1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
30
31
32
33
34
35
36

Quyển thứ 18

20. PHẨM PHẠM HẠNH PHẦN 5

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại vùng Song Thọ, thấy vua A Xà Thế ngất xỉu ngã lăn ra đất, liền bảo đại chúng rằng:

– Ta nay sẽ vì vị vua này mà trụ thế đến vô lượng kiếp, chẳng vào Niết Bàn!

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai phải vì vô lượng chúng sinh mà chẳng vào Niết Bàn chớ vì sao độc chỉ vì vua A Xà Thế?

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Trong đại chúng này không có một người cho là ta nhất định vào với Niết Bàn còn A Xà Thế thì quyết định cho là ta sẽ rốt ráo diệt mãi. Vậy nên ông ấy ngất xỉu đi tự lăn ra đất. Này thiện nam tử! Như lời ta nói, vì vua A Xà Thế ta chẳng vào Niết Bàn. Ý nghĩa bí mật như vậy ông chưa có thể hiểu được. Vì sao vậy? Vì ta nói vì là tất cả phàm phu như A Xà Thế và khắp tất cả người tạo ngũ nghịch tội. Lại nữa vì tức là vì tất cả chúng sinh hữu vi. Ta nhất định chẳng vì chúng sinh vô vi mà trụ ở đời. Vì sao vậy? Vì phàm là vô vi thì chẳng phải chúng sinh vậy. A Xà Thế thì tức là người đầy đủ phiền não.v.v… Lại nữa, vì tức là chúng sinh chẳng thấy Phật tính. Nếu chúng sinh thấy Phật tính thì ta nhất định chẳng vì họ trụ ở đời lâu. Vì sao vậy? Vì người thấy Phật tính chẳng phải là chúng sinh vậy. A Xà Thế thì tức là tất cả những người chưa phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, vì thì tức là hai chúng A Nan và Ca Diếp. A Xà Thế thì tức là hậu cung phi hậu của vua A Xà Thế và tất cả phụ nữ của thành Vương Xá. Lại nữa, vì thì gọi là Phật tính. A Xà Thế thì gọi là bất sinh. Thế thì gọi là oán. Do chẳng sinh Phật tính nên oán phiền não sinh mà oán phiền não sinh nên chẳng thấy Phật tính. Do chẳng sinh phiền não nên thấy Phật tính mà thấy Phật tính thì được an trụ ở Ðại Bát Niết Bàn. Ðó gọi là bất sinh. Vậy nên gọi là A Xà Thế. Này thiện nam tử! A Xà thì gọi là bất sinh mà bất sinh thì gọi là Niết Bàn. Thế nào gọi là Thế pháp. Vì thì gọi là bất ô (chẳng dơ bẩn). Do việc chẳng ô nhiễm tám pháp thế gian nên vô lượng vô biên atăngkỳ kiếp chẳng vào Niết Bàn. Vậy nên ta nói rằng, vì A Xà Thế nên vô lượng ức kiếp chẳng vào Niết Bàn. Này thiện nam tử! Mật ngữ của Như Lai chẳng thể nghĩ bàn! Phật pháp, chúng Tăng cũng chẳng thể nghĩ bàn! Ðại Bồ tát cũng chẳng thể nghĩ bàn. Kinh Ðại Niết Bàn cũng chẳng thể nghĩ bàn!

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, đấng Ðại Bi Ðạo Sư, vì vua A Xà Thế vào tam muội Nguyệt Ái. Vào tam muội rồi, ngài phóng ra ánh sáng lớn. Ánh sáng thanh lương ấy đến chiếu vào thân vua thì ghẻ trên thân liền khỏi, hôi thối trừ diệt. Nhà vua hay biết ghẻ đã khỏi, thân thể thanh lương thì nói với ông Kỳ Ðà rằng:

– Ta từng nghe người nói rằng, khi kiếp sắp muốn hết thì ba mặt trăng đồng thời hiện lên. Ðang lúc đó thì hoạn khổ của tất cả chúng sinh đều trừ hết. Thời đã chưa đến mà ánh sáng này từ đâu đến soi vào một mình thân ta, sự khổ của ghẻ lở trừ khỏi, thân được an vui.

Ông Kỳ Ðà đáp rằng:

– Ðây chẳng phải là kiếp hết, ba mặt trăng soi cùng một lúc, cũng chẳng phải là ánh sáng của lửa, mặt trời, tinh tú, thảo dược, ngọc báu, trời.

Nhà vua lại hỏi rằng:

– Ánh sáng này nếu chẳng phải là ánh sáng của ba mặt trăng cùng soi, của ngọc báu thì chính là ánh sáng của ai?

– Thưa đại vương! Ngài phải biết, đó là ánh sáng phóng ra của đấng Thiên Trung Thiên! Ánh sáng này vô hạn, không có bờ cõi, chẳng phải nóng, chẳng phải lạnh, chẳng phải thường, chẳng phải diệt, chẳng phải sắc, chẳng phải vô sắc, chẳng phải tướng, chẳng phải vô tướng, chẳng phải xanh, chẳng phải vàng, chẳng phải đỏ, chẳng phải trắng… Vì muốn độ chúng sinh nên khiến cho họ có thể thấy có tướng, có thể nói vô hạn, có biên, có nóng, có lạnh, có xanh, vàng, đỏ, trắng. Thưa đại vương! Ánh sáng này tuy vậy, thật ra chẳng thể nói, chẳng thể nhìn thấy, thậm chí không có xanh, vàng, đỏ, trắng.

Nhà vua nói rằng:

– Này Kỳ Bà! Ðấng Thiên Trung Thiên đó vì nhân duyên gì mà phóng ra ánh sáng ấy?

Ông Kỳ Bà đáp rằng:

– Tướng điềm này hôm nay là vì đại vương! Do đại vương trước nói rằng, đời không có lương y trị liệu thân tâm, nên đức Phật phóng ra ánh sáng này để trị thân vua trước, nhiên hậu trị đến tâm!

Nhà vua nói rằng:

– Này Kỳ Bà! Ðức Như Lai Thế Tôn cũng thấy được ý niệm sao?

Ông Kỳ Bà đáp rằng:

– Ví như một người mà có bảy đứa con. Một đứa con trong bảy đứa con đó gặp bệnh. Lòng cha mẹ chẳng phải không bình đẳng, nhưng đối với đứa con bệnh thì lòng thiên về nhiều hơn. Thưa đại vương! Ðức Như Lai cũng vậy, đối với các chúng sinh chẳng phải không bình đẳng, nhưng đối với người có tội thì lòng thiên về nặng hơn, với người phóng dật thì từ niệm, với người chẳng phóng dật thì lòng buông bỏ. Những ai gọi là người chẳng phóng dật? Ðó là Lục trụ Bồ tát! Thưa đại vương! Các đức Phật Thế Tôn đối với các chúng sinh, chẳng quan sát chủng tính, già trẻ, trung niên, giàu, nghèo, thời tiết, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, nghề khéo, hạ tiện, đồng bộc, nô tỳ mà chỉ quan sát chúng sinh có thiện tâm hay không thôi. Nếu họ có thiện tâm thì đức Như Lai liền từ niệm. Này đại vương! Ngài phải biết, tướng điềm như vậy tức là đức Như Lai vào tam muội Nguyệt Ái mà phóng ra ánh sáng.

Nhà vua liền hỏi rằng:

– Sao gọi là tam muội Nguyệt Ái?

Ông Kỳ Bà đáp rằng:

– Ví như ánh sáng của vầng trăng có thể khiến cho tất cả hoa Ưu bát la nở bày tươi sáng. Tam muội Nguyệt Ái cũng lại như vậy, có thể khiến cho thiện tâm của chúng sinh mở bày. Vậy nên gọi là tam muội Nguyệt Ái. Thưa đại vương! Ví như ánh sáng của vầng trăng có thể khiến cho tất cả người đi đường, lòng sinh vui mừng. Nguyệt Ái tam muội cũng lại như vậy, có thể khiến cho người tu tập đạo Niết Bàn, lòng sinh hoan hỷ. Vậy nên gọi là Nguyệt Ái tam muội. Thưa đại vương! Ví như ánh sáng vầng trăng, từ ngày đầu tiên mồng một đến ngày mười lăm thì hình sắc, ánh sáng dần dần tăng trưởng. Nguyệt Ái tam muội cũng lại như vậy, khiến cho người mới phát tâm, các thiện căn bản dần dần tăng trưởng… cho đến đầy đủ Ðại Bát Niết Bàn. Vậy nên lại gọi là Nguyệt Ái tam muội. Thưa đại vương! Ví như ánh sáng của vầng trăng, từ ngày mười sáu đến ngày ba mươi thì hình sắc ánh sáng dần dần tổn giảm. Nguyệt Ái tam muội cũng lại như vậy, phiền não sở hữu ở chỗ ánh sáng này soi đến có thể khiến cho dần dần giảm hết. Vậy nên lại gọi là Nguyệt Ái tam muội. Này đại vương! Ví như khi nóng lắm thì tất cả chúng sinh thường nghĩ đến ánh sáng trăng mà ánh sáng trăng đã soi thì uất nhiệt liền diệt trừ. Nguyệt Ái tam muội cũng lại như vậy, có thể khiến cho chúng sinh trừ diệt nhiệt não của tham. Thưa đại vương! Ví như vầng trăng tròn đầy là vua trong mọi tinh tú, là vị cam lộ được sự yêu thích của tất cả chúng sinh. Nguyệt Ái tam muội cũng lại như vậy, là vua trong các điều thiện, là vị cam lộ được sự yêu thích của tất cả chúng sinh. Vậy nên lại gọi là Nguyệt Ái tam muội.

Nhà vua nói rằng:

– Này Kỳ Bà! Ta nghe đức Như Lai chẳng cùng với người ác đồng dừng, đồng ngồi, đồng đứng dậy, đồng nói năng đàm luận giống như biển cả chẳng chấp nhận thây chết, như chim uyên ương chẳng trụ ở nhà xí (cầu tiêu), như Thích Ðề Hoàn Nhân chẳng cùng ở với quỉ, như chim Cưu Sí La chẳng đậu cây khô… Ðức Như Lai cũng vậy thì ta làm sao mà được đến diện kiến? Giả sử được diện kiến ngài thì thân ta sẽ chẳng bị hãm vào địa ngục sao? Ta xem ra đức Như Lai thà gần voi say, sư tử, cọp, sói, lửa mạnh hừng hực chớ nhất định chẳng gần gũi với người ác nghiệp nặng nề này! Vậy nên ta nay suy nghĩ thế rồi thì phải có tấm lòng gì để diện kiến đức Như Lai?

Ông Kỳ Bà đáp rằng:

– Thưa đại vương! Ví như người khát nước thì phải mau chóng đi đến dòng suối trong, người đói thì cầu xin đồ ăn, người sợ thì cầu người cứu, người bệnh thì cầu lương y, nóng cầu bóng mát, lạnh thì cầu lửa… Nhà vua nay cầu đức Phật cũng nên như vậy. Thưa đại vương! Ðức Như Lai còn vì Nhất xiển đề.v.v… mà diễn nói pháp yếu, huống gì là đại vương, người chẳng phải là Nhất xiển đề mà sẽ chẳng nhờ ơn từ bi cứu tế sao?

Nhà vua nói rằng:

– Này ông Kỳ Bà! Ta trước đã từng nghe, Nhất xiển đề chẳng tin, chẳng nghe, chẳng thể quan sát, chẳng được nghĩa lý thì vì sao đức Như Lai mà vì họ nói pháp?

Ông Kỳ Bà đáp rằng:

– Thưa đại vương! Ví như có người, thân mang trọng bệnh. Người này đêm mơ thấy thăng lên trên điện làm một người quan trọng, ăn uống toàn là váng sữa, dầu, mỡ và dùng xoa vào thân nữa. Mơ nằm trên tro, ăn tro. Mơ leo lên cây khô, hoặc cùng với loài vượn du hành, ngồi, nằm. Mơ chìm xuống nước, ngập trong bùn. Mơ rơi xuống từ lầu điện, núi cao, cây cối, voi ngựa, trâu dê… Mơ thân mặc áo màu xanh, vàng, đỏ, đen mà vui cười, ca múa. Hoặc mơ thấy cùng bọn với quạ, chim thứu, hồ ly… Mơ thấy răng, tóc rơi rụng, thân hình trần truồng, gối đầu vào chó, ngủ trong phân bẩn thỉu. Lại mơ cùng với người đã chết đi, đứng, ngồi, nằm, nắm tay nhau, ăn uống… Mơ thấy rắn độc đầy đường mà đi trên đó. Hoặ mơ cùng với người nữ bới tóc chung nhau ôm giữ, lấy lá cây Ða La làm quần áo, cưỡi xe lừa hư nát, nhắm hướng Nam mà đi. Người đó mơ rồi, lòng sinh sầu não. Do sầu não nên thân bệnh càng tăng. Do bệnh tăng nên những người thân thuộc sai người đi mời thầy thuốc. Hình thể người được sai đi mời thầy thuốc khiếm khuyết, lùn, các căn chẳng đầy đủ, đầu lấm lem bụi đất, mặc áo rách rưới, xe chở cũ nát… Người đó nói với thầy thuốc rằng: “Hãy mau mau lên xe!” Lúc bấy giờ, vị lương y liền tự nghĩ rằng: “Nay thấy người sứ giả này, tướng mạo chẳng tốt thì phải biết người bệnh khó có thể liệu trị”. Nhưng lại nghĩ: “Sứ giả tuy chẳng tốt, nhưng lại phải xem ngày coi có thể trị được không? Nếu là ngày bốn, ngày sáu, ngày tám, ngày mười hai, ngày mười bốn… những ngày như vậy thì bệnh cũng khó trị!” Ông lại nghĩ: “Ngày tuy chẳng tốt nhưng còn phải xem sao (chiêm tinh) coi có thể trị được không? Nếu là sao Hỏa, sao Kim, sao Mão, sao Diêm la vương, sao Thấp, sao Mãn… những sao như vậy thì bệnh cũng khó trị”. Ông lại nghĩ: “Sao tuy chẳng tốt nhưng lại phải xem thời tiết. Nếu là mùa thu, mùa đông và ngày vào mùa, đêm nửa mùa, tháng vào mùa… thì phải biết là bịnh cũng khó có thể trị”. Ông lại nghĩ: “Như vậy mọi tướng tuy lại chẳng tốt nhưng hoặc định hay chẳng định thì phải quan sát người bệnh. Người bệnh, nếu có phước đức thì đều có thể trị liệu, nếu không phước đức thì tuy tốt nhưng nào ích gì?” Suy nghĩ thế rồi, ông liền cùng đi với sứ giả. Trên đường đi, ông lại nghĩ: “Nếu người bệnh kia có tướng trường thọ thì có thể trị liệu được, còn nếu tướng đoản thọ thì chẳng thể trị”. Ông liền thấy đường trước có hai đứa trẻ đang ra sức đánh nhau. Chúng nắm đầu, bứt tóc, dùng ngói đá, dao, gậy… ném, đánh lẫn nhau. Hoặc thấy người giữ lửa tự nhiên tắt hết. Hoặc thấy người chặt cây cối. Hoặc lại thấy người, tay kéo tấm da thuộc, theo đường mà đi. Hoặc thấy trên đường đi có vật đánh rơi. Hoặc thấy có người cầm giữ đồ đựng rỗng. Hoặc thấy vị Samôn đi một mình không bạn bè. Hoặc lại thấy cọp, sói, quạ, chim thứu, chồn hoang… Ông thấy những việc đó rồi lại nghĩ rằng: “Việc người được sai khiến… cho việc thấy các tướng trên đường đi đều là chẳng tốt thì phải biết người bệnh chắc khó trị liệu lắm”. Ông lại nghĩ: “Ta nếu chẳng đến thì chẳng phải là lương y. Như đến nơi ấy thì chẳng thể cứu chữa!” Ông lại nghĩ: “Mọi tướng như vậy tuy lại chẳng lành, nhưng hãy bỏ hết để đi đến chỗ người bệnh”. Suy nghĩ thế rồi, ở đường trước ông lại nghe tiếng như vầy: “Vong thất, tử, táng, băng (lở), phá hoại, chặt, lột, cởi, rơi rụng, thiêu đốt… chẳng đến, chẳng thể trị liệu, chẳng thể cứu vớt”. Ông lại nghe ở phương Nam có tiếng chim thú, như là tiếng chim quạ, chim thứu, chim xá lợi, hoặc tiếng chó, tiếng chuột, tiếng chồn hoang, heo, thỏ… Nghe những tiếng đó rồi ông lại nghĩ: “Phải biết, người bệnh này khó có thể trị liệu”. Lúc bấy giờ, ông đã vào đến nhà người bệnh, thấy người bệnh đó lúc nóng lúc lạnh, đốt xương đau đớn, mắt đỏ rơi lệ, tai không nghe tiếng, yết hầu thắt lại đau đớn, trên lưỡi rách nát, hình sắc đen sạm, đầu chẳng tự kềm chế, thân thể khô đét không có mồ hôi, đại tiểu tiện bế tắc chẳng thông. Thân bỗng phì to hồng đỏ khác thường. Tiếng nói chẳng đều, hoặc to hoặc nhỏ, toàn thân loang lổ, xanh, vàng khác màu. Bụng người ấy trướng đầy, lời nói chẳng rõ. Thầy thuốc thấy thế rồi, xem bệnh hỏi rằng: “Người bệnh từ trước đến nay ý chí ra sao?” Ðáp rằng: “Thưa đại sư! Người ấy từ trước kính tín Tam Bảo và chư Thiên, còn nay thì đổi khác, dứt tình kính tín, xưa ưa ban cho nay thì san lận, xưa tính ít ăn nay thì quá nhiều, xưa tính tình hòa thiện nay thì tệ ác, xưa tính từ hiếu, cung kính cha mẹ nay đối với cha mẹ lòng không cung kính”. Thầy thuốc nghe rồi liền ngửi người bệnh, nghe được mùi hương Ưu bát la, hương trầm thủy tạp, hương tất ca đa, hương Ða dà la, hương Ða ma la bạt, hương Uất kim, hương Chiên đàn, mùi thịt nướng, mùi rượu bồ đào, mùi gân cốt cháy, mùi cá, mùi phân. Biết được mùi hương rồi, thầy thuốc liền chạm vào thân, biết thân mềm mại giống như tơ lụa, hoa kiếp bối ta, hoặc cứng như đá, hoặc lạnh như băng, hoặc nóng như lửa, hoặc nhám như cát. Lúc bấy giờ, vị lương y thấy đủ thứ những tướng như vậy rồi, định biết người bệnh ắt phải chết, chẳng còn nghi ngờ gì. Nhưng thầy thuốc chẳng định nói rằng, người này sẽ chết, mà nói với người xem bệnh rằng: “Ta nay có việc vội, ngày mai sẽ đến lại! Người bịnh ấy cần gì thì cứ theo ý chớ ngăn cản!” Rồi ông liền quay về nhà. Sáng hôm sau sứ giả đến, ông lại nói với người sai rằng: “Việc của ta chưa xong, thêm chưa hòa thuốc”. Người trí phải biết, như vậy người bệnh nhất định chết, chẳng gì nghi ngờ. Thưa đại vương! Ðức Thế Tôn cũng vậy, đối với bọn Nhất xiển đề, giỏi biết căn tính của chúng mà vì chúng nói pháp. Vì sao vậy? Vì nếu chẳng vì chúng nói thì tất cả phàm phu sẽ nói rằng, Như Lai không đại từ bi. Người có từ bi thì gọi là Nhất thiết trí. Nếu không từ bi thì sao nói rằng người Nhất thiết trí. Vậy nên đức Như Lai vì Nhất xiển đề mà diễn nói pháp. Thưa đại vương! Ðức Như Lai Thế Tôn thấy những người bệnh thường ban cho pháp dược mà người chẳng uống thì chẳng phảilỗi của đức Như Lai. Thưa đại vương! Bọn Nhất xiển đề phân biệt có hai hạng, một là được thiện căn hiện tại, hai là được thiện căn đời sau. Ðức Như Lai giỏi biết bọn Nhất xiển đề, người có thể ở hiện tại được thiện căn thì vì họ nói pháp, người ở đời sau được thì cũng vì họ nói pháp, hôm nay tuy không có ích nhưng tạo tác nhân duyên cho đời sau. Vậy nên đức Như Lai vì Nhất xiển đề diễn nói pháp yếu. Nhất xiển đề lại có hai thứ, một là lợi căn, hai là trung căn. Người lợi căn ở đời hiện tại có thể được thiện căn. Người trung căn thì sẽ được ở đời sau. Các đức Phật Thế Tôn chẳng nói pháp rỗng không. Thưa đại vương! Ví như người sạch sẽ bị rơi xuống hố xí, có thiện tri thức thấy thương xót mà trước liền nắm tóc kéo ra khỏi. Các đức Phật Thế Tôn cũng lại như vậy, thấy các chúng sinh rơi vào ba đường ác, dùng phương tiện cứu tế, khiến cho họ ra khỏi. Vậy nên đức Như Lai vì Nhất xiển đề mà diễn nói pháp.

Nhà vua nói với ông Kỳ Bà rằng:

– Nếu giả sử đức Như Lai thẩm xét như vậy thì ta phải sáng suốt chọn lựa ngày lành sao tốt, rồi nhiên hậu mới đi đến!

Ông Kỳ Bà tâu vua rằng:

– Thưa đại vương! Trong pháp của đức Như Lai không có việc chọn lựa ngày lành, sao tốt. Thưa đại vương! Như người bệnh nặng còn chẳng xem ngày, thời tiết cát hung mà chỉ cầu thầy thuốc giỏi. Nhà vua hôm nay bệnh nặng cầu vị thầy thuốc giỏi Phật, chẳng nên chọn lựa thời tiết lành, ngày tốt. Thưa đại vương! Như lửa chiên đàn và lửa y lan, cả hai đều là tướng thiêu đốt không có khác vậy. Ngày cát, ngày hung cũng lại như vậy, nếu đi đến chỗ đức Phật đều được diệt tội. Nguyện xin đại vương ngay ngày hôm nay mau đi đến đó!

Lúc bấy giờ, nhà vua liền ra lệnh cho một bề tôi tên là Cát Tường mà bảo rằng:

– Này đại thần! Ông phải biết, ta nay muốn đi đến chỗ đức Phật Thế Tôn! Ông hãy mau chóng lo biện đồ cúng dường cần thiết!

Vị đại thần tâu rằng:

– Thưa đại vương! Hay thay! Hay thay! Ðồ cúng dường cần thiết, tất cả đều có!

Vua A Xà Thế cùng phu nhân nghiêm chỉnh xa giá, một vạn hai ngàn chiếc, năm vạn con voi lớn mạnh mẽ. Trên mỗi một con voi đều chở ba người, đem theo tràng phan, bảo cái, hoa hương, kỹ nhạc đủ thứ đồ cúng, không gì chẳng đầy đủ. Kỵ mã theo dẫn đường có đến mười tám vạn người. Nhân dân sở hữu của nước Ma Dà Ðà tháp tùng nhà vua, số ấy đầy đủ năm mươi tám vạn người. Lúc bấy giờ, đại chúng sẵn có của thành Câu Thi Na đứng đầy mười hai do tuần, đều từ xa nhìn thấy vua A Xà Thế cùng với quyến thuộc tìm đường mà đến. Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các đại chúng rằng:

– Tất cả chúng sinh được nhân duyên gần Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì không bằng có bạn lành trước tiên. Vì sao vậy? Vì vua A Xà Thế nếu chẳng thuận theo lời nói của ông Kỳ Già thì ngày mùng bảy tháng đến nhất định mạng chung, đọa địa ngục A Tỳ. Vậy nên nhân duyên gần không bằng bạn lành!

Vua A Xà Thế lại ở đường trước, nghe vua Xá Bà Ðề Tỳ Lưu Ly cưỡi thuyền vào biển gặp lửa mà chết, Tỳ kheo Cù Dà Ly thân sống vào đất, đến ngục A Tỳ, Tu Na Sát làm đủ thứ ác mà đi đến chỗ đức Phật thì mọi tội được diệt… Nghe những lời nói này xong, nhà vua nói với ông Kỳ Bà rằng:

– Ta nay tuy nghe hai lời nói như vậy nhưng còn chưa thẩm định được. Này ông Kỳ Bà! Ông đến đây! Ta muốn cùng ông đồng đi một con voi. Giả sử ta phải vào địa ngục A Tỳ thì nhờ ông nắm lấy chẳng để cho ta rơi. Vì sao vậy? Vì ta trước đã từng nghe, người đắc đạo chẳng vào địa ngục.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các đại chúng rằng:

– Vua A Xà Thế còn có lòng nghi ngờ. Ta nay sẽ vì ông ấy tạo tấm lòng quyết định!

Lúc bấy giờ, trong chúng hội có một vị Bồ tát tên là Trì Nhất Thiết, bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Như lời nói trước của đức Phật, tất cả các pháp đều không định tướng, như là sắc không định tướng… cho đến Niết Bàn cũng không định tướng thì vì sao hôm nay đức Như Lai nói rằng, vì vua A Xà Thế tạo tác lòng quyết định?

Ðức Phật dạy rằng:

– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ta nay nhất định vì vua A Xà Thế tạo tác lòng quyết định. Vì sao vậy? Vì nếu lòng nghi ngờ của vua có thể phá hoại được thì phải biết là, các pháp không có định tướng. Vậy nên ta vì vua A Xà Thế tạo tác quyết định tâm. Ông phải biết, tâm này là không quyết định. Này thiện nam tử! Nếu tâm vua đó là quyết định thì nghịch tội của vua làm sao có thể hoại. Do không định tướng nên tội ấy có thể hoại. Vậy nên ta vì vua A Xà Thế tạo tác tâm quyết định.

Lúc bấy giờ, vị đại vương đã đến vùng Ta La Song Thọ, tới chỗ đức Phật, chiêm ngưỡng đức Như Lai với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp giống như núi vàng ròng vi diệu. Bấy giờ, đức Thế Tôn phát ra tám thứ tiếng, bảo rằng:

– Này đại vương!

A Xà Thế quay nhìn bên trái, bên phải và nghĩ: “Trong đại chúng này ai là đại vương! Ta đã phạm tội nghịch, lại không có phước đức, đức Như Lai chẳng nên xưng ta là đại vương”. Bấy giờ đức Như Lai lại liền kêu lên rằng:

– Này đại vương A Xà Thế!

Nhà vua nghe rồi, lòng rất hoan hỷ, liền nghĩ như vầy: “Ðức Như Lai hôm nay hạ cố dùng lời ái ngữ. Ta biết quả thật đức Như Lai đối với các chúng sinh đại bi thương xót bình đẳng không sai biệt”. Vua liền bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Lòng nghi ngờ của con hôm nay vĩnh viễn không còn nữa. Con nhất định biết đức Như Lai chân thật là đấng Vô thượng đại sư của chúng sinh.

Lúc bấy giờ, Bồ tát Ca Diếp nói với Bồ tát Trì Nhất Thiết rằng:

– Ðức Như Lai đã vì vua A Xà Thế tạo tác tâm quyết định.

Vua A Xà Thế liền bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Giả sử hôm nay, con được cùng với Phạm Vương, Thích Ðề Hoàn Nhân ngồi đứng, ăn uống còn chẳng hân hoan bằng được gặp đức Như Lai với một lời đoái hoài đến con rất lấy làm vui mừng.

Bấy giờ vua A Xà Thế liền đem tràng phan, bảo cái, hương hoa, kỹ nhạc đã mang theo để cúng dường, trước làm lễ dưới chân đức Phật, nhiễu quanh về bên phải ba vòng. Lễ kính xong rồi, lui về ngồi một phía.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo vua A Xà Thế rằng:

– Này đại vương! Hôm nay ta sẽ vì ông nói chánh pháp yếu. Ông phải một lòng lắng nghe! Lắng nghe! Người phàm phu thường phải ràng buộc lòng quan sát thân có hai mươi việc.

Một là trong thân này của ta rỗng không, vô lậu.

Hai là không có các căn lành.

Ba là sinh tử này của ta chưa được điều thuận.

Bốn là rơi rớt xuống hầm sâu, không chỗ nào chẳng sợ.

Năm là dùng phương gì để được thấy Phật tính.

Sáu là làm sao tu định để được thấy Phật tính.

Bảy là sinh tử, thường, khổ, vô thường, ngã, tịnh.

Tám là nạn tám nạn khó được xa lìa.

Chín là thường bị sự truy đuổi của oán gia.

Mười là không có một pháp có thể ngăn chận các hữu.

Mười một là đối với ba đường ác chưa được giải thoát.

Mười hai là đầy đủ chủng loại những ác tà kiến.

Mười ba là cũng chưa tạo lập bến qua khỏi ngũ nghịch.

Mười bốn là sinh tử không bờ cõi mà chưa được bờ biên ấy.

Mười lăm là chẳng tạo tác các nghiệp thì chẳng bị quả báo.

Mười sáu là không có ngã làm người khác thọ quả.

Mười bảy là chẳng tạo nhân duyên vui thì nhất định không có kết quả vui.

Mười tám là nếu có tạo nghiệp thì quả nhất định chẳng mất.

Mười chín là nhân vô minh sinh thì cũng nhân đó mà tử.

Hai mươi là quá khứ, vị lai và hiện tại thường làm phóng dật. Này đại vương! Người phàm phu phải đối với thân này thường tạo tác hai mươi thứ quan sát như vậy. Tạo tác sự quan sát này rồi thì chẳng ưa sinh tử mà chẳng ưa sinh tử thì được chỉ quán. Bấy giờ, theo thứ lớp quan sát tướng tâm sinh, tướng trụ, tướng diệt. Theo thứ lớp quan sát tướng tâm sinh, trụ, diệt rồi thì định, tuệ, tấn, giới cũng lại như vậy. Quan sát sinh, trụ, diệt rồi, biết tướng tâm… cho đến tướng giới thì nhất định chẳng làm ác, không có nỗi sợ chết, nỗi sợ ba đường ác. Nếu hành giả chẳng ràng buộc lòng quan sát hai mươi việc như vậy thì lòng buông lung, không việc ác nào chẳng làm.

Vua A Xà Thế thưa rằng:

– Như con hiểu được ý nghĩa của câu nói đức Phật thì con từ xưa đến giờ chưa từng quan sát hai mươi việc này nên đã tạo nên mọi nghiệp ác. Ðã tạo mọi nghiệp ác nên con có nỗi sợ chết, nỗi sợ ba đường ác. Thưa đức Thế Tôn! Tự con đã rước lấy tai ương, tạo tác tội ác nặng nề ấy, phụ vương không có tội mà ngang ngược gia thêm nghịch hại. Hai mươi việc quán này mà giả sử chẳng quan sát thì nhất định phải đọa vào địa ngục A Tỳ.

Ðức Phật bảo rằng:

– Này đại vương! Tính tướng của tất cả các pháp vô thường, không có quyết định thì sao nhà vua nói rằng, nhất định phải đọa địa ngục A Tỳ?

Vua A Xà Thế bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không định tướng thì tội giết cha của con cũng nên chẳng định. Nếu tội giết định thì tất cả các pháp chẳng phải bất định.

Ðức Phật dạy rằng:

– Này đại vương! Hay thay! Hay thay! Các đức Phật Thế Tôn nói rằng, tất cả pháp đều không định tướng, nhà vua lại có thể biết giết cũng chẳng định. Vậy nên phải biết giết không định tướng. Này đại vương! Như lời ông nói, phụ vương không tội mà ngang ngược gia thêm nghịch hại, thì ai là cha? Chỉ đối với năm ấm giả danh chúng sinh mà vọng sinh ra tư tưởng cha. Ở trong mười hai nhập, mười tám giới thì cái gì là cha? Nếu sắc là cha thì bốn âm còn lại nên chẳng phải. Nếu bốn âm còn lại là cha thì sắc cũng nên chẳng phải. Nếu sắc và chẳng phải sắc hợp lại là cha thì không có điều này. Vì sao vậy? Vì sắc cùng chẳng phải sắc, tính chúng không hợp. Này đại vương! Chúng sinh phàm phu đối với sắc ấm này vọng sinh ra tư tưởng cha. Như vậy thì sắc ấm cũng chẳng thể hại. Vì sao vậy? Vì sắc có mười thứ mà trong mười thứ này chỉ có một thứ sắc là có thể thấy, có thể nắm giữ, có thể xưng hô, có thể đo lường, có thể điều khiển, có thể trói buộc. Tuy có thể thấy… có thể trói buộc nhưng tính của sắc ấy chẳng trụ. Do tính ấy chẳng trụ nên chẳng thể được thấy, chẳng thể nắm bắt, chẳng thể xưng lường, chẳng thể điều khiển, trói buộc. Sắc tướng như vậy thì làm sao có thể giết? Nếu sắc là cha có thể giết có thể hại mà bị tội báo thì chín thứ sắc còn lại nên chẳng phải. Nếu chín thứ còn lại chẳng phải thì nên không có tội. Này đại vương! Sắc có ba thứ là sắc quá khứ, vị lai và hiện tại. Sắc quá khứ và hiện tại thì chẳng thể hại. Vì sao vậy? Vì quá khứ qua đi, còn hiện tại thì từng niệm từng niệm diệt mất, ngăn chận vị lai nên gọi đó là giết. Như vậy một sắc, hoặc có thể giết, hoặc chẳng thể giết mà có giết, chẳng giết thì sắc là bất định. Nếu sắc bất định thì giết cũng bất định mà giết bất định nên báo cũng bất định thì sao nói rằng, nhất định vào địa ngục? Này đại vương! Sự tội nghiệp của tất cả chúng sinh thường có hai thứ, một là khinh (nhẹ), hai là trọng (nặng). Nếu lòng với miệng làm thì gọi là khinh. Nếu thân, miệng, lòng cùng làm thì gọi là trọng. Này đại vương! Lòng nghĩ, miệng nói mà thân chẳng làm thì bị quả báo nhẹ. Này đại vương! Ngày xưa miệng ngài chẳng ra lệnh giết mà chỉ nói là hình phạt là đủ. Này đại vương! Nếu ngài ra lệnh cho thị thần lập đài chém đầu vua và khi ngài ngồi xem mới chém mà còn chẳng bị tội, huống là vua chẳng ra lệnh thì sao gọi là bị tội? Nhà vua nếu bị tội thì các đức Phật Thế Tôn cũng nên bị tội. Vì sao vậy? Vì cha ngài, vị tiên vương Tần Bà Ta La, đã từng ở chỗ các đức Phật gieo trồng các căn lành nên ngày hôm nay được ở ngôi vua.Nếu các đức Phật chẳng thọ sự cúng dường của ông ấy thì ông ấy chẳng được làm vua. Nếu ông ấy chẳng làm vua thì ngài chẳng vì muốn được nước nên sinh lòng giết hại. Vậy nếu ngài giết cha phải có tội thì chúng ta, các đức Phật, cũng nên có tội. Nếu các đức Phật Thế Tôn không có tội thì làm sao một mình ngài có tội được vậy? Này đại vương! Vua Tần Bà Ta La, thuở trước có ác tâm, du hành ở trong núi Tỳ Phú La, săn nai. Ông đi cùng khắp vùng khoáng dã đều không được gì mà chỉ thấy một vị tiên nhân đầy đủ năm thần thông. Thấy rồi, ông liền sinh lòng ác sân nhuế mà nghĩ: “Ta nay đi săn, sở dĩ chẳng được gì chính là do người này, phải xua đuổi hắn đi khỏi”. Ông liền ra lệnh cho tả hữu giết người đó. Người ấy lâm chung sinh lòng sân ác, mất hết thần thông mà thề rằng: “Ta thật vô tội, ngươi dùng tâm, miệng ngang ngược gia hại giết chết! Vào đời vị lai, ta cũng sẽ trở lại dùng tâm, miệng mà gia hại ngươi như vậy”. Vị vua nghe rồi liền sinh lòng hối hận, cúng dường tử thi. Vị vua này như vậy còn được khinh tội, chẳng bị đọa địa ngục, huống là vua chẳng vậy mà phải đọa địa ngục, thọ quả báo sao? Ðức tiên vương đã tự tạo ra, rồi trở lại tự nhận lấy thì làm sao khiến cho nhà vua bị tội giết được? Như lời vua đã nói, Phụ vương không tội, thì sao gọi rằng không? Này đại vương! Phàm người có tội thì có tội báo, người không ác nghiệp thì không tội báo. Cha của ngài, vị tiên vương, nếu không tội thì sao có quả báo? Vua Tần Bà Ta La, ở trong hiện thế cũng được thiện quả và cả ác quả. Vậy nên vị tiên vương cũng lại bất định mà do bất định nên giết cũng bất định. Giết bất định thì làm sao mà nói rằng, nhất định vào địa ngục.

Này đại vương! Sự cuồng hoặc của chúng sinh phàm có bốn thứ, một là tham cuồng, hai là dược cuồng, ba là chú cuồng, bốn là bản nghiệp duyên cuồng. Này đại vương! Trong đệ tử của ta có bốn thứ cuồng này, tuy họ làm nhiều điều ác nhưng nhất định chẳng ghi là người này phạm giới. Việc làm người đó chẳng đến ba đường ác. Nếu họ trở lại được lòng thì cũng chẳng nói rằng phạm. Nhà vua vốn tham đất nước, nghịch hại phụ vương, do tâm tham cuồng làm thì làm sao bị tội? Này đại vương! Như người say rượu, nghịch hại cha hắn, khi tỉnh dậy rồi thì lòng sinh hối hận. Ông phải biết nghiệp này cũng chẳng bị quả báo. Nhà vua hôm nay tham say, chẳng phải bản tâm làm mà nếu chẳng phải bản tâm thì sao gọi là bị tội. Này đại vương! Ví như vị huyễn sư, ở đầu đường ngã tư, huyễn hóa làm ra đủ trai, gái, voi, ngựa, chuỗi ngọc, quần áo… Người ngu cho đó là chân thật. Người có trí biết đó chẳng phải thật có. Giết cũng như vậy, phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải chân. Này đại vương! Ví như tiếng vang trong vùng núi, người ngu si cho là tiếng thật, kẻ có trí biết tiếng ấy chẳng phải chân. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải chân. Này đại vương! Như người có kẻ oán giả trá đến cận kề, người ngu si cho là thật thân, kẻ trí thông đạt mới biết là dối trá. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải là chân. Này đại vương! Như người cầm gương soi tự thấy dáng mặt của mình, người ngu si cho là mặt chân thật, kẻ trí rõ thông biết mặt ấy chẳng phải chân thật. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải là chân. Này đại vương! Như khi lửa cháy, người ngu si cho đó là nước, kẻ trí thông đạt biết lửa ấy chẳng phải nước. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải là chân. Này đại vương! Như thành của Càn thát bà, người ngu cho là chân thật, kẻ trí rõ đạt biết thành ấy chẳng phải là chân. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải là chân. Này đại vương! Như người trong mơ, hưởng thụ niềm vui năm dục, người ngu si cho đó là thật, kẻ trí rõ đạt biết việc ấy chẳng phải là chân. Giết cũng như vậy, hạng phàm phu cho là thật, các đức Phật Thế Tôn biết việc ấy chẳng phải là chân. Này đại vương! Pháp giết, nghiệp giết, người giết, quả báo giết và cả giải thoát… ta đều biết rõ chúng là không có tội. Nhà vua tuy biết giết nhưng sao gọi là có tội? Này đại vương! Ví như có người giỏi biết về rượu. Như người ấy chẳng uống thì cũng chẳng say, tuy lại biết lửa nhưng cũng chẳng đốt cháy. Nhà vua cũng như vậy, tuy lại biết giết nhưng sao gọi rằng có tội? Này đại vương! Có các chúng sinh vào lúc mặt trời mọc làm đủ thứ tội, vào lúc mặt trăng mọc lại đi trộm cướp, mặt trời, mặt trăng chẳng mọc thì chẳng làm nên tội. Tuy nhân mặt trời, mặt trăng khiến cho họ làm nên tội nhưng mặt trời, mặt trăng này thật chẳng đắc tội. Giết cũng như vậy, tuy lại nhân nơi vua, nhưng nhà vua thật không có tội. Này đại vương! Như trong cung vua thường lệnh bảo làm thịt dê, lòng ban đầu không sợ thì sao đối với cha riêng sinh ra lòng sợ. Tuy người và súc sinh sự tôn ty có khác biệt nhưng ham sống, sợ chết cả hai đều không khác thì vì sao đối với dê lòng nhẹ không sợ, còn đối với vua cha sinh ưu khổ nặng nề? Này đại vương! Người thế gian là yêu thích tôi tớ chẳng được tự tại. Vì yêu thích sự sai khiến mà làm ác hại, giả sử có quả báo thì mới là tội yêu thích. Nhà vua chẳng tự tại thì phải có tội gì? Này đại vương! Ví như Niết Bàn chẳng phải có, chẳng phải không mà cũng là có. Giết cũng như vậy, tuy chẳng phải có, chẳng phải không mà cũng là có. Người tàm quí thì chính là chẳng phải có, người không tàm quí thì chính là chẳng phải không. Người thọ quả báo thì gọi đó là có. Người thấy không thì tức là chẳng phải có, người thấy có thì tức là chẳng phải không. Có người thấy có thì cũng gọi là có. Vì sao vậy? Vì có người thấy có được quả báo, không người thấy có thì không quả báo. Người thường thấy thì tức là chẳng phải không. Không người thường thấy thì tức là chẳng phải có. Người thường thường thấy thì chẳng được là không. Vì sao vậy? Vì người thường thường thấy có nghiệp quả ác. Vậy nên người thường thường thấy thì chẳng được là không. Do nghĩa này nên tuy chẳng phải có, chẳng phải không mà cũng là có. Này đại vương! Luận về chúng sinh thì gọi là hơi thở ra vào, đoạn dứt hơi thở ra vào nên gọi là giết: các đức Phật Thế Tôn theo thế tục cũng nói là giết. Này đại vương! Sắc là vô thường, nhân duyên của sắc cũng là vô thường. Từ nhân duyên vô thường sinh ra sắc thì sao gọi là thường?… cho đến thức là vô thường, nhân duyên của thức cũng là vô thường. Từ nhân duyên vô thường sinh ra thức thì sao gọi là thường? Do vô thường nên khổ, do khổ nên không, do không nên vô ngã. Nếu là vô thường, khổ, không, vô ngã thì là giết cái gì? Giết vô thường thì được thường Niết Bàn, giết khổ được lạc, giết không được thật, giết vô ngã mà được chân ngã. Này đại vương! Nếu giết vô thường, khổ, không, vô ngã thì cùng với ngã đồng. Ta cũng giết vô thường, khổ, không, vô ngã mà chẳng vào địa ngục thì sao ông gọi là vào?.

Lúc bấy giờ, vua A Xà Thế theo đúng như lời đức Phật nói mà quan sát sắc… cho đến quan sát thức. Tác khởi sự quan sát này rồi, ông liền bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Hôm nay con mới biết sắc là vô thường… cho đến thức là vô thường. Con trước nếu có thể biết như vậy thì đã chẳng làm nên tội. Thưa đức Thế Tôn! Con trước từng nghe các đức Phật Thế Tôn thường vì chúng sinh mà làm cha mẹ. Tuy nghe lời nói đó nhưng còn chưa thẩm định, hôm nay thì nhất định biết. Thưa đức Thế Tôn! Con cũng từng nghe Tu Di Sơn Vương là sự tạo thành của bốn thứ báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Nếu có nhiều chim theo chỗ tập họp thì đồng màu với núi ấy. Tuy nghe lời nói này, nhưng con cũng chẳng thẩm định. Hôm nay, con đi đến núi Tu Di Phật thì cùng đồng màu mà cùng đồng màu thì biết các pháp vô thường, khổ, không, vô ngã. Thưa đức Thế Tôn! Con thấy ở thế gian, từ hạt Y lan sinh ra cây Y lan, chẳng thấy hạt Y lan sinh ra cây Chiên đàn. Hôm nay con mới thấy từ hạt Y lan sinh ra cây Chiên đàn. Hạt Y lan là thân con đó! Cây chiên đàn thì tức là lòng không có niềm tin căn bản vậy. Không căn là con ban đầu chẳng biết cung kính đức Như Lai, chẳng tin Pháp, Tăng. Ðó gọi là vô căn. Thưa đức Thế Tôn! Con nếu chẳng gặp được Như Lai Thế Tôn thì phải ở tại đại địa ngục trong vô lượng atăngkỳ kiếp, chịu vô lượng khổ. Con hôm nay may mắn được diện kiến đức Phật. Do công đức được diện kiến đức Phật này mà phá hoại tất cả ác tâm phiền não sẵn có của chúng sinh!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này đại vương! Hay thay! Hay thay! Ta nay biết ông nhất định có thể phá hoại ác tâm của chúng sinh.

– Thưa đức Thế Tôn! Nếu con xét có thể phá hoại các ác tâm của chúng sinh thì khiến cho con luôn ở tại địa ngục A Tỳ, trong vô lượng kiếp, vì các chúng sinh chịu đại khổ não mà chẳng lấy làm khổ.

Lúc bấy giờ, vô lượng nhân dân của nước Ma Dà Ðà đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do vô lượng nhân dân phát đại tâm như vậy.v.v… nên trọng tội sẵn có của vua A Xà Thế liền được mỏng nhỏ bớt đi. Nhà vua và phu nhân, hậu cung thể nữ đều đồng phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lúc bấy giờ, vua A Xà Thế nói với ông Kỳ Bà rằng:

– Ta nay chưa chết đã được thân trời, bỏ đi mạng ngắn ngủi mà được mạng dài lâu, bỏ thân vô thường mà được thân thường trụ, khiến cho những chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, tức là thân trời, mạng dài lâu, thân thường trụ, tức là đệ tử của tất cả các đức Phật.

Nói lời này xong, ông liền dùng đủ thứ bảo tràng, bảo phan, bảo cái, hương hoa, chuỗi ngọc, kỹ nhạc vi diệu mà cúng dường đức Phật. Ông lại dùng kệ tụng mà khen ngợi rằng:

Lời thật rất vi diệu

Câu nghĩa khéo léo hơn

Tạng thậm thâm bí mật

Vì chúng hiển thị lên.

Lời quảng bác sẵn có

Vì chúng lược tuyên dương

Ðầy đủ lời như vậy

Khéo trị liệu chúng sinh.

Nếu có các sinh chúng

Lời này được nghe xong

Hoặc tin hoặc bất tín

Biết là lời Thế Tôn.

Lời Phật thường êm dịu

Vì chúng nói thô hơn

Lời thô và lời dịu

Về Ðệ nhất nghĩa tôn.

Nên con hôm nay nguyện

Qui y với Thế Tôn.

Lời Như Lai một vị

Như nước biển mênh mông

Ðó gọi Ðệ nhất nghĩa

Không lời nghĩa rỗng không.

Hôm nay lời đức Phật

Ðủ thứ pháp không lường

Mọi trai gái nghe được

Ðệ nhất nghĩa đều đồng.

Không nhân cũng không quả

Không diệt và không sinh

Ðó gọi Niết Bàn lớn

Người nghe phá kết duyên.

Như Lai vì tất cả

Thường làm cha mẹ lành

Phải biết các sinh chúng

Ðều là con Thế Tôn.

Như Lai từ bi lớn

Vì chúng, khổ hạnh làm

Như người mê quỉ mị

Việc làm nhiều loạn cuồng.

Con nay được thấy Phật

Sở đắc ba nghiệp lành

Công đức này con nguyện

Hồi hướng đạo Không Trên (Vô thượng)

Ðồ con nay dâng cúng

Phật pháp và chúng Tăng

Công đức nay con nguyện

Tam Bảo, đời thường tồn.

Con hôm nay sẽ được

Ðủ thứ công đức lành

Con nguyện đem phá hoại

Bốn ma của chúng sinh.

Con gặp ác tri thức

Tội ba đời tạo nên

Nay hối ở trước Phật

Nguyện sau không dám làm.

Nguyện cho những sinh chúng

Ðều phát Bồ Ðề tâm

Buộc lòng thường suy nghĩ

Tất cả Phật mười phương

Lại nguyện các sinh chúng

Mãi phá tan não phiền

Tỏ rõ thấy Phật tính

Như Diệu Ðức (Văn Thù) vân vân.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen vua A Xà Thế rằng:

– Hay thay! Hay thay! Nếu có người có thể phát tâm Bồ Ðề thì phải biết là người này làm trang nghiêm đại chúng của chư Phật. Này đại vương! Ông thuở xưa đã ở chỗ đức Phật Tỳ Ba Thi, đầu tiên phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Từ đó về sau, đến khi ta ra đời, ở khoản giữa thời gian ấy, ông chưa từng đọa vào địa ngục, chịu khổ. Ðại vương phải biết rằng, tâm Bồ Ðề mới có quả báo không lường như vậy. Này đại vương! Từ nay về sau thường phải siêng tu tâm Bồ Ðề. Vì sao vậy? Vì từ nhân duyên này sẽ được tiêu diệt vô lượng nghiệp ác vậy.

Lúc bấy giờ, vua A Xà Thế và nhân dân toàn nước Ma Dà Ðà đứng dậy, nhiễu quanh đức Phật, rồi từ tạ lui trở về cung. Phẩm Thiên hành, như Tạp Hoa thuyết.

21. PHẨM ANH NHI HẠNH

– Này thiện nam tử! Sao gọi là Anh nhi hạnh? Này thiện nam tử! Chẳng thể đứng dậy, đi lại, nói năng thì đó gọi là anh nhi (đứa trẻ con). Như Lai cũng vậy, chẳng thể khởi dậy là Như Lai nhất định chẳng khởi dậy các pháp tướng. Chẳng thể trụ đứng là Như Lai chẳng chấp trước tất cả các pháp. Chẳng thể lại là thân Như Lai đi không có lay động. Chẳng thể đi là Như Lai đã đi đến Ðại Bát Niết Bàn. Chẳng thể nói năng là Như Lai tuy vì tất cả chúng sinh diễn nói các pháp nhưng thật không có điều gì để nói. Vì sao vậy? Vì có điều để nói thì gọi là pháp hữu vi mà Như Lai Thế Tôn chẳng phải là hữu vi, vậy nên không nói. Lại, không lời nói thì giống như đứa trẻ con nói năng chưa rõ. Tuy nó lại có nói nhưng thật cũng không lời nói. Như Lai cũng vậy, lời nói chưa rõ tức là lời bí mật của các đức Phật. Các đức Phật tuy có lời nói ra nhưng chúng sinh chẳng lý giải được nên gọi là không lời nói (vô ngữ). Lại, anh nhi là gọi vật bất nhất, chưa biết lời gọi chính đáng. Tuy gọi là vật bất nhất, chưa biết lời gọi chính đáng nhưng chẳng phải chẳng nhân vào đây mà được nhận thức về vật. Như Lai cũng vậy, địa phương chủng loại của tất cả chúng sinh đều khác, lời nói chẳng đồng, Như Lai phương tiện tùy theo họ mà nói cũng khiến cho tất cả bọn họ nhân đó mà được lý giải. Lại, anh nhi là có thể nói đại tự (chữ lớn). Như Lai cũng vậy, nói đến đại tự như là Bà, Hòa. Hòa là hữu vi, Bà là vô vi. Ðó gọi là anh nhi. Hòa thì gọi là vô thường, Bà thì gọi là hữu thường. Như Lai nói “thường”, chúng sinh nghe rồi thì vì “thường pháp” nên đoạn dứt với vô thường pháp. Ðó gọi là hạnh anh nhi. Lại, anh nhi thì chẳng biết khổ, lạc, ngày đêm, cha, mẹ… Ðại Bồ tát cũng lại như vậy vì chúng sinh nên chẳng thấy khổ, lạc, không có tướng ngày đêm. Ðối với các chúng sinh lòng Bồ tát ấy bình đẳng nên không có tướng cha mẹ, thân sơ.v.v…Lại, anh nhi thì chẳng thể tạo tác những việc lớn nhỏ. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, chẳng lại tạo tác nghiệp sinh tử. Ðó gọi là chẳng tạo tác đại sự mà đại sự tức là ngũ nghịch vậy. Ðại Bồ tát thì nhất định chẳng tạo tác tội nặng ngũ nghịch. Việc nhỏ tức là tâm Nhị thừa mà Bồ tát thì nhất định chẳng thoái tâm Bồ Ðề mà tạo tác Thanh Văn, Bích Chi Phật thừa. Lại, hạnh anh nhi là như lúc đứa trẻ con kia kêu khóc thì cha mẹ liền dùng lá vàng của cây dương mà nói dỗ rằng: “Chớ khóc! Chớ khóc! Ta cho con vàng đây!” Ðứa trẻ thấy rồi, sinh ra ý tưởng về vàng ròng, liền dừng lại, chẳng khóc nữa, nhưng lá dương này thật chẳng phải là vàng vậy. Trâu gỗ, ngựa gỗ, con trai gỗ, con gái gỗ… đứa trẻ nhìn thấy rồi cũng lại sinh ra ý tưởng về con trai, con gái.v.v… liền dừng lại, chẳng khóc nữa, nhưng thật chẳng phải là con trai, con gái. Do tạo nên tư tưởng về con trai, con gái như vậy nên gọi là anh nhi. Như Lai cũng vậy, nếu có chúng sinh muốn tạo mọi việc ác thì Như Lai vì họ nói về ba mươi ba tầng trời thường-lạc-ngã-tịnh, đoan chính, tự do với cung điện đẹp, hưởng thụ niềm vui ngũ dục, đối tượng của sáu căn không gì chẳng phải là vui. Chúng sinh nghe có niềm vui như vậy nên lòng sinh ra tham vui, dừng lại chẳng làm ác siêng năng làm nghiệp thiện của ba mươi ba trời. Thật ra đó là sinh tử, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh nhưng vì độ chúng sinh nên phương tiện nói rằng, thường-lạc-ngã-tịnh. Lại, anh nhi là nếu có chúng sinh khi chán sinh tử thì Như Lai vì họ nói về Nhị thừa nhưng thật ra không có Nhị thừa chân thật. Do Nhị thừa nên biết được lỗi hoạn của sinh tử, thấy được niềm vui Niết Bàn. Do việc thấy này thì có thể tự biết có đoạn – chẳng đoạn, có chân – chẳng chân, có tu – chẳng tu, có đắc – chẳng đắc… Này thiện nam tử! Như đứa trẻ kia ở trong chẳng phải vàng mà sinh ra ý tưởng vàng, Như Lai cũng vậy, ở trong bất tịnh mà nói là tịnh. Như Lai đã được Ðệ nhất nghĩa thì không có hư dối! Như đứa trẻ kia đối với chẳng phải trâu, ngựa mà tác khởi ý tưởng trâu, ngựa nên nếu có chúng sinh ở trong chẳng phải đạo mà tác khởi ý tưởng Chân đạo thì Như Lai cũng nói chẳng phải đạo là đạo. Trong chẳng phải đạo thật không có đạo, nhưng do có thể sinh ra chút nhân duyên đạo nên Như Lai nói chẳng phải đạo là đạo. Như đứa trẻ kia đối với trai, gái bằng gỗ sinh ra tư tưởng con trai, con gái, Như Lai cũng vậy, biết chẳng phải chúng sinh mà nói tướng chúng sinh, nhưng thật không có tướng chúng sinh vậy. Nếu Phật Như Lai nói không chúng sinh thì tất cả chúng sinh rơi vào tà kiến. Vậy nên, Như Lai nói có chúng sinh. Ở trong chúng sinh tạo tác tướng chúng sinh thì chẳng thể phá tướng chúng sinh vậy. Nếu ở trong chúng sinh mà phá tướng chúng sinh thì người đó có thể được Ðại Bát Niết Bàn. Do được Ðại Niết Bàn như vậy nên dừng lại chẳng kêu khóc. Ðó gọi là hạnh Anh nhi. Này thiện nam tử! Nếu có người nam, người nữ thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói năm hạnh này thì ông phải biết rằng, người này nhất định sẽ được năm hạnh như vậy.

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

– Thưa đức Thế Tôn! Như con lý giải được ý nghĩa lời nói của đức Phật thì con cũng nhất định sẽ được năm hạnh này!

Ðức Phật dạy rằng:

– Này thiện nam tử! Chẳng độc một mình ông được năm hạnh như vậy mà hôm nay trong hội này, có chín mươi ba vạn người cũng đồng với ông được năm hạnh này.

KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN

– Quyển thứ mười tám hết –

    Xem thêm:

  • Kinh Trung A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 2 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 1 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức – Tuệ Nhuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tinh Xá Đầu Voi – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bảy Giấc Mộng Của A Nan – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết – HT Thích Tuệ Sỹ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Nghi Quỹ Bố Đàn Pháp Tu Dược Sư - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Thích Nữ Thành Thông dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn – Huyền Thanh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường Bộ (Dìgha Nikàya) – HT Thích Minh Châu dịch (Trọn bộ) - Kinh Tạng
  • Kinh Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Niết Bàn – Đoàn Trung Còn & Nguyễn Minh Tiến dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng