1
2

KINH BỐN PHÁP CỦA ĐẠI THỪA

Đại Thừa Tứ Pháp Kinh

Đường Thật Xoa Nan Đà dịch

Bản Việt dịch (1) của Huyền Thanh

Bản Việt dịch (2) của Bùi Đức Huề

***

Kinh Bốn Pháp Của Đại Thừa

Việt dịch: Huyền Thanh

Quy mệnh Đại Trí Hải Tỳ Lô Giá Na Phật

(Namo Mahā-Jñāna-Sāgara-Vairocana-buddha)

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc (Jeṭavaṇe’nāthapiṇḍadasyārāma) tại nước Xá-Vệ (Śrāvastya) cùng với chúng Đại Tỳ Khưu (Mahātā-bhikṣu-saṃgha) gồm năm trăm người, Bồ Tát Ma Ha Tát (Bodhisatva-mahāsatva), tám vạn Trời (Deva) Người (Manuṣya) cùng đến dự, đều khoác áo giáp Đại Hoằng Thệ bền chắc kèm với các vị Thiên Tử (Deva-putra) của cõi Dục (Dục Giới:Kāma-dhātu), cõi Sắc (Sắc Giới: Rūpa-dhātu), vô lượng trăm ngàn vị Trời, cung kính Đức Như Lai (Tathāgata), nghe nhận Pháp Yếu.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử (Maṃjuśrī-kumāra-bhūta) cầm một cái lọng báu rộng mười Do Tuần (Yojana) che bên trên Đức Như Lai. Thời có vị Trời ở cõi Đâu Suất Đà (Tuṣita:Diệu Túc Thiên, Hỷ Túc Thiên, Hỷ Lạc Thiên) tên là Thiện Thắng (Sujaya) đối với A Nậu Đa La Tam Muội Tam Bồ Đề (Anuttarā¬samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) được Bất Thoái Chuyển (Avaivartika: chẳng thoái lùi) cùng với quyến thuộc (Parivāra) ở ngay trong Hội này, bạch với Văn Thù Sư Lợi rằng: “Tôn Giả cúng dường Như Lai còn chưa đủ sao ?”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Ý ông thế nào ? Biển cả thu nạp mọi dòng sông, có đầy đủ chăng ?”

Vị Trời nói: “Chẳng đầy đủ vậy”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Này Thiên Tử (Devaputra) ! Biển lớn sâu rộng, không có bờ mé, vạn dòng sông chảy rót vào, thường không có tràn đầy. Bồ Tát Ma Ha Tát cầu Tát Bà Nhã (Sarva-jñā:Nhất Thiết Trí) cúng dường Như Lai, cũng lại như vậy, chưa từng đầy đủ”

_ Vị Trời lại thỉnh hỏi: “Khi cúng dường Đức Phật thời nên làm điều gì ?”

Văn Thù đáp rằng: “Nên dùng bốn việc.

1_ Tát Bà Nhã (Sarva-jñā:Nhất Thiết Trí)

2_ Hóa độ tất cả chúng sinh

3_ Chẳng chặt đứt mầm giống của Tam Bảo

4_ Nhiếp lấy Công Đức trang nghiêm của các cõi Phật.

Đây là Bồ Tát dùng bốn việc để cúng dường Như Lai”

_ Vị Trời lại thỉnh hỏi: “Lành thay Tôn Giả ! Bồ Tát đối với Pháp thường nên chẳng tiếc giữ. Như việc đã làm khi xưa, Thi Khí Phạm Vương (Śikhi-brahman:vị Thiên Chủ của cõi Trời Sơ Thiền trong Sắc Giới) với quyến thuộc của ông diễn bốn Pháp Môn, Đạo của Bồ Tát. Nguyện vì chúng tôi, tất cả Chúng Hội tuyên lại nghĩa này một lần nữa”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Lành thay ! Lành thay ! Hãy suy nghĩ cho thật khéo ! Tôi sẽ vì ông nói.

_ Này Thiên Tử ! Bồ Tát Ma Ha Tát nên phát bốn loại Tâm Tăng Thượng Ý Lạc. Thế nào là bốn ?

1_ Nhiếp lấy Tâm của tất cả chúng sinh

2_ Thành thục Tâm của tất cả chúng sinh

3_ Gom góp (Tập ) Tâm của tất cả căn lành (Thiện Căn:Kuśala-mūla)

4_ Giác ngộ Tâm của tất cả Phật Pháp (Buddha-dharma)

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa, Bồ Tát nên pháp bốn loại Tâm như ngọn núi. Thế nào là bốn ?

1_ Đối với người ăn xin (khất giả) thì không có Tâm giận dữ nghi ngờ

2_ Hướng đến nẻo ác thì sinh Tâm Từ Mẫn (thương yêu lo lắng giúp đỡ)

3_ Bát Nhã Ba La Mật (Prajñā-pāramitā:Trí Tuệ Ba La Mật) thường giữ Tâm chẳng buông bỏ

4_ Mọi Hạnh đã tu đều là Tâm cứu cánh.

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa, Bồ Tát nên phát bốn loại Tâm chuyển thắng. Thế nào là bốn ?

1_ Trì Giới (Śīla) chuyển thắng

2_ Đa Văn (Bahu-śruta) chuyển thắng

3_ Đại Từ (Mahā-maitra) chuyển thắng

4_ Đại Bi (Mahā-kāruṇa) chuyển thắng

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát nên phát bốn loại Tâm như Kim Cương (Vajra) chẳng thể bị hủy nát. Thế nào là bốn ?

1_ Tin tưởng ưa thích (tín lạc) chẳng bị hủy nát

2_ Y theo Thiện Tri Thức (Kalyāṇamitra) chẳng bị hủy nát

3_ Tu hành chẳng bị hủy nát

4_ Cầu Đại Thừa (Mahā-yāna) chẳng bị hủy nát

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát nên phát bốn loại Tâm không thể nhiễm dính. Thế nào là bốn ?

1_ Phiền Não (Kleśa) chẳng thể nhiễm dính

2_ Danh Lợi chẳng thể nhiễm dính

3_ Thừa bậc dưới (Hạ Thừa chỉ Thanh Văn Tạng) chẳng thể nhiễm dính

4_ Các chúng sinh xấu ác chẳng thể nhiễm dính.

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát nên phát bốn loại Tâm vô thượng. Thế nào là bốn ?

1_ Tâm đối với chỗ đã luyến ái (Tṛṣṇa), đều buông bỏ hết

2_ Tâm khi đã bố thí xong thì không có hối hận

3_ Tâm chẳng ước mong Quả Báo (Vipāka)

4_ Tâm hồi hướng Bồ Đề (Bodhi)

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại hay đến Đỉnh Pháp (một trong bốn căn lành). Thế nào là bốn ?

1_ Trí Tuệ (Prajñā)

2_ Phương Tiện (Upāya)

3_ Trì giữ Chính Pháp (Sad-dharma)

4_ Dạy Đạo (Hóa: Sādhya) cho chúng sinh

Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại trợ giúp cho Đạo Bồ Đề (Bodhi-mārga). Thế nào là bốn ?

1_ Siêng tu các Độ (Daśa-pāramitā: Mười Ba La Mật gồm có Bố Thí Độ, Trì Giới Độ, Nhẫn Nhục Độ,Tinh Tiến Độ, Thiền Định Độ, Tuệ Độ, Phương Tiện Độ, Nguyện Độ, Lực Độ, Trí Độ )

2_ Thuận theo bốn Nhiếp Sự (Catvāri saṃgraha-vastūni: gồm có Bố Thí Nhiếp Sự, Ái Ngữ Nhiếp Sự, Lợi Hành Nhiếp Sự, Đồng Sự Nhiếp Sự)

3_ Trụ ở bốn Phạm Trú (bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả. Dùng điều này làm chỗ cư trú của Phạm Thiên)

4_ Du Hý Thần Thông (Thần Thông vui chơi của Phật Bồ Tát)

Đây là bốn loại

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Thắng Pháp bậc nhất. Thế nào là bốn ?

Đối với chúng sinh không có Tâm gây tổn hại buồn bực. Đối với điều gây buồn bực tai hại cho chính mình thì Tâm không có niệm cột buộc. Ngay tại cảnh của năm Dục thì Tâm chẳng phóng túng buông thả. Nghèo túng, khổ ách vẫn chẳng buông bỏ Pháp Hành. Đây là bốn loại

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Tâm an ổn. Thế nào là bốn ?

Nếu là người Tại Gia thời: tự biết đủ với tiền tài của mình và chẳng tham tiền tài của kẻ khác. Nếu là người Xuất Gia thời: y theo bốn mầm giống của Bậc Thánh [Tứ Thánh Chủng (Catvāra ārya-vaṃśāḥ) là bốn hạt giống hay sinh ra chúng Thánh, gồm có Y Phục Hỷ Túc Thánh Chủng, Ẩm Thực Hỷ Túc Thánh Chủng, Ngọa Cụ Hỷ Túc Thánh Chủng, Lạc Đoạn Lạc Tu Thánh Chủng) và thực hành Pháp Đầu Đà (Dhūta: một loại Khổ Hạnh dùng để trừ bỏ bụi dơ phiền não). Đây là bốn loại

Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Thí (Dāna: đem cho). Thế nào là bốn ? Ấy là bố thí tiền của (Tài Thí). Bố thí Pháp (Pháp Thí). Đem giấy, bút cung cấp cho. Đối với chỗ ở của Pháp Sư thì dùng Tâm tốt lành khen ngợi bố thí. Đây là bốn loại

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Pháp thù thắng bền chắc. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Hay thực hành điều đã nghe, hay đem cho tiền của hậu hỹ, hay cúng dường bậc Tôn Giả, hay gieo trồng các căn lành nuôi Thọ Mệnh. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại chẳng buông bỏ. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Chẳng buông bỏ Tâm Bồ Đề, chẳng buông bỏ Chính Pháp, chẳng buông bỏ tất cả chúng sinh, chẳng buông bỏ sự tìm cầu các Pháp lành. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại vườn (viên). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Vui thích trụ ở chốn A Lan Nhã, vui thích ngồi một mình ở chỗ trống trải, vui thích tìm cầu Pháp lành, vui thích phương tiện hóa độ các chúng sinh. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại cung điện (Pura:cung). Nhóm nào là bốn ? Vui thích y theo Phạm Trú , vui thích nghe Pháp lành, vui thích quán sát Tính Không (‘Sùnyatà), vui thích cùng ở chung với người Đồng Hạnh (Sāhacarya: Đồng bạn, người đồng tâm học Phật tu Đạo). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại tiền của không tận. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: tiền của do Đa Văn (Bahu’sruta), tiền của do nói Pháp, tiền của thu nhiếp các sự nghèo túng, tiền của do hồi hướng Bồ Đề. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Phục Tàng (kho tàng bị chôn lấp). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Kho tàng Đà La Ni, kho tàng Biện Tài, kho tàng Pháp, kho tàng chứa tiền của không tận dùng để hồi hướng. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại xa lìa. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Xa lìa mọi chuyện phiếm, xa lìa năm cảnh Dục, xa lìa Tâm chẳng phải là bậc Thánh, xa lìa ba cõi (Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới). Đây là bốn loại

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại vui thích. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: vui thích không có dính mắc, lìa ngã (Ātman) Ngã Sở (Mama-kāra). Vui thích xa lìa tất cả chẳng có luyến tiếc. Vui thích vắng lặng, lìa tất cả cảnh giới. Vui thích Niết Bàn (Nirvāṇa), chẳng buông bỏ tất cả chúng sinh mà không có phiền não (Kleśa). Đây là bốn loại

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại niềm vui. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Niềm vui nhìn thấy Phật, niềm vui nghe Pháp, niềm vui bố thí chẳng hối tiếc, niếm vui ban cho tất cả chúng sinh an vui. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại chân thật. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Chẳng buông bỏ Tâm Bồ Đề, chẳng buông bỏ Hoằng Thệ Nguyện, chẳng buông bỏ có người đến Quy Y, chẳng buông bỏ tất cả lời nói khéo hộ giúp. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Pháp lành. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Vui thích tu tất cả Pháp lành. Chẳng khinh người chưa học. Đối với các chúng sinh Oán Thân đều bình đẳng. Làm người bạn chẳng cần thỉnh mời, lợi ích cho chúng sinh, chẳng nghĩ đến sự báo đáp của họ. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Thanh Tịnh. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Do sự thanh tịnh của Giới (Śīla) cho nên không có cái Ta (Anātman, hay Nir-ātman: Vô Ngã). Do sự thanh tịnh của Định (Samādhi) cho nên không có chúng sinh (Satva). Do sự thanh tịnh của Tuệ (Prajñā) cho nên không có thọ mệnh (Jīva: thọ giả). Do sự thanh tịnh của Giải Thoát (Vimukti) cho nên không có các Thú Sinh (Antarā-bhava: Trung Hữu, Trung Ấm Hữu, Trung Uẩn…chỉ trạng huống của sinh mệnh ngay sau khi chúng sinh chết nhưng chưa đến lúc đầu thai). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại bàn chân (Pāda: túc). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Bàn chân của nghĩa (Artha), bàn chân của Pháp (Dharma), bàn chân của Công Đức thực hành Đầu Đà (Dhūta), bàn chân của Tư Lương Bồ Đề (Bodhi-sambhāra). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại bàn tay (Kāra: thủ). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Bàn tay của niềm Tin (Śraddhā:Tín), bàn tay của Giới (Śīla) bàn tay của việc lắng nghe (Śruta:Văn), bàn tay của Tuệ (Prajñā). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại con mắt (Cakṣu: Nhãn). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Con mắt thịt (Nhục Nhãn: Māṃsa-cakṣu) do làm Nghiệp lành (Thiện Nghiệp: Kuśala-karma), con mắt Trời (Thiên Nhãn: Divya-cakṣu) do Thần Thông chẳng thoái lùi, con mắt Tuệ (Tuệ Nhãn: Prajña-cakṣu) do chẳng chán ghét điều đã được nghe, con mắt Pháp (Pháp Nhãn: Dharma-cakṣu) do quán sát kỹ lưỡng các Pháp mà được Nhẫn (Kṣāntī). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại không có chán ghét. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Bố Thí (Dāna) không có chán ghét, trụ A Lan Nhã (Araṇya) không có chán ghét, nghe Pháp (Dharma) không có chán ghét, tu Thiện (Kuśala) không có chán ghét. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại khó thực hành. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Nhẫn chịu tất cả địa vị thấp hèn, sự lăng nhục. Tuy tự mình nghèo túng nhưng mọi cái có được đều đem cho. Gặp người đến xin cái đầu, con mắt, thân thể thì Tâm không có trái nghịch, nghĩ tưởng đấy là người bạn tốt. Quán Không (Śūnya:Trống rỗng), Vô Ngã (Anātman, hay Nir-ātman) mà hiện Thọ Sinh (Đầu thai, sinh trở lại). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại không có bệnh. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Không có bệnh các cõi chẳng bình đẳng, không có bệnh nóng bức phiền não, không có bệnh chẳng lợi ích cho chúng sinh, không có bệnh nghi ngờ mê lầm các Pháp. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Pháp Tự Phần (Đạt thành một cảnh địa tu hành nào đó). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: các Ba La Mật (Pāramitā), Pháp Bồ Đề Phần (Bodhyaṅga), Chân Thiện Tri Thức, chẳng làm tất cả Nghiệp ác. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại chẳng lay động (Bất động: Acala). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta), như Nguyện mà thực hành, như lời nói mà làm, siêng tu Chính Hạnh (Samyak-pratipatti). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Tư Lương (Sambhāra). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Xa Ma Tha (Śamatha: Thiền Chỉ), Tỳ Bát Xá Na (Vipaśyanā: Thiền Quán), nghe tất cả, căn lành (Kuśala-mūla: Thiện Căn). Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Tề Hành (đồng loại hành động). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Phát Tâm khởi Hạnh, bố thí hồi hướng, Đại Từ Đại Bi, Trí Tuệ phương tiện. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) của Pháp Chướng (Dharmāvaraṇa). Nhóm nào là bốn? Ấy là: Mộng thấy mặt trăng bị rơi xuống đất bằng, trong cái giếng. Mộng thấy mặt trăng hiện ở trong ao suối đục. Mộng thấy mặt trăng ở tại hư không bị đám mây lớn che trùm. Mộng thấy mặt trăng ở tại hư không bị khói bụi che lấp. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) của Nghiệp Chướng (Karmāvaraṇa). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng bị rơi vào nơi chốn rất nguy hiểm. Mộng thấy con đường cao thấp. Mộng thấy con đường có đá tảng to lớn quanh co. Mộng thấy bị mê mờ phương hướng, kinh sợ. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) của Phiền Não Chướng (Kleśāvaraṇa). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy rắn độc gây nhiễu loạn. Mộng nghe thấy tiếng xấu ác của muông thú. Mộng thấy đi lạc vào nơi chốn có nạn giặc cướp. Mộng thấy thân bị vướng bụi dơ. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) được Đà La Ni (Dhāraṇī: Tổng Trì). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy kho tàng bị che dấu chứa tràn đầy các vật báu. Mộng thấy mọi loài hoa nở rộ trong cái ao trong trẻo. Mộng được hai tấm vãi bông sạch sẽ. Mộng thấy chư Thiên cầm cái lọng che trùm bên trên. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) được Tam Muội (Samādhi). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy Đồng Nữ đoan chính với mọi báu trang nghiêm, cầm hoa trao cho. Mộng thấy ngỗng trắng (thiên nga) bay lượn thành hàng, xoay vòng trong hư không. Mông thấy bàn tay của Đức Như Lai xoa đỉnh đầu của mình. Mộng thấy Đức Như Lai ngồi trên tòa hoa sen, nhập vào Tam Muội. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) nhìn thấy Đức Như Lai (Tathāgata). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy mặt trăng hiện ra. Mộng thấy mặt trời hiện ra. Mộng thấy hoa sen nở. Mộng thấy vị Đại Phạm Vương (Mahā-brahma¬rāja) với uy nghi lặng yên nhàn rỗi. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) được tướng của Đại Nhân. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy cây Sa La (Śāla) tràn đầy các hoa quả màu nhiệm. Mộng thấy vật khí bằng đồng to lớn chứa đầy mọi vật báu. Mộng thấy trong hư không có phướng lọng trang nghiêm. Mộng thấy vị Chuyển Luân Vương (Cakravarti-rāja) dùng Pháp cai trị đời. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) của tướng chẳng thoái lui. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy dùng lụa trắng cột buộc đỉnh đầu. Mộng thấy tự mình đặt bày Vô Ngại Thí Hội (Hội bố thí không có trở ngại). Mộng thấy thân ngồi trên Pháp Tòa (Dharmāsana). Mộng thấy Đức Phật ngồi tại Đạo Trường (Bodhi-maṇḍa) vì Chúng (Saṃgha) nói Pháp. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) giáng phục Ma Oán. Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy vị lực sĩ to lớn đập tan vị lực sĩ nhỏ bé, rồi cầm cây Thắng Phan đi. Mộng thấy vị Đại Dũng Tướng chiến thắng rồi đi. Mộng thấy thọ nhận quán đỉnh vương vị. Mộng thấy ngồi dưới cây Bồ Đề giáng phục chúng Ma. Đây là bốn loại.

_ Lại nữa Bồ Tát có bốn loại Mộng (Svapna) ngồi ở Bồ Đề Trường (Bodhi¬maṇḍa). Nhóm nào là bốn ? Ấy là: Mộng thấy cái bình Cát Tường tràn đầy. Mộng thấy Chúng (Saṃgha) nhiễu quanh thân của mình. Mộng thấy nơi chốn đi đến thì cây cối đều gập cành cúi xuống. Mộng thấy ánh sáng vàng ròng chiếu khắp. Đây là bốn loại.

Khi Văn Thù Sư Lợi nói Pháp này thời Thiện Thắng Thiên Tử với quyến thuộc của ông đều vui mừng hớn hở, đem hoa Mạn Đà La (Māndāra, Māndārava, Mandāraka), hoa Ba Đầu Ma (Padma: hoa sen hồng), hoa Câu Vật Đà (Kumuda), hoa Phân Đà Lợi (Puṇḍarīka:hoa sen trắng) của cõi Trời cúng dường Văn Thù Sư Lợi với tung rải lên tất cả Chúng Hội. Do Thần Lực của Đức Phật nên hoa đã tung rải bay lên hư không, tạo thành hoa sen to lớn như bánh xe, thơm ngát tinh khiết vi diệu, mà Tâm của Chúng (Saṃgha) đều ưa thích. Ở trên đài hoa có các vị Bồ Tát với 32 Tướng trang nghiêm thân ấy.

_ Bấy giờ Thiện Thắng Thiên Chủ bạch với Văn Thù Sư Lợi rằng: “Các vị Bồ Tát này từ phương nào đi đến ?”

Văn Thù đáp rằng: “Như bông hoa đến từ chốn nào thì đấy là nơi đã đi đến”

Vị Trời nói: “Hoa này do biến hóa sinh ra, không có từ nơi nào đi đến”

Văn Thù lại nói: “Nên biết các vị Bồ Tát ấy cũng như thế”

Khi ấy Đức Thế Tôn liền mỉm cười. Từ trong miệng của Ngài phóng ra mọi loại ánh sáng màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu Pha Lê…chiếu khắp vô lượng cõi nước ở mười phương, bên trên đến Phạm Thế (Brahma-loka: Thế Giới của Phạm Thiên), che khuất ánh sáng của mặt trời mặt trăng…rồi quay lại nhập vào đỉnh đầu.

Thời Thiện Thắng Thiên Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, dùng Kệ khen rằng:

“_ Ánh sáng vàng thanh tịnh

Ba mươi hai Diệu Tướng

Đủ ức na do tha (Nayuta) Công Đức (Guṇa) không gì hơn.

Đấng hay cứu Thế Gian

Vì sao hiện mỉm cười ?

Phạm Âm (Brahma-ghoṣa) sâu, lại xa

Nói trong sạch, vi diệu

Luôn chứa bảy Thánh Tài (Thất Thánh Tài; Bảy loại Thánh Pháp của thành tựu Phật Đạo gồm có: Tín Tài, Giới Tài, Tàm Tài, Quý Tài, Văn Tài, Thí Tài, Định Tuệ Tài)

Phóng Đại Trí Tuệ Quang (Mahā-prajña-prabha: ánh sáng Đại Trí Tuệ)

Âm tiếng Ca Lăng Già (Kalaviṅka)

Nguyện nói nghĩa mỉm cười ?

_ Thế Hùng (Tôn xưng Đức Phật, nói Đức Phật có Đại Định Lực) Đại Trượng Phu (Puruṣa)

Giáng Ma (Māra) với Dị Đạo (Đạo Giáo khác)

Thường được các Trời (Deva) Người (Manuṣya)

A Tu La (Asura) cúng dường

Đấng đầy đủ mười Lực (Daśa-bala)

Vì sao hiện mỉm cười ?

Tất cả Tham, giận, si

Bụi oán ngăn Trí Tuệ

Chặt hẳn không dư tập (Tập nhiễm của sự lưu giữ)

Mặt như trăng trong đầy

Ban khắp điều an vui

Nguyện nói nghĩa mỉm cười?

_ Thiện Thệ (Sugata:Bậc khéo đến nẻo lành) thầy Trời Người (Śāstā deva-manuṣyāṇāṃ:Thiên Nhân Sư)

Nhóm Công Đức vô lượng

Tâm ấy thường bình đẳng

Hành đầy đủ mọi Thiện (Kuśala)

Đấng hiểu thấu tất cả

Vì sao hiện mỉm cười ?

Thường cầm đèn Đại Tuệ (Mahā-prajña-dīpa)

Phá rừng rậm đen tối

Bước đi như Ngưu Vương (Ṛṣabha: vua của loài bò)

Không sợ như Sư Tử (Siṃha)

Bậc lợi ích chúng sinh

Nguyện nói nghĩa mỉm cười ?

_ Nhân trung Tối Tôn Thắng (Bậc tối tôn thắng trong loài người)

Khó thấy, khó thể lường

Vô Ngã (Anātman:không có cái Ta), không Siểm Khúc (Vaṅka, hay Kuhana: tạo thái độ kiêu căng để lừa dối kẻ khác)

Vượt hẳn biển chư Hữu (biển sinh tử mà chúng sinh phàm phu bị chìm đắm).

Đấng Trí Lực tự tại

Vì sao hiện mỉm cười ?

Thiên Phúc Võng Man Túc (lòng bàn chân hiện hoa văn đan thành bánh xe có ngàn cây căm)

Ba cõi không thể sánh

Cạn khô dòng sinh tử

Chặt đứt lưới ngu si

Lành thay ! Bậc Đại Trí

Nguyện nói nghĩa mỉm cười ?”

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Thiện Thắng Thiên Tử rằng: “Ông có nhìn thấy các vị Bồ Tát ngồi trên tòa hoa sen ở hư không chăng ?”

Thiên Tử bạch rằng: “Dạ thưa ! Con đã nhìn thấy”

Đức Phật nói: “Các vị Bồ Tát này đều là người mà Văn Thù Sư Lợi đã hóa độ, vì nghe bốn Pháp Môn như vậy cho nên từ mười phương đi đến, đều trụ Nhất Sinh Bổ Xứ (Eka-jāti-pratibaddha: bậc trải qua đời này, đến đời sau sẽ thành Phật), ở cõi nước mười phương sẽ thành A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā¬samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác), danh hiệu đều khác nhau”

Vị Trời hỏi: “Thế Tôn ! Các vị Bồ Tát này liệu có thể tính đếm để biết được số lượng ấy chăng ?”

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất (Śāri-putra): “Ông có thể biết chăng ?”

Xá Lợi Phất nói: “Thế Tôn ! Con có thể ở trong khoảng một niệm, đều biết tất cả Tinh Tú trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Nhưng cho dù trăm năm tính đếm cũng chẳng thể biết được số lượng các vị Bồ Tát này”

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Giả sử số hạt bụi nhỏ trên cõi Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) còn có thể biết được số lượng. Còn số lượng Bồ Tát này thì không thề biết được bờ mé”

Xá Lợi Phất nói: “Nơi chốn nào sẽ có việc như thế, cho phép cõi Phật dung chứa Bồ Tát này thành Chính Giác chăng?”

Đức Phật nói: “Ngưng ngay ! Đừng nói lời này ! Trong các Thế Giới, cảnh trống rỗng không có Phật, nhiều vô lượng vô biên”

Này Xá Lợi Phất ! Giả sử Đức Như Lai trụ lâu ở đời đến hằng hà sa số kiếp, ngày ngày thường nói hằng hà sa Pháp, nói mỗi một Pháp đều trao A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề Ký cho hằng hà sa Bồ Tát. Vượt qua hằng hà sa cõi Phật ở phương Đông thì mới có một vị Bồ Tát ở trong chốn ấy thành Phật. Như vậy phương Đông không có Thế Giới của Phật còn chẳng thể hết, huống chi là, cảnh trống rỗng không có Phật trong tất cả cõi nước ở mười phương.

Này Xá Lợi Phất ! Như vậy hết thảy tất cả Thế Giới đều là nơi mà con mắt thịt của Như Lai đã nhìn thấy. Trong ấy, hết thảy tất cả chúng sinh đều là điều mà Tâm của Như Lai đã biết”

Thời các Đại Thanh Văn với tất cả Chúng Hội sinh Tâm hiếm có, nói lời như vầy: “Ngày nay chúng con đều được Thiện Lợi, gặp thẳng vị Thầy này; thành tựu Phước Đức, Trí Tuệ rộng lớn”

Thời trong hư không, các vị Bồ Tát đã đi đến, đều từ hư không hạ xuống, đỉnh lễ Đức Như Lai với Văn Thù Sư Lợi, cung kính nhiểu quanh theo bên phải, rồi đều quay trở về cõi nước của mình.

_ Bấy giờ Thiện Thắng Thiên Tử bạch với Văn Thù Sư Lợi rằng: “Lành thay ! Tôn Giả làm Phật, làm việc liền hay hóa độ vô lượng Bồ Tát này trụ Đại Bồ Đề. Nguyện vì tôi nói Pháp thành tựu trụ Đại Bồ Đề của nhóm này”

Văn Thù Sư Lợi nói: “Này Thiên Tử ! Pháp thành tựu trụ Bồ Đề của Bồ Tát, có 35 điều là:

1_ Nên thường y theo Thời, chẳng đánh mất thời tiết ấy

2_ Nên cảnh tỉnh nhắc nhở các Căn

3_ Nên nhiếp Tâm chẳng lay động

4_ Nên tu các Ba La Mật (Pāramitā)

5_ Nên tùy theo phương tiện khéo

6_ Nên phát sự ưa thích Thắng Ý

7_ Nên dựng lập Đại Từ (Mahā-maitra)

8_ Nên khởi Đại Bi (Mahā-kāruṇa)

9_ Nên chẳng buông bỏ Đại Thừa (Mahā-yāna)

10_ Nên xa lìa Tiểu Thừa (Hīna-yāna)

11_ Nên thường chân thật

12_ Nên làm như thật

13_ Nên hộ giữ Chính Pháp

14_ Nên thực hành như điều đã nghe

15_ Nên hiểu rõ Tính của chúng sinh vốn bình đẳng không có hai

16_ Nên quán sát sự phá Giới, giữ gìn Giới đều là tướng của ruộng Phước

17_ Nên hiểu biết các Nghiệp Ma

18_ Nên thành mãn Đại Nguyện

19_ Nên đối với sinh tử, chẳng mệt mỏi chán ghét

20_ Nên giáng phục chúng Ma

21_ Nên biết ơn, báo đáp ơn

22_ Nên vào Pháp diệt Nhân (trừ diệt hạt nhân)

23_ Nên đối với Môn giải thoát, chẳng sinh sợ

24_ Nên cúng dường chư Phật

25_ Nên tùy theo điều mà chúng sinh cần, đều làm

26_ Nên chẳng nhiễm dính Pháp của Thế Gian

27_ Nên ưa thích chốn A Lan Nhã (Araṇya)

28_ Nên thực hành ít ham muốn (thiểu dục)

29_ Nên nghĩ biết đủ

30_ Nên khiến cho kẻ chưa độ, được độ

31_ Nên khiến cho kẻ chưa hiểu, được hiểu

32_ Nên khiến cho kẻ chưa yên, được yên

33_ Nến khiến cho kẻ chưa được Niết Bàn, được Niết Bàn

34_ Nên chẳng chặt đứt màm giống của Tam Bảo

35_ Nên nhiếp lấy Cõi nước trong sạch, Công Đức trang nghiêm của chư Phật.

Đây là thành tựu 35 Pháp trụ Bồ Đề của Bồ Tát, nên học như vậy.

_ Lại nữa Thiên Tử ! Bồ Tát nên lìa mười loại Tâm Mạn (Māna:ngạo mạn, coi thường) là:

1_ Ngã Mạn (Ātma-māna:Do chấp vào cái Ta mà hình thành sự kiêu mạn)

2_ Đa Văn Mạn (Bahu-śruta-māna: Do chấp vào sự nghe nhiều mà hình thành sự kiêu mạn)

3_ Biện Tài Mạn (Do chấp vào sự khéo léo biện giải mà hình thành sự kiêu mạn)

4_ Lợi Dưỡng Danh Xưng Mạn (Do chấp vào sự lợi dưỡng với danh tiếng mà hình thành sự kiêu mạn)

5_ Trụ A Lan Nhã Mạn (Do chấp là mình trụ ở chốn nhàn tịnh mà hình thành sự kiêu mạn)

6_ Đầu Đà Công Đức Mạn (Do chấp vào Công Đức thực hành Đầu Đà mà hình thành sự kiêu mạn)

7_ Phú Quý Quyến Thuộc Mạn (Do chấp vào sự giàu sang cao quý với quyến thuộc đông đầy mà hình thành sự kiêu mạn)

8_ Thích Phạm Hộ Thế Thừa Sự Mạn (Do chấp là mình được Đế Thích, Phạm Thiên, chư Thiên Hộ Thế phụng sự mà hình thành sự kiêu mạn)

9_ Thiền Định Thần Thông Mạn (Do chấp là mình có Thiền Định với Thần Thông mà hình thành sự kiêu mạn)

10_ Vi ư Phật Pháp Tăng đắc bất hoại Tín, Thiên Long Dạ Xoa Càn Thát Bà A Tu La Ca Lâu La Khẩn Na La Ma Hầu La Già đẳng cung kính tán thán Mạn (Do chấp là mình đối với Phật Pháp Tăng được sự chẳng hủy hoại niềm tin. Được hàng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Cán Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già… cung kính khen ngợi mà hình thành sự kiêu mạn).

Bồ Tát hay lìa mười loại Mạn (Māna) này, tức chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác); chẳng bị tất cả Ngoại Đạo, Ma Oán làm cho tổn bại”

_ Thời Thiện Thắng Thiên Tử bạch với Văn Thù Sư Lợi rằng: “Tùy theo nơi chốn mà Tôn Giả đã trụ, nên biết chốn đó có Pháp Môn này, tức là Đức Như Lai ở bên trong, ra đời chuyển bánh xe Chính Pháp”

Đức Phật nói: “Như vậy ! Như vậy ! Như ông đã nói. Tùy theo phương thổ mà Văn Thù Sư Lợi nói Pháp Môn này, tức làm vị Pháp Vương (Dharma-rāja) trụ ở trong ấy. Nếu có chúng sinh thực hành Pháp này là Chân Phật Tử. Kẻ có thể tin hiểu, thọ trì Pháp này thì gọi là Thật Tu Hành, người này đã làm điều mà Đức Phật đã điều phục, chẳng thoái chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā¬samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

_ Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Di Lặc Bồ Tát (Maitreya), Ca Diếp (Mahā¬Kāśyapa: Đại Ca Diếp), A Nan (Ānanda): “Này Thiện Nam Tử (Kula-putra)! Nay Ta đem Pháp Môn này phó chúng cho các ông. Nên thọ trì, đọc tụng, như Thuyết tu hành, vì người rộng nói. Sau khi Ta vào Niết Bàn thì nên đem Pháp này rộng lớn làm việc Phật, khiến cho tất cả chúng sinh đều được an vui”

Di Lặc bạch rằng: “Dạ vâng ! Chúng con xin nhận sự chỉ dạy. Thế Tôn ! Nên dùng tên gì để gọi Kinh này ? Làm sao thọ trì ?”

Đức Phật bảo Di Lặc: “Kinh này có tên gọi là “nói bốn Pháp Môn”, cũng gọi là “Pháp Thành tựu Bồ Tát Đạo”. Chính vì thế cho nên các ông nên cùng nhau thọ trì”

Đức Phật nói Kinh xong, thời Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát, Trưởng Lão Đại Ca Diếp, Trưởng Lão A Nan với tất cả hàng Trời, Người, A Tu La của Thế Gian…nghe điều Đức Phật đã nói, đều vui vẻ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Ngũ Uẩn Giai Không - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tu Ðạt - Kinh Tạng
  • Kinh Thân Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Thánh Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Phật Nói Văn Thù Sư Lợi 108 Danh Phạn Tán - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 08 – Hương Đăng - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Thần chú tâm kinh Bất Không Quyến Tác - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bồ Đề Trường Trang Nghiêm - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ 23 – Kinh Tệ Túc (Pàyàsi Sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí - Kinh Tạng
  • Kinh Tô Tất Địa Yết La - Kinh Tạng
  • Kinh Trưởng Giả Cự Lực Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Đại luân Kim Cang Tổng Trì đà-ra-ni kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng