mười hai quyển, do ngài Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch vào thời Đông Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại Chính tạng, tập 21. Kinh này được hình thành do mười hai bộ kinh nhỏ, từ kinh Quán đỉnh tam qui ngũ giới đái bội hộ thần chú, cho đến kinh Quán đỉnh bạt trừ quá tội sinh tử đắc độ. Mười hai bộ kinh này đều căn cứ vào công đức của mỗi kinh mà có bốn chữ “Phật thuyết Quán đỉnh”, nên gọi là Quán đỉnh kinh.

[56] Vườn Nại (Nại viên 柰園): theo Nghệ Lâm Phạt Sơn, vườn Nại tức là chùa Phật. Theo bản cựu dịch thì vườn cây am-la cũng được gọi là vườn Nại.

    Xem thêm:

  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thân Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Quang dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Hành Bản Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 31 – Tống Chung - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm tập 4 - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 7 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bốn Pháp Của Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Chúng Hứa Ma Đế - Kinh Tạng