Kinh Đại Bát Niết Bàn
Bắc Lương Thiên Trúc Tam Tạng Đàm Vô Sấm dịch
Tống Huệ Nghiêm Đẳng Y Nê Hoàn Kinh gia chi phẩm mục
Bản Việt dịch của Tuệ Khai
***
Quyển thứ nhất
1. PHẨM TỰA
Tôi nghe như vầy, một thuở, đức Phật ở tại thành Câu Thi Na, vùng đất sinh sống của lực sĩ, bên bờ sông A Di La Bạt Ðề, trong khoảng Ta la Song Thọ. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn cùng với các vị đại Tỳkheo gồm tám mươi ức trăm ngàn người, trước sau vây quanh. Ngày mười lăm tháng hai, lúc sắp Niết Bàn, Ngài dùng thần lực của Phật phát ra âm thanh lớn. Âm thanh ấy đầy khắp đến tận trời Hữu Ðảnh, tùy theo âm thanh của từng loài mà phổ cáo chúng sinh rằng: “Ngày hôm nay, đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri thương xót chúng sinh, che hộ chúng sinh, bình đẳng xem chúng sinh như La Hầu La, là chỗ qui y, là nhà của thế gian! Ðấng Ðại Giác Thế Tôn sắp muốn vào Niết Bàn! Tất cả chúng sinh, nếu có điều gì nghi hoặc thì hôm nay đều có thể hỏi vì đây là lần hỏi sau cùng”. Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, từ diện môn của Ngài phóng ra đủ thứ ánh sáng. Ánh sáng ấy màu sắc xen nhau xanh, vàng, đỏ, trắng, pha lê, mã não. Ánh sáng chiếu soi khắp những thế giới Phật của ba ngàn đại thiên này, cho đến mười phương cũng lại như vậy. Chúng sinh sáu đường sẵn có trong những thế giới ấy gặp được ánh sáng ấy thì tất cả tội cấu phiền não đều tiêu trừ. Những chúng sinh này thấy nghe thế rồi, lòng rất ưu não, đồng thời cất tiếng kêu thương gào khóc: “Ô hô! Ðấng Từ phụ! Ðau thay! Khổ thay!” Họ đưa tay vỗ đầu, đấm ngực, thét lớn. Trong số họ, hoặc có người thân thể run rẩy, tức tưởi, nghẹn ngào. Bấy giờ đất đai, núi lớn, biển cả đều chấn động. Các chúng sinh đều nói với nhau rằng: “Mỗi người hãy tự đè nén, chớ nên sầu khổ quá! Phải cùng nhau mau chóng đi đến chỗ sinh sống của lực sĩ tại thành Câu Thi Na, đến chỗ đức Như Lai, đầu mặt lễ kính, khuyến thỉnh đức Như Lai chớ nên vào Niết Bàn mà nên trụ thế một kiếp hoặc giảm một kiếp. Họ cùng nắm tay nhau nói lên rằng:
– Thế gian trống không! Chúng sinh phước tận! Các nghiệp bất thiện tăng trưởng! Những bậc xuất thế nay sẽ qua mau! Qua mau! Ðức Như Lai chẳng bao lâu nhất định vào Niết Bàn!
Họ lai nói rằng:
– Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng! Chúng ta từ nay không có người cứu hộ, không nơi trông ngưỡng, bần cũng cô lộ! Một sớm xa lìa đấng Vô Thượng Thế Tôn! Giả sử có điều nghi hoặc sẽ lại hỏi ai?
Có vô lượng những đại đệ tử như tôn giả Ma Ha Ca Chiên Diên, tôn giả Bạc Câu La, tôn giả Ưu Ba Nan Ðà.v.v… Những vị đại Tỳkheo như vậy gặp ánh sáng của đức Phật thì thân họ run rẩy lắc lư, thậm chí đại động chẳng thể tự giữ gìn, lòng vẩn đục mê muội, phát ra tiếng kêu lớn, sinh ra đủ thứ khổ não như vậy.v.v…. Bấy giờ lại có tám mươi trăm ngàn những Tỳkheo.v.v… đều là A la hán, lòng được tự tại, mọi việc đã hoàn thành, lìa các phiền não, điều phục các căn như đại long vương có uy đức lớn, thành tựu không tuệ, đạt được lợi mình như rừng chiên đàn với chiên đàn vây quanh, như vua sư tử với sư tử vây quanh. Họ thành tựu vô lượng công đức như vậy, tất cả đều là con chân chính của đức Phật. Sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, họ rời khỏi nơi thường trụ, vừa dùng đến cành dương (đồ để đánh răng) thì đều gặp ánh sáng của đức Phật. Họ bảo nhau rằng:
– Các ông hãy mau rửa mặt súc miệng sạch sẽ!
Nói thế xong, toàn thân nổi da gà, khắp người máu xuất hiện như hoa Balaxa, họ khóc lóc nước mắt đầm đìa, phát sinh đại khổ não. Vì muốn lợi ích, an lạc cho chúng sinh, thành tựu hạnh không số một của Ðại Thừa, hiển phát mật giáo phương tiện của đức Như Lai, vì chẳng đoạn tuyệt đủ thứ thuyết pháp, vì các chúng sinh điều phục nhân duyên nên những vị ấy mau chóng đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính, lui lại ngồi một bên.
Lúc bấy giờ lại có Câu Ðà La nữ, Thiện Hiền Tỳkheo ni, Ưu Ba Nan Ðà Tỳkheo ni, Hải Ý Tỳkheo ni… cùng với sáu mươi ức Tỳkheo ni, tất cả cũng là đại A la hán, các lậu đã tận, tâm được tự tại, công việc đã hoàn thành, lìa khỏi các phiền não, điều phục các căn giống như rồng lớn, có uy đức lớn, thành tựu không tuệ… Sáng sớm, lúc mặt trời mới mọc, những vị này cũng toàn thân nổi da gà, khắp người máu xuất hiện như hoa Ba la xa, khóc lóc nước mắt đầm đìa, sinh ra đại khổ não. Các vị ấy cũng muốn lợi ích an lạc cho chúng sinh, thành tựu hạnh không số một của Ðại thừa, hiển phát mật giáo phương tiện của đức Như Lai, vì muốn chẳng đoạn tuyệt đủ thứ thuyết pháp, vì các chúng sinh điều phục nhân duyên nên họ mau chóng đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính, lui về ngồi một bên. Ở trong chúng Tỳkheo ni này lại có các Tỳkheo ni đều là Bồ tát, những rồng trong loài người, ngôi vị Thập địa, an trụ bất động, nhưng vì giáo hóa chúng sinh nên thị hiện thọ nữ thân mà thường tu tập bốn Vô Lượng Tâm, được tự tại lực, có thể biến hóa làm Phật.
Lúc bấy giờ, có một hằng hà sa đại Bồ tát, là rồng trong loài người, ngôi vị Thập Ðịa, an trụ bất động, phương tiện hiện thân. Tên những vị ấy là Hải Ðức Bồ tát, Vô Tận Ý Bồ tát.v.v… Những vị đại Bồ tát như vậy mà là thượng thủ. Lòng những vị ấy đều kính trọng Ðại Thừa, an trụ Ðại Thừa, giải sâu Ðại Thừa, yêu thích Ðại Thừa, thủ hộ Ðại Thừa, giỏi có thể thuận theo tất cả thế gian, nói lên lời thề rằng: “Những người chưa độ thì sẽ khiến cho được độ”. Họ đã ở trong vô số kiếp đời quá khứ, tu trì tịnh giới, giỏi giữ gìn sở hạnh, giải thoát cho người chưa giải thoát, nối truyền giống Tam Bảo khiến cho chẳng đoạn tuyệt, vào đời vị lai sẽ chuyển bánh xe pháp, dùng đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm. Những vị ấy thành tựu vô lượng công đức như vậy, bình đẳng quan sát chúng sinh xem như con một. Cũng vào sáng sớm, lúc mặt trời mọc, những vị ấy gặp ánh sáng đức Phật thì toàn thân nổi da gà, khắp người máu xuất hiện như hoa Ba la xa, khóc lóc nước mắt đầm đìa, sinh ra đại khổ não. Cũng vì muốn lợi ích an lạc cho chúng sinh, thành tựu hạnh không số một của Ðại Thừa, hiển phát mật giáo phương tiện của đức Như Lai, vì chẳng đoạn tuyệt đủ thứ thuyết pháp, vì muốn cho các chúng sinh điều phục nhân duyên nên những vị ấy mau chóng đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, chắp tay cung kính mà lui về ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, lại có hai lần hằng hà sa những ưu bà tắc thọ trì năm giới, uy nghi đầy đủ. Tên những vị ấy là: Uy Ðức Vô Cấu Xưng Vương Ưu bà tắc, Thiện Ðức Ưu bà tắc.v.v… mà là thượng thủ. Họ ưa quan sát sâu các cửa đối trị như là khổ – vui, thường – vô thường, tịnh – bất tịnh, ngã – vô ngã, thật – chẳng thật, qui y – chẳng phải qui y, chúng sinh – chẳng phải chúng sinh, hằng – chẳng phải hằng, an – chẳng phải an, vi – vô vi, đoạn – chẳng đoạn, Niết Bàn – chẳng phải Niết Bàn, tăng thượng – chẳng phải tăng thượng… Họ thường ưa quán sát những pháp môn đối trị như vậy, cũng muốn ưa nghe Ðại thừa vô thượng. Như họ đã nghe rồi thì có thể vì người khác giảng nói, giỏi trì tịnh giới, khát ngưỡng Ðại Thừa; đã tự sung túc lại có thể sung túc cho người khát ngưỡng khác, giỏi có thể nhiếp lấy trí tuệ vô thượng, yêu thích Ðại Thừa, thủ hộ Ðại Thừa, giỏi có thể thuận theo tất cả thế gian độ người chưa độ, tiếp nối giống Tam bảo khiến cho chẳng đoạn tuyệt, ở đời vị lai sẽ chuyển bánh xe pháp, dùng đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm, lòng thường nếm sâu giới hạnh thanh tịnh. Họ có thể thành tựu hết công đức như vậy, đối với các chúng sinh phát sinh lòng đại bi, bình đẳng không hai, như nhìn con một. Cũng vào sáng sớm, lúc mặt trời mới mọc, vì muốn trà tỳ (thiêu) thân của đức Như Lai nên người người đều lấy gỗ thơm hàng vạn bó, nào là Chiên đàn, trầm thủy, ngưu đầu Chiên đàn, thiên mộc hương.v.v… Mỗi một cây này có hoa văn bám theo đều có ánh sáng vi diệu của bảy báu ví như đủ thứ họa tiết nhiều màu xen lẫn. Do Phật lực nên có diệu sắc xanh vàng đỏ trắng này được các chúng sinh ưa nhìn thấy. Những cây gỗ đều được tô lên đủ thứ hương thơm như Uất Kim Cương, Trầm thủy hương và Giao hương.v.v.. Tung ra thì dùng những thứ hoa mà làm trang nghiêm như hoa Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi. Bên trên những cây gỗ thơm treo phan năm màu nhu nhuyến vi diệu giống như áo trời, áo kiều xa gia, lụa là ngũ sắc sô ma. Những cây gỗ thơm này được chở trên xe báu. Những xa báu này phát ra đủ thứ ánh sáng xanh vàng đỏ trắng. Càng xe, nan hoa xe đều dùng bảy báu lấp vào khoảng trống. Mỗi một chiếc xe này dùng bốn ngựa kéo mà mỗi một con ngựa đó chạy nhanh như gió. Trước mỗi một chiếc xe dựng lên năm mười diệu tràng bằng bảy báu và màn lưới bằng sợi vàng ròng che bên trên xe ấy. Mỗi một xe báu lại có năm mươi bảo cái vi diệu. Trên mỗi một xe buông thòng xuống những hoa man như hoa Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi. Những hoa ấy thuần dùng vàng ròng làm cánh, Kim cương làm đài. Trong đài hoa này có nhiều ong đen đến tập trung, vui sướng thọ lạc trong ấy. Trong hoa lại phát ra diệu âm như là vô thường, khổ, không, vô ngã. Trong âm thanh đó lại nói lên việc hành đạo xưa của Bồ tát. Lại có đủ thứ ca múa, kỹ nhạc, đàn địch sáo tiêu cổ súy. Trong tiếng nhạc đó lại phát ra lời này: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian trống rỗng”. Trước mỗi một xe có Ưu bà tắc nâng bốn cái án báu. Trên những án này có đủ thứ hoa như hoa Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi… Các mùi hương Uất Kim và còn các loại hương xông vi diệu đệ nhất khác. Các vị Ưu bà tắc vì đức Phật và tăng bày biện đủ thứ những đồ ăn đều được nấu chín bằng củi thơm Chiên đàn trầm thủy và nước tám công đức. Những đồ ăn ấy ngon ngọt có đủ sáu vị, một là đắng, hai là chua (giấm), ba là ngọt, bốn là cay, năm là mặn, sáu là nhạt. Ðồ ăn ấy lại có ba đức, một là nhẹ mềm, hai là tịnh khiết, ba là đúng như pháp. Tạo tác đủ thứ trang nghiêm như vậy, các Ưu bà tắc đến chỗ các lực sĩ ở vùng Ta La Song Thọ, lại dùng cát vàng trải khắp trên đất ấy, rồi dùng áo Ca lăng già, áo Khâm bà la và áo tơ lụa ngũ sắc mà phủ lên cát đầy khắp chu vi mười hai do tuần. Họ vì đức Phật và Tăng đặt bày tòa Sư tử thất bảo. Tòa ấy cao lớn như núi Tu Di. Trên các tòa đó đều có trướng báu buông xuống những chuỗi ngọc. Những cây Ta La đều treo đủ thứ phan, cái vi diệu, trác vào cây đủ thứ hương thơm, tung lên vung cây đủ thứ danh hoa. Các vị Ưu bà tắc đều nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh, nếu có sự thiếu thốn đồ ăn, thức uống, y phục, đầu mắt, chi thể… thì theo sự cần dùng của họ đều cấp cho hết”. Khi tác khởi ý niệm bố thí đó thì lìa khỏi lòng tham dục, sân nhuế, vẩn đục độc hại, không còn suy nghĩ, nguyện cầu phước lạc thế gian, ý chí chỉ cầu Bồ Ðề Vô Thượng thanh tịnh. Những vị Ưu bà tắc này đều đã an trụ ở đạo Bồ tát. Họ lại tác khởi ý niệm này: “Ðức Như Lai hôm nay nhận đồ ăn của ta rồi sẽ vào Niết Bàn”. Nghĩ thế rồi toàn thân họ nổi da gà, khắp người máu xuất hiện như hoa Ba la xa, họ khóc lóc đầm đìa nước mắt, phát sinh đại khổ não. Mỗi mỗi đều đem đồ cúng dường mang theo chở trên xe báu như gỗ thơm, tràng phan, bảo cái, đồ ăn, thức uống… mau chóng đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, đem đồ cúng dường của mình mang theo cúng dường đức Như Lai, nhiễu quanh trăm ngàn vòng, cất tiếng gào khóc bi ai, động đến trời đất, đấm ngực kêu lớn, nước mắt tuông xuống như mưa. Họ lại bảo nhau rằng: “Khổ thay! Ông ơi! Thế gian trống rỗng! Thế gian trống rỗng!” Rồi họ liền gieo mình trước đức Như Lai mà bạch đức Phật rằng:
– Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Thế Tôn lúc thời điểm, mặc nhiên chẳng nhận. Họ thỉnh như vậy ba lần, đức Phật đều chẳng hứa. Sở nguyện của các Ưu bà tắc chẳng kết quả, lòng họ mang bi não, mặc nhiên mà trụ. Giống như người từ phụ có con một bị bệnh chết vừa chôn cất trở về nên ưu não cực đại. Các vị Ưu bà tắc buồn khóc khổ não cũng lại như vậy. Họ đem những đồ cúng dường đặt yên vào một chỗ rồi lui về một bên, lặng lẽ mà ngồi.
Lúc bấy giờ, lại có ba lần hằng hà sa những Ưu bà di thọ trì năm giới, uy nghi đầy đủ. Tên những vị ấy là: Thọ Ðức Ưu bà di, đức Man Ưu bà di, Tỳ Xá Khư ưu bà di.v.v… tám muôn bốn ngàn người mà là thượng thủ. Họ đều đủ sức đảm nhận việc hộ trì chánh pháp nhưng vì hóa độ vô lượng trăm ngàn chúng sinh nên thị hiện thân nữ, quở trách gia pháp. Họ tự quán thân mình như bốn con rắn độc; thân này thường bị sự ăn nuốt của vô lượng những loài trùng; thân này hôi thối, tham dục bị giam giữ, trói buộc; thân này đáng ghét giống như chó chết, thân này bất tịnh, chín lỗ thường chảy ra; thân này là ngôi thành chứa máu thịt gân xương được da bọc lên trên ấy. Tay chân dùng làm mộc chắn, vọng lâu đẩy lui địch. Mắt là lỗ cửa sổ, đầu là điện đường mà vua tâm ở trong đó. Ngôi thành thân như vậy là đồ bỏ đi của các đức Phật Thế Tôn mà người ngu phàm phu thì thường đắm trước. Quỉ La sát tham dâm, sân nhuệ, ngu si dùng trụ trong ngôi thành ấy. Thân này chẳng bền giống như cỏ lau, y lan, bọt nước, cây chuối. Thân này vô thường niệm niệm chẳng trụ giống như ánh chớp, nước cuốn, lửa huyễn cũng giống như vẽ nước tùy theo vẽ, tùy theo hợp. Thân này dễ hoại giống như cây cao lớn gần bờ sông. Thân này chẳng bao lâu bị sự ăn nuốt của chồn sói, kền kền, chim ưng, quạ diều, chó đói.v.v… Ai là người có trí mà sẽ ưa thân này? Thà dùng vết chân trâu đựng nước biển cả chứ chẳng thể nói đầy đủ sự vô thường, bất tịnh, hôi thối của thân này! Thà vo tròn đại địa làm cho bằng quả táo, dần dần trở thành nhỏ như hạt rau đay, thậm chí như hạt bụi chứ chẳng thể nói đầy đủ lỗi hoạn của thân này. Vậy nên phải bỏ nó như chỗ bỏ nước bọt. Do nhân duyên này nên các vị ưu bà di dùng pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện tu dưỡng tâm mình luôn. Họ rất ưa hỏi han, thính thọ kinh điển Ðại Thừa, nghe rồi cũng có thể vì người khác diễn nói, hộ trì bản nguyện, hủy báng nữ thân, rất chán ghét tính chẳng bền chắc của thân, lòng thường tu tập chánh quán như vậy. Họ phá hoại sự luân chuyển không bờ bến của sinh tử, khát ngưỡng Ðại Thừa, đã tự sung túc. Lại có thể sung túc cho những người khát ngưỡng khác. Họ tin sâu Ðại thừa, thủ hộ Ðại thừa. Họ tuy hiện nữ thân nhưng thật chính là Bồ tát, giỏi có thể thuận theo tất cả thế gian, độ người chưa độ, giải thoát kẻ chưa giải thoát, nối dõi giống Tam Bảo khiến cho chẳng đoạn tuyệt. Ở đời vị lai họ sẽ chuyển pháp luân, dùng đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm, kiên trì cấm giới, đều thành tựu hết những công đức như vậy. Ðối với các chúng sinh, họ sinh ra lòng đại bi, bình đẳng không hai như nhìn thấy con một. Cũng vào sáng sớm, lúc mặt trời mọc, họ đều nói với nhau rằng: “Hôm nay phải nên đến vùng Song Thọ!” Các vị ưu bà di đã thiết bày đồ cúng bội phần hơn trước, đem đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay vì đức Phật và Tăng bày biện các đồ cúng, nguyện xin đức Như Lai xót thương nhận đồ cúng của chúng con.
Ðức Như Lai mặc nhiên mà chẳng hứa khả. Các vị ưu bà di biết sở ngyện của mình chẳng kết quả, lòng mang buồn bã, lui về ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, lại có bốn hằng hà sa những Ly xa gồm trai gái, lớn nhỏ, vợ con, quyến thuộc của thành Tỳ Xá Ly và quyến thuộc của các vua cõi Diêm Phù Ðề vì cầu pháp nên giỏi tu giới hạnh, uy nghi đầy đủ, tiêu diệt, hàng phục kẻ dị học phá hoại chánh pháp, thường nói với nhau rằng: “Chúng ta sẽ dùng cả kho chứa vàng bạc vì khiến cho kho chánh pháp thâm áo cam lồ vô tận trụ thế lâu dài và nguyện khiến cho chúng ta thường được tu học. Nếu có người bài báng chánh pháp của đức Phật thì chúng ta sẽ cắt lưỡi của họ”. Những người ấy lại phát nguyện rằng: “Nếu có kẻ xuất gia hủy phạm cấm giới thì chúng con sẽ buộc họ thôi khiến cho hoàn tục. Giả sử có người hay ưa hộ trì chánh pháp thì chúng con sẽ kính trọng như thờ cha mẹ. Nếu có chúng Tăng có thể tu theo chánh pháp thì con sẽ tùy hỷ khiến cho họ được thế lực, thường ưa thích nghe kinh điển Ðại Thừa, nghe rồi cũng có thể vì người khác giảng nói rộng rãi, đều thành tựu công đức như vậy”. Những người ấy gọi là Tịnh vô cấu tạng Ly xa tử, Tịnh bất phóng dật Ly xa tử, Hằng thủy vô cấu tịnh đức Ly xa tử… Những người như vậy đều nói với nhau rằng: “Các ông hôm nay có thể mau đến chỗ đức Phật bày biện đầy đủ các thứ đồ cúng dường!”. Mỗi một Ly xa đều nghiêm chỉnh tám muôn bốn ngàn voi lớn, tám muốn bốn ngàn xe báu bốn ngựa, tám muốn bốn ngàn ngọc báu Minh Nguyệt, bó củi Thiên mộc, Chiên đàn, trầm thủy… mỗi chủng loại đều có đủ tám muốn bốn ngàn. Trước mỗi một con voi có trang phan bảo cái mà bảo cái nhỏ nhất chu vi ngang dọc cũng đến một do tuần, bảo phan ngắn nhất cũng dài đến ba mươi ba do tuần, bảo tràng thấp nhất cũng cao đến một trăm do tuần. Họ mang những đồ cúng dường như vậy đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay vì đức Phật và Tăng bày biện các đồ cúng dường, nguyện xin đức Như Lai thương thọ nhận đồ cúng của chúng con!
Ðức Như Lai mặc nhiên mà chẳng hứa khả. Các Ly xa chẳng thỏa sở nguyện, lòng mang ưu sầu. Do thần lực của đức Phật nên họ lặng yên trụ ở trong hư không cách mặt đất bảy cây Ða la.
Lúc bấy giờ, có năm hằng hà sa đại thần, trưởng giả kính trọng Ðại Thừa. Nếu có kẻ dị học bài báng chánh pháp thì những người này có đủ năng lực tiêu diệt hàng phục giống như mưa đá làm gãy đỗ cỏ cây. Tên những người ấy là Nhật Quang trưởng giả, Hộ Thế trưởng giả, Hộ Pháp trưởng giả.v.v… những người khác như vậy mà làm thượng thủ. Họ thiết bày đồ cúng dường gấp năm những người trước, cùng chung mang đến vùng Ta-la song thọ, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay vì đức Phật và Tăng thiết bày những đồ cúng dường. Nguyện xin đức Phật thương xót thọ nhận đồ cúng của chúng con!
Ðức Như Lai mặc nhiên mà chẳng nhận đồ cúng của họ. Các vị trưởng giả.v.v.. chẳng thỏa sở nguyện, lòng mang sầu não, nhờ thần lực đức Phật nên lặng yên mà ngồi ở trong hư không cách mặt đất bảy cây Ða La.
Lúc bấy giờ, có vua Tỳ Xá Ly và hậu cung phu nhân quyến thuộc của vua ấy, các vua sẵn có bên trong cõi Diêm Phù Ðề, trừ vua A Xà Thế, cùng với nhân dân trong thành ấp, tụ lạc. Những vua ấy tên là Nguyệt Vô Cấu Vương.v.v.. Họ đều nghiêm chỉnh bốn thứ binh muốn đi đến chỗ đức Phật. Mỗi một vua này đều có một trăm tám mươi vạn ức nhân dân quyến thuộc. Những binh xa này do voi ngựa kéo. Voi có sáu ngà, ngựa chạy nhanh như gió. Ðồ cúng trang nghiêm của họ gấp sáu lần những người trước. Trong số bảo cái mà cái cực nhỏ thì chu vi ngang dọc đến tám do tuần, bảo phan cực ngắn thì cũng đến mười sáu do tuần, bảo tràng thấp nhất thì cũng đến ba mươi sáu do tuần. Những vị vua này.v.v… an trụ chánh pháp, ghét tà pháp như giặc ác, kính trọng Ðại Thừa, rất ưa Ðại Thừa, thương xót chúng sinh, xem họ bình đẳng như con một. Họ mang theo đồ ăn, thức uống mà hơi thơm lan tỏa đầy bốn do tuần. Cũng vào sáng sớm, khi mặt trời mới mọc, họ mang đủ thứ đồ ăn ngon thượng diệu đi đến vùng Ta-la song thọ, đến chỗ đức Như Lai mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con vì đức Phật và Tỳkheo Tăng thiết bày đồ cúng dường này. Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời; cũng chẳng hứa khả. Những vua này… chẳng thỏa sở nguyện, lòng mang sầu não, lui về trụ ở một bên.
Lúc bấy giờ, có bảy hằng hà sa phu nhân của các vua, trừ phu nhân của vua A Xà Thế, vì độ chúng sinh nên thị hiện thọ thân nữ. Họ thường quán thân hành, dùng pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện mà huân tu lòng mình. Những vị ấy tên là Tam Giới Diệu phu nhân, Ái Ðức phu nhân.v.v… Phu nhân của những vua như vậy đều an trụ ở trong chánh pháp, tu hành cấm giới, uy đức đầy đủ, thương xót chúng sinh, xem họ bình đẳng như con một. Họ đều nói với nhau rằng: “Hôm nay phải mau đi đến chỗ đức Thế Tôn!” Các vương phu nhân thiết bày sự cúng dường gấp bảy lần những người trước. Nào là hương hoa, bảo cái, tràng phan, lụa là ngũ sắc, đồ ăn thức uống thượng diệu… Bảo cái nhỏ nhất chu vi ngang dọc phải đến mười sáu do tuần, tràng phan rất ngắn cũng phải đến ba mươi sáu do tuần, bảo tràng thấp lắm cũng phải đến sáu mươi tám do tuần, hơi thơm đồ ăn thức uống lan tỏa cùng khắp tám do tuần. Họ mang những đồ cúng dường như vậy đi đến chỗ đức Như Lai, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con vì đức Phật và Tỳkheo Tăng thiết bày đồ cúng dường này! Nguyện xin đức Như Lai ai mẫn nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Phật biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các phu nhân chẳng thỏa sở nguyện, lòng mang sầu não, tự vung đầu tóc, đấm ngực khóc to giống như từ mẫu mới chôn cất đứa con yêu, rồi lui về trụ một bên lặng lẽ mà ngồi.
Lúc bấy giờ, có tám hằng hà sa các thiên nữ… Tên những thiên nữ ấy là: Quảng Mục thiên nữ.v.v…mà là thượng thủ. Họ nói lên như vầy: “Này các chị! Các chị hãy xét xem kỹ! Xét xem kỹ! Những chúng nhân đó đã bày biện đủ thứ đồ cúng thượng diệu, muốn cúng dường đức Như Lai và Tỳkheo Tăng. Chúng ta cũng phải bày biện trang nghiêm đồ cúng vi diệu như vậy để cúng dường đức Như Lai. Ðức Như Lai thọ rồi sẽ vào Niết Bàn. Này các chị! Các đức Phật Như Lai ra đời rất khó, được cúng dường lần sau cũng lại khó hơn bội phần. Nếu đức Phật Niết Bàn thì thế gian trống rỗng”. Các vị thiên nữ này yêu thích Ðại Thừa, muốn nghe Ðại Thừa, nghe rồi cũng có thể vì người giảng nói rộng rãi, niềm khát ngưỡng Ðại Thừa đã tự mình sung túc, lại có thể sung túc niềm khát ngưỡng cho người khác, thủ hộ Ðại Thừa. Nếu có kẻ dị học ganh ghét Ðại Thừa thì thế lực của họ có thể tiêu diệt như mưa đá tiêu diệt cỏ cây. Họ hộ trì giới hạnh, uy nghi đầy đủ, giỏi có thể thuận theo tất cả thế gian để độ người chưa độ, giải thoát người chưa giải thoát. Ở đời vị lai, họ sẽ chuyển pháp luân, nối dõi giống Tam Bảo khiến cho chẳng đoạn tuyệt, tu học Ðại Thừa, dùng đại trang nghiêm mà tự trang nghiêm. Họ thành tựu vô lượng công đức như vậy, từ bi bình đẳng với chúng sinh xem như con một. Cũng sáng sớm vào lúc mặt trời mới mọc, họ đều lấy đủ thứ thiên mộc hương.v.v… nhiều gấp bội gỗ thơm có trong nhân gian. Hơi thơm của gỗ ấy có thể diệt đủ thứ mùi hôi thối trong nhân gian. Rồi xe trắng che bằng bảo cái trắng do bốn con ngựa trắng kéo, trên mỗi một xe đều giăng trướng trắng. Bốn bên trướng ấy treo các chuông nhỏ bằng vàng. Trên xe chở đủ thứ hương hoa, tràng phan bảo cái, đồ ăn ngon thượng diệu, đủ thứ kỹ nhạc và còn bày tòa sư tử. Bốn chân của tòa ngồi ấy thuần bằng lưu ly xanh biếc. Ở sau tòa ngồi ấy, mỗi mỗi đều có giường tựa thất bảo. Ở trước mỗi một tòa ngồi lại có ghế tựa bằng vàng. Lại dùng bảy báu mà làm cây đèn mà ánh sáng của đèn làm bằng đủ thứ ngọc báu. Hoa trời vi diệu trải khắp trên mặt đất ấy. Các thiên nữ này bày biện đồ cúng này rồi, lòng mang ai cảm, rơi nước mắt chan hòa, phát sinh đại khổ não. Rồi cũng vì lợi ích an lạc cho chúng sinh, thành tựu đệ nhất không hạnh của Ðại Thừa, hiển phát mật giáo phương tiện của đức Như Lai và cũng vì chẳng đoạn dứt đủ thứ việc nói pháp… họ đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Như Lai ai mẫn nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các thiên nữ chẳng thỏa được sở nguyện, lòng mang ưu não, lùi về một bên, lặng lẽ mà ngồi.
Lúc bấy giờ, lại có chín hằng hà sa những long vương… trụ ở bốn phương. Tên vua rồng ấy là Hoa Tu Cát long vương, Nan Ðà long vương, Bà Nan Ðà long vương… mà là thượng thủ. Những Long vương này cũng vào sáng sớm, lúc mặt trời mới mọc, bày biện những đồ cúng dường gấp bội của người trời, đem đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Nguyện xin đức Như Lai ai mẫn nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các vua rồng chẳng thỏa được sở nguyện, lòng mang sầu não, lui về ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, lại có mười hằng hà sa các quỉ thần vương mà vua Tỳ Sa Môn là thượng thủ. Họ đều nói với nhau rằng: “Này các ngài! Hôm nay chúng ta nên mau chóng đi đến chỗ đức Phật”. Họ bày biện đồ cúng dường gấp bội các rồng, đem đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh trăm ngàn vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Nguyện xin đức Như Lai ai mẫn nhận sự cúng dường tối hậu của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các quỉ vương này chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lui về ngồi một bên.
Lúc bấy giờ, có hai mươi hằng hà sa vua Kim Sí Ðiểu mà Giáng Oán điểu vương là thượng thủ. Lại có ba mươi hằng hà sa vua Càn Thát Bà mà vua Na La Ðạt là thượng thủ. Lại có bốn mươi hằng hà sa vua Khẩn Na La mà vua Thiện Kiến là thượng thủ. Lại có năm mươi hằng hà sa vua Ma hầu la già mà vua Ðại Thiện Kiến là thượng thủ. Lại có sáu mươi hằng hà sa vua A tu la mà vua Viêm Bà Lợi là thượng thủ. Lại có bảy mươi hằng hà sa vua Ðà Na Bà mà vua Vô Cấu Hà Thủy và vua Bạt Ðề Ðạt Ða.v.v… là thượng thủ. Lại có tám mươi hằng hà sa vua La sát mà vua Khả Úy là thượng thủ. Họ lìa bỏ tâm ác, lại chẳng ăn thịt người, ở trong oán ghét phát sinh lòng từ bi. Hình hài họ xấu xí, nhờ thần lực của đức Phật đều trở nên đoan chánh. Lại có chín mươi hằng hà sa vua thần rừng cây mà vua Dược Hương là thượng thủ. Lại có một ngàn hằng hà sa vua Trì Chú mà vua Ðại Huyễn Trì Chú là thượng thủ. Lại có một ức hằng hà sa Tham Sắc quỉ mị mà vua Thiện Kiến là thượng thủ. Lại có trăm ức hằng hà sa những thể nữ trời mà Lam Bà nữ, Uất Bà Thi nữ, Ðế Lộ Triêm nữ, Tỳ Xá Khư nữ… là thượng thủ. Lại có ngàn ức hằng hà sa những quỉ vương dưới đất mà vua Bạch Thấp là thượng thủ. Lại có mười vạn ức hằng hà sa những thiên tử và những thiên vương, tứ thiên vương.v.v… Lại có mười vạn ức hằng hà sa những thần gió bốn phương thổi đúng lúc hay chẳng phải lúc trên các cây, tung rải hoa xuống vùng Song Thọ. Lại có mười vạn ức hằng hà sa thần chủ việc mây mưa, họ đều nghĩ rằng: “Ðức Như Lai Niết Bàn, khi thiêu thân ngài chúng ta sẽ tuông mưa xuống làm cho lửa tắt ngay. Trong chúng nóng nẩy phiền muộn ta vì họ làm mát mẻ. Lại có hai mươi hằng hà sa Ðại Hương Tượng Vương mà vua voi La Hầu, vua voi Kim Sắc, vua voi Cam Vị, vua voi Mắt Biếc, vua voi Dục Hương.v.v… là thượng thủ. Những vua voi ấy kính trọng Ðại Thừa, yêu thích Ðại Thừa, biết đức Phật chẳng bao lâu nữa sẽ vào Niết Bàn, mỗi mỗi đều nhổ lấy vô lượng vô biên những hoa sen đẹp mang đến chỗ đức Phật, đầu mặt lễ đức Phật, rồi lui về đứng một bên. Lại có hai mươi hằng hà sa những vua thú Sư tử mà vua Sư Tử Hống là thượng thủ. Các vua Sư Tử ban cho tất cả chúng sinh sự vô úy, mang theo những hoa quả đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, rồi lùi lại đứng một bên. Lại có hai mươi hằng hà sa những vua loài chim bay như: le le, nhạn, uyên ương, công… các loài chim, chim càn thát bà, chim ca lan đà, chim yểng, chim anh vũ, chim câu sí la, chim bà hi già, chim ca lăng tần già, chim kỳ bà kỳ bà.v.v.. Những loài chim như vậy mang theo hoa quả đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, lùi về trụ ở một bên. Lại có hai mươi hằng hà sa những trâu nước, trâu, dê đi đến chỗ đức Phật sản xuất sữa thơm vi diệu. Sữa ấy chảy đầy hầm hào sẵn có trong thành Câu Thi Na, màu sắc hương vị thơm ngon đều đầy đủ. Hoàn thành việc này rồi, chúng lùi về đứng một bên. Lại có hai mươi hằng hà sa những người thần tiên ở trong bốn thiên hạ mà vị tiên Nhẫn Nhục là thượng thủ mang theo những hoa thơm và những trái ngọt đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh đức Phật ba vòng mà bạch đức Phật rằng:
– Nguyện xin đức Thế Tôn thương xót nhận sự cúng dường sau cùng của chúng con.
Ðức Như Lai biết thời, lặng thinh chẳng hứa. Các tiên nhân chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lui về trụ ở một bên. Tất cả vua ong trong cõi Diêm Phù Ðề mà vua ong Diệu Âm là thượng thủ mang theo đủ thứ hoa đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh đức Phật một vòng, rồi lui về trụ một bên.
Lúc bấy giờ, Tỳkheo, Tỳkheo ni trong cõi Diêm Phù Ðề, tấtcả đều tập họp, chỉ trừ hai chúng của tôn giả Ma Ha Ca Diếp và tôn giả A Nan. Lại có những núi sẵn có của vô lượng atăngkỳ hằng hà sa những thế giới trung gian và cõi Diêm Phù Ðề mà vua núi Tu Di là thượng thủ. Các núi ấy trang nghiêm rừng rậm um tùm, cây lá sum xuê, bóng che ánh sáng mặt trời, đủ thứ hoa đẹp trang sức khắp cùng, suối rồng tuông nước thanh tịnh, hương thơm thanh khiết… chư Thiên, rồng, thần, càn thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la già, thần tiên chú thuật… tấu xướng kỹ nhạc. Những chúng như vậy đầy khắp ở trong núi rừng ấy. Những vị sơn thần này cũng đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, rồi lui về trụ ở một bên. Lại có atăngkỳ hằng hà sa thần bốn biển và những thần sông có uy đức lớn, đủ đại thần túc. Họ bày biện đồ cúng dường bội phần hơn trước. Ánh sáng thân của chư thần, ánh sáng đèn kỹ nhạc che hết mặt trời mặt trăng khiến cho biến mất. Họ dùng hoa Chiên đàn rải trên dòng Hi Liên mà đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, rồi lùi lại trụ một bên.
Lúc bấy giờ, rừng cây Ta La ở thành Câu Thi Na, rừng ấy biến thành màu trắng giống như con hạc trắng. Ở trong hư không tự nhiên mà có tòa lầu các bảy báu với những hoa văn chạm khắc trang sức phân minh. Giáp vòng lan can xen lẫn mọi thứ báu. Bên dưới nhà có nhiều dòng suối, ao tắm mà hoa sen thượng diệu đầy khắp trong ấy, giống như nước Uất Ðan Việt ở phương Bắc, cũng giống như vườn Hoan Hỷ của cõi trời ÐaoLợi. Lúc bấy giờ, trong rừng cây Ta La xen lẫn đủ thứ trang nghiêm, rất đáng yêu thích cũng lại như vậy. Những trời, người, atula.v.v… này đều nhìn thấy tướng của Như Lai Niết Bàn đều bi cảm sầu ưu chẳng vui.
Lúc bấy giờ, Tứ Thiên Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân đều nói với nhau rằng:
– Các ông quan sát chư thiên, người đời và atula bày biện đại lễ cúng dường muốn đến cúng dường đức Như Lai lần sau cùng. Chúng ta cũng phải cúng dường như vậy. Nếu chúng ta được cúng dường lần sau cùng thì đàn Balamật được thành tựu đủ đầy chẳng khó khăn.
Lúc bấy giờ, Tứ Thiên Vương bày biện đồ cúng dường bội phần hơn trước. Họ mang theo hoa mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, hoa ca chỉ lâu già, hoa ma ha câu chỉ lâu già, hoa mạn thù sa, hoa ma ha mạn thù sa, hoa tán đa ni ca, hoa ma ha tán đa ni ca, hoa ái lạc, hoa đại ái lạc, hoa phổ hiền, hoa đại phổ hiền, hoa thời, hoa đại thời, hoa hương thành, hoa đại hương thành, hoa hoan hỉ, hoa đại hoan hỉ, hoa phát dục, hoa đại phát dục, hoa hương túy, hoa đại hương túy, hoa phổ hương, hoa đại phổ hương, hoa thiên kim diệp, hoa rồng, hoa cây ba lợi chất đa, hoa cây tỳ la… lại còn mang theo đủ thứ đồ ăn ngon thượng diệu, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật. Những người trời này có ánh sáng có thể che mặt trời, mặt trăng khiến cho biến mất, dùng đồ cúng dường này muốn cúng dường đức Phật. Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Bấy giờ, chư Thiên chẳng thỏa được sở nguyện, lòng sầu lo khổ não lui lại đứng một bên.
Lúc bấy giờ, Thích Ðề Hoàn Nhân và ba mươi ba tầng trời bày biện đồ cúng dường cũng bội phần hơn trước và đem theo hoa cũng lại như vậy, hơi thơm vi diệu rất đáng yêu thích. Họ mang được thắng đường (nhà đẹp thù thắng) cùng các tiểu đường đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con rất ưa ái mộ Ðại Thừa! Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận đồ ăn của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các trời Ðế Thích chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não lùi lại trụ ở một bên… Cho đến trời thứ sáu bày biện đồ cúng dường đắp đổi thắng hơn trước, với tràng phan, bảo cái mà bảo cái nhỏ cũng che được bốn thiên hạ, phan ngắn nhất thì giáp vòng bốn biển, tràng thấp nhất thì cũng đến trời Tự Tại. Gió nhẹ thổi vào tràng phát ra âm thanh vi diệu. Họ đem theo đồ ăn ngon thượng diệu đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật mà bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các vị trời này chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lùi lại trụ ở một bên. Lên đến trời Hữu Ðảnh, những Phạm chúng còn lại, tất cả đều đến tập họp. Lúc bấy giờ, vua trời Ðại Phạm và những Phạm chúng khác phóng ra ánh sáng thân mình soi khắp bốn thiên hạ làm cho ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, người, trời cõi Dục đều biến mất. Những trời ấy mang theo tràng phan, bảo cái, lụa là ngũ sắc mà bảo phan cực ngắn cũng treo thòng từ cung Phạm đến vùng cây Ta La, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật mà bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng con!.
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Bấy giờ các trời Phạm chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lùi lại trụ ở một bên.
Lúc bấy giờ, vua atula Tỳ Ma Chất Ða cùng với vô lượng đại quyến thuộc atula mà ánh sáng của thân họ hơn cả trời Phạm, mang theo tràng phan bảo cái lụa là ngũ sắc mà bảo cái nhỏ nhất cũng che được một ngàn thế giới, và đồ ăn ngon thượng diệu đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật bạch đức Phật rằng:
– Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Các atula chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lùi lại trụ ở một bên.
Lúc bấy giờ, ma vương Ba Tuần cõi Dục cùng với quyến thuộc của ông ấy, chư Thiên, thể nữ nhiều vô lượng vô biên atăngkỳ chúng mở cửa địa ngục bố thí nước mát thanh tịnh, rồi nhân đó mà bảo rằng: “Các ngươi hôm nay không thể làm được gì, chỉ phải chuyên nghĩ về đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri mà kiến lập sự tùy hỷ cúng dường lần sau cùng thì sẽ khiến cho các ngươi được đêm dài yên ổn”. Ma Ba Tuần ở trong địa ngục trừ hết đao kiếm, vô lượng khổ độc, rót mưa dập tắt lửa cháy hừng hực. Nhờ thần lực đức Phật mà ma Ba Tuần lại phát tâm khiến cho các quyến thuộc đều bỏ đao kiếm, cung nỏ, giáp đồng, binh khí, mâu kích, trường câu, kim chùy, búa lớn, vòng chiến đấu, dây thao (dùng để trói). Chúng đã mang theo đồ cúng dường hơn bội phần sự bày biện của tất cả người trời, bảo cái nhỏ của chúng che cả trung thiên thế giới, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, mà bạch rằng:
– Chúng con hôm nay yêu thích Ðại Thừa, thủ hộ Ðại Thừa! Thưa đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân vì cúng dường, vì bố úy, vì lừa dối người khác, vì tài lợi, vì theo người khác nên thọ Ðại Thừa này hoặc chân thành, hoặc trá ngụy thì chúng con bấy giờ sẽ vì người đó trừ diệt bố úy!
Rồi nói chú như vầy:
Sá chỉ – Trá trá la sá chỉ – Lô ha lệ ma ha lô ha lệ – A la – Già la – Ða la – Tá ha.
Chú này có thể khiến cho những người mất tâm, người bố úy, người nói pháp, người chẳng đoạn chánh pháp vì hàng phục ngoại đạo, hộ thân mình, hộ chánh pháp, hộ Ðại Thừa… thì nên nói chú như vậy. Nếu có người có thể trì chú như vậy thì không sợ voi dữ, hoặc đến chỗ hiểm trở, khoáng dã, đầm trống chẳng sinh ra kinh sợ, cũng không có nạn nước, lửa, sư tử, cọp sói, đạo tặc, vua quan. Thưa đức Thế Tôn! Nếu có người có thể trì chú như vậy thì đều có thể trừ diệt những nỗi sợ như vậy. Thưa đức Thế Tôn! Người trì chú này thì con sẽ hộ trì họ như rùa giấu sáu bộ phận của thân thể. Thưa đức Thế Tôn! Chúng con hôm nay chẳng do dua nịnh mà nói việc như vậy. Người trì chú này thì con sẽ hết lòng tăng thêm thế lực của họ. Nguyện xin đức Như Lai thương xót nhận lễ cúng dường sau cùng của chúng con!
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo ma Ba Tuần rằng:
– Ta chẳng nhận đồ ăn thức uống cúng dường của ông! Nhưng ta đã nhận thần chú của ông vì muốn an vui cho tất cả chúng sinh và bốn bộ chúng vậy.
Ðức Phật nói lời này rồi, mặc nhiên chẳng nhận. Ma ba tuần thỉnh như vậy ba lần, đức Phật đều chẳng nhận. Ma Ba Tuần chẳng thỏa được sở nguyện, lòng ôm sầu não, lùi lại trụ ở một bên.
Lúc bấy giờ, vua trời Ðại Tự Tại cùng với quyến thuộc nhiều vô lượng vô biên và các thiên chúng bày biện đồ cúng dường trùm hết đồ cúng dường sở hữu của Phạm Vương, Ðế Thích, Hộ Thế Tứ Thiên Vương, người, trời, tám bộ chúng và phi nhân.v.v… Thiết lễ của Phạm Vương, Ðế Thích giống như giọt mực ở bên mép của dụng cụ bằng ngọc Kha đều biến mất hết. Bảo cái nhỏ trời Ðại Tự Tại có thể che ba ngàn đại thiên thế giới. Họ đem theo đồ cúng dường như vậy đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh vô số vòng, bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Chúng con dâng lên đồ cúng nhỏ mọn giống như con muỗi con ve! Sự cúng dường ở con cũng như có người dùng một bụm nước ném vào biển cả, thắp một ngọn đèn nhỏ trợ giúp cho trăm ngàn mặt trời, những tháng mùa xuân mùa hạ mọi loài hoa sum suê mà có người đem một cành hoa thêm cho những hoa, dùng một hạt rau đay thêm cho núi Tu Di… Há sẽ có thêm lớn biển, thêm sáng cho mặt trời, nhiều thêm những hoa, lớn thêm núi Tu Di sao? Thưa đức Thế Tôn! Con hôm nay dâng lên đồ cúng nhỏ mọn cũng lại như vậy. Nếu dùng hương hoa, kỹ nhạc, tràng phan bảo cái đầy trong ba ngàn đại thiên thế giới mà cúng dường đức Như Lai còn chẳng nói là đủ. Vì sao vậy? Vì đức Như Lai vì các chúng sinh thường ở trong các đường ác, địa ngục, ngả quỉ, súc sinh, chịu những khổ não. Vậy nên đức Thế Tôn nên thấy thương xót nhận sự cúng dường của chúng con.
Lúc bấy giờ, phương Ðông, cách đây vô lượng vô số atăngkỳ hằng hà sa thế giới nhiều như vi trần, nơi đó có cõi Phật tên là Ý Lạc Mỹ Âm, đức Phật hiệu là Hư Không Ðẳng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Lúc bấy giờ, đức Phật kia liền bảo vị đại đệ tử thứ nhất rằng: “Này thiện nam tử! Ông nay nên đến thế giới Ta Bà ở phương Tây! Nước đó có đức Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn. Ðức Phật đó chẳng bao lâu sẽ vào Niết Bàn. Này thiện nam tử! Ông nên đem cơm thơm (hương phạn) của thế giới này, cơm ấy thơm ngon, ăn vào thì yên ổn, dâng hiến lên đức Phật Thế Tôn đó. Ðức Thế Tôn ăn rồi thì vào Niết Bàn. Này thiện nam tử! Ðồng thời ông có thể lễ kính ngài thỉnh vấn giải quyết những nghi hoặc.
Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Vô Biên Thân liền nghe lời dạy của đức Phật đứng dậy, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, cùng các vị ấy cùng với vô lượng atăngkỳ chúng đại Bồ tát từ nước đó xuất phát đi đến thế giới Ta bà này. Ngay tức thời, đại địa của ba ngàn đại thiên thế giới sáu thứ chấn động. Phạm Vương, Ðế Thích, Tứ Thiên Vương, Ma vương Ba Tuần, Ma Ê Thủ La… ở trong chúng của cõi Ta Bà này thấy đất này chấn động như vậy thì toàn thân đại chúng nổi da gà, cổ họng khô ráo, kinh sợ run lẩy bẩy, đều muốn chạy tứ tán. Họ tự thấy thân mình không còn ánh sáng, uy đức của mình đều diệt không còn. Khi đó ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử liền đứng dậy bảo các đại chúng rằng:
– Này các thiện nam tử! Các ông chớ sợ! Các ông chớ sợ! Vì sao vậy? Vì ở Ðông phương, cách đây vô lượng vô số atăngkỳ hằng hà sa thế giới nhiều như vi trần, có thế giới tên là Ý Lạc Mỹ Âm, đức Phật hiệu là Hư Không Ðẳng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri… (đủ mười hiệu). Nơi đó có vị Bồ tát tên là Vô Biên Thân cùng với vô lượng Bồ tát sắp đi đến đây cúng dường đức Như Lai. Do sức uy đức của Bồ tát đó nên khiến cho ánh sáng của thân các ông biến mất. Vậy nên các ông nên phát sinh vui mừng chớ ôm nỗi kinh sợ!
Lúc bấy giờ, đại chúng đều thấy từ xa đại chúng của đức Phật đó như tự nhìn thấy thân mình trong gương sáng. Ngài Văn Thù Sư Lợi lại bảo đại chúng rằng:
– Các ông hôm nay đã thấy đại chúng của đức Phật đó như thấy của đức Phật này. Do thần lực của đức Phật, các ông sẽ lại được thấy vô lượng các đức Phật của chín phương như vậy.
Lúc bấy giờ, đại chúng đều nói với nhau rằng:
– Khổ thay! Khổ thay! Thế gian trống rỗng! Ðức Như Lai chẳng bao lâu sẽ vào Niết Bàn!
Khi đó, tất cả đại chúng đều thấy Bồ tát Vô Biên Thân và quyến thuộc của Bồ tát ấy. Thân của vị Bồ tát này, mỗi một lỗ chân lông đều mọc ra một hoa sen lớn. Mỗi một hoa sen đều có bảy vạn tám ngàn thành ấp, dọc ngang bằng nhau như thành Tỳ Xá Ly, tường, vách những hào nước xen lẫn thất bảo, bảy lớp cây Ða la báu bày hàng la liệt, nhân dân đông đúc, yên ổn, giàu có, vui sướng. Vàng Diêm phù đàn dùng làm phòng tuyến đẩy lui địch. Mỗi một phòng tuyến đánh lui địch đều có đủ thứ rừng cây thất bảo, hoa trái sum suê. Gió nhẹ thổi động đến chúng phát ra âm thanh vi diệu. Âm thanh ấy hòa nhã giống như âm nhạc nhà trời. Nhân dân trong thành nghe âm thanh này tức thời được thọ niềm khoái lạc thượng diệu. Trong những hào này tràn đầy nước vi diệu trong sạch, hương thơm thanh khiết như Chân lưu ly. Trong nước này có thuyền thất bảo mà những người cỡi thuyền dạo chơi, tắm gội, vui sướng cùng nhau khoái lạc vô cùng. Lại có vô lượng hoa sen đủ màu, hoa Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi… Những hoa ấy rộng lớn giống như bánh xe. Trên bờ hào nước ấy có nhiều vườn rừng. Trong mỗi một vườn rừng có năm ao suối. Trong những ao này lại có các loài hoa, hoa Ưu bát la, hoa Câu vật đầu, hoa Ba đầu ma, hoa Phân đà lợi… những hoa ấy to rộng cũng như bánh xe, mùi thơm sực nức rất đáng yêu thích. Nước của ao ấy thanh tịnh nhu nhuyến đệ nhất. Le le, nhạn, uyên ương… dạo chơi trong ao ấy. Trong vườn ấy có cung điện nhà cửa bằng mọi thứ báu. Mỗi một cung điện ngang dọc trọn bốn do tuần, có tường vách làm thành bằng bốn thứ báu. Ðó là vàng, bạc, lưu ly, pha lê, cửa sổ bằng vàng ròng giáp vòng lan can. Ngọc văn côi làm đất với cát vàng trải lên trên. Trong cung trạch này có nhiều dòng suối, ao tắm bằng thất bảo. Bờ của mỗi một ao đều có mười tám bậc thềm. Vàng Diêm phù đàn làm cây chuối như vườn Hoan Hỷ của trời Ðao Lợi. Mỗi một thành này đều có tám muôn bốn ngàn vua người. Mỗi một vua đều có vô lượng phu nhân, thể nữ chung nhau vui sướng hoan hỷ thọ lạc. Ngoài ra nhân dân cũng lại như vậy, đều ở nơi trú xứ, chung nhau vui sướng. Trong thành này, chúng sinh chẳng nghe danh từ nào khác, chỉ thuần nghe tiếng Ðại Thừa vô thượng. Trong những hoa sen đó, mỗi một hoa đều có tòa Sư tử. Bốn chân tòa ngồi ấy đều bằng lưu ly xanh biếc, trên tòa ngồi trải áo mềm mại. Áo ấy vi diệu vượt ra ba cõi. Trên mỗi một tòa có một vị vua ngồi, dùng pháp Ðại Thừa giáo hóa chúng sinh. Hoặc có chúng sinh ghi chép, giữ gìn, đọc tụng, theo đúng lời nói tu hành… cứ như vậy mà lưu bố kinh điển Ðại Thừa. Lúc bấy giờ, Bồ tát Vô Biên Thân dừng yên vô lượng chúng sinh ở thân mình như vậy rồi thì khiến cho họ bỏ niềm vui thế gian, đều nói lên rằng: “Khổ thay! Khổ thay! Thế gian trống rỗng! Ðức Như Lai chẳng bao lâu sẽ vào Niết Bàn”. Lúc bấy giờ, Bồ tát Vô Biên Thân cùng với vô lượng Bồ tát vây quanh giáp vòng, thị hiện sức thần thông như vậy rồi, đem đủ thứ đồ cúng dường nhiều không lường đó và cả đồ ăn thức uống thơm ngon thượng diệu. Nếu có người được nghe hơi thơm của món ăn này thì các cấu bẩn phiền não đều tiêu diệt hết. Do sức thần thông của Bồ tát này nên tất cả đại chúng đều được thấy thân của Bồ tát Vô Biên Thân biến hóa lớn vô biên, lượng đồng với hư không như vậy vì chỉ trừ đức Phật còn không ai có thể thấy lượng bờ cõi của thân vị Bồ tát này. Lúc bấy giờ, Bồ tát Vô Biên Thân và quyến thuộc đã bày biện lễ cúng dường bội phần hơn trước, đi đến chỗ đức Phật, cúi đầu dưới chân đức Phật, chắp tay cung kính bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nguyện xin Ngài ai mẫn nhận đồ ăn của chúng con!
Ðức Như Lai biết thời, mặc nhiên chẳng nhận. Bồ tát ấy thỉnh ba lần như vậy, đức Phật cũng đều chẳng nhận. Lúc đó, Bồ tát Vô Biên Thân và quyến thuộc lùi lại trụ ở một bên. Thế giới chư Phật ở Nam phương, Tây phương, Bắc phương cũng có vô lượng Bồ tát Vô Biên Thân đã đem đồ cúng dường bội phần hơn trước đi đến chỗ đức Phật… cho đến trụ ở một bên đều cũng lại như vậy.
Lúc bấy giờ, đất phước cát tường Ta La song thọ ngang dọc ba mươi hai do uần, đầy ắp đại chúng không một chỗ trống khuyết. Bấy giờ Bồ tát Vô Biên Thân của bốn phương và quyến thuộc của họ đã ngồi vào chỗ nhiều như vi trần hoặc lố nhố như đầu mũi kim khâu. Những vị đại Bồ tát của thế giới chư Phật nhiều như vi trần của mười phương đều đến tập hội và tất cả đại chúng của cõi Diêm phù đề cũng đều đến tập họp, chỉ trừ hai chúng của tôn giả Ðại Ca Diếp, tôn giả A Nan, vua A Xà Thế và quyến thuộc của ông ấy. Thậm chí rắn độc mà nhìn thấy có thể giết người, bọ hung, mối mọt.v.v… và mười sáu giống làm ác, tất cả đến tập họp. Thần Ðà na bà, atula.v.v… đều bỏ ác niệm, đều sinh lòng từ như cha, như mẹ, như chị, như em. Chúng sinh của ba ngàn đại thiên thế giới đem lòng lành hướng về nhau cũng lại như vậy trừ bọn Nhất xiển đề. Bấy giờ, ba ngàn đại thiên thế giới, do thần lực của đức Phật nên đất đều mềm mại, không gò đống, đất cát, sỏi đá, gai góc, cỏ độc mà trang nghiêm mọi thứ báu giống như thế giới Cực Lạc của đức Phật VôLượng Thọ ở phương Tây. Lúc đó đại chúng đều thấy thế giới chư Phật nhiều bằng vi trần của mười phương như tự quan sát thân mình trong gương sáng. Ðại chúng thấy các cõi Phật cũng lại như vậy. Lúc bấy giờ, diện môn của đức Như Lai phát ra ánh sáng ngũ sắc. Ánh sáng ấy sáng che cả đại hội khiến cho ánh sáng thân của đại hội đó đều biến mất. Sự ứng tác xong thì ánh sáng trở lại theo miệng mà vào. Các trời, người và các chúng hội, atula.v.v… thấy ánh sáng của đức Phật trở lại theo miệng mà vào đều rất kinh sợ, thân nổi da gà, lại nói lên rằng:
– Ánh sáng Như Lai phát ra rồi vào trở lại chẳng phải không có nhân duyên. Nhất định đối với mười phương, việc làm của ngài đã hoàn thành và sẽ là tướng Niết Bàn tối hậu. Sao mà khổ thay! Sao mà khổ thay! Làm sao mà đức Thế Tôn một sớm lìa bỏ Tứ vô lượng tâm? Chẳng nhận lễ dâng cúng dường của người, trời? Ánh sáng mặt trời thánh tuệ từ nay diệt vĩnh viễn! Thuyền pháp vô thượng chìm mất ở đây! Ô hô! Ðau thay! Thế gian khổ lớn rồi!
Họ đưa tay đấm ngực, gào khóc buồn thương, chi tiết thân thể run rẩy rúng động, chẳng thể tự kiềm chế, những lỗ chân lông trên thân chảy máu tưới xuống đất.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ nhất hết –