1
2

Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí

Phật Thuyết Bố Thí Kinh

Tống Pháp Hiền dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Nguyên Lộc

Bản Việt dịch (2) của Thích Tâm Nhãn

***

Kinh Phật Nói Về Pháp Bố Thí

Việt dịch: Thích Nguyên Lộc

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cùng chúng đại Tì-kheo đồng cư trú ở tinh xá Kì-hoàn. Bấy giờ Ngài vì đại chúng mà nói ba mươi bảy pháp bố thí.

1. Dùng lòng tin sâu nặng để bố thí, người này sẽ xa lìa sự đố kị và được mọi người tôn kính.

2. Bố thí đúng lúc, thì ba nghiệp được thanh tịnh, bốn mùa an ổn.

3. Thường bố thí, thì thân tâm thoải mái vui vẻ, không tán loạn.

4. Tự tay mình bố thí, thì ngón tay thon nhỏ và dài, thân tướng đoan nghiêm xinh đẹp.

5. Bố thí cho người khác, thì được người khác đại xả thí.

6. Đúng giáo pháp mà bố thí, tâm xa lìa chấp tướng, thì được phúc vô vi.

7. Bố thí sắc vi diệu, thì màu của thân trang nghiêm, mọi người ưa thích.

8. Bố thí hương thượng diệu, thì thường được mùi thơm chiên-đàn và mọi người cúng dường.

9. Bố thí vị thượng diệu, thì được vị ngon tuyệt diệu trong các vị ngon, thân thể khỏe mạnh.

10. Đúng như pháp mà tôn trọng bố thí, thì được an ổn vui vẻ, mọi người thích nhìn.

11. Dùng tâm rộng lớn mà bố thí, thì được phúc nhiều vô lượng.

12. Bố thí thức ăn ngon, thì không bị mất mùa, kho lẫm tràn đầy.

13. Bố thí nước sữa, thì đến nơi đâu cũng không bị đói khát.

14. Bố thí y phục, thì được y phục tốt đẹp trang nghiêm thân.

15. Bố thí chỗ ở, thì được ruộng vườn, nhà cửa rộng lớn, lầu gác nguy nga.

16. Bố thí ngọa cụ, thì được sinh vào dòng tộc giàu sang, các đồ dùng sáng sạch.

17. Bố thí voi, ngựa, xe cộ thì được bốn thần túc, diệu dụng không chướng ngại.

18. Bố thí thuốc men thì thân tâm luôn an ổn vui vẻ, không bị bệnh tật.

19. Bố thí kinh pháp thì được các món thần thông như Túc mệnh…

20. Bố thí hoa quả thì được hoa bảy giác chi.

21. Bố thí tràng hoa thì xa lìa các phiền não tham, sân và si.

22. Bố thí hương thơm thì xa lìa phiền não cấu uế.

23. Bố thí lọng che thì được tự tại đối với các pháp.

24. Bố thí chuông linh thì được giọng nói hay.

25. Bố thí âm nhạc thì Phạm âm tuyệt diệu.

26. Bố thí đèn thì được thiên nhãn thanh tịnh.

27. Bố thí tơ lụa thì được đắp y giải thoát.

28. Lấy nước thơm rưới tháp miếu thờ Như Lai.

29. Lấy nước thơm tắm thân Như Lai.

30. Lấy dầu thơm thoa lên tượng Phật thì người đó được ba mươi hai tướng quí và tám mươi vẽ đẹp.

31. Cúng dường nước thơm cho chư tăng tắm thì được sinh vào nhà giàu có, ít bệnh mà an vui.

32. Khởi tâm từ mà bố thí, thì dung nghi hòa nhã, không còn sân hận.

33. Khởi tâm bi mà bố thí thì xa lìa tâm giết hại.

34. Khởi tâm hỉ mà bố thí, thì được vô sở úy, không còn lo buồn sầu não.

35. Khởi tâm xả mà bố thí, thì xa lìa chướng ngại, được niềm vui Niết-bàn.

36. Bố thí nhiều phẩm vật, thì được nhiều phúc.

37. Khởi tâm vô trụ vô tướng mà bố thí, thì chứng được Vô thượng chính đẳng chính giác.

Đức Phật bảo các tì-kheo: “Ba mươi bảy pháp này là việc làm của người trí, vô cùng vi diệu, các ông nên thụ trì”.

Lúc bấy giờ, vua nước Xá-vệ bạch Đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Chúng con phải bố thí như thế nào?”.

Đức Phật dạy: “Đại vương! Nếu muốn cầu phúc báo thắng diệu, thì lúc bố thí phải khởi lòng từ bi không giết hại, xa lìa tâm ghen ghét; tương ưng với chính kiến, lánh xa điều không tốt; giữ kĩ giới cấm, gần gũi bạn lành; đóng cửa đường ác, mở đường sinh thiên; tự lợi, lợi tha khởi tâm bình đẳng. Nếu bố thí đúng như vậy, mới là chân bố thí, là ruộng phúc rộng lớn. Lại nữa, bố thí thuận theo tâm nguyện mình, thì được phúc báo thích ứng.

Hoặc tự tay mình bố thí sắc tuyệt diệu, hương trân quí, vị thơm ngon, vật mềm mại, thì được phúc báo mọi người tôn trọng, quyến thuộc sum vầy đông đúc, giàu có an vui. Nếu bố thí thức ăn, nước uống thì thân thể khỏe mạnh; hoặc bố thí dầu đốt đèn thì được thiên nhãn; bố thí âm nhạc thì được thiên nhĩ; bố thí thuốc men thì được sống lâu; bố thí chỗ ở thì được lầu gác, ruộng vườn; bố thí pháp thì được cam lồ”.

Đức Phật lại dạy: “Đại vương! Nếu dùng mười điều thiện mà hành bố thí, thì được mười loại báo ứng. Mười điều thiện: Không giết chúng sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời độc ác, không nói lưỡi hai chiều, không tham, không sân và không si. Mười phúc báo: Sống lâu không bị chết yểu, tiền tài không mất mát, quyến thuộc trong sạch, nói lời chân thật, lìa sự ghen ghét, mọi người ưa gặp, bạn bè hòa thuận, không bị nghèo hèn, tướng mạo khôi ngô, trí tuệ tương ứng”.

Đức Phật dạy tiếp: “Đại vương! Nếu dâng thức ăn, nước uống thơm ngon cúng dường Tam bảo, thì được năm lợi ích: Thân tướng xinh đẹp, sức khỏe dồi dào, sống thọ lâu dài, vui vẻ an ổn và thành tựu biện tài. Như vậy, tất cả chúng sinh cho đến cha mẹ, vợ con, quyến thuốc nam nữ trong châu Nam Thiệm-bộ này mà bố thí như thế, thì sẽ thành tựu viên mãn tất cả sở nguyện. Nghe Đức Phật nói pháp này rồi, đại chúng đều hoan hỉ đỉnh lễ mà lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Minh Định dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Diệu Pháp Liên Hoa – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 25 – Mười Việc Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Lục Độ Tập - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 4 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Tuệ Khai dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Ðăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 21 Đến Phẩm 30 - Kinh Tạng
  • Kinh Hiền Ngu - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Chúng Hứa Ma Đế - Kinh Tạng
  • Kinh Thân Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Bản Hạnh Tập Phẩm 51 Đến Phẩm 60 - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực - Kinh Tạng