Quyển thứ chín
15. PHẨM NGUYỆT DỤ
Ðức Phật bảo rằng:
– Này Ca Diếp! Ví như có người thấy trăng chẳng hiện thì nói rằng, trăng lặn mất, mà tác khởi tư tưởng mất. Nhưng tính trăng này thật ra không lặn mất mà chuyển đi hiện ở địa phương khác. Chúng sinh ở nơi trăng hiện đến kia lại gọi là trăng mọc ra mà tính của trăng này thật không có mọc ra. Vì sao vậy? Vì do núi Tu Di ngăn chận nên chẳng hiện. Trăng ấy, tính thường sinh (thường còn mãi) không có mọc ra hay lặn mất. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng lại như vậy, xuất hiện ở ba ngàn đại thiên thế giới, hoặc ở cõi Diêm phù đề thị hiện có cha mẹ mà chúng sinh đều gọi là sinh ở cõi Diêm phù đề. Hoặc ở cõi Diêm phù đề thị hiện Niết Bàn mà tính Như Lai thật ra không có Niết Bàn, nhưng các chúng sinh đều gọi là Như Lai thật sự Bát Niết Bàn ví như vầng trăng lặn mất. Này thiện nam tử! Tính của Như Lai thật không sinh diệt nhưng vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện có sinh diệt. Này thiện nam tử! Như ở đây trăng tròn đầy mà phương khác thấy một nửa, ở đây trăng một nửa mà phương khác thấy tròn đầy. Người cõi Diêm phù đề nếu thấy trăng xuất hiện đầu tiên thì đều gọi là ngày một, khởi lên ý tưởng đầu tháng. Nếu họ thấy trăng tròn đầy thì đều gọi là ngày mười lăm, sinh ra ý thịnh mãn mà thật ra tính của trăng này thật không có vơi, đầy mà nhân núi Tu Di có tăng, giảm. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, ở cõi Diêm phù đề, hoặc hiện mới sinh, hoặc hiện Niết Bàn. Khi hiện thai sinh thì giống như trăng non đầu tháng, tất cả đều gọi là đồng tử. Mới sinh đi bảy bước như trăng ngày hai. Hoặc lại thị hiện vào thư đường thì như trăng ngày ba, thị hiện xuất gia như trăng ngày tám. Phóng ra ánh sáng đại trí tuệ vi diệu có thể phá ma chúng của vô lượng chúng sinh như trăng tròn đầy của ngày mười lăm. Hoặc lại thị hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp để tự trang nghiêm mà hiện Niết Bàn thì ví như nguyệt thực. Như vậy sự nhìn thấy của chúng sinh chẳng đồng, hoặc thấy trăng một nửa, hoặc thấy trăng tròn, hoặc thấy nguyệt thực… mà tính trăng này thật không tăng, giảm, xâm thực… luôn luôn là trăng tròn đầy. Thân Như Lai cũng lại như vậy. Vậy nên gọi là thường trụ bất biến. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như trăng tròn đầy thì tất cả đều hiện. Ở tại khắp nơi nơi, thành ấp, tụ lạc, núi đầm, trong nước, hoặc giếng, hoặc ao và những đồ đựng nước… tất cả đều hiện. Có các chúng sinh đi một trăm do tuần, trăm ngàn do tuần, thấy trăng luôn đi theo. Người phàm phu ngu si phát sinh nhớ tưởng rằng: “Ta vốn ở nhà tại thành ấp, thấy trăng như vậy. Nay lại ở đầm trống này thấy trăng đó. Ðó là trăng cũ hay là khác với trăng cũ”. Họ đều tác khởi ý niệm này: hình dạng trăng lớn, nhỏ. Hoặc nói rằng, như miệng vàng; hoặc nói rằng, như bánh xe, hoặc nói rằng, bằng bốn mươi chín do tuần. Tất cả đều thấy ánh sáng của trăng, hoặc thấy tròn trịa giống như cái mâm vàng… Tính của trăng đó là một mà đủ loại chúng sinh đều thấy hình tướng khác. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, xuất hiện ở đời, hoặc có người, trời mà tác khởi ý niệm này: “Như Lai nay trụ ở trước ta”. Lại có súc sinh cũng sinh ra ý niệm này: “Ðức Như Lai nay trụ ở trước ta”. Hoặc có người câm điếc cũng thấy Như Lai có tướng câm điếc. Chúng sinh đủ loại, ngôn ngữ đều khác mà đều cho là Như Lai đồng ngôn ngữ với mình, cũng đều sinh ra ý niệm ở tại nhà cửa của mình, nhận sự cúng dường của mình. Hoặc có chúng sinh thấy thân Như Lai rộng lớn không lường, hoặc thấy nhỏ xíu. Hoặc có người thấy Phật là hình dáng Thanh Văn. Hoặc lại có người thấy là hình dáng Duyên Giác. Có những ngoại đạo lại đều nghĩ rằng: “Ðức Như Lai nay ở trong pháp của ta xuất gia học đạo”. Hoặc có chúng sinh lại nghĩ rằng: “Ðức Như Lai nay riêng vì một mình ta nên xuất hiện ở đời”. Thật tính của Như Lai ví như vầng trăng kia, tức là pháp thân, là thân vô sinh. Thân phương tiện thuận theo với đời mà thị hiện vô lượng nhân duyên nghiệp xưa! Ở tại khắp nơi nơi Như Lai thị hiện có sinh giống như vầng trăng kia. Do ý nghĩa này nên Như Lai thường trụ không có biến dị. Lại nữa, này thiện nam tử! Như vua A tu la La Hầu La dùng tay ngăn che mặt trăng mà những người thế gian đều gọi là nguyệt thực. Vua A tu la thật ra chẳng thể ăn mặt trăng mà vua A tu la chỉ ngăn che ánh sáng của vầng trăng ấy nên vầng trăng này vẫn tròn trịa không có khuyết tổn. Chỉ dùng tay ngăn nên khiến cho biến mất, nếu khi vén tay lên thì thế gian đều gọi là trăng lại sinh trở lại, đều nói rằng, trăng đó chịu nhiều khổ não. Nhưng giả sử có hàng trăm ngàn vua A tu la cũng chẳng thể não hại được trăng đó. Như Lai cũng vậy, thị hiện có chúng sinh đối với Như Lai, đã sinh lòng thô ác, làm chảy máu thân Phật, khởi lên tội ngũ nghịch… cho đến Nhất xiễn đề. Vì chúng sinh đời vị lai nên thị hiện sự phá hoại Tăng, đoạn diệt pháp như vậy mà tạo tác nạn để lại. Giả sử vô lượng trăm ngàn những ma chẳng thể lấn lướt làm chảy máu thân đức Như Lai. Sở dĩ vì sao? Vì thân Như Lai không có máu thịt, gân, mạch, xương, tủy… Như Lai chân thật không có não hoại. Chúng sinh đều cho là Pháp, Tăng hủy hoại, Như Lai diệt tận mà tính Như Lai chân thật, không biến dị, không có phá hoại. Như Lai thuận theo thế gian mà thị hiện như vậy thôi. Lại nữa, này thiện nam tử! Như hai người đánh nhau. Hoặc dùng dao, gậy đả thương thân chảy máu, tuy đến chết nhưng chẳng khởi lên tư tưởng sát hại. Nghiệp tướng như vậy nhẹ mà chẳng nặng vì ở chỗ Như Lai vốn không có lòng sát hại. Tuy thân chảy máu nhưng nghiệp đó cũng vậy, nhẹ và chẳng nặng. Như Lai như vậy, vào đời vị lai, vì hóa độ chúng sinh nên thị hiện nghiệp báo. Lại nữa, này thiện nam tử! Giống như vị lương y siêng dạy bảo con mình về căn bản của y phương: “Ðây là thuốc rễ, đây là thuốc thân (thân thảo dược), đây là thuốc hình sắc… đủ thứ tướng mạo của thuốc. Con phải giỏi biết!” Người con ấy kinh vâng sự dạy bảo của cha, tinh cần học tập, giỏi lý giải các thứ thuốc. Thời gian sau vị lương y đó thọ tận mạng chung, người con ấy gào khóc luyến mộ mà nói lên rằng: “Cha vốn dạy con, thuốc rễ như vầy, thuốc thân như vầy, thuốc hoa như vầy, sắc tướng như vầy…” Như Lai cũng vậy, vì hóa độ chúng sinh, thị hiện chế ra giới luật: cần phải như vầy mà thọ trì chớ phạm phải tội ngũ nghịch, bài báng chính pháp đưa đến Nhất xiễn đề”. Vì đời vị lai sẽ khởi lên những việc đó nên ta thị hiện ra. Muốn khiến cho Tỳ kheo, sau khi Phật diệt độ nên tạo ra sự hiểu biết như vậy. Ðây là nghĩa thậm thâm của Khế kinh. Ðây là tướng khinh, trọng của giới luật. Ðây là pháp cú phân biệt A Tỳ Ðàm… giống như con của vị lương y kia.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như người thấy trăng sáu tháng một lần nguyệt thực mà trên chư thiên thì trong giây lát đã thấy nguyệt thực. Vì sao vậy? Vì ngày của trời kia dài, của nhân gian ngắn. Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, trời người đều cho là Như Lai thọ mạng ngắn như người trời kia trong giây lát đều thấy nguyệt thực. Như Lai lại ở trong giây lát, thị hiện trăm ngàn vạn ức lần Niết Bàn, đoạn trừ ma phiền não, ma ấm, ma chết. Vậy nên trăm ngàn vạn ức thiên ma đều biết Như Lai vào Bát Niết Bàn. Lại nữa, Như Lai thị hiện vô lượng trăm ngàn nhân duyên nghiệp đời trước, thuận theo đủ tính của thế gian. Như Lai đã thị hiện vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn như vậy. Vậy nên Như Lai thường trụ không biến dị. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như trăng sáng chúng sinh ưa nhìn thấy (Lạc Kiến). Vậy nên xưng hiệu của trăng là Lạc Kiến. Chúng sinh nếu có tham dục sân nhuế, ngu si thì chẳng được xưng là Lạc Kiến. Như Lai, như vậy tính ấy thuần thiện, thanh tịnh, không cấu bẩn, là rất có thể xưng là Lạc Kiến. Chúng sinh ưa pháp nhìn Như Lai không chán còn người ác tâm chẳng vui lòng nhìn ngắm. Do ý nghĩa đó nên nói rằng, Như Lai ví như trăng sáng. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như mặt trời mọc có ba thời điểm khác. Ðó là mùa xuân, mùa hạ và mùa đông. Ngày mùa đông thì ngắn, ngày mùa xuân thì trung bình còn ngày mùa hạ thì rất dài. Như Lai cũng vậy, đối với ba ngàn đại thiên thế giới này là thọ mạng ngắn ngủi và vì các Thanh Văn thị hiện thọ mạng ngắn ngủi. Những người ấy thấy thế rồi đều cho là thọ mạng của Như Lai ngắn ngủi ví như ngày mùa Ðông. Phật vì các vị Bồ tát thị hiện thọ mạng trung bình, hoặc đến một kiếp hay bớt một kiếp ví như ngày của mùa Xuân. Chỉ có Phật nhìn thấy thọ mạng ấy của Phật là vô lượng, ví như ngày của mùa Hạ. Này thiện nam tử! Lời nói của Như Lai, giáo pháp Phương Ðẳng Ðại Thừa vi mật, thị hiện ở thế gian, mưa xuống đại pháp vũ… Vào đời vị lai, nếu có người có thể hộ trì Kinh điển đó mà khai thị, phân biệt, lợi ích cho chúng sinh thì phải biết hạng người đó là những Bồ tát chân thật ví như lúc thịnh hạ, trời tuông mưa cam lộ. Nếu có người Thanh Văn, Duyên Giác nghe giáo lý vi mật của Phật Như Lai thì ví ngày mùa Ðông gặp nhiều lạnh lẽo. Người Bồ tát, nếu nghe lời dạy bảo vi mật, Như Lai thường trụ, tính không biến dị như vậy thì ví như ngày mùa Xuân, mầm chồi nảy nở. Nhưng mà tính Như Lai thật sự không có dài, ngắn, vì thế gian nên thị hiện như vậy thôi. Ðó tức là pháp tính chân thật của các đức Phật. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như mọi vì sao, ban ngày thì chẳng hiện mà mọi người đều cho là ban ngày sao diệt mất nhưng kỳ thật chẳng mất mà sở dĩ chẳng hiện là vì ánh sáng mặt trời làm lòa đi. Như Lai cũng vậy, Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể được thấy, giống như người đời chẳng thấy sao vào ban ngày. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như trong bóng tối mặt trời, mặt trăng biến mất. Người ngu nói rằng, mặt trời, mặt trăng mất tiêu, mà thật ra mặt trời, mặt trăng đó không mất tiêu. Khi Chánh pháp của Như Lai diệt tận, Tam Bảo biến mất cũng lại như vậy, chẳng phải diệt mất vĩnh viễn. Vậy nên phải biết là Như Lai thường trụ, không có biến dị. Vì sao vậy? Vì chân tính của Tam Bảo chẳng bị sự ô nhiễm của những cấu bẩn.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như đêm không trăng, sao Tuệ xuất hiện. Ánh sáng sao ấy sáng chói, xuất hiện chốc lát lại biến mất. Chúng sinh thấy sao ấy rồi sinh ra tư tưởng chẳng tốt lành. Các Bích Chi Phật cũng lại như vậy, xuất hiện ở đời không Phật, chúng sinh thấy rồi đều cho là Như Lai chân thật. Sau khi những vị ấy diệt họ đều sinh tư tưởng ưu bi mà thân Như Lai thật chẳng diệt độ như mặt trời, mặt trăng kia không có diệt mất.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như mặt trời mọc thì mọi sương mù đều tan. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, xuất hiện ở đời, nếu có chúng sinh một lần nghe Kinh rồi thì có thể diệt trừ hết tất cả những tội nghiệp ác vô gián. Cảnh giới thậm thâm Ðại Niết Bàn đó chẳng thể nghĩ bàn, khéo nói tính vi mật của Như Lai. Do ý nghĩa đó nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân.v.v… nên đối với Như Lai sinh tâm thường trụ, không có biến dị, Chánh pháp chẳng đoạn, tăng bảo chẳng diệt. Vậy nên cần phải tu nhiều phương tiện, siêng học Kinh điển đó thì người này chẳng bao lâu sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên Kinh này gọi là sự thành tựu của vô lượng công đức, cũng gọi là Bồ Ðê chẳng thể cùng tận. Do chẳng cùng tận nên được xưng là Ðại Bát Niết Bàn; có ánh sáng thiện nên giống như ngày mùa hạ; thân vô biên nên gọi là Ðại Niết Bàn.
16. PHẨM BỒ TÁT
Lại nữa, này thiện nam tử! Như trong ánh sáng thì ánh sáng mặt trời, mặt trăng là trên hết, tất cả những ánh sáng đã chẳng thể bì kịp. Ánh sáng Ðại Niết Bàn cũng lại như vậy, đối với ánh sáng của các Khế kinh, tam muội, là tối thù thắng, ánh sáng sở hữu của các Kinh, tam muội đã chẳng thể bì kịp. Vì sao vậy? Vì ánh sáng của Ðại Niết Bàn có thể vào những lỗ chân lông của chúng sinh. Chúng sinh tuy không có tâm Bồ Ðề mà có thể vì họ tạo tác nhân duyên Bồ Ðề. Vậy nên lại gọi là Ðại Bát Niết Bàn.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Như đức Phật đã nói, ánh sáng Ðại Niết Bàn vào với lỗ chân lông của tất cả chúng sinh, chúng sinh tuy không có tâm Bồ Ðề mà có thể vì họ tạo tác nhân Bồ Ðề, thì ý nghĩa này chẳng vậy. Vì sao vậy? Thưa đức Thế Tôn! Vì người phạm bốn trọng cấm, làm ngũ nghịch tội và Nhất xiển đề mà ánh sáng vào thân, tạo nhân Bồ Ðề thì bọn như vậy cùng với người trì tịnh giới, tu tập các thiện có gì sai khác? Nếu không sai khác thì đức Như Lai cớ sao nói ý nghĩa của bốn y (nương)? Thưa đức Thế Tôn! Lại như đức Phật nói rằng, nếu có chúng sinh nghe Ðại Niết Bàn, chỉ một lần Kinh đến tai thôi thì được đoạn trừ các phiền não thì sao ở trên đức Như Lai lại nói, có người ở chỗ hằng hà sa số Phật phát tâm Bồ Ðề mà nghe Ðại Niết Bàn chẳng lý giải được nghĩa của Kinh ấy. Nếu chẳng giải được nghĩa thì làm sao có thể đoạn tất cả phiền não?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Trừ Nhất xiển đề, kỳ dư chúng sinh nghe Kinh này rồi thì đều có thể tạo tác nhân duyên Bồ Ðề, ánh sáng của âm thanh pháp vào lỗ chân lông thì nhất định sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vì sao vậy? Vì nếu có người có thể cúng dường cung kính vô lượng chư Phật thì mới được nghe Kinh Ðại Niết Bàn, còn người bạc phước thì chẳng được nghe. Sở dĩ vì sao? Vì người đức lớn mới có thể được nghe việc lớn như vậy, còn hạng phàm phu hạ liệt thì chẳng được nghe. Cái gì là lớn? Là thâm mật tạng của chư Phật, là Như Lai tính đó! Do ý nghĩa này nên gọi là việc lớn!
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là người chưa phát tâm Bồ Ðề mà được nhân Bồ Ðề?
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng:
– Nếu có người nghe Kinh Ðại Niết Bàn này mà nói rằng, ta chẳng cần phát tâm Bồ Ðề, bài báng Chánh pháp thì người đó liền ở trong mơ, thấy hình dáng La sát, trong lòng kinh sợ. La sát nói rằng: “Hừ! Này thiện nam tử! Ông nay nếu chẳng phát tâm Bồ Ðề thì ta sẽ giết ngươi”. Người đó kinh hoàng thức dậy, liền phát tâm Bồ Ðề. Người đó sau khi mạng chung, nếu sinh tại ba đường và tại cõi người, trời lại tiếp tục nhớ nghĩ tâm Bồ Ðề thì phải biết người này là Ðại Bồ tát Mahatát vậy. Do ý nghĩa đó nên sức uy thần của Ðại Niết Bàn này có thể khiến cho người chưa phát tâm Bồ Ðề tạo tác nhân Bồ Ðề. Này thiện nam tử! Ðó gọi là Nhân duyên Bồ Ðề phát tâm, chẳng phải không nhân duyên. Do ý nghĩa đó nên Ðại Thừa Diệu Ðiển là lời nói chân thật của Phật. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như trong hư không khởi lên mây mưa lớn trút xuống đại địa, cây khô, núi đá, vùng cao, gò đống… thì nước mưa chẳng trụ lại được mà tuông chảy vào ruộng thấp, vũng, ao… tràn đầy, lợi ích không lường cho tất cả chúng sinh. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, mưa xuống mưa pháp lớn thấm nhuần khắp chúng sinh. Chỉ Nhất xiển đề mà phát tâm Bồ Ðề thì không có điều này. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như hạt giống cháy, tuy gặp mưa ngọt hàng trăm ngàn vạn kiếp nhưng nhất định chẳng nảy mầm. Mầm nếu mọc ra thì không có điều đó. Bọn Nhất xiển đề cũng lại như vậy, tuy nghe Kinh điển Ðại Bát Niết Bàn vi diệu như vậy, nhưng nhất định chẳng thể phát mầm tâm Bồ Ðề, nếu có thể phát thì không có điều đó. Vì sao vậy? Vì người đó đoạn diệt tất cả thiện căn như hạt giống cháy kia nên chẳng thể lại nảy sinh mầm rễ Bồ Ðề. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như viên ngọc sáng đặt trong nước đục. Do uy đức của ngọc nên nước liền lắng trong. Nếu ném vào đó bùn ứ thì chẳng thể làm cho trong được. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, đặt những chúng sinh phạm năm tội vô gián, bốn pháp trọng cấm khác vào trong nước đục còn có thể lắng trong, phát tâm Bồ Ðề. Ném vào trong đó bùn ứ Nhất xiển đề thì trăm ngàn vạn năm cũng chẳng thể khiến cho lắng trong, dấy khởi tâm Bồ Ðề được. Vì sao vậy? Vì Nhất xiển đề đó đoạn diệt các thiện căn, chẳng phải Bồ Ðề khí vậy. Giả sử người đó đã hàng trăm ngàn vạn năm thính thọ Kinh Ðại Niết Bàn như vậy cũng nhất định chẳng thể phát tâm Bồ Ðề. Sở dĩ vì sao? Vì không có thiện tâm vậy.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như cây thuốc tên là Dược Vương, ở trong các thuốc, nó là tối thù thắng. Nếu hòa nó với cao sữa, hoặc mật, hoặc váng sữa, hoặc nước lã, hoặc nước uống, hoặc làm thành bột, hoặc thành hoàn, rồi hoặc dùng bôi vết thương, xông hơ thân thể, tra vào mắt, hoặc nhìn thấy thuốc hay ngửi mùi thuốc… có thể diệt tất cả mọi thứ bệnh của chúng sinh. Cây thuốc như vậy chẳng tác khởi ý niệm này: “Tất cả chúng sinh hoặc lấy rễ ta, chẳng nên lấy lá, hoặc lấy lá thì chẳng nên lấy rễ, hoặc lấy thân thì chẳng nên lấy vỏ, hoặc lấy vỏ thì chẳng nên lấy thân”. Cây đó tuy lại chẳng sinh ý niệm đó nhưng mà có thể trừ diệt tất cả bệnh khổ. Này thiện nam tử! Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, có thể trừ ác nghiệp, bốn Ba-la-di, năm tội vô gián của tất cả chúng sinh và các ác sở hữu hoặc ở bên trong hay bên ngoài. Những người chưa phát tâm Bồ Ðề thì nhân đó được phát tâm Bồ Ðề. Vì sao vậy? Vì diệu Kinh điển này là vua trong các Kinh như cây thuốc kia là vua trong các thuốc. Nếu có người tu tập Kinh Ðại Niết Bàn này và người chẳng tu, hoặc chỉ nghe có danh tự của Kinh điển đó thôi mà nghe rồi kính tín thì tất cả trọng bệnh phiền não sở hữu đều trừ diệt hết. Nhưng chỉ chẳng thể khiến cho bọn Nhất xiển đề an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác như cây diệu dược kia tuy có thể trị khỏi đủ thứ trọng bệnh nhưng mà chẳng thể trị được người nhất định chết. Lại nữa, này thiện nam tử! Như người tay bị thương cầm nắm thuốc độc thì độc sẽ theo vào, nếu người không bị thương thì độc chẳng vào. Bọn Nhất xiển đề cũng lại như vậy, không có nhân Bồ Ðề như không có vết thương thì độc chẳng được vào. Cái gọi là vết thương tức là nhân duyên của Bồ Ðề vô thượng. Ðộc tức là đệ nhất diệu lạc. Toàn vẹn không vết thương thì gọi là Nhất xiển đề. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như Kim cương không gì có thể hủy hoại mà có thể phá hoại tất cả mọi vật, chỉ trừ mai rùa và sừng dê trắng. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, đều có thể dừng yên vô lượng chúng sinh ở đạo Bồ Ðề, chỉ chẳng thể khiến cho bọn Nhất xiển đề kiến lập nhân Bồ Ðề. Lại nữa, này thiện nam tử! Như cỏ răng ngựa, cây Ta-la-xí, cây Ni-ca-la tuy chặt cành thân nhưng vẫn tiếp tục sinh ra như cũ, chẳng như cây Ða-la, chặt rồi, chẳng sinh ra nữa. Những chúng sinh đó cũng lại như vậy, nếu được nghe Kinh Ðại Niết Bàn này, tuy phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián nhưng còn có thể sinh nhân duyên Bồ Ðề. Bọn Nhất xiển đề thì chẳng như vậy, tuy được thính thọ Kinh điển vi diệu này nhưng mà chẳng thể sinh ra nhân Bồ Ðề đạo.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như cây Khư đà la, cây Trấn đầu ca bị chặt rồi, chẳng sinh ra nữa. Bọn Nhất xiển đề cũng lại như vậy, tuy được nghe Kinh Ðại Niết Bàn này nhưng mà chẳng thể phát khởi nhân duyên Bồ Ðề. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như mưa lớn nhất định chẳng trụ ở hư không. Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này cũng lại như vậy, mưa pháp vũ khắp nơi, nhưng đối với Nhất xiển đề thì chẳng thể trụ được. Nhất xiển đề này khắp thân thể kín mít giống như Kim Cương, chẳng dung nạp ngoại vật.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Như đức Phật đã nói kệ:
Chẳng thấy, thiện chẳng làm
Chỉ thấy ác đáng làm
Chỗ này đáng kinh sợ
Như đường ác nguy nan.
Thưa đức Thế Tôn! Lời nói như vậy có những nghĩa gì?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Chẳng thấy nghĩa là chẳng thấy Phật tính. Thiện tức là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Chẳng làm là nói lên việc chẳng thể gần gũi bạn lành. Chỉ thấy là thấy không nhân quả. Ác là gọi sự bài báng Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng. Ðáng làm là gọi Nhất xiển đề nói không có Phương Ðẳng. Do ý nghĩa này nên bọn Nhất xiển đề vô tâm hướng đến thiện pháp thanh tịnh. Cái gì là thiện pháp? Ðó là Niết Bàn vậy. Hướng đến Niết Bàn là gọi sự có thể tu tập hạnh hiền thiện mà Nhất xiển đề không có hạnh hiền thiện. Vậy nên chẳng thể hướng đến Niết Bàn. Chỗ này đáng sợ là gọi sự bài báng Chánh pháp. Ai nên kinh sợ? Ðó là bậc trí giả. Vì sao vậy? Vì người bài báng pháp thì không có lòng thiện và phương tiện. Ðường ác nguy hiểm là gọi các hành vậy.
Ngài Ca Diếp nói rằng:
– Như đức Phật đã nói thì:
Sao gọi thấy sở tác
Sao gọi được pháp lành?
Chỗ nào chẳng bố úy?
Như đường vua phẳng bằng?
Những nghĩa này là sao?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Thấy sở tác là phát lộ các ác. Từ cõi sinh tử những việc ác đã làm đều phát lộ ra hết, cho đến không chỗ đến. Do ý nghĩa đó nên gọi là chỗ không sợ. Ví như con đường du hành chính của vua người. Trong đường ấy, đạo tặc đều chạy trốn hết. Phát lộ như vậy thì tất cả các ác đều diệt hết, không còn. Lại nữa, chẳng thấy sở tác là gọi sự tạo tác mọi ác mà chẳng tự thấy của Nhất xiển đề, là lòng kiêu mạn của Nhất xiển đề. Tuy làm nhiều điều ác nhưng ở trong việc đó, Nhất xiển đề không kinh sợ. Do ý nghĩa đó nên chẳng được Niết Bàn ví như con vượn bắt vầng trăng trong nước. Này thiện nam tử! Giả sử tất cả vô lượng chúng sinh cùng một lúc thành tựu Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác rồi thì những vị Như Lai này cũng lại chẳng thấy có Nhất xiển đề kia được thành Bồ Ðề. Do ý nghĩa đó nên gọi là chẳng thấy sở tác. Lại nữa, chẳng thấy sở tác của ai? Là gọi chẳng thấy sở tác của Như Lai. Phật vì chúng sinh nói có Phật tính mà bọn Nhất xiển đề lưu chuyển trong sinh tử chẳng thể thấy biết. Do ý nghĩa đó nên gọi là chẳng thấy sở tác của Như Lai. Lại, Nhất xiển đề thấy ở Như Lai rốt ráo Niết Bàn, cho đó là vô thường chân thật giống như đèn tắt thì dầu mỡ đều hết. Vì sao vậy? Vì người đó nghiệp ác chẳng tổn giảm vậy. Nếu có Bồ tát khi tạo tác nghiệp thiện đều hồi hướng về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà bọn Nhất xiển đề tuy hủy báng, phá hoại, chẳng tin, nhưng các Bồ tát còn cố thí cho, muốn cho họ cùng chung thành tựu đạo Vô thượng. Vì sao vậy? Vì pháp của chư Phật vậy.
Làm ác chẳng liền thọ Như sữa liền thành cao
Giống tro phủ trên lửa Người ngu khinh đạp vào.
Nhất xiển đề thì gọi là không mắt. Vậy nên chẳng thấy đạo A la hán, như A la hán chẳng đi trên đường ác hiểm sinh tử. Vì không mắt nên bài báng Phương Ðẳng, chẳng muốn tu tập như A la hán siêng tu từ tâm. Bọn Nhất xiển đề chẳng tu theo Phương Ðẳng cũng lại như vậy. Nếu người nói rằng: “Ta nay chẳng tin Kinh điển của Thanh Văn, chỉ tín thọ Ðại Thừa và đọc tụng giải nói. Vậy nên ta nay tức là Bồ tát. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Do Phật tính nên trong thân chúng sinh đã có mười lực, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Lời nói của ta chẳng khác lời nói của Phật. Ông nay cùng ta đều đã phá vô lượng những phiền não ác như đập vỡ cái bình nước. Do phá được kết sử nên liền có thể được thấy Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác”. Người đó tuy đã diễn nói như vậy nhưng lòng người ấy thật chẳng tin có Phật tính chỉ vì lợi dưỡng nên thuận theo lời văn mà nói thôi. Người nói như vậy gọi là người ác. Người ác như vậy thì chẳng mau chóng chịu quả báo như sữa thành cao sữa. Ví như vị sứ thần của vua giỏi khả năng đàm luận, khéo léo phương tiện, vâng mệnh đi sứ nước khác thì thà mất thân mạng, nhất định chẳng trốn tránh lời dạy bảo của vua. Bậc trí giả cũng vậy, ở trong phàm phu, chẳng tiếc thân mạng, cốt để tuyên nói Ðại Thừa Phương Ðẳng, mật tạng của Như Lai, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Này thiện nam tử! Có Nhất xiển đề hóa làm hình dáng La hán trụ ở chỗ trống mà bài báng Kinh điển Phương Ðẳng Ðại Thừa. Những người phàm phu thấy thế rồi đều cho là A la hán chân thật, là Ðại Bồ tát Mahatát. Bọn ác Tỳ kheo Nhất xiển đề này trụ ở chỗ A lan nhã, phá hoại pháp A lan nhã, thấy người khác được lợi, lòng sinh ra ganh ghét mà nói lên rằng: “Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng sẵn có đều là lời nói của thiên ma Ba Tuần”. Chúng cũng nói, Như Lai là pháp vô thường và hủy diệt chánh pháp, phá hoại chúng Tăng. Chúng lại nói lên lời này: “Lời nói của Ba Tuần chẳng phải lời nói thiện thuận”. Làm ra sự tuyên nói pháp tà ác này, người làm ác đó chẳng thọ quả báo liền như sữa thành cao sữa, như tro phủ trên lửa, người ngu khinh đạp vào. Người như vậy là chỉ cho Nhất xiển đề. Vậy nên ông phải biết là, Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng vi diệu nhất định thanh tịnh, như ngọc ma ni ném vào nước đục, nước liền được lắng trong. Kinh điển Ðại Thừa cũng lại như vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như hoa sen được sự soi sáng của mặt trời không hoa nào chẳng nở ra. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy. Nếu được nghe thấy mặt trời Ðại Niết Bàn thì người chưa phát tâm đều phát tâm làm nhân Bồ Ðề. Vậy nên ta nói ánh sáng Ðại Niết Bàn đã vào lỗ chân lông thì nhất định là nhân duyên vi diệu. Nhất xiển đề kia tuy có Phật tính mà bị sự ràng buộc của vô lượng tội cấu, chẳng thể được ra như con tằm ở trong kén. Do nghiệp duyên đó nên chẳng thể được sinh diệu nhân của Bồ Ðề mà lưu chuyển sinh tử không có cùng rồi.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như hoa Ưu bát la, hoa Bát đầu ma, hoa Câu vật đầu, hoa Phân đà lợi ở trong bùn ứ mà chẳng bị sự nhiễm bẩn của bùn ứ. Nếu có chúng sinh tu học Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu thì cũng lại như vậy, tuy có phiền não nhưng nhất định chẳng bị sự nhiễm bẩn của phiền não đó. Vì sao vậy? Vì biết sức tính tướng của Như Lai vậy. Này thiện nam tử! Ví như có đất nước nhiều gió mát mẻ, nếu gió chạm vào những lỗ chân lông của thân chúng sinh thì có thể trừ tất cả hơi nóng phiền não xông lên. Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, vào khắp tất cả lỗ chân lông của chúng sinh, vì họ tạo tác nhân duyên vi diệu của Bồ Ðề, trừ Nhất xiển đề. Vì sao vậy? Vì chẳng phải là pháp khí vậy!
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y giải được tám thứ thuốc giảm tất cả bệnh tật mà chỉ chẳng thể trừ được bệnh A tát xà. Tất cả Khế kinh, thiền định tam muội cũng lại như vậy, có thể trị được tất cả những bệnh phiền não, tham dục, sân nhuế, ngu si, có thể nhổ những mũi tên độc phiền não mà chẳng thể trị kẻ phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián. Này thiện nam tử! Lại có vị lương y vượt hơn tám thứ y thuật, có thể trừ mọi bệnh khổ sẵn có của chúng sinh mà chỉ chẳng thể trị được bệnh nhất định chết (ắt chết). Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn cũng lại như vậy, có thể trừ tất cả phiền não của chúng sinh an trụ họ ở nhân duyên vi diệu thanh tịnh của Như Lai, người chưa phát tâm thì khiến họ được phát tâm. Nhưng chỉ trừ bọn Nhất xiển đề nhất định chết.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y có thể dùng diệu dược trị liệu những người mù khiến cho họ thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú, những ánh sáng, tất cả sắc tượng mà chỉ chẳng thể trị cho người mù bẩm sinh. Kinh Ðại Niết Bàn, điển Ðại Thừa này cũng lại như vậy, có thể vì người Thanh Văn, Duyên Giác khai phát tuệ nhãn, khiến cho những người ấy an trụ ở vô lượng vô biên Kinh điển Ðại Thừa, người chưa phát tâm như là kẻ phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián đều có thể khiến cho họ phát tâm Bồ Ðề. Nhưng chỉ trừ bọn Nhất xiển đề mù bẩm sinh. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y giỏi lý giải tám y thuật, trị được tất cả bệnh khổ của chúng sinh với đủ thứ phương dược, tùy bệnh cho thuốc như là: uống thuốc thổ độc ra, xoa thân, nhỏ mũi, hoặc xông hơ, hoặc rửa ráy, hoặc thuốc hoàn, hoặc thuốc tán… Tất cả các thuốc mà người bần ngu chẳng muốn uống. Vị lương y nghĩ thương liền đem người này về nhà mình, cưỡng ép cho uống thuốc. Nhờ sức của thuốc nên bệnh hoạn của hắn được khỏi. Người phụ nữ sinh khó, nhi y (?) chẳng ra, nếu uống thuốc này thì nhi y liền ra, cũng khiến cho đứa trẻ yên vui, không bệnh hoạn. Kinh Ðại Niết Bàn, điển Ðại Thừa này cũng lại như vậy, chỗ đến của Kinh này, như Kinh đến nhà thì có thể trừ vô lượng phiền não của chúng sinh, người phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián chưa phát tâm thì đều khiến cho họ phát tâm, chỉ trừ Nhất xiển đề.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Phạm bốn trọng cấm và năm tội vô gián thì gọi là Cực trọng ác (ác rất nặng) ví như cắt đứt đầu cây Ða la thì chẳng sống lại. Những người đó chưa phát tâm Bồ Ðề thì làm sao có thể cùng tạo tác nhân Bồ Ðề?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Những chúng sinh này, nếu ở trong mơ, mơ thấy rơi vào địa ngục, chịu những khổ não liền phát sinh lòng hối hận rằng: “Thương thay! Ta đã tự rước lấy tội này! Nếu ta nay được thoát khỏi tội đó thì nhất định sẽ phát tâm Bồ Ðề! Những điều thấy của ta hôm nay rất là cực ác!” Từ đó thức dậy rồi, người đó liền biết Chánh pháp có đại quả báo. Như đứa trẻ kia dần dần lớn lên, thường tác khởi ý nghĩ này: “Vị thầy thuốc này rất giỏi, khéo lý giải phương dược. Ta xưa ở trong thai mà ông cho thuốc mẹ ta. Mẹ nhờ dùng thuốc nên thân thể được yên ổn. Do nhân duyên đó nên mạng ta được an toàn. Lạ thay! Mẹ ta chịu khổ não lớn, hoài bão thân ta đủ đầy mười tháng. Sau khi sinh ra rồi, chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ nằm, trừ khử đại tiểu tiện bất tịnh của con, rồi cho bú mớm, nuôi dưỡng lớn lên, hộ trì thân ta. Do ý nghĩa này nên ta phải đền ơn mẹ. Phải nuôi dưỡng, hầu hạ, bảo vệ thuận theo cúng dường”. Người phạm bốn trọng cấm và năm tội vô gián, khi sắp mạng chung nghĩ đến Kinh Ðại Niết Bàn Ðại Thừa này thì tuy rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ hoặc lên trời hay ở trong loài người mà như vậy Kinh điển cũng vẫn vì người đó tạo tác nhân Bồ Ðề, trừ Nhất xiển đề! Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y và con của vị lương y với sự hiểu biết thâm áo vượt hơn các thầy thuốc, giỏi biết chú thuật vô thượng trừ độc. Nếu rắn ác độc như rồng hay rắn đầu tam giác thì họ dùng những chú thuật chú vào thuốc làm cho hay thêm. Rồi họ dùng thứ thuốc hay này bôi giày da. Ðem giày da này chạm vào các loài trùng độc thì độc của chúng bị tiêu tan, chỉ trừ một thứ độc tên là Ðại Long. Kinh Ðại Niết Bàn, điển Ðại Thừa này cũng lại như vậy, nếu có chúng sinh phạm bốn trọng cấm, năm tội vô gián thì đều có thể tiêu diệt, khiến cho họ trụ ở Bồ Ðề như giày da bôi thuốc có thể tiêu diệt mọi thứ độc, khiến cho người chưa phát tâm sẽ phát tâm, an trụ ở đạo Bồ Ðề Vô thượng. Chính là thuốc uy thần của Kinh Ðại Niết Bàn Ðại Thừa kia khiến cho các chúng sinh sinh ra an vui, chỉ trừ bọn Nhất xiển đề Ðại Long.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như có người đem thuốc độc mới chế ra dùng bôi vào cái trống lớn. Rồi ở trong mọi người, đánh trống phát ra tiếng, tuy người không có lòng muốn nghe, nhưng đã nghe tiếng trống đều chết. Chỉ trừ một người chẳng chết ngang (ngược). Kinh điển Ðại Niết Bàn Ðại Thừa này cũng lại như vậy, ở tại khắp nơi nơi, trong các chúng sinh mà có người nghe tiếng thì tham dục, sân nhuế, ngu si sẵn có đều tiêu diệt hết. Trong số chúng sinh ấy tuy có kẻ không có lòng suy nghĩ đến nhưng lực nhân duyên của Kinh Ðại Niết Bàn này có thể diệt phiền não mà phiền não kết của họ tự diệt. Người phạm bốn trọng cấm và năm tội vô gián nghe Kinh này rồi cũng tạo tác nhân duyên Bồ Ðề vô thượng, rồi dần dần đoạn dứt phiền não, chỉ trừ bọn Nhất xiển đề chẳng chết ngang. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như đêm tối mọi sự tạo tác kinh doanh, tất cả đều ngưng, nếu có việc chưa xong thì cần phải đợi đến sáng ngày mai. Người học Ðại Thừa, tuy tu học Khế kinh, tất cả các định, nhưng cần phải đợi mặt trời Ðại Thừa Ðại Niết Bàn để nghe lời dạy vi mật của Như Lai nay, rồi nhiên hậu mới sẽ kiến tạo nghiệp Bồ Ðề, an trụ ở Chánh pháp. Giống như trời mưa thấm nhuần, thêm tăng trưởng tất cả những giống loại thành tựu quả trái để trừ hết đói kém, hưởng thụ nhiều an vui, thịnh vượng, vô lượng pháp vũ của Như Lai Bí Tạng cũng lại như vậy, có thể trừ diệt hết tám thứ nhiệt bệnh. Kinh này ra đời như những quả trái kia, có nhiều sự lợi ích an lạc cho tất cả, có thể khiến cho chúng sinh thấy được tính Như Lai như trong Pháp Hoa, tám ngàn Thanh Văn được thọ ký biệt, thành tựu quả trái lớn. Như mùa thu gặt hái, mùa đông tàng trữ rồi lại không việc làm, bọn Nhất xiển đề cũng lại như vậy, đối với các thiện pháp không kinh doanh, tạo tác cái gì cả. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y nghe con của người khác bị sự nắm giữ của loài phi nhân liền đem diệu dược ra và sai một sứ giả, dặn bảo rằng: “Ông mang thuốc này cho người kia. Người kia nếu gặp những quỉ thần ác thì nhờ lực của thuốc này nên đều sẽ tránh đi xa. Nếu người chậm trễ thì ta sẽ tự sang, nhất định chẳng để cho người đó chết oan uổng vậy. Nếu người bệnh kia được thấy sứ giả và uy đức của ta thì các khổ sẽ tiêu trừ, được niềm vui yên ổn”. Ðiển Ðại Thừa, Kinh Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy. Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di và những ngoại đạo, có người có thể thọ trì Kinh điển như vậy mà đọc tụng thông lợi, lại vì người khác phân biệt giảng nói, hoặc tự ghi chép hay khiến bảo người khác ghi chép… những việc ấy đều là nhân duyên Bồ Ðề. Hoặc người phạm bốn trọng cấm và tội ngũ nghịch, hay người bị sự nắm giữ ác độc của tà quỉ mà nghe Kinh điển này thì những ác sẵn có đều tiêu diệt hết như thấy vị lương y thì ác quỉ tránh đi xa. Ông phải biết người này là Ðại Bồ tát chân thật. Vì sao vậy? Vì tạm được nghe (được nghe qua) Kinh Ðại Niết Bàn này mà cũng đã sinh ra ý niệm Như Lai thường trụ vậy. Tạm được nghe mà còn được như vậy huống gì ghi chép, thọ trì, đọc tụng, trừ Nhất xiển đề, những người còn lại ấy đều là Ðại Bồ tát. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như người điếc chẳng nghe được âm thanh. Bọn Nhất xiển đề cũng lại như vậy, tuy chúng lại muốn nghe Kinh điển vi diệu này nhưng mà chẳng được nghe. Sở dĩ vì sao? Vì không có nhân duyên vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y mà tất cả y phương (phương cách làm thuốc trị bịnh) không phương nào chẳng thông đạt, lại kiêm thêm rộng biết vô lượng chú thuật. Vị lương y đó diện kiến mà nói lên rằng: “Ðại vương nay nhất định có bệnh chết!” Vị vua ấy đáp rằng: “Khanh chẳng thấy việc trong bụng của ta thì sao mà nói rằng, ta nhất định có bệnh chết”. Vị thầy thuốc liền đáp rằng: “Nếu vua chẳng thấy tin thì nên uống thuốc hạ xuống!” Sau khi đã hạ xuống rồi, nhà vua tự nghiệm xem, rồi vua chẳng chịu uống. Bấy giờ, vị lương y dùng sức chú thuật khiến cho chỗ kín của nhà vua sinh ghẻ lở cùng khắp, lại gồm thêm nước máu lẫn trùng chảy ra. Vua thấy thế rồi phát sinh rất sợ hãi, khen vị lương y rằng: “Giỏi thay! Giỏi thay! Lời tâu trước của khanh, ta chẳng tin dùng, nay mới biết khanh đối với thân ta tạo tác lợi ích lớn!” Rồi nhà vua cung kính vị thầy thuốc đó, giống như cha mẹ. Ðiển Ðại Thừa, Kinh Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, đối với các chúng sinh có muốn hay không muốn đều có thể khiến cho phiền não của họ tan vỡ, rơi rụng. Những chúng sinh này thậm chí ở trong mơ mà mơ thấy Kinh này cũng cung kính cúng dường ví như vị đại vương cung kính vị lương y. Vị đại lương y này biết nhất định chết thì nhất định chẳng trị cho. Ðiển Ðại Thừa, Kinh Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, nhất định chẳng thể trị cho bọn Nhất xiển đề. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y giỏi tám thứ thuốc, có thể trị liệu hết tất cả các bệnh, chỉ chẳng thể trị được người nhất định chết. Các đức Phật, Bồ tát cũng lại như vậy có thể cứu vớt trị liệu tất cả người có tội, chỉ chẳng thể trị được người nhất định chết, bọn Nhất xiển đề. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như vị lương y giỏi biết tám thứ kinh thuật vi diệu, lại có thể thông đạt rộng rãi qua tám thứ. Ông đem sự hiểu biết của mình dạy cho con trước: Hoặc nước, hoặc đất, hang núi, thảo dược… đều khiến cho con nhận thức hiểu biết. Như vậy ông dần dần dạy xong tám việc. Tiếp theo ông lại dạy những y thuật tối thượng diệu khác. Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri cũng lại như vậy, trước tiên dạy con mình, những Tỳ kheo.v.v… về phương tiện trừ diệt tất cả phiền não, tu tập tịnh thân bằng tư tưởng chẳng kiên cố như là nước, đất, hang núi… Nước là dụ cho thân thọ khổ như bọt nước. Ðất là dụ cho thân chẳng bền như cây chuối. Hang núi là dụ cho ở trong phiền não tu vô ngã tưởng. Do nghĩa đó nên thân gọi là vô ngã. Như Lai như vậy đối với các đệ tử, rồi dần dần dạy họ học chín bộ kinh pháp, khiến cho họ giỏi giang thông lợi. Nhiên hậu Phật mới dạy họ học Như Lai Bí Tạng, vì con mình nên nói Như Lai Thường Trụ. Như Lai nói Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn như vậy là vì những chúng sinh đã phát tâm và chưa phát tâm tạo tác nhân duyên Bồ Ðề, trừ Nhất xiển đề. Như vậy này thiện nam tử! Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này vô lượng vô biên, chẳng thể nghĩ bàn, chưa từng có vậy! Ông phải biết, đó tức là lương y vô thượng, là vua tối tôn tối thắng trong mọi Kinh điển.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như chiếc thuyền lớn từ bờ biển này đi đến bờ kia, rồi lại từ bờ bên kia quay về bờ bên này. Như Lai Chánh Giác cũng lại như vậy, cỡi thuyền báu Ðại Niết Bàn Ðại Thừa chu toàn qua lại tế độ chúng sinh. Ở tại khắp nơi nơi mà có người nên độ, Như Lai đều khiến cho được thấy thân Như Lai. Do nghĩa này nên Như Lai gọi là Vô thượng Thuyền Sư. Ví như có thuyền thì có thuyền sư mà có thuyền sư thì có chúng sinh đi qua biển cả. Như Lai thường trụ hóa độ chúng sinh cũng lại như vậy.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như có người ở tại trong biển lớn, cỡi thuyền muốn đi qua. Nếu được gió thuận trong chốc lát thì có thể qua được vô lượng do tuần. Nếu chẳng được thì tuy vào trụ ở Kinh lâu hàng vô lượng năm nhưng chẳng lìa khỏi chỗ cũ, rồi có lúc thuyền hư ngập nước mà chết. Chúng sinh như vậy ở tại biển lớn sinh tử ngu si kia cỡi các hành thuyền (thuyền để đi), nếu gặp được Ðại Thuyền Niết Bàn và gió mạnh thuận lợi thì có thể mau chóng đến bờ đạo Vô thượng. Nếu chẳng gặp được, phải lưu chuyển lâu trong vô lượng sinh tử, đến khi bị hư hoại bị rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như có người chẳng gặp vua gió, trụ lâu ở biển cả liền suy nghĩ rằng: “Chúng ta nay nhất định phải chết tại đây”. Khi nghĩ như vậy thì bỗng nhiên gặp gió thuận lợi mà thuận theo đi qua biển. Người đó lại nghĩ rằng: “Sướng thay! Gió này chưa từng có vậy! Nó khiến chúng ta yên ổn qua được nạn biển cả”. Chúng sinh như vậy ở lâu trong biển cả sinh tử ngu si chịu khốn khổ, tiều tụy, chưa gặp gió Ðại Niết Bàn như vậy thì liền sinh ý niệm: “Chúng ta nhất định phải rơi vào địa ngục, súc sinh, ngã quỉ”. Khi những chúng sinh suy nghĩ thế thì bỗng nhiên gặp gió Ðại Thừa Ðại Niết Bàn mà thuận theo chiều gió thổi hướng vào đến Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, mới biết được chân thật. Họ sinh ra tư tưởng đặc biệt lạ lùng mà khen rằng: “Sướng thay! Ta từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy Như Lai vi mật tạng như vậy!” Bấy giờ họ mới đối với Kinh Ðại Niết Bàn sinh ra niềm tin thanh tịnh.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như con rắn lột da là chết mất chăng?
– Không, thưa đức Thế Tôn!
– Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy! Ta phương tiện thị hiện xả bỏ thân độc hại mà có thể nói rằng, Như Lai vô thường, diệt mất sao?
– Không, thưa đức Thế Tôn!
– Như Lai ở trong cõi Diêm phù đề này phương tiện xả thân như con rắn độc kia bỏ đi lớp da cũ. Vậy nên Như Lai gọi là thường trụ. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như người thợ vàng bậc thầy được thỏi vàng ròng tốt thì tùy ý tạo tác đủ thứ những đồ dùng. Như Lai cũng vậy, ở trong hai mươi lăm cõi hữu đều có thể thị hiện đủ thứ sắc thân vì giáo hóa chúng sinh, cứu vớt sinh tử. Vậy nên Như Lai gọi là Vô Biên Thân, tuy lại thị hiện đủ thứ những thân nhưng cũng gọi là thường trụ không có biến dị.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như cây Am la và cây Diêm phù, một năm ba lần biến đổi, có lúc sinh hoa màu sáng khoe tươi, có lúc ra lá sum suê um tùm, có lúc điêu tàn rơi rụng giống như khô chết. Này thiện nam tử! Ý ông thế nào? Có phải là cây khô chết thật không vậy?
– Không, thưa đức Thế Tôn!
– Này thiện nam tử! Như Lai cũng vậy, ở trong ba cõi thị hiện ba thứ thân, khi mới sinh, khi lớn lên, khi Niết Bàn mà thân Như Lai chẳng phải vô thường!
Bồ tát Ca Diếp khen rằng:
– Hay thay! Quả đúng như lời dạy của đức Thánh! Như Lai thường trụ không có biến dị!
– Này thiện nam tử! Mật ngữ của Như Lai thậm thâm khó hiểu. Ví như vị đại vương bảo các vị đại thần đem Tiên Ðà Bà lại. Tiên Ðà Bà là một tên bao gồm bốn thứ, một là muối, hai là khí cụ, ba là nước, bốn là ngựa. Như vậy là bốn vật đồng chung một tên. Người bề tôi có trí khéo biết danh xưng này, nếu vua khi tắm đòi Tiên đà bà thì liền dâng nước nếu vua khi ăn đòi Tiên đà bà thì liền dâng muối; nếu vua ăn rồi khi muốn uống nước đòi Tiên đà bà thì liền dâng đồ đựng nước; nếu khi vua muốn du hành đòi Tiên đà bà thì liền dâng ngựa. Như vậy là người bề tôi trí tuệ giỏi hiểu bốn thứ mật ngữ của vị đại vương. Kinh Ðại Thừa này cũng lại như vậy, có bốn vô thường mà vị đại thần trí Ðại Thừa cần phải giỏi biết. Nếu Phật ra đời vì chúng sinh nói Như Lai Niết Bàn thì người bề tôi trí tuệ phải biết đây là Như Lai kể là thường mà nói tướng vô thường là muốn khiến cho Tỳ kheo tu vô thường tưởng. Hoặc Như Lai lại nói rằng, chánh pháp sẽ diệt thì vị đại thần trí tuệ nên biết đây là Như Lai cho là vui mà nói về tướng khổ là muốn khiến cho Tỳ kheo tu nhiều khổ tưởng. Hoặc Như Lai lại nói rằng, ta nay bịnh khổ, chúng Tăng phá hoại thì vị đại thần trí tuệ phải biết đây là Như Lai cho là có ngã mà nói tướng vô ngã là muốn khiến cho Tỳ kheo tu vô ngã tưởng. Hoặc Như Lai lại nói rằng, cái gọi là không thì chính là chánh giải thoát thì vị đại thần trí tuệ phải biết đây là Như Lai nói Chánh Giải thoát, không có hai mươi lăm cõi hữu, muốn khiến cho Tỳ kheo tu học không tưởng. Do nghĩa này nên chánh giải thoát đó gọi là Không, cũng gọi là bất động. Gọi là Bất Ðộng là trong giải thoát không có khổ. Vậy nên gọi là Bất Ðộng. Chánh giải thoát này là không có tướng, gọi là vô tướng thì không có sắc, thanh, hương, vị, xúc.v.v… nên gọi là vô tướng. Chánh giải thoát này thường trụ chẳng biến dị. Trong giải thoát này không có vô thường, nhiệt não, biến dị. Vậy nên giải thoát gọi là thường trụ, bất biến, thanh lương. Hoặc lại nói rằng, tất cả chúng sinh có Như Lai tính thì vị bề tôi phải biết đây là Như Lai nói về thường pháp, muốn khiến cho Tỳ kheo tu tập chánh thường pháp. Các Tỳ kheo này nếu có thể thuận theo tu học như vậy thì phải biết người đó là chân đệ tử của ta, giỏi biết vi mật tạng của Như Lai như người bề tôi trí tuệ của vị đại vương kia giỏi biết ý của vua. Này thiện nam tử! Như vậy vị đại vương mà cũng có pháp mật ngữ như thế huống gì là Như Lai mà lại không có vậy? Này thiện nam tử! Vậy nên lời dạy vi mật của Như Lai khó có thể được biết, chỉ có bậc trí giả mới có thể lý giải được Phật pháp thậm thâm của ta, chẳng phải là điều có thể tin của hạng phàm phu thế gian vậy.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như cây Ba-la-xa, cây Ca-ni-ca, cây A-thúc-ca gặp trời khô hạn chẳng sinh hoa trái và những vật sống trên đất, trên nước đều khô héo hết, không có nước thấm nhuần thì chẳng thể tăng trưởng. Tất cả các dược thảo không còn hiệu lực nữa. Này thiện nam tử! Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, sau khi ta diệt độ, có những chúng sinh chẳng thể cung kính, không có uy đức. Vì sao vậy? Vì các chúng sinh chẳng biết vi mật tạng của Như Lai. Sở dĩ vì sao? Vì các chúng sinh này bạc phước vậy. Lại nữa, này thiện nam tử! Chánh pháp của Như Lai sắp muốn diệt hết, bấy giờ có hạng Tỳ kheo làm ác, chẳng biết vi mật tạng của Như Lai, lười biếng giải đãi, chẳng thể đọc tụng, tuyên dương phân biệt chánh pháp của Như Lai, ví như tên giặc ngu si xả bỏ chân bảo để gánh vác cỏ cây. Chẳng giải vi mật tạng của Như Lai nên ở trong Kinh này giải đãi chẳng tinh cần. Thương thay! Rất nguy hiểm cho đời đương lai, rất là đáng sợ hãi! Khổ thay! Chúng sinh chẳng tinh cần thính thọ Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này! Chỉ các vị Ðại Bồ tát mới có thể đối với Kinh này chọn lấy nghĩa chân thật, chẳng chấp trước văn tự, thuận theo chẳng nghịch mà vì chúng sinh diễn nói. Lại nữa, này thiện nam tử! Như người con gái chăn trâu bán sữa, vì muốn tham nhiều lợi nên gia thêm hai phần nước đem bán cho người con gái chăn trâu khác. Người con gái kia mua được sữa rồi lại gia thêm hai phần nước lại chuyển bán cho người con gái ở gần thành. Người con gái gần thành đó mua được rồi lại gia thêm hai phần nước lại chuyển bán cho người con gái ở trong thành. Người con gái ở trong thành đó mua được sữa rồi lại gia thêm hai phần nước mà đem đến chợ bán. Có một người, vì con cưới vợ nên cần gấp sữa tốt để cung cấp cho khách mời, đến chợ muốn mua sữa. Người bán sữa này tìm nêu nhiều giá trị của sữa. Nhưng người mua sữa đó nói rằng: “Sữa này nhiều nước thật chẳng giá trị gì. Nhưng ngày hôm nay gặp lúc ta chiêu đãi tân khách nên phải mua lấy thôi!” Lấy rồi trở về nhà, người ấy nấu sữa lên làm cháo mà không còn vị sữa nữa. Tuy không còn vị sữa nhưng ở trong vị đắng, nó còn hơn gấp ngàn lần. Vì sao vậy? Vì sữa là vị tối thắng trong các vị. Này thiện nam tử! Sau khi ta Niết Bàn, Chánh pháp chưa diệt, còn chừng tám mươi năm, bấy giờ Kinh này ở cõi Diêm phù đề sẽ lưu bố rộng rãi. Khi đó, sẽ có các ác Tỳ kheo sao chép sơ lược Kinh này, chia làm nhiều phần, có khả năng diệt hết sắc hương mỹ vị của Chánh pháp. Những người ác này tuy lại đọc tụng Kinh điển như vậy nhưng đã diệt trừ yếu nghĩa thâm mật của Như Lai, chỉ an trí lời nói vô nghĩa văn vẻ trang nghiêm của thế gian mà thôi. Phần sao chép trước đặt sau, phần sao chép sau đặt trước, phần trước sau đặt vào giữa, phần giữa thì đặt ở trước sau… Ông phải biết, những ác Tỳ kheo này là bạn bè của ma, nhận nuôi tất cả vật bất tịnh. Bọn chúng nói rằng: “Ðức Như Lai cho phép ta nuôi nhận!” Như người con gái chăn trâu gia thêm nhiều nước vào sữa, các ác Tỳ kheo cũng lại như vậy, dùng xen tạp lời lẽ thế gian quyết định lầm lẫn Kinh này, khiến cho nhiều chúng sinh chẳng được lời nói chân chánh, bản chép chân chính, sự chọn lấy chân chính mà khen ngợi, cúng dường, cung kính. Những ác Tỳ kheo này vì lợi dưỡng nên chẳng thể tuyên nói, lưu bố rộng rãi Kinh đó. Sự phân chia, lưu bố thiếu, lời chẳng đủ như người con gái chăn trâu bần cùng kia đắp đổi bán sữa cho đến khi nấu thành cháo mà không còn vị sữa nữa. Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này cũng lại như vậy, đắp đổi đến nỗi nhạt nhẽo, không còn có khí vị nữa. Tuy Kinh này không khí vị nhưng còn hơn Kinh khác, vượt qua ngàn lần như vị sữa kia đối với những vị đắng, nó thắng hơn ngàn lần. Vì sao vậy? Vì Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này đối với Kinh của Thanh Văn là tối thượng thủ (đứng đầu) ví như sữa trâu là tối thắng trong các vị. Do nghĩa đó nên gọi là Ðại Niết Bàn.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như thiện nam tử, thiện nữ nhân.v.v… không có ai chẳng câu thân nam tử. Vì sao vậy? Vì tất cả nữ nhân đều là chỗ sở trụ của mọi thứ ác. Lại nữa, này thiện nam tử! Như nước của muỗi của ve chẳng thể khiến cho đất đai này thấm nhuần, dâm dục của người con gái ấy khó thỏa mãn cũng lại như vậy. Ví như đất đai, tất cả làm thành hòn nhỏ như hạt cải mà số đàn ông nhiều như vậy cùng một người đàn bà chung làm việc dâm dục còn chẳng thể đủ. Giả sử số đàn ông nhiều như cát sông Hằng cùng với một người đàn bà chung làm việc dâm dục thì cũng lại chẳng đủ. Này thiện nam tử! Ví như biển cả mà tất cả trời mưa, trăm sông, mọi dòng chảy đều rót về. Nhưng biển cả kia chưa từng tràn đầy, phép của nữ nhân cũng lại như vậy. Giả sử tất cả đều là nam tử chỉ cùng với một nữ nhân chung làm việc dâm dục mà cũng chẳng đủ. Lại nữa, này thiện nam tử! Như cây A thúc ca, cây Ba sấc la, cây Ca ni ca, mùa xuân nở hoa bày ong hút lấy sắc hương mỹ vị, chẳng biết chán. Nữ nhân dâm dục với nam tử cũng lại như vậy, chẳng biết chán đủ. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên các thiện nam tử, thiện nữ nhân.v.v… nghe được Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn này thì thường nên chê trách thân tướng nữ nhân, cầu được thân nam tử. Vì sao vậy? Vì điển Ðại Thừa này có tướng trượng phu, gọi là Phật tính. Nếu người chẳng biết Phật tính này thì không có nam tướng. Sở dĩ vì sao? Vì chẳng thể tự biết có Phật tính vậy. Nếu có người chẳng thể biết Phật tính thì ta nói những người đó gọi là nữ nhân. Nếu người có thể tự biết có Phật tính thì ta nói người đó là đại trượng phu. Nếu có nữ nhân có thể biết thân mình nhất định có Phật tính thì phải biết những người đó tức là nam tử. Này thiện nam tử! Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn gom tụ công đức vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn. Sở dĩ vì sao? Vì nói lên bí mật tạng của Như Lai. Vậy nên thiện nam tử, thiện nữ nhân, nếu muốn mau chóng biết mật tạng của Như Lai thì cần phải phương tiện siêng tu học Kinh này!
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðúng như lời của đức Phật! Con nay đã có tướng trượng phu, được vào vi mật tạng của Như Lai. Ngày hôm nay đức Như Lai bắt đầu giác ngộ cho con! Nhân đó con liền được quyết định thông đạt.
Ðức Phật dạy rằng:
– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ông nay thuận theo pháp thế gian mà nói lên lời nói này!
Ngài Ca Diếp lại nói rằng:
– Con chẳng thuận theo pháp thế gian!
Ðức Phật khen ngài Ca Diếp rằng:
– Hay thay! Hay thay! Ông nay đã biết vị pháp Vô thượng thậm thâm khó biết mà có thể được biết như con ong thu lấy vị. Ông cũng như vậy đó! Lại nữa, này thiện nam tử! Như nước của con muỗi chẳng thể thấm nhuần được đất đai này, đời đương lai Kinh này lưu bố cũng lại như vậy, như sự thấm nhuần của nước con muỗi kia. Khi chánh pháp sắp diệt thì Kinh này trước sẽ chìm mất vào trong đất này, ông phải biết đó tức là tướng suy của Chánh pháp. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như qua khỏi mùa hạ, tháng đầu gọi là mùa thu, mưa thu mưa liên miên. Kinh điển Ðại Thừa Ðại Niết Bàn cũng lại như vậy, được các vị Bồ tát ở phương Nam kia sẽ lưu bố rộng rãi, tuông xuống mưa pháp cùng khắp cõi ấy. Chánh pháp sắp diệt sẽ đến nước Kế Tân đầy đủ không khiếm khuyết, chìm mất vào trong đất, hoặc có người tin, hoặc có người chẳng tin. Như vậy pháp vị cam lộ của Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng đều chìm mất vào đất. Kinh này mất rồi thì tất cả Kinh điển Ðại thừa khác đều diệt mất hết. Nếu người được Kinh này đầy đủ không khiếm khuyết thì người đó là vua voi trong loài người. Các Bồ tát.v.v… phải biết là chánh pháp vô thượng của Như Lai sắp diệt chẳng lâu nữa.
Lúc bấy giờ, ngài Văn Thù Sư Lợi bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nay ông Thuần Ðà này còn có lòng nghi hoặc, nguyện xin đức Thế Tôn, một lần nữa phân biệt khiến cho ông ấy được đoạn trừ.
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Lòng nghi ra sao? Ông hãy nói đi! Ta sẽ vì ông đoạn trừ cho!
Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa rằng:
– Lòng ông Thuần Ðà hồ nghi về việc Như Lai thường trụ! Do được thấy biết lực Phật tính nên nếu thấy Phật tính mà là thường thì khi trước chưa thấy nên là vô thường. Nếu trước vô thường thì sau cũng nên vậy. Vì sao vậy? Vì như vật của thế gian trước không mà nay có, đã có rồi trở lại không. Như vậy mọi vật đều là vô thường. Do nghĩa này nên chư Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác không có sai biệt.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:
Trước có nay không
Trước không nay có
Pháp có ba đời
Không có điều đó.
Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên chư Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng có sai biệt cũng không sai biệt.
Ngài Văn Thù Sư Lợi khen rằng:
– Hay thay! Quả đúng như lời dạy của đức Thánh! Con nay mới hiểu được vấn đề các đức Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác cũng có sai biệt, cũng không sai biệt!
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói, tính của chư Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác không sai biệt, nguyện xin đức Như Lai phân biệt diễn nói rộng rãi để cho tất cả chúng sinh được lợi ích, an lạc!
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Ta sẽ vì ông diễn nói! Này thiện nam tử! Ví như ông trưởng giả nuôi nhiều trâu sữa có đủ thứ màu sắc thường sai một người chăn giữ, nuôi dưỡng. Có thời gian, vì việc cúng tế, người đó vắt sữa của những con trâu vào trong một cái đồ đựng. Người đó thấy sữa của các con trâu đồng một màu trắng liền kinh ngạc lấy làm lạ: Màu sắc trâu đều khác mà cao sữa của chúng đồng một màu? Người đó suy nghĩ: Như sữa này, tất cả đều là nhân duyên nghiệp báo của chúng sinh khiến cho màu sữa là một. Này thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cũng vậy, đồng một Phật tính, giống như sữa kia. Sở dĩ vì sao? Vì đồng hết lậu vậy! Nhưng mà các chúng sinh nói rằng, Phật, Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác có sự sai biệt. Có những Thanh Văn, người phàm phu nghi ngờ ở ba thừa tại sao có sai biệt? Thời gian lâu về sau, những chúng sinh đó tự giải được là tất cả ba thừa đồng một Phật tính, giống như người chăn trâu kia giác ngộ tướng sữa do nhân duyên nghiệp. Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như quặng vàng đem luyện gạn bỏ cặn bẩn, nhiên hậu nấu chảy thành vàng ròng, giá trị không lường. Này thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cũng vậy, đều được thành tựu, đồng một Phật tính. Vì sao vậy? Vì trừ hết phiền não như quặng vàng trừ hết những cặn bẩn. Do nghĩa này nên tất cả chúng sinh đồng một Phật tính không có sai biệt. Do Phật tính ấy nên trước nghe Như Lai mật tạng thì sau khi thành Phật tự nhiên được biết như ông trưởng giả kia biết sữa một tướng. Vì sao vậy? Vì đã cắt đứt vô lượng ức phiền não vậy.
Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu tất cả chúng sinh có Phật tính thì Phật cùng chúng sinh có gì sai biệt? Nói như vậy thì có nhiều lầm lỗi! Nếu các chúng sinh đều có Phật tính thì vì nhân duyên gì mà ngài Xá Lợi Phất dùng Tiểu Niết Bàn mà Bát Niết Bàn; người Duyên Giác ở Trung Niết Bàn mà Bát Niết Bàn; người Bồ tát ở Ðại Niết Bàn mà Bát Niết Bàn. Những người như vậy nếu đồng Phật tính thì vì sao chẳng đồng Như Lai Niết Bàn mà Bát Niết Bàn?
– Này thiện nam tử! Niết Bàn sở đắc của các đức Phật Thế Tôn chẳng phải là cái sở đắc của Thanh Văn, Duyên Giác. Do nghĩa này nên Ðại Bát Niết Bàn gọi là Thiện Hữu (hữu: có). Ðời nếu không có Phật chẳng phải không có Nhị thừa được Nhị Niết Bàn?
Ngài Ca Diếp lại thưa rằng:
– Nghĩa đó ra sao?
Ðức Phật dạy rằng:
– Vô lượng vô biên atăngkỳ kiếp mới có một đức Phật xuất hiện ở đời để khai thị tam thừa. Này thiện nam tử! Như lời nói của ông, Bồ tát và Nhị thừa không có sai biệt, ta trước ở trong Ðại Niết Bàn mật tạng của Như Lai, đã nói nghĩa ấy. Các A la hán không có “thiện hữu”. Vì sao vậy? Vì các A la hán đều được Ðại Niết Bàn này. Do nghĩa đó nên Ðại Bát Niết Bàn có niềm vui rốt ráo. Vậy nên gọi là Ðại Bát Niết Bàn.
Ngài Ca Diếp thưa rằng:
– Như lời nói của đức Phật thì con nay mới biết nghĩa sai biệt và nghĩa không sai biệt. Vì sao vậy? Vì tất cả Bồ tát, Thanh Văn, Duyên Giác vào đời vị lai đều sẽ về với Ðại Bát Niết Bàn, ví như mọi dòng chảy đều về với biển cả. Vậy nên người Thanh Văn, Duyên Giác đều gọi là thường, chẳng phải là vô thường. Do nghĩa này nên cũng có sai biệt và cũng không sai biệt.
Ngài Ca Diếp thưa rằng:
– Sao gọi là tính sai biệt?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Thanh Văn như sữa, Duyên Giác như cao sữa, Bồ tát như váng sữa sống, chín, các đức Phật Thế Tôn giống như đề hồ. Do nghĩa này nên trong Ðại Niết Bàn nói lên bốn chủng tính mà có sai biệt.
Ngài Ca Diếp lại thưa rằng:
– Tính tướng của tất cả chúng sinh ra sao?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Như con trâu mới sinh, sữa và máu chưa riêng biệt, tính của phàm phu xen lẫn các phiền não cũng lại như vậy.
Ngài Ca Diếp lại nói rằng:
– Thành Câu Thi Na có người Chiên đà la tên là Hoan Hỷ. Ðức Phật thọ ký người này, do một lần phát tâm, sẽ ở trong số một ngàn vị Phật của cõi này, mau chóng thành đạo Vô thượng Chánh Chân. Vì lý do gì mà Như Lai chẳng thọ ký cho tôn giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên.v.v… mau chóng thành Phật đạo?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này thiện nam tử! Hoặc có Thanh Văn, Duyên Giác hay Bồ tát phát thệ nguyện rằng: “Ta sẽ mãi mãi hộ trì chánh pháp, nhiên hậu mới thành Phật đạo Vô thượng!” Do phát nguyện mau nên cho thọ ký mau.
Lại nữa, này thiện nam tử! Ví như người thương nhân có bảo vật vô giá đem đến chợ bán. Người ngu thấy rồi chẳng biết vật quí, cười khinh chê. Người chủ bảo vật xướng rằng: “Chân bảo này của ta giá trị vô số!” Nghe rồi người ngu lại cười và nói với nhau rằng: “Ðây chẳng phải là chân bảo chỉ là ngọc pha lê!” Này thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác cũng lại như vậy. Nếu họ nghe mau thọ ký thì liền giải đãi, khinh cười, chê thấp kém như người ngu kia chẳng biết được chân bảo. Vào đời vị lai có những Tỳ kheo chẳng thể tinh cần tu tập thiện pháp, bị sự bức bách của bần cùng, khốn khổ, đói khát, nhân đó mà xuất gia để nuôi lớn thân mình, còn lòng chí thì khinh tháo, tà mạng, dua nịnh, quanh co. Nếu họ nghe Như Lai thọ ký cho Thanh Văn mau chóng thì liền sẽ cả cười, khinh mạn, hủy báng. Ông phải biết những người đó tức là hạng phá giới, tự nói rằng mình được pháp hơn người. Do nghĩa này nên tùy theo sự phát nguyện mau chóng nên cho thọ ký mau chóng, còn người hộ Chánh pháp được thọ ký xa.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Ðại Bồ tát sao gọi là sẽ được quyến thuộc chẳng hoại?
Ðức Phật dạy rằng:
– Này Ca Diếp! Nếu các Bồ tát siêng năng gia thêm tinh tấn muốn hộ chánh pháp thì do nhân duyên này sẽ được quyến thuộc chẳng thể trở hoại.
Bồ tát Ca Diếp lại bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà chúng sinh bị môi miệng khô cháy?
Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng:
– Nếu có người chẳng nhận thức được Tam Bảo thường còn thì do nhân duyên này mà môi miệng khô cháy như người miệng lở chẳng biết sự khác biệt của sáu vị ngọt, đắng, cay, chua, mặn, nhạt. Tất cả chúng sinh ngu si, vô trí chẳng nhận thức được Tam bảo là pháp trường tồn. Vậy nên gọi là môi miệng khô cháy, Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh chẳng biết Như Lai là thường trụ thì phải biết người đó là mù bẩm sinh. Nếu người biết Như Lai là thường trụ thì người như vậy tuy có nhục nhãn nhưng ta nói người đó gọi là có thiên nhãn. Lại nữa, này thiện nam tử! Nếu có người có thể biết Như Lai là thường trụ thì phải biết người này tu tập Kinh điển như vậy đã lâu. Ta nói những người đó cũng gọi là có thiên nhãn. Người tuy có thiên nhãn mà chẳng thể biết Như Lai là thường trụ thì ta nói những người ấy gọi là có nhục nhãn. Người đó thậm chí chẳng nhận biết được chi tiết chân tay của thân mình, cũng lại chẳng thể khiến cho người khác nhận biết. Do nghĩa đó nên gọi là nhục nhãn.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như Lai thường vì tất cả chúng sinh mà làm cha mẹ. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả chúng sinh đủ thứ hình loại hai chân có, bốn chân có, nhiều chân có, không chân cũng có…. Phật dùng một thứ âm thanh mà vì chúng nói pháp mà những chủng loại kia khác nhau nhưng mỗi mỗi đều được giải thông và đều hoan hỷ nói rằng: “Ðức Như Lai ngày hôm nay vì ta nói pháp. Do nghĩa này nên gọi là cha mẹ”.
Lại nữa, này thiện nam tử! Như người sinh đứa con mới mười sáu tháng tuổi, tuy lời nói chưa thể giải rõ mà người cha mẹ kia muốn dạy con mình nói năng thì trước hòa đồng âm thanh của đứa con ấy rồi dần dần dạy bảo nó. Lời nói của người cha mẹ đó có thể chẳng đúng đắn sao?
– Thưa đức Thế Tôn! Không vậy!
– Này thiện nam tử! Các đức Phật Như Lai cũng lại như vậy, tuy theo đủ chủng loại âm thanh của các chúng sinh mà vì họ nói pháp, khiến cho họ an trụ ở chánh pháp của Phật. Tùy theo sự cần thấy của họ mà thị hiện đủ thứ hình tượng. Như Lai đồng ngôn ngữ với những chúng sinh kia như vậy mà có thể chẳng chánh sao?
– Thưa đức Thế Tôn! Không vậy! Vì sao thế? Vì lời nói của đức Như Lai như tiếng rống Sư tử, thuận theo đủ thứ âm thanh của thế gian mà vì chúng sinh khen nói diệu pháp.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ chín hết –