Bá Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục
Khuyết danh
Bản Việt dịch của Thích Duy Lực
***
Hỏi: – Thế nào là pháp yếu nhập đạo Đại thừa đốn ngộ?
Sư đáp: – Trước hết ông phải bặt hết các duyên, dẹp bỏ muôn việc, các pháp thiện hay bất thiện, thế gian và xuất thế gian thảy đều buông bỏ, đừng ghi đừng nhớ, đừng duyên đừng niệm, buông bỏ thân tâm, đều cho tự tại, tâm như gỗ đá, miệng không biện luận, tâm không mống niệm, tâm địa nếu không thì mặt trời trí huệ tự hiện, như tan lớp mây mù thì mặt trời xuất hiện, chỉ cần dứt tất cả phan duyên thì các tình chấp tham sân, ái, thủ, sạch, nhơ, đều hết; đối với ngũ dục, bát phong, tâm chẳng động, chẳng bị cái kiến, văn, giác, tri làm chướng ngại, chẳng bị các pháp làm mê lầm thì tự nhiên đầy đủ tất cả công đức, đầy đủ tất cả thần thông, diệu dụng, đó là người giải thoát.
Đối với tất cả cảnh pháp, tâm không tranh cãi loạn động, không nhiếp, không tan, thấu qua tất cả thanh sắc, không bị vướng mắc gọi là đạo nhân.
Thiện ác, phải quấy đều không dùng, cũng không mến một pháp nào, cũng không bỏ một pháp nào gọi là người Đại thừa.
Chẳng bị tất cả thiện ác, không hữu, cấu tịnh, hữu vi vô vi, thế gian xuất thế gian, phước đức trí huệ, ràng buộc gọi là Phật huệ.
Phải quấy, tốt, xấu, đúng lý, không đúng lý, các thứ tình chấp tri giải đều sạch hết, chẳng còn ràng buộc được, nơi nơi đều tự tại đây gọi là Bồ Tát mới phát tâm được lên địa vị Phật.
Hỏi: – Đối với tất cả cảnh làm sao để được tâm như gỗ đá?
Sư đáp: – Tất cả pháp vốn chẳng nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói phải quấy, nhơ sạch, chẳng có tâm trói buộc người, chỉ vì con người tự sanh hư vọng trói buộc, làm ra biết bao thứ tri giải và lãnh hội, khởi ra biết bao loại tri kiến, sanh ra biết bao sự yêu thương, sợ hãi, chỉ cần rõ biết các pháp chẳng tự sanh, đều từ một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có. Biết tâm và cảnh vốn chẳng đến với nhau, ngay nơi đó chính là giải thoát, mỗi mỗi các pháp, ngay nơi đó là tịch diệt, ngay nơi đó là đạo tràng.
Lại nữa tánh sẵn có, không thể đặt lên, vốn chẳng phải phàm chẳng phải Thánh, chẳng phải nhơ sạch, chẳng phải không hữu, cũng chẳng phải thiện ác, nếu nó cùng với các pháp nhiễm tương ưng gọi là cõi người, cõi trời, cõi Nhị thừa, nếu tâm nhơ sạch đều dứt, chẳng trụ nơi ràng buộc, chẳng trụ nơi giải thoát, không có tất cả tâm lượng hữu vi, vô vi, ràng buộc, giải thoát, thì ở nơi sanh tử mà tâm vẫn tự tại, cứu cánh chẳng hoà hợp với các pháp hư vong, huyễn hoá trần lao, sanh tử, ngũ uẩn, lục nhập… xa lìa tất cả, không y trụ một nơi nào. Chẳng bị pháp nào ràng buộc, đi ở vô ngại, qua lại trong sanh tử tử tương tự như cửa mở.
Người học đạo nếu gặp các thứ khổ vui, việc vừa ý hay không vừa ý mà tâm vẫn không lui sụt, chẳng nghĩ đến tất cả thứ danh tiếng, lợi dưỡng, ăn mặc, chẳng tham tất cả công đức, lợi ích, chẳng bị các pháp thế gian làm vướng mắc, không thân, không mến, bình tâm trước mọi sự khổ vui, áo thô ngừa lạnh, cơm hẩm đỡ lòng, ngây ngây như ngu, như điếc, như câm, thì mới có chút phần tương ưng. Nếu trong tâm ham học rộng, biết nhiều, cầu phước, cầu trí đều là sanh tử, đối với lý đạo vô ích lại bị gió tri giải thổi trôi, chìm trong biển sanh tử.
Phật là người không cầu, nếu cầu tức là trái lý – Lý là lý không cầu, nếu cầu liền mất, nếu chấp thì đồng với hữu vi. Do đó Kinh Kim Cang nói: “Chẳng chấp lấy pháp, chẳng chấp lấy phi pháp, chẳng chấp lấy phi phi pháp”. Lại nói: “Pháp mà đức Như Lai được, pháp này không thực cũng không hư”, chỉ cần suốt đời tâm như gỗ đá, chẳng bị ấm giới các nhập, ngũ dục, bát phong làm trôi chìm tức là nhân sanh tử đã được cắt đứt, đi ở tự do, chẳng bị tất cả nhân quả hữu vi trói buộc, chẳng bị hữu lậu câu thúc, mai kia sẽ trở lại dùng sự không tự trói buộc làm nhân, đồng sự lợi ích, dùng tâm vô trước ứng tất cả vật, dùng huệ vô ngại mở tất cả sự trói buộc cũng gọi là tuỳ bệnh cho thuốc
Hỏi: – Như nay xuất gia thọ giới, thân miệng thanh tịnh, đã đủ các pháp có được giải thoát không?
Sư đáp : – Được chút phần giải thoát mà chưa được tâm giải thoát, cũng chưa được tất cả chỗ giải thoát.
Hỏi: – Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ giải thoát?
Sư đáp: – Chẳng cầu Phật, chẳng cầu pháp, chẳng cầu Tăng, nhẫn đến chẳng cầu phước trí, tri giải … Tình chấp nhơ sạch đều dứt hết, cũng chẳng chấp không cầu là phải, cũng chẳng trụ nơi chỗ dứt hết, cũng chẳng mến thiên đường, sợ địa ngục, trói buộc và giải thoát đều vô ngại, tức là thân tâm và tất cả chỗ đều được giải thoát.
Ông chớ cho rằng có được chút phần giới thân miệng ý thanh tịnh là xong, đâu biết rằng: Môn giới, định, huệ như số cát sông Hằng mà vô lậu giải thoát đều chưa dính một mảy lông.
Hãy nỗ lực tiến lên! Hãy dũng mãnh tham cứu! Đừng đợi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn, đầu bạc, già khổ đến thân, buồn thương vương vít rơi lệ dầm dề, trong lòng sợ hãi không có gì để nương tựa và cũng không biết phải đi về đâu. Đến lúc ấy, muốn tay chân không run rẩy cũng không được. Dẫu cho có phước trí, tiếng tăm, lợi dưỡng cũng không cứu được, vì tâm huệ chưa mở, chỉ nghĩ đến các cảnh, chẳng biết phản chiếu, chẳng thấy Phật đạo, nghiệp duyên thiện ác của một đời, tất cả nghiệp ác trong lục đạo, ngũ ấm, hoặc vui, hoặc sợ, từ tham ái của tự tâm hiện ra, biến thành những cảnh thù thắng: nhà cửa xe thuyền tốt đẹp chói lọi hiển hách, chỉ theo chỗ nặng của tham ái, tuỳ nghiệp thọ sanh rồng, súc sinh tốt xấu chưa định được, chẳng chút tự do.
Hỏi: – Thế nào là được phần tự do?
Sư đáp : – Như nay được thì được, hoặc đối với ngũ dục, bát phong, tâm không lấy bỏ, bỏn xẻn, đố kỵ, tham ái, ngã sở đều sạch, nhơ sạch đều quên, cũng như mặt trời trên hư không, chẳng duyên mà chiếu, tâm tâm như gỗ đá, niệm niệm (tham thiền) như cứu lửa cháy đều cũng như voi lớn qua sông cứ băng ngang dòng nước không chút nghi ngờ. Người này thiên đường, địa ngục không câu thúc được.