Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp

Phật Thuyết Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hoá Văn Thù Sư Lợi Vấn Pháp Kinh

Tống Thiên Tức Tai dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Tâm Thường

***

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Thế tôn ngự ở núi Thứu Phong, nơi thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo và đại Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi.v.v… cả đại chúng vây quanh.

Bấy giờ, Phật bảo đồng tử Văn Thù Sư Lợi:

– Này Phật tử! Nay ta sẽ vì các chúng sanh – đối với Tứ Thánh đế tâm sanh điên đảo, thường phải ở mãi trong luân hồi, không thể lìa khỏi – mà giảng thuyết pháp Tứ Thánh đế chắc thật này.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Vì nhơn duyên gì các chúng sanh không thể xa lìa luân hồi hư vọng như vậy, mà lại chẳng hiểu chẳng biết?

Phật dạy:

– Này Văn Thù Sư Lợi! Ta thấy chúng sanh chịu luân hồi hư vọng như vậy là vì lẽ gì?

Này thiện nam tử! Đó đều là vì từ vô thỉ đến nay vọng sanh phân biệt chấp trước về cái ngã kia.

Này Văn Thù Sư Lợi! Vì nhơn duyên như vậy nên phải chịu nghiệp báo ngu si, luân hồi hư vọng này. Vì sao thế? – Vì các chúng sanh ngu si này chẳng nghe, chẳng biết pháp tịch tịnh tối thượng, nhất thiết chẳng tự tư duy thức tỉnh ba nghiệp, buông lung thân – khẩu – ý, tạo các phiền não ngã tham, ngã sân, ngã si.v.v…

Nay Ta ở trong giáo pháp của đức Như Lai, được xuất gia thọ giới thanh tịnh, tu tập giữ gìn hạnh thanh tịnh, xa lìa luân hồi, được đạo Niết-bàn, thoát vòng khổ não. Lại tự tư duy: “Tánh của phiền não này tức là pháp thiện, tức là pháp hữu lậu, tức là pháp vô lậu, tức là pháp luân hồi, là pháp thế gian, xuất thế gian, tức pháp trí, tức pháp dứt bỏ, là pháp chắc thật, là pháp quán trí viên mãn, là pháp quán khổ – tập – diệt – đạo chắc thật, cho đến pháp giới chắc thật”.

Lại tư duy: “Tất cả hành là hư dối, tất cả hành là khổ não, tất cả hành là vô tướng. Ta nếu đắc được như vậy, tức là có thể xa lìa tất cả hư dối và được tùy ý thọ sanh”.

Nếu quán ngã thấy chẳng lìa đạo đế tức là đắc được pháp kia, và làm việc gì đều được tùy ý. Lại đối với pháp kia ghi nhớ không lầm, đối với tất cả pháp tâm không sai khác. Thường biết như vậy tức là được xa lìa bất tín, ngu si, mê hoặc, hủy báng, khen ngợi, được giải thoát tất cả cái khổ về ngã này và ngay khi ấy ngã không còn một mảy may nào khó thực hành.

Nếu A-la-hán nào thường biết cái ngã này thì vị ấy khi mạng chung tự thấy chỗ sẽ thọ sanh, xả bỏ tâm cũ, được tâm Bồ-đề của Phật, tùy theo sự ưa thích mà tự tại đi đến, tức là được đến cảnh giới vô vi. Vị ấy đắc được khổ trí, pháp trí này.

Nếu biết rõ ngã tập hợp tất cả pháp thì sanh tâm bất tín, nghi ngờ, chê bai, cùng các thứ sợ hãi. Nếu chẳng tin pháp này, dứt hết tập này thì vị đó khởi lên tư duy như vầy: “Diệt đế chắc thật”. Vị đó lại tư duy: “Pháp này nên thực hành như vậy thì đạt được Diệt đế. Pháp này nếu thực hành như vậy thì chắc chắn diệt”. Thực hành như vậy thì tâm ý vị đó chắc chắn sanh nghi ngờ và sau khi chết sẽ đọa trong địa ngục lớn.

Thế nào là như thật tư duy sanh tất cả pháp?

Khi ấy đồng tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là tâm thấy Tứ Thánh đế?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

– Nếu người nào thấy được tất cả pháp chẳng sanh tức là thấy Khổ đế. Nếu thấy tất cả pháp sanh ra đều tiêu diệt thì tức là thấy Tập đế. Nếu thấy tướng tất cả pháp tịch tịnh Niết-bàn tối thượng thì tức là thấy Diệt đế. Nếu thấy tánh tất cả pháp rốt ráo thì tức là thấy Đạo đế.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu vị kia thấy Tứ Thánh Đế này chẳng phải thật, chẳng phải hư, là thiện pháp, là bất thiện pháp, là hữu lậu, là vô lậu, là thế gian, là xuất thế gian, là hữu vi trí, là vô vi trí, là pháp không biến đổi, là pháp quán khổ tập liễu biệt trí, là Diệt đế chắc thật, cho đến pháp giới Đạo đế chắc thật chẳng thể thay đổi, thì vì lẽ gì tất cả chúng sanh ngu si đắm trước dục lạc? Ngay trong pháp thật tướng này mà lại sanh mê lầm? Các chúng sanh kia đối với pháp tịch diệt không tư duy kỹ, cho đến tự tánh của tất cả pháp tịch tịnh chẳng được hiện tiền; chẳng biết pháp này là chẳng phải thủ, chẳng phải xả, chẳng phải lìa thủ xả. Ngay nơi cảnh giới tham hiện bày Niết-bàn, cảnh giới sân, cảnh giới si cho đến cảnh giới luân hồi đều có thể hiện bày cảnh giới Niết-bàn vắng lặng.

Nếu người nào đối với tất cả pháp có thể hiện bày tự tánh bình đẳng như vậy thì sẽ được tự tại vô ngại trong tất cả pháp.

Thế nào là chẳng biết pháp chơn thật kia? – Nếu người nào đối với pháp bất sanh, bất diệt, tâm đồng như hư không thì đối với cái bình đẳng với Phật không thể nắm bắt được, bình đẳng với Pháp không thể nắm bắt được, bình đẳng với Tăng không thể nắm bắt được, cho đến bình đẳng với Niết-bàn tịch tịnh cũng không thể nắm bắt được. Như vậy, đối với tất cả pháp vị tằng hữu chẳng còn sanh nghi ngờ, liền được xa lìa si, không sanh, không xuất, cho đến xa lìa tất cả cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh tối thắng. Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả pháp chơn đế như thế chẳng thể thấy được, cho nên Tu Bồ Đề mới không đi đảnh lễ Như Lai. Như Tu Bồ Đề mà còn đắc được vô ngã, huống lại là Như Lai thì làm sao mà thấy có? Đừng nên hiểu như vậy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Như vậy, trong tất cả pháp bất sanh vì có sự thấy nên chẳng phải thấy Tứ Thánh đế.

Bấy giờ Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn, thế nào là thấy Tứ niệm xứ?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

– Tu Bồ Đề sẽ quán đắc thân bất tịnh, thấy niệm xứ của thân. Quán thọ là khổ, thấy niệm xứ của thọ. Quán tâm vô thường, thấy niệm xứ của tâm. Quán pháp vô ngã, thấy niệm xứ của pháp.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật:

– Kính bạch Thế tôn! Thật tướng như vậy làm sao giảng thuyết? Lại làm thế nào để thấy được Tứ niệm xứ chơn thật?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

– Hãy dừng lại ở đây. Chơn thật đế Như Lai giảng thuyết khó hiểu, khó biết.

Văn Thù Sư Lợi thưa:

– Cúi xin Thế Tôn hãy nói về việc đó, phân biệt diễn giảng rộng rãi về Tứ niệm xứ chơn thật kia.

Phật dạy:

– Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thầy thấy thân đồng như hư không, tức là thấy thân niệm xứ trong thân này.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu dối với nội ngoại trung gian, trong thọ có sở đắc tức là thấy thọ niệm xứ.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy tâm trí này có vuông, tròn, lớn, nhỏ tức là thấy tâm niệm xứ trong tâm này.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với pháp thiện, bất thiện, hữu lậu, vô lậu, cho đến phiền não thế gian, xuất thế gian có sở đắc, tức là chẳng phải thấy pháp niệm xứ trong pháp này.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Bốn niệm xứ chơn thật này nên hiểu như vậy.

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn, thế nào là thấy Tứ chánh cần?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

– Nếu người nào quán mười hai duyên sanh hoàn toàn vắng lặng, cho đến vô tánh đối với tất cả pháp chẳng thể nắm bắt, thì vị kia sẽ phát khởi tâm tinh tấn khen ngợi pháp, diệt trừ tất cả nghiệp bất thiện đã sanh; vì tất cả pháp bất thiện chưa sanh khiến cho không sanh; pháp thiện chưa sanh, phát khởi tâm tinh tấn khiến cho sanh; pháp thiện đã sanh khiến cho được tồn tại lâu dài không bỏ mất; sẽ phát khởi tâm tinh tấn viên mãn như tất cả pháp lìa thủ, lìa xả, chẳng lìa thủ xả. Nếu người nào được chánh ức niệm như vậy thì vị đó sẽ không còn khởi tâm lại nữa và liền đạt được hạnh tam ma địa này.

Vị kia tư duy như thế nào để đắc thần túc? Làm thế nào để trụ bình đẳng với tất cả pháp? – Thì này, Văn Thù Sư Lợi, phải nên thấy Tứ chánh cần như vậy.

Văn Thù Sư Lợi lại bạch Phật:

– Kính bạch Thế tôn! Thế nào là thấy Ngũ căn?

Phật dạy:

– Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu vị nào thấy tất cả pháp hoàn toàn không sanh, tức là hiểu được Tín căn. Vì lẽ gì? – Này Văn Thù Sư Lợi! Vì vị này hoàn toàn không sanh Tín căn, đối với tất cả pháp tâm không thể nắm bắt, vì vốn đã lìa danh tự này.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp lìa nhớ nghĩ, không rong ruổi tìm cầu, không dừng lại một nơi thì đó gọi là Tinh tấn căn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả các pháp, xa lìa minh liễu hiện tiền, xa lìa tâm sai biệt, không còn phát khởi thì đó là Niệm căn.

Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với các pháp thường hay lìa sanh diệt, tánh năng giác, sở giác, tánh không, tánh chẳng phải không, thì đó là Định căn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu tánh hoàn toàn có, hoàn toàn không, đối với tất cả pháp không thể nắm bắt thì đó là Tuệ căn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nên hiểu như vậy để biết rõ về Ngũ căn.

Văn Thù Sư Lợi thưa:

– Kính bạch Thế Tôn, thế nào là thấy Ngũ lực?

Phật dạy:

– Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy được tất cả tâm pháp rộng lớn này lìa tánh, lìa tướng, thì đó là Tín lực.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với đạo Bồ-đề tinh tấn cầu công đức, hay lìa thủ xả, chẳng lìa thủ xả, thì đó là Tấn lực.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp lìa các việc nhớ nghĩ, không tính toán thì đó là Niệm lực.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp đều vô tướng thì đó là Định lực.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thường hay xa lìa tất cả sở kiến cho đến Niết-bàn thì đó là Tuệ lực.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nên hiểu như vậy để biết rõ về Ngũ lực.

Văn Thù Sư Lợi thưa:

– Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là thấy Thất giác phần?

Phật dạy:

– Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy tất cả pháp không có tự tánh, không nhớ nghĩ thì đó là Niệm giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm chẳng thể đo lường, nói là thiện hay bất thiện và đắc thọ ký, thì đó là Trạch pháp giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp có thể lìa thủ, chẳng phải lìa thủ xả, lại đối với các pháp xả ly tư lự, thì đó là Tinh tấn giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp chẳng sanh ái trước, hiểu tất cả pháp là vô sanh thì đó là Hỷ giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm sanh tin ưa, hiểu tất cả pháp không thể nắm bắt thì đó là Khinh an giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp, tâm không trạo cử thì đó là Định giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp không trụ, không đắm, không thể giác tri thì đối với tất cả pháp không sanh tham đắm. Nếu đạt được xả như vậy thì đó là Xả giác phần.

Này Văn Thù Sư Lợi! Bảy Bồ-đề phần này nên hiểu như vậy để có thể biết rõ.

Văn Thù Sư Lợi thưa:

– Kính bạch Thế Tôn, thế nào là thấy Bát chánh đạo?

Phật bảo Văn Thù Sư Lợi:

– Nếu không thấy đúng đắn, cho đến không thấy tất cả là không tánh, pháp không có hai tướng, tâm không trở ngại thì đó là Chánh kiến.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy tất cả pháp lìa các trở ngại, chẳng phải lìa các trở ngại, tâm không đắm trước thì đó là Chánh tư duy.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy tất cả pháp không có giới hạn, gọi là không giới hạn, bình đẳng giảng thuyết thì đó là Chánh ngữ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu thấy tất cả pháp không có động tác, lìa tâm bi mẫn vốn chẳng sanh thì đó là Chánh nghiệp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp không vui mừng, không sân giận, các pháp chẳng sanh thì đó là Chánh mạng.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp không có khởi diệt, không có dụng lực thì đó là Chánh tinh tấn.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tất cả pháp niệm niệm chẳng sanh, không có tri giác, lìa các tư duy thì đó là Chánh niệm.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu đối với tự tánh, phi tánh của tất cả pháp thường xa lìa, không đắm trước thì đó là Chánh định.

Này Văn Thù Sư Lợi, Bát chánh đạo này nên hiểu như vậy tức là có thể biết rõ.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu người nào thấy tâm Tứ thánh đế như vậy tức là được thấy Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Bát thánh đạo phần. Tâm chân thật thì chính là cầu sang bờ bên kia, đến cõi thật tế, được đại an lạc, đặt gánh nặng xuống, xa trần, lìa cấu, quán thân vô tướng, đến vô sanh nhẫn. A-la-hán, Sa-môn, Bà-la-môn đến bờ thanh tịnh bên kia thì gọi là đa văn, là chơn Phật tử, là Năng-nhơn tử, có thể đối địch với oan gia, vứt bỏ phiền não, được đại kiên cố, không già nua, không lo sợ, không nghi hoặc, cũng không hý luận, không đây, không kia, thì gọi Tỳ kheo này là ngọn cờ Thánh pháp.

Này Văn Thù Sư Lợi! Nếu được pháp nhẫn như vậy thì được lợi ích rất lớn, đáng được tất cả thế gian, trời, người, A-tu-la… cúng dường.

Này Văn Thù Sư Lợi! Cho nên người này được lãnh thọ tất cả các quốc độ, không sót một cõi nào, đều được cúng dường các thức ăn uống thanh tịnh, vì đã xa lìa luân hồi, được đến bờ Niết-bàn, thoát khỏi các vòng khổ, cho đến đạt được Nhứt thiết Chánh biến tri, Chánh đẳng Bồ-đề. Người phát khởi tâm pháp này thì cầu nguyện điều gì cũng đều đạt được.

Bấy giờ, khi đức Thế Tôn thuyết pháp này, có ba vạn hai ngàn thiên tử đều đắc pháp này. Chúng chư thiên kia ở trước Như Lai Thế Tôn Ứng Chánh Đẳng Giác và đại Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi rải hoa mạn-đà-la, hoa ma-ha mạn-đà-la để cúng dường và thưa như vầy:

– Những vị nào ở trong Phật pháp của Như lai sẽ được xuất gia thọ giới thanh tịnh. nếu khi giảng thuyết pháp này mà nhất tâm lắng nghe, lãnh thọ thì đắc đạo Bồ-đề.

Lại có chúng Tỳ kheo tám ngàn một trăm vị, tâm được dứt sạch các lậu, được giải thoát, không còn tái sanh.

Lại có bốn vạn hai ngàn Bồ-tát đắc Vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ, tất cả cung điện của ma vương, núi rừng, đại địa, khoáng dã ở trong tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động sáu cách. Trong hư không mưa các hoa trời và có lời tán thán rằng:

– Lành thay! lành thay! Khéo giảng thuyết pháp này, thật là hy hữu!

Âm thanh phát ra như vậy, mười phương đều nghe.

Phật thuyết kinh này xong, Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử và chúng đại Bồ-tát cùng các Tỳ kheo, tất cả thế gian, chư thiên, nhơn dân, A-tu-la, Càn-đạt-bà,.v.v… nghe Phật giảng thuyết đều rất hoan hỷ, đảnh lễ Phật rồi lui ra.

    Xem thêm:

  • Phật Nói Kinh Đại Thừa Thiện Kiến Biến Hóa Văn Thù Sư Lợi Hỏi Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Ha Điêu A Na Hàm - Kinh Tạng
  • Đại Thánh Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Tán Phật Pháp Thân Lễ - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sở Thuyết Tối Thắng Danh Nghĩa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Phạm Thiên Trì Tâm Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Sư Tử Trang Nghiêm Vương Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Phát Nguyện - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng