Quyển thứ 25
23. PHẨM BỒ TÁT SƯ TỬ HỐNG PHẦN 1
– Lúc bấy giờ, đức Phật bảo tất cả đại chúng rằng:
– Này các thiện nam tử! Nếu các ông nghi ngờ có Phật hay không Phật, có pháp hay không pháp, có Tăng hay không Tăng, có khổ hay không khổ, có tập hay không tập, có diệt hay không diệt, có đạo hay không đạo, có thật hay không thật, có ngã hay không ngã, có vui hay không vui, có tịnh hay không tịnh, có thường hay không thường, có thừa hay không thừa, có tính hay không tính, có chúng sinh hay không chúng sinh, có hữu hay không hữu, có chân hay không chân, có nhân hay không nhân, có quả hay không quả, có tác hay không tác, có nghiệp hay không nghiệp, có báo hay không báo, thì nay ta cho mặc ý ông hỏi. Ta sẽ vì các ông phân biệt giải nói! Này thiện nam tử! Ta thật chẳng thấy hoặc trời, hoặc người, hoặc ma, hoặc Phạm, hoặc Sa môn, hoặc Bàlamôn có đến hỏi mà ta chẳng thể đáp!
Lúc bấy giờ, trong hội có một vị Bồ tát tên là Sư Tử Hống, liền đứng dậy, thu liễm dung nhan, sửa sang y phục, trước lễ dưới chân đức Phật, quì dài, tréo tay bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Con vừa muốn hỏi thì đức Như Lai đại từ đã rũ lòng thương cho phép!
Lúc bấy giờ, đức Phật bảo các đại chúng rằng:
– Này các thiện nam tử! Nay các ông phải đối với vị Bồ tát này sinh lòng cung kính sâu sắc, tôn trọng, khen ngợi, phải dùng đủ thứ hương hoa, kỹ nhạc, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, quần áo, đồ ăn uống, ngọa cụ, y dược, phòng nhà, điện đường… mà cúng dường, rước đến, đưa đi. Sở dĩ vì sao? Vì người này đã ở chỗ các đức Phật quá khứ, trồng sâu căn lành, thành tựu phước đức. Vậy nên hôm nay, ở trước ta ông muốn rống tiếng sư tử. Này thiện nam tử! Như vua sư tử tự biết thân lực, nanh vuốt nhọn hoắt, bốn chân chống đất, an trụ trong hang nghiêm bị, đập đuôi phát ra tiếng. Nếu sư tử có đủ các tướng như vậy thì phải biết nó có thể rống tiếng sư tử. Vua sư tử chân thật sáng sớm ra khỏi hang, vươn vai ngáp dài, quay nhìn bốn hướng, phát ra tiếng rống chấn động vì mười một việc. Những gì là mười một? Một là vì muốn hoại chẳng phải sư tử thật mà giả làm sư tử. Hai là muốn thử thách thân lực của mình. Ba là vì muốn chỗ ở sạch. Bốn là vì muốn các con biết chỗ ở. Năm là vì muốn bày đàn không lòng kinh sợ. Sáu là vì muốn người ngủ được thức tỉnh. Bảy là vì muốn tất cả các loài thú phóng dật chẳng buông lung. Tám là vì muốn các loài thú đến nhờ nương cận kề. Chín là vì muốn điều phục các con hương tượng. Mười là vì muốn dạy bảo những vợ con. Mười một là vì muốn trang nghiêm quyến thuộc của mình. Tất cả loài cầm thú nghe tiếng rống sư tử thì loài sống dưới nước lặn chìm vực sâu, loài đi trên đất giấu mình trong hang động, loài bay trên không rơi rớt xuống. Những con hương tượng lớn sợ chạy vãi phân… Này thiện nam tử! Như loài dã thú kia cho dù có đuổi theo sư tử đến hàng trăm năm thì nhất định chẳng thể tạo được tiếng rống của sư tử. Nếu sư tử bắt đầu tròn ba tuổi thì có thể kêu rống như vua sư tử. Này thiện nam tử! Thân đầy đủ nanh vuốt trí tuệ, bốn như ý túc, sáu Balamật của Như Lai với mười lực hùng mạnh, đại Bi làm đuôi, an trụ trong hang thanh tịnh Tứ Thiền, Như Lai vì các chúng sinh mà rống tiếng sư tử, diệt phá ma quân, mười lực thị chúng, mở hành xứ của Phật, vì các tà kiến làm chỗ quy y, an ủi vỗ về chúng sinh kinh sợ sinh tử, thức tỉnh chúng sinh trong giấc ngủ vô minh, người làm ác pháp vì họ tạo tác lòng hối hận, khai thị tất cả chúng sinh tà kiến khiến cho họ biết hàng Lục Sư chẳng phải là sư tử hống, phá lòng kiêu mạn của Phú lan na. Vì khiến cho hàng Nhị thừa sinh lòng hối hận, vì dạy các Bồ tát năm trụ.v.v… sinh tâm đại Lực, vì khiến cho bốn bộ chúng chánh kiến đối với bốn bộ đồ đảng tà kiến kia chẳng sinh ra sợ hãi… nên từ trong hang động Thánh hạnh, Phạm hạnh, Thiên hạnh vươn vai mà ra. Vì muốn khiến cho những chúng sinh đó.v.v… phá kiêu mạn nên ngáp dài. Vì khiến cho các chúng sinh.v.v… sinh ra thiện pháp nên quay nhìn bốn hướng. Vì khiến cho chúng sinh được bốn ngại nên bốn chân chống đất. Vì khiến cho chúng sinh an trụ đầy đủ ở Thi Balamật nên rống tiếng sư tử. Tiếng rống sư tử gọi là lời nói quyết định, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Như Lai thường trụ không có biến dịch. Này thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác tuy lại theo đuổi Như Lai Thế Tôn đến vô lượng trăm ngàn atăngkỳ kiếp mà cũng chẳng thể làm nên tiếng rống sư tử. Bồ tát Thập Trụ nếu có thể tu hành ba hành xứ này thì phải biết là có thể rống tiếng sư tử. Này các thiện nam tử! Ðại Bồ tát Sư Tử Hống này hôm nay muốn rống lên tiếng sư tử lớn như vậy. Vậy nên thâm tâm các ông cần phải cúng dường cung kính, tôn trọng khen ngợi!
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Ðại Bồ tát Sư Tử Hống rằng:
– Này thiện nam tử! Nếu ông muốn hỏi thì hôm nay có thể tùy ý!
Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là Phật tính? Do ý nghĩa gì nên gọi là Phật tính? Vì sao lại gọi là Thường Lạc Ngã Tịnh? Nếu tất cả chúng sinh có Phật tính thì vì sao chẳng thấy Phật tính sở hữu của tất cả chúng sinh? Bồ tát Thập Trụ trụ ở những pháp gì mà chẳng thấy rõ ràng? Phật trụ ở những pháp gì mà thấy rõ ràng? Bồ tát Thập Trụ dùng những mắt gì mà chẳng thấy rõ ràng? Phật dùng mắt gì mà thấy rõ ràng?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Hay thay! Hay thay! Nếu có người có thể vì pháp hỏi han thì được đầy đủ hai thứ trang nghiêm, một là trí tuệ, hai là phước đức. Nếu có Bồ tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm như vậy thì biết được Phật tính và cũng giải biết sao gọi là Phật tính… cho đến có thể biết Bồ tát Thập Trụ dùng mắt gì để thấy, các đức Phật Thế Tôn dùng mắt gì để thấy!
Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là Trí Tuệ trang nghiêm? Sao gọi là phước đức trang nghiêm?
– Này thiện nam tử! Tuệ trang nghiêm là gọi từ Nhất Ðịa cho đến Thập Ðịa. Ðó gọi là Tuệ trang nghiêm. Phước đức trang nghiêm là gọi từ Ðàn Balamật cho đến Bát nhã, chẳng phải là Bát nhã Balamật. Lại nữa, tuệ trang nghiêm là gọi các đức Phật, Bồ tát. Phước đức trang nghiêm là gọi Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cữu trụ.
Lại nữa, này thiện nam tử! Phước đức trang nghiêm là hữu vi, hữu lậu, có hữu, có quả báo, có ngăn ngại, chẳng phải thường… là những pháp phàm phu. Tuệ trang nghiêm là vô vi, vô lậu, không hữu, không quả báo, không ngăn ngại, thường trụ. Này thiện nam tử! Nay ông đầy đủ hai thứ trang nghiêm này nên có thể hỏi diệu nghĩa thậm thâm. Ta cũng đầy đủ hai thứ trang nghiêm này nên có thể đáp nghĩa đó.
Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu có Bồ tát đầy đủ hai thứ trang nghiêm như vậy, thì chẳng nên hỏi một thứ, hai thứ… thì sao đức Thế Tôn nói rằng có thể đáp một thứ, hai thứ. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả các pháp không một, hai thứ. Một thứ, hai thứ là tướng của phàm phu.
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Nếu có Bồ tát không có hai thứ trang nghiêm thì chẳng thể biết một thứ, hai thứ. Nếu có Bồ tát đủ hai thứ trang nghiêm thì có thể giải biết một thứ, hai thứ. Nếu nói rằng các pháp không một, hai thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy? Nếu không một, hai thì làm sao được nói tất cả các pháp không một, không hai… Này thiện nam tử! Nếu nói rằng, một, hai là tướng của phàm phu thì đó mới gọi là Bồ tát Thập Trụ, chẳng phải phàm phu. Vì sao vậy? Vì một là gọi Niết Bàn, hai là gọi sinh tử. Vì sao một thì gọi là Niết Bàn? Vì một ấy thường! Vì sao hai thì gọi là sinh tử? Vì thọ vô minh. Thường Niết Bàn thì chẳng phải tướng phàm phu. Sinh tử là hai thì cũng chẳng phải tướng phàm phu. Do nghĩa này nên người đủ hai trang nghiêm thì có thể hỏi, có thể đáp. Này thiện nam tử! Ông hỏi, sao gọi là Phật tính? Ông hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói! Này thiện nam tử! Phật tính là gọi Ðệ Nhất Nghĩa Không. Ðệ Nhất Nghĩa Không gọi là trí tuệ. Sở dĩ nói không là chẳng thấy không cùng chẳng không. Người trí tuệ thấy không và cùng chẳng không, thường cùng vô thường, khổ cùng vui, ngã cùng vô ngã. Không là tất cả sinh tử, chẳng không thì gọi là Ðại Niết Bàn… cho đến vô ngã tức là sinh tử. Ngã thì gọi là Ðại Niết Bàn. Thấy tất cả không, chẳng thấy chẳng không chẳng gọi là trung đạo… cho đến thấy tất cả vô ngã, chẳng thấy ngã thì chẳng gọi là trung đạo. Trung đạo thì gọi là Phật tính. Do nghĩa này nên Phật tính thường hằng không có biến dịch, vì vô minh che nên khiến cho chúng sinh chẳng thể được thấy. Thanh Văn, Duyên Giác thấy tất cả không, chẳng thấy chẳng không… cho đến thấy tất cả vô ngã, chẳng thấy được ngã. Do nghĩa này nên họ chẳng được đệ nhất nghĩa không. Chẳng được Ðệ nhất nghĩa không nên chẳng hành trung đạo. Không trung đạo nên chẳng thấy Phật tính. Này thiện nam tử! Người chẳng thấy trung đạo thì thường có ba hạng, một là Ðịnh Lạc hạnh, hai là Ðịnh Khổ hạnh, ba là Khổ Lạc hạnh. Ðịnh Lạc hạnh là gọi Ðại Bồ tát thương xót tất cả chúng sinh nên tuy ở tại địa ngục A tỳ nhưng như niềm vui Tam thiền. Ðịnh khổ hạnh là gọi các phàm phu. Khổ lạc hạnh là gọi Thanh Văn, Duyên Giác. Thanh Văn, Duyên Giác hành theo khổ lạc, tác khởi tư tưởng trung đạo. Do nghĩa này nên tuy có Phật tính mà chẳng thể thấy. Như lời ông đã hỏi, do nghĩa gì nên gọi là Phật tính? Này thiện nam tử! Phật tính thì tức là chủng tử trung đạo của tất cả các đức Phật Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại nữa, này thiện nam tử! Ðạo có ba thứ là hạ, thượng, trung. Hạ là Phạm thiên, vô thường lầm thấy là thường. Hạ là sinh tử vô thường lầm thấy là thường, Tam Bảo là thường mà ngang ngược kể là vô thường. Sao gọi là Thượng? Có thể được tối thượng Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Trung thì gọi là Ðệ nhất nghĩa không, vô thường thấy vô, thường thấy là thường. Ðệ nhất nghĩa không chẳng gọi là hạ. Vì sao vậy? Vì điều chẳng thể được của tất cả phàm phu nên chẳng gọi là Thượng. Vì sao vậy? Vì tức là Thượng vậy. Ðạo tu hành của các đức Phật, Bồ tát chẳng thượng, chẳng hạ. Do nghĩa này nên gọi là trung đạo vậy.
Lại nữa, này thiện nam tử! Này thiện nam tử! Bản tế của sinh tử thường có hai thứ, một là vô minh, hai là hữu ái. Trung gian của hai thứ này thì có khổ, sinh, già, bệnh, chết. Ðó gọi là Trung đạo. Như vậy trung đạo có thể phá sinh tử nên gọi là trung. Do nghĩa này nên pháp trung đạo gọi là Phật tính. Vậy nên Phật tính Thường Lạc Ngã Tịnh. Do các chúng sinh chẳng thể thấy nên cho là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Phật tính thật chẳng phải vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Này thiện nam tử! Ví như nhà người nghèo có bảo tàng mà người đó chẳng thấy. Do chẳng thấy nên vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Có người thiện tri thức nói với người đó rằng: “Trong nhà ông có Kim bảo tàng (kho báu chứa vàng) mà vì sao ông bần cùng khốn khổ, vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh như vậy?” Người này liền dùng phương tiện khiến cho người nghèo kia thấy được. Do được thấy nên người đó liền được Thường Lạc Ngã Tịnh. Phật tính cũng vậy, chúng sinh chẳng thấy mà do chẳng thấy nên vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Có thiện tri thức các đức Phật, Bồ tát dùng phương tiện lực, đủ thứ lời dạy bảo khiến cho những chúng sinh đó được thấy. Do được thấy nên chúng sinh liền được Thường Lạc Ngã Tịnh.
Lại nữa, này thiện nam tử! Chúng sinh khởi kiến thường có hai thứ, một là thường kiến, hai là đoạn kiến. Hai kiến như vậy chẳng gọi là trung đạo, vô thường vô đoạn mới gọi là trung đạo. Vô thường vô đoạn tức là trí quán chiếu mười hai duyên. Trí quán như vậy thì gọi là Phật tính. Người Nhị thừa tuy quán nhân duyên nhưng còn cũng chẳng được gọi là Phật tính. Phật tính tuy thường do các chúng sinh bị vô minh che nên chẳng thể được thấy, lại chưa có thể qua khỏi dòng sông mười hai duyên, giống như con thỏ, con ngựa. Vì sao vậy? Vì chẳng thấy Phật tính vậy. Này thiện nam tử! Trí tuệ quán mười hai nhân duyên này tức là hạt giống Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên gọi là Phật tính. Này thiện nam tử! Ví như nấm hồ gọi là bệnh nóng. Vì sao vậy? Vì nó có thể vì bệnh nóng làm nhân duyên. Mười hai nhân duyên cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Phật tính thì có nhân, có nhân của nhân, có quả, có quả của quả. Có nhân tức là mười hai nhân duyên. Nhân của nhân thì tức là trí tuệ. Có quả thì tức là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Quả của quả tức là Vô Thượng Ðại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử! Ví như vô minh là nhân, các hành là quả, hành là nhân, thức là quả. Do nghĩa này nên thể của vô minh đó cũng là nhân cũng là nhân của nhân và thức cũng là quả, cũng là quả của quả. Phật tính cũng vậy. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên chẳng sinh ra, chẳng diệt đi, chẳng thường, chẳng đoạn, chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng lại, chẳng đi, chẳng nhân, chẳng phải quả. Này thiện nam tử! Nhân này chẳng phải quả. Như Phật tính là quả chẳng phải nhân. Như Ðại Niết Bàn là nhân, là quả. Như pháp sở sinh của mười hai nhân duyên chẳng phải nhân, chẳng phải quả nên gọi là Phật tính, chẳng phải nhân quả nên thường hằng không biến dịch. Do nghĩa này nên trong kinh ta nói mười hai nhân duyên, nghĩa ấy thậm thâm, không biết, không thấy, chẳng thể nghĩ bàn, là cảnh giới của các đức Phật, Bồ tát, chẳng phải các Thanh Văn, Duyên Giác bì kịp. Do nghĩa gì nên rất sâu rất sâu? Nghiệp hành của chúng sinh chẳng thường, chẳng đoạn mà được quả báo, tuy niệm niệm diệt mà không có gì mất, tuy không tác giả mà có tác nghiệp, tuy không người thọ mà có quả báo. Người thọ tuy diệt nhưng quả chẳng bại vong, tuy không có nghĩ biết, hòa hợp mà có tất cả chúng sinh, tuy cùng mười hai nhân duyên hành động chung mà chẳng thấy biết mà chẳng thấy biết nên không có đầu, cuối. Bồ tát Thập Trụ chỉ thấy cuối nghiệp hành ấy, chẳng thấy đầu của nghiệp hành ấy. Các đức Phật Thế Tôn thì thấy đầu, thấy cuối. Do nghĩa này nên các đức Phật được thấy Phật tính rõ ràng. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh chẳng thể thấy đến mười hai nhân duyên nên bị luân chuyển. Này thiện nam tử! Như con tằm làm kén tự sinh, tự chết. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, chẳng thấy Phật tính nên tự tạo kết nghiệp lưu chuyển sinh tử giống như đá cầu. Này thiện nam tử! Vậy nên ở trong các Kinh ta nói rằng, nếu có người thấy mười hai nhân duyên thì tức là thấy pháp mà thấy pháp tức là thấy Phật. Phật tức là Phật tính. Vì sao vậy? Vì tất cả các đức Phật lấy Phật tính này làm tính. Này thiện nam tử! Trí quán mười hai nhân duyên thường có bốn thứ, một là hạ, hai là trung, ba là thượng, bốn là thượng thượng. Người hạ trí quán chẳng thấy Phật tính. Do chẳng thấy nên họ được đạo Thanh Văn. Người trung trí quán thì chẳng thấy Phật tính mà do chẳng thấy nên được đạo Duyên Giác. Người thượng trí quán thì thấy Phật tính chẳng rõ ràng mà thấy chẳng rõ ràng nên trụ ở Thập Trụ Ðịa. Người thượng thượng trí quán thì thấy Phật tính rõ ràng nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên mười hai nhân duyên gọi là Phật tính. Phật tính tức là Ðệ nhất nghĩa không. Ðệ nhất nghĩa không gọi là trung đạo. Trung đạo tức là Phật mà Phật gọi là Niết Bàn.
Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu Phật cùng Phật tính không sai khác thì tất cả chúng sinh cần gì phải tu đạo?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Như lời ông hỏi thì nghĩa này chẳng đúng! Phật cùng Phật tính tuy không sai khác, nhưng các chúng sinh đều chưa đầy đủ. Này thiện nam tử! Ví như có người ác tâm hại mẹ, hại rồi sinh ra hối hận. Nghiệp thứ hai tuy tốt nhưng người này gọi là người địa ngục. Vì sao vậy? Vì người này nhất định phải đọa địa ngục. Người này tuy không địa ngục, ấm, giới, các nhập nhưng còn được gọi là người địa ngục. Này thiện nam tử! Vậy nên ở trong các Kinh ta nói rằng, nếu thấy có người tu hành thiện thì gọi là thấy trời người. Người tu hành ác thì gọi là thấy địa ngục. Vì sao vậy? Vì nhất định thọ báo. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ta nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Tất cả chúng sinh chân thật chưa có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Do nghĩa này nên ở Kinh này ta nói bài kệ này:
Trước có nay không
Trước không nay có
Pháp ba đời có
Ðiều này là không.
Này thiện nam tử! Có thì thường có ba thứ, một là vị lai có, hai là hiện tại có, ba là quá khứ có. Tất cả chúng sinh đời vị lai sẽ có Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Ðó gọi là Phật tính. Tất cả chúng sinh hiện tại đều có những kết phiền não nên hiện tại không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tất cả chúng sinh đời quá khứ mà có đoạn trừ phiền não nên hiện tại được thấy Phật tính. Do nghĩa này nên ta thường tuyên nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, thậm chí nhất xiển đề.v.v… cũng có Phật tính. Nhất xiển đề.v.v… không có thiện pháp mà Phật tính cũng thiện. Do đời vị lai sẽ có nên Nhất xiển đề.v.v.. đều có Phật tính. Vì sao vậy? Vì nhất xiển đề.v.v… nhất định sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Ví như có người, trong nhà có cao sữa. Có người hỏi hắn rằng: “Ông có váng sữa không vậy?” Ðáp rằng: “Ta có cao sữa, thật chẳng phải váng sữa. Nhưng ta dùng phương tiện khéo thì nhất định sẽ có được nên nói rằng, có váng sữa”. Chúng sinh cũng vậy, họ đều có tâm mà phàm có tâm thì nhất định sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên ta thường tuyên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Này thiện nam tử! Rốt ráo (tất cánh) có hai thứ, một là trang nghiêm rốt ráo, hai là cứu cánh rốt ráo. Một là thế gian rốt ráo, hai là xuất thế gian rốt ráo. Trang nghiêm rốt ráo là sáu Ba la mật. Cứu cánh rốt ráo là tất cả chúng sinh được Nhất thừa. Nhất Thừa thì gọi là Phật tính. Do nghĩa này nên ta nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả chúng sinh đều có Nhất thừa nhưng vì vô minh che lấp nên chẳng thể được thấy. Này thiện nam tử! Như quả báo ba mươi ba trời cõi Uất Ðan Việt bị che khuất nên chúng sinh của thế gian này chẳng thể được thấy. Phật tính cũng vậy, các kết sử che khuất nên chúng sinh chẳng thấy. Lại nữa, này thiện nam tử! Phật tính tức là Thủ Lăng Nghiêm tam muội, tính như Ðề hồ tức là mẹ của tất cả các đức Phật. Do sức lực của Thủ Lăng Nghiêm tam muội mà khiến cho các đức Phật Thường Lạc Ngã Tịnh. Tất cả chúng sinh đều có Thủ Lăng Nghiêm tam muội, nhưng vì chẳng tu hành nên chẳng được thấy. Vậy nên chẳng thể được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Thủ Lăng Nghiêm tam muội có năm thứ tên, một là Thủ Lăng Nghiêm tam muội, hai là Bát nhã Ba la mật, ba là Kim Cương tam muội, bốn là Sư Tử Hống tam muội, năm là Phật tính. Tùy theo sở tác của tam muội ấy khắp nơi nơi mà được danh xưng. Này thiện nam tử! Như một tam muội được đủ thứ tên: Như Thiền gọi là Tứ Thiền, căn gọi là Ðịnh Căn, lực gọi là Ðịnh Lực, giác gọi là Ðịnh Giác, chính gọi là Ðịnh Chính, Bát đại nhân giác gọi là Ðịnh Giác. Thủ Lăng Nghiêm định cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh đầy đủ ba định là Thượng, Trung, Hạ. Thượng định thì gọi là Phật tính. Do đó nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Trung định là tất cả chúng sinh đầy đủ sơ thiền, khi có nhân duyên thì có thể tu tập, nếu không có nhân duyên thì chẳng thể tu tập. Nhân duyên có hai thứ, một gọi là hỏa tai (tai họa lửa), hai gọi là phá kết sử của dục giới. Do đó nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều đủ Trung định. Hạ định là trong mười Ðại Ðịa, tâm số định vậy. Do đó nên nói rằng, tất cả chúng sinh đều đủ hạ định. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính nhưng vì phiền não che khuất nên chẳng thể được thấy. Bồ tát Thập Trụ tuy thấy Nhất Thừa nhưng chẳng biết Như Lai là pháp thường trụ. Do đó nên nói rằng, Bồ tát Thập Trụ tuy thấy Phật tính mà chẳng sáng tỏ. Này thiện nam tử! Thủ Lăng Nghiêm thì gọi là Rốt ráo tất cả. Nghiêm gọi là Kiên, tất cả rốt ráo mà được kiên cố thì gọi là Thủ Lăng Nghiêm. Do đó nên nói rằng, Thủ Lăng Nghiêm tam muội định gọi là Phật tính.
Này thiện nam tử! Một thuở, ta ở cạnh sông Ni Liên Thiền, bảo ông A Nan rằng: “Ta nay muốn tắm, ông hãy lấy áo và cả bát gỗ múc nước tắm!” Ta đã vào nước rồi thì tất cả loài chim bay, các loài thuộc dưới nước, trên đất đều đến xem ta. Bấy giờ lại có năm trăm vị Phạm Chí đến tại bờ sông. Nhân đến chỗ ta tắm, họ đều nói với nhau rằng: “Làm sao mà được tấm thân Kim Cương? Nếu giả sử ông Cù Ðàm chẳng nói đoạn kiến thì ta sẽ từ ấy khải thọ Trai pháp!” Này thiện nam tử! Lúc bấy giờ, ta dùng trí Tha Tâm biết được điều nghĩ của lòng Phạm Chí này nên bảo Phạm Chí rằng: “Sao gọi là ta nói đến Ðoạn Kiến?” Ông Phạm Chí đó nói rằng: “Thưa ông Cù Ðàm! Trước đây ở mọi chỗ trong Kinh, ông nói các chúng sinh đều không có ngã. Ðã nói rằng vô ngã thì sao gọi là chẳng phải Ðoạn kiến vậy? Nếu vô ngã thì người trì giới là ai? Người phá giới là ai?” Phật nói rằng: “Ta cũng chẳng nói tất cả chúng sinh đều không có ngã mà ta thường tuyên nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Phật tính thì há chẳng phải là ngã sao? Do nghĩa này nên ta chẳng nói Ðoạn. Tất cả chúng sinh chẳng thấy Phật tính nên vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Như thế thì gọi là nói Ðoạn Kiến vậy”. Các Phạm Chí nghe nói Phật tính tức là ngã nên liền phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đồng thời xuất gia tu đạo Bồ Ðề. Tất cả các loài thuộc loại chim bay, sống dưới nước, ở trên đất cũng phát tâm Bồ Ðề Vô Thượng. Ðã phát tâm rồi thì chúng liền được xả thân. Này thiện nam tử! Phật tính này thật ra chẳng phải ngã, nhưng vì chúng sinh nên ta nói danh xưng là ngã. Này thiện nam tử! Như Lai có nhân duyên nên nói rằng, vô ngã là ngã mà chân thật là vô ngã. Tuy ta nói lời này nhưng không có hư vọng. Này thiện nam tử! Vì có nhân duyên nên nói ngã là vô ngã mà chân thật có ngã. Vì thế giới nên tuy nói vô ngã mà không hư vọng. Phật tính không ngã Như Lai nói ngã vì là thường vậy. Như Lai là ngã mà nói vô ngã được tự tại vậy.
Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Sư Tử Hống bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sinh đều có Phật tính như lực sĩ Kim Cương thì vì nghĩa gì mà tất cả chúng sinh chẳng thể được thấy?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Ví như sắc pháp tuy có khác về màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, về tính chất hình dáng dài ngắn… nhưng người mù chẳng thấy. Tuy họ chẳng thấy nhưng cũng chẳng được nói rằng, sắc pháp không có tính chất, hình dáng dài, ngắn, xanh, vàng, đỏ, trắng. Vì sao vậy? Vì tuy người mù chẳng thấy, nhưng người sáng mắt thì thấy. Phật tính cũng vậy, tất cả chúng sinh tuy chẳng thể thấy nhưng Bồ tát Thập Trụ thấy một phần ít, Như Lai thấy hoàn toàn. Bồ tát Thập Trụ thấy Phật tính như ban đêm thấy sắc. Việc thấy Phật tính của Như Lai thì như ban ngày thấy sắc. Này thiện nam tử! Ví như người mù lòa thấy sắc chẳng rõ. Có vị lương y trị liệu cho ông ấy, nhờ sức lực của thuốc nên được thấy rõ ràng. Bồ tát Thập Trụ cũng lại như vậy, tuy thấy Phật tính chẳng thể rõ ràng nhưng do lực của Thủ Lăng Nghiêm tam muội nên có thể được sáng tỏ. Này thiện nam tử! Nếu có người thấy tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh và thấy chẳng phải tất cả pháp cũng vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh thì người như vậy chẳng thấy Phật tính. Tất cả thì gọi là sinh tử. Chẳng phải tất cả thì gọi là Tam Bảo. Thanh Văn, Duyên Giác thấy tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh và chẳng phải tất cả pháp cũng thấy vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Do nghĩa này nên họ chẳng thấy Phật tính. Bồ tát Thập Trụ thấy tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, thấy chẳng phải tất cả pháp một phần ít Thường Lạc Ngã Tịnh. Do nghĩa này nên trong mười phần được thấy một phần. Các đức Phật Thế Tôn thấy tất cả pháp vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh, thấy chẳng phải tất cả pháp là Thường Lạc Ngã Tịnh. Do nghĩa này nên thấy Phật tính như xem trái A ma lặc trong lòng bàn tay. Do nghĩa này nên Thủ Lăng Nghiêm định gọi là Rốt ráo (tất cánh). Này thiện nam tử! Ví như trăng ngày đầu tiên tuy chẳng thể thấy nhưng chẳng được nói là không. Phật tính cũng vậy, tất cả phàm phu tuy chẳng được thấy nhưng cũng chẳng được nói là không có Phật tính vậy.
Này thiện nam tử! Phật tính thì như là mười lực, bốn vô sở úy, đại Bi, ba niệm xứ. Tất cả chúng sinh đều có ba thứ phá phiền não rồi nhiên hậu được thấy nhất xiển đề. Phá nhất xiển đề, rồi nhiên hậu được mười lực, bốn vô sở úy, đại Bi, ba niệm xứ. Do nghĩa này nên ta thường tuyên nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Này thiện nam tử! Mười hai nhân duyên thì tất cả chúng sinh đều chung có cả bên trong lẫn bên ngoài. Những gì là mười hai? Phiền não quá khứ gọi là vô minh, nghiệp quá khứ thì gọi là hành. Trong đời hiện tại khi bắt đầu thọ thai thì gọi là Thức. Vào thai mà năm phần tư căn chưa đủ thì gọi là Danh Sắc. Ðầy đủ bốn căn chưa gọi là Xúc thì đó gọi là Lục Nhập. Chưa phân biệt khổ vui thì đó gọi là Xúc. Nhiễm tập một ái thì gọi là Thọ. Quen gần năm dục thì đó gọi là Ái. Tham cầu trong, ngoài thì đó gọi là Thủ. Vì việc trong ngoài mà khởi lên nghiệp thân, miệng, ý thì gọi là Hữu. Thức của đời hiện tại gọi là vị lai Sinh. Danh sắc, lục nhập, xúc, thọ hiện tại gọi là Lão bệnh tử đời vị lai. Ðó gọi là mười hai nhân duyên. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sinh tuy có mười hai nhân duyên như vậy nhưng hoặc có loại chưa đủ. Như khi Ca la la chết thì không mười hai, từ sinh cho đến chết, được kể đủ mười hai. Chúng sinh cõi sắc không ba thứ thọ, ba thứ xúc, ba thứ ái, không có lão bệnh thì cũng được gọi là đầy đủ mười hai. Chúng sinh cõi Vô Sắc không sắc… cho đến không có lão tử mà cũng được gọi là đầy đủ mười hai. Do họ nhất định được nên gọi là chúng sinh bình đẳng có đủ mười hai nhân duyên. Này thiện nam tử! Phật tính cũng vậy, tất cả chúng sinh nhất định sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ta nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Này thiện nam tử! Núi Tuyết có thứ cỏ tên là Nhẫn Nhục, trâu ăn vào thì cho ra đề hồ. Ở đó lại có thứ cỏ khác, trâu nếu ăn thì không có đề hồ. Tuy không đề hồ nhưng chẳng thể nói rằng, trong núi Tuyết không có cỏ Nhẫn Nhục. Phật tính cũng vậy, núi Tuyết là gọi Như Lai, cỏ Nhẫn Nhục là gọi Ðại Niết Bàn, cỏ khác là mười hai bộ Kinh. Chúng sinh nếu có thể thính thọ, hỏi han, gợi mở Ðại Bát Niết Bàn thì thấy Phật tính. Trong mười hai bộ Kinh, tuy chẳng nghe nói có nhưng chẳng thể nói rằng, không Phật tính vậy.
Này thiện nam tử! Phật tính là cũng sắc, phi sắc, phi sắc phi phi sắc, cũng tướng, phi tướng, phi tướng phi phi tướng, cũng nhất (một), phi nhất, phi nhất phi phi nhất, phi thường, phi đoạn, phi phi thường, phi phi đoạn, cũng có, cũng không, chẳng phải có, chẳng phải không, cũng là tận, phi tận, phi tận phi phi tân, cũng nhân, cũng quả, chẳng phải nhân, chẳng phải quả, cũng là nghĩa, phi nghĩa, phi nghĩa phi phi nghĩa, cũng là tự (chữ), phi tự, phi tự phi phi tự. Sao gọi là sắc? Thân Kim Cương. Sao gọi là phi sắc? Mười tám pháp phi sắc bất cộng. Sao gọi là phi sắc phi phi sắc? Sắc phi sắc không có định tướng. Sao gọi là tướng. Ba mươi hai tướng. Sao gọi là phi tướng? Tướng của tất cả chúng sinh chẳng hiện ra. Sao gọi là phi tướng phi phi tướng? Tướng chẳng phải tướng chẳng quyết định. Sao gọi là nhất? Tất cả chúng sinh đều Nhất thừa. Sao gọi là phi nhất? Nói về Ba Thừa. Sao gọi là phi nhất phi phi nhất? Vô số pháp. Sao gọi là phi thường? Từ nhân duyên mà thấy. Sao gọi là đoạn? Lìa khỏi đoạn kiến. Sao gọi là phi phi thường, phi phi đoạn? Không thỉ chủng vậy. Sao gọi là hữu? Tất cả chúng sinh đều là hữu. Sao gọi là vô? Từ phương tiện khéo mà được thấy. Sao gọi là phi hữu phi vô? Tính của hư không vậy. Sao gọi là tận? Ðược Thủ Lăng Nghiêm tam muội. Sao gọi là phi tận? Vì tam muội ấy thường vậy. Sao gọi là phi tận phi phi tận? Tất cả tướng tận đoạn hết. Sao gọi là nhân? Vì rõ nhân vậy! Sao gọi là quả? Vì quả quyết định vậy. Sao gọi là phi nhân, phi quả? Vì nhân quả ấy thường. Sao gọi là nghĩa? Có thể nhiếp lấy hết nghĩa không ngại. Sao gọi là phi nghĩa? Chẳng thể nói vậy. Sao gọi là phi nghĩa phi phi nghĩa? Rốt ráo rỗng không vậy. Sao gọi là Tự (chữ)? Có danh xưng vậy. Sao gọi là phi tự? Tên không tên vậy. Sao gọi là phi tự phi phi tự? Ðạon dứt tất cả tự. Sao gọi là phi khổ phi lạc? Ðoạn dứt tất cả Thọ. Sao gọi là phi ngã? Chưa có thể đủ được tám tự tại. Sao gọi là phi phi ngã? Do ngã ấy thường. Sao gọi là phi ngã phi phi ngã? Chẳng tác, chẳng thọ vậy. Sao gọi là không? Ðệ nhất nghĩa không. Sao gọi là phi không? Do không ấy thường vậy. Sao gọi là phi không phi phi không? Có thể vì thiện pháp tạo tác chủng tử vậy. Này thiện nam tử! Nếu có người có thể suy nghĩ giải rõ nghĩa của Kinh Ðại Niết Bàn như vậy thì phải biết người này thấy được Phật tính. Phật tính chẳng thể nghĩ bàn mới chính là cảnh giới của các đức Phật Như Lai, chẳng phải là điều hiểu biết của các Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử! Phật tính chẳng phải là ấm, giới, nhập, chẳng phải vốn không nay có, chẳng phải đã có rồi trở lại không, từ nhân duyên thiện mà chúng sinh được thấy. Ví như sắt đen cho vào lửa thì đỏ, lấy ra lạnh thì trở lại đen, màu đen này chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài mà do nhân duyên nên có Phật tính cũng vậy, lửa phiền não diệt thì tất cả chúng sinh được nghe thấy. Này thiện nam tử! Như hạt giống diệt rồi thì mầm được sinh mà tính của mầm này chẳng phải bên trong, chẳng phải bên ngoài… cho đến hoa quả cũng lại như vậy, từ duyên nên có. Này thiện nam tử! Knh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này thành tựu đầy đủ vô lượng công đức. Phật tính cũng vậy, đều là sự thành tựu vô lượng vô biên công đức.
Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Bồ tát thành tựu đầy đủ bao nhiêu pháp để được thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng? Các đức Phật thành tựu bao nhiêu pháp mà được thấy rõ ràng?
– Này thiện nam tử! Bồ tát thành tựu đầy đủ mười pháp tuy thấy Phật tính mà chẳng sáng tỏ. Những gì là mười? Một là thiểu dục, hai là tri túc, ba là tịch tịnh, bốn là tinh tấn, năm là chánh niệm, sáu là chánh định, bảy là chánh tuệ, tám là giải thoát, chín là khen ngợi giải thoát, mười là dùng Ðại Niết Bàn giáo hóa chúng sinh!
Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Thiểu dục và tri túc có gì sai biệt?
– Này thiện nam tử! Thiểu dục là chẳng cầu, chẳng lấy. Tri túc là khi được ít lòng chẳng hối hận. Thiểu dục là ít có sự ham muốn. Tri túc là chỉ vì pháp sự, lòng chẳng sầu não. Này thiện nam tử! Dục có ba thứ, một là ác dục, hai là đại dục, ba là dục dục. Ác dục là nếu có Tỳ kheo, lòng sinh tham dục muốn làm thượng thủ của tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng Tăng đuổi theo sau mình, khiến cho những bốn bộ chúng đều cúng dường, cung kính, khen ngợi, tôn trọng mình, mình trước vì bốn chúng nói pháp đều khiến cho tất cả tin thọ lời dạy của mình, cũng muốn khiến cho quốc vương, đại thần, trưởng giả đều cung kính mình, khiến cho mình được nhiều y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, nhà cửa đẹp đẽ… là dục của sinh tử. Ðó gọi là ác dục. Sao gọi là Ðại dục? Nếu có Tỳ kheo sinh ra dục tâm: “Làm sao sẽ khiến cho bốn bộ chúng đều biết ta được Sơ trụ địa… cho đến Thập Trụ địa? Ðược Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác? Ðược quả A la hán cho đến quả Tu đà hoàn? Ta được Tứ thiền cho đến vô ngại trí?” để vì lợi dưỡng. Ðó gọi là Ðại Dục. Dục dục là nếu có Tỳ kheo muốn sinh làm Phạm thiên, Ma thiên, Tự Tại thiên, Chuyển Luân Tánh Vương, hoặc Sát Lợi, hoặc Bà la môn đều được tự tại là vì lợi dưỡng nên đó gọi là dục dục. Nếu chẳng bị sự hại của ba thứ ác dục này thì đó gọi là thiểu dục. Dục là gọi hai mươi lăm thứ yêu thích (ái). Không có hai mươi lăm thứ yêu thích như vậy thì đó gọi là thiểu dục. Chẳng cầu việc sở dục chưa đến thì đó gọi là thiểu dục. Ðược mà chẳng đắm trước thì đó gọi là tri túc. Chẳng cầu cung kính, đó gọi là thiểu dục. Ðược chẳng tích tụ, đó gọi là tri túc. Này thiện nam tử! Cũng có thiểu dục chẳng gọi là tri túc, có tri túc chẳng gọi là thiểu dục, cũng có thiểu dục cũng tri túc, có chẳng tri túc chẳng thiểu dục. Thiểu dục là gọi Tu đà hoàn, tri túc là gọi Bích Chi Phật, thiểu dục tri túc là gọi A la hán, chẳng thiểu dục chẳng tri túc là gọi Bồ tát. Này thiện nam tử! Thiểu dục tri túc lại có hai thứ, một là thiện, hai là chẳng thiện. Chẳng thiện là gọi phàm phu. Thiện là thánh nhân Bồ tát. Tất cả Thánh nhân tuy được đạo quả nhưng chẳng tự xưng nói. Chẳng xưng nói nên lòng chẳng não hận. Ðó gọi là tri túc. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát tu tập Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn muốn thấy Phật tính nên tu tập thiểu dục tri túc. Sao gọi là tịch tịnh? Tịch tịnh có hai, một là tâm tịch tịnh, hai là thân tịch tịnh. Thân tịch tịnh thì nhất định chẳng tạo tác ba thứ ác của thân. Tâm tịch tịnh thì cũng chẳng tạo tác ba thứ ác của ý. Ðó gọi là thân tâm tịch tịnh. Thân tịch tịnh là chẳng thân cận bốn chúng, chẳng can dự vào sự nghiệp sở hữu của bốn chúng. Tâm tịch tịnh là nhất định chẳng tu tập tham dục, sân nhuế, ngu si. Ðó gọi là thân tâm tịch tịnh. Hoặc có Tỳ kheo, thân tuy tịch tịnh mà tâm chẳng tịch tịnh, có tâm tịch tịnh mà thân chẳng tịch tịnh, có thân tâm tịch tịnh, lại có thâm tâm đều chẳng tịch tịnh. Thân tịch tịnh tâm chẳng tịch tịnh là, hoặc có Tỳ kheo ngồi thiền chỗ tịch tịnh, xa lìa bốn chúng mà tâm thường tích tập tham dục, sân nhuế, ngu si. Ðó gọi là thân tịch tịnh, tâm chẳng tịch tịnh. Tâm tịch tịnh thân chẳng tịch tịnh là, hoặc có Tỳ kheo thân cận bốn chúng, quốc vương, đại thần mà đoạn trừ tham, sân, si. Ðó gọi là tâm tịch tịnh thân chẳng tịch tịnh. Thân tâm tịch tịnh là gọi các đức Phật, Bồ tát. Thân tâm chẳng tịch tịnh là gọi các phàm phu. Vì sao vậy? Vì người phàm phu tuy thân tâm có tịch tịnh nhưng chẳng thể quan sát sâu vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Do nghĩa này nên người phàm phu chẳng thể tịch tịnh nghiệp của thân, miệng, ý. Bọn nhất xiển đề phạm bốn trọng cấm, tạo nên tội ngũ nghịch…. người như vậy cũng chẳng được gọi là thân tâm tịch tịnh. Sao gọi là tinh tấn? Nếu có Tỳ kheo muốn khiến cho nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, xa lìa tất cả các nghiệp bất thiện, tu tập tất cả các nghiệp thiện thì đó gọi là tinh tấn. Người đủ tinh tấn thì luôn nghĩ đến sáu chỗ là Phật, Pháp, Tăng, Giới, Thí, Trời. Ðó gọi là Chánh niệm. Người đủ Chánh niệm thì sở đắc tam muội. Ðó gọi là Chánh định. Người đủ Chánh định thì xem thấy các pháp giống như hư không. Ðó gọi là Chánh tuệ. Người đủ Chánh tuệ thì xa lìa các kết của tất cả phiền não. Ðó gọi là giải thoát. Người được giải thoát vì các chúng sinh khen ngợi giải thoát rằng, giải thoát này thường hằng bất biến. Ðó gọi là tán thán giải thoát. Giải thoát tức là Vô Thượng Ðại Bát Niết Bàn. Niết Bàn tức là lửa các kết phiền não diệt. Lại, Niết Bàn gọi là nhà cửa. Vì sao vậy? Vì có thể ngăn chận gió mưa phiền não ác. Lại, Niết Bàn gọi là bến bãi. Vì sao vậy? Vì bốn dòng sông dữ chẳng thể cuốn trôi. Những gì là bốn? Một là Dục bạo, hai là Hữu bạo, ba là Kiến bạo, bốn là Vô minh bạo (bạo ác, dữ). Vậy nên Niết Bàn gọi là bến bãi. Lại, Niết Bàn gọi là Về rốt ráo. Vì sao vậy? Vì có thể được tất cả niềm vui rốt ráo. Nếu có Ðại Bồ tát thành tựu đầy đủ mười pháp như vậy thì tuy thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng. Lại nữa, này thiện nam tử! Người xuất gia có bốn thứ bệnh nên chẳng được bốn quả Sa môn. Những gì là bốn bệnh? Ðó là bốn ác dục, một là y dục, hai là thực dục, ba là ngọa cụ dục, bốn là hữu dục. Ðó gọi là bốn ác dục. Bốn bệnh xuất gia này có bốn thứ thuốc hay có thể trị liệu chúng. Ðó là, Phấn tảo y có thể trị liệu Tỳ kheo bị bệnh y ác dục, Khất thực có thể phá bệnh thực ác dục, thọ hạ (ở dưới cây) có thể phá bệnh ngọa cụ ác dục, thân tâm tịch tịnh có thể phá trừ Tỳ kheo bị bệnh hữu ác dục. Nhờ bốn thứ thuốc này trừ được bốn bệnh đó. Bốn thứ thuốc này gọi là Thánh hạnh. Những hạnh Thánh như vậy được gọi là Thiểu dục tri túc. Tịch tịnh thì có bốn niềm vui. Những gì là bốn? Một là niềm vui xuất gia, hai là niềm vui tịch tịnh, ba là niềm vui vĩnh diệt, bốn là niềm vui rốt ráo. Ðược bốn niềm vui này gọi là Tịch Tịnh. Ðủ bốn tinh tấn nên gọi là Tinh Tấn. Ðủ bốn niệm xứ nên gọi là Chánh niệm. Ðủ bốn thiền nên gọi là Chánh định. Thấy bốn Thánh Thật nên gọi là Chánh tuệ. Ðoạn trừ vĩnh viễn tất cả phiền não kết nên gọi là giải thoát. Quở trách tất cả lỗi phiền não nên gọi là khen ngợi giải thoát. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát an trụ đầy đủ mười pháp như vậy thì tuy thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng. Lại nữa, này thiện nam tử! Ðại Bồ tát nghe Kinh này rồi thì gần gũi tu tập, xa lìa tất cả việc của thế gian. Ðó gọi là thiểu dục. Ðã xuất gia rồi thì chẳng sinh lòng hối hận. Ðó gọi là Tri túc. Ðã tri túc rồi thì gần chỗ không nhàn, xa lìa ồn ào, rối loạn. Ðó gọi là tịch tịnh. Người chẳng biết tri túc thì chẳng ưa không nhàn. Phàm người tri túc thì thường ưa không tịch. Họ ở chỗ thường tác khởi ý niệm này: “Tất cả thế gian đều cho là ta được đạo quả Sa môn, nhưng ta nay thật ra chưa có thể được. Nay ta làm sao mà lừa dối, mê hoặc mọi người được?” Tác khởi ý niệm này rồi, họ tinh cần tu tập đạo quả Sa môn. Ðó gọi là Tinh tấn. Thân cận tu tập Ðại Niết Bàn thì đó gọi là Chánh niệm. Thuận theo thiên hạnh thì đó gọi là Chánh định. An trụ ở định này mà chánh kiến, chánh tri thì đó gọi là Chánh tuệ. Thấy biết chân chính thì có thể được xa lìa sự trói buộc của phiền não kết. Ðó gọi là giải thoát. Bồ tát Thập Trụ vì chúng sinh nên xưng nói tốt Niết Bàn thì đó gọi là khen ngợi Giải thoát. Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát an trụ đầy đủ mười pháp như vậy thì tuy thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng. Lại nữa, này thiện nam tử! Luận về thiểu dục thì như có Tỳ kheo trụ ở chỗ không tịch, ngồi ngay ngắn, chẳng nằm. Hoặc Tỳ kheo trụ ở gốc cây, hoặc tại nghĩa địa, hoặc tại chỗ trống trải, tùy theo chỗ đất có cỏ mà ngồi lên, xin đồ ăn mà ăn, tùy theo đồ ăn xin được mà cho là đủ, hoặc một lần ngồi ăn chẳng quá một món ăn, chỉ cất giữ ba áo mà là áo phấn tảo cũ mục. Ðó gọi là thiểu dục. Ðã làm việc này mà lòng chẳng sinh ra hối hận thì đó gọi là Tri túc. Tu Không tam muội, đó gọi là Tịch tịnh. Ðược bốn quả rồi mà đối với tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác chẳng ngưng nghỉ thì đó gọi là Tinh tấn. Lòng luôn luôn suy nghĩ, Như Lai thường hằng không có biến dịch thì đó gọi là Chánh niệm. Tu tám Giải thoát thì đó gọi là Chánh định. Ðược bốn vô ngại thì đó gọi là Chánh tuệ. Xa lìa bảy lậu thì đó gọi là Giải thoát. Xưng nói tốt Niết Bàn không có mười tướng thì gọi là khen ngợi Giải thoát. Mười tướng là sinh, lão, bệnh, tử, sắc, thanh, hương, vị, xúc, vô thường. Xa lìa mười tướng thì gọi là Ðại Niết Bàn. Này thiện nam tử! Ðó gọi là Ðại Bồ tát an trụ đầy đủ mười pháp như vậy, tuy thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng. Lại nữa, này thiện nam tử! Vì nhiều dục nên gần gũi quốc vương, đại thần, trưởng giả, Sát Lợi, Bà la môn, Tỳ xá, Thủ đà và tự xưng là: “Ta được quả Tu đà hoàn… cho đến quả A la hán”. Vì lợi dưỡng nên đi, đứng, ngồi, nằm thậm chí cả khi đi đại, tiểu tiện lợi mà nếu thấy đàn việt còn hành lễ cung kính, tiếp dẫn, nói năng. Phá ác dục thì gọi là Thiểu dục. Tuy chưa có thể phá hoại hết các kết phiền não mà có thể đồng hành xứ với Như Lai. Ðó gọi là tri túc. Này thiện nam tử! Hai pháp như vậy mới là nhân duyên gần của Niệm Ðịnh thường được sự khen ngợi của người đồng học theo tông phái của thầy. Ta cũng thường ở khắp nơi nơi trong Kinh, xưng nói tốt đẹp, khen ngợi hai pháp như vậy. Nếu người có thể đầy đủ hai pháp này thì được gần với cửa Ðại Niết Bàn và năm thứ vui. Ðó gọi là tịch tịnh. Người kiên trì giới thì gọi là tinh tấn. Người có tàm quí thì gọi là Chánh niệm. Chẳng thấy tâm tướng thì gọi là Chánh định. Chẳng cầu nhân duyên tính tướng các pháp thì gọi là Chánh tuệ. Không có tướng thì phiền não đoạn trừ. Ðó gọi là giải thoát. Xưng nói tốt đẹp Kinh Ðại Niết Bàn như vậy thì gọi là tán thán giải thoát. Này thiện nam tử! Ðó gọi là Ðại Bồ tát an trụ ở mười pháp, tuy thấy Phật tính mà chẳng rõ ràng. Này thiện nam tử! Như lời ông hỏi, Bồ tát Thập Trụ dùng mắt gì, tuy thấy Phật tính mà chẳng tỏ rõ? Các đức Phật Thế Tôn dùng mắt gì mà thấy Phật tính được sáng tỏ? Này thiện nam tử! Các Bồ tát đó dùng tuệ nhãn thấy nên chẳng được sáng tỏ. Chư Phật dùng Phật nhãn thấy nên được sáng tỏ. Vì Bồ Ðề hạnh thì chẳng tỏ rõ, nếu không có hạnh thì được tỏ rõ. Trụ ở Thập Trụ nên tuy thấy mà chẳng rõ, chẳng trụ chẳng đi thì được tỏ rõ. Nhân trí tuệ của Ðại Niết Bàn nên thấy chẳng tỏ rõ. Các đức Phật Thế Tôn đoạn trừ nhân quả nên thấy rõ ràng. Nhất thiết giác (hiểu biết hết tất cả) thì gọi là Phật tính. Bồ tát Thập Trụ chẳng được gọi là Nhất Thiết Giác. Vậy nên Bồ tát đó tuy thấy mà chẳng sáng tỏ. Này thiện nam tử! Thấy có hai thứ, một là mắt thấy, hai là nghe thấy. Các đức Phật Thế Tôn mắt thấy Phật tính như xem quả A ma lặc ở trong lòng bàn tay. Bồ tát Thập Trụ nghe thấy Phật tính nên chẳng rõ ràng. Bồ tát Thập Trụ chỉ có thể tự biết nhất định được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà chẳng thể biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ hai mươi lăm hết –