Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh

Đường Huyền Trang dịch

Bản Việt dịch của Thích Nguyên Chơn

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật đi khắp các nước giáo hóa hữu tình, dần dần đến thành Quảng Nghiêm an trú nơi cội Nhạc Âm. Bấy giờ vô lượng đại chúng vây quanh, cung kính lắng lòng nghe Ngài thuyết pháp. Trong đó có tám ngàn đại tì-kheo, ba vạn sáu ngàn bậc đại bồ-tát, rất nhiều các vị quốc vương đại thần, hàng bà-la-môn, nam nữ cư sĩ và tám bộ chúng: trời rồng… tham dự. Bấy giờ bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, y lộ vai phải, nương oai thần Phật, đứng dậy cung kính chắp tay bạch rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn vì các hữu tình ở đời tượng pháp, rủ lòng từ bi nói về công đức bản nguyện danh hiệu của mỗi Đức Phật, để ai nghe đến, nghiệp chướng tiêu trừ.

Thế Tôn khen ngợi: “Hay thay! Hay thay! Văn-thù-sư-lợi! Với lòng đại bi, mong trừ nghiệp chướng trói buộc hữu tình, và làm lợi lạc cho thời tượng pháp mãi mãi về sau, nên ông thỉnh Ta nói về công đức bản nguyện danh hiệu của mỗi Đức Phật. Ông hãy lắng nghe và suy nghĩ kĩ, Ta sẽ nói rõ cho ông được biết.”

Văn-thù-sư-lợi! Về phương đông xa, cách đây hơn mười hằng sa cõi Phật, có một thế giới tên Tịnh Lưu Li. Giáo chủ cõi ấy, Dược Sư Lưu Li Quang Vương Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Văn-thù-sư-lợi! Khi Đức Phật ấy tu đạo bồ-tát đã phát mười hai lời nguyện rộng lớn.

– Nguyện lớn thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, tự thân đầy đủ ba mươi hai tướng bậc đại trượng phu, tám mươi vẻ đẹp tùy hình trang nghiêm, ánh sáng từ thân chiếu đến vô lượng vô biên thế giới, cũng khiến hữu tình giống như thân Ta, không mảy sai khác.

– Nguyện lớn thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, thân ta trong suốt như ngọc lưu li, không một tì vết, đức tướng rạng ngời, công đức vòi vọi. Toàn thân trụ trong màn lưới ánh sáng, rực rỡ hơn cả hai vầng nhật nguyệt, làm cho hữu tình ở nơi tăm tối nhận biết lẫn nhau, tuỳ ý đến đi, làm trọn các việc.

– Nguyện lớn thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, sẽ dùng vô lượng trí tuệ phương tiện, giúp cho hữu tình đầy đủ tất cả những vật cần dùng, không bao giờ hết.

– Nguyện lớn thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình tu theo tà đạo, thì giúp quay về chánh đạo bồ-đề; nếu học các pháp Thanh văn-Duyên giác, cũng lại đưa vào diệu pháp Đại thừa.

– Nguyện lớn thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình tu tập Phạm hạnh trong pháp của Ta, thì Ta sẽ giúp trọn vẹn giới pháp, đủ ba tịnh tụ, không phạm lỗi lầm. Dẫu lỡ hủy phạm, nghe danh hiệu Ta, liền được thanh tịnh, không đoạ đường ác.

– Nguyện lớn thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình thiếu khuyết các căn, ngờ nghệch xấu xí, điếc đui câm ngọng, lác hủi điên cuồng, tật bệnh bức bách, chịu vô lượng khổ, nghe danh hiệu Ta, thân liền đoan chánh, trí tuệ thông minh, đầy đủ các căn, không còn bệnh khổ.

– Nguyện lớn thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình nghèo cùng khốn khổ, thân mang bệnh tật, không người giúp đỡ, không chốn gá nương, không thầy chữa trị, chẳng có thuốc men, mà nghe tên Ta, bệnh tật liền tiêu, thân tâm an ổn, quyến thuộc đoàn tụ, của tiền không thiếu, cho đến chứng đắc Vô thượng bồ-đề.

– Nguyện lớn thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình phải mang thân nữ, chịu những nỗi khổ do thân bức ép, nhàm chán muốn lìa, nghe danh hiệu Ta, tất cả sẽ được chuyển thành thân nam, đầy đủ hình tướng của bậc trượng phu, cho đến chứng được Vô thượng bồ-đề.

– Nguyện lớn thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, sẽ giúp hữu tình ra khỏi lưới ma, thoát vòng ngoại đạo, đưa người tà kiến trở về chánh kiến, dần dần tu tập muôn hạnh bồ-tát, cho đến chứng đắc Vô thượng bồ-đề.

– Nguyện lớn thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình pháp luật kết tội, giam vào ngục tối, gông cùm xiềng xích, đánh đập khảo tra, thân tâm đớn đau, nhục nhã ưu sầu mà nghe tên Ta, thì nhờ oai thần, phước đức Như Lai, liền thoát tất cả.

– Nguyện lớn mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình vì tìm thức ăn phải tạo nghiệp ác, mà nghe tên Ta, một lòng xưng niệm, thì trước ta ban thức ăn thức uống thơm ngon tuyệt hảo, thọ dụng no đủ, sau đó lại ban pháp vị Đại thừa, giúp họ mãi trú trong niềm an lạc tuyệt diệu vô cùng.

– Nguyện lớn mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng bồ-đề, nếu có hữu tình, thân không mảnh vải, luôn bị muỗi mòng tha hồ cắn đốt, mưa gió nóng lạnh bức bách đớn đau, mà nghe tên Ta, một lòng xưng niệm thì tùy ý thích, áo quần tốt đẹp, vật dụng quí giá, vòng hoa hương thơm, âm nhạc hát ca hiện tiền đầy đủ, mặc tình thụ hưởng.

Văn-thù-sư-lợi! Đó là mười hai lời nguyện rộng lớn và thật cao cả của Đức Dược Sư Như Lai phát ra khi còn tu hành đạo hạnh bồ-tát. Nhưng các nguyện lớn của Phật Dược Sư và cảnh trang nghiêm cõi Tịnh Lưu Li, thì trong một kiếp hoặc hơn một kiếp, Ta không thể nào giảng nói cho hết. Bởi cõi Phật ấy hoàn toàn thanh tịnh, không có người nữ, không có tiếng khổ và ba đường ác; đất do lưu li trong suốt tạo thành, dùng dây vàng ròng giăng phân ranh giới, tạo thành đường đi; còn những thành quách, cung điện mái hiên, cửa nẻo màng lưới, đều bằng bảy báu, giống như cảnh trí trang nghiêm ở cõi Cực Lạc phương tây. Hai vị bồ-tát thượng thủ cõi ấy: Nhật Quang Biến Chiếu, Nguyệt Quang Biến Chiếu, chăm lo giữ gìn kho báu chánh pháp của Đức Dược Sư. Vì thế các vị thiện nam tín nữ nên nguyện sanh về thế giới của Ngài.

Văn-thù-sư-lợi! Có những hữu tình, không biết thiện ác, tham lam bỏn xẻn, không biết bố thí và những quả báo của việc bố thí, ngu si vô trí, không có lòng tin. Suốt đời chỉ biết chất chứa của cải, cất giữ nhọc nhằn, thấy người đến xin lòng đã không muốn, dẫu bất đắc dĩ phải cho chút ít thì lại luyến tiếc, đau xót khôn cùng đứt ruột đứt gan. Lại có hữu tình, tham lam bỏn xẻn, chỉ lo cất chứa của cải đầy nhiều, đối với bản thân còn không chi dụng, nói chi đến việc cấp cho cha mẹ, vợ con anh em, những người giúp việc và kẻ đến xin. Những hữu tình này, sau khi chết đi, sanh vào ngạ quỉ hay loài súc sanh. Nhưng do ngày trước, khi ở nhân gian họ đã từng nghe danh hiệu Dược Sư, nên nay dù sanh trong các đường ác, vẫn nhớ lại được danh hiệu Như Lai. Khi vừa nhớ lại, liền bỏ thân khổ, sanh vào cõi người, biết được đời trước, sợ hãi đường ác vô lượng khổ đau. Do đó không ưa những cảnh dục lạc, thích hành bố thí, khen ngợi người thí, không còn tham tiếc tất cả tài sản, cho đến đầu mắt, tay chân máu thịt, tất cả thân phần, dần dần ban phát cho người đến xin.

Văn-thù-sư-lợi! Có những hữu tình, thọ giới của Phật mà lại phá giới; hoặc có những kẻ không phá giới pháp mà phá phép tắc; hoặc có những kẻ không phá giới pháp và cả phép tắc mà hủy chánh kiến; hoặc có những kẻ không hủy chánh kiến mà bỏ đa văn, nên không hiểu được nghĩa lí sâu xa trong các khế kinh; hoặc có những kẻ tuy cầu đa văn mà lòng kiêu mạn, do lòng kiêu mạn, nên khen ngợi mình, chê bai người khác, phỉ báng chánh pháp, kết đảng với ma. Những kẻ ngu ấy, tự theo tà kiến, lại khiến vô lượng trăm ngàn hữu tình rơi vào hố sâu đầy dẫy hiểm nạn. Những kẻ như thế, sau khi mạng chung, sanh vào địa ngục, ngạ quỉ súc sanh, lưu chuyển vô cùng. Nhưng nếu nghe được danh hiệu Dược Sư Lưu Li Quang Phật, liền bỏ hạnh ác, tu theo pháp lành. Nếu đọa đường dữ, người ấy nhờ sức uy thần bản nguyện, của đức Như Lai, hiện tiền nghe được danh hiệu của Ngài, liền từ nơi ấy chấm dứt thọ mạng, sanh về nhân gian, có được chánh kiến, tinh tấn khéo léo điều phục tâm ý, xuất gia tu hành trong pháp Như Lai. Sau khi xuất gia, thọ trì giới luật, không còn huỷ phạm, chánh kiến đa văn, thông đạt yếu chỉ, lìa tăng thượng mạn, không huỷ chánh pháp, không thân với ma, dần dần tu tập muôn hạnh bồ-tát, mau chóng thành tựu Vô thượng bồ-đề.

Văn-thù-sư-lợi! Nếu những hữu tình tham lam tật đố, khen mình chê người, sau khi qua đời rơi vào cõi ác, trải trăm vạn năm chịu vô lượng khổ. Xong nghiệp cõi ác, sanh vào nhân gian, hoặc làm các loài trâu ngựa lạc đà, luôn bị hành hạ, đánh đập trói buộc, đói khát khổ não bức bách thân tâm. Lại thường đi xa, mang nhiều chở nặng, khốn khổ vô cùng. Nếu được làm người, chịu thân hèn hạ, bị người sai khiến, không được tự do. Nhưng nếu khi xưa, lúc còn làm người, đã từng nghe qua danh hiệu Đức Phật Dược Sư Như Lai, bởi sức căn lành, hôm nay nhớ lại, một lòng quay về nương tựa nơi Ngài, nhờ thần lực Ngài mà thoát khổ đau, thân hình đoan chánh, thông minh trí huệ, học rộng nghe nhiều, luôn cầu diệu pháp, luôn gặp bạn lành, vĩnh thoát lưới ma, phá vỏ vô minh, cạn sông phiền não, xa lìa tất cả sanh lão bệnh tử, khổ não sầu bi.

Văn-thù-sư-lợi! Có những hữu tình, ưa thích chống trái, tranh đấu kiện cáo gây ra phiền phức cho mình lẫn người, thân miệng và ý tạo các nghiệp xấu, nối tiếp thực hiện các việc vô ích, mưu hại lẫn nhau, hoặc thỉnh thần núi, thần cây thần mộ, hoặc giết chúng sanh để lấy máu thịt, cúng tế các quỉ dạ-xoa la-sát; hoặc lại viết tên, hoặc làm hình tượng của kẻ oán thù rồi dùng tà thuật, ếm chú vào đó; hoặc sai trùng độc, hoặc chú khởi thi[1] đi lấy mạng người. Các chúng sanh ấy nếu đã từng nghe danh hiệu Dược Sư Như Lai, thì ác duyên kia không thể hại được, tất cả dần dần khởi lòng từ bi, thực hiện các việc lợi ích an lạc, không niệm sát hại và lòng oán hận, mỗi mỗi vui vẻ tự thấy thoả mãn với điều mình có, không còn cướp đoạt mà còn giúp nhau những việc lợi ích.

Văn-thù-sư-lợi! Bốn chúng tăng ni, nam nữ cư sĩ, và những người có lòng tin thanh tịnh thọ tám trai giới, hoặc trong một năm hoặc trong ba tháng thọ trì học xứ, đem căn lành này hồi hướng nguyện sanh Tây phương Cực lạc của Đức Từ Phụ A-di-đà Phật, nếu chưa quyết định, mà đã nghe được danh hiệu Dược Sư Lưu Li Như Lai, thì khi mạng chung sẽ có tám vị bồ-tát thượng thủ: bồ-tát Văn-thù, bồ-tát Quán Âm, ngài Đại Thế Chí, ngài Bảo Đàn Hoa, ngài Vô Tận Ý, bồ-tát Dược Vương, bồ-tát Dược Thượng bồ-tát Di-lặc từ trên không trung đến nơi người ấy, chỉ dẫn đường đi, tức thì người kia tự nhiên hóa sanh trong hoa sen báu, màu sắc rực rỡ nơi cõi nước ấy. Hoặc sanh cõi trời, nhưng nhờ nhân lành khi xưa chưa hết, nên khi mạng chung, không sanh cõi ác, mà sanh nhân gian, làm Chuyển luân vương, thống lãnh bốn châu, đầy đủ uy đức, tự tại giáo hóa vô lượng chúng sanh, tu tập thập thiện. Hoặc sanh vào dòng vua chúa quyền uy, hoặc dòng Phạm chí, cư sĩ quí tộc tài sản vô lượng, kho lẫm tràn đầy, hình tướng đoan nghiêm, quyến thuộc đông vui, trí huệ thông minh, dõng mãnh oai hùng như đại lực sĩ. Nếu có người nữ nghe được danh hiệu Đức Phật Dược Sư, một lòng thọ trì, thì trong đời sau, sẽ không còn mang thân người nữ nữa.

Văn-thù-sư-lợi! Khi Đức Dược Sư chứng đạo bồ-đề, nhờ sức bản nguyện thấy các hữu tình bị các bệnh khổ, thân thể ốm gầy, môi miệng khô rát, hoặc sốt xuất huyết, hoặc trúng trùng độc, bùa ngải chú thuật; hoặc bị chết yểu, hoặc bị chết oan. Vì muốn chúng sanh dứt trừ bệnh khổ, thỏa mãn mong cầu, Đức Phật Thế Tôn liền vào tam-muội “Trừ diệt nhất thiết chúng sanh khổ ách”. Vào tam-muội rồi, từ nơi nhục kế phóng luồng ánh sáng rực rỡ chiếu khắp, từ ánh sáng ấy tuyên thuyết thần chú:

Nam mô bạc già phạt đế, bệ sát xã lũ lỗ thích lưu li, bát lạt bà, át ra xà dã, đát tha yết đa dã, a ra hát đế tam miệu tam bột đà dã, đát điệt tha, án bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tóa ha.

Thần chú vi diệu vừa được thuyết xong, quả đất chấn động, phóng ra ánh sáng, chiếu khắp muôn nơi, tất cả hữu tình bị những bệnh khổ đều được tiêu trừ, thân tâm an ổn, hưởng mọi niềm vui.

Văn-thù-sư-lợi! Nếu gặp những người tật bệnh khổ sở, trước tiên chúng ta tắm rửa sạch sẽ, súc miệng đánh răng, tụng trăm lẻ tám biến thần chú này vào trong thức ăn, thuốc uống hay nước không có vi trùng, rồi cho họ uống thì những bệnh tật đều được tiêu trừ. Nếu cầu điều gì, một lòng tụng niệm, sẽ được như ý, thân thể không bệnh, lại thêm sống lâu, sau khi mạng chung, sanh về thế giới Tịnh Lưu Li kia, được vị Bất thoái, cho đến chứng được Vô thượng bồ-đề. Vì thế nam nữ lòng tin vững chắc, cung kính cúng dường Đức Phật Dược Sư, phải thường trì tụng bài thần chú này, chứ đừng lãng quên.

Văn-thù-sư-lợi! Nếu các người nam cùng những người nữ lòng tin vững chắc, nghe đến danh hiệu Dược Sư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nghe rồi trì niệm, sáng sớm thức dậy, đánh răng súc miệng, dâng các thứ hương, nào là hương thoa, hương bột hương đốt, hoa quả tốt tươi, các loại âm nhạc cúng dường tôn tượng của Đức Phật kia, rồi tự biên chép, bảo người biên chép, một lòng thọ trì, lắng nghe pháp sư giảng giải nghĩa lí, cung kính cúng dường pháp sư tất cả những vật cần dùng, không để thiếu thốn, thì những người này được các Đức Phật quan tâm nhớ nghĩ, đồng thời giúp cho thoả mãn ước mong.

Bấy giờ bồ-tát Văn-thù-sư-lợi bạch Đức Phật rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Vào thời tượng pháp, con nguyện sử dụng mọi cách khéo léo, giúp cho người nam, cùng với người nữ lòng tin thanh tịnh, được nghe danh hiệu Dược Sư Như Lai, cho đến lúc ngủ, cũng dùng danh hiệu của Đức Phật này, giúp họ tỉnh thức. Bạch Đức Thế Tôn! Nếu ai thọ trì, đọc tụng kinh này, sau đó giảng thuyết, chỉ dạy cho người, tự mình sao chép, bảo người sao chép, cung kính tôn trọng dâng cúng hoa tươi, các loại hương thơm, nào là hương bột, hương thoa hương đốt, vòng hoa chuỗi báu, cờ phướn lọng tàn, âm nhạc ca múa, dùng vải năm màu may túi đựng kinh, rồi chọn nơi tốt, quét dọn sạch sẽ, đặt một tòa cao, an trí kinh này, bấy giờ sẽ có bốn vị Thiên vương, trăm ngàn quyến thuộc, vô lượng vị trời cùng đến nơi ấy cúng dường bảo vệ. Bạch Đức Thế Tôn! Bởi nhờ uy lực công đức bản nguyện của Đức Dược Sư, và sức uy thần do nghe danh hiệu mà ở những nơi kinh này lưu hành, những người thọ trì không bị chết oan, cũng không bao giờ bị các loài quỉ đoạt lấy tinh khí. Dẫu bị đoạt lấy cũng được hoàn lại, thân tâm an ổn, khỏe mạnh như xưa.

Bấy giờ Đức Phật bảo Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi:

Đúng thế, đúng thế! Thật như ông nói. Nếu có người nam cùng những người nữ niềm tin vững chắc, lòng muốn cúng dường Dược Sư Như Lai, trước nên tạo lập hình tượng của Ngài, đặt trên tòa cao uy nghiêm đẹp đẽ, rải hoa đốt hương, giăng cờ treo lọng, trang hoàng rực rỡ. Sau đó cần phải bảy ngày bảy đêm giữ tám trai giới, dùng các món ăn thanh tịnh đúng pháp, tắm rửa sạch sẽ, thay y phục mới, tâm ý trong lặng, không niệm sân hận. Đối với hữu tình, khởi tâm bình đẳng từ bi hỉ xả, nguyện làm lợi ích an lạc cho họ. Đồng thời trỗi nhạc, đàn ca trống phách, nhiễu quanh tôn tượng, nghĩ nhớ công đức bản nguyện Như Lai, đọc tụng kinh này, cứu xét nghĩa lí, diễn nói khai thị cho mọi người biết. Hành đúng như thế, thì những ước nguyện đều được trọn vẹn, như cầu sống lâu thì được sống lâu; mong cầu giàu sang, nhất định giàu sang; mong cầu quan tước, hẳn có quan tước; cầu sanh con trai, ắt được con trai; cầu sanh con gái, thì được con gái. Lại có những người, bỗng gặp ác mộng, thấy các điềm xấu, như loài chim lạ bay đến tụ tập, hoặc tại nơi ở, nhiều lần hiện ra những điềm kì lạ. Những người như thế, nếu dùng vật dụng quí giá của mình, cung kính cúng dường Dược Sư Như Lai, thì những ác mộng và những điềm xấu thảy đều ẩn hết, không còn lo sợ. Nếu gặp nạn lớn, gây nên những nỗi sợ hãi kinh hoàng, như nước dâng tràn, lửa cháy chiến tranh, vực thẳm đường hiểm, sư tử voi cuồng, cọp sói gấu beo, rắn rít bò cạp, mà lại một lòng thiết tha nhớ nghĩ, cung kính cúng dường các Đức Phật ấy, tất cả những nỗi sợ hãi kinh hoàng thảy đều không còn. Lại nữa nếu bị nước khác xâm lăng, giặc cướp quấy nhiễu, mà lòng cung kính nhớ nghĩ đến Đức Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai kia, thì những kẻ địch thảy đều lui tan.

Văn-thù-sư-lợi! Có những người nam cùng những người nữ, niềm tin vững chắc, suốt cả cuộc đời không thờ tất cả những vị trời nào, chỉ trọn một lòng nương Phật pháp tăng, giữ gìn các giới, hoặc là năm giới, hoặc là mười giới, hoặc bốn trăm giới bồ-tát Đại thừa, hoặc hai trăm năm mươi giới tì-kheo, hoặc năm trăm giới của tì-kheo-ni. Nếu lỡ hủy phạm, sợ đọa cõi ác, mà trọn một lòng nhớ nghĩ danh hiệu Dược Sư Như Lai, cung kính cúng dường, người ấy nhất định sẽ không rơi vào ba cõi xấu ác. Nếu có người nữ, đang lúc sanh sản, đớn đau khổ sở, mà trọn một lòng xưng niệm danh hiệu, cung kính cúng dường Dược Sư Như Lai, thì sẽ không còn tất cả khổ đau, đứa bé sanh ra dung mạo đoan chánh, ai thấy cũng vui, lợi căn thông minh, không mang bệnh tật, thân tâm an ổn, tất cả phi nhân không thể đoạt lấy tinh khí của trẻ.

Bấy giờ Thế Tôn bảo A-nan rằng:

Như Ta khen ngợi, công đức danh hiệu Dược Sư Như Lai, đó cũng chính là cảnh giới sâu xa của các Đức Phật, ông chớ nghi ngờ!

A-nan bạch Phật:

Bạch Đức Thế Tôn! Con không bao giờ khởi tâm nghi ngờ ý nghĩa sâu xa trong các khế kinh mà Phật đã dạy. Vì sao như thế? Vì tất cả nghiệp thân miệng và ý của các Như Lai đều rất thanh tịnh. Bạch Đức Thế Tôn! Mặt trời mặt trăng có thể rơi xuống, tòa núi Diệu Cao có thể khuynh động, nhưng lời của các Đức Phật nói ra, trọn không sai biệt. Nhưng có những người, không đủ lòng tin, nghe nói cảnh giới sâu xa của Phật, liền suy nghĩ rằng: “Làm sao chỉ niệm danh hiệu của một Đức Phật Thế Tôn mà được công đức lớn lao dường ấy!”. Do lòng không tin, người ấy khởi tâm hủy báng chánh pháp. Vì thế không những mất lợi ích lớn, mà còn mãi mãi rơi vào nẻo ác, lưu chuyển không cùng. Nhưng này A-nan! Những hữu tình ấy, nghe được danh hiệu Dược Sư Như Lai, chí tâm thọ trì, lòng không nghi ngờ, mà còn rơi vào những nẻo xấu ác thì thật vô lí. Đây là năng lực sâu xa vi diệu, của các Như Lai, rất khó tin hiểu mà ông có thể lãnh thọ như thế, thật do uy lực của Như Lai vậy. Này nữa A-nan! Tất cả Thanh văn và hàng Duyên giác không thể tin hiểu, chỉ trừ các bậc Nhất sanh bổ xứ mới hiểu mà thôi. Khó được thân người, cũng khó tin kính tôn trọng Tam bảo, càng khó được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Như Lai. Dược Sư Như Lai ở nơi nhân vị, đã tu vô lượng công hạnh bồ-tát, sử dụng vô lượng phương tiện khéo léo, phát khởi vô lượng diệu nguyện rộng lớn. Nếu Ta nói ra, thì trong một kiếp hoặc hơn một kiếp cũng không thể nào trình bày hết được.

Bấy giờ trong hội, Bồ-tát Cứu Thoát từ tòa đứng dậy, trịch áo vai phải, chân phải quì gối, cung kính chắp tay bạch Đức Phật rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Vào thời tượng pháp, có những hữu tình bị các bệnh khổ, bức bách đớn đau, thân hình gầy ốm, ăn uống không được, môi cổ khô rát, mắt thấy màn đen, tướng chết hiện ra, cha mẹ anh em, bạn bè quyến thuộc vây quanh khóc lóc; người bệnh nằm đó mà đã nhìn thấy sứ giả U minh dẫn dắt thần thức đến trước Diêm vương. Bấy giờ vị thần Câu Sanh đem sổ ghi những tội phước người ấy đã làm, dâng lên Diêm vương. Diêm vương y pháp, tra xét hành vi, rồi theo tội phước tiến hành xử đoán. Nếu lúc bấy giờ, thân thuộc bạn bè, vì người bệnh ấy qui y Đức Phật Dược Sư Lưu Li, cung thỉnh chúng tăng đọc tụng kinh này, đốt đèn bảy tầng, treo phan tục mạng bằng vải năm màu, thì ngay lúc ấy thần thức nhập thân, như vừa tỉnh mộng, thấy biết rõ ràng; hoặc qua bảy ngày, hoặc hăm mốt ngày, hoặc ba lăm ngày, hay bốn chín ngày, thần thức người ấy lại được trở về, như vừa tỉnh mộng, nhớ biết tất cả, quả báo lành dữ, do nghiệp thiện ác, đã tạo từ xưa. Bởi đã tận mắt thấy được nghiệp báo chân thật không sai, nên dù gặp lúc nguy hiểm đến thân, vẫn không tạo ác. Do đó tất cả nam nữ tịnh tín, nên niệm danh hiệu Dược Sư Như Lai, rồi tùy khả năng cung kính cúng dường.

A-nan thưa hỏi bồ-tát Cứu Thoát: Xin ngài chỉ bày phương pháp cúng dường Dược Sư Như Lai và cách làm đèn cùng phan tục mạng!

Bồ-tát Cứu Thoát đáp lời A-nan: Đại đức A-nan! Có người mong cầu ai đó lành bệnh, không còn khổ đau, thì phải vì họ thọ tám trai giới, bảy ngày bảy đêm, chí thành dâng cúng thức ăn thức uống, các món cần dùng lên Đức Dược Sư, ngày đêm sáu thời cung kính lễ bái đức Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai, đọc tụng kinh này bốn mươi chín biến, chuẩn bị đầy đủ bốn chín ngọn đèn. Lại cần tôn trí bảy tượng Như Lai, trước mỗi tôn tượng tạo một vòng tròn, trên vòng tròn ấy đặt bảy ngọn đèn, phải thắp sáng luôn, bốn chín ngày đêm, không được để tắt. Lại tạo thêm một lá phan năm màu dài bốn chín thước, đồng thời phóng sanh bốn chín con vật. Nếu được như thế, tai ách liền tiêu, ác thần ác quỉ không thể làm hại.

Đại đức A-nan! Nếu lúc đất nước gặp các tai họa: dịch bệnh hoành hành, quân địch xâm lăng, tặc thần phản loạn, sao xấu xuất hiện, nhật thực nguyệt thực, thời tiết bất hòa, hạn hán không mưa, thì Quán Đảnh vương dòng Sát-đế-lợi nên khởi lòng từ, thương xót phóng thích tất cả tội nhân, giúp họ thoát cảnh tù tội đọa đày, rồi cũng như trước cúng dường Đức Phật Dược Sư Lưu Li. Do việc thiện này và sức bản nguyện của đức Như Lai, mà toàn cõi nước an ổn thái bình, mưa hòa gió thuận, mùa màng bội thu, nhân dân sung sướng, không còn tật bệnh, không có các thần Dược-xoa… hung ác làm hại mọi người, những hiện tượng xấu cũng đều ẩn hết; và Quán Đảnh vương dòng Sát-đế-lợi tăng thêm tuổi thọ, khí lực dồi dào, không bệnh an vui.

Đại đức A-nan! Nếu các hoàng hậu, hoàng phi công chúa, thái tử vương tử, đại thần phụ tướng, thể nữ trong cung, bá quan văn võ, nhân dân khắp chốn bị bệnh bức bách, tai nạn hiểm nguy, cũng nên chí thành thắp đèn treo phan, phóng sanh loài vật, đốt hương rải hoa thì liền dứt hết các căn bệnh khổ, tai nạn không còn.

A-nan thưa hỏi bồ-tát Cứu Thoát: Tôn giả Cứu Thoát! Vì sao thọ mạng một người đã hết mà còn có thể kéo dài thêm được?

Cứu Thoát đáp rằng: Đại đức A-nan! Ngài hẳn không nghe khi xưa Như Lai nói chín trường hợp chết oan hay sao? Cũng từ việc này mà Ngài chỉ dạy đốt đèn làm phan, tu các phước đức. Do tu các phước, mạng sống kéo dài.

A-nan lại thưa: Tôn giả Cứu Thoát! Xin ngài giảng chín trường hợp chết oan cho chúng hội biết!

Cứu Thoát nói rằng: Đại đức lắng nghe, tôi xin nói rõ! Một là hữu tình bị bệnh tuy nhẹ, mà không gặp thầy, lại chẳng có thuốc, không người chăm sóc; hoặc có gặp thầy, nhưng trao lầm thuốc, thật không đáng chết mà phải chết oan. Hai là hữu tình, tin theo những thuyết họa phước sai lầm, của kẻ tà ma, của bọn ngoại đạo yêu nghiệt ở đời, rồi lòng sợ hãi không thể tự chủ, bèn đi bói quẻ, hoặc lại xin xăm, tìm hiểu mối hoạ, dẫn đến giết hại sinh mạng các loài cúng tế thần linh, khẩn cầu giải nạn; hoặc là kêu gọi các loài yêu mị ban phước xin ân, mong được an ổn, kéo dài tuổi thọ. Nhưng lại hoàn toàn không thể nào được. Bởi do ngu si, tà kiến điên đảo, nên bị chết oan rơi vào địa ngục không có ngày ra. Ba là chúng sanh chỉ lo chơi bời, vui đùa săn bắn, đam mê tửu sắc, buông lung vô độ, bị loài phi nhân đoạt lấy tinh khí mà bị chết oan. Bốn là chết cháy; năm là chết trôi; sáu là chết vì thú dữ ăn thịt; bảy là chết vì rơi từ núi cao; tám là chết vì thuốc độc bùa ngãi, ếm chú trù dập, quỉ khởi thi giết; chín là chết vì đói khát bức bách.

Chín loại chết oan Như Lai đã dạy tóm lược như thế, lại còn vô số các trường hợp khác không thể kể hết.

Này nữa A-nan! Vua Diêm-ma kia, chủ quản ghi chép tất cả tên tuổi của người thế gian. Nếu hữu tình nào bất hiếu cha mẹ, phạm năm tội nghịch, khinh chê Tam bảo, hoại pháp vua tôi, phá hủy giới cấm thì vua Diêm-ma, tùy tội nặng nhẹ mà định hình phạt. Cho nên hôm nay, Ta khuyên mọi người đốt đèn làm phan, phóng sanh tu phước, để vượt khổ đau, thoát khỏi tai nạn.

Bây giờ trong chúng có mười hai vị đại tướng Dược-xoa: Một, Cung-tì-la; hai, Bạt-chiếc-la; ba, Mê-xí-la; bốn, Át-nễ-la; năm, Mạt-nễ-la; sáu, Ta-nễ-la; bảy, Nhân-đà-la; tám, Ba-di-la; chín, Ba-hỗ-la; mười, Chân-đạt-la; mười một, Châu-đổ[2]; mười hai, Tì-yết[3]. Mỗi vị đều có bảy ngàn dược-xoa theo làm thuộc hạ. Tất cả đồng thưa Đức Như Lai rằng:

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay nhờ uy lực Ngài, nghe được danh hiệu Dược Sư Như Lai, cho nên không còn những nỗi sợ hãi trong các nẻo ác. Chúng con đồng lòng, suốt đời nương tựa ba ngôi quí báu là Phật pháp tăng. Nguyện sẽ giúp đỡ bảo vệ hữu tình, vì họ mà làm những việc lợi ích. Bất cứ nơi nào, hoặc là thành thị hay ở xóm làng, dù chốn núi non hay vùng đồng vắng, nếu có kinh này lưu truyền đọc tụng, hoặc là có người thọ trì danh hiệu Dược Sư Lưu Li Quang Vương Như Lai, cung kính cúng dường hình tượng các Ngài, nhất định chúng con và các thuộc hạ luôn luôn bảo vệ, giúp cho người ấy tránh khỏi nạn khổ; thành tựu tất cả những điều mong cầu. Nếu có người nào, bệnh hoạn khổ não mà muốn xa lìa, thì nên chí tâm đọc tụng kinh này, dùng chỉ năm màu, gút tên chúng con, khi đã mãn nguyện, mới mở gút ra.

Nghe vậy Thế Tôn khen ngợi các vị Dược-xoa đại tướng: Hay lắm, hay lắm! Đại tướng Dược-xoa, nếu các ông biết một lòng nhớ nghĩ, báo đáp ân sâu của Đức Như Lai, thì thường phải nên giúp cho hữu tình có được lợi ích, an lạc như vậy.

Bấy giờ A-nan từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, gối phải chấm đất, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Kinh này tên gì, chúng con cung kính gọi như thế nào?” Phật bảo A-nan: “ Kinh này được gọi bằng nhiều tên là Dược Sư Lưu Li Quang Như Lai bản nguyện công đức, Chấp Kim Cang bồ-tát nguyện yếu kì, Thập nhị thần tướng nhiêu ích hữu tịnh kết nguyện thần chú, cũng là Bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng. Ông nên kính gọi các tên như thế.

Nghe Phật Thế Tôn nói kinh này xong, các đại bồ-tát, các hàng thanh văn, quốc vương đại thần, hàng bà-la-môn, cư sĩ tại gia, trời rồng dược-xoa, thần càn-thát-bà, thần a-tu-la, thần yết-lộ-trà, thần khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, nhân và phi nhân vui mừng tin nhận, cung kính thực hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Vô Năng Thắng Phan Vương Như Lai Trang Nghiêm Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Bài Tán Dương Bằng Tiếng Phạn Về Tám Linh Tháp Lớn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Xưng Tán Ba Thân Phật Bằng Phạn Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Thắng Phan Anh Lạc - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 5 - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 6 - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Duy Lực dịch - Kinh Tạng