Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức

Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh

Đường Huyền Trang dịch

Bản Việt dịch của Đoàn Trung CònNguyễn Minh Tiến

***

Tôi nghe như thế này: Một lúc nọ, đức Thế Tôn thuyết pháp giáo hóa qua các nước, đến thành Quảng Nghiêm, ở dưới cội cây có tiếng nhạc, với chúng đại tỳ-kheo là tám ngàn vị, đại Bồ Tát là ba mươi sáu ngàn vị, cùng với các vị quốc vương, đại thần, bà-la-môn, cư sĩ, Tám bộ chúng, cả loài người và các loài chẳng phải người, với vô số đại chúng cung kính hầu quanh Phật để nghe thuyết pháp.

Lúc ấy, nương oai thần của Phật, ngài Pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi từ chỗ ngồi đứng dậy, vén tay áo trống bên vai phải, quỳ gối phải xuống chấm đất, hướng về phía đức Thế Tôn mà cúi người, chắp tay bạch rằng: “Bạch Thế Tôn! Xin ngài diễn thuyết danh hiệu chư Phật cùng những nguyện lớn công đức thù thắng của các ngài để giúp cho người nghe được tiêu trừ nghiệp chướng, lại cũng giúp cho chúng hữu tình đời Tượng pháp sau này sẽ được an vui lợi ích.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn ngợi khen ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: “Lành thay, lành thay! Văn-thù-sư-lợi! Ông đem lòng đại bi khuyến thỉnh ta diễn thuyết danh hiệu của chư Phật, cùng bản nguyện công đức của các ngài, nhờ đó mà trừ bỏ được nghiệp chướng lâu đời của chúng hữu tình và làm an vui lợi ích chúng sanh thời Tượng pháp về sau. Nay ông hãy lắng nghe và hết sức chú tâm suy xét, ta sẽ vì ông mà giảng nói.”

Văn-thù-sư-lợi bạch rằng: “Xin Thế Tôn giảng nói, chúng con rất vui được nghe.”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Về phương đông, cách đây vô số cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly. Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh viên mãn, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Bạc-già-phạm.

“Văn-thù-sư-lợi! Đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai khi còn hành đạo Bồ Tát có phát mười hai lời nguyện lớn, khiến cho chúng hữu tình cầu gì được nấy.

“Nguyện lớn thứ nhất là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, từ nơi thân thể hào quang rực rỡ chiếu sáng vô lượng, vô số, vô biên các cõi thế giới. Ta sẽ dùng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà trang nghiêm thân thể, khiến cho hết thảy hữu tình đều được thân thể như ta không khác.

“Nguyện lớn thứ hai là: Nguyện về sau khi ta thành Phật thì thân thể như ngọc lưu ly, sáng suốt cả trong ngoài, không chút tỳ vết, chiếu sáng rộng khắp, công đức to lớn. Thân thể khéo an trụ, ánh sáng trang nghiêm bao quanh, hơn cả mặt trời, mặt trăng. Các chúng sanh trong cõi u tối sẽ được mở mang chỉ bảo, rồi tùy theo chí hướng mà thành tựu sự nghiệp.

“Nguyện lớn thứ ba là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, ta sẽ dùng vô lượng vô biên phương tiện trí huệ mà làm cho chúng hữu tình đều được đầy đủ vật dụng chẳng bao giờ hết, không để cho chúng sanh phải có chỗ thiếu thốn.

“Nguyện lớn thứ tư là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình tu tập theo tà đạo, ta sẽ khiến cho họ trụ yên trong đạo Bồ-đề, còn nếu có những kẻ tu theo Thanh văn thừa hoặc Độc giác thừa, ta sẽ khiến cho đều vững tin vào Đại thừa.

“Nguyện lớn thứ năm là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có vô lượng vô biên những hữu tình theo lời dạy của ta mà tu hành, nghiêm giữ phạm hạnh, ta sẽ khiến cho tất cả đều được giới hạnh chẳng thiếu sót, trọn vẹn Ba nhóm giới. Như có người phạm vào giới luật, nghe danh hiệu ta rồi liền được trong sạch như khi chưa phạm giới, không phải đọa vào các nẻo ác.

“Nguyện lớn thứ sáu là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình thân thể hèn yếu, các căn chẳng đủ, xấu xa, ngu ngốc, đui điếc, câm ngọng, què cụt, lưng khòm, ghẻ lác, điên cuồng… đủ các thứ bệnh khổ, khi nghe được danh hiệu ta rồi, hết thảy đều trở nên đoan chánh, sáng suốt, các căn trọn đủ, không còn bệnh tật khổ não.

“Nguyện lớn thứ bảy là: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình bị nhiều bệnh hiểm nghèo, không người cứu giúp, không chỗ nương về, không thầy, không thuốc, không thân thích, nhà cửa, nghèo túng, chịu nhiều khổ não, khi nghe được danh hiệu ta một lần, thì bệnh tật dứt hết, thân tâm vui vẻ, yên ổn; nhà cửa, thân thuộc, tiền của đầy đủ, mọi thứ đều dồi dào, dư dả; thậm chí được chứng quả Phật.

“Nguyện lớn thứ tám: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những người nữ vì mang thân nữ mà bị cả trăm việc xấu làm cho bức bách, khổ não, hết sức chán ngán nên nguyện được bỏ thân nữ. Những người ấy nghe được danh hiệu ta rồi, hết thảy đều được chuyển thân nữ thành thân nam, đủ các tướng trượng phu; thậm chí được chứng quả Phật.

“Nguyện lớn thứ chín: Nguyện về sau khi ta thành Phật, sẽ khiến cho các hữu tình thoát khỏi lưới ma bao phủ, giải thoát khỏi hết thảy trói buộc của ngoại đạo. Nếu như bị sa vào rất nhiều những chỗ ác kiến dày đặc như khu rừng rậm, ta sẽ dắt dẫn, đưa đến chánh kiến, khiến cho dần dần tu tập các hạnh Bồ Tát và mau chứng quả Phật.

“Nguyện lớn thứ mười: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình phạm vào luật nước, bị trói buộc, đánh đập, xiềng xích nơi lao ngục; hoặc sẽ bị chém chết, hay bị vô số những tai nạn lăng nhục, sầu thảm bức bách, thân tâm khổ sở. Nếu nghe được danh hiệu ta, nhờ sức oai thần do phước đức của ta, hết thảy đều được thoát khỏi mọi sầu ưu khổ não.

“Nguyện lớn thứ mười một: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình chịu khổ sở vì đói khát; vì cầu được miếng ăn mà tạo các nghiệp dữ. Nghe được danh hiệu ta mà hết lòng trì niệm, trước tiên ta sẽ dùng các món ăn ngon nhất mà cho ăn uống no đủ; rồi sau mới dùng chánh pháp mà giáo hóa, khiến cho được sự yên vui bền vững.

“Nguyện lớn thứ mười hai: Nguyện về sau khi ta thành Phật, nếu có những hữu tình nghèo hèn không có quần áo; ngày đêm chịu khổ sở vì nóng, vì rét, vì muỗi mòng. Nếu nghe danh hiệu ta mà chuyên niệm thọ trì, tùy theo chỗ ưa thích mà sẽ được mọi thứ y phục tốt đẹp nhất, cũng như đầy đủ hết thảy các món báu để trang sức, cùng với những vòng hoa, hương phết và các thứ âm nhạc. Tùy chỗ ưa thích trong lòng, ta đều khiến cho được đầy đủ.

“Văn-thù-sư-lợi! Đó là mười hai lời nguyện cao quý, vi diệu mà đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác… đã phát khởi khi còn tu đạo Bồ Tát.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Những nguyện lớn mà đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ấy đã phát khởi khi còn tu đạo Bồ Tát, và những công đức trang nghiêm nơi cõi Phật của ngài, dù trong suốt một kiếp hay hơn một kiếp, ta cũng chẳng thể nói hết. Cõi Phật của ngài hoàn toàn trong sạch, không có người nữ, cũng không có những nẻo ác và âm thanh khổ. Đất đai bằng ngọc lưu ly, có dây bằng vàng giăng ra ngăn thành đường đi. Thành quách, cung điện, nhà cửa, màn lưới… đều do bảy món báu tạo thành, cũng như công đức trang nghiêm ở thế giới Cực Lạc phương tây của Phật A-di-đà, chẳng hề sai khác.

“Nơi cõi Phật ấy có hai vị đại Bồ Tát. Vị thứ nhất tên là Nhật Quang Biến Chiếu. Vị thứ hai tên là Nguyệt Quang Biến Chiếu. Đó là hai vị đứng đầu trong chúng Bồ Tát vô số vô lượng nơi đó. Các ngài chỉ còn một lần thọ sanh nữa là thành Phật, có thể truyền giữ kho báu Chánh Pháp của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.

“Văn-thù-sư-lợi! Vì vậy những kẻ nam người nữ có lòng tin, nên phát nguyện sanh về thế giới của đức Phật ấy.”

Lúc ấy, Thế Tôn lại bảo ngài Văn-thù-sư-lợi rằng: “Văn-thù-sư-lợi! Có những chúng sanh chẳng biết lành dữ, chỉ ôm ấp tánh tham lam keo lận, chẳng biết đến bố thí và phước báo của việc bố thí; ngu si không có trí huệ, thiếu mất lòng tin, thường gom góp tiền bạc, của quý, chăm chăm giữ lấy; thấy người đến xin họ chẳng vui lòng. Như gặp lúc bất đắc dĩ mà phải cho, thì tiếc rẻ như phải cắt xẻo da thịt trong thân thể, đau đớn thương tiếc.

“Lại có vô số những người tham lam keo lận, tích trữ tiền bạc của cải, tự mình chẳng dám tiêu dùng, nói chi đến việc mang cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, người giúp việc hoặc kẻ đến xin? Những người ấy, khi bỏ mạng ở cảnh này thì sanh nơi cảnh giới ngạ quỷ, hoặc trong nẻo súc sanh. Do thuở còn làm người được thoáng nghe qua danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên nay sanh trong nẻo ác, họ bèn nhớ lại.

“Ngay khi nhớ tưởng đến, liền được bỏ thân nơi nẻo ác, sanh trong loài người, lại nhớ được đời trước của mình, lấy làm ghê sợ sự khổ nơi nẻo ác nên không còn ưa thích dục lạc, chuộng làm việc bố thí, giúp người, khen ngợi những người bố thí. Họ chẳng còn tham tiếc tất cả những thứ mình sở hữu. Dần dần, họ có thể lấy cả đầu, mắt, tay chân, máu thịt, thân thể mà cho những kẻ đến xin, huống chi là những tài vật khác?

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu có những người tuy được học đạo nơi đức Như Lai, nhưng phạm vào các giới cấm; hoặc chẳng phạm giới, nhưng phạm vào quỹ tắc; hoặc chẳng phạm giới và quỹ tắc, nhưng hủy phạm chánh kiến; hoặc chẳng hủy phạm chánh kiến, nhưng chẳng được nghe biết nhiều, chỗ Phật thuyết những nghĩa sâu trong kinh điển đều không thể hiểu rõ. Hoặc tuy nghe biết nhiều, nhưng sanh ra kiêu mạn thái quá. Do kiêu mạn thái quá che lấp cả tâm tánh nên bao giờ cũng cho mình là đúng, người khác là sai, chê ghét chánh pháp, làm bạn với ma. Những kẻ ngu si như vậy chẳng những tự mình đi theo tà kiến, còn làm cho vô số người khác phải đọa vào hố sâu hiểm ác.

“Những người ấy tội đáng phải lưu chuyển mãi mãi trong các cõi địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Nhưng nếu được nghe danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, liền bỏ các điều ác, tu các pháp lành, chẳng đọa các nẻo ác.

“Ví như họ chẳng bỏ được các điều ác mà tu các pháp lành, nên phải đọa vào các nẻo ác, nhưng nhờ oai lực bản nguyện của đức Như Lai, khiến cho khi ấy được thoáng nghe qua danh hiệu của Ngài, đến lúc mạng chung trong nẻo ác, liền sanh trở lại làm người, được chánh kiến, tinh tấn, khéo điều hòa tâm ý vui vẻ, liền có thể lìa bỏ gia đình, hướng đến cảnh sống không có gia đình. Ở trong giáo pháp Như Lai thọ trì tu học, không hề hủy phạm chánh kiến, nghe rộng biết nhiều, hiểu được nghĩa sâu kín, lìa bỏ tâm kiêu mạn, chẳng chê bai Chánh pháp, chẳng làm bạn với ma. Dần dần tu tập và làm theo các hạnh Bồ Tát, mau chóng được thành tựu đầy đủ.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu những người có tâm tham lam tật đố, khen mình chê người, tội đáng đọa trong vào ba nẻo ác đến vô lượng ngàn năm, gánh chịu các khổ não nặng nề, cho đến khi mạng chung từ nẻo ác, rồi sanh lại cõi thế gian mà làm bò, ngựa, lạc đà, lừa, thường bị đòn roi đánh đập, đói khát khổ sở, lại phải thường chở đồ vật nặng nề mà đi trên đường. Nếu được làm người, phải sanh vào nơi hạ tiện, làm tôi tớ người khác, bị sai khiến phục dịch nặng nề, thường chẳng được tự do theo ý mình.

“Nếu như thuở trước khi làm người từng được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, do nhân lành ấy nay tưởng nhớ đến, chí tâm qui y. Nhờ sức thần của Phật liền thoát hết mọi khổ não, các căn đều nhanh nhạy, không ngăn ngại, lại được trí huệ, nghe nhiều biết rộng, thường cầu giáo pháp cao trổi, thường gặp bạn lành, mãi mãi đoạn tuyệt những quyến thuộc của ma, phá vỡ lớp bọc vô minh, làm khô nước sông phiền não, giải thoát hết thảy mọi nỗi khổ não sanh, già, bệnh, chết.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu có những người ưa thích gây việc ngang trái chia lìa, lại hay tranh chấp kiện tụng, gây não loạn cho mình và người khác; dùng thân, miệng, ý mà tăng trưởng mọi thứ nghiệp dữ; từ lâu thường làm những việc chẳng chút lợi ích, mưu hại lẫn nhau; cầu đảo các vị thần núi, thần rừng, thần cây cối, thần đất đai; giết hại chúng sanh để lấy máu thịt mà tế tự các loài dược-xoa, la-sát-bà…; viết tên kẻ oán thù, làm hình tượng kẻ ấy, rồi trù ẻo bằng chú thuật ác độc; dùng sâu độc ếm hại người khác; đọc chú thuật gọi thây ma dậy, sai khiến đi hại mạng, làm tổn hại thân thể kẻ khác. Những người ấy, nếu được nghe danh hiệu của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai rồi thì những việc ác kia không thể làm hại được, hết thảy đều dần dần phát khởi lòng lành, muốn làm những việc lợi ích an lạc, không có ý não hại, không ôm lòng oán hận. Ai nấy đều vui vẻ. Tùy theo chỗ có được đều tự thấy vui đủ, chẳng xâm hại lẫn nhau, lại còn làm lợi ích cho nhau.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu trong số bốn chúng: tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di cùng những người có lòng tin trong sạch, những kẻ nam người nữ lòng lành, có những người thường thọ trì được Tám phần trai giới qua một năm, hoặc lại qua ba tháng thọ trì học tập giáo pháp. Do những căn lành ấy, liền nguyện được sanh ở thế giới Cực Lạc phương Tây của Phật Vô Lượng Thọ. Tuy được nghe Chánh pháp nhưng tâm trí thật chưa quyết định. Nếu nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, lúc mạng chung liền có tám vị đại Bồ Tát là: Bồ Tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đắc Đại Thế, Bồ Tát Vô Tận Ý, Bồ Tát Bảo Đàn Hoa, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Dược Thượng, Bồ Tát Di-lặc. Tám vị đại Bồ Tát này từ không trung mà đến, chỉ rõ đường đi cho kẻ vừa mạng chung ấy. Liền đó, tự nhiên được hóa sanh từ giữa những đóa hoa quý đủ màu nơi thế giới kia.

“Hoặc lại có người do nhân duyên như vậy được sanh lên cõi trời. Tuy sanh nơi cõi trời, nhưng căn lành từ trước chưa hết, không phải đọa sanh trong các nẻo ác. Khi hết tuổi thọ nơi cõi trời, sanh trở lại nhân gian. Hoặc làm bậc Luân Vương thống lãnh bốn châu, oai đức tự tại, giúp cho vô lượng trăm ngàn người được vững trụ yên ổn nơi mười điều lành; hoặc sanh trong các nhà danh giá thuộc dòng sát-đế-lỵ, bà-la-môn, cư sĩ, giàu có sung túc, kho lẫm tràn đầy, lại được hình tướng đoan chánh, quyến thuộc đầy đủ, thông minh trí huệ, mạnh mẽ oai dũng như đại lực sĩ.

“Nếu có người nữ nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, hết lòng thọ trì, về sau chẳng còn phải sanh làm thân nữ.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Khi đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thành Phật, do nơi nguyện lực từ trước nên quán sát thấy những chúng sanh gặp nhiều bệnh khổ, gầy ốm xanh xao hoặc nóng bức, vàng da… Hoặc bị trù ếm, trúng phải sâu độc, hoặc chết yểu, hoặc chết bất đắc kỳ tử… Vì muốn giúp cho chúng sanh trừ các bệnh khổ, chỗ mong cầu được trọn đủ, nên đức Thế Tôn ấy nhập vào phép định gọi là Trừ diệt hết thảy khổ não của chúng sanh. Ngài vào phép định ấy rồi, từ nơi nhục kế liền phóng ra ánh hào quang chói sáng. Trong hào quang vang ra tiếng diễn thuyết câu đại thần chú rằng:

Nam-mô Bạc-già-phạt-đế, Bệ-sái-xã lũ-rô. Bệ-lưu-ly, Bát-lạt-bà, hát-ra-xà-giả. Đát-đà-yết-đa-da A ra-hát-đế. Tam miệu. Tam-bột-đà-da. Đát-điệt-tha. Án. Bệ-sái-thệ. Bệ-sái-thệ. Bệ-sái-xã. Tam-một-yết-đế, Tá-ha!

“Lúc ấy, từ trong hào quang thuyết ra câu thần chú rồi, khắp mặt đất liền chấn động, phóng ánh sáng chói lòa. Hết thảy bệnh khổ của chúng sanh đều dứt trừ, được hưởng sự vui vẻ, yên ổn.

“Văn-thù-sư-lợi! Nếu thấy có kẻ nam người nữ nào thân mang bệnh khổ, nên hết lòng vì người bệnh ấy mà súc miệng chải răng, đối trước những thức ăn, thuốc uống hoặc nước sạch không có trùng mà trì tụng thần chú ấy một trăm lẻ tám lần, rồi mang cho người bệnh ăn hoặc uống. Bệnh khổ của người ấy hết thảy đều tiêu diệt.

“Người có điều mong cầu nên hết lòng tụng niệm thần chú ấy, đều được thỏa mãn, lại được không bệnh tật và thêm tuổi thọ. Khi mạng chung, được sanh về cõi Phật Dược Sư, được địa vị Bất thối chuyển, cho đến đắc quả Bồ-đề.

“Văn-thù-sư-lợi! Vì vậy, nếu có kẻ nam người nữ nào hết lòng trân trọng nhớ ơn, cung kính cúng dường đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, nên thường tụng trì thần chú ấy, đừng để dứt mất.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu có những kẻ nam người nữ lòng tin trong sạch, được nghe danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Ứng, Chánh đẳng giác… Nghe rồi liền trì tụng: mỗi buổi sáng đều chải răng, súc miệng sạch sẽ, dùng hương hoa, hương đốt, hương phết, trỗi các thứ âm nhạc, cúng dường hình tượng Phật; lại dùng kinh điển này, hoặc tự sao chép hoặc bảo người khác sao chép, hết lòng thọ trì, nghe rõ nghĩa lý trong kinh. Đối với vị pháp sư ấy, nên cúng dường hết thảy những món cần dùng cho thân thể, đừng để thiếu thốn. Như vậy sẽ được chư Phật hộ niệm, những điều mong cầu đều được thỏa mãn, cho đến được đắc quả Bồ-đề.”

Lúc ấy, ngài Văn-thù-sư-lợi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con nguyện rằng đến thời Tượng pháp, con sẽ dùng mọi phương tiện để giúp cho những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch đều được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cho đến trong giấc ngủ cũng đọc danh hiệu Phật cho họ nghe biết vào tai.

“Bạch Thế Tôn! Nếu có những ai thọ trì, đọc tụng kinh này, hoặc mang ra mà diễn thuyết, chỉ bảo cho người khác. Hoặc tự sao chép, hoặc bảo người khác sao chép, cung kính tôn trọng, dùng các thứ hương hoa, hương phết, hương bột, hương đốt, vòng hoa, chuỗi ngọc, tàn che, lọng phủ, các thứ âm nhạc mà cúng dường kinh này. Lại dùng hàng lụa năm màu làm bao túi để đựng kinh. Dọn rửa sạch sẽ nơi yên tịnh, thiết đặt tòa cao để đặt kinh lên đó. Bấy giờ, bốn vị Đại Thiên vương cùng với quyến thuộc và vô lượng trăm ngàn Thiên chúng sẽ cùng đến nơi ấy cúng dường, gìn giữ hộ trì.

“Thế Tôn! Nếu kinh quý này lưu hành ở đâu, có người thường thọ trì, do nơi công đức bản nguyện của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai và việc được nghe danh hiệu ngài, nên biết rằng nơi ấy không có việc chết bất đắc kỳ tử, cũng không có việc quỷ dữ đoạt lấy tinh khí của người. Ví như đã bị đoạt mất rồi, liền trở lại như cũ, thân tâm được an lạc.”

Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: “Đúng vậy, đúng vậy! Đúng như ông vừa nói đó.

“Văn-thù-sư-lợi! Nếu những thiện nam tử và thiện nữ nhân có lòng tin trong sạch, muốn cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, trước hết nên tạo lập hình tượng, thiết tòa thanh tịnh mà đặt lên yên ổn. Rồi rải nhiều loại hoa, đốt nhiều loại hương, dùng nhiều thứ cờ, phướn mà trang nghiêm chỗ ấy. Trong bảy ngày bảy đêm, thọ tám phần trai giới, chỉ dùng những món ăn trong sạch. Tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo sạch, phát tâm trong sạch không chút cấu nhiễm, uế trược, sân hận, độc hại; đối với hết thảy hữu tình phát khởi tâm bình đẳng, từ, bi, hỷ, xả, an lạc, lợi ích. Rồi trỗi âm nhạc, ca tán, đi quanh hình tượng Phật theo hướng bên phải. Lại nên nghĩ nhớ đến công đức bản nguyện của đức Như Lai ấy, đọc tụng kinh này, suy xét nghĩa kinh, diễn thuyết, chỉ bảo cho người khác. Như vậy thì chỗ mong cầu đều được toại nguyện. Như cầu sống lâu tất được sống lâu, cầu giàu có sẽ được giàu có, cầu quan chức tất được quan chức, hoặc muốn cầu trai, gái, thảy đều như nguyện.

“Lại như có người gặp cơn ác mộng, thấy các tướng dữ ghê sợ, hoặc những loài chim quái dị bay đến tụ tập; hoặc nơi chỗ ở có hàng trăm việc kỳ quái xuất hiện. Nếu người ấy biết đem những món quí đẹp mà cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì các tướng dữ, ác mộng, những điềm chẳng lành, thảy đều tự mất, không thể làm tổn hại.

“Hoặc gặp những nạn dữ như nước, lửa, dao độc, đi qua đường hiểm, voi dữ, sư tử, cọp, sói, gấu đen, gấu trắng, rắn rết độc, bò cạp, muỗi mòng… gây ra khiếp sợ. Nếu có thể hết lòng tưởng nhớ đức Phật ấy, cung kính cúng dường, liền được giải thoát khỏi hết thảy nạn dữ.

“Hoặc gặp khi nước khác xâm lấn, trộm cướp, giặc loạn, cung kính nghĩ nhớ đến Ngài, đều được giải thoát khỏi các nạn ấy.

“Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi! Nếu những kẻ nam người nữ có lòng tin trong sạch, cho đến trọn đời chẳng phụng sự thiên thần nào cả, chỉ một lòng qui y nơi Phật, Pháp, Tăng, thọ trì giới cấm, hoặc Năm giới, hoặc Mười giới, hoặc Bốn trăm giới Bồ Tát, hoặc Hai trăm năm mươi giới tỳ-kheo, hoặc Năm trăm giới tỳ-kheo ni. Trong khi thọ giới, như có chỗ hủy phạm, sợ đọa vào nẻo ác; nếu biết chuyên tâm niệm danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, nhất định chẳng phải sanh vào Ba nẻo ác.

“Hoặc có người nữ khi sanh con, chịu đau đớn khổ sở cùng cực. Nếu có thể chí tâm xưng niệm danh hiệu, tán lễ, cung kính cúng dường đức Như Lai ấy, thì các sự đau đớn khổ sở đều trừ dứt. Khi sanh con ra thân thể đầy đủ, hình sắc đoan chánh ai thấy cũng vui mừng, lại được thông minh lanh lợi, an ổn ít bệnh, không bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo A-nan rằng: “Nay ta xưng tán, khen ngợi những công đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chính là chỗ hành vi rất sâu xa của chư Phật, khó hiểu thấu được. Ông có tin được chăng?”

A-nan bạch rằng: “Bạch đấng Thế Tôn đức độ cao vời, đối với các kinh điển mà Như Lai thuyết con chẳng hề sanh lòng nghi hoặc. Vì sao vậy? Tất cả nghiệp thân, miệng, ý của đấng Như Lai, không có gì là không thanh tịnh.

“Thế Tôn! Hai vầng nhật nguyệt kia có thể làm cho rơi rụng xuống. Núi chúa Diệu Cao có thể làm cho nghiêng ngã. Nhưng những lời chư Phật dạy không hề sai khác.

“Thế Tôn! Có những chúng sanh chẳng đủ lòng tin, nghe nói chỗ hành vi rất sâu xa của chư Phật, liền suy nghĩ rằng: Vì sao chỉ niệm danh hiệu của một đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai mà được các công đức cao trổi, ích lợi dường ấy? Nghĩ vậy nên chẳng tin, quay lại báng bổ. Những người ấy mãi mãi về sau chẳng được điều lợi ích, vui mừng lớn, phải đọa các nẻo ác, lưu chuyển không cùng.”

Phật bảo A-nan: “Những người này nếu nghe danh hiệu của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chí tâm thọ trì, chẳng sanh lòng nghi hoặc, thì không có lẽ nào lại đọa vào những nẻo ác.

“A-nan! Đó là chỗ hành vi rất sâu xa của chư Phật, khó tin hiểu được. Nay ông có thể nhận lãnh được, nên biết rằng đó là nhờ oai lực của Như Lai.

“A-nan! Hết thảy các bậc Thanh văn, Độc giác, cùng các vị Bồ Tát chưa lên Thập địa, đều chẳng thể tin hiểu đúng như thật. Chỉ trừ bậc Bồ Tát Nhất sanh sở hệ mà thôi.

“A-nan! Sanh ra làm người là khó, đối với Tam Bảo biết kính tin, tôn trọng cũng là khó. Được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng khó như vậy!

“A-nan! Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai có vô số các hạnh Bồ Tát, vô số phương tiện khéo léo tinh tế, vô số những lời nguyện lớn lao bao quát. Dù ta có thuyết rộng trong suốt một kiếp, hay hơn một kiếp, thời gian ấy sẽ qua rất nhanh mà các hạnh nguyện, phương tiện của ngài chẳng thể nói hết!”

Lúc ấy, trong chúng hội có một vị đại Bồ Tát tên là Cứu Thoát, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch tay áo bên vai phải, quỳ gối phải xuống, cúi người chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn đức độ cao vời, trong thời Tượng pháp có những chúng sanh bị khốn khổ vì nhiều thứ bệnh hoạn, kéo dài làm cho suy nhược, gầy ốm, không ăn uống được, miệng khô cổ nóng, nhìn thấy chỗ nào cũng đen tối, cái chết hiện ra cận kề. Cha mẹ, quyến thuộc, bạn bè quen biết kêu khóc vây quanh. Riêng tự thân người ấy vẫn nằm yên đó mà nhìn thấy sứ giả của vua Diễm-ma dẫn thần thức mình đến trước vua ấy. Mỗi người đều có một vị thần Câu sanh ghi chép đủ các điều tội phước đã làm, đưa hết cho Diễm-ma Pháp vương. Vua Diễm-ma bấy giờ mới tra hỏi, cân nhắc các việc đã làm, tùy theo tội phước mà xử đoán.

“Khi ấy, nếu những thân quyến của người bệnh có thể vì người ấy mà qui y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thỉnh chư tăng đến đọc tụng riêng một kinh này, thắp đèn bảy tầng, treo phướn thần năm màu nối mạng. Hoặc thần thức người kia liền được trở về như người trong mộng, tự thấy tỏ rõ. Hoặc trải qua bảy ngày, hoặc hai mươi mốt ngày, hoặc ba mươi lăm ngày, hoặc bốn mươi chín ngày, thần thức người kia mới được trở về, như trong mộng tỉnh ra, tự nhớ biết hết các nghiệp lành dữ của mình. Những chỗ quả báo đều tự thấy biết. Vì thấy biết rõ quả báo của nghiệp, nên cho dù mạng sống có bị đe dọa cũng chẳng dám làm việc dữ.

“Vì vậy, những kẻ nam người nữ lòng lành, có lòng tin trong sạch, đều nên thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, tùy sức mình mà thường cung kính cúng dường.”

Lúc ấy, A-nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát: “Thưa ngài, nên cung kính cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai như thế nào? Đèn, phướn nối mạng nên làm như thế nào?”

Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Này đại đức! Nếu có người bệnh muốn thoát bệnh khổ, thì quyến thuộc nên vì người ấy, thọ trì Tám phần trai giới trong bảy ngày đêm. Nên tùy sức mình mà sắm sửa các món ăn thức uống cùng những đồ dùng cần thiết cúng dường chư tỳ-kheo tăng. Ngày đêm sáu thời đi quanh cung kính lễ bái, cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Đọc tụng kinh này bốn mươi chín lần, thắp bốn mươi chín ngọn đèn. Tạo bảy hình tượng đức Như Lai ấy, trước mỗi hình tượng đặt bảy ngọn đèn, mỗi ngọn đèn đều lớn như bánh xe. Như vậy cho đến bốn mươi chín ngày, ánh sáng chẳng dứt. Làm phướn bằng lụa năm màu dài bốn mươi chín gang tay. Nên làm việc giải thoát sanh mạng đủ loại chúng sanh cho đến bốn mươi chín ngày, có thể qua khỏi nạn nguy ách, chẳng còn bị các loài quỷ ác hại níu giữ.

“Lại nữa, A-nan! Nếu những vị vua dòng sát-đế-lỵ có thọ lễ Quán đảnh gặp nhiều tai nạn khởi lên, như là: bệnh dịch trong nhân dân, nạn xâm lăng từ nước khác, phản nghịch ở nước mình, nạn tinh tú biến đổi quái lạ, nạn nhật thực nguyệt thực, nạn mưa gió trái mùa, nạn hạn hán… Bấy giờ, những vị vua ấy nên khởi lòng từ bi đối với tất cả hữu tình, phóng thích kẻ tù tội, y theo phép cúng dường vừa nói trên mà cúng dường đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Nhờ căn lành đó cùng với nguyện lực của đức Như Lai, cõi nước ấy liền được yên ổn, mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa; hết thảy người người đều không bệnh tật, sung sướng vui vẻ. Trong nước không có những thần dược-xoa bạo ác quấy rối hữu tình. Hết thảy tướng ác đều mất đi. Riêng những vị vua ấy được sống lâu, đẹp đẽ, khỏe mạnh, không bệnh tật, không trói buộc, thảy đều được tăng phần lợi ích.

“Này A-nan! Nếu các vị hoàng hậu, vương phi, công chúa, vương tử sắp nối ngôi, đại thần, tể tướng, thể nữ trong cung, quan chức, hoặc dân thường, bị khổ sở vì bệnh tật và các tai ách, thì cũng nên làm phướn thần năm màu, thắp đèn sáng liên tục, giải thoát sanh mạng cho chúng sanh, rải hoa đủ loại nhiều màu, xông đốt các loại danh hương cúng dường đức Như Lai Dược Sư Quang Lưu Ly. Bệnh tật liền hết, thoát khỏi mọi tai nạn.”

Lúc ấy, A-nan hỏi Bồ Tát Cứu Thoát rằng: “Thưa ngài, khi mạng sống đã hết làm sao lại có thể tăng thêm?”

Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Này đại đức! Ông chẳng nghe Như Lai nói đến chín cách chết oan uổng hay sao? Vì vậy nên mới khuyên làm phướn và đèn nối mạng, tu các việc phước đức. Nhờ tu phước nên trọn đời chẳng phải trải qua những cơn hoạn nạn, khổ não.”

Ngài A-nan liền hỏi: “Thế nào là chín cách chết oan uổng?”

Bồ Tát Cứu Thoát đáp: “Như có những người mắc bệnh nhẹ nhưng không thầy, không thuốc, cũng không có người thăm bệnh. Như được gặp thầy, lại cho thuốc sai. Thật chẳng đáng chết, nhưng lại phải chết uổng. Lại tin theo những tà ma ngoại đạo ở thế gian; nghe các thầy yêu nghiệt nói bậy việc họa phước, sanh ra sợ sệt, dao động, chẳng giữ được lòng chân chánh, bói toán hỏi việc tai họa, giết hại các loại chúng sanh, tâu bày lên các đấng thần minh, kêu gọi các loài quỷ thần sông, rạch, núi, hồ; thỉnh cầu ban phước, hy vọng kéo dài mạng sống, nhưng rốt cuộc chẳng thể được. Kẻ ngu si mê hoặc tin theo tà kiến điên đảo đành phải chết uổng. Đọa vào địa ngục chẳng biết lúc nào ra khỏi. Đó là cách chết oan uổng thứ nhất.

“Cách chết oan uổng thứ nhì là do phép vua mà bị tru diệt.

“Cách chết oan uổng thứ ba là do ưa thích săn bắn, tham dâm mê rượu, phóng túng vô độ, bất ngờ bị loài phi nhân đoạt mất tinh khí mà chết.

“Cách chết oan uổng thứ tư là bị nạn lửa đốt cháy mà chết.

“Cách chết oan uổng thứ năm là chìm dưới nước mà chết.

“Cách chết oan uổng thứ sáu là bị các loài thú dữ ăn thịt.

“Cách chết oan uổng thứ bảy là té chết nơi núi non hiểm trở.

“Cách chết oan uổng thứ tám là do thuốc độc, do trù ếm, chú thuật, các loài thây ma đứng dậy hóa quỷ hại chết.

“Cách chết oan uổng thứ chín là đói khát khốn khổ, do chẳng được ăn uống nên phải chết uổng.

“Đó là chín cách chết oan uổng mà Như Lai đã lược nói ra. Lại còn vô số những cách chết oan uổng khác nữa, khó nói hết được.

“Lại nữa, A-nan! Vua Diễm-ma giữ việc ghi chép tên họ của người thế gian. Nếu những hữu tình nào phạm tội bất hiếu, Năm tội nghịch, phá hoại mạ nhục Tam Bảo, làm hư hoại phép tắc vua tôi, hủy hoại lòng tin, giới cấm, thì vua Diễm-ma tùy theo tội nặng nhẹ mà tra khảo hành phạt họ. Vì vậy nên nay tôi khuyên người ta hãy thắp đèn, treo phướn, phóng sanh, tu phước, để được thoát khổ ách, chẳng phải gặp các tai nạn.”

Lúc ấy, có mười hai vị đại tướng dược-xoa đang ngồi trong Pháp hội. Đó là: Đại tướng Cung-tỳ-la, Đại tướng Phạt-chiết-la, Đại tướng Mê-xí-la, Đại tướng An-để-la, Đại tướng Át-nễ-la, Đại tướng San-để-la, Đại tướng Nhân-đạt-la, Đại tướng Ba-di-la, Đại tướng Ma-hổ-la, Đại tướng Chân-đạt-la, Đại tướng Chiêu-đỗ-la, Đại tướng Tỳ-yết-la.

Mười hai đại tướng dược-xoa ấy, mỗi vị đều có bảy ngàn dược-xoa là quyến thuộc, đồng thanh lên tiếng bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con nay nhờ oai lực Phật nên được nghe danh hiệu đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Chúng con chẳng còn sợ đọa vào các nẻo ác. Chúng con bảo nhau đồng lòng tin theo Phật, Pháp, Tăng cho đến trọn đời. Thề nguyện gánh vác cho hết thảy hữu tình, làm những việc nghĩa lợi, nhiêu ích, an lạc. Dù là thôn quê, thành thị, đồng vắng, rừng sâu, bất cứ nơi đâu mà có người lưu hành, phân phát kinh này, hoặc có người thọ trì danh hiệu đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, cung kính cúng dường, chúng con và quyến thuộc sẽ theo hộ vệ những người ấy, khiến cho thoát khỏi tất cả nạn khổ. Như có mong cầu điều chi, đều làm cho được thỏa mãn. Hoặc có người nào bệnh tật, tai ách cầu được độ thoát, cũng nên đọc tụng kinh này, dùng những tấm lụa năm màu mà kết danh hiệu của chúng con vào. Sau khi được như nguyện rồi sẽ tháo gỡ ra.”

Lúc ấy, đức Thế Tôn khen các đại tướng dược-xoa rằng: “Lành thay, lành thay! Các vị Đại tướng dược-xoa! Các ông nghĩ tưởng việc báo đáp ân đức của đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thường nên làm lợi ích an lạc như vậy cho tất cả hữu tình.”

Bấy giờ, ngài A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nên gọi tên pháp môn này là gì? Chúng con nên phụng trì như thế nào?”

Phật bảo A-nan: “Pháp môn này tên là: Thuyết giảng về công đức bản nguyện của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Cũng tên là: Thuyết giảng về Thần chú kết nguyện của mười hai vị thần tướng làm lợi ích hữu tình. Lại cũng tên là: Trừ diệt hết thảy nghiệp chướng. Nên theo như vậy mà phụng trì.”

Khi đức Thế Tôn thuyết dạy những lời ấy rồi, các vị đại Bồ Tát, đại Thanh văn, quốc vương, đại thần, bà-la-môn, cư sĩ, trời, rồng, dược-xoa, kiện-đạt-phược, a-tố-lạc, yết-lộ-trà, khẩn-nại-lạc, mạc-hô-lạc-già, cả loài người và chẳng phải người, tất cả đại chúng nghe Phật thuyết kinh này rồi, thảy đều hết sức vui vẻ, tin nhận, vâng làm.

    Xem thêm:

  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nữ Tâm Thường dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Nghi Quỹ Cúng Dường Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Niệm Tụng Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bi Hoa – Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đà La Ni Thánh Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Như Lai - Kinh Tạng
  • Kinh Giới Tiêu Tai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 27 – Tiểu Kinh Ví Dụ Dấu Chân Voi (Cùlahatthipadopama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Nữ Như Phúc dịch - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng