Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức
Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh
Đường Huyền Trang dịch
Bản Việt dịch của Tuệ Nhuận
***
Đúng thực như thế, chính tôi được nghe:
Một thời bấy giờ, Đức Bạc Già Phạm đi độ các nước, đến thành Quảng Nghiêm, Ngài dừng lại ở dưới cây âm nhạc cùng với tám nghìn vị Đại Tỳ Kheo, ba vạn sáu nghìn vị Đại Bồ Tát, và các Quốc Vương, các quan Đại thần, các Bà La Môn, các thầy Cư sĩ, Thiên, Long, Bát Bộ Nhơn với Phi Nhơn, đông không xiết kể, thảy đều cung kính vây kín xung quanh Đức Phật thuyết pháp.
Con đấng Pháp Vương, bấy giờ là ngài Mạn Thù Sư Lợi, theo oai thần Phật, đương ngồi đứng dậy, hở một vai áo, đầu gối bên hữu quì sát tận đất, nhìn Bạc Già Phạm, cúi mình, chắp tay bạch rằng: Thế Tôn, xin Phật diễn thuyết, cũng giống như thế, diễn những danh hiệu, và những điều nguyện căn bản lớn lao, công đức tuyệt vời của các Đức Phật, cho những người nghe tiêu hết nghiệp chướng, vì muốn lợi lạc các loài hữu tình, khi Tượng Pháp chuyển.
Bấy giờ Thế Tôn tán thán Đồng tử Mạn Thù Sư Lợi, Ngài khen ngợi rằng: “Hay lắm! Hay lắm! Mạn Thù Sư Lợi, lòng đại bi ông khuyến thỉnh ta nói danh hiệu chư Phật, bản nguyện công đức, để bạt cho hết nghiệp chướng ràng buộc các loài hữu tình và để làm cho lợi ích an lạc các loài hữu tình, khi Tượng Pháp chuyển.
Ông hãy nghe kỹ, ngẫm nghĩ thực khéo, ta sẽ nói.
Mạn Thù Sư Lợi bạch rằng: Xin vâng, xin Thế Tôn nói, chúng con thích nghe.
Đức Phật bảo ngài Mạn Thù Sư Lợi: về phương Đông kia, cách đây xa nhiều vô số Phật độ, nhiều bằng mười số cát sông Hằng, ở đấy có một thế giới gọi là cõi Tịnh Lưu Ly.
Đức Phật cõi ấy, hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng chính đẳng giác, Minh hành viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Bạc già phạm.
Ông Mạn Thù ơi, khi Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai còn đương hành đạo Bồ Tát. Ngài đã phát ra mười hai nguyện lớn, khiến cho hữu tình cầu gì cũng được.
NGUYỆN LỚN THỨ NHẤT
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, thì tự thân ta sáng trưng rực rỡ, soi suốt tất cả vô số thế giới vô lượng vô biên; dùng ba mươi tướng Đại trượng phu, tám mươi tùy hình để trang nghiêm thân khiến cho hết thẩy các loài hữu tình, đều được tất cả như ta không khác.
NGUYỆN LỚN THỨ HAI
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì tự thân ta như ngọc lưu ly trong ngoài sáng suốt, sạch không vết bẩn, quang minh rộng lớn, công đức cao vời; thân khéo ở yên trong lưới tia sáng, trang nghiêm hơn cả mặt trời, mặt trăng; chúng sinh tối tăm đều được sáng bừng, đâu cũng làm được mọi sự như ý.
NGUYỆN LỚN THỨ BA
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, ta dùng rất nhiều Trí Huệ phương tiện, vô lượng vô biên, khiến cho hữu tình đều được mọi vật, thụ dụng vô cùng: chẳng để chúng sinh có chỗ thiếu thốn.
NGUYỆN LỚN THỨ TƯ
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu có hữu tình tu hành tà đạo, thì ta khiến cho đều được ở yên trong đạo Bồ Đề; nếu ai hành đạo, Thanh Văn, Độc Giác thì ta cũng đều lấy đạo Đại Thừa, mà dựng cho yên.
NGUYỆN LỚN THỨ NĂM
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu có vô lượng, vô biên hữu tình tu hành Phạm Hạnh trong Pháp của ta, thì hết thảy đều được giới chẳng thiếu, đủ giới tam tụ, nếu có ai mà trót đã phạm giới nghe tên ta rồi, lại được tịnh giới, chẳng vào đường ác.
NGUYỆN LỚN THỨ SÁU
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình thân thể hèn kém mọi căn chẳng đủ, xấu xa, ngu ngốc, mù, điếc, ngọng, câm, què quặt, khòm lưng, hóa hủi, điên, cuồng, bao nhiêu bịnh khổ, nghe tên ta rồi hết thảy đều được đẹp đẽ, sáng suốt, mọi căn hoàn toàn, không mọi tật khổ.
NGUYỆN LỚN THỨ BẢY
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình mắc mọi bịnh khổ, không ai cứu chữa, không chỗ nương thân, không người thân thiết, không cửa không nhà, bần cùng khốn khổ, một khi tên ta nghe lọt vào tai mọi bịnh đều hết thân tâm yên vui, gia quyến tiền của, thảy đều phong túc, rồi tu đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề.
NGUYỆN LỚN THỨ TÁM
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu có thân gái thấy trăm nỗi xấu, bức bách khổ não sinh lòng chán ngán, muốn bỏ thân gái, nghe tên ta rồi, thảy đều chuyển được thân gái thành trai, đủ tướng trượng phu, rồi tu đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề.
NGUYỆN LỚN THỨ CHÍN
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, khiến những hữu tình thoát chài lưới ma, thoát được hết thảy ngoài đạo ràng buộc; nếu lạc vào các rừng rậm ác kiến, ta sẽ dắt dẫn lên đường chánh kiến, rồi tu tập dần mọi hạnh Bồ Tát, chóng chứng được đạo Vô Thượng Bồ Đề.
NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình bị pháp luật bắt trói buộc, đánh đập, giam cầm lao ngục hoặc bị tử hình, và còn rất nhiều tai nạn khác nữa lấn hiếp nhục nhã lo sầu nung nấu, thân tâm chịu khổ, nếu mà được nghe danh hiệu của ta, được giải thoát hết thảy lo khổ.
NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI MỘT
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình bị đói khát khổ, vì kiếm ăn mà tạo mọi nghiệp ác, khi nghe tên ta, chuyên tâm trì niệm, thì ta hãy cho ăn uống rất ngon để no thân đã, rồi sau ta mới cho ăn Pháp vị để lập thành người rốt ráo yên vui.
NGUYỆN LỚN THỨ MƯỜI HAI
Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề, nếu những hữu tình, nghèo không áo mặc, ruồi muỗi, bức rét khổ suốt đêm ngày, khi nghe tên ta chuyên tâm trì niệm thì tâm muốn gì liền được đủ thứ, áo mặc thật đẹp, được cả đồ dùng quý báu trang nghiêm, đeo hoa, ướp hương, âm nhạc múa hát, tùy tâm thích gì đều được đầy đủ.
Ông Mạn Thù ơi, thế là mười hai nguyện rất nhiệm mầu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, khi Ngài còn đương hành đạo Bồ Tát; Ngài đã phát ra.
Còn nữa này ông Mạn Thù Sư Lợi, là những nguyện lớn của Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Ngài đã phát ra, khi Ngài còn đương hành đạo Bồ Tát, và những công đức trang nghiêm ở bên cõi nước của Ngài, nếu ta nói ra, đến hết một kiếp hay hơn một kiếp cũng không hết được.
Nhưng có một điều: ở nước Phật kia một màu thanh tịnh, không có nữ nhơn, không có ác thú và những tiếng khổ; mặt đất thuần là ngọc pha lê lưu ly, những thừng bằng vàng giăng bên đường đi, thành khuyết, cung, các, hiên, cửa, màng lưới, đều bằng thất bảo cũng như thế giới Cực Lạc Phương Tây, công đức trang nghiêm giống nhau không khác.
Trong nước có hai vị Đại Bồ Tát: một vị gọi là Nhật Quang Biến Chiếu, một vị gọi là Nguyệt Quang Biến Chiếu đứng đầu tất cả vô số vô lượng các vị Bồ Tát. Hai Ngài lần lượt sẽ lên ngôi Phật, đều giữ vững được kho báu Chánh Pháp của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
Ông Mạn Thù ơi, bởi thế cho nên những Thiện nam tử và Thiện nữ nhơn có tín tâm rồi, thời nên phát nguyện sanh sang thế giới của đức Phật kia.
Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Đồng tử Mạn Thù Sư Lợi: Này ông Mạn Thù, có những chúng sanh chẳng biết thiện ác, chỉ ôm cái lòng tham lam keo bẩn, chẳng biết bố thí, và những quả báo về hạnh bố thí, ngu si không trí, thiếu mất tín căn, chứa nhiều của báu cầu giữ lấy mãi, thấy kẻ xin đến tâm họ chẳng mừng: khi bất đắc dĩ họ phải bố thí, thị coi như cắt miếng thịt họ rất là đau tiếc. Lại có lắm kẻ tham lam bỏn xẻn, tích trữ tiền của, đến ngay thân họ còn chẳng tiêu dùng, huống lại dám cho cha, mẹ, vợ, con, tôi đòi sai khiến, và kẻ đến xin. Những hữu tình ấy, đến lúc mạng chung, sinh làm ngã quỉ, hoặc làm bàng sinh, nhưng vì thuở xưa, ở đời từng được tạm nghe danh hiệu của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên đương khi ở trong vòng ác thú, được tạm nhớ đến danh hiệu của Ngài, ngay trong phút nghĩ, liền ra khỏi vòng, lại được làm người, nhớ được túc mạng sợ khổ ác thú, chẳng ham dục lạc, thích làm bố thí, và khen những người hay làm bố thí, mình có những gì, đều không tham tiếc, dần dà đem cả đầu, mắt, chân, tay, máu, thịt của mình, cho kẻ đến xin, huống còn tiếc gì, đến tài vật khác.
Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, nếu những hữu tình, tùy theo Như Lai nhận các chỗ học mà phá thi la; lại có kẻ tuy chẳng phá thi la mà phá quỷ tắc, kẻ giữ được cả thi la, quỷ tắc lại hủy chánh kiến; lại có kẻ tuy chẳng hủy chánh kiến mà bỏ đa văn chẳng thể hiểu rõ nghĩa sâu trong kinh của Phật đã nói: có kẻ đa văn, lại tăng thượng mạn, vì tăng thượng mạn che lấp tâm rồi, khen mình chê người, phỉ báng Chánh Pháp, làm bạn với ma, người ngu như thế, tự mình đi vào con đường tà kiến, lại còn làm cho vô lượng ức triệu hữu tình cùng theo xuống hố hiểm sâu. Những hữu tình nầy trôi quanh mãi mãi trong vòng Địa ngục Bàng Sinh, Quỷ thú nếu mà được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, liền bỏ ác hạnh, tu mọi thiện pháp, chẳng đọa ác thú, dù có kẻ nào, chẳng thể bỏ được hết mọi ác hạnh mà tu thiện pháp phải đọa ác thú, vì nhờ sức thần bổn nguyện của Phật, khiến họ hiện tiền đã được tạm nghe danh hiệu của Phật, họ sẽ thoát thân nơi ác thú kia, lại được làm người, chánh kiến tinh tiến khéo điều hòa được tâm ý yên vui liền bỏ được nhà đến chốn không nhà, chịu theo chỗ học trong Pháp Như Lai, không hề hủy phạm, chánh kiến, đa văn, hiểu nghĩa rất sâu, bỏ tăng thượng mạn, chẳng báng Chánh Pháp, chẳng bạn với ma, dần dần tu hành những hạnh Bồ Tát chóng được vẹn toàn.
Còn nữa này ông, Mạn Thù Sư Lợi, nếu những hữu tình xang tham ghen ghét khen mình chê người, sẽ phải đọa vào trong ba đường ác, mấy mươi nghìn năm chịu mọi cực khổ, chịu cực khổ rồi, ở đấy mãn hạn, lại lên nhân gian, làm thân trâu, ngựa, lừa và lạc đà, thường bị đòn đánh, đói khát khổ não, lại thường mang nặng, theo đường mà đi: hoặc được làm người, ở nơi hạ tiện, làm kẻ tôi đòi bị người sai khiến, chẳng được tự tại, nếu xưa làm người đã từng được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, bởi nhân lành ấy nay lại nhớ đến, dốc lòng quy y, nhờ thần lực Phật giải thoát mọi khổ, mọi căn thông lợi, trí tuệ đa văn, thường cầu Thắng Pháp, thường gặp bạn hiền, dứt hẳn lưới ma, đập vỡ cái xác vô minh đen tối, gạn lòng phiền não giải thoát hết thảy sinh, già, bịnh, chết, lo sầu, khổ não.
Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, nếu những hữu tình thích gây ngang ngược, đánh nhau kiện nhau, làm cho náo loạn, cả mình cả người đem thân, miệng, ý tạo thêm mãi ra bao nhiêu nghiệp ác, lần lượt thường làm sự chẳng lợi ích, mưu hại lẫn nhau, đi gọi các thần ở rừng, ở núi, ở cây, ở mả, rồi giết chúng sinh, lấy máu, lấy thịt, cúng tế bọn quỷ Dược Xoa, La Sát, viết tên kẻ thù, làm hình kẻ thù, làm bùa chú ác để mà nguyền rủa; yểm bùa thành mị, nuôi trùng thành cổ, hô quỷ nhập vào thây chết đứng dậy, sai đi giết hại thân mạng người ta; những hữu tình ấy, nếu mà được nghe danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì ác sự kia đều chẳng hại được; lần lượt hết thảy đều khởi từ tâm, lợi ích, yên vui, không còn có ý não hại hiềm thù, ai cũng vui mừng; mọi vật thụ dụng tự cho là đủ, chẳng lấn của nhau, mà đồng cùng làm lợi ích cho nhau.
Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, nếu có bốn chúng; Tỳ kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, và những tịnh tín thiện nam thiện nữ, ai chịu giữ được tám phần trai giới, hoặc suốt một năm, hoặc trong ba tháng chịu theo chỗ học, để làm thiện căn, nguyện được sinh sang thế giới Cực Lạc ở bên Phương Tây, đến chỗ đức Phật Vô Lượng Thọ Quang cầu nghe Chánh Pháp, nhưng chưa quyết định, mà nếu được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời khi lâm chung, sẽ có tám vị Đại Bồ Tát là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Bảo Đàn Hoa Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dược Thượng Bồ Tát, Di Lạc Bồ Tát, tám vị ấy sẽ đi lại ở trên không mà chỉ đường, tự nhiên thấy mình hóa sinh ngay bên thế giới kia, trong đám hoa báu nhiều màu sắc đẹp.
Hoặc là nhân thế, được sinh lên trời, tuy sinh lên trời mà căn lành cũ vẫn chưa hết, chẳng phải sinh vào ác thú nào khác; trên trời tận số, thì xuống nhân gian, hoặc làm Luân Vương, coi cả bốn châu, oai đức, tự tại, giữ yên vô lượng trăm nghìn hữu tình ở trong thập thiện, hoặc sinh vào những dòng Sát Đế Lợi, dòng Bà La Môn, Cư sĩ, Đại gia, rất nhiều của báu, kho tàng đầy ngất, hình tướng tốt đẹp, quyến thuộc đông đủ, thông minh trí huệ, dõng kiện oai hùng như đại lực sĩ.
Nếu là nữ nhân được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, dốc lòng trì niệm, thì sau chẳng phải làm thân gái nữa.
Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, khi Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đắc đạo Bồ Đề, do sức bản nguyện, mà Ngài soi thấy các loài hữu tình mắc nhiều bịnh khổ, như là những bệnh gầy còm, co quắp, khô héo, sốt vàng, hoặc bị trúng độc, ma mị trùng cổ, hoặc bị chết non, hoặc khi chết uổng. Ngài muốn khiến cho những bịnh khổ ấy, đều được tiêu trừ, và có cầu gì cũng được mãn nguyện, thời Ngài liền vào cảnh Ta Ma Đề gọi là cảnh Định, diệt hết khổ não cho các chúng sinh.
Đã vào Định rồi, ở trong nhục kế, phóng đại quang minh, trong đại quang minh diễn nói thần chú Đại Đà La Ni:
“Nam mô Bạc-già-phạt-đế bệ sái xã lũ-rô, bệ lưu-li, bát lạt bà, hát ra xà giã, đát đà yết đa gia, a ra hát đế, Tam diểu tam bột đà gia đát, điệt tha, Án, bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã, tam một yết đế sa ha.”
Khi trong quang minh nói thần chú rồi, trái đất chấn động, phóng đại quang minh, hết thảy chúng sinh, bịnh khổ đều trừ, được vui yên ổn.
Ông Mạn Thù này: thấy ai, nam, nữ nếu có bịnh khổ, thì nên nhất tâm, vì người bịnh ấy, tắm, gội, súc miệng sạch rồi, tụng chú một trăm tám lượt vào một thức ăn, hoặc vào vị thuốc, hoặc vào nước lọc, không có vi trùng, rồi đem cho uống, thì bịnh khổ gì cũng đều tiêu hết. Nếu có cầu gì, dốc lòng tụng niệm, cũng đều được cả, và lại còn được sống lâu, vô bịnh; sau khi mạng chung, sinh sang cõi kia, được ngôi Bất Thối, cho đến tận khi đắc đạo Bồ Đề. Bởi thế cho nên ông Mạn Thù ơi, nếu có nam tử nữ nhân nào mà có lòng tôn trọng, cung kính cúng dường Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên thường trì chú, chớ để lãng quên.
Còn nữa, này ông Mạn Thù Sư Lợi, nếu có nam tử, nữ nhân tịnh tín, được nghe tất cả danh hiệu của Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, nghe rồi tụng trì; sáng sớm trở dậy, xỉa răng, tắm, gội, súc miệng thanh sạch, dâng các hoa thơm, hương đốt, hương bôi, và các âm nhạc, cúng dường tượng Phật, đem kinh này ra, hoặc mình tự viết, hoặc bảo người viết, nhất tâm chịu nghe, chịu nhớ lấy nghĩa đối với Pháp sư, phải sắm hết thẩy các món cúng dường đủ để nuôi thân, thẩy đều cấp cho, đừng để thiếu thốn; như thế liền được chư Phật hộ niệm, cầu gì cũng được, và được cả đến đạo quả Bồ Đề.
Bấy giờ Đồng tử Mạn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, con thề đến khi đời tượng Pháp chuyển con đem rất nhiều các phép phương tiện, khiến người tịnh tín thiện nam, thiện nữ được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cả trong khi ngủ, cũng đem hiệu Phật giác ngộ vào tai. Bạch Đức Thế Tôn, nếu ai thọ trì, đọc tụng kinh này, hoặc là diễn thuyết, khai thị cho người, hoặc tự mình viết, hoặc bảo người viết, hoặc là tôn trọng, cung kính kinh này, đem nhiều các thức hương hoa, hương bột, hương đốt, hương bôi, tràng hoa, anh lạc, phướn, lọng, âm nhạc, để mà cúng dường; lấy sợi ngũ sắc làm túi đựng kinh, quét rửa chỗ sạch, thiết lập tòa cao làm chỗ để kinh, bấy giờ sẽ có bốn Đại Thiên Vương, cùng với quyến thuộc và Thiên chúng khác mấy mươi trăm nghìn đều đến chỗ ấy, gìn giữ, cúng dường. Bạch Đức Thế Tôn: nếu chỗ nào phát kinh báu này ra, có người thọ trì, và nhờ công đức bản nguyện của Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, được nghe danh hiệu nên biết chỗ ấy, không còn có người bị chết dữ dội, chẳng ai còn bị bọn thần quỷ ác đoạt mất tinh khí; ai bị đoạt rồi, lại được thân tâm yên vui như cũ.
Đức Phật bảo Ngài Mạn Thù Sư Lợi đúng như thực như thế, đúng thực như thế, Ông nói đúng lắm! ông Mạn Thù ơi, nếu có thiện nam, thiện nữ tịnh tín, mà muốn cúng dường Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, trước hết phải tạo hình tượng của Ngài lập tòa thanh tịnh mà rước tượng lên, rải các thứ hoa, đốt các thứ hương, dùng nhiều tràng phan trang nghiêm chỗ ấy, bảy ngày, bảy đêm; chịu giữ được đủ tám phần trai giới, ăn uống thanh tịnh, tắm gội sạch thơm, mặc áo thanh tịnh, không chút vẩn đục, không chút giận dữ, não hại đến ai; đối với hết thẩy các loài hữu tình, phải khởi ra tâm lợi ích yên vui, từ, bi, hỉ, xả, bình đẳng như nhau; đàn hát tán thán; nhi u quanh tượng Phật, về bên tay hữu; lại phải nghĩ nhớ, công đức bản nguyện của Đức Phật kia, đọc tụng kinh này suy nghĩ nghĩa kinh, rồi đem diễn thuyết khai thị cho người.
Thế rồi tùy muốn cầu gì cũng được: cầu sống lâu được sống lâu, cầu giàu có được giàu có, cầu quan chức được quan chức, cầu con cái được con cái.
Hoặc có người nào, bỗng thấy mộng ác, những hình tướng ác, hoặc chim quái ác ở đâu đến đâu, hoặc có lắm sự quái ác hiện ra ở ngay chỗ ở, người ấy nếu đem các thức nhiệm mầu, cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thời những mộng ác, những hình tướng ác, những điềm chẳng lành, đều biến mất hết, chẳng làm hại được.
Hoặc có sợ hãi tai nạn thủy hỏa, binh đao độc ác, cheo leo hiểm nghèo, voi dữ, sư tử, hùm, sói, gấu, beo, rắn, rít, độc ác, sâu, bọ, muỗi, ruồi, nếu hay dốc lòng, niệm Đức Phật kia, cung kính cúng dường, thời sợ hãi ấy thẩy đều giải thoát.
Nếu có nước khác xâm lấn quấy rối, giặc cướp phản loạn, thì người cung kính niệm Đức Phật kia, cũng đều giải thoát.
Còn nữa này ông, Mạn Thù Sư Lợi, nếu có những người thiện nam thiện nữ, lòng tin chơn tịnh, cho đến hết đời chẳng thờ thần khác, chỉ dốc một lòng qui Phật, Pháp, Tăng, chịu giữ cấm giới, bốn trăm giới Bồ Tát, hai trăm năm mươi giới Tỳ Kheo, năm trăm giới Tỳ Kheo Ni, nhưng hoặc ở trong những chỗ thọ giới có ai hủy phạm, sợ đọa ác thú, mà hay chuyên niệm danh hiệu Phật kia, cung kính cúng dường, thì quyết chẳng sinh vào ba đường ác.
Hoặc có đàn bà, tới khi sinh nở, chịu rất đau khổ, mà hay dốc lòng niệm danh hiệu Phật lễ bái, tán thán cung kính cúng dường, thì mọi đau khổ đều trừ diệt hết; đứa con sinh ra, thân phận đầy đủ, hình sắc tốt đẹp, ai thấy cũng mừng, nhanh nhẹn thông minh, không bị phi nhân đoạt mất tinh khí.
Bấy giờ Thế Tôn bảo A Nan rằng: Như ta khen ngợi công đức của đấng Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, đó là những chỗ hành vi rất sâu của các Đức Phật, khó hiểu suốt lắm, ông có tin không? A Nan bạch rằng: Đại Đức Thế Tôn, con đối với kinh của Phật đã nói chẳng dám nghi hoặc, là vì lẽ sao? Vì rằng ba nghiệp: thân, ngữ, ý của hết thảy chư Phật, đều thanh tịnh cả. Lạy Đức Thế Tôn, vừng Nhật Nguyệt kia làm rơi xuống được, núi Diệu Cao Vương làm nghiêng đổ được, lời chư Phật nói không có khác được.
Bạch Đức Thế Tôn, những chúng sanh kia, tín căn chẳng đủ, nghe nói những chỗ hành vi rất sâu của các Đức Phật, mà nghĩ ra rằng: làm gì chỉ niệm danh hiệu Phật của Ngài Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, mà được ngay những thắng lợi, công đức nhiều đến như thế! Vì chẳng tin thế, sinh ra phỉ báng, người đó ở chỗ đêm dài tối mịt, mất hết lợi lạc đọa các đường ác, chuyển mãi không cùng.
Phật bảo A Nan: những hữu tình ấy, nếu nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, dốc lòng trì niệm, chẳng sinh nghi hoặc, thì không khi nào phải đọa ác thú.
Ôn A Nan ơi, đó là những chỗ hành vi rất sâu của các Đức Phật, rất khó tin lắm, rất khó hiểu lắm, mà nay ông chịu tin được như thế, thời nên biết là đều nhờ oai lực của Phật Như Lai. Này ông A Nan, hết thảy các bậc Thanh Văn, Độc Giác, và các Bồ Tát còn chưa đăng địa, đều chẳng tin hiểu được đúng như thực, chỉ trừ một hạng các vị Bồ Tát Nhất Sinh Sở Hệ. Ông A Nan ơi, làm được thân người, đã là khó lắm; được biết kính tin tôn trọng Tam Bảo cũng là khó lắm, được nghe danh hiệu Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thời lại khó hơn.
Ông A Nan ơi, những hạnh Bồ Tát, những phép phương tiện, những nguyện lớn lao của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nếu ta nói ra trong suốt một kiếp, hay hơn một kiếp, thì kiếp mau hết, mà những hạnh, nguyện, phương tiện của Ngài vẫn không thấy hết.
Trong chúng bấy giờ, có Đại Bồ Tát tên là Cứu Thoát, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, kéo áo hở vai bên hữu, quỳ gối bên hữu, sát xuống tận đất, cúi mình chắp tay, mà bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn, khi Tượng Pháp chuyển có những chúng sanh bị nhiều hoạn nạn làm cho khốn khổ, ốm lâu, gầy mòn, chẳng ăn uống được, cổ ráo, môi khô, thấy các phương tối, tướng chết hiện ra; cha, mẹ, thân thuộc, bạn bè, quen biết, xúm quanh than khóc; thân người ốm kia vẫn nằm nguyên đãy mà thấy Sứ giả của vua Diêm Ma dẫn thần thức mình đến trước cửa tòa Pháp vương Diêm Ma: những loài hữu tình, người nào cũng có một Thần Câu Sinh, người ấy làm gì: tội hay phúc, Thần đều chép đủ, rồi đem trình hết cho vua Diêm Ma; bấy giờ vua liền xét hỏi người ấy, tính toán mọi việc người ấy đã làm, theo chỗ tội phúc ấy mà xử đoán. Lúc đó, những người thân thuộc quen biết của người ốm ấy nếu hay, quy y Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cho người ốm ấy, thỉnh các chúng tăng chuyên đọc kinh này, đốt đèn bảy từng, treo lá phướn thần năm sắc nối mạng, thần thức người ấy, hoặc có chỗ đó, mà được trở về, tự thấy rõ ràng như trong giấc mộng; hoặc quá bảy ngày, hoặc hãm mốt ngày, hoặc ba lăm ngày, hoặc bốn chín ngày, thần thức người ấy, khi được trở về, như chiêm bao tỉnh: tự mình nhớ biết được các quả báo của các nghiệp thiện, và nghiệp bất thiện; vì tự chứng lấy quả báo của nghiệp, nên chừa cho đến khi mắc nạn chết, cũng chẳng dám làm những nghiệp ác nữa. Vì thế cho nên những người tịnh tín thiện nam, thiện nữ, đều nên trì niệm danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy sức mình mà cung kính cúng dường.
Bấy giờ A Nan hỏi Ngài Cứu Thoát: Bạch Thiện nam tử, cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, phải nên thế nào; đèn phướn nối mạng, nên làm thế nào? Ngài Cứu Thoát nói: Kính bạch Đại Đức, nếu có người ốm muốn thoát bịnh khổ, nên vì người ấy, bảy ngày bảy đêm, chịu giữ cho đủ tám phần trai giới; nên tùy lực sắm các thức ăn uống, và các đồ dùng cúng Tỳ Kheo tăng; đêm ngày sáu buổi, lễ bái hành đạo cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; tụng đọc kinh này bốn mươi chín lượt, thắp bốn chín ngọn đèn, tạo bảy pho tượng Đức Như Lai kia; trước mỗi vị tượng, để bảy ngọn đèn, mỗi một đèn sáng, to bằng bánh xe, suốt bốn chín ngày, không lúc nào tắt; làm một lá phướn ngũ sắc và dài bốn chín gang tay; phải đem phóng sinh các loài cho đủ bốn chín thứ, thời có thể qua tai nạn nguy ách chẳng bị chết uổng ác quỷ hãm hại.
Này ông A Nan, lại còn như khi các vua Quán Đỉnh, và Sát Đế Lợi, tai nạn khởi lên như là những nạn: nhân dân tật dịch, nước khác lấn bức, trong nước phản nghịch, sao lạ mọc ra, Nhật thực, Nguyệt thực, mưa gió trái mùa, đến mùa chẳng mưa, các vua Quán Đỉnh; và Sát Đế Lợi, bấy giờ đối với hết thảy hữu tình, khởi tâm từ bi, tha những tù tội, theo phép cúng dường trước đã nói kia, cung kính cúng dường Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nhờ thiện căn ấy và sức bản nguyện của Như Lai kia, khiến cho cả nước liền được yên ổn, mưa gió thuận thời, lúa cấy được mùa, hết thảy hữu tình, vô bịnh mừng vui, ở trong nước ấy, không có những thần, bạo ác Dược Xoa, não hại hữu tình, những hình tướng ác, thảy đều biến mất; các vua Quán Đỉnh, và Sá Đế Lợi, sống lâu, mạnh khỏe, vô bịnh, tự tại, lợi ích đều tăng.
Này ông A Nan, nếu các Hoàng Hậu, Hoàng Phi Công Chúa, Thái Tử, Vương Tử, Đại Thần, Tể Tướng, Thể Nữ trong cung, các quan và dân, có mắc bịnh khổ và ách nạn gì, cũng nên dựng cây phướn thần năm sắc, thắp đèn tiếp sáng, phóng sanh các loại, rải các thứ hoa, đốt các hương thơm, bệnh được khỏi hết, nạn đều giải thoát.
Bấy giờ A Nan hỏi Ngài Cứu Thoát: Bạch Thiện nam tử, tại làm sao mà mạng người đã hết, có thể tăng thêm?
Ngài Cứu Thoát nói: Kính bạch Đại Đức, Ngài há chẳng nghe Như Lai nói có chín thứ chết uổng? Bởi vậy khuyên làm đèn phướn nối mạng tu mọi phước đức; vì tu phước nên hết đời thọ mạng chẳng mắc nạn khổ.
A Nan hỏi rằng: Chín thứ chết uổng ấy là những gì?
Ngài Cứu Thoát nói: Nếu những hữu tình, bịnh tuy nhẹ mà không thầy, không thuốc, không người trông nom, hay có gặp thầy, lại cho trái thuốc, thực chẳng đáng chết, mà phải chết uổng; lại tin các thầy, tà ma, ngoại đạo, yêu nghiệt thế gian nói nhảm họa phúc, sinh ra sợ hãi, tâm chẳng được yên, xem bói thấy xấu, giết nhiều chúng sinh, khấn vái thần thánh, cầu ma quỷ lên ban cho hạnh phúc muốn mong sống thêm vẫn chẳng thể được; ngu si, mê hoặc, mê tín, tà kiến, thành ra chết uổng, đọa vào địa ngục, không có ngày ra, như thế gọi là một thứ chết uổng, hai là kẻ bị vương pháp xử tử, ba là những kẻ săn bắn, chơi bời, say đắm tửu sắc, rông rỡ quá độ, bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí, thành ra chết uổng. Bốn là chết cháy. Năm là chết đuối. Sáu là chết vì các loài ác thú cắn chết, ăn thịt. Bảy là chết vì ngã xuống sườn núi. Tám là chết vì trúng phải thuốc độc, bùa, chú, nguyền rủa, thây ma đứng dậy, các thứ sát hại. Chín là bị đói, bị khát khốn khổ, chẳng được ăn uống, mà phải chết uổng. Đấy là Như Lai nói qua chín thứ chết uổng như thế, còn nhiều vô số các thứ chết uổng, nói sao cho xiết.
Lại còn đây nữa, này ông A Nan, Vua Diêm Ma kia, chủ lĩnh giữ sổ ghi tên thế gian, nếu những hữu tình, phạm những tội như: bất hiếu ngũ nghịch, phá nhục Tam Bảo, hoại pháp Vua quan, hủy cả tín giới, thì vua Diêm Ma, tùy tội nặng nhẹ, xét mà xử phạt. Vì thế ta nay khuyên những hữu tình thắp đèn, treo phướn, phóng sinh, tu phước cho thoát khổ ách, chẳng gặp tai nạn. Bấy giờ trong chúng có mười hai vị Đại tướng Dược Xoa đều ngồi ở hội ấy là các vị: Đại tướng Cung Tì La, Đại tướng Phạt Chiết La, Đại tướng Mê Si La, Đại tướng An Để La, Đại tướng Át Nể La, Đại tướng San Để La, Đại tướng Nhân Đạt La, Đại tướng Ba Di La, Đại tướng Ma Hổ La, Đại Tướng Chân Đạt La, Đại Tướng Chiêu Đổ La, Đại Tướng Tỳ Yết La. Mười hai vị này, Đại tướng Dược Xoa, mỗi vị đều có bẩy nghìn Dược Xoa, để làm quyến thuộc, đồng thời lên tiếng mà bạch Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, chúng con ngày nay nhờ oai lực Phật được nghe danh hiệu Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chẳng còn có sợ nơi ác thú, chúng con bảo nhau đều cùng một lòng qui Phật, Pháp, Tăng cho đến hết đời thề xin gánh vác hết thảy hữu tình, làm việc nghĩa lợi, nhiều ích, yên vui; bất cứ chỗ nào: trong các thôn quê, thành thị, làng nước; rừng cây vắng lặng, mà có kinh này ban phát đến nơi, rồi có người nào thọ trì danh hiệu Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, quyến thuộc chúng con hộ vệ người ấy khiến cho giải thoát hết thảy khổ nạn, có cầu nguyện gì đều được đủ cả; hoặc có ai cầu thoát khỏi bệnh tật, ách nạn cũng nên đọc tụng kinh này, lấy chỉ ngũ sắc mà kết thành chữ tên của chúng con, được như nguyện rồi, sau hãy cởi ra.
Bấy giờ Thế Tôn khen ngợi các vị Đại tướng Dược Xoa. Ngài liền nói rằng: Hay lắm! Hay lắm! Tướng Đại Dược Xoa, trong đoàn các ông, vì nhớ báo ân Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên cứ làm như thế cho được lợi ích yên vui hết thảy hữu tình.
Bấy giờ A Nan bạch Đức Phật rằng: Lạy Đức Thế Tôn, Pháp môn này nên đặt tên là gì, và chúng con phải phụng trì thế nào?
Phật bảo A Nan: Pháp môn này gọi là Pháp nói những công đức bản nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng gọi là Pháp nói những thần chú kết nguyện của mười hai vị Thần tướng lợi ích hữu tình; cũng gọi là Pháp bạt trừ hết thảy mọi thứ nghiệp chướng; nên phụng trì đúng những nghĩa như thế.
Khi Bạt Già Phạm nói lời ấy rồi, các Đại Bồ Tát, và Đại Thanh Văn, Quốc Vương, Đại Thần, Bà La Môn, Cư Sĩ, Thiên, Long, Dược Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Yết Lộ Trà, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân, hết thẩy đại chúng, nghe lời Phật nói đều cả vui mừng, tin, chịu, vâng làm.