Quyển thứ 31
24. PHẨM BỒ TÁT CA DIẾP PHẦN 1
– Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai thương xót tất cả chúng sinh. Người chẳng điều phục có thể điều phục, người bất tịnh có thể làm cho tịnh, người không qui y có thể làm qui y, người chưa giải thoát có thể khiến cho giải thoát, được vào tám tự tại, làm Ðại y sư, làm Ðại Dược Vương. Tỳkheo Thiện Tinh là đệ tử của đức Phật, khi làm Bồ tát, sau khi xuất gia, thọ trì, đọc tụng, phân biệt, giải nói mười hai bộ Kinh, hoại tan kết sử cõi Dục, thu hoạch được bốn thiền mà sao đức Như Lai huyền ký rằng, Thiện Tinh chính là nhất xiển đề, người thấp hèn, ở địa ngục suốt kiếp, người chẳng thể sửa trị? Ðức Như Lai vì sao chẳng trước vì ông ấy diễn nói chính pháp, rồi sau mới vì Bồ tát? Ðức Như Lai Thế Tôn nếu chẳng thể cứu Tỳkheo Thiện Tinh thì làm sao được gọi là đấng có đại từ mẫn, có đại phương tiện?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có ba người con. Người con thứ nhất ấy có lòng tín thuận, cung kính cha mẹ, căn tính linh lợi, có trí tuệ, đối với việc thế gian có thể mau biết rõ. Người con thứ hai ấy chẳng kính cha mẹ, không lòng tín thuận, lợi căn, trí tuệ, đối với việc thế gian có thể mau rõ biết. Người con thứ ba ấy chẳng kính cha mẹ, không lòng tín thuận, căn tính ám độn, không có trí tuệ. Cha mẹ nếu khi muốn dạy bảo chúng thì nên dạy ai trước? Thân ái với ai trước? Phải trước dạy cho ai biết việc thế gian?
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nên trước dạy trao cho người con có lòng tín thuận, cung kính cha mẹ, lợi căn, trí tuệ, hiểu biết việc đời. Tiếp theo dạy đến người con thứ hai, rồi mới đến người con thứ ba. Nhưng mà hai người con kia tuy không có lòng tín thuận cung kính nhưng vì từ niệm nên tiếp theo phải dạy bảo họ!
– Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy! Ba người con kia, người đầu tiên là dụ cho Bồ tát, người ở giữa là dụ cho Thanh Văn, người sau cùng là dụ cho nhất xiển đề. Như ý nghĩa vi tế trong các Kinh của mười hai bộ Kinh, ta trước đã vì các Bồ tát mà nói. Ý nghĩa thiển cận của Kinh thì ta vì hàng Thanh Văn mà nói. Còn ý nghĩa thế gian thì ta vì bọn nhất xiển đề, ngũ nghịch tội mà nói. Trong đời hiện tại tuy không có lợi ích nhưng do lòng thương xót nên làm phát sinh những chủng tử (hạt giống) thiện cho đời sau. Này thiện nam tử! Như có ba thứ ruộng: Một là ruộng có kênh mương lưu thông tiện lợi dễ dàng, không có những cát, đất mặn, sành, đá, gai góc… thì gieo trồng một thu được cả trăm. Hai là ruộng tuy không có cát, đất mặn, sành đá, gai góc nhưng kênh mương hiểm trở khó khăn thì thu hoạch kết quả giảm đi một nửa. Ba là ruộng mà kênh mương hiểm trở khó khăn, có nhiều cát, đất mặn, sành, đá, gai góc thì gieo trồng một, chỉ thu hoạch được một là cỏ khô. Này thiện nam tử! Người nông phu, trong tháng mùa Xuân, trước nên gieo trồng ruộng nào?
– Thưa đức Thế Tôn! Trước họ nên gieo trồng ở ruộng đầu tiên, tiếp đến là ở ruộng thứ hai, rồi sau mới đến loại ruộng thứ ba.
– Ruộng đầu tiên là dụ cho Bồ tát, ruộng tiếp theo là dụ cho Thanh Văn, ruộng sau cùng là dụ cho nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Ví như ba cái đồ đựng: một cái lành lặn (hoàn hảo), cái thứ hai bị rò rỉ, cái thứ ba bị vỡ. Nếu muốn đựng đầy sữa, cao sữa, ván sữa, nước thì trước dùng cái nào?
– Thưa đức Thế Tôn! Nên dùng cái lành lặn, tiếp đến dùng cái rò rỉ, sau mới dùng đến cái bị vỡ!
– Cái lành lặn sạch sẽ ấy là dụ cho Bồ tát tăng, cái rò rỉ là dụ cho Thanh Văn, cái bị vỡ là dụ cho nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Như có ba người bệnh đều đi đến chỗ thầy thuốc: Một người dễ điều trị, người thứ hai khó điều trị, người thứ ba thì chẳng thể điều trị. Này thiện nam tử! Thầy thuốc nếu trị thì phải trị ai trước?
– Thưa đức Thế Tôn! Nên trước điều trị cho người dễ, tiếp đến là người thứ hai, sau mới đến người thứ ba. Vì sao vậy? Vì là thân thuộc.
– Người dễ trị ấy là dụ cho Bồ tát tăng. Người khó trị ấy là dụ cho Thanh Văn tăng. Người chẳng thể trị là dụ cho nhất xiển đề. Với hạng người này trong đời hiện tại tuy không kết quả tốt nhưng vì thương xót nên ta vì họ gieo trồng những hạt giống lành cho đời sau. Này thiện nam tử! Ví như vị đại vương có ba giống ngựa. Một là ngựa đã điều phục trẻ khỏe đầy sức mạnh. Hai là ngựa chẳng điều phục, trẻ khỏe, nhiều sức mạnh. Ba là ngựa chẳng điều phục, gầy yếu, già cả, không có sức. Nhà vua nếu cưỡi ngựa thì phải cưỡi con nào trước?
– Thưa đức Thế Tôn! Nên cưỡi con ngựa điều phục trẻ khỏe nhiều sức mạnh, tiếp đến cưỡi con thứ hai, sau mới cưỡi đến con thứ ba.
– Này thiện nam tử! Con ngựa điều phục trẻ khỏe nhiều sức mạnh là dụ cho Bồ tát tăng, con ngựa thứ hai là dụ cho Thanh Văn tăng, con ngựa thứ ba là dụ cho nhất xiển đề. Trong đời hiện tại hạng người này tuy không có ích lợi nhưng vì thương xót nên ta vì họ gieo trồng hạt giống lành cho đời sau. Này thiện nam tử! Như khi đại thí (làm bố thí lớn) có ba người đến: Một là người quí tộc, thông minh, trì giới. Hai là người thuộc dòng họ bậc trung, độn căn, trì giới. Ba là người thuộc dòng họ thấp hèn, độn căn, hủy giới. Này thiện nam tử! Vị đại thí chủ này nên trước bố thí cho ai?
– Thưa đức Thế Tôn! Nên trước bố thí cho người quí tộc, lợi căn, trì giới, tiếp đến là người thứ hai, rồi sau mới đến người thứ ba.
– Người thứ nhất dụ cho Bồ tát tăng, người thứ hai dụ cho Thanh Văn tăng, người thứ ba dụ cho nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Như con sư tử lớn khi giết chết con hương tượng phải dùng hết sức của nó, giết chết một con thỏ cũng vậy, chẳng sinh ý tưởng khinh thường. Các đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, khi vì các Bồ tát và nhất xiển đề diễn nói pháp dùng công đức không hai (không khác nhau).
Này thiện nam tử! Vào một thuở, ta trụ ở thành Vương Xá, Tỳkheo Thiện Tinh là cấp sứ (người sai khiến, cung cấp) của ta. Ở đầu đêm, ta vì trời Ðế Thích diễn nói pháp yếu. Theo phép làm đệ tử là nên ngủ sau thầy. Bấy giờ, do ta ngồi lâu nên lòng Thiện Tinh sinh ra ý niệm ác. Trẻ con trai gái của thành Vương Xá thời đó nếu khóc không nín thì cha mẹ hay dọa rằng: “Nếu con chẳng nín thì sẽ đem con giao cho quỉ Bạc câu la!” Bấy giờ, Thiện Tinh trái lại nắm lấy lời ấy mà nói với ta rằng: “Hãy mau vào thiền thất! Quỉ Bạc câu la đến!”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ông thường chẳng nghe, Như Lai Thế Tôn chẳng sợ gì sao?”. Bấy giờ, Ðế Thích liền nói với ta rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Những người như vậy cũng lại được vào trong Phật pháp sao?”. Ta liền nói rằng: “Này Kiều Thi Ca! Người như vậy được vào Phật pháp, cũng có Phật tính, sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ta tuy vì ông Thiện Tinh này nói pháp mà ông đó đều không có lòng tín thọ”. Này thiện nam tử! Vào một thuở, ta ở tại thành Thi Bà Phú La của nước Ca Thi, Tỳkheo Thiện Tinh là cấp sứ của ta. Khi ta muốn vào thành đó khất thực có vô lượng chúng sinh lòng trống không, khao khát, ngưỡng mộ muốn thấy dấu chân của ta thì Tỳkheo Thiện Tinh liền theo sau ta mà hủy diệt. Ông ấy đã chẳng thể xóa hết mà còn khiến cho chúng sinh sinh lòng bất thiện. Ta vào thành rồi, ở quán rượu, thấy một Ni Kiền gò lưng ngồi chồm hỗm dưới đất ăn bã rượu. Tỳkheo Thiện Tinh thấy rồi mà nói rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Thế gian nếu có A la hán thì người này là tối thắng. Vì sao vậy? Vì người này đã nói rằng, không nhân không quả”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ông có thường nghe, A la hán thì chẳng uống rượu, chẳng hại người, chẳng lừa dối, chẳng trộm cắp, chẳng dâm dục. Còn như người này giết hại cha mẹ, ăn nuốt bã rượu thì làm sao mà nói là A la hán? Người này sau khi xả thân nhất định sẽ rơi vào địa ngục A Tỳ còn A la hán đoạn tuyệt vĩnh viễn ba đường ác thì làm sao mà nói là A la hán?”. Thiện Tinh liền nói rằng: “Tính của bốn đại còn có thể chuyển dịch nhưng muốn khiến cho người này nhất định rơi vào ngục A tỳ thì không có điều đó”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ông thường chẳng nghe lời nói thành thật của các đức Phật Như Lai không có hai!”. Ta tuy vì ông Thiện Tinh này nói pháp mà ông đó tuyệt không có lòng tín thọ. Này thiện nam tử! Vào một thuở, ta cùng với Tỳkheo Thiện Tinh trụ ở thành Vương Xá. Bấy giờ, trong thành có một Ni Càn tên là Khổ Ðắc, thường nói rằng: “Phiền não của chúng sinh không nhân không duyên. Giải thoát của chúng sinh cũng không nhân không duyên”. Tỳkheo Thiện Tinh lại nói rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Thế gian, nếu có A la hán thì Khổ Ðắc là bậc trên”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ni Càn Khổ Ðắc thật chẳng phải là La Hán, chẳng thể hiểu rõ đạo A la hán!”. Thiện Tinh lại nói rằng: “Vì sao La Hán đối với A la hán mà sinh ra tật đố (ganh ghét)?”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ta đối với La hán chẳng sinh ra tật đố mà ông tự sinh ra tà kiến ác vậy. Nếu nói Khổ Ðắc là La hán thì sau bảy ngày sẽ bị bệnh túc thực (đồ ăn lưu lại không tiêu hóa), đau bụng mà chết, chết rồi sinh vào loài quỉ Thực Thổ (ói đồ ăn ra). Bọn đồng học của ông ấy sẽ đem thi thể ông ấy bỏ trong rừng lạnh”. Bấy giờ Thiện Tinh liền đi đến chỗ của Ni càn tử Khổ Ðắc nói rằng: “Thưa trưởng lão! Ngài nay có biết gì không? Ông sa môn Cù Ðàm đã huyền ký cho ngài sau bảy ngày sẽ bị bệnh túc thực, đau bụng mà chết, chết rồi sinh vào trong loài quỉ Thực Thổ. Những người đồng học, đồng sư sẽ đem thi thể của ngài bỏ trong rừng lạnh. Thưa trưởng lão! Ngài hãy tư duy khéo léo tạo mọi phương tiện tốt thì sẽ khiến cho ông Cù Ðàm rơi vào trong tình trạng nói dối!”. Bấy giờ, ông Khổ Ðắc nghe lời đó xong thì liền nhịn ăn (đoạn thực) từ bắt đầu ngày một cho đến ngày sáu. Ðủ bảy ngày rồi ông liền ăn đường đen. Ăn đường đen (hắc mật) rồi lại uống nước lạnh. Uống nước lạnh rồi đau bụng mà mạng chung. Ông chết rồi bạn đồng học đem thi hài ông để trong rừng lạnh. Ông liền thọ hình thể loài quỉ đói Thực Thổ ở bên thi hài của mình. Tỳkheo Thiện Tinh nghe việc này rồi, đi đến trong rừng lạnh, thấy Khổ Ðắc thọ thân hình loài quỉ Thực Thổ ở tại bên thi hài của ông ấy, đang khom lưng ngồi xổm trên đất. Thiện Tinh nói với ông ấy rằng: “Thưa đại đức! Ngài chết rồi sao?”. Khổ Ðắc đáp rằng: “Ta đã chết rồi!”. Hỏi: “Vì sao chết vậy?”. Ðáp: “Nhân đau bụng mà chết!”. Hỏi: “Ai đưa thi hài ngài ra đây?”. Ðáp rằng: “Bạn đồng học đưa ra!”. Hỏi: “Ðặt ở đâu?”. Ðáp rằng: “Người ngu si ơi! Ông nay chẳng biết rừng lạnh này sao?”. Hỏi: “Ðược thân gì?”. Ðáp rằng: “Ta được thân của loài quỉ Thực Thổ! Này Thiện Tinh! Ông đã lắng nghe lời thiện, lời đúng lúc, lời nghĩa, lời pháp… Này Thiện Tinh! Miệng Như Lai nói ra lời chân thật như vậy mà ông lúc bấy giờ sao chẳng tin? Nếu có chúng sinh chẳng tin lời nói chân thật của Như Lai thì người đó cũng sẽ thọ thân này như ta!”. Bấy giờ Thiện Tinh liền trở lại chỗ của ta mà nói rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Ni Càn Khổ Ðắc sau khi mạng chung sinh lên trời Ba mươi ba”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! A la hán thì không có chỗ sinh làm sao mà nói Khổ Ðắc sinh lên trời Ba mươi ba?”. Thiện Tinh nói: “Thưa đức Thế Tôn! Thật đúng như lời ngài, Ni Càn Khổ Ðắc thật chẳng sinh lên trời Ba mươi ba mà nay đang thọ thân của loài quỉ đói Thực Thổ!”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Lời nói thành thật của các đức Phật Như Lai không hai. Nếu nói rằng, Như Lai có nói hai lời thì không có điều đó!” Thiện Tinh liền nói rằng: “Lúc ấy đức Như Lai tuy nói lời nói đó nhưng con đối với việc này đều chẳng sinh niềm tin tưởng”. Này thiện nam tử! Ta cũng thường vì Tỳkheo Thiện Tinh nói pháp chân thật mà ông đó tuyệt nhiên không có lòng tín thọ. Này thiện nam tử! Tỳkheo Thiện Tinh tuy lại đọc tụng mười hai bộ Kinh, thu hoạch được bốn thiền… nhưng thậm chí chẳng hiểu được ý nghĩa của một bài kệ, một câu, một chữ lại còn gần gũi bạn ác làm thoái mất bốn thiền. Mất bốn thiền rồi thì sinh ra tà kiến ác, ông ấy nói lên lời như vầy: “Không Phật, không Pháp, không có Niết Bàn! Ông Sa môn Cù Ðàm giỏi biết phép xem tướng nên có thể được biết tâm của người khác!”. Ta vào lúc ấy, bảo Thiện Tinh rằng: “Lời nói pháp của ta thì đầu tiên tốt, khoảng giữa tốt và về sau cũng tốt. Lời nói ấy xảo diệu, chữ nghĩa chân chính. Lời nói không xen tạp thành tựu đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh!” Tỳkheo Thiện Tinh lại nói rằng: “Ðức Như Lai tuy lại vì con nói pháp mà con chân thật cho là không có nhân quả!”. Này thiện nam tử! Nếu ông chẳng tin việc như vậy thì hiện nay Tỳkheo Thiện Tinh ở gần sông Ni Liên Thiền, có thể đi chung đến hỏi!
Bấy giờ đức Như Lai liền cùng với Bồ tát Ca Diếp đi đến chỗ của Thiện Tinh. Tỳkheo Thiện Tinh từ xa thấy đức Phật đến, thấy rồi liền sinh lòng tà ác. Do lòng ác nên thân sống của ông bị hãm vào ngục A tỳ.
Ðức Phật nói tiếp:
– Này thiện nam tử! Tỳkheo Thiện Tinh tuy vào vô lượng bảo tụ của Phật Pháp mà trống rỗng, không thu hoạch được gì, thậm chí chẳng được sự lợi ích của một pháp vì buông lung và theo ác tri thức. Ví như có người tuy vào biển cả, thấy nhiều mọi thứ báu mà không được gì vì buông lung. Lại như vào được biển tuy thấy bảo tụ (đống báu), rồi tự giết nhau mà chết, hoặc bị quỉ ác La sát giết chết. Tỳkheo Thiện Tinh cũng lại như vậy, vào Phật pháp rồi thì bị sự giết hại của đại quỉ La sát Ác Tri thức. Này thiện nam tử! Vậy nên Như Lai do thương xót nên thường nói nhiều những sự buông lung của ông Thiện Tinh. Này thiện nam tử! Nếu vốn bần cùng thì ở chỗ người này tuy sinh thương xót nhưng lòng ấy mỏng. Nếu vốn cự phú thì sau khi mất của cải mà ở chỗ người này sinh ra thương xót thì lòng ấy dày. Tỳkheo Thiện Tinh cũng lại như vậy, tuy thọ trì đọc tụng mười hai bộ kinh, thu hoạch được bốn thiền nhưng về sau thoái mất rất đáng thương xót. Vậy nên ta nói nhiều những phóng dật của Tỳkheo Thiện Tinh. Vì nhiều phóng dật nên cắt đứt các căn lành. Những đệ tử của ta, người có thấy nghe thì đối với người này không ai chẳng sinh lòng thương xót nặng nề như người giàu lúc đầu về sau mất của. Ðã nhiều năm ta thường cùng với Thiện Tinh chung nhau theo đuổi mà ông đó tự sinh ra lòng tà ác mà do tà ác nên chẳng bỏ ác kiến. Này thiện nam tử! Ta từ trước đến nay nếu thấy ông Thiện Tinh này có một chút căn lành như sợi lông cọng tóc thì nhất định ta chẳng huyền ký rằng, ông đó đoạn tuyệt căn lành, là nhất xiển đề, hạng người thấp hèn, trụ kiếp địa ngục. Do ông ấy tuyên nói không nhân, không quả, không có tác nghiệp nên ta mới huyền ký rằng, người đó vĩnh viễn cắt đứt thiện căn, là nhất xiển đề, hạng người thấp hèn, trụ kiếp địa ngục. Này thiện nam tử! Ví như có người chìm trong chuồng xí (cầu tiêu), có bậc thiện tri thức dùng tay kéo nâng lên mà níu được đầu tóc thì liền kéo ra khỏi, nhưng tìm lâu chẳng được vậy mới ngưng ý tìm kiếm. Ta cũng như vậy, tìm thấy chút xíu căn lành của Thiện Tinh thì liền muốn cứu vớt. Nhưng ta trọn ngày tìm kiếm mà thậm chí chẳng được chút xíu căn lành như sợi lông cọng tóc. Vậy nên ông chẳng được cứu vớt khỏi địa ngục ấy.
Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai vì sao huyền ký ông đó sẽ đọa vào địa ngục A tỳ?
– Này thiện nam tử! Có nhiều quyến thuộc của Tỳkheo Thiện Tinh đều gọi Thiện Tinh là Alahán, là được đạo quả. Ta muốn hủy hoại lòng tà ác đó nên huyền ký rằng: Ông Thiện Tinh đó do phóng dật nên đọa vào địa ngục. Này thiện nam tử! Ông nay phải biết, lời nói của Như Lai chân thật không hai. Vì sao vậy? – Vì nếu lời ký của Phật là sẽ đạo vào địa ngục, mà nếu chẳng đọa thì không có điều này. Lời ký biệt của Thanh Văn, Duyên Giác thì có hai thứ, hoặc hư dối, hoặc chân thật. Như ông Mục Kiền Liên, ở tại nước Ma Dà Ðà, bảo khắp mọi người rằng, lùi sau bảy ngày trời sẽ tuông mưa mà hết thời hạn trời chẳng mưa. Ông lại ký biệt rằng, con trâu cái sẽ sinh con nghé trắng, đến khi con trâu ấy sinh thì sinh ra con nghé loang lổ, ký sinh nam thì sau sinh ra nữ!. Này thiện nam tử! Tỳkheo Thiện Tinh thường vì vô lượng những chúng sinh tuyên nói rằng, tất cả không quả báo thiện ác. Khi ấy ông đã cắt đứt vĩnh viễn tất cả căn lành, thậm chí không có chút xíu như sợi lông cọng tóc. Này thiện nam tử! Ta biết từ lâu Tỳkheo Thiện Tinh này sẽ cắt đứt căn lành. Do vậy nên ta ở chung trọn hai mươi năm nuôi dưỡng, tu hành chung. Nếu ta rời xa chẳng gần gũi tả hữu thì người này sẽ dạy cho vô lượng chúng sinh tạo tác nghiệp ác. Ðó gọi là lực giải thứ năm của Như Lai.
– Thưa đức Thế Tôn! Bọn nhất xiển đề vì nhân duyên gì mà không có thiện pháp?
– Này thiện nam tử! Bọn nhất xiển đề đoạn tuyệt căn lành. Chúng sinh có tín.v.v… năm căn mà bọn nhất xiển đề thì đoạn diệt vĩnh viễn. Do nghĩa này mà giết hại một con kiến còn bị tội sát sinh nhưng giết chết nhất xiển đề thì không có tội sát sinh.
– Thưa đức Thế Tôn! Nhất xiển đề thì nhất định không thiện pháp. Vậy nên gọi là nhất xiển đề sao?
Ðức Phật dạy rằng:
– Ðúng vậy! Ðúng vậy!
– Thưa đức Thế Tôn! Tất cả chúng sinh có ba thứ thiện. Ðó là thiện quá khứ, thiện vị lai, thiện hiện tại. Bọn nhất xiển đề cũng chẳng thể đoạn dứt thiện pháp của vị lai thì làm sao nói rằng, đoạn các thiện pháp gọi là nhất xiển đề vậy?
– Này thiện nam tử! Ðoạn có hai thứ: Một là hiện tại diệt. Hai là hiện tại chướng ngại đến vị lai. Bọn nhất xiển đề đủ cả hai thứ đoạn này. Vậy nên ta nói rằng, đoạn dứt các căn lành. Này thiện nam tử! Ví như có người chìm trong chuồng xí chỉ có đầu một sợi tóc, cọng lông chưa chìm. Tuy còn đầu một sợi tóc, cọng lông chưa chìm mà đầu một sợi lông chẳng thể thấy được thân. Bọn nhất xiển đề cũng lại như vậy, tuy đời vị lai sẽ có thiện căn mà chẳng thể cứu thoát khỏi khổ của địa ngục. Ðời vị lai tuy có thể cứu vớt nhưng đời hiện tại thì điều đó không có. Vậy nên gọi là chẳng thể cứu tế. Do nhân duyên Phật tính nên có thể được cứu. Phật tính thì chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại. Vậy nên Phật tính chẳng thể đoạn được. Như hạt giống mục nát thì chẳng thể mọc mầm. Nhất xiển đề cũng lại như vậy. – Thưa đức Thế Tôn! Bọn nhất xiển đề chẳng đoạn dứt Phật tính mà Phật tính cũng thiện thì làm sao nói rằng, đoạn dứt tất cả thiện pháp?
– Này thiện nam tử! Nếu các chúng sinh trong đời hiện tại có Phật tính thì chẳng được gọi là nhất xiển đề. Như tính ngã của chúng sinh trong thế gian, Phật tính là thường, ba đời chẳng nhiếp lấy. Ba đời nếu nhiếp lấy thì gọi là vô thường. Phật tính vị lai do sẽ thấy nên nói rằng, chúng sinh đều có Phật tính. Do nghĩa này nên Bồ tát Thập Trụ trang nghiêm đầy đủ mới được thấy chút ít.
Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Phật tính thường giống như hư không thì vì sao đức Như Lai nói rằng, vị lai? Nếu đức Như Lai nói nhất xiển đề không có thiện pháp thì bọn nhất xiển đề đối với người đồng học, đồng sư, cha mẹ, thân tộc, vợ con của họ há sẽ chẳng sinh lòng ái niệm sao? Nếu bọn ấy sinh lòng đó thì chẳng phải là thiện ư?
Ðức Phật dạy rằng:
– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ông hỏi vấn đề ấy hay lắm! Phật tính giống như hư không, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại! Tất cả chúng sinh có ba thứ thân. Ðó là thân quá khứ, thân vị lai và thân hiện tại. Thân chúng sinh vị lai trang nghiêm đầy đủ thanh tịnh thì được thấy Phật tính. Vậy nên ta nói Phật tính vị lai. Này thiện nam tử! Ta vì chúng sinh hoặc khi nói nhân là quả, hoặc khi nói quả là nhân. Vậy nên trong Kinh nói mạng là ăn, thấy sắc là xúc. Thân vị lai tịnh nên nói Phật tính.
– Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói mà nghĩa như vậy thì vì sao nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính?
– Này thiện nam tử! Phật tính của chúng sinh tuy hiện tại Không nhưng chẳng thể nói là Không. Như tính hư không tuy không hiện tại nhưng chẳng được nói là Không. Tất cả chúng sinh tuy lại vô thường mà Phật tính này thường trụ không biến đổi. Vậy nên ở trong Kinh này ta nói rằng, Phật tính của chúng sinh chẳng phải trong, chẳng phải ngoài giống như hư không chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Như hư không ấy có trong ngoài thì hư không chẳng gọi là một, là thường, cũng chẳng được nói rằng, tất cả chỗ có. Hư không tuy lại chẳng phải trong, chẳng phải ngoài mà các chúng sinh đều có nó. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy. Như lời ông nói, bọn nhất xiển đề có thiện pháp thì nghĩa này không đúng. Vì sao vậy? – Vì bọn nhất xiển đề nếu có nghiệp thân, nghiệp miệng, nghiệp ý, nghiệp thủ (lấy), nghiệp cầu, nghiệp thí, nghiệp giải.v.v… những nghiệp như vậy thì đều là nghiệp tà. Vì sao vậy? – Vì chẳng cầu nhân quả vậy. Này thiện nam tử! Như quả, rễ, thân, cành, lá, hoa… của cây Ha lê lặc đều đắng, nghiệp của nhất xiển đề cũng lại như vậy.
– Này thiện nam tử! Như Lai biết đầy đủ các căn, lực. Vậy nên Như Lai giỏi có thể phân biệt chúng sinh thượng căn, trung căn, hạ căn. Như Lai có thể biết người này chuyển đổi hạ căn trở thành trung căn, có thể biết người này chuyển đổi trung căn trở thành thượng căn, có thể biết người này chuyển đổi thượngï căn trở thành trung căn, có thể biết người này chuyển đổi trung căn trở thành hạ căn. Vậy nên ông phải biết là căn tính của chúng sinh không có quyết định. Do không quyết định nên hoặc đoạn dứt thiện căn mà đoạn rồi thì sinh trở lại. Nếu căn tính của những chúng sinh định thì nhất định chẳng trước đoạn dứt và đoạn rồi lại sinh ra, cũng chẳng nên nói rằng, bọn nhất xiển đề rơi vào địa ngục sống lâu một kiếp. Này thiện nam tử! Vậy nên Như Lai nói rằng, tất cả pháp không có tướng quyết định!
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai biết đầy đủ các căn, lực thì nhất định biết ông Thiện Tinh sẽ đoạn dứt thiện căn. Do nhân duyên gì mà Ngài cho phép ông ấy xuất gia?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Vào thuở trước, khi ta mới xuất gia thì em ta là Nan Ðà, tùng đệ là A Nan, Ðề Bà Ðạt Ða, con ta là La Hầu La… những người như vậy đều theo ta xuất gia tu đạo. Nếu ta chẳng cho ông Thiện Tinh xuất gia thì người ấy theo thứ tự sẽ được nối ngôi vua. Sức lực ông ấy tự tại thì sẽ hủy hoại Phật pháp. Do nhân duyên này nên ta cho ông ấy xuất gia tu đạo. Này thiện nam tử! Tỳkheo Thiện Tinh nếu chẳng xuất gia cũng đoạn dứt thiện căn, ở vô lượng đều không có lợi ích. Nay ông ấy xuất gia rồi, tuy đoạn thiện căn nhưng có thể thọ trì giới, cúng dường cung kính bậc kỳ cựu trưởng túc và người có đức, tu tập Sơ thiền cho đến Tứ thiền. Ðó gọi là thiện nhân (nhân duyên thiện). Thiện nhân như vậy có thể sinh ra thiện pháp. Thiện pháp đã sinh thì có thể tu tập đạo. Ðã tu tập đạo thì sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ta cho ông Thiện Tinh xuất gia. Này thiện nam tử! Nếu ta chẳng cho Tỳkheo Thiện Tinh xuất gia thọ giới thì mới chẳng được xưng ta là Như Lai đầy đủ mười lực. Này thiện nam tử! Phật quan sát chúng sinh đầy đủ thiện pháp và bất thiện pháp. Người này tuy đủ hai pháp như vậy nhưng chẳng bao lâu có thể đoạn dứt tất cả thiện căn mà đầy đủ bất thiện căn. Vì sao vậy? – Vì chúng sinh như vậy chẳng gần gũi bạn tốt, chẳng nghe chánh pháp, chẳng khéo tư duy, chẳng theo đúng như pháp tu hành. Do nhân duyên này người ấy có thể cắt đứt thiện căn, đầy đủ bất thiện căn. Này thiện nam tử! Như Lai lại biết người này đời hiện tại hay đời vị lai lúc nhỏ, lúc lớn, khi già sẽ gần gũi bạn tốt, thính thọ chánh pháp: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo thì lúc ấy có thể trở lại sinh ra căn lành. Này thiện nam tử! Ví như có dòng suối cách xóm làng chẳng xa. Nước suối ấy ngon ngọt, đủ tám vị công đức. Có người nóng khát muốn đi đến suối. Có người trí ở bên cạnh quan sát người khát đó nhất định sẽ đi đến chỗ nước không gì nghi ngờ. Vì sao vậy? – Vì không có con đường nào khác. Như Lai Thế Tôn quan sát các chúng sinh cũng lại như vậy. Vậy nên Như Lai gọi là biết đầy đủ các căn lực.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn lấy ít đất ở dưới đất đặt lên móng tay mà bảo ngài Ca Diếp Bồ tát rằng:
– Ðất này nhiều hay đất của thế giới mười phương nhiều?
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðất trên móng tay thì chẳng thể sánh với đất sở hữu của mười phương được.
– Này thiện nam tử! Có người xả thân trở lại được thân người, xả thân ba đường ác, được thọ thân người, các căn đầy đủ lành lặn, sinh ra ở trung tâm đất nước, đầy đủ chánh tín, có thể tu tập đạo, đã tu đạo là có thể được giải thoát, được giải thoát rồi là có thể vào Niết Bàn thì như đất trên móng tay. Còn chúng sinh xả thân người rồi được thân ba ác, xả thân ba ác được thân ba ác, các căn chẳng đủ, sinh ra nơi biên địa, tin tà đảo kiến, tu tập tà đạo, chẳng được giải thoát, Niết Bàn thường lạc thì như đất đai sở hữu của thế giới mười phương. Này thiện nam tử! Hộ trì cấm giới, tinh cần chẳng giải đãi, chẳng phạm bốn trọng cấm, chẳng tạo tội ngũ nghịch, chẳng dùng đồ vật của tăng chúng, chẳng làm nhất xiển đề, chẳng cắt đứt căn lành, tin Kinh điển Niết Bàn.v.v… những người như vậy như đất trên móng tay (ít). Phá hủy giới, giải đãi, phạm bốn trọng cấm, tạo tội ngũ nghịch, dùng đồ vật của tăng chúng, làm nhất xiển đề, cắt đứt các căn lành, chẳng tin Kinh Ðại Niết Bàn này.v.v… những người như vậy như đất đai sở hữu của thế giới mười phương. Này thiện nam tử! Như Lai giỏi biết chúng sinh thượng căn, trung căn và hạ căn như vậy. Vậy nên xưng Phật biết đầy đủ căn lực.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai đầy đủ sự biết căn lực này nên có thể biết sự sai biệt về ngu độn, lanh lợi, hạ căn, trung căn, thượng căn của tất cả chúng sinh, biết các căn của chúng sinh đời hiện tại, cũng biết các căn của chúng sinh đời vị lai. Sau khi đức Phật diệt độ, những chúng sinh như vậy sẽ nói lên như vầy: “Như Lai vào rốt ráo Niết Bàn hoặc chẳng vào rốt ráo Niết Bàn, hoặc nói có ngã, hoặc nói vô ngã, hoặc có “trung ấm”, hoặc không “trung ấm”, hoặc nói có thoái, hoặc nói không thoái, hoặc nói thân Như Lai là hữu vi, hoặc nói thân Như Lai là vô vi, hoặc nói mười hai nhân duyên là pháp hữu vi, hoặc nói mười hai nhân duyên là pháp vô vi, hoặc nói tâm là hữu thường, hoặc nói tâm là vô thường, hoặc nói thọ năm dục lạc có thể chướng ngại đạo, hoặc nói chẳng ngăn ngại đạo, hoặc nói pháp đệ nhất của đời chỉ là Dục giới, hoặc nói là Tam giới, hoặc nói bố thí chỉ là nghiệp của ý, hoặc nói tức là của năm ấm”. Hoặc có người nói rằng, có ba vô vi. Hoặc có người nói rằng, không có ba vô vi. Lại có người nói rằng, hoặc có tạo sắc. Lại có người nói rằng, hoặc không tạo sắc. Hoặc có người nói rằng, có sắc vô tác. Hoặc có người nói rằng, không có sắc vô tác. Hoặc có người nói rằng, có pháp tâm số. Hoặc có người nói rằng, không có pháp tâm số. Hoặc có người nói rằng, có năm thứ hữu. Hoặc có người nói rằng, có sáu thứ hữu. Hoặc có người nói rằng, pháp tám giới trai, người đầy đủ giới Ưu bà tắc thọ được. Hoặc có người nói rằng, người chẳng đủ thọ được. Hoặc có người nói rằng, Tỳkheo phạm bốn trọng cấm rồi thì giới Tỳkheo vẫn tồn tại, hoặc nói chẳng tồn tại. Hoặc có người nói rằng, người Tu đà hoàn, người Tư đà hàm, người A na hàm, người A la hán đều được Phật đạo, hoặc nói chẳng được. Hoặc có người nói, Phật tính tức là hữu của chúng sinh, hoặc nói, Phật tính lìa khỏi hữu của chúng sinh. Hoặc có người nói rằng, người phạm bốn trọng cấm, tạo tội ngũ nghịch, nhất xiển đề.v.v… đều có Phật tính, hoặc nói rằng, không. Hoặc có người nói rằng, có Phật mười phương. Hoặc có người nói rằng, không có Phật mười phương… Như đức Như Lai thành tựu đầy đủ việc biết căn lực ấy thì vì sao ngày hôm nay chẳng quyết định nói?
Ðức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp rằng:
– Này thiện nam tử! Nghĩa như vậy chẳng phải là nhãn thức biết… cho đến chẳng phải là ý thức biết. Ðó là sự “năng tri” của trí tuệ. Nếu người có trí tuệ thì ta đối với người này nhất định chẳng tạo tác hai lời. Ðó cũng gọi là ta chẳng tạo tác hai lời. Ðối với kẻ vô trí thì ta tạo tác lời nói bất định mà kẻ vô trí này cũng lại cho là ta tạo tác lời nói bất định. Này thiện nam tử! Tất cả nghiệp hạnh sở hữu của Như Lai đều vì điều phục các chúng sinh. Ví như những phương thuốc sở hữu của vị y vương đều vì trị liệu tất cả bệnh khổ. Này thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn vì đất nước, vì thời tiết, vì lời nói người khác. Vì người, vì mọi căn nên ở trong một pháp tạo ra hai thứ nói, đối với pháp một tên nói ra vô lượng tên, ở trong một nghĩa nói ra vô lượng tên, ở vô lượng nghĩa nói ra vô lượng tên. Sao gọi là một tên nói ra vô lượng tên? – Giống như Niết Bàn, cũng tên là Niết Bàn, cũng tên là vô sinh, cũng tên là Vô Xuất, cũng tên là Vô Tác, cũng tên là Vô Vi, cũng tên là Quy Y, cũng tên là Hang Ổ (Quật trạch), cũng tên là Giải thoát, cũng tên là Quang Minh, cũng tên là Ðăng Minh, cũng tên là Bỉ Ngạn, cũng tên Vô Úy, cũng tên là Vô Thoái, cũng tên là An Xứ, cũng tên là Tịch Tịnh, cũng tên là Vô Tướng, cũng tên là Vô Nhị, cũng tên là Nhất Hạnh, cũng tên là Thanh Lương, cũng tên là Vô Ám, cũng tên là Vô Ngại, cũng tên là Vô Tránh, cũng tên là Vô Trược, cũng tên là Quảng Ðại, cũng tên là Cam Lộ, cũng tên là Cát Tường… Ðó gọi là một tên tạo ra vô lượng tên.
Sao gọi là một nghĩa nói ra vô lượng tên? – Giống như Ðế Thích. Cũng tên là Ðế Thích, cũng tên là Kiều Thi Ca, cũng tên là Bà Tha Bà, cũng tên là Phú Lan Ðà La, cũng tên là Ma Khư Bà, cũng tên là Nhân Ðà La, cũng tên là Thiên Nhãn, cũng tên là Xá Chỉ Phù, cũng tên là Kim Cương, cũng tên là Bảo Ðỉnh, cũng tên là Bảo Tràng… Ðó là một nghĩa nói ra vô lượng tên.
Sao gọi là vô lượng nghĩa nói ra vô lượng tên? – Như Phật Như Lai tên là Như Lai thì nghĩa khác tên khác, cũng tên là A La Ha thì nghĩa khác tên khác, cũng tên là Tam Miệu Tam Phật Ðà thì nghĩa khác tên khác, cũng tên là Thuyền Sư, cũng tên là Ðạo sư, cũng tên là Chính Giác, cũng tên là Minh Hành Túc, cũng tên là Ðại sư Tử vương, cũng tên là Sa Môn, cũng tên là Bà la Môn, cũng tên là Tịch Tịnh, cũng tên là Thí Chủ, cũng tên là Ðáo Bỉ Ngạn, cũng tên là Ðại Y Vương, cũng tên là Ðại Tượng Vương, cũng tên là Ðại Long Vương, cũng tên là Thí Nhãn, cũng tên là Ðại Lực Sĩ, cũng tên là Ðại Vô Úy, cũng tên là Bảo Tụ, cũng tên là Thương Chủ, cũng tên là Ðắc Thoát, cũng tên là Ðại Trượng Phu, cũng tên là Thiên Nhân Sư, cũng tên là Ðại Phân Ðà Lợi, cũng tên là Ðộc Vô Ðẳng Lữ, cũng tên là Ðại Phước Ðiền, cũng tên là Ðại Trí Tuệ Hải, cũng tên là Vô Tướng, cũng tên là Cụ Túc Bát Trí… Như vậy tất cả nghĩa khác, tên khác. Này thiện nam tử! Ðó gọi là trong vô lượng nghĩa nói vô lượng tên.
Lại có một nghĩa nói vô lượng tên. Ðó là Như Ấm, cũng tên là Ấm, cũng tên là Ðiên Ðảo, cũng tên là Ðế, cũng tên là Tứ Niệm Xứ, cũng tên là Tứ Thực (Bốn ăn), cũng tên là Tứ Thức Trụ Xứ, cũng tên là Hữu, cũng tên là Ðạo, cũng tên là Thời, cũng tên là Chúng Sinh, cũng tên là Vi Thế, cũng tên là Ðệ Nhất nghĩa, cũng tên là Tam Tu gọi là Thân, Giới, Tâm, cũng tên là Nhân Quả, cũng tên là Phiền Não, cũng tên là Giải Thoát, cũng tên là Thập Nhị Nhân Duyên, cũng tên là Thanh Văn, Bích Chi Phật, cũng tên là Ðịa Ngục, Ngã Quỷ, Súc Sinh, Nhân Thiên, cũng tên là Quá Khứ, Hiện tại, Vị Lai… Ðó gọi là một nghĩa mà nói vô lượng tên. Này thiện nam tử! Như Lai Thế Tôn vì chúng sinh nên trong rộng nói lược, trong lược nói rộng. Ðệ Nhất Nghĩa Ðế nói là Thế Ðế, nói Thế Ðế pháp là Ðệ Nhất Nghĩa Ðế.
Sao gọi là trong rộng nói lược? – Như bảo các Tỳkheo rằng: “Ta nay tuyên nói mười hai nhân duyên. Sao gọi là mười hai nhân duyên? Ðó là Nhân quả”.
Sao gọi là trong lược nói rộng? – Như bảo các Tỳkheo rằng: “Ta nay tuyên nói Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Khổ nghĩa là vô lượng những khổ, Tập nghĩa là vô lượng phiền não, Diệt nghĩa là vô lượng giải thoát, Ðạo nghĩa là vô lượng phương tiện”.
Sao gọi là Ðệ Nhất Nghĩa Ðế nói là Thế Ðế? – Như bảo Tỳkheo rằng: “Thân này của ta hôm nay có già, bệnh, chết”. Sao gọi là Thế Ðế nói là Ðệ Nhất Nghĩa Ðế? – Như ta bảo ông Kiều Trần Như rằng: “Ông được pháp nên được gọi là A Nhã Kiều Trần Như”. Vậy nên tùy người, tùy ý, tùy lúc nên gọi là Như Lai biết các căn lực. Này thiện nam tử! Ta nếu phải đối với những nghĩa như vậy mà tạo tác lời nói quyết định thì chẳng được xưng ta là Như Lai biết đầy đủ căn lực. Này thiện nam tử! Người có trí phải biết rằng: Sự gánh vác của con hương tượng chẳng phải là sự thắng hơn của con lừa. Sở hạnh của tất cả chúng sinh không lượng vậy nên Như Lai vì họ nói đủ thứ pháp không lường. Vì sao vậy? – Vì chúng sinh có nhiều những phiền não. Nếu giả sử Như Lai chỉ nói về một hạnh thì chẳng gọi là Như Lai thành tựu đầy đủ sự hiểu biết các căn lực. Vậy nên ở trong Kinh khác của ta nói rằng, năm thứ chúng sinh chẳng nên trở lại vì họ nói năm thứ pháp: Vì người chẳng tin thì chẳng khen chánh tín, vì người hủy phạm cấm giới thì chẳng khen trì giới, vì người xan tham thì chẳng khen bố thí, vì người giải đãi thì chẳng khen đa văn, vì người ngu si thì chẳng khen (tán thành) trí tuệ. Vì sao vậy? – Vì người trí nếu vì năm thứ người này mà nói năm việc đó thì phải biết là người nói này chẳng được đầy đủ sự biết các căn lực, cũng chẳng được gọi là thương xót chúng sinh. Vì sao vậy? – Vì năm thứ người này nghe năm việc đó rồi thì sinh lòng bất tín, lòng ác, lòng sân. Do nhân duyên này mà chúng sinh đó ở trong vô lượng đời chịu quả báo khổ. Vậy nên chẳng gọi người nói pháp đó là Bậc thương xót chúng sinh, biết đầy đủ căn lực. Vậy nên trước đây, ở trong Kinh khác, ta bảo ông Xá Lợi Phất rằng: “Như thận trọng không vì người lợi căn rộng nói pháp ngữ, người độn căn lược nói pháp vậy!”. Ông Xá Lợi Phất nói rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Con chỉ vì thương xót nên nói, chẳng phải là đầy đủ căn lực nên nói!”. Này thiện nam tử! Nói pháp rộng hay lược là cảnh giới của Phật, chẳng phải sự hiểu biết của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử! Như lời ông nói, sau khi Phật Niết Bàn, các đệ tử.v.v… đều nói khác thì những người đó đều do nhân duyên điên đảo, chẳng được chánh kiến. Vậy nên họ chẳng thể tự lợi và lợi tha. Này thiện nam tử! Những chúng sinh đó chẳng phải chỉ một tính, một hạnh, một căn, một thứ đất nước, một thiện tri thức. Vậy nên Như Lai vì đủ thứ người đó tuyên nói pháp yếu. Do nhân duyên này mà các đức Phật Như Lai ba đời trong mười phương vì chúng sinh khai thị diễn nói mười hai bộ Kinh. Này thiện nam tử! Như Lai nói mười hai bộ Kinh đó chẳng phải vì tự lợi mà chỉ vì lợi tha. Vậy nên lực thứ năm của Như Lai gọi là Giải lực. Nhờ hai lực này mà Như Lai biết sâu: Người này hiện tại có thể cắt đứt thiện căn, người này đời sau có thể cắt đứt thiện căn, người này hiện tại có thể được giải thoát, người này đời sau có thể được giải thoát… Vậy nên Như Lai gọi là Lực sĩ vô thượng.
Này thiện nam tử! Nếu người nói rằng Như Lai Niết Bàn rốt ráo hay chẳng Niết Bàn rốt ráo thì người này chẳng hiểu được ý của Như Lai nên nói lời như vậy. Này thiện nam tử! Trong núi Hương Sơn này có những năm vạn ba ngàn tiên nhân mà họ đều ở chỗ đức Phật Ca Diếp đời quá khứ, tu các công đức nhưng chưa được chánh đạo và gần gũi các đức Phật thính thọ chánh pháp. Như Lai muốn vì những người đó nên bảo ông A Nan rằng: “Qua ba tháng, rồi ta sẽ Niết Bàn!”. Chư thiên nghe rồi, tiếng ấy đắp đổi vang vọng đến tận Hương Sơn, các tiên nhân nghe rồi liền sinh lòng hối tiếc, nói lời như vầy: “Sao chúng ta được sinh ra trong loài người mà chẳng thân cận đức Phật! Các đức Phật Như Lai ra đời rất khó như hoa Ưu đàm! Chúng ta nay phải đi đến chỗ đức Thế Tôn để thính thọ chánh pháp”. Này thiện nam tử! Bấy giờ năm vạn ba ngàn những tiên nhân liền đến chỗ ta. Ta liền vì họ đáp ứng nói pháp: “Này các đại sĩ! Sắc là vô thường. Vì sao vậy? – Vì nhân duyên của Sắc là vô thường. Nhân vô thường sinh ra sắc thì sao gọi là thường được? Cho đến Thức ta cũng nói như vậy. Lúc bấy giờ, các tiên nhân nghe pháp này rồi tức thời chứng được quả Alahán.
Này thiện nam tử! Thành Câu Thi Na có các lực sĩ nhiều đến ba mươi vạn người mà không có sự ràng buộc. Họ tự thị kiêu mạn, phóng túng sắc lực, thân mạng, của cải, lòng loạn cuồng say. Này thiện nam tử! Ta vì điều phục các lực sĩ nên bảo ông Mục Liên rằng: “Ông phải điều phục những lực sĩ như vậy!”. Ông Mục Kiền Liên cung kính thuận theo lời dạy của ta, ở trong năm năm, dùng đủ cách giáo hóa mà thậm chí chẳng thể khiến cho một lực sĩ điều phục thọ pháp. Vậy nên ta lại vì những lực sĩ kia mà bảo ông A nan rằng: “Qua ba tháng rồi ta sẽ Niết Bàn!”. Này thiện nam tử! Các lực sĩ nghe lời nói này rồi thì tập họp nhau lại, sửa sang đường cái bằng phẳng. Qua ba tháng rồi, ta liền từ nước Tỳ Xá Ly đi đến thành Câu Thi Na. Giữa đường, từ xa thấy một nhóm những lực sĩ, ta liền tự hóa thân làm hình dáng Sa môn, đi đến chỗ lực sĩ, nói lên như vầy: “Các đồng tử làm việc gì vậy?”. Các lực sĩ nghe rồi đều nỗi sân giận mà nói như vầy: “Này Samôn! Nay ông làm sao mà gọi bọn chúng ta là đồng tử vậy?”. Ta nói rằng: “Các ông, rất đông người, đến ba mươi vạn người đem hết sức lực của thân mình mà chẳng thể dời được hòn đá nhỏ xíu này thì sao mà chẳng gọi là đồng tử ư?”. Các lực sĩ nói rằng: “Nếu ông gọi chúng ta là đồng tử thì phải biết ông tức là đại nhân (người lớn) vậy”. Này thiện nam tử! Lúc ấy, ta dùng hai ngón chân đào hòn đá này ra. Các lực sĩ này thấy việc đó rồi liền ở thân mình phát sinh ý tưởng yếu hèn, lại nói rằng: “Này ông Samôn! Ông nay lại có thể dời hòn đá này ra khỏi đường đi không?”. Ta nói rằng: “Này các đồng tử! Vì nhân duyên gì mà các ông sửa sang con đường này?”. Các lực sĩ nói rằng: “Này ông Samôn! Ông chẳng biết sao? Ðức Thích Ca Như Lai sẽ theo con đường này đi đến rừng Ta La để vào Niết Bàn. Do nhân duyên đó nên chúng ta sửa sang”. Ta khen rằng: “Hay thay! Này các đồng tử! Các ông đã phát lòng lành như vậy thì ta sẽ vì các ông trừ khử hòn đá này”. Ta dùng tay nâng cao hòn đá ném lên cao đến tận trời A Ca Ni Sấc. Các lực sĩ thấy hòn đá ở tại hư không đều sinh kinh sợ, liền muốn chạy tứ tán. Ta lại bảo rằng: “Này các lực sĩ! Các ông nay chẳng nên sinh lòng sợ hãi mà muốn tản đi”. Các lực sĩ nói rằng: “Này ông Sa môn! Nếu có thể cứu hộ chúng tôi thì chúng tôi sẽ ở yên. Bây giờ ta lại dùng tay tiếp lấy hòn đá đặt nó vào bàn tay. Lực sĩ thấy rồi thì lòng sinh vui mừng, lại nói rằng: “Thưa ông Sa môn! Hòn đá này là thường hay vô thường vậy?”. Lúc ấy, ta dùng miệng thổi hòn đá thì hòn đá liền tan hoại giống như vi trần. Lực sĩ thấy xong liền nói rằng: “Thưa ông Samôn! Hòn đá này vô thường!”. Họ liền sinh lòng hổ thẹn mà tự khảo trách rằng: “Làm sao chúng ta cậy nhờ vào tự tại sắc lực thân mạng, của cải mà sinh ra kiêu mạn?”. Ta biết lòng của ho, liền xả bỏ hóa thân trở lại hình dáng cũ mà vì họ nói pháp. Các lực sĩ thấy rồi thì tất cả đều phát tâm Bồ đề.
Này thiện nam tử! Thành Câu Thi Na có một người thợ khéo tên là Thuần Ðà. Người này đời trước ở chỗ đức Phật Ca Diếp phát thệ nguyện lớn rằng: “Khi đức Thích Ca Như Lai vào Niết Bàn thì tôi sẽ phụng thí bữa ăn uống sau cùng!”. Vậy nên ta đang ở nước Tỳ Xá Ly, lệnh cho Tỳkheo Ưu Bà Ma Na rằng: “Này thiện nam tử! Qua ba tháng rồi thì ta sẽ ở rừng Ta La Song Thọ tại thành Câu Thi Na mà vào Bát Niết Bàn. Ông hãy đến bảo cho ông Thuần Ðà biết”.
Này thiện nam tử! Trong thành Vương Xá có vị tiên ngũ thông tên là Tu Bạt Ðà một trăm hai mươi tuổi, thường tự xưng là người Nhất thiết trí, sinh lòng đại kiêu mạn. Ông này đã từng ở chỗ vô lượng Phật đời quá khứ gieo trồng các thiện căn. Ta cũng vì muốn điều phục người đó nên bảo ông A Nan rằng: “Qua ba tháng rồi ta sẽ vào Niết Bàn, ông Tu Bạt nghe rồi sẽ đến chỗ ta, phát sinh lòng tin cung kính, ta sẽ vì ông đó nói đủ thứ pháp. Người ấy nghe rồi sẽ được tận lậu.
Này thiện nam tử! Vua nước La Duyệt Kỳ là Tần Bà Ta La. Thái tử của vua ấy tên là Thiện Kiến do nghiệp nhân duyên nên sinh lòng nghịch ác muốn hại cha mình mà chẳng được thuận tiện. Bấy giờ người ác Ðề Bà Ðạt Ða cũng nhân nghiệp nhân duyên quá khứ cũng lại ở chỗ ta sinh lòng bất thiện muốn hại ta, liền tu ngũ thông, chẳng bao lâu thì thu hoạch được. Ông cùng với thái tử Thiện Kiến chung làm bạn thân hậu và vì thái tử nên hiện làm đủ thứ việc thần thông như: từ chẳng phải cửa mà ra rồi từ cửa mà vào, từ cửa mà vào rồi chẳng phải từ cửa mà ra, hoặc có khi thị hiện thân voi, ngựa, trâu, dê, trai, gái… Thái tử Thiện Kiến thấy rồi liền sinh lòng yêu thích, lòng vui mừng, lòng kính tín. Vì những việc này nên thái tử sắp bày đủ thứ đồ cúng dường mà cúng dường ông đó. Lại nữa, thái tử bạch rằng: “Thưa đại sư Thánh nhân! Tôi nay muốn thấy hoa Mạn Ðà La!”. Ðề Bà Ðạt Ða liền đi đến trời Ba mươi ba, theo người trời đó mà tìm kiếm hoa. Nhưng phước của ông ấy hết nên đều không có ai cho. Ðã chẳng được hoa nên ông suy nghĩ: “Cây Mạn Ðà La không ngã và ngã sở. Nếu ta tự lấy thì sẽ có tội gì?”. Trước khi, ý ông muốn lấy hoa thì liền mất hết thần thông và trở lại thấy thân mình ở tại thành Vương Xá. Lòng ông ấy sinh tàm quý, chẳng thể gặp lại thái tử Thiện Kiến nên lại nghĩ rằng: “Ta nay phải đi đến chỗ đức Như Lai tìm kiếm đại chúng. Ðức Phật nếu cho phép thì ta sẽ tùy ý dạy bảo, kêu gọi, sai bảo ông Xá Lợi Phất.v.v…”. Bấy giờ ông Ðề Bà Ðạt Ða liền đến chỗ ta nói như vầy: Nguyện xin đức Thế Tôn đem đại chúng này giao phó cho con! Con sẽ nói đủ thứ pháp giáo hóa khiến cho họ điều phục”. Ta nói rằng: “Này người ngu si! Ông Xá Lợi Phất.v.v.. là những bậc thông minh đại trí, được đời tin phục mà ta còn chẳng đem đại chúng giao phó huống là ông, người ngu si, kẻ ăn đồ nhổ bỏ ư?”. Ðề Bà Ðạt Ða lại đối với ta sinh ra ác tâm bội phần và nói như vầy: “Này ông Cù Ðàm! Ông nay tuy điều phục được đại chúng nhưng thế lực chẳng bao lâu sẽ bị mòn diệt (ma diệt)!”. Nói lời đó rồi thì đại địa tức thời sau lần chấn động, Ðề Bà Ðạt Ða liền ngã lăn ra đất. Ở bên thân ông ấy, gió rất mạnh nổi lên thổi tung những bụi đất và bụi bẩn vùi thây. Ðề Bà Ðạt Ða thấy ác tướng rồi lại nói rằng: “Nếu đời hiện tại thân này của ta nhất định vào địa ngục A Tỳ thì ta cần phải báo cái oán lớn này!”. Ðề Bà Ðạt Ða liền đứng dậy đi đến chỗ của thái tử Thiện Kiến. Thái tử Thiện Kiến thấy rồi liền hỏi: “Thưa Thánh nhân! Vì sao dung nhan ngài tiều tụy có vẻ lo âu vậy?”. Ðề Bà Ðạt Ða nói rằng: “Ta thường như vậy Ngài chẳng biết ư?”. Ông Thiện Kiến đáp rằng: “Nguyện xin ngài nói lên ý nghĩ ấy! Vì nhân duyên gì vậy?”. Ðề Bà Ðạt Ða nói rằng: “Tôi nay cùng ngài đã trở thành rất thân ái. Người ngoài mắng ngài rất là phi lý mà ta nghe được việc này thì há chẳng lo ư?”. Thái tử Thiện Kiến lại nói rằng: “Người trong nước làm sao mà nhục mạ ta?”. Ðề Bà Ðạt Ða nói rằng: “Người trong nước mắng ngài là “Oán chưa sinh”!. Thiện Kiến lại nói rằng: “Vì sao gọi ta là “Óan chưa sinh? Ai tạo ra cái tên này?”. Ðề Bà Ðạt Ða nói rằng: “Khi ngài chưa sinh ra, tất cả thầy tướng đều nói rằng, đứa trẻ này sinh ra rồi sẽ giết cha của nó! Vậy nên người bên ngoại đều gọi ngài là Oán chưa sinh. Tất cả người bên nội một lòng ủng hộ ngài nên gọi ngài là Thiện Kiến! Phu nhân Vi Ðề nghe lời nói này, sinh ra thân ngài rồi, ở trên lầu cao bỏ ngài xuống đất, hủy hoại của ngài một ngón tay. Do nhân duyên này mà người lại gọi ngài là Ba La Lưu Chi. Ta nghe những điều đó rồi lòng sinh ra lo rầu mà lại chẳng thể nói cho ngài biết”. Ðề Bà Ðạt Ða dùng đủ thứ việc ác như vậy dạy bảo ông ấy giết cha. Rằng nếu cha ngài chết thì ta cũng có thể giết chết ông Sa môn Cù Ðàm. Thái tử Thiện Kiến hỏi một vị đại thần tên là Vũ Hạnh rằng: “Ðại vương vì sao đặt tên ta là Vị Sinh Oán?”. Vị đại thần liền vì thái tử nói hết đầu đuôi chuyện ấy đúng như lời của Ðề Bà Ðạt Ða không khác. Thái tử Thiện Kiến nghe rồi liền cùng với đại thần bắt giam vua cha. Bên ngoài thành ông dùng bốn thứ binh mà thủ vệ. Phu nhân Vi Ðề nghe được việc này liền đi đến chỗ vua thì bị người canh giữ vua ngăn chẳng cho vào. Bấy giờ phu nhân sinh lòng sân nhuế liền trách mắng họ. Những người canh giữ liền báo cho thái tử rằng: “Thưa đại vương! Phu nhân của vua cha muốn gặp vua cha, chẳng biết có nên cho không?”. Thiện Kiến nghe rồi lại sinh hờn giận, liền đến chỗ của mẹ, kéo tóc mẹ về trước, vung dao muốn chém. Bấy giờ, ông Kỳ Bà bạch rằng: “Thưa đại vương! Từ khi có nước trở đi, tội tuy rất nặng nhưng chẳng bằng giết nữ nhân, huống là mẹ đẻ mình!”. Thái tử Thiện Kiến nghe lời nói đó rồi, vì Kỳ Bà nên liền buông tha. Ông cho người ngăn dứt nguồn quần áo, đồ nằm, ăn uống, thuốc thang của vua cha, qua bảy ngày rồi thì nhà vua mạng chung. Thái tử Thiện Kiến thấy cha chết rồi mới sinh lòng hối hận. Ðại thần Vũ Hạnh lại dùng đủ thứ pháp tà ác để nói cho vua nghe rằng: “Thưa đại vương! Tất cả nghiệp hạnh đều không có tội thì hôm nay vì sao mà sinh lòng hối hận?”. Kỳ Bà lại nói rằng: “Thưa đại vương! Ngài phải biết là nghiệp như vậy thì tội gồm hai thứ, một là giết vua cha, hai là giết Tu đà hoàn. Tội như vậy thì ngoại trừ đức Phật thì không ai có thể trừ diệt được!”. Vua Thiện Kiến nói rằng: “Ðức Như Lai thanh tịnh không có uế trược, còn người có tội như chúng ta thì làm sao được thấy?”. Này thiện nam tử! Ta biết việc như vậy nên bảo ông A Nan rằng: “Qua ba tháng rồi ta sẽ Niết Bàn!”. Vua Thiện Kiến nghe được liền đến chỗ của ta. Ta vì ông ấy nói pháp tội nặng được nhẹ, thu hoạch được niềm tin vô căn(?). Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe lời nói này rồi chẳng lý giải được ý của ta nên nói rằng, Như Lai quyết định nói Niết Bàn rốt ráo.
Này thiện nam tử! Bồ tát có hai thứ, một là thật nghĩa, hai là giả danh. Bồ tát giả danh nghe ta ba tháng sẽ vào Niết Bàn thì đều sinh thoái tâm mà nói rằng: “Như đức Như Lai kia mà còn không thường, chẳng trụ thì chúng ta làm gì được? Vì việc này nên ở trong vô lượng đời chịu khổ não lớn. Ðức Như Lai Thế Tôn thành tựu đầy đủ vô lượng công đức mà còn chẳng thể hủy hoại được loài ma chết như vậy, huống là bọn chúng ta sẽ có thể hoại được sao?”. Này thiện nam tử! Vậy nên ta vì những Bồ tát như vậy mà nói rằng, Như Lai thường trụ không có biến dịch. Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe lời này rồi chẳng hiểu được ý của ta nên quyết định nói rằng, Như Lai nhất định chẳng rốt ráo vào Niết Bàn.
Này thiện nam tử! Có những chúng sinh ở đoạn kiến nói lên lời như vầy: “Thân của tất cả chúng sinh sau khi diệt thì nghiệp quả thiện ác không có người thọ. Ta vì những người đó nói như vầy: “Quả báo thiện ác thật có người thọ!”. Làm sao biết là có? – Này thiện nam tử! Ðời quá khứ tại thành Câu Thi Na, có vị vua tên là Thiện Kiến, khi làm đồng tử trải qua tám muôn bốn ngàn năm, khi làm thái tử trải qua tám muôn bốn ngàn năm và khi lên ngôi vua cũng trải qua tám muôn bốn ngàn năm. Ở riêng một chỗ, ông ngồi suy nghĩ rằng: “Chúng sinh bạc phước, thọ mạng ngắn ngủi, thường có bốn oán đuổi theo mà chẳng tự biết còn buông lung! Vậy nên ta phải xuất gia, tu đạo, đoạn tuyệt bốn oán sinh, già, bệnh, chết”. Ngài liền ra lệnh cho quan Hữu ty, làm bảy ngôi bảo đường ở bên ngoài thành ấy. Xây dựng xong, nhà vua liền bảo quần thần bá quan, phi, hậu, các con, quyến thuộc ở nội cung rằng: “Này các ngươi phải biết, ta muốn xuất gia! Các ngươi có cho không?”. Bấy giờ đại thần và quyến thuộc của vua đều nói rằng: “Hay thay! Thưa đại vương! Hôm nay chính là lúc đó!”. Vua Thiện Kiến đem theo một người sai bảo, rồi một mình lên thượng đường. Nhà vua lại trải qua tám muôn bốn ngàn năm tu tập từ tâm. Nhờ nhân duyên của lòng Từ đó mà về sau tám muôn bốn ngàn đời theo thứ lớp được làm Chuyển Luân Thánh Vương, trong ba mươi đời làm Thích Ðề Hoàn Nhân, trong vô lượng đời làm các tiểu vương. Này thiện nam tử! Vua Thiện Kiến bây giờ đâu phải ai khác ư? Chớ tác khởi sự quan sát ấy mà chính là thân ta đó! Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe lời này rồi chẳng hiểu được ý ta nên xướng rằng: “Như Lai quyết định nói có ngã và có ngã sở”. Lại, một thuở, ta vì các chúng sinh nói rằng: “Ngã tức là tính vậy! Như là nhân duyên trong ngoài, mười hai nhân duyên, chúng sinh, ngũ ấm, tâm, giới, thế gian, công đức, nghiệp hạnh, trời tự tại, đời… thì gọi là Ngã. Những đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta nên xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói có Ngã”.
Này thiện nam tử! Lại vào một lúc khác, có một Tỳkheo đi đến chỗ ta nói như vầy: “Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là Ngã? Ai là Ngã vậy? Ngã duyên gì? “. Ta liền vì vị Tỳkheo mà nói rằng: “Này Tỳkheo! Không Ngã và Ngã sở! Nhãn (mắt) tức là vốn không nay có, đã có lại hoàn không. Khi mắt ấy sinh thì không có nơi từ đó đến và khi mắt ấy diệt cũng không có chỗ đi đến. Tuy có nghiệp quả nhưng không có tác giả. Không có người xả ấm và người thọ ấm. Như lời ông hỏi, sao gọi là ngã thì ngã tức là hẹn kỳ vậy. Ai là ngã thì tức là nghiệp vậy. Ngã duyên gì thì tức là Ái vậy. Này Tỳkheo! Ví như hai tay vỗ vào nhau thì tiếng phát ra trong ấy! Ngã cũng như vậy. Chúng sinh, nghiệp, ái, ba nhân duyên nên gọi là Ngã. Này Tỳkheo! Sắc của tất cả chúng sinh chẳng phải ngã, trong ngã không sắc, trong sắc không ngã… Cho đến Thức cũng như vậy. Này Tỳkheo! Những bọn ngoại đạo tuy nói có ngã nhưng nhất định chẳng lìa khỏi ấm. Nếu nói lìa khỏi ấm mà riêng có ngã thì không có điều này. Hành của tất cả chúng sinh như huyễn hóa, như lửa cháy khi nóng. Này Tỳkheo! Năm ấm đều là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh.
Này thiện nam tử! Bấy giờ, có vô lượng Tỳkheo quan sát năm ấm này không có ngã và ngã sở mà đắc quả Alahán. Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe lời nói này rồi chẳng hiểu được ý ta nên xướng lên rằng, đức Như Lai quyết định nói vô ngã.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh, ta lại nói rằng: “Ba việc hòa hợp thì được thọ thân này. Một là cha, hai là mẹ, ba là trung ấm là ba việc hòa hợp được thọ thân này”. Hoặc khi lại nói:”Người Anahàm hiện Bát Niết Bàn, hoặc ở trung ấm vào Bát Niết Bàn”. Hoặc lại nói rằng: “Thân căn trung ấm đầy đủ rõ ràng đều nhân nghiệp đời trước như đề hồ sạch sẽ”. Này thiện nam tử! Ta hoặc có khi nói rằng: “Chúng sinh tệ ác thọ trung ấm như tấm vải sù sì thô ráp trong thế gian, còn chúng sinh thuần thiện thọ trung ấm như tấm vải trắng mịn sản xuất ở thành ba La Nại”. Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu được ý của ta nên xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói có trung ấm”.
Này thiện nam tử! Ta lại vì những chúng sinh tội nghịch kia mà nói lời rằng: “Người tạo ngũ nghịch, xả thân vào thẳng địa ngục A Tỳ”. Ta lại nói rằng: “Tỳkheo Ðàn Ma Lưu Chi xả thân vào thẳng địa ngục A Tỳ, ở khoảng giữa ấy không có chỗ dừng tá túc”. Ta lại vì phạm chí Ðộc tử kia nói rằng: “Này phạm chí! Nếu có trung ấm thì có sáu hữu!”. Ta lại nói rằng: “Chúng sinh cõi vô sắc không có trung ấm!”. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu được ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói quyết định không trung ấm”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh, ta lại nói có thoái. Vì sao vậy? – Vì nhân ở vô lượng giải đãi, các Tỳkheo lười biếng.v.v…chẳng tu đạo. Nói “thoái” là có năm thứ: Một là ưa nhiều chuyện (đa sự) hai là ưa nói việc đời, ba là ưa ngủ nghỉ, bốn là ưa gần kẻ tại gia, năm là ưa du hành nhiều. Do những nhân duyên này nên khiến cho các Tỳkheo thoái (lui). Nói về nhân duyên thoái lui có hai thứ, một là trong, hai là ngoài. Người Alahán tuy lìa khỏi nội nhân nhưng chẳng lìa khỏi ngoại nhân (nhân duyên bên ngoài). Do nhân duyên bên ngoài nên sinh ra phiền não, mà sinh ra phiền não thì liền thoái mất. Lại có Tỳkheo tên là Cù Chỉ có đến sáu lần thoái mất. Thoái rồi thì xấu hổ trở lại tiến tu, đến lần thứ bảy thì ông được. Ðược rồi lại sợ mất nên ông dùng dao tự hại mình. Ta lại hoặc nói có lúc giải đãi, hoặc nói có sáu thứ A la hán.v.v… Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu được ý của ta nên xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói có Thoái”.
Này thiện nam tử! Trong kinh lại nói rằng, ví như đốt than thì than chẳng trở lại như cũ, cũng như bình vỡ thì lại không còn bình dùng. Phiền não cũng vậy, A la hán đoạn xong thì chẳng sinh trở lại. Kinh cũng nói rằng, chúng sinh sinh ra phiền não, nhân duyên phàm có ba thứ: Một là chưa đoạn phiền não, hai là chẳng đoạn nhân duyên, ba là chẳng khéo suy nghĩ. Nhưng mà A la hán không có hai nhân duyên là đoạn phiền não và khéo suy nghĩ. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe những lời đó rồi, chẳng hiểu ý của ta nên xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói không thoái”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh, ta nói, thân Như Lai có hai thứ: một là sinh thân, hai là pháp thân. Nói sinh thân thì tức là thân ứng hóa phương tiện. Như thân này thì có thể được nói rằng là sinh, già, bệnh, chết, dài, ngắn, đen, trắng, là đây, là đó, là học hay vô học… Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói thân Phật là pháp hữu vi”.
Pháp thân tức là Thường Lạc Ngã Tịnh, vĩnh viễn lìa khỏi tất cả sinh già bệnh chết, chẳng phải trắng, chẳng phải đen, chẳng phải dài, chẳng phải ngắn, chẳng phải đây, chẳng phải đó, chẳng phải học, chẳng phải vô học… Nếu Phật ra đời và chẳng ra đời thì vẫn thường trụ chẳng động, không có biến dịch. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói thân Phật là pháp Vô vi”.
Này thiện nam tử! Trong Kinh của ta nói rằng, sao gọi là mười hai nhân duyên? Từ Vô minh sinh ra Hành, từ Hành sinh ra Thức, từ Thức sinh ra Danh sắc, từ Danh sắc sinh ra Lục nhập, từ Lục nhập sinh ra Xúc, từ Xúc sinh ra Thọ, từ Thọ sinh ra Ái, từ Ái sinh ra Thủ, từ Thủ sinh ra Hữu, từ Hữu sinh ra Sinh, từ Sinh thì có Lão Tử Ưu khổ. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói mười hai nhân duyên quyết định là hữu vi”.
Ta lại có lúc bảo Dụ Tỳkheo mà nói lên rằng: “Mười hai nhân duyên có Phật, không Phật, tính tướng thường trụ. Này thiện nam tử! Có mười hai duyên chẳng từ duyên sinh. Có từ duyên sinh chẳng phải mười hai duyên. Có từ duyên sinh cũng mười hai duyên. Có chẳng phải duyên sinh cũng chẳng phải mười hai duyên. Có mười hai duyên chẳng phải duyên sinh nghĩa là mười hai chi của đời vị lai. Có từ duyên sinh chẳng phải mười hai duyên thì nghĩa là năm ấm sở hữu của A la hán. Có từ duyên sinh cũng mười hai duyên thì nghĩa là năm ấm, mười hai nhân duyên sở hữu của người phàm phu. Có chẳng phải duyên sinh chẳng phải mười hai duyên thì nghĩa là hư không Niết Bàn”. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói mười hai nhân duyên quyết định là vô vi”.
Này thiện nam tử! Trong Kinh ta nói: “Tất cả chúng sinh tạo tác nghiệp thiện ác, khi xả thân thì bốn đại ở đây tức thời tan hoại. Người nghiệp thuần thiện thì tâm liền đi lên. Kẻ nghiệp thuần ác thì tâm đi xuống”. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu được ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói tâm quyết định Thường”.
Này thiện nam tử! Vào một thuở, ta vì vua Tần Bà Ta La mà nói rằng: “Này đại vương! Ông phải biết rằng, sắc là vô thường. Vì sao vậy? Vì nó từ nhân vô thường mà được sinh ra. Sắc đó nếu từ nhân vô thường sinh ra thì người trí làm sao mà nói rằng là thường? Nếu sắc là thường thì chẳng nên hoại diệt mà sinh ra các khổ não. Nay ông thấy sắc này tan diệt hư hoại! Vậy nên ông phải biết sắc là vô thường…” cho đến thức cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý của ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói Tâm quyết định đoạn”.
Này thiện nam tử! Trong Kinh ta nói rằng, những đệ tử của ta thọ nhận những hương hoa, vàng bạc, vật báu, vợ con, nô tỳ… trăm thứ vật bất tịnh mà vẫn thu hoạch được Chánh đạo mà được Chánh đạo rồi cũng chẳng rời bỏ. Những đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà quyết định nói rằng: “Ðức Như Lai nói thọ năm dục chẳng phương hại Thánh đạo”.
Lại có một lúc, ta lại nói rằng: “Người tại gia mà được Chánh đạo thì không có điều này”. Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói người thọ năm dục quyết định ngăn trở đạo Chân chính”.
Này thiện nam tử! Trong Kinh ta nói rằng, xa lìa phiền não chưa được giải thoát mà giống như ở Dục giới tu tập pháp đệ nhất của thế gian vậy. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói pháp Ðệ Nhất chỉ là Dục giới”.
Lại nữa, ta nói rằng, pháp noãn (ấm) pháp đỉnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất ở tại sơ thiền đến đệ tứ thiền. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói những pháp như vậy ở tại Sắc giới”.
Lại nữa, ta nói rằng, các ngoại đạo.v.v… trước đã đoạn phiền não của bốn thiền, tu tập pháp noãn, pháp đĩnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất mà quan sát bốn chân đế thì được quả A na hàm. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói pháp đệ nhất ở tại Vô sắc giới”.
Này thiện nam tử! Trong Kinh ta nói rằng, trong bốn thứ thí có ba thứ tịnh: Một là thí chủ tin nhân, tin quả, tin thí mà người thọ chẳng tin. Hai là người thọ thí tin nhân, quả, thí mà thí chủ chẳng tin. Ba là thí chủ và người thọ cả hai có tin. Bốn là thí chủ và người thọ cả hai chẳng tin. Ðó là bốn thứ thí mà ba thứ đầu là tịnh. Các đệ tử của ta nghe lời nói này rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói thí chỉ là ý”.
Này thiện nam tử! Ta có lúc lại nói rằng, người thí khi thí dùng năm việc thí. Những gì là năm? Một là thí sắc, hai là thí lực, ba là thí an, bốn là thí mạng, năm là thí biện. Do nhân duyên này nên thí chủ trở lại được năm quả báo. Các đệ tử của ta nghe lời nói này rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói thí tức là năm ấm”.
Này thiện nam tử! Ta có lúc tuyên nói rằng, Niết Bàn tức là xa lìa phiền não, tận diệt vĩnh viễn không sót lại nữa. Giống như đèn tắt lại không pháp sinh ra, Niết Bàn cũng vậy. Rằng, hư không thì tức là không sở hữu. Ví như thế gian không sở hữu nên gọi là hư không. Chẳng phải duyên trí diệt tức là không sở hữu. Như hư không kia có thì nên có nhân duyên. Có nhân duyên nên có tận diệt. Do hư không kia không nên không có tận diệt. Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói không có ba vô vi”.
Này thiện nam tử! Có một lúc, ta vì ông Mục Kiền Liên mà nói rằng: “Này Mục Liên! Luận về Niết Bàn thì tức là chương cú, tức là dấu chân, chính là chỗ rốt ráo, chính là vô sở úy, tức là Ðại sư, tức là Ðại Quả, là trí rốt ráo, tức là Ðại Nhẫn Vô Ngại tam muội, là Ðại pháp giới, là vị cam lộ, tức là khó thấy. Này Mục Liên! Nếu nói không Niết Bàn thì làm sao có người sinh ra bài báng thì rơi vào địa ngục”. Này thiện nam tử! Những đệ tử của ta nghe những lời đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói có Niết Bàn”.
Lại vào một lúc khác, ta vì ông Mục Kiền Liên mà nói rằng: “Này Mục Liên! Nhãn (mắt) chẳng bền chắc.. cho đến thân cũng vậy, chúng đều chẳng bền chắc. Vì chẳng bền chắc nên gọi là hư không. Ðồ ăn xuống chỗ xoay chuyển tiêu hóa, tất cả âm thanh, đều gọi là hư không”. Các đệ tử của ta nghe lời nói này rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “ Ðức Như Lai quyết định nói có hư không vô vi”.
Lại vào một lúc khác, ta vì ông Mục Kiền Liên nói rằng: “Này Mục Liên! Có người chưa được quả Tu Ðà Hoàn, khi trụ ở nhẫn pháp thì đoạn được vô lượng quả báo của ba đường ác. Ông phải biết rằng, chẳng từ Trí duyên mà diệt!” Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói “Có” chẳng phải trí duyên diệt”.
Này thiện nam tử! Ta lại vào một lúc khác vì ông Tỳkheo Bạt Ba nói rằng: “Nếu Tỳkheo quan sát sắc hoặc quá khứ, hoặc vị lại, hoặc hiện tại, hoặc gần, hoặc xa, hoặc lớn, hoặc nhỏ.v.v… những sắc như vậy chẳng phải ngã và ngã sở. Nếu Tỳkheo quan sát như vậy rồi thì có thể cắt đứt sắc ái”. Bạt Ba lại nói rằng: “Sao gọi là sắc?” Ta nói rằng: “Bốn đại gọi là sắc, bốn ấm gọi là danh!” Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định nói rằng, sắc chính là bốn đại”.
Này thiện nam tử! Ta lại nói rằng: “Ví như nhân tấm gương thì có hình dáng hiện ra. Sắc cũng như vậy, nhân bốn đại tạo ra. Nào là to, nhỏ, nhám, trơn, xanh, vàng, đỏ, trắng, dài, ngắn, vuông, tròn, tà (xiêng), góc, nhẹ, nặng, lạnh, nóng, đói, khát, khói, mây, bụi, mù… Ðó gọi là tạo sắc giống như tiếng vang và hình dáng”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói có bốn đại thì có tạo sắc thành ra không bốn đại, không có tạo sắc”.
Này thiện nam tử! Thuở xưa có khi vương tử Bồ Ðề nói lời như vầy: “Nếu có Tỳkheo hộ trì cấm giới mà phát lòng ác thì phải biết lúc đó đã mất giới Tỳkheo”. Ta thì nói rằng: “Này vương tử Bồ Ðề! Giới có bảy thứ, từ ở thân miệng có vô tác sắc. Do nhân duyên vô tác sắc này nên tâm ấy tuy ở tại trong ác vô ký nhưng chẳng gọi là mất giới mà còn gọi là trì giới. Vì nhân duyên gì gọi là vô tác sắc? Chẳng phải nhân sắc khác thì chẳng tạo tác quả sắc khác. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói có vô tác sắc”.
Này thiện nam tử! Ở Kinh khác, ta lại nói như vầy: “Giới tức là ngăn chận, chế ngự ác pháp. Nếu chẳng làm ác thì đó gọi là Trì giới”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai quyết định tuyên nói không có Vô tác sắc”.
Này thiện nam tử! Ở Krong kinh, ta nói như vầy: “Sắc ấm cho đến thức ấm của Thánh nhân đều là sự phát xuất của nhân duyên vô minh. Tất cả phàm phu cũng lại như vậy. Từ vô minh sinh ra ái thì phải biết là ái này tức là vô minh. Từ ái sinh ra thủ thì phải biết thủ này tức là vô minh ái. Từ thủ sinh ra hữu thì phải biết hữu này tức là vô minh ái thủ. Từ hữu sinh ra thọ thì phải biết thọ này tức là hành hữu. Từ thọ nhân duyên sinh ra danh sắc, vô minh, ái, thủ, hữu, hành, thọ, xúc, thức, lục nhập.v.v… Vậy nên thọ tức là mười hai chi”. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói không có tâm số”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh, ta nói như vầy: “Từ mắt, sắc làm sáng bốn pháp ác dục thì sinh ra nhãn thức (sự nhận thức của mắt). Nói ác dục tức là nói vô minh. Khi tính dục cầu thì gọi là Ái. Ái nhân duyên thủ. Thủ gọi là Nghiệp. Nghiệp nhân duyên Thức. Thức duyên Danh sắc. Danh sắc duyên Lục nhập. Lục nhập duyên Xúc. Xúc duyên Tưởng, Thọ, Ái, Tín, Tinh tấn, Ðịnh, Tuệ.v.v… Những pháp như vậy nhân xúc mà sinh ra, nhưng chẳng phải là xúc. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói có tâm số”.
Này thiện nam tử! Hoặc có khi ta nói rằng, chỉ có một hữu. Hoặc nói rằng, có hai ba bốn năm sáu bảy tám chín cho đến hai mươi lăm cõi hữu. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói có năm cõi hữu, hoặc nói có sáu cõi hữu”.
Này thiện nam tử! Một thuở trước đây, khi ta trụ ở rừng Ni Câu Ðà tại thành Ca Tỳ La Vệ, ông Thích Ma Nam đi đến chỗ ta mà nói như vầy: “Sao gọi là Ưu bà tắc?” Ta liền vì ông trả lời: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân các căn hoàn bị, thọ ba quy y thì đó gọi là Ưu bà tắc vậy”. Ông Thích Ma Nam nói rằng: “Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là một phần Ưu bà tắc?” Ta đáp rằng: “Nếu thọ ba quy y và thọ một giới thì đó gọi là một phần Ưu bà tắc vậy!”. Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói Giới Ưu bà tắc chẳng thọ đủ được”. Này thiện nam tử! Vào một thuở, ta trụ ở bên sông Hằng, bấy giờ ông Ca Chiên Diên đi đến chỗ ta mà nói như vầy: “Thưa đức Thế Tôn! Con dạy chúng sinh bảo họ thọ Trai pháp (pháp Bát quan trai) hoặc một ngày, hoặc một đêm, hoặc một giờ, hoặc một niệm. Người như vậy có thành Trai giới không vậy?”. Ta nói rằng: “Này Tỳkheo! Người này được tốt (thiện) chớ chẳng gọi là được Trai!”. Các đệ tử của ta nghe những lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói Bát giới trai thọ đầy đủ mới được”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh ta nói như vầy: “Nếu có Tỳkheo phạm bốn trọng cấm rồi thì chẳng gọi là Tỳkheo mà gọi là Tỳkheo phá, Tỳkheo vong thất (mất), chẳng lại có thể sinh ra hạt giống mầm thiện. Ví như hạt giống cháy chẳng sinh ra kết quả. Như đầu cây Ða La nếu bị chặt phá thì chẳng sinh ra trái, Tỳkheo phạm trọng cấm cũng lại như vậy”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói các Tỳkheo phạm trọng cấm rồi thì mất giới Tỳkheo.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh ta vì ông Thuần Ðà mà nói về bốn thứ Tỳkheo, một là rốt ráo đến đạo, hai là thị (bày) đạo, ba là thọ đạo, bốn là ô (lấm bẩn) đạo. Phạm bốn trọng cấm thì tức là ô đạo. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói các Tỳkheo phạm bốn trọng cấm rồi chẳng mất giới cấm”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh ta bảo các Tỳkheo rằng: “Một thừa, một đạo, một hạnh, một duyên. Như vậy một thừa… cho đến một duyên có thể vì chúng sinh tạo tác Ðại Tịch Tịnh, đoạn vĩnh viễn khổ của tất cả trói buộc sầu khổ và nhân của khổ, khiến cho tất cả chúng sinh đến với Nhất hữu”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói Tu đà hoàn cho đến A la hán đều được Phật đạo”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh ta nói: “Người Tu đà hoàn lên trời xuống nhân gian, qua lại bảy lần thì liền Bát Niết Bàn. Người Tư đà hàm một lần thọ thân người, trời thì liền Bát Niết Bàn. Người A na hàm thường có năm thứ, hoặc có người trung gian Bát Niết Bàn… cho đến người thượng lưu Bát Niết Bàn. Người A la hán thường có hai thứ, một là hiện tại, hai là vị lai. Hiện tại cũng đoạn phiền não năm ấm, vị lai cũng đoạn phiền não năm ấm”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Như Lai nói Tu đà hoàn cho đến A la hán chẳng được Phật đạo”.
Này thiện nam tử! Ở trong Kinh này, ta nói rằng: “Phật tính có đủ sáu việc, một là Thường, hai là Thật, ba là Chân, bốn là Thiện, năm là Tịnh, sáu là Khả kiến”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói Phật tính của chúng sinh lìa khỏi chúng sinh mà có”.
Này thiện nam tử! Ta lại nói rằng: “Phật tính của chúng sinh giống như hư không. Hư không thì chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải nội, chẳng phải ngoại, chẳng phải là sắc, thanh, hương, vị, xúc tiếp. Phật tính cũng vậy”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói Phật tính của chúng sinh lìa khỏi chúng sinh mà có”.
Này thiện nam tử! Ta lại nói nữa rằng: “Phật tính của chúng sinh giống như Bảo tạng trong nhà người con gái nghèo, như viên ngọc báu Kim Cương trên trán vị lực sĩ, như dòng suối cam lộ của vị Chuyển Luân Thánh Vương”. Các đệ tử của ta nghe lời nói này rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Phật nói Phật tính của chúng sinh lìa khỏi chúng sinh mà có”.
Này thiện nam tử! Ta lại nói rằng: “Người phạm bốn trọng cấm, nhất xiển đề, người bài báng Kinh Phương Ðẳng, người tạo tác tội ngũ nghịch đều có Phật tính. Những chúng sinh như vậy đều không thiện pháp mà Phật tính chính là thiện”. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói Phật tính của chúng sinh lìa khỏi chúng sinh mà có”.
Này thiện nam tử! Ta lại nói rằng: “Chúng sinh tức là Phật tính. Vì sao vậy? Vì nếu lìa khỏi chúng sinh thì chẳng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ta cùng với vua Ba Tư Nặc nói về bài dụ con voi. Như người mù nói về voi tuy chẳng được voi nhưng chẳng lìa khỏi voi. Chúng sinh nói sắc cho đến nói thức chính là Phật tính thì cũng lại như vậy tuy chẳng phải Phật tính nhưng chẳng phải chẳng Phật tính. Như ta vì nhà vua nói bài dụ về cây đàn Không Hầu, Phật tính cũng vậy”. Này thiện nam tử! Các đệ tử của ta nghe những lời nói này rồi, chẳng hiểu ý ta mà tạo tác đủ thứ lời nói, như việc người mù hỏi về sữa mà Phật tính cũng vậy. Do nhân duyên này nên hoặc có người nói rằng, người phạm bốn trọng cấm, bài báng kinh Phương Ðẳng, tạo ngũ nghịch tội, nhất xiển đề.v.v… đều có Phật tính, hoặc nói rằng, không! Này thiện nam tử! Ở khắp nơi nơi trong kinh, ta nói rằng: “Một người ra đời nhiều người lợi ích, trong một đất nước có hai vua Chuyển Luân, trong một thế giới có hai Phật ra đời thì không có điều này. Một Tứ Thiên Hạ có tám Tứ Thiên vương… cho đến hai trời Tha Hóa Tự Tại cũng không có điều này. Nhưng ta mới nói từ địa ngục A Tỳ của cõi Diêm Phù Ðề lên đến trời A Ca Ni Sấc. Các đệ tử của ta nghe lời nói đó rồi, chẳng hiểu ý ta mà xướng lên rằng: “Ðức Phật nói không có mười phương Phật”. Nhưng ở trong những kinh Ðại thừa, ta cũng nói có mười phương Phật.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ ba mươi mốt hết –