Kinh Như Lai Độc Chứng Tự Thệ Tam Muội

Phật Thuyết Như Lai Độc Chứng Tự Thệ Tam Muội Kinh

Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Tịnh Nguyên

***

Nghe như vầy:

Một thuở nọ, đức Phật đến tinh xá Giao Lộ, trong rừng nước Câu Đàm Di và dừng lại đạo tràng Độc Chứng Tự Thệ Tam Muội, nơi đức Phật mới thành đạo, có hào quang sáng rực, tự nhiên có tòa sen báu thơm đẹp, sáng thấu cả mười phương. Hoa có ngàn cánh, trên mỗi cánh có hóa Bồ-tát theo thứ tự đứng trên hư không. Tại chỗ, các Bồ-tát lạy sát đất, đi nhiễu một ngàn vòng, trước Phật lớn tiếng khen ngợi chưa từng có:

– Kính lạy đức Thế Tôn! Nơi bổn quốc chúng con thấy cây hóa linh thụy. Khi cây mới mọc có ánh sáng chiếu hằng sa cõi Phật và phát ra tiếng lớn trong trẻo, hòa nhã làm rung động lòng người. Ai nấy đều vui mừng, đầy đủ bình đẳng, tu tập hạnh sáu độ của đại thừa, ba mươi bảy phẩm để hoàn tất Phật sự.

Bấy giờ, Như Lai trong hằng sa cõi bảo Bồ-tát tuyên dương chánh pháp để làm sáng rỡ đại thừa và dạy Bồ-tát cõi mình:

– Từ cõi Phật này, các ông hãy qua hằng sa cõi, có cõi Phật tên Sa Ha (Hán dịch là cõi Nhẫn). Phật ấy hiệu Năng Nhơn Như Lai Vô sở trước Chí chơn, đã vượt qua bốn đạo, không còn thọ sanh, giác ngộ bình đẳng, dùng pháp luật và thần thông để giảng dạy làm Phật sự.

Mỗi đức Như Lai cầm hoa sen ngàn cánh đưa Bồ-tát cõi mình và dạy:

– Ông hãy mang nhân danh Ta với lòng chí thành cung kính đến thăm Phật ấy. Ngài thực hành theo hạnh Bồ-tát, có công đức tròn đầy, chí nguyện đã thành tựu, đầy đủ đạo thể, sanh vào đời năm trược để làm lợi ích giúp đỡ chúng sanh, lần lượt vượt lên trước Di-Lặc, mở rộng lòng từ bi lục độ cứu vớt chúng sanh. Ngài đi đứng có an lạc không, giáo hóa có dễ không? Nay đem hoa này dâng lên thành pháp cúng dường. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều hội nhập trong đạo tràng này.

Nương oai thần của Phật, các Bồ-tát từ cõi của mình bỗng nhiên biến mất, vào sâu định tịch tịnh, nhập quán tam muội, chỉ trong chốc lát đã đến cõi Kham Nhẫn. Các Bồ-tát rời khỏi tòa, đứng nghiêm trang, cung kính chiêm ngưỡng đức Phật, lạy sát đất, đi nhiễu bảy vòng rồi trở về chỗ. Với thần túc oai nghi rực rỡ, sửa pháp phục ngay ngắn, các Bồ-tát thưa trước Phật:

– Bạch Thế Tôn! Như Lai cõi chúng con gởi vô lượng lời thăm hỏi Ngài. Ngài tu tập theo hạnh Bồ-tát đã tròn đầy các công đức, chí nguyện được thành tựu, đạo thể đầy đủ, giáng thần vào đời năm trược để giúp đỡ chúng sanh, lần lượt vượt lên trước Di-Lặc, mở lòng từ bi lục độ cứu vớt chúng sanh, Ngài đi đứng có an lạc không? Giáo hóa có dễ không? Nay dâng hoa này thành pháp cúng dường, nguyện cho tất cả chúng sanh đều hội nhập vào đạo tràng này.

Đức Phật dạy:

– Chư Như Lai có trí tuệ giáo hóa không mệt mỏi, thông suốt tam muội, pháp thân hoàn toàn thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt sâu rộng, đây kia bình đẳng, khen ngợi tôn trọng điều được nghe và hoan hỷ vô cùng.

Bấy giờ, Năng Nhơn Như Lai nhận hoa rồi bỗng nhiên mỉm cười, từ kim khẩu ánh sáng phát ra chiếu cả hằng sa vô lượng cõi Phật khắp mười phương. Ngài đem những hoa ấy rải lên hằng hà sa chư Phật. Hằng sa vô lượng chư Phật cũng tỏa ánh sáng thấu suốt hằng sa thế giới. Tất cả chúng sanh nhờ ánh sáng từ bi của Phật mà đều đắc huệ quán, biết rõ đời trước, lần lượt chiếu vào nhau xuống tới địa ngục. Chúng sanh trong cõi ác, tám nạn, trời, người nhờ ánh sáng từ bi này đều được giải thoát. Trăm ngàn chúng sanh cùng nhau một lòng phát tâm đạo Vô thượng chánh chơn. Ánh sáng ấy quay lại bao quanh thân Ngài ba vòng rồi nhập vào đỉnh đầu.

Bấy giờ hằng sa chư Phật đều thấy nhau rất rõ. Nhờ oai thần của chư Phật, chúng sanh đều thấy được Phật. Sau khi hóa hiện xong thì chư Phật trở lại như thường.

Khi ấy, trong đại chúng có Bồ-tát tên Hiền Nhu, ở trước Phật nói kệ khen ngợi:

– Lành thay! Đại thánh hóa Thương xót loài quần sanh

Từ vô lượng số kiếp

Tích chứa hạnh công đức

Tất cả hạnh công đức

Có cả mấy ngàn trăm

Trăm phước thành một tướng

Lạy đấng tôn ba cõi.

Lành thay! Đại thánh hóa

Từ – huệ vô cùng tận

Chánh pháp tịnh lại quý

Thích sư, trời trong trời

Đại trí cao vô thượng

Thuyền pháp cứu quần sanh

Thánh huệ tịnh vô lượng

Kính lạy đấng Vô thượng.

Lành thay! Đại thánh hóa

Ánh từ sáng hằng sa

Ngu ám đều diệt tận

Mê ngộ và đục trong

Bố thí hợp với thời

Thiện quyền độ chúng sanh

Cầu pháp giúp tất cả

Lạy đấng tôn ba cõi.

Khi ấy, Thánh sư dạy Hiền Nhu:

– Theo pháp, chư Phật cười có ba nguyên nhân. Thế nào là ba?

* Trí Nhất thiết trí thông suốt cả ba đời, biết rõ tâm nguyện của chúng sanh hướng về ba thừa, có đầy đủ bổn hạnh căn tín. Hoặc có Bồ-tát giữ vững chí nguyện rộng lớn, mặc áo giáp đức lớn, giúp đỡ chúng sanh, đoạn hẳn các nẻo, làm cầu đò cho đời, chuyên tu tập lục độ, không lìa bỏ chúng sanh, trụ dần dần vào đạo, dõng mãnh tinh tấn, bố thí không phân biệt, giữ gìn giới cấm, tu hành nhẫn nhục, thiền định không tán loạn, trí huệ sáng suốt, hướng đến bất thối chuyển. Này Hiền Nhu! Đức Phật sẽ thọ ký cho những vị ấy. Chẳng phải chỉ một đức Phật thọ ký cho người ấy, mà được chư Phật hiện tại mười phương thọ ký. Đây là nguyên nhân thứ nhất.

* Có Bồ-tát hướng đến A-duy-nhan (Nhất sanh bổ xứ) trồng nhiều gốc đức, đầy đủ thánh tuệ, cúng dường hằng sa vô lượng chư Phật, chư Phật thọ ký cho mỗi vị rõ ràng, làm thanh tịnh cõi Phật, làm thành thục chúng sanh, đưa họ vào một hạnh, mời chư Phật, Hiền thánh đại nhơn đến làm thuyền đại pháp trong bốn dòng nước dữ, làm cạn biển lục dục, khô mười hai nhân duyên, đi vào năm đường làm thanh tịnh năm căn, tinh thần tịch tịnh. Ở cung Đâu-suất tập hợp các Bồ-tát đại sĩ, Chánh sĩ; thanh tịnh đi trong ba cõi giảng nói pháp bất thối chuyển, được chư Phật hiện tại trong mười phương ở giữa tám bộ chúng khen ngợi. Như Bồ-tát này khen công đức của vị ấy rằng: “Không bao lâu sẽ giáng thần làm Phật, chúng sanh mười phương đều được giải thoát. Đây là nguyên nhân thứ hai.

* Này Hiền Nhu! Nếu có Bồ-tát ở cung trời Đâu-suất hết tuổi thọ sẽ giáng thần nhập vào Cứu cánh quảng hiện tam muội. Chư thiên trời Tịnh Cư quán ba ngàn đại thiên cõi đất đai rộng lớn, nhân dân hòa thuận. Các hàng Sát-lợi, Phạm chí, Trưởng giả, Cư sĩ ở thành ấp nào cũng có đạo đức, thanh tịnh thuần phục, nhơn hòa, từ bi, trí tuệ. Chuyển luân Thánh vương ở Thiên Trúc nhóm họp luận bàn với những người uyên bác có chư thiên theo bên. Hiện ở trong cung điện có thị nữ túc trực hầu hạ. Hiện học hết pháp thế tục, quán bốn vô thường. Thiên tử trời Tịnh Cư khuyên vị ấy xuất gia, vào trong núi tinh tấn tu tập, ngồi dưới gốc cây Bối-đa, cạo bỏ râu tóc, tự thệ làm Sa-môn, tu tập theo pháp của Phật trước, lấy pháp làm thầy, trời Tịnh Cư làm chứng. Một đêm nọ chứng Tam đạt, thu phục quân ma, đầy đủ Phật sự. Cây linh thụy mọc khắp nơi. Như Lai trong hằng sa thế giới chư Phật ở giữa tám bộ chúng cõi mình khen ngợi công đức Bồ-tát ngồi dưới gốc cây. Chư Phật bảo các Bồ-tát cõi mình đến tặng hoa với lòng cung kính, khen ngợi đại thừa. Như vậy, này Hiền Nhu! Chư Phật hiện tại mười phương đều biết vị Bồ-tát này. Chúng sanh trong đạo tràng rất vui mừng. Đây là nguyên nhân thứ ba.

Những Bồ-tát đến đều là những vị vốn có nhân duyên với Như Lai, nhờ nghe giảng pháp mà đắc Vô sanh. Hoặc có vị hướng đến Đồng chơn (trụ thứ tám trong mười trụ); có vị hướng đến Liễu sanh (từ sơ phát tâm đến trụ thứ tư); có vị hướng đến A-duy-nhan (Nhất sanh bổ xứ); Như Lai đã thọ ký cho từng vị phân minh, đầy đủ.

Chánh sĩ nên biết! Phật mỉm cười không phải cười vô cớ.

Khi Phật nói pháp này có bảy mươi ức na-thuật Bồ-tát đắc địa vị Đồng chơn, sáu mươi ức na-thuật Bồ-tát đắc địa vị Liễu sanh, ba mươi ức na-thuật Bồ-tát đắc địa vị A-duy-nhan, trăm ngàn ức Tỳ-kheo đắc A-la-hán, chín mươi ức na-thuật người đắc dấu chân đạo, chư thiên ba cõi đều đắc pháp nhãn.

Khi ấy, Thánh sư nói kệ:

– Pháp giới đều là không

Sắc thân chơn thanh tịnh

Giáo hóa độ vô cùng

Tam muội không có nhân

Cõi Phật cũng chẳng không

Huệ tịnh cũng chẳng có

Thương đời hiện mỉm cười

Chánh sĩ nên thọ mau.

Khi ấy, trong chúng có Bồ-tát tên Minh Kiến Quang Hiền đứng dậy sửa páp phục, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, quỳ dài chấp tay thưa:

– Con có điều muốn thưa. Cúi xin Thánh sư dùng vô lượng huệ chiếu để giải thích cho người chưa được nghe.

Phật dạy:

– Lành thay! Ông cứ hỏi. Vì ông, Ta sẽ giảng giải chánh pháp.

Bồ-tát Minh Kiến Quang Hiền thưa:

– Bạch Thế Tôn! Vì sao nói rằng Bồ-tát Chánh sĩ xuất gia đầy đủ đạo, chứng đắc Nhất thiết trí?

Thánh sư dạy:

– Này Chánh sĩ! Hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ vào ý nghĩa: chư Phật xuất gia chắc chắn có nguyên do, nơi thanh vắng ngồi thiền tư duy giáo lý huyền diệu, thông đạt đến chỗ nhiệm mầu. Ai chuyên lòng nghĩ đến đạo, chắc chắn được phước báo. Có phước báo thì được làm trời Tịnh Cư, Phạm thiên tự tại bảo Đế Thích hóa hiện bốn cảnh vô thường già – bệnh – chết. Nhờ nghe nói pháp này mà tất cả chứng ly dục khổ nạn, nhớ nghĩ đạo thanh tịnh, trong núi nghiên cứu tu tập hành thiền.

Vừa nghĩ ý này, Tứ thiên vương xuống đến cây Bối-đa khiến vị ấy nhớ lại pháp xuất gia của Phật trước đây, lấy pháp làm thầy, chư thiên làm chứng, bên trong có lòng tin kiên cố, tu tập lục độ, ba mươi bảy phẩm hoàn tất Phật sự, bỗng nhiên tự ngộ. Đế Thích liền đưa đao cao, Bồ-tát tay phải cầm tóc, tay trái cầm dao tự suy nghĩ: “Cắt bỏ những tập khí khổ não, dơ bẩn, trồng cội vô trước, đoạn dòng sanh tử, thông suốt nguồn Nê-hoàn”.

Đã phát tâm và được xuất gia, ý chí kiên cố không giải đãi, có lòng tin sâu sắc không thối chuyển, hiểu biết đầy đủ, tư duy rõ ràng. Dao chưa đụng tóc thì bỗng nhiên tóc tự rụng, hiển lộ nhục kế. Bồ-tát Bổ xứ suy nghĩ: “Trước kia đức Phật xuất gia, cạo tóc thì liền có pháp phục ca-sa”. Vừa nghĩ vậy, trời Tịnh Cư đưa ca-sa đẹp mềm bằng lụa trời. Bồ-tát nhận rồi đắp lên thân và sửa ngay ngắn.

Khi ấy, chư Phật trong hằng sa vô lượng cõi thấy rõ như vậy và đưa ca-sa cho Bồ-tát, Bồ-tát liền nhận. Chư Phật cõi này và các cõi khác đều hiện oai thần thông làm cho những chiếc ca-sa của chư Phật đưa nhập lại thành một chiếc tên là Tát Phi Phật Đầu Chấn Việt. Y nay hiện ở cõi Phạm thiên. Ngồi thiền sáu năm, biết rõ kiếp trước. Cuối đêm của năm thứ sáu, giới chứng mới hiện.

Sao gọi là giới chứng? – Nghĩa là lập chí nơi thanh vắng, hưởng thụ chánh pháp, tinh thần linh hoạt, giữ giới hành đạo, không tiếc thân mạng, không đoái hoài đến vì sánh nó như vạn vật, không cầu lợi dưỡng, giữ không và hành tịnh, thường quán pháp thanh tịnh, hành bốn đẳng từ bi hỷ hộ, đầy đủ bốn ân, không còn các triền cái, hiểu rõ bốn tầng thiền không tỳ vết, không còn phân biệt, không theo pháp của kẻ khác. Trong pháp của Phật được chứng đắc đạo Nê-hoàn. Đó là Sa-môn giữ giới chân chánh.

Phật dạy:

– Này Chánh sĩ! Giới cấm không có hình tướng, không vướng trong ba cõi, không thức, không ngã, không nhơn, không mạng, không ý, không tên, không họ, không hòa, không số, không tạo tác, không từ đâu đến, không đi về đâu, không hình không diệt, không thân không phạm, không miệng không nói, không tâm không nghĩ, không có việc đời không nghĩ tưởng, không có sở duyên không chỗ trụ, không có giới không cảm ứng, không niệm không bại hoại. Đó là giới cấm. Giới cấm của Phật không tỳ vết, không chấp vào giới, không sân không giận, an ổn thanh tịnh, mục đích vượt qua đạo thế gian. Như vậy là giữ giới. Không thọ không hình, không thọ thọ mạng, không thích năm đạo. Với Phật pháp, người hiểu như vậy là giữ giới. Không ở chặng giữa, không ở một bên, không chấp trước, không lay chuyển, ví như gió trong hư không. Đó là Bồ-tát giữ giới.

Này Chánh sĩ! Ban đầu ngồi dưới gốc cây, trước tiên làm thanh tịnh giới chứng, vứt bỏ gốc khổ dục, đoạn tâm ý tán loạn, không tưởng khởi, không tưởng động, không tưởng kiêu mạn, không tưởng ngã, không tưởng nhơn, không tưởng chính giữa, không tưởng đây kia, không tưởng trong ngoài, không tưởng đạo, không tưởng tục, không tưởng diệt, diệt các tưởng không, không tưởng không, không tưởng không có tưởng không, tận hết tưởng vô tận.

Này Chánh sĩ! Bồ-tát ngồi dưới gốc cây lập chứng một ngàn tám trăm giới bổn thanh tịnh. Chứng số này xong, bỗng nhiên tòa kim cang từ đất vọt lên, làm cung ma thứ sáu chấn động mạnh. Chư thiên ba cõi ngồi không yên, tất cả đều đi xuống đến cây Bối-đa cúng dường hằng sa cõi. Bỗng nhiên có tiếng phát ra:

“Đêm nay Bồ-tát ngồi dưới gốc cây sẽ chứng ngộ. Tất cả chúng sanh đều thấy”.

Như vậy, này Chánh sĩ! Đó là Bồ-tát đầy đủ giới chứng, đạt Nhất thiết trí với tam đạt, sáu thần thông, ba mươi bảy phẩm, mười tám pháp bất cộng, mười lực, bốn vô sở úy, tất cả đều đầy đủ. Ba ngàn đại thiên chấn động sáu cách, có công đức thu phục quân ma, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Chúng sanh nhờ ánh sáng từ bi này đều được an lạc và đều phát tâm đạo Vô thượng chánh chơn.

Khi đức Phật nói như vậy, có tám trăm Tỳ-kheo đắc A-la-hán, ba vạn trời đắc pháp nhẫn, ba ngàn người đắc A-na-hàm, Chánh sĩ Hiền Nhu đắc Vô sanh.

Khi ấy, Thánh sư dạy Hiền Nhu:

– Thuở nọ, ta ở nước Câu Diệm Di, bỗng nhiên bè đảng quân ma xâm nhập, trà trộn trong đại chúng với y phục khác lạ, rồi tranh cãi với chúng, phỉ báng nhau. Tỳ-kheo sanh tử không thích đạo thể, nổi sân, bực tức và tự tách rời khỏi chúng, chỉ có La-hán chánh chơn bỏ đi vào núi.

Này Hiền Nhu! Khi ấy ba tháng hạ đã qua, ngày tự tứ đã đến. Tối mười bốn tháng bảy, khi sao mai vừa mọc, ta bảo A-nan đánh trống trải cỏ. Chỉ còn lại ta và A-nan cùng thọ tự tứ. Khi ấy trời Tịnh Cư ở giữa hư không bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn! Chúng Tỳ-kheo đã phân tán, Ngài tự tứ một mình sao?”.

Phật dạy Thiên tử:

– Xưa, Ta xuất gia ông làm chứng. Ta đến cây Bối-đa, ông lại làm chứng. Nay ta tự tứ, ông cũng làm chứng. Ta đã trở lại cõi Diêm Lợi này ba ngàn lần. Ở vô lượng cõi, Như Lai đều đắc Nhất thiết trí. Từ khi thành Phật đến lúc bát Niết-bàn, ông làm chứng ba lần, minh thể đầy đủ. Thiên tử nên biết! Đạo huệ và thần thông của Như Lai đi một mình trong ba cõi còn phải tu chứng, huống chi tất cả chúng sanh vì đạo mà không có thầy sao?

Phật dạy Thiên tử Tịnh Cư:

– Đời sau, nhiều người giữ chí nguyện thanh bạch, đạo tâm trong sáng, không thích thế tục, ẩn cư trong núi rừng, lập ý chí xuất gia kiên cố. Nếu không có thầy thì nên theo pháp của Ma Ha Ca Diếp là lìa sự ham muốn, xả dục làm chứng; lìa tục xả tục làm chứng; lìa danh dự xả danh dự làm chứng; xem nhẹ thân mạng, xả thân hư giả làm chứng; lìa bỏ sự mong cầu trong ngoài xả sự mong cầu làm chứng.

Này Thiên tử! Với năm chứng này, ngài Ma Ha Ca Diếp cạo bỏ râu tóc, mặc ca-sa, đạt được pháp tịnh tự nhiên của thầy, làm cảm đến chư Phật mười phương, cầu xin thưa thỉnh, ngưỡng mộ pháp xuất gia của chư Phật, mời Tịnh Cư làm chứng. Ba chứng này rõ ràng thì thành Tỳ-kheo hành mười hai hạnh đầu-đà, nhất tâm kiên cố không có tưởng chứng.

Nay dưới gốc cây, Ca Diếp có đầy đủ thần thông, sau này đầy đủ sáu thần thông của Phật.

Này Thiên tử! Đời sau, nếu Tỳ-kheo suy nghĩ rõ ràng pháp này, không tự cao, cầu danh mà khinh chê chúng Tăng để mong cầu sự cúng dường, cũng không xem thường bỏ qua pháp này, chống đối với chúng, không thờ chúng Tăng làm thầy, cho rằng pháp này hoàn toàn không có Tỳ-kheo, nhưng người có thể làm thầy là người ưa thích, ngưỡng mộ hành theo pháp này. Nếu có Tăng thì cầu Tăng làm chứng, vì Tam bảo Phật – Pháp – Tăng đồng đẳng với Như Lai, cho nên Như Lai khen luật sáng suốt, chúng Tỳ-kheo làm thượng thủ.

Thiên tử nên biết! Trong Tỳ-kheo tất có đủ ba thừa.

Khi Phật nói xong, Thiên tử Tịnh Cư và tám bộ chúng hoan hỷ làm lễ rồi lui ra.

    Xem thêm:

  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Tự Thệ Tam Muội - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Nghi quỹ Đà-la-ni Tùy Cầu Tức Đắc Thần biến gia trì thành tựu Kim cang đảnh Du-già tối thắng Bí mật thành Phật - Kinh Tạng
  • Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ - Kinh Tạng
  • Kinh Bổn Nguyện Công Đức Của Bảy Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai – Thích Nguyên Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tam Muội Chuẩn Đề - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Kinh Danh Hiệu Bát Đại Linh Tháp - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tập Đại Phương Đẳng Bồ Tát Niệm Phật Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Kim Cang Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Vu Lan – HT Thích Trí Quảng soạn - Kinh Tạng
  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Du Già Hàng Tam Thế Thành Tựu Cực Thâm Mật Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Quảng Như Lai Bí Mật Tạng - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Hoa Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Nhứt Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni - Kinh Tạng