Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn

Phật Thuyết Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn Kinh

Tây Tấn Nhiếp Đạo Chơn dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Thành Thông

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời, Đức Phật cùng với chúng đại tì-kheo tăng và đại bồ-tát nhóm họp tại Kì Thụ Cấp Cô Độc Viên, nước Xá-vệ. Trong tám nghìn tì-kheo dự hội thì trưởng lão Xá-lợi-phất, đại Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-chiên-diên đều là bậc thượng thủ. Trong chúng bồ-tát thì có mười sáu vị đại bồ-tát và một nghìn vị bồ-tát ở kiếp Hiền với bồ-tát Di-lặc là thượng thủ; một nghìn hai trăm vị bồ-tát ở phương khác đến có bồ-tát Quán Thế Âm là thượng thủ.

Bấy giờ, vào cuối đêm, Thế Tôn nhập tam-muội Nhất thiết quang, toàn thân phóng ra ánh sáng màu vàng ròng, chiếu rất mạnh và xa, khiến rừng cây Kì-đà biến thành một màu vàng rực. Kế đó luồn ánh sáng lại xoay lại dần dần chiếu vào phòng của bồ-tát Văn-thù, rồi hóa thành đài vàng bảy tầng; trên mỗi tầng có năm trăm hóa Phật kinh hành.

Lúc đó, trước phòng của Văn-thù-sư-lợi tự nhiên hóa sinh năm trăm hoa sen bảy báu, vòng tròn như bánh xe, cọng bằng bạch ngân, đài bằng mã não A-mậu-trá, tua bằng chân châu đủ màu sắc. Hoa đó phát ra ánh sáng chiếu vào tinh xá của Phật, rồi từ tinh xá tuôn ra chiếu vào phòng của bồ-tát Văn-thù-sư-lợi.

Bấy giờ, trong hội có vị bồ-tát ma-ha-tát tên là Bạt-đà-bà-la thấy điềm lành này, liền từ trong phòng bước ra, lễ tinh xá Phật rồi đến phòng A-nan và bảo: “Ông nên biết đã đến giờ! Đêm nay Thế Tôn hiện tướng thần thông, vì lợi ích chúng sinh, nên Ngài thuyết diệu pháp, ông nên gõ kiền trùy”.

Lúc đó, A-nan thưa: “Thưa Đại sĩ! Bây giờ Thế Tôn đang trụ trong thiền định sâu mầu, chưa có ý chỉ, làm sao có thể nhóm họp đại chúng?”. Khi A-nan nói như thế, thì Xá-lợi-phất đến bảo: “Này pháp đệ! Đã đến giờ nhóm chúng rồi!”. A-nan liền vào tinh xá đỉnh lễ Phật, chưa kịp ngẩng đầu lên, thì nghe trên hư không có tiếng vọng xuống bảo A-nan: “Hãy mau chóng nhóm họp chúng tăng!”.

A-nan nghe xong, vô cùng hoan hỉ, gõ kiền chùy nhóm họp, âm thanh vang khắp nước Xá-vệ, thấu đến trời Hữu Đảnh[2], Thích Phạm[3], bốn vị thiên vương hộ thế cùng vô số thiên tử đem hương hoa trời đến rừng Kì-đà cúng dường.

Thế Tôn vừa ra khỏi tam-muội, thì liền mỉm cười. Từ miệng Ngài phát ra ánh sáng năm màu chiếu khắp, biến tinh xá Kì-hoàn thành lưu li.

Lúc đó, pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi vào tinh xá đỉnh lễ Đức Phật, thì nơi mỗi đầu gối của bồ-tát Văn-thù mọc hoa sen năm cánh. Khi Văn-thù chấp tay đứng trước Phật, thì từ mười ngón tay và lòng bàn tay mọc ra hoa sen sắc vàng mười nghìn cánh. Những hoa này bay tung lên trên Đức Phật, rồi biến thành lọng lớn bảy báu, có tràng phan, vô lượng chư Phật bồ-tát trong mười phương từ trong bảo cái hiện ra, nhiễu quanh Phật ba vòng, rồi lui ra.

Bấy giờ, Bạt-đà-bà-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy chỉnh sửa y phục, đỉnh lễ Đức Phật, rồi quì thẳng chắp tay thưa: “Bạch Thế Tôn! Văn-thù-sư-lợi đã từng gần gũi trăm nghìn chư Phật, làm Phật sự ở thế giới sa-bà, biến hiện tự tại khắp mười phương, không lâu sẽ vào Niết-bàn”.

Phật bảo Bạt-đà-la: “Văn-thù-sư-lợi này có đại từ bi, sinh trong gia đình Bà-la-môn Phạm-đức, tại thôn Đa-la ở nước này. Khi sinh ông, phòng ốc trong nhà hóa thành hình hoa sen. Ông ra đời từ hông phải người mẹ, thân màu vàng tía, vừa sinh ra liền biết nói như đồng tử cõi trời, lại có bảy lọng báu che trên đầu. Sau đó đến chỗ các tiên nhân đến cầu pháp xuất gia. Nhưng các Bà-la-môn của chín mươi lăm phái ngoại đạo và các luận sư không thể đối luận hơn ông, nên chỉ theo Phật xuất gia học đạo và chứng tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Nhờ sức tam-muội này, cho nên trong khắp mười phương, bất cứ phương nào, từ lúc sơ sinh, xuất gia, diệt độ cho đến nhập niết-bàn, phân chia xá-lợi, ông ấy đều làm lợi ích cho chúng sinh.

Đại sĩ này từ lâu đã chứng tam-muội Thủ-lăng-nghiêm. Bốn trăm năm mươi năm sau khi Như Lai nhập niết-bàn, Văn-thù-sư-lợi vào Tuyết sơn giảng nói mười hai thể loại kinh, giáo hóa thuần thục năm trăm vị tiên, đồng khiến họ đạt giai vị Bất thoái chuyển. Sau đó, bồ-tát Văn-thù cùng các thần tiên hóa thành thân tì-kheo, bay lên hư không trở về cố hương, ngồi kết già bên cây Ni-câu-luật-đà[4] nơi đồng trống, nhập tam-muội Thủ-lăng- nghiêm. Nhờ sức tam-muội này, nên các lỗ chân lông của bồ-tát phát ra ánh sáng vàng rực chiếu khắp mười phương thế giới hóa độ những người có duyên. Năm trăm vị tiên đều thấy ánh sáng rực rỡ phát ra từ các lỗ chân lông.

Khi ấy, thân Văn-thù-sư-lợi như núi vàng ròng, cao một trượng sáu, vầng hào quang tròn tỏa rực một tầm. Trong vầng hào quang này có năm trăm hóa Phật; mỗi hóa Phật có năm hóa bồ-tát theo hầu. Mũ của Văn-thù đội có đính hạt châu Tì-lăng-già có năm trăm màu. Trong mỗi màu có mặt trời, mặt trăng, các vì sao, chư thiên, long cung, những việc chúng sinh thế gian ít thấy đều hiện rõ trong đó. Từ sợi lông trắng giữa chặng mày xoay về bên phải phóng ra hóa Phật. Các hóa Phật này nhập vào luồng hào quang. Ánh sáng rực rỡ toàn thân hóa Phật tiếp nhau. Trong mỗi mỗi ánh sáng có năm hạt châu ma-ni, mỗi hạt châu đều có ánh sáng lạ, màu sắc khác nhau rõ ràng; trong các màu sắc đó có vô số hóa Phật, bồ-tát không thể đếm được. Tay trái các vị này cầm bát, tay phải nâng kinh điển Đại thừa. Sau khi hiện tướng này thì ánh sáng liền tắt và hóa thành tượng lưu-li. Trên cánh tay trái của tượng này có mười ấn Phật. Trong mỗi ấn, có mười tượng Phật, có tên mỗi vị Phật rõ ràng phân minh. Trên cánh tay phải có bảy ấn Phật, trong mỗi mỗi ấn có bảy tượng Phật, cũng có danh hiệu bảy vị Phật. Ngay nơi tim có tượng Phật vàng ròng cao một trượng sáu, ngồi kết già trên hoa sen, bốn phương đều thấy rõ”.

Đức Phật lại bảo Bạt-đà-ba-la: “Văn-thù-sư-lợi đây có vô lượng thần thông biến hóa, chẳng thể diễn tả hết. Nay Ta lược nói, chúng sinh mê mờ ở đời vị lại chỉ cần nghe danh hiệu Văn-thù-sư-lợi thì sẽ diệt trừ nghiệp tội trong mười hai ức kiếp sinh tử. Nếu lễ bái cúng dường thì đời đời thường sinh trong nhà của chư Phật, được Văn-thù-sư-lợi dùng uy thần giúp đỡ. Thế nên chúng sinh phải thiết tha nhớ nghĩ đến hình tượng Văn-thù, nhớ nghĩ đến pháp tượng Văn-thù. Trước nhớ nghĩ tượng lưu-li, quán thấy rõ ràng từng chi tiết. Nếu người nào chưa được diện kiến bồ-tát, thì nên đọc tụng, thụ trì Thủ-lăng-nghiêm và xưng niệm danh hiệu Văn-thù-sư-lợi từ một ngày cho đến bảy ngày. Khi ấy Văn-thù-sư-lợi nhất định sẽ đến chỗ người đó. Nếu người nào còn nghiệp chướng đời trước thì sẽ gặp Văn-thù trong mộng. Người gặp Văn-thù trong mộng, nếu hiện đời cầu Thanh văn thừa, thì sẽ đắc quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm. Nếu người xuất gia được diện kiến ngài thì sau một ngày một đêm sẽ đắc quả A-la-hán. Nếu người nào có lòng tin kiên cố kinh điển Phương đẳng thì trong thiền định sẽ được vị Pháp vương tử này giảng nói pháp thâm diệu. Nếu người loạn tâm thì trong mộng sẽ thấy bồ-tát giảng nói thật nghĩa, khiến tâm kiên cố, không lui sụt đạo Vô thượng”.

Đức Phật lại bảo Bạt-đà-ba-la: “Nếu có người nhớ nghĩ đến pháp vương tử Văn-thù-sư-lợi mà muốn tu phúc nghiệp bố thí cúng dường, thì bồ-tát liền hóa thân làm chúng sinh khổ não nghèo cùng, cô độc đến trước hành giả để nhận bố thí. Người nào nhớ nghĩ Văn-thù-sư-lợi thì phải thực hành tâm từ; người thực hành tâm từ thì được diện kiến Văn-thù-sư-lợi. Thế nên người trí phải quán sát kĩ ba mươi hai tướng quí, tám mươi vẻ đẹp của Văn-thù. Quán như vậy thì nhờ thần lực Thủ-lăng-nghiêm mà mau chóng diện kiến Văn-thù-sư-lợi. Quán như vậy là chính quán, nếu quán khác thì gọi là tà quán. Sau khi Phật diệt độ, chúng sinh nào nghe danh hiệu hoặc thấy hình tượng Văn-thù-sư-lợi, thì trong trăm nghìn đời không đọa địa ngục. Nếu người nào thụ trì, đọc tụng kinh này hoặc niệm danh hiệu Văn-thù-sư-lợi, dù phạm tội nặng, cũng chẳng đọa vào địa ngục A-tì chịu nỗi khổ lửa dữ thiêu đốt, lại thường sinh vào cõi tịnh ở phương khác, gặp Phật nghe pháp và chứng Vô sinh nhẫn”.

Khi Phật thuyết kinh này xong, có năm trăm tì-kheo xa lìa trần cấu đắc quả A-la-hán, vô lượng chư thiên phát tâm bồ-đề, nguyện thường theo học Văn-thù-sư-lợi.

Bấy giờ, Bạt-đà-bà-la thưa Phật: “Bạch Thế Tôn! Ai sẽ xây tháp bảy báu để tôn thờ thân Văn-thù-sư-lợi?

Phật bảo Bạt-đà-bà-la: “Trong Hương sơn có tám quỉ thần lớn. Tám vị này sẽ đưa thân xá-lợi Văn-thù lên đỉnh núi Kim Cương trong dãy Hương sơn. Nơi đó có vô lượng chư thiên, long thần, dạ-xoa thường đến cúng dường. Khi đại chúng nhóm họp, tượng Văn-thù thường phóng ra ánh sáng. Trong ánh sáng đó thường diễn nói các pháp: Khổ, không, vô thường, vô ngã. Bạt-đà-la! Pháp vương tử đây được thân bất hoại, nay ông hãy khéo thụ trì và thuyết cho tất cả chúng sinh nghe”.

Nghe Đức Phật nói xong, các đại bồ-tát như Bạt-đà-bà-la…, các đại thanh văn như Xá-lợi-phất… cùng tám bộ như thiên, long… đều rất vui mừng, đỉnh lễ Phật rồi lui ra.

*

Chú thích:

[1] Tây Tấn 西晉: (Trung Quốc , năm 265-317)

[2] Hữu đảnh 有頂: tức cõi trời Sắc Cứu Cánh.

[3] Thích Phạm 釋梵: tức trời Đế-thích và Phạm-thiên.

[4] Ni-câu-luật-đà 尼拘樓陀 (s: Nyagrodho): một loại cây thuộc họ dâu, giống cây dong, cao từ mười mét đến mười lăm mét, lá bầu dài, đầu nhọn.

    Xem thêm:

  • Kinh Nữ Long Thí - Kinh Tạng
  • Thần Chú Thường Cù Lợi Độc Nữ Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Phẩm Đại Oai Đức Tối Thắng Kim Luân Tam Muội Chú Kinh Đà La Ni Đại Phật Đỉnh Như Lai Phóng Quang Tất Đát Đa Bát Đát La Đại Thần Lực Đô Nhiếp Nhứt Thiết Chú Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Hải Long Vương Dạy Pháp Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Vì Ta Già La Long Vương Sở Thuyết Đại Thừa - Kinh Tạng
  • Củ Lí Ca Long Vương Tượng Pháp - Kinh Tạng
  • Hà Da Yết Lợi Bà Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Pháp Đàn - Kinh Tạng
  • Kinh Long Thí Bồ Tát Bổn Khởi - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Câu Lợi Già La Đại Long Thắng Phục Ngoại Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tiêu Trừ Hết Thảy Chướng Nạn Thiểm Điện Tùy Cầu Như Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Đâu Suất Thiên – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Tạng Văn Thù Sư Lợi - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 10 – Thụ Trai - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Trung Quán dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Danh – Thích Thiện Chơn dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tối Thắng Phật Đỉnh - Kinh Tạng
  • Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Kinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật – Thích Thiền Tâm dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Hiện Tại Hiền Kiếp Thiên Phật Danh – Thích Huyền Tôn dịch - Kinh Tạng