Quyển thứ 20
22. PHẨM BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÍ ÐỨC VƯƠNG PHẦN 2
Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu người phạm trọng cấm, bài báng Kinh Phương Ðẳng, làm tội ngũ nghịch, nhất xiển đề.v.v… mà có Phật tính thì những người đó lại đọa vào địa ngục? Thưa đức Thế Tôn! Giả sử nếu những người này có Phật tính thì sao lại nói rằng họ không có Thường – Lạc – Ngã – Tịnh? Thưa đức Thế Tôn! Nếu đoạn dứt thiện căn gọi là nhất xiển đề thì khi đoạn thiện căn sao chẳng đoạn Phật tính sở hữu? Phật tính đoạn thì sao nói rằng Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Như thiện căn ấy chẳng đoạn thì vì sao gọi là nhất xiển đề vậy? Thưa đức Thế Tôn! Phạm bốn trọng cấm gọi là bất định. Bài báng Kinh Phương Ðẳng, tạo tội ngũ nghịch và nhất xiển đề đều gọi là bất định. Những loại như vậy, nếu quyết định thì làm sao được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Từ Tu đà hoàn cho đến Bích Chi Phật cũng gọi là bất định. Nếu từ Tu đà hoàn đến Bích Chi Phật là quyết định thì cũng chẳng nên thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Thưa đức Thế Tôn! Nếu người phạm bốn trọng cấm chẳng quyết định thì từ Tu đà hoàn cho đến Bích Chi Phật cũng chẳng quyết định. Như vậy bất định thì các đức Phật Như Lai cũng lại bất định. Nếu Phật bất định thì thể tính Niết Bàn cũng lại bất định, đến tất cả pháp cũng lại bất định. Sao gọi là bất định? Nếu nhất xiển đề trừ nhất xiển đề thì thành Phật đạo. Các đức Phật Như Lai cũng nên như vậy, vào Niết Bàn rồi thì cũng nên trở ra, chẳng vào Niết Bàn. Nếu như vậy thì tính của Niết Bàn là bất định chẳng quyết định thì phải biết không có Thường – Lạc – Ngã – Tịnh thì sao nói rằng, nhất xiển đề.v.v… sẽ được Niết Bàn?
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương rằng:
– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Vì muốn lợi ích cho vô lượng chúng sinh, khiến cho họ được an vui, thương xót từ niệm các thế gian, vì muốn tăng trưởng sự phát tâm Bồ Ðề cho các Bồ tát nên ông đã đặt câu hỏi như vậy! Này thiện nam tử! Ông đã gần gũi vô lượng các đức Phật Thế Tôn đời quá khứ, ở chỗ các đức Phật ấy gieo trồng các căn lành. Ông đã thành tựu công đức Bồ Ðề lâu rồi, đã hàng phục mọi ma khiến cho chúng thoái tan. Ông đã giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh đều khiến cho họ được đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ông đã thông đạt tạng bí mật thậm thâm sở hữu của các đức Phật Như Lai lâu rồi, đã hỏi nghĩa vi mật thậm thâm như vậy với vô lượng vô biên hằng hà sa số các đức Phật Thế Tôn đời quá khứ. Ta đều chẳng thấy tất cả thế gian, hoặc người, hoặc trời, hoặc Sa môn, hoặc Bà la môn, hoặc ma, hoặc Phạm… có thể hỏi han Như Lai về nghĩa này. Hôm nay ông phải thành tâm lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông phân biệt diễn nói. Này thiện nam tử! Nhất xiển đề cũng chẳng quyết định. Nếu quyết định thì nhất xiển đề này trọn chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà do chẳng quyết định nên có thể được. Như lời ông nói, Phật tính chẳng đoạn thì làm sao nhất xiển đề đoạn thiện căn? Này thiện nam tử! Thiện căn có hai thứ, một là nội, hai là ngoại. Phật tính chẳng phải nội, chẳng phải ngoại. Do nghĩa này nên Phật tính chẳng đoạn. Thiện căn lại có hai thứ, một là hữu lậu, hai là vô lậu. Phật tính chẳng phải là hữu lậu, chẳng phải là vô lậu. Vậy nên Phật tính chẳng đoạn. Thiện căn lại có hai thứ, một là thường, hai là vô thường. Phật tính chẳng phải thường, chẳng phải vô thường. Vậy nên Phật tính chẳng đoạn. Nếu là đoạn thì nên được trở lại mà nếu chẳng được trở lại thì gọi là chẳng đoạn. Nếu đoạn rồi mà được thì gọi là nhất xiển đề. Phạm bốn trọng cấm cũng là bất định. Nếu quyết định thì phạm bốn trọng cấm nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bài báng Kinh Phương Ðẳng cũng lại bất định. Nếu quyết định thì người bài báng Chánh pháp nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tạo tội ngũ nghịch cũng lại bất định. Nếu quyết định thì người tạo tội ngũ nghịch nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Sắc cùng tướng của sắc cả hai đều bất định. Tướng hương, vị xúc, tướng sinh đến tướng vô minh, tướng ấm, nhập giới, tướng hai mươi lăm cõi hữu, bốn sinh cho đến tất cả các pháp đều cũng bất định. Này thiện nam tử! Ví như nhà huyễn thuật, ở trong đại chúng, hóa làm bốn thứ binh là xe, bộ, voi, ngựa, tạo tác những chuỗi ngọc, đồ trang sức thân, tạo ra thành ấp, tụ lạc, núi rừng, cây cối, suối ao, sông giếng. Ở trong chúng đó có các tiểu nhi, không có trí tuệ, khi nhìn thấy những thứ đó đều cho là thật. Kẻ trí trong chúng ấy biết những thứ kia là hư dối, do sức huyễn thuật nên mê hoặc mắt người. Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu cho đến Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v… đối với tất cả pháp thấy có định tướng. Lại cũng như vậy. Chư Phật Bồ tát đối với tất cả pháp không thấy định tướng. Này thiện nam tử! Ví như đứa trẻ con vào tháng mùa hè khi thấy nóng bốc lửa thì gọi đó là nước. Người có trí đối với lửa nóng cháy này nhất định chẳng sinh ra tư tưởng nước thật mà chỉ là lửa bốc lừa dối mắt người chẳng phải thật là nước. Tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác thấy tất cả pháp cũng lại như vậy, đều cho là thật. Các đức Phật, Bồ tát, đối với tất cả pháp chẳng thấy định tướng. Này thiện nam tử! Ví như hang núi nhân tiếng có âm vang. Trẻ con nghe âm vang cho là tiếng thật. Người có trí biết được đó không thật mà chỉ có tướng của tiếng lừa dối nhận thức của tai. Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác đối với tất cả pháp cũng lại như vậy, thấy có định tướng các vị Bồ tát hiểu rõ các pháp đều không định tướng mà là tướng vô thường, tướng không tịch, tướng không sinh diệt.v.v… Do nghĩa này nên Ðại Bồ tát thấy tất cả pháp là tướng vô thường. Này thiện nam tử! Cũng có định tướng. Sao gọi là định? Thường – Lạc – Ngã – Tịnh! Ở tại đâu vậy? Chỗ gọi là Niết Bàn! Này thiện nam tử! Quả Tu đà hoàn cũng lại bất định. Vì chẳng quyết định nên họ trải qua tám vạn kiếp mới được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Quả Tư đà hàm cũng lại bất định. Vì chẳng quyết định nên họ trải qua sáu vạn kiếp mới được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Quả A na hàm cũng lại bất định. Vì chẳng quyết định nên họ trải qua bốn vạn kiếp mới được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Quả A la hán cũng lại bất định. Vì chẳng quyết định nên họ trải qua hai vạn kiếp mới được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðạo Bích Chi Phật cũng lại bất định. Vì chẳng quyết định nên họ trải qua mười ngàn kiếp mới được tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Như Lai hôm nay ở trong vùng Ta La Song Thọ tại thành Câu Thi Na thị hiện nằm tựa vào giường Sư Tử, muốn vào Niết Bàn khiến cho những chúng đệ tử chưa được quả A la hán.v.v… và các lực sĩ sinh ra đại khổ não, cũng khiến cho trời, người, A tu la, Càn thát bà, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già.v.v… thiết đại lễ cúng dường và muốn khiến cho mọi người dùng một ngàn tấm vải trắng ràng bọc tấm thân ấy, dùng bảy báu làm áo quan đựng đầy dầu thơm, gom chứa gỗ thơm, dùng lửa để thiêu đốt (trà tỳ), chỉ trừ hai tấm chẳng thể được đốt, một là tấm bọc xác thân, hai là tấm ở ngoài cùng, cũng vì các chúng sinh phân tán Xá Lợi làm tám phần. Tất cả đệ tử Thanh Văn sở hữu đều nói rằng, Như Lai vào với Niết Bàn, ông phải biết Như Lai cũng chẳng nhất định vào với Niết Bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường trụ bất biến vậy. Do nghĩa này nên Như Lai Niết Bàn cũng lại bất định. Này thiện nam tử! Ông phải biết là, Như Lai cũng lại bất định. Như Lai chẳng phải trời. Vì sao vậy? Vì có bốn thứ trời, một là trời thế gian, hai là trời sinh, ba là trời tịnh, bốn là trời nghĩa. Trời thế gian thì như các quốc vương. Trời sinh thì từ Tứ Thiên Vương cho đến trời Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng. Trời tịnh là từ Tu đà hoàn đến Bích Chi Phật. Trời nghĩa là Bồ tát Mahatát Thập trụ.v.v… Vì nghĩa gì nên Bồ tát Thập Trụ gọi là trời nghĩa? Do Bồ tát Thập Trụ có thể giỏi giải nghĩa các pháp vậy. Sao gọi là Nghĩa? Thấy tất cả pháp chính là “Không nghĩa”. Này thiện nam tử! Như Lai chẳng phải vua cũng chẳng phải bốn trời cho đến trời Phi Hữu Tưởng Phi Vô tưởng, chẳng phải từ Tu đà hoàn đến Bích Chi Phật, Bồ tát Thập Trụ. Do nghĩa này nên Như Lai chẳng phải là Trời. Nhưng các chúng sinh cũng lại xưng Phật là đấng Thiên Trung Thiên. Vậy nên Như Lai chẳng phải trời chẳng phải Phi thiên, chẳng phải người chẳng phải phi nhân, chẳng phải quỉ chẳng phải phi quỉ, chẳng phải địa ngục súc sinh ngã quỉ, chẳng phải phi địa ngục súc sinh ngã quỉ, chẳng phải chúng sinh chẳng phải phi chúng sinh, chẳng phải pháp chẳng phải phi pháp, chẳng phải sắc chẳng phải phi sắc, chẳng phải trường chẳng phải phi trường, chẳng phải đoản chẳng phải phi đoản, chẳng phải tướng chẳng phải phi tướng, chẳng phải tâm chẳng phải phi tâm, chẳng phải hữu lậu chẳng phải vô lậu, chẳng phải hữu vi chẳng phải vô vi, chẳng phải thường chẳng phải vô thường, chẳng phải huyễn chẳng phải phi huyễn, chẳng phải danh chẳng phải phi danh, chẳng phải định chẳng phải phi định, chẳng phải có chẳng phải không, chẳng phải thuyết chẳng phải phi thuyết, chẳng phải Như Lai chẳng phải chẳng Như Lai… Do nghĩa này nên Như Lai bất định. Này thiện nam tử! Vì sao Như Lai chẳng gọi là trời thế gian? Trời thế gian tức là các vì vua. Như Lai từ lâu, ở trong vô lượng kiếp, đã bỏ vương vị. Vậy nên Như Lai chẳng phải là vua. Chẳng phải phi vương là Như Lai sinh ra trong vương gia Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ La. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi vương. Chẳng phải trời Sinh là Như Lai từ lâu đã lìa khỏi các hữu. Vậy nên Như Lai chẳng phải trời Sinh. Chẳng phải phi Sinh Thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai lên trời Ðâu Suất, xuống cõi Diêm phù đề vậy. Vậy nên Như Lai chẳng phải là phi Sinh Thiên, cũng chẳng phải trời Tịnh. Vì sao vậy? Vì Như Lai chẳng phải là Tu đà hoàn cho đến Bích Chi Phật. Vậy nên Như Lai chẳng phải là trời Tịnh, cũng chẳng phải phi Tịnh Thiên. Vì sao vậy? Vì chẳng thể bị nhiễm tám pháp của thế gian, giống như hoa sen chẳng thọ nước vẩn đục. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi Tịnh Thiên, cũng chẳng phải trời Nghĩa. Vì sao vậy? Vì Như Lai chẳng phải là Bồ tát Thập Trụ. Vậy nên Như Lai chẳng phải là trời Nghĩa cũng chẳng phải phi Nghĩa Thiên. Vì sao vậy? Vì Như Lai thường tu mười tám “không nghĩa”. Vậy nên Như Lai chẳng phải là phi Nghĩa Thiên. Như Lai chẳng phải người. Vì sao vậy? Vì Như Lai từ lâu, ở trong vô lượng kiếp, đã lìa khỏi cõi hữu của loài người. Vậy nên Như Lai chẳng phải người, cũng chẳng phải phi nhân. Vì sao vậy? Vì Như Lai sinh ra ở thành Ca Tỳ La nên chẳng phải là phi nhân. Như Lai chẳng phải quỉ. Vì sao vậy? Vì chẳng hại tất cả chúng sinh. Vậy nên Như Lai chẳng phải quỉ, cũng chẳng phải phi quỉ. Vì sao vậy? Vì cũng dùng hình dạng quỉ để giáo hóa chúng sinh nên Như Lai chẳng phải phi quỉ. Như Lai cũng chẳng phải địa ngục súc sinh ngã quỉ. Vì sao vậy? Vì Như Lai từ lâu đã lìa khỏi các nghiệp ác. Vậy nên Như Lai chẳng phải địa ngục súc sinh ngã quỉ, cũng chẳng phải phi địa ngục súc sinh ngã quỉ. Vì sao vậy? Vì Như Lai cũng lại thị hiện thọ thân của ba đường ác để hóa độ chúng sinh. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi địa ngục súc sinh ngã quỉ, cũng chẳng phải chúng sinh. Vì sao vậy? Vì Như Lai từ lâu xa lìa tính chúng sinh. Vậy nên Như Lai chẳng phải chúng sinh, cũng chẳng phải phi chúng sinh. Vì sao vậy? Vì hoặc khi diễn nói Như Lai mang tướng chúng sinh. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi chúng sinh. Như Lai chẳng phải pháp. Vì sao vậy? Vì các pháp mỗi mỗi đều có tướng sai biệt mà Như Lai chẳng vậy, chỉ có một tướng. Vậy nên Như Lai chẳng phải pháp, cũng chẳng phải phi pháp. Vì sao vậy? Vì Như Lai là pháp giới nên Như Lai chẳng phải phi pháp. Như Lai chẳng phải sắc. Vì sao vậy? Vì mười sắc nhập Như Lai chẳng nhiếp lấy. Vậy nên Như Lai chẳng phải sắc, cũng chẳng phải phi sắc. Vì sao vậy? Vì thân có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp nên Như Lai chẳng phải phi sắc. Như Lai chẳng phải trường (dài). Vì sao vậy? Vì đoạn trừ các sắc nên Như Lai chẳng phải trường, cũng chẳng phải phi trường. Vì sao vậy? Vì tất cả thế gian không có ai có thể thấy tướng đảnh kế. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi trường. Như Lai chẳng phải đoản. Vì sao vậy? Vì từ lâu, Như Lai đã xa lìa kết sử kiêu mạn nên Như Lai chẳng phải đoản, cũng chẳng phải phi đoản. Vì sao vậy? Vì Như Lai vì ông trưởng giả Cù Sư La thị hiện thân ba thước nên chẳng phải phi đoản. Như Lai chẳng phải tướng. Vì sao vậy? Vì từ lâu Như Lai đã xa lìa các tướng của tướng. Vậy nên Như Lai chẳng phải tướng, cũng chẳng phải phi tướng. Vì sao vậy? Vì Như Lai giỏi biết các tướng nên chẳng phải phi tướng. Như Lai chẳng phải tâm. Vì sao vậy? Vì là tướng hư không. Vậy nên Như Lai chẳng phải tâm, cũng chẳng phải phi tâm. Vì sao vậy? Vì có tâm pháp mười lực, cũng có thể biết lòng của chúng sinh khác. Vậy nên Như Lai chẳng phải phi tâm. Như Lai chẳng phải hữu vi. Vì sao vậy? Vì Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Vậy nên Như Lai chẳng phải hữu vi, cũng chẳng phải vô vi. Vì sao vậy? Vì Như Lai có đi, lại, ngồi, nằm và thị hiện Niết Bàn. Vậy nên Như Lai chẳng phải vô vi. Như Lai chẳng phải Thường. Vì sao vậy? Vì thân có phân biệt nên chẳng phải thường. Sao gọi là thường? Do có biết mà thường pháp thì không biết giống như hư không. Như Lai có biết nên chẳng phải thường. Sao gọi là phi thường? Có lời nói mà thường pháp thì không lời nói giống như hư không. Như Lai có lời nói nên là vô thường, có dòng họ nên gọi rằng vô thường. Pháp không dòng họ mới gọi là thường. Hư không thường nên không có dòng họ. Như Lai có họ là họ Cù Ðàm Thị nên vô thường, có cha mẹ nên gọi là vô thường. Không cha mẹ thì mới gọi là thường. Hư không thường nên không có cha mẹ. Phật có cha mẹ nên là vô thường. Có bốn oai nghi gọi là vô thường, không bốn oai nghi mới gọi là thường. Hư không thường nên không bốn oai nghi, Phật có bốn oai nghi nên là vô thường. Pháp thường trụ không có phương sở (địa phương xứ sở). Hư không thường nên không có phương sở. Như Lai xuất hiện tại đất Ðông Thiên Trúc, trụ ở thành Xá Bà Ðề hay thành Vương Xá nên vô thường. Do nghĩa này nên Như Lai chẳng phải thường, cũng chẳng phải phi thường. Vì sao vậy? Vì sự sinh đoạn trừ vĩnh viễn. Pháp có sinh gọi là vô thường. Pháp không sinh mới gọi là thường. Như Lai không sinh vậy nên là thường. Thường pháp không tính, pháp có tính thì gọi là vô thường. Như Lai không sinh, không tính (họ) mà không sinh, không tính nên là thường. Pháp hữu thường khắp cùng tất cả chỗ giống như hư không không chỗ nào chẳng có. Như Lai cũng vậy, cùng khắp tất cả chỗ. Vậy nên Như Lai là thường. Pháp vô thường, hoặc nói đây có, hoặc nói kia không. Như Lai chẳng vậy, chẳng thể nói rằng, chỗ này có, chỗ kia không. Vậy nên Như Lai là thường. Pháp vô thường có khi là có, có khi là không. Như Lai chẳng vậy, có khi là có, có khi là không. Vậy nên Như Lai là thường. Pháp thường trụ không danh, không sắc. Hư không thường nên không danh không sắc. Như Lai cũng vậy không danh không sắc. Vậy nên Như Lai là thường. Pháp thường trụ không nhân không quả, hư không thường nên không nhân không quả. Như Lai cũng vậy, không nhân không quả, vậy nên là thường. Pháp thường trụ ba đời chẳng nhiếp lấy. Như Lai cũng vậy, ba đời chẳng nhiếp lấy. Vậy nên Như Lai là thường. Như Lai chẳng phải huyễn. Vì sao vậy? Vì vĩnh viễn đoạn trừ tất cả lòng hư dối. Vậy nên Như Lai chẳng phải huyễn cũng chẳng phải phi huyễn. Vì sao vậy? Vì Như Lai, hoặc khi phân một thân này làm vô lượng thân. Rồi thân vô lượng lại làm thành một thân, đi ra xuyên qua tường vách mà không có chướng ngại, đi trên nước như trên đất, vào trong đất như trong nước, đi giữa hư không như trên mặt đất, thân tuông ra khỏi lửa như đám lửa lớn, mây sấm chấn động, âm thanh đáng sợ. Hoặc làm ra thành ấp, tụ lạc, nhà cửa, núi sông, cây cối, hoặc tạo nên thân lớn, hoặc hóa làm thân nhỏ, thân trai, thân gái, thân bé trai, thân bé gái… Vậy nên Như Lai cũng chẳng phải phi huyễn. Như Lai chẳng phải định. Vì sao vậy? Vì Như Lai ở vùng Ta La Song Thọ tại thành Câu Thi Na thị hiện vào Niết Bàn. Vậy nên Như Lai chẳng phải định, cũng chẳng phải phi định. Vì sao vậy? Vì Thường – Lạc – Ngã – Tịnh nên Như Lai chẳng phải phi định. Như Lai chẳng phải hữu lậu. Vì sao vậy? Vì Như Lai đoạn trừ ba lậu nên chẳng phải là hữu lậu. Ba lậu là, tất cả phiền não của Dục giới trừ vô minh thì đó gọi là Dục lậu. Tất cả phiền não của Sắc giới và Vô sắc giới trừ vô minh thì đó gọi là Hữu lậu. Vô minh của ba cõi gọi là vô minh lậu. Như Lai đoạn trừ vĩnh viễn ba lậu, vậy nên phi lậu. Lại nữa, tất cả phàm phu chẳng có hữu lậu. Sao gọi là phàm phu chẳng thấy hữu lậu? Tất cả phàm phu ở đời vị lai đều có nghi tâm (lòng nghi hoặc) thì trong đời vị lai họ sẽ được thân hay chẳng được thân vậy? Trong đời quá khứ, thân vốn có hay vốn không vậy? Trong đời hiện tại thân này có hay thân này không vậy? Nếu có ngã thì chính là sắc hay chẳng phải sắc vậy? Là sắc chẳng phải sắc hay chẳng phải sắc chẳng phải phi sắc vậy? Tưởng hay chẳng phải tưởng vậy? Tưởng chẳng phải tưởng hay chẳng phải tưởng chẳng phải phi tưởng vậy? Thân này thuộc người khác hay chẳng thuộc người khác vậy? Thuộc chẳng thuộc hay chẳng phải thuộc chẳng phải phi thuộc vậy? Có mạng không thân hay có thân không mạng vậy? Có thân có mạng hay không thân không mạng vậy? Thân cùng với mạng có thường hay vô thường vậy? Thường vô thường hay chẳng phải thường chẳng phải vô thường vậy? Thân cùng với mạng tự tại tạo tác hay thời tiết tạo tác vậy? Vô nhân tạo tác hay thế tánh tạo tác vậy? Vi trần tạo tác hay pháp phi pháp tạo tác, sĩ phu tạo tác? Phiền não tạo tác hay cha mẹ tạo tác vậy? Ngã trụ ở tâm hay trụ trong mắt vậy? Hay đầy khắp trong thân vậy? Ngã từ đâu lại rồi đi đến đâu vậy? Ai sinh ra? Ai chết vậy? Ngã ở quá khứ là dòng Bà la môn? Là dòng Sát lợi? Là dòng Tỳ Xá? Là dòng Thủ đà la vậy? Ở đời vị lai ngã sẽ được dòng gì vậy? Thân này của ta, lúc quá khứ là thân nam? Là thân nữ? Là thân súc sinh vậy? Nếu ta sát sinh thì sẽ có tội hay sẽ không có tội vậy?… Cho đến uống rượu thì sẽ có tội hay sẽ không có tội vậy? Ta tự làm hay vì người khác làm vậy. Ta thọ báo hay thân thọ báo vậy? Vô lượng phiền não của những nghi kiến như vậy che phủ lòng của chúng sinh. Nhân những nghi kiến này nên sinh ra sáu thứ tâm: Quyết định có ngã, quyết định không ngã, ngã thấy ngã, ngã thấy vô ngã, vô ngã thấy ngã, ngã tác, ngã thọ, ngã tri. Ðó gọi là tà kiến. Như Lai vĩnh viễn bứng bỏ cội rễ (căn bản) của vô lượng kiến lậu như vậy. Vậy nên Như Lai chẳng phải lậu. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát ở trong Ðại Niết Bàn tu thánh hạnh thì cũng được vĩnh viễn đoạn trừ những lậu như vậy. Các đức Phật Như Lai thường tu Thánh hạnh nên vô lậu.
Này thiện nam tử! Phàm phu chẳng thể khéo nhiếp lấy năm căn thì có ba lậu, bị sự ác dẫn dắt đến chỗ bất thiện. Này thiện nam tử! Ví như con ngựa dữ, tính ngang bướng của nó có thể khiến cho người đi xe đến chỗ hiểm ác. Người chẳng thể khéo nhiếp lấy năm căn cũng lại như vậy, khiến cho người xa lìa thiện đạo Niết Bàn đi đến chỗ ác. Ví như con voi dữ, chưa điều thuận mà có người cưỡi nó thì chẳng đi được theo ý, lìa xa thành ấp, đi đến chỗ trống không. Người chẳng thể khéo nhiếp lấy năm căn này cũng lại như vậy, sẽ đem người lìa xa thành ấp Niết Bàn đi đến chỗ đồng hoang sinh tử. Này thiện nam tử! Ví như người nịnh thần dạy vua làm ác. Nịnh thần năm căn cũng lại như vậy, thường dạy chúng sinh tạo ác không lường. Này thiện nam tử! Ví như người con ác chẳng chịu sự dạy bảo của cha mẹ, sư trưởng thì không ác nào chẳng tạo. Chẳng điều phục năm căn cũng lại như vậy, chẳng chịu lời dạy bảo thiện của sư trưởng thì không ác nào chẳng tạo. Này thiện nam tử! Người phàm phu chẳng nhiếp lấy năm căn thường bị sự giặc hại của địa ngục, súc sinh và ngã quỉ, cũng như oán trộm hại đến người tốt. Này thiện nam tử! Người phàm phu chẳng nhiếp lấy năm căn dong ruỗi theo năm trần thì ví như người chăn trâu chẳng khéo giữ gìn để xâm phạm lúa má của người. Người phàm phu chẳng nhiếp lấy năm căn thường ở tại các cõi hữu, chịu nhiều khổ não. Này thiện nam tử! Khi Ðại Bồ tát tu Ðại Niết Bàn hành thánh hạnh thì thường có thể giỏi điều phục nhiếp giữ năm căn, kinh sợ tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn, tật đố…. làm được tất cả các thiện pháp. Này thiện nam tử! Nếu người có thể khéo giữ năm căn này thì có thể nhiếp lấy tâm. Nếu có thể nhiếp lấy tâm thì nhiếp được năm căn. Ví như có người ủng hộ vua thì ủng hộ đất nước, người ủng hộ đất nước thì ủng hộ vua. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, nếu được nghe Kinh Ðại Niết Bàn thì được trí tuệ mà được trí tuệ thì được chuyên niệm. Năm căn nếu niệm tán loạn thì có thể dừng. Vì sao vậy? Vì là niệm tuệ vậy. Này thiện nam tử! Ví như người chăn trâu giỏi, giả sử trâu đây đó ăn lúa má của người khác thì liền có thể ngăn chận lại, chẳng cho xâm phạm. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, nhân duyên niệm tuệ nên nhiếp giữ năm căn chẳng cho dong ruỗi, tán loạn. Ðại Bồ tát có niệm tuệ thì chẳng thấy tướng của ngã, chẳng thấy tướng của ngã sở, chẳng thấy chúng sinh và sự thọ dụng, thấy tất cả pháp đồng tướng pháp tính. Sinh ra tướng đất, đá, sành, sỏi (?). Ví như nhà cửa từ mọi duyên sinh ra, không có định tính. Ðại Bồ tát thấy các chúng sinh là sự thành lập của bốn đại, năm ấm, truy tìm ra không có định tính. Vì không định tính nên Bồ tát ở trong đó chẳng sinh ra tham trước. Tất cả phàm phu thấy có chúng sinh nên khởi lên phiền não. Ðại Bồ tát tu Ðại Niết Bàn có niệm tuệ nên đối với các chúng sinh chẳng sinh ra tham trước. Lại nữa, Ðại Bồ tát tu tập Kinh Ðại Niết Bàn thì chẳng tham trước tướng chúng sinh, làm đủ thứ pháp tướng. Này thiện nam tử! Ví như nhà họa sư dùng mọi thứ màu sắc vẽ ra mọi hình tượng, hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, hoặc ngựa…. Kẻ phàm phu không biết, nhìn thấy những hình tượng đó thì sinh ra tướng trai gái.v.v… Còn họa sư rõ biết là không có trai, gái… Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, đối với tướng khác của pháp vẫn xem thấy một tướng, nhất định chẳng sinh ra tướng chúng sinh. Vì sao vậy? Vì Bồ tát có niệm tuệ. Ðại Bồ tát tu Ðại Niết bàn, hoặc khi nhìn thấy người con gái đoan chính nhất định chẳng sinh lòng tham trước. Vì sao vậy? Vì khéo quan sát tướng. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát biết pháp ngũ dục không có hoan lạc, chẳng được tạm dừng như chó gặm xương khô, như người cầm lửa đi ngược gió, như rắn độc trong hòm, như trong mơ sở đắc cây trái ven đường bị nhiều người ném, cũng như miếng thịt bị nhiều chim tranh nhau giành, như bọt trên nước, như nét vẽ xuống nước, như sợi chỉ dọc hết, như người tù đi đến chợ, giống như giả mượn thế lực chẳng được lâu…. Quan sát dục nhiều những lỗi xấu như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ tát quan sát các chúng sinh vì nhân duyên sắc, hương, vị, xúc nên từ vô lượng vô số kiếp xưa đến nay thường chịu khổ não. Mỗi một chúng sinh, trong một kiếp đã tích góp xương của bản thân như núi Tỳ Phú La ở thành Vương Xá, đã uống nước sữa như nước bốn biển, máu của thân chảy ra lại nhiều như nước bốn biển, cha mẹ anh em vợ con quyến thuộc mạng chung mà nước mắt khóc thương tuông ra nhiều như nước bốn biển lớn, chặt hết cỏ cây trên đất làm thẻ để tính số cha mẹ cũng chẳng thể hết, từ vô lượng kiếp đến nay, hoặc ở tại địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, đã chịu hành khổ chẳng thể kể xiết. Vo tròn đại địa này giống như quả táo thì dễ có thể cùng cực, nhưng sinh tử không lường chẳng thể hết được! Ðại Bồ tát như vậy quán sâu tất cả chúng sinh vì dục nhân duyên nên thọ khổ không lường. Bồ tát quan sát sinh tử hành khổ này nên chẳng mất niệm tuệ. Này thiện nam tử! Ví như thế gian có một số người rất đông, đứng đầy cả hai mươi lăm dặm. Nhà vua ra lệnh một người bề tôi bưng một bát dầu, đi qua hết trong số người ấy mà không cho nghiêng đổ. Nếu người đó làm rớt ra một giọt dầu thì phải bị chém. Vua lại sai một người bạt đao theo sau mà khủng bố người bưng dầu. Người bề tôi nhận lời dạy của vua hết lòng kiên trì, trải qua trong đại chúng ấy. Tuy thấy năm tà dục vừa ý.v.v… nhưng lòng luôn nghĩ rằng: “Nếu ta buông lung đắm trước những tà dục kia, phải bỏ sự kiên trì thì mạng chẳng được an toàn”. Người đónhờ nhân duyên sợ này nên thậm chí chẳng làm rớt một giọt dầu. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, ở trong sinh tử, chẳng đánh mất niệm tuệ. Do chẳng đánh mất nên Bồ tát tuy thấy năm dục nhưng lòng chẳng tham trước, hoặc thấy tịnh sắc chẳng sinh ra sắc tướng, chỉ quan sát khổ tướng… Cho đến thức tướng cũng lại như vậy, chẳng làm ra tướng sinh, chẳng làm ra tướng diệt, chẳng làm ra tướng nhân duyên mà quan sát tướng hòa hợp. Bồ tát bấy giờ, năm căn thanh tịnh mà căn thanh tịnh thì hộ căn giới đầy đủ. Tất cả phàm phu, năm căn chẳng tịnh, chẳng thể giỏi giữ gìn thì gọi là căn lậu. Bồ tát đoạn trừ vĩnh viễn điều đó nên vô lậu. Như Lai nhổ bạt ra cội rễ, đoạn trừ vĩnh viễn, vậy nên chẳng phải lậu (phi lậu). Lại nữa, này thiện nam tử! Lại có Ly lậu (lìa khỏi lậu). Ðại Bồ tát muốn vì quả Phật cam lộ vô thượng nên lìa khỏi ác lậu. Sao gọi là Ly (lìa)? Nếu có thể tu hành Kinh Ðại Niết Bàn, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, giải nói, tư duy thì đó gọi là Ly. Vì sao vậy? Này thiện nam tử! Vì ta đều chẳng thấy mười hai bộ Kinh có thể lìa khỏi ác lậu như Kinh Phương Ðẳng Ðại Niết Bàn này. Này thiện nam tử! Ví như vị lương y dạy các đệ tử. Trong các đệ tử có người thọ giáo, lòng chẳng tạo ác. Ðại Bồ tát tu kinh điển vi diệu Ðại Niết Bàn vi diệu cũng lại như vậy, lòng chẳng tạo ác. Này thiện nam tử! Ví như thế gian có thứ chú thuật hay, nếu có người nghe một lần mà bảy năm sau chẳng bị trúng tất cả thuốc độc, rắn độc chẳng thể cắn. Nếu có người tụng chú ấy thì cho đến trọn đời, không có mọi thứ ác. Này thiện nam tử! Kinh Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, nếu có chúng sinh, một lần nghe Kinh thì bảy kiếp về sau chẳng rơi vào đường ác. Nếu có người ghi chép, đọc tụng, giải nói, suy nghĩ nghĩa Kinh ấy thì nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thanh tịnh thấy Phật tính như vị Thánh Vương kia được vị cam lộ. Này thiện nam tử! Kinh Ðại Niết Bàn này có vô lượng công đức như vậy.v.v… Này thiện nam tử! Nếu có người có thể sao chép Kinh này, đọc tụng, giải nói, vì người khác trình bày và suy nghĩ nghĩa Kinh ấy thì phải biết người đó chân thật là đệ tử của ta, giỏi chịu lời dạy bảo của ta. Ðó là sở kiến của ta, sở niệm của ta. Người đó biết chắc chắn là ta chẳng Niết Bàn. Tùy theo chỗ sở trụ của người như vậy, hoặc thành ấp, tụ lạc, núi rừng, đồng hoang, nhà cửa, ruộng đất, lâu các, điện đường… ta cũng thường trụ ở trong những chỗ đó, chẳng di dời. Ta đối với người này thường làm người thọ thí, hoặc làm Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Bà la môn, Phạm chí, người đi xin nghèo cùng… thì làm sao phải khiến cho người đó được biết Như Lai nhận đồ vật bố thí ấy? Này thiện nam tử! Người đó, ở trong đêm ngủ nằm mơ, mơ thấy hình dáng đức Phật, hoặc thấy hình dáng trời, hình dáng Sa môn, hình dáng quốc chủ, Thánh Vương, vua Sư Tử, hình dáng hoa sen, hình dáng hoa ưu đàm, hoặc thấy núi lớn hay nước biển cả, hoặc thấy mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy hình dáng voi trắng và hình dáng ngựa trắng, hoặc thấy cha mẹ, hoặc thấy được hoa, được trái, được vàng, bạc, lưu ly, pha lê… các thứ báu, được năm thứ vị của trâu. Bấy giờ thì phải biết là Như Lai đã nhận sự bố thí của người ấy. Người đó tỉnh dậy rồi, liền được đủ thứ vật cần dùng, lòng chẳng nghĩ ác, ưa tu thiện pháp. Này thiện nam tử! Kinh Ðại Niết Bàn này có thể thành tựu vô lượng atăngkỳ chẳng thể nghĩ bàn vô biên công đức như vậy. Này thiện nam tử! Ông nay nên phải tin thọ lời nói của ta! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân muốn thấy ta, muốn cung kính ta, muốn đồng pháp tính mà thấy được ta, muốn được “không định”, muốn thấy thật tướng, muốn được tu tập Thủ Lăng Nghiêm định, Sư Tử Vương định, muốn phá tám ma. Tám ma đó là bốn ma vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, muốn được niềm vui trong loài người trên cõi trời… thì thấy có người thọ trì Kinh Ðại Niết Bàn, sao chép, đọc tụng, vì người khác giải nói, suy nghĩ nghĩa lý, phải đi đến thân cận, nương kề, hỏi han thính thọ, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi… vì người đó rửa tay chân, bố thí giường chiếu, tứ sự cúng dường cung cấp khiến cho người đó không gì thiếu thốn. Nếu người đó từ xa đi lại thì nên tổ chức nghênh đón trước mười do tuần đường. Vì Kinh này nên phải dùng những vật quí trọng để hiến dâng. Nếu như thiện nam, tín nữ ấy không có thì nên tự bán thân. Vì sao vậy? Vì Kinh này khó gặp hơn cả hoa Ưu Ðàm. Này thiện nam tử! Ta nghĩ về quá khứ, vô lượng vô biên na do tha kiếp, bấy giờ thế giới tên là Ta Bà, có đức Phật Thế Tôn hiệu là Thích Ca Mâu Ni Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri Minh Hành Túc Thiện Thệ Thế Gian Giải Vô Thượng Sĩ Ðiều Ngự Trượng Phu Thiên Nhân Sư Phật Thế Tôn, vì các đại chúng tuyên nói Kinh Ðại Niết Bàn như vậy. Ta, lúc bấy giờ, từ chỗ bạn lành mà nghe được đức Phật đó sẽ vì đại chúng nói Kinh Ðại Niết Bàn. Ta nghe thế rồi; trong lòng hoan hỷ, muốn thiết lễ cúng dường nhưng nhà nghèo không có vật gì. Ta muốn tự bán thân nhưng bạc phước chẳng bán được, liền muốn trở về nhà. Trên đường về, gặp một người, ta liền nói rằng: “Tôi muốn bán thân, ngài có thể mua chăng?” Người ấy đáp rằng: “Người làm việc cho nhà ta, không ai kham được! Ông giả sử có thể vì ta thì ta sẽ mua ông!” Ta liền hỏi rằng: “Người phải làm việc gì mà không thể kham được?” Người ấy đáp rằng: “Ta có ác bệnh, lương y xử lý thuốc là cần phải mỗi ngày ăn ba lạng thịt người. Ông nếu có thể ngày ngày lấy ba lạng thịt của thân cung cấp cho ta thì ta sẽ cho ông năm xâu tiềng vàng”. Khi ta nghe rồi trong lòng hoan hỷ, liền nói rằng: “Ngài cho tôi tiền và cho tôi hẹn lại sau bảy ngày, khi công việc cần làm xong, tôi trở lại gặp nhau”. Người kia đáp rằng: “Bảy ngày thì chẳng thể! Xét ra có thể hẹn lại cho ông một ngày!” Này thiện nam tử! Khi ấy, ta liền nhận lấy tiền, đến trở lại chỗ đức Phật, đầu mặt lễ dưới chân, đem hết tiền sẵn có ấy mà hiến dâng lên, rồi nhiên hậu thành tâm thính thọ Kinh này. Ta thì ám độn, tuy được nghe Kinh nhưng chỉ có thể thọ trì câu văn của một bài kệ:
Như Lai chứng Niết Bàn
Vĩnh viễn đoạn sinh tử
Nếu lắng nghe hết lòng
Thường được vô lượng lạc.
Nhận bài kệ này rồi, ta liền trở lại đến nhà người bệnh kia. Này thiện nam tử! Khi ta tuy lại ngày ngày cho ba lạng thịt nhưng do nhân duyên niệm kệ nên chẳng lấy làm đau đớn, ngày ngày chẳng bỏ, đủ đầy một tháng. Này thiện nam tử! Do nhân duyên này mà bệnh ông ấy được chửa khỏi, thân ta bình phục, cũng không lở loét. Ta thấy thân đầy đủ, hoàn bị liền phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lực của một bài kệ mà còn như vậy, huống gì là thọ trì đọc tụng đầy đủ. Ta thấy Kinh này có lợi như vậy lại phát tâm bội phần. Ta nguyện vào đời vị lai, khi thành Phật đạo có tự hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Này thiện nam tử! Do lực của nhân duyên bài kệ này nên khiến cho ta ngày hôm nay, ở trong đại chúng, vì những trời, người tuyên nói đầy đủ. Này thiện nam tử! Do nhân duyên này nên Kinh Ðại Niết Bàn chẳng thể nghĩ bàn, thành tựu vô lượng vô biên công đức và mới là tạng bí mật thậm thâm của các đức Phật Như Lai. Do nghĩa này nên người hay thọ trì thì đoạn lìa ác lậu. Chỗ gọi là ác như là chỗ trụ của voi ác, ngựa ác, trâu ác, chó ác (dữ), rắn độc…, đất đai, ác độc, ven núi cheo leo, bờ sông nguy hiểm, nước mạnh chảy xoáy, người ác, nước ác, thành ác, nhà ác, bạn ác.v.v… Những bọn như vậy nếu trở thành nhân lậu thì Bồ tát liền lìa khỏi, nếu chẳng thể làm thì chẳng xa lìa. Nếu tăng thêm hữu lậu thì liền lìa khỏi, nếu chẳng tăng thêm thì chẳng xa lìa. Nếu làm pháp ác thì liền lìa khỏi, nếu có thể làm thiện thì chẳng xa lìa. Sao gọi là lìa (ly)? Chẳng nắm giữ dao gậy, thường dùng phương tiện chánh tuệ mà xa lìa những thứ đó. Vậy nên gọi là chánh tuệ xa lìa, vì sinh thiện pháp thì xa lìa ác pháp. Ðại Bồ tát tự quan sát thân mình như bệnh, như ghẻ lở, như ung nhọt, như oán thù, như tên cắm vào thân thể… chính là chỗ gom đại khổ, đều chính là căn bản của tất cả thiện ác. Thân này tuy bất tịnh như vậy nhưng Bồ tát còn cố ngắm nhìn nuôi nấng. Vì sao vậy? Chẳng phải vì tham thân mà vì thiện pháp vậy, vì đến với Niết Bàn chẳng vì sinh tử, vì Thường – Lạc – Ngã – Tịnh mà chẳng vì vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh, vì đạo Bồ Ðề chẳng vì đạo hữu vi, vì Nhất thừa chẳng vì Tam thừa, vì thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp vi diệu mà chẳng vì thân… cho đến thân của trời Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng, vì pháp Luân Vương chẳng vì Chuyển Luân Vương. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát luôn phải hộ thân. Vì sao vậy? Vì nếu chẳng hộ thân thì chẳng toàn mạng. Mạng nếu chẳng toàn thì chẳng thể được sao chép Kinh này để thọ trì, đọc tụng, vì người khác rộng nói, suy nghĩ nghĩa Kinh ấy. Vậy nên Bồ tát nên khéo hộ thân. Do nghĩa này nên Bồ tát được lìa khỏi tất cả ác lậu. Này thiện nam tử! Như muốn qua được nước thì phải khéo hộ giữ thuyền bè, người đi đường khéo hộ ngựa tốt, nhà nông gieo trồng khéo hộ phân dơ, như vì chữa khỏi độc thì khéo hộ giữ rắn độc, như người vì của cải hộ giữ Chiên đà la, vì phá giặc nên nuôi hộ kiện tướng, cũng như người lạnh thích hộ với lửa, như người bệnh hủi thì cầu thuốc độc… Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, tuy thấy thân này bất tịnh không lường, sung mãn đầy đủ, nhưng vì muốn thọ trì Kinh Ðại Niết Bàn nên còn ưa nuôi hộ, chẳng cho nó thiếu thốn. Ðại Bồ tát quan sát con voi dữ và bạn xấu ngang bằng nhau không có hai. Vì sao vậy? Vì chúng đều hủy hoại thân. Ðại Bồ tát đối với voi dữ.v.v.. lòng không kinh sợ nhưng đối với bạn xấu thì sinh lòng kinh sợ. Vì sao vậy? Vì con voi dữ này.v.v… chỉ có thể hoại thân, chẳng có thể hoại tâm còn bạn xấu (ác tri thức) thì hủy hoại cả hai. Coi voi dữ này… chỉ hoại một thân, còn người bạn xấu thì hủy hoại vô lượng thân, vô lượng tâm. Con voi dữ này chỉ có thể phá hoại tấm thân thối bất tịnh, còn người bạn xấu thì có thể hoại thân thanh tịnh và cả tâm thanh tịnh. Con voi dữ này có thể hoại nhục thân (thân bằng thịt) còn ác tri thức thì hoại đến pháp thân. Bị voi dữ giết chết thì chẳng đến ba đường, còn bị bạn xấu giết thì nhất định đến ba đường. Voi dữ này chỉ bị thân oán, còn bạn xấu thì bị thiện pháp oán… Vậy nên Bồ tát thường phải xa lìa những ác tri thức (bạn xấu). Những lậu như vậy.v.v… phàm phu chẳng lìa khỏi. Vậy nên họ sinh ra lậu. Bồ tát lìa khỏi những lậu đó thì chẳng sinh ra lậu. Như vậy Bồ tát còn không có lậu, huống là đối với Như Lai. Vậy nên Như Lai chẳng phải lậu. Sao gọi là thân cận lậu? Tất cả phàm phu nhận lấy y thực, ngọa cụ, y dược. Vì niềm vui của thân tâm nên họ cầu những vật như vậy, tạo ra đủ thứ ác, chẳng biết lỗi hoạn (nạn) luân hồi ba đường. Vậy nên gọi là lậu. Ðại Bồ tát thấy lỗi hoạn như vậy thì liền lìa xa. Nếu khi cần áo thì Bồ tát liền nhận lấy, chẳng vì bản thân mà chỉ vì pháp, chẳng lớn kiêu mạn, lòng thường hạ thấp, chẳng vì nghiêm sức chỉ vì xấu hổ, ngăn những lạnh nóng, gió độc, mưa dữ, trùng độc, muỗi, nhặng, ruồi, bọ chét, nọc rắn độc. Bồ tát tuy nhận ăn uống nhưng lòng không tham trước, chẳng vì thân thường vì chánh pháp, chẳng vì hình thể bề ngoài chỉ vì chúng sinh, chẳng vì kiêu mạn mà vì thân lực, chẳng vì oán hại mà vì trị bệnh đói. Tuy được vị ngon nhưng lòng không tham trước. Bồ tát thọ lấy phòng, nhà cũng lại như vậy, những kết sử tham trước, kiêu mạn chẳng cho ở trong lòng. Vì nhà Bồ Ðề ngăn chận giặc kết sử, ngăn gió mưa dữ nên Bồ tát nhận lấy nhà cửa. Bồ tát cầu y dược thì lòng không tham trước, kiêu mạn, chỉ vì chánh pháp, chẳng vì thọ mạng, vì mạng thường trụ vậy. Này thiện nam tử! Như người bệnh ghẻ lở, lấy lương khô trát lên, dùng áo bó lại. Vì chảy máu mủ làm kết dính bột lương khô làm ghẻ lở bớt nên dùng bột thuốc tra vào, vì gió dữ nên ở tận trong nhà sâu. Bồ tát Mahatát cũng lại như vậy, quan sát thân là đồ ghẻ lở nên dùng áo che đậy, vì chín lỗ thẩm lậu nên tìm kiếm ăn uống, vì gió mưa hung dữ nên nhận lấy nhà cửa, vì bốn độc phát ra nên tìm tòi y dược. Bồ tát nhận lấy tứ sự cúng dường là vì đạo Bồ Ðề, chẳng phải vì thọ mạng. Vì sao vậy? Vì Ðại Bồ tát dấy khởi ý nghĩ này: “Ta, nếu chẳng nhận bốn việc cúng dường này thì thân bị tiêu diệt, chẳng được bền chắc. Nếu thân chẳng bền chắc thì chẳng nhịn được khổ (chịu đựng khổ). Nếu chẳng nhịn được khổ thì chẳng thể được tu tập thiện pháp. Nếu có thể chịu đựng được khổ thì được tu tập vô lượng thiện pháp. Ta nếu chẳng thể đủ sức chịu đựng mọi khổ thì đối với việc thọ khổ sinh lòng sân nhuế, đối với việc thọ lạc sinh lòng tham trước. Nếu cầu lạc (vui) chẳng được thì sinh ra vô minh. Vậy nên phàm phu đối với bốn việc cúng dường sinh ra hữu lậu”. Ðại Bồ tát có thể quan sát sâu nên chẳng sinh ra lậu. Vậy nên Bồ tát gọi là Vô lậu thì làm sao Như Lai phải gọi là hữu lậu được? Vậy nên Như Lai chẳng gọi là hữu lậu.
Lại nữa, này thiện nam tử! Tất cả phàm phu tuy khéo hộ thân nhưng lòng còn cố sinh ra ba thứ ác giác. Do nhân duyên này nên tuy đoạn trừ phiền não, được sinh lên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, nhưng còn phải trở lại rơi vào trong ba đường ác. Này thiện nam tử! Ví như có người qua khỏi biển cả, sắp đến bờ kia nhưng chìm nước mà chết. Người phàm phu cũng lại như vậy, sắp tận cùng ba cõi nhưng trở lại rơi vào ba đường. Vì sao vậy? Vì không có thiện giác. Những gì là thiện giác? Ðó là sáu niệm xứ. Người phàm phu, thiện tâm còm cõi, tất bất thiện bừng bừng. Thiện tâm còm cõi nên lòng tuệ mỏng manh. Tuệ tâm mỏng manh nên tăng trưởng các lậu. Ðại Bồ tát, tuệ nhãn thanh tịnh thấy lỗi lầm ba giác. Biết ba ác giác này có đủ thứ hoạn, thường cùng với chúng sinh tạo tác oán của ba thừa. Nhân duyên ba giác mới khiến cho vô lượng chúng sinh phàm phu chẳng thấy Phật tính. Họ ở trong vô lượng kiếp sinh ra lòng điên đảo, cho là Phật Thế Tôn không Thường – Lạc – Ngã mà chỉ có một Tịnh thôi, Như Lai rốt ráo vào Niết Bàn. Tất cả chúng sinh vô thường vô lạc vô ngã vô tịnh, nhưng lòng họ điên đảo nên nói rằng có Thường – Lạc – Ngã – Tịnh. Thật ra không có Tam thừa nhưng lòng họ điên đảo nên nói rằng có Tam thừa. Ðạo Nhất Thật là chân thật chẳng hư dối, nhưng lòng họ điên đảo nên nói rằng không có đạo Nhất Thật. Ba ác giác này thường bị sự quở trách của các đức Phật và các vị Bồ tát. Ba ác giác này thường hại đến ta hay cũng hại đến người khác. Có ba ác giác này thì tất cả các ác thường đến làm tùy tùng. Ba ác giác này tức là ba sự trói buộc, nối liền chúng sinh với vô biên sinh tử. Ðại Bồ tát thường tạo tác sự quan sát ba ác giác như vậy. Hoặc khi Bồ tát có nhân duyên ứng sinh dục giác thì mặc nhiên chẳng thọ. Ví như người đoan chính tịnh khiết chẳng nhận tất cả phân bẩn bất tịnh, như người không nhận lấy hòn sắt nóng, như dòng Bà la môn chẳng nhận thịt trâu, như người no đủ chẳng nhận đồ ăn xấu, như vua Chuyển Luân chẳng cùng tất cả Chiên đà la đồng ngồi một giường. Ðại Bồ tát đối với giặc ác ba giác chẳng nhận, chẳng nếm cũng lại như vậy. Vì sao vậy? Vì Bồ tát suy nghĩ rằng: “Chúng sinh biết ta là ruộng phước tốt thì ta làm sao mà thọ nhận những pháp ác này. Nếu ta thọ ác giác thì chẳng nhận làm ruộng phước của chúng sinh. Ta tự chẳng nói là ruộng phước tốt mà chúng sinh thấy tướng liền nói rằng, ta là ruộng phước tốt. Ta nay nếu khởi lên ác giác như vậy thì tức là lừa dối tất cả chúng sinh. Ta vào thuở xa xưa, vì lừa dối nên đãở trong vô lượng kiếp lưu chuyển sinh tử, rơi vào ba đường ác. Ta nếu dùng ác tâm để thọ tín thí của người thì tất cả trời, người, tiên nhân ngũ thông đều sẽ chứng biết mà quở trách. Ta nếu ác giác mà thọ tín thí của người thì, hoặc khiến cho quả báo của thí chủ giảm thiểu, hoặc rỗng không, không có quả báo. Ta nếu ác tâm mà thọ thí của đàn việt thì cùng với thí chủ mà kết làm oán thù. Tất cả thí chủ luôn ở chỗ ta khởi xích tử tưởng (tưởng như đứa con yêu) thì ta làm sao lừa dối họ để mà oán tưởng (tưởng như kẻ oán thù). Vì sao vậy? Vì hoặc khiến cho thí chủ chẳng được quả báo, hoặc ít quả báo. Ta thường tự xưng là người xuất gia mà luận về xuất gia thì chẳng nên khởi ác, nếu khởi ác thì chẳng phải là xuất gia. Người xuất gia thì thân miệng tương ứng, nếu chẳng tương ứng thì chẳng phải là xuất gia. Ta bỏ cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, bạn bè… xuất gia tu đạo chính là khi tu tập các thiện giác, chẳng phải là lúc tu tập bất thiện giác. Ví như có người vào biển tìm của báu chẳng chọn lấy chân châu mà chọn lấy thủy tinh, cũng như có người bỏ nghe âm nhạc vi diệu mà dạo chơi chỗ phân dơ bẩn, như bỏ đi người con gái quí báu mà yêu nghĩ đến hạng thấp hèn, như bỏ đồ bằng vàng mà dùng chén sành, như bỏ cam lộ mà uống thuốc độc, như bỏ thầy thuốc giỏi hiền lành thân thiết mà lại theo kẻ oán ghét xin thuốc trị liệu cho mình. Ta cũng như vậy, lìa bỏ cam lộ pháp vị của đại sư Như Lai Thế Tôn mà uống đủ thứ ác giác của ma oán. Thân người khó được như hoa Ưu Ðàm mà ta nay đã được. Như Lai khó gặp hơn cả hoa Ưu đàm mà ta nay đã gặp. Pháp bảo thanh tịnh khó được thấy nghe mà ta nay đã được nghe giống như con rùa mù gặp lỗ miếng gỗ nổi trên biển. Mạng người chẳng dừng qua nhanh như nước chảy xuống núi. Ngày hôm nay tuy còn ánh sáng nhưng cũng khó bảo tồn. Như thế thì sao ta lại buông lòng khiến trụ ở ác pháp? Hình sắc khỏe mạnh chẳng dừng, giống như ngựa chạy nhanh thì sao mà cậy thế sinh ra kiêu mạn? Giống như loài quỉ ác rình rập tìm lỗi lầm của người, ác quỉ bốn đại cũng lại như vậy, thường đến rình rập tìm lỗi lầm của ta thì sao lại để cho ác giác phát khởi? Ví như ngôi nhà mục nát, nóc nhà sắp đổ vỡ, mạng ta cũng vậy thì sao mà khởi ác? Ta mang danh là Sa môn mà người Sa môn gọi là học thiện giác. Ta nay dấy khởi giác bất thiện thì làm sao được gọi là Sa môn. Ta mang danh là xuất gia mà người xuất gia gọi là người tu thiện đạo. Ta nay làm ác thì sao được gọi là xuất gia? Ta nay mang danh là chân Bà la môn mà Bà la môn thì gọi là người tu tịnh hạnh. Ta nay lại làm ác giác bất tịnh thì sao sẽ được gọi là Bà la môn. Ta nay cũng mang danh là dòng họ lớn Sát Lợi mà dòng Sát Lợi thì có thể diệt trừ oán địch. Ta nay chẳng thể trừ diệt oán địch ác thì làm sao sẽ được gọi là dòng Sát Lợi. Ta mang danh là Tỳ kheo mà người Tỳ kheo thì gọi là người phá phiền não. Ta nay chẳng phá được phiền não ác giác thì sao sẽ được gọi là Tỳ kheo. Ðời có sáu chỗ khó có thể gặp gỡ được mà ta nay đã được thì sao còn để cho ác giác ở trong lòng? Những gì là sáu chỗ? Một là đời có Phật khó gặp, hai là Chánh pháp khó nghe, ba là lòng sợ khó khởi, bốn là khó sinh giữa nước, năm là thân người khó được, sáu là các căn khó đủ. Sáu việc khó được như vậy đã được. Vậy nên chẳng nên khởi lên ác giác” Bồ tát bấy giờ, tu hành Kinh Ðại Niết Bàn như vậy, thường siêng quan sát những tâm ác này. Tất cả phàm phu chẳng thấy lỗi hoạn của tâm ác như vậy nên thọ ba giác, gọi là thọ lậu. Bồ tát thấy rồi nên chẳng thọ lấy, chẳng tham trước, buông bỏ, chẳng hộ trì mà nương vào tám Thánh đạo xô đuổi chúng đi, chặt đứt chúng. Vậy nên Bồ tát không có thọ lậu thì làm sao lại nói rằng, Như Lai có lậu? Do nghĩa này nên Như Lai Thế Tôn cũng phải là có lậu.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ hai mươi hết –