1
2
3

Kinh Trưởng Giả Cự Lực Hỏi Về Đại Thừa

Phật Thuyết Cự Lực Trưởng Giả Sở Vấn Đại Thừa Kinh

Tống Trí Kiết Tường Đẳng dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Nhãn

***

QUYỂN THƯỢNG

Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn ở tại tịnh xá Cấp-cô-độc vườn rừng Kỳ-đà trong nước Xá-vệ, cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo 1250 vị đều là A-la-hán các lậu đã đoạn tận, xa lìa trói buộc phiền não, tâm thiện giải thoát, tuệ-thiện giải thoát như đại Long Vương thần thông biến hóa. Những việc nên làm đã làm xong trút bỏ gánh nặng và được lợi mình. Tâm trí giải thoát các pháp tự tại, có khả năng tu tập để đến bờ giác. Lại có Tôn giả A-nan làm thượng thủ đa văn căn tánh thông lợi, và 500 vị đại Bồ-tát đạt được các Đà-la-ni, trụ trong Tam-ma-địa, tất cả đang ở trong chúng hội.

Lúc bấy giờ, đại thành Xá-vệ có một trưởng-giả tên là Cự-lực, sắc tướng đầy đủ nên gọi là Viễn-văn. Nhà của trưởng-giả Cự-lực rất giàu, nhiều loại kim-ngân, lưu-ly, xa-cừ, mã-não, san-hô, hổ-phách, châu Đại-ma-ni kỳ diệu quí báu. Mỗi kho tàng đều cất chứa đầy ấp, tư tài ngũ cốc không sao đếm xuể. Tất cả các thứ châu báu thọ dụng thỏa mãn tùy ý, muốn bất cứ thứ gì cũng không thiếu, xuất nhập lợi tức khắp các nước không chỗ nào mà không có. Các nơi ấy, trưởng-giả Cự-lực đều đôn đốc nô tỳ, tôi tớ làm việc phục vụ, voi, ngựa, xe cộ cũng vô số. Cho nên chỗ ở của trưởng-giả Cự-lực cung môn lầu các nguy nga tráng lệ, nhà cửa phòng ốc được trang hoàng mười thứ châu báu. Hoa viên, ao hồ ánh sáng nhiều màu rực rỡ, những loại hoa quả kỳ lạ đều tập trung hết trong này. Mỗi thứ được trang nghiêm nhiều vẻ đẹp không thể so sánh được. Tất cả thể nữ, kỹ nhạc đều đẹp, chỉ thua nhà vua còn không thua ai. Trưởng-giả hưởng thụ trong hạnh phúc tột đỉnh, ngày đêm sáu thời không lúc nào trống vắng. Bên cạnh trưởng-giả Cự-lực lại có 500 vị trưởng-giả làm người trợ tá công việc. Họ giữ gìn châu báu và trông coi những thứ tài sản trong kho tàng.

Một hôm, trưởng-giả Cự-lực bổng nhiên thiện căn thành thục tâm sanh giác-ngộ, liền tự suy nghĩ: “Cảnh phù du ở đời không vững chắc như một giấc mộng. Tất cả sắc tướng chung qui sẽ bị hủy diệt, mà thân này thể tánh vốn không rồi cũng hư hoại. Năm thứ dục-lạc mà nhân sanh ra quả khổ. Chúng sanh mê muội điên đảo không có lúc nào giải thoát được”. Ngay lúc ấy, trưởng-giả Cự-lực mời các vị trưởng-giả đến đông đủ, sau khi họ an tọa trưởng-giả mới nói với mọi người rằng:

– Xin quí vị hãy an tĩnh lắng nghe. Tất cả các pháp duyên tụ mà sinh, duyên tán thì diệt, thể tánh không thật chung qui sẽ hư hoại. Chúng sanh vọng niệm khởi các phân biệt: chấp có thân ta và quyến thuộc của ta; không biết vô thường sinh diệt trong từng sát-na. Tiền tài nhà cửa thay đổi biến thành của người khác, quá ngu si là nhân tạo ra năm đường, kết nghiệp thành thục thọ nhiều quả báo khác nhau. Nẻo ác thì dễ đến đường thiện thì khó về. Các vị nên biết thân người khó được, nếu ở trong từng sát-na thay đổi mà phát sanh chánh niệm điều đó là khó.

– Thưa các vị trưởng-giả! Nên biết các đức Như Lai xuất hiện ở thế gian khó được gặp, đã sanh trong nước có Phật, tín tâm không thối chuyển đó cũng là khó. Đối với chánh pháp của Phật khởi lên tín tâm, xa lìa thế tục xuất gia là khó. Tuy đã xuất gia có thể tu hạnh Tỳ-kheo phạm-hạnh thanh-tịnh, dứt trừ duyên ác vậy cũng là khó. Ngày đêm tu tập tinh tấn các thiền-na xa lìa tán loạn cũng lại là khó. Nếu tánh thông tuệ khéo có thể phân biệt các pháp thật giả đó cũng là khó. Nay được làm người lại gặp vị vua hiền không còn chiến tranh, cuộc sống bình yên hạnh phúc cũng rất khó. Nếu tất cả chúng sanh tu nhiều công đức, sinh trong nước Như Lai tâm thường kiên cố thì cũng khó. Lại có nhiều chúng sanh có thể dùng phương tiện ngôn ngữ thiện-xảo, khuyến dụ những bậc thiện-tri-thức bằng nhiều cách để họ siêng tu phước nghiệp, đến chỗ Phật thân cận cúng dường làm được là khó. Nếu có chúng sanh xa lìa bần cùng, đói rách, ngu si đạt được nhiều phước tuệ, sinh ở nước Phật, sống giữa mọi người có thể làm nhiều Phật sự trang- nghiêm đó cũng là khó. Nếu có chúng sanh ở trong hàng Thanh-văn tinh tấn giữ cấm giới, muốn cầu giải thoát, với hàng Bích-chi Phật muốn cầu giải thoát, trong Vô-thượng-thừa muốn cầu giải thoát đạt được chân thật là khó.

Bấy giờ, trưởng-giả Cự-lực nói tam-thừa và các việc xong rồi bảo với mọi người rằng:

– Điều tôi nói mọi người phải nên nhận thức, hiểu rõ sắc tướng nó không kiên cố.

Lúc ấy trong hội 500 vị trưởng-giả nghe sự việc như thế, như người say rượu bí tỉ, hết rượu tỉnh lại. Đồng thời trong chúng có một vị trưởng-giả từ chỗ ngồi đứng dậy, nói với trưởng-giả Cự-lực rằng:

– Hiện giờ tất cả chúng tôi đều có chỗ nghi ngờ. Sao gọi là Thanh-văn, Duyên-giác, và Vô-thượng-thừa? Sao gọi là các sắc tướng ngũ-dục-lạc của thế gian là thể tánh không chắc, từng sát-na sanh diệt? Hãy vì chúng tôi một lần nữa phân biệt giải thích, chúng tôi rất vui muốn nghe.

Trưởng-giả Cự-lực nói với vị trưởng-giả đó và mọi người rằng:

Tại đại thành Xá-vệ này, ở tịnh xá Cấp-cô-độc rừng Kỳ-đà có đức Phật Thế Tôn tam-minh, lục-thông, tám-giải-thoát, thập-lực, tứ-vô-sở-úy, thập-bát-bất-cộng công đức đầy đủ, gọi là nhất-thiết-trí, thiên-nhơn-sứ. Tại đại hội ấy, đức Thế Tôn vì chúng thuyết pháp có thể giải thích những mối nghi ngờ của chúng ta. Bấy giờ, các vị cùng tôi đến đó thân cận cúng dường, thỉnh vấn Như Lai đó là diệu pháp.

Năm trăm vị trưởng-giả nghe nói như thế, ai ai cũng vui mừng hớn hở không thể tả. Họ đem hương hoa thơm, nhiều loại châu báu cùng nhau theo trưởng-giả Cự-lực đến chỗ Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, đảnh lễ sát chân Phật, cung kính cúng dường, ca vịnh tán thán rồi lui về ngồi qua một bên.

Đức Thế Tôn quán thấy những vị trưởng-giả này, thiện căn thành thục, có khả năng lãnh thọ thắng pháp. Thế Tôn hỏi trưởng-giả Cự-lực và 500 vị trưởng-giả rằng:

– Các vị vì nhân duyên gì mà đến đây?

Trong chúng có vị trưởng-giả từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai bên phải, gối phải quì xuống đất, chấp tay cung kính tán thán Thế Tôn thưa rằng:

– Kính thưa Thế Tôn! Chúng con trước đã nghe trưởng-giả Cự-lực phương tiện chỉ bảo: tất cả thế gian, sắc tướng, ngũ-dục-lạc thể tánh không kiên cố, không chân thật cuối cùng rồi bị hủy diệt… (nói rộng cho đến;) nay được thân người thật là khó. Trong từng sát-na thay đổi, mà phát sanh chánh-niệm đoạn tận tà-vọng cũng là khó. Gặp được chư Phật Như Lai xuất hiện ở thế gian là khó. Sanh vào nước có Phật đầy đủ tín tâm điều đó cũng là khó. Đối với lời dạy chánh pháp của đức Phật khởi lên tín tâm, nhàm chán xa lìa thế tục, vui cầu xuất gia làm được điều đó cũng là khó. Tuy đã xuất gia có thể làm Tỳ-kheo phạm-hạnh thanh-tịnh, dứt trừ các ác duyên làm chuyện như vậy là khó. Ngày đêm siêng năng tu tập các thiền-na, xa lìa tán loạn cũng là khó. Nếu tánh thông tuệ khéo giỏi phân biệt các pháp giả, chân đó cũng là khó. Nay được thân người lại gặp vua lành, chấm dứt chiến tranh, cuộc sống an lạc bình yên cũng rất là khó. Nếu các chúng sanh tu các công đức, được sanh vào nước của Như Lai thì cũng là khó. Lại có chúng sanh có thể dùng phương tiện ngôn ngữ thiện-xảo, bằng nhiều cách khuyến dụ những bậc thiện-tri-thức để họ siêng tu phước nghiệp, đến chỗ đức Phật thân cận cúng dường quả là khó. Nếu có chúng sanh nhiều phước tuệ sinh vào nước có Phật, có khả năng làm Phật sự trang nghiêm đó cũng là khó. Nếu có chúng sanh đối với Thanh-văn-thừa, Bích-chi Phật thừa và Vô-thượng-thừa muốn cầu giải thoát quả thật là khó. Khi ấy, trưởng-giả Cự-lực vì tất cả chúng con nói pháp thế gian cho đến tam thừa và những việc khó. Tuy chúng con nghe chưa tỏ ngộ, nhưng ai cũng mãn nguyện an vui và muốn thân cận Như Lai Ứng-chánh-đẳng-giác có đại thần thông đầy đủ nhất thiết trí. Chúng con nguyện xin Thế Tôn ban trải từ bi, vì chúng con khai thị, diễn thuyết tam-thừa diệu-pháp và những việc khó: thế gian, thân người, sắc tướng, ngũ-dục đều hư huyễn không thực cuối cùng cũng bị hủy diệt, để chúng con nghe được mà giác-ngộ tướng sanh diệt, rồi quyết tu hạnh Bồ-tát thánh-đạo, phát sanh Bồ-đề Chánh-đẳng-chánh-giác.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các vị trưởng-giả rằng:

– Lành thay! Lành thay! Này các thiện nam tử! Các ông rất giỏi có thể thỉnh vấn Như Lai về tam thừa diệu pháp và các việc khó: sắc tướng huyễn hóa; ngũ dục không bền. Các ông hãy lắng nghe và khéo tư niệm về lời dạy của ta đây:

Như Lai Ứng-chánh-đẳng-chánh-giác xuất hiện ở thế gian tùy căn tánh chúng sanh nói pháp tam-thừa, dùng phương tiện khai thị nhiều loại thí dụ, dựa theo nguồn gốc đó nên tín giải hiểu ngộ dần dần, giúp mọi người chứng Niết-bàn thanh-tịnh. Nếu chúng sanh có tánh Như Lai đối với Vô-thượng-thừa thiện căn thành thục, nghe Phật giảng thuyết về pháp Chánh-đẳng-chánh-giác, tâm không còn khiếp sợ, ngưỡng mộ an-lạc, mong cầu trí tuệ sáng suốt, tinh tấn tu học. Tuy gặp khổ duyên oan gia bức hại, kiên cố không lui, cuối cùng chứng Vô-thượng Bồ-đề. Nếu có chúng sanh đối với Bích-chi Phật thiện căn thành thục, nghe Phật thuyết mười hai nhân duyên, rồi quán hạnh thuận nghịch lưu chuyển hoàn diệt, hiểu rõ một cách chắc chắn không còn nghi ngờ, tam sanh niềm xin giải hiểu biết sâu xa. Vì ở thế gian bốn mùa thịnh suy, giác-ngộ Vô-thượng, riêng chứng thánh-quả. Nếu các chúng sanh đối với Thanh-văn-thừa thiện căn thành thục, nghe Phật thuyết pháp Tứ-thánh-đế, tùy theo chỗ hiểu biết khổ-đế, đoạn tập-đế, chứng diệt-đế và tu đạo-đế, tứ hướng-tứ quả chứng vô-học. Như thế tam thừa quyền thực đốn tiệm, tùy theo căn cơ trình độ lớn nhỏ của mỗi chúng sanh vui thích tu học, xa lìa sanh tử giải thoát an-lạc.

Khi ấy, trưởng-giả Cự-lực và 500 trưởng-giả nghe lời Phật thuyết, tất cả khôn xiết vui mừng đồng thanh ngợi khen:

– Hay thay! Hay thay! Năng Nhơn Đại Sĩ khéo diễn thuyết diệu-pháp tam-thừa. Nay chúng con nguyện vui muốn nghe hạnh pháp thâm sâu bí mật Vô-thượng đại-thừa. Thế Tôn hãy dùng nhiều loại ngôn từ, phương tiện, thí dụ để chúng con đối với pháp Chánh-đẳng-giá không còn nghi ngờ và sinh nhiều tin hiểu kiên cố tu học, trọn chứng tâm Bồ-đề không thối chuyển.

Thế Tôn bảo trưởng-giả Cự-lực và tất cả những vị trưởng-giả:

– Pháp uyên-thâm vô-thượng tối-thắng ấy là đạo thực hành đại-trí, đại-bi của đại Bồ-tát, chẳng phải xứ sở an túc của hàng Thanh-văn và Độc-giác vậy! Người phàm phu khó tin khó hiểu. Các ông hãy chấp tay lắng nghe ghi nhớ. Này thiện nam tử! Nếu các chúng sanh trụ trong bổn tánh, muốn cầu tu tập Vô-thượng-thừa, thì đối với tất cả hữu tình phải khởi tâm đại-bi một cách bình đẳng, cứu hộ, thương nhớ, thâu nhận tất cả hữu-tình như thầy của mình, như cha mẹ của mình, nam nữ, quyến thuộc thân ái lân mẫn. Dùng tâm thanh-tịnh bố thí rộng lớn, thấy người khỏa thân bố thí quần áo, thấy người đói khát cho họ ăn uống, thấy người bần cùng bố thí tài vật, thấy người bệnh khổ bố thí lương dược, giường chiếu, ngọa-cụ, ruộng vườn, nhà cửa, châu báu quí hiếm, vòng hoa anh lạc, hương bột, hương thoa. Những thứ cúng dường đem cho nam, nữ, quyến thuộc và chính thân mạng mình cũng bố thí, vì tâm hướng Bồ-đề không tham tiếc, không do người khác chỉ dạy, tựu tánh tu tập bố thí Ba-la-mật. Nếu thấy chúng sanh không thích Phật pháp, không hành chánh đạo, hủy báng tam-thừa, trụ trong tà-kiến, đoạn tuyệt thiện-căn dính mắc tham sân si, tạo các ác nghiệp, khi mạng chung bị đọa vào địa ngục và các đường ác, thọ nhiều loại khổ không thể dừng nghỉ, mà người tu hành Vô-thượng-thừa đối với loài hữu-tình ấy, khởi tâm đại-bi nhớ nghĩ thương mến không tiếc thân mạng, phát đại thệ nguyện trụ những nơi đau khổ của loài hữu-tình, dùng phương tiện ngôn ngữ thuyết nhiều thứ pháp, giáo hóa loài hữu-tình để họ phát Bồ-đề tâm chánh-niệm liên tục, nhàm chán khổ báo thân, vui hành hạnh Bồ-tát, khiến cho người chưa đến đồng chí hướng tu tập hạnh bố thí thanh-tịnh kiên cố không mất. Cũng lấy tư tài thực phẩm, thức ăn nước uống, quần áo và sẵn sàng những thứ tư trang: tràng hoa anh lạc, giường chiếu, ngọa cụ, hương bột, hương thoa, và chính mình cùng quyến thuộc liễu-ngộ sắc không, tâm không đắm trước, có thể an vui xả bỏ tất cả. Tự cầu phát Bồ-đề Chánh-đẳng-chánh-giác, cũng lại lần lượt hóa độ các loài hữu tình đồng tu hạnh thù thắng. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng- thừa tâm không thấp kém, kiên cố tu tập giới Ba-la-mật, có đại nguyện-lực tu trì tịnh giới, thanh-tịnh vô nhiễm không có hủy phạm. Ở trong ba loại giới tuần tự tu học hành, trụ, tọa, ngọa, oai nghi đầy đủ, điều phục tam-độc phòng hộ các căn. Ma cảnh tiêu diệt tâm liền giác-ngộ không sinh ưa thích. Tuy gặp kẻ ác, đối đầu bọn cừu thù có thế lực bức bách, nhưng người ấy tâm vẫn trụ chánh niệm. Nếu lỡ mình bị xúc phạm thì tâm không chấp trước, thân, ngữ, ý nghiệp thanh-tịnh xa lìa lỗi lầm. Đối với các thiện pháp có thể uyển chuyển tu tập và giúp tất cả loài hữu-tình được lợi ích, không bị tổn hại. Đối với hàng Thanh-văn và Bích-chi Phật giữ vô-tác-giới, luôn luôn hộ trì một lỗi nhỏ cũng không dính mắc. Cho đến thiện giới của nhân loại, chư thiên ở thế gian cũng đem hết khả năng giữ gìn. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng-thừa, hành hạnh nhẫn nhục, đoạn dần sân hận tự tâm tánh thuần thục, tu tập thành tựu nhẫn nhục Ba-la-mật, thì làm cho tất cả các loài hữu-tình được nhiều lợi ích. Còn như gặp bọn oan gia, họ mắng chửi đánh đập, dùng lời thô tục lăng mạ mà người ấy không sinh hờn oán, hoan hỷ chấp nhận. Hoặc gặp những việc bức bách như: khốn cùng, nghèo khổ, bệnh tật, giá rét, nóng bức, … Vì hướng đến Bồ-đề nên an vui thọ nhận tất cả đau khổ. Nếu có kẻ ác lập mưu lăng nhục, sát hại tổn não đến thân mạng, thì người tu hành nên quán các hữu-tình đều là duyên sanh huyễn hoặc, thay đổi sinh diệt từng sát-na, không thấy có hữu-tình chỉ còn lại pháp “không” vậy! Cũng không khởi tâm trả thù. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng-thừa vì muốn thành tựu tinh tấn Ba-la-mật, dũng mãnh cầu tiến Bồ-tát thắng pháp trước phải phát khởi tâm đại Bồ-đề tu tập các chánh-hạnh. Tuy gặp khổ duyên nhưng không bao giờ thối chuyển. Gặp oan gia phiền não tranh giành gây tổn hại, thì mặc giáp tinh tấn chế ngự điều phục, tâm thường dõng mãnh không có những nỗi khiếp sợ. Thời gian lớp lớp trôi qua kiên cố không thối lui. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng-thừa, tịch-tĩnh tu học thiền-na Ba-la-mật, đình chỉ tán loạn, chánh-niệm hiện tiền, điều hòa thân tâm mau chóng xa lìa hai thứ: Chướng nhiễm hôn-trầm và trạo-cử nặng nề, được an vui nhẹ nhàng chánh trí hiển hiện. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng-thừa thì tâm tự thông mẫn, tánh có thể tu tập Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Trí tuệ tỏ ngộ thông đạt chân thật, hư dối, phương tiện khai đạo khéo léo phân biệt tà chánh, nhân quả, ngu si ám độn, ô nhiễm vi-tế. Nếu có chúng sanh cầu Vô-thượng-giác thì tâm thường bình đẳng, xa lìa kẻ oán, người thân không sanh phân biệt. Nếu thấy chúng sanh làm việc bố thí hay không bố thí thì tâm cũng không yêu hay ghét. Nếu thấy chúng sanh thủ hộ tịnh giới hay phạm giới cũng không thích hay giận. Nếu thấy chúng sanh tu hạnh nhẫn nhục hay không nhẫn nhục, có hành tinh tấn hay không tinh tấn, tu các thiền-na hay không tu các thiền-na, người có trí tuệ sáng suốt hay ngu si tối dạ, đối với tất cả những hàng chúng sanh như thế xa lìa tướng phân biệt không yêu, ghét, quán chiếu chỗ này, chỗ kia, trên cao, dưới thấp một cách bình đẳng, thì gọi những pháp này vốn không sai biệt, đồng một pháp giới tự tánh không khác. Nghĩa đại-thừa tối thượng Bồ-đề là trí vi-diệu viên mãn của các đấng Như Lai. Nếu có chúng sanh đối với Vô-thượng-thừa khởi một niệm tín, cho đến pháp tâm cầu chánh-đẳng-chánh-giác, thì đó gọi là hướng tới nhà Như Lai, trụ Bồ-tát địa.

Bấy giờ, trưởng-giả Cự-lực cùng 500 trưởng-giả nghe Phật thuyết diệu pháp như vậy, khôn xiết vui mừng chưa từng có, mới bạch Phật rằng:

– Kính thưa Đại bi Thế Tôn! Ngài khéo vì chúng con phân biệt diễn thuyết đại-thừa pháp yếu, làm cho tất cả chúng con sinh tin hiểu sâu xa, vui thích tu học. Nếu các chúng sanh vì cầu Vô-thượng-tối-thắng đại-thừa không tiếc thân mạng, buông bỏ nhà cửa, tài sản, bảo vật, các quyến thuộc, đồ ăn, thức uống, y phục, giường chiếu, ngọa cụ, tràng hoa, anh lạc, hương bột, hương thoa và đem nhiều thứ khác để cúng dường, thì chúng con đều nguyện tu học theo hạnh cầu Vô-thượng-thừa Bồ-đề của những vị Bồ-tát, và không tiếc thân mạng kể cả quyến thuộc, cúng dường bố thí những thứ tài sản châu báu quí đẹp, hành hạnh Bồ-tát Ba-la-mật. Cúi xin Như Lai Ứng-chánh-đẳng-chánh-giác vì tất cả chúng con nhiếp thọ chứng tri nhiếp thọ chứng tri giúp cho chúng con được giải thoát.

Thế Tôn bảo trưởng-giả Cự-lực và tất cả những vị trưởng-giả rằng:

– Các ông hãy lắng nghe! Nếu có chúng sanh vì cầu Bồ-đề thương xót hữu-tình, tuy làm bố thí nhưng không cầu phú quí, tuy trì giới nhưng không cầu đoan-nghiêm, tuy hành nhẫn-nhục nhưng không cầu quyến thuộc, tuy hành tinh tấn thiền định trí tuệ, vì thương chúng sanh cầu Vô-thượng-thừa, nhưng không vì thế gian luân hồi nhân quả. Nếu có chúng sanh lợi căn trí tuệ liễu tạt thế gian, sắc thân, ngũ dục sinh diệt huyễn hóa chỉ có giả danh thể tánh không thực thì quán thân tướng này là noãn-sanh, thai-sanh, thấp-sanh, hóa-sanh, đều giả tạo hòa hợp thành, như bèo như bọt sinh đó rồi diệt đó. Chúng sanh vọng niệm bảo là vĩnh cửu. Lại quán thân này như do loáng nắng thể vốn không thực, từ khát ái sinh vọng tình cho là nước. Cũng như cây chuối thể không chắc thật. Nay có thân này rốt cùng là huyễn, từ điên đảo mà sinh, hư giả phù du không bền. Cũng như nơi hoang vắng không là của ai. Cũng như nhà xí đầy dãy dơ bẩn, một thân tới chín lỗ lưu chảy bất tịnh. Cũng như giếng dơ nhiều rác rưỡi đen tối hôi thối rất đáng chán ghét, lại như cừu thù như rắn độc đừng quá yêu mến. Loài hữu-tình trôi nỗi phiêu lạc nhập biển sanh tử, đắm chìm lưu chuyển khó có thời hạn thoát ra là đều do ngũ dục trần lao thế gian, tất cả sắc thân đều hư hoại không chắc, cầu Vô-thượng tối-thắng đại-thừa, dần dần tuần tự tu tập các hạnh Ba-la-mật, muốn chứng giải thoát rất khó làm được.

***

    Xem thêm:

  • Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu Đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Lễ Bái và Sám Hối ở Trước 35 Vị Phật - Kinh Tạng
  • Pháp Tùy Hành Niệm Tụng Đại Tì Lô Già Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh Lược Thị Thất Chi - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Ngữ Lục Của Thiền Sư Thụy Châu Động Sơn Lương Giới - Kinh Tạng
  • Nghi Thức Tụng Niệm Đại Lạc Kim Cang Tát Đỏa Lược Trích Từ Kinh Kim Cang Đỉnh Thắng Sơ Du Già - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Phật Nói Về Hương Giới Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Mạn Thù Thất Lợi So Sánh Công Đức Tràng Hạt - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Thọ Diệt Tội Và Thần Chú Bảo Hộ Các Em Bé - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Tám Thói Xấu Của Ngựa - Kinh Tạng
  • Lược Luận Về Nghĩa An Lạc Tịnh Độ - Kinh Tạng
  • Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Phật nói Luận A Tỳ Đàm về Sự Thế Giới Thành Lập - Kinh Tạng
  • Phẩm Pháp Nghi Quỹ Niệm Tụng Cúng Dường Thánh Hạ Dã Hột Lí Phược Đại Oai Nộ Vương Lập Thành Đại Thần Nghiệm - Kinh Tạng
  • Bích Nham Lục Của Thiền Sư Phật Quả Viên Ngộ – Thích Mãn Giác dịch - Kinh Tạng