Quyển thứ 24
22. PHẨM ÐẠI BỒ TÁT QUANG MINH BIẾN CHIẾU CAO QUÍ ÐỨC VƯƠNG PHẦN 6
– Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là Ðại Bồ tát tu Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ chín? Này thiện nam tử! Ðại Bồ tát tu Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu, đầu tiên phát khởi năm việc đều được thành tựu. Những gì là năm? Một là Tín, hai là Trực tâm, ba là Giới (cấm), bốn là thân cận bạn lành, năm là đa văn. Sao gọi là Tín? Ðại Bồ tát tin vào bố thí Tam bảo có quả báo, tin vào đạo Nhất Thừa hai đế, lại không đường khác nhưng vì muốn cho chúng sinh mau được giải thoát nên các đức Phật Bồ tát phân biệt làm ba, tin đệ nhất nghĩa đế, tin thiện phương tiện… Ðó gọi là tín. Người tin như vậy thì hoặc các Sa môn, hoặc Bà la môn, hoặc Thiên ma, Phạm thiên, tất cả chúng sinh chẳng thể hoại họ. Nhân sự tin này nên được tính của Thánh nhân. Tu hành bố thí hoặc nhiều hay ít đều được gần với Ðại Bát Niết Bàn, chẳng rơi vào sinh tử. Giới cấm, đa văn, trí tuệ cũng lại như vậy. Ðó gọi là Tín. Tuy có tín này mà cũng chẳng thấy. Ðó gọi là Bồ tát tu Ðại Niết Bàn thành tựu việc đầu tiên.
Sao gọi là Trực tâm? Ðại Bồ tát đối với các chúng sinh tác khởi tâm chất trực (ngay thẳng chân chất). Tất cả chúng sinh nếu gặp nhân duyên thì sinh ra nịnh hót quanh co còn Bồ tát chẳng vậy. Vì sao vậy? Vì giỏi lý giải các pháp đều do nhân duyên. Ðại Bồ tát tuy thấy những tội lỗi ác của chúng sinh nhưng nhất định chẳng nói ra. Vì sao vậy? Vì sợ họ sinh ra phiền não mà nếu sinh phiền não thì rơi vào đường ác. Như vậy Bồ tát nếu thấy có ít việc thiện của chúng sinh thì khen ngợi họ. Sao gọi là thiện? Ðó gọi là Phật tính, khen ngợi Phật tính nên khiến cho các chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Bấy giờ Ðại Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói, Ðại Bồ tát khen Phật tính khiến cho vô lượng chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, thì nghĩa này chẳng phải vậy. Vì sao vậy? Vì đức Như Lai lúc ban đầu khai Kinh Niết Bàn, nói có ba thứ. Một là nếu có người bệnh mà được lương y, thuốc và người xem bệnh thì bệnh dễ khỏi. Như người bệnh ấy chẳng được thì chẳng thể lành bệnh. Hai là nếu được hay chẳng được đều chẳng thể khỏi bệnh. Ba là nếu được hay chẳng được đều có thể khỏi bệnh. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, nếu gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát nghe nói diệu pháp thì có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Như những chúng sinh ấy chẳng gặp thì chẳng thể phát tâm như là Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích Chi Phật. Hai là tuy người ấy gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát, nghe nói diệu pháp cũng chẳng thể phát tâm, hoặc họ chẳng gặp nên cũng chẳng thể phát tâm như là bọn Nhất xiển đề. Ba là hoặc gặp hay chẳng gặp, tất cả đều có thể phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác như là Bồ tát. Nếu nói rằng, gặp cùng chẳng gặp đều phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì đức Như Lai hôm nay làm sao nói rằng, nhân khen Phật tính khiến cho các chúng sinh phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác? Thưa đức Thế Tôn! Nếu gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát, nghe nói diệu pháp và cả chẳng gặp mà đều chẳng thể phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì phải biết nghĩa này cũng lại chẳng phải vậy. Vì sao vậy? Vì người như vậy sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bọn Nhất xiển đề do có Phật tính nên hoặc nghe hay chẳng nghe đều cũng sẽ được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác! Thưa đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói thì những gì gọi là Nhất xiển đề vậy? Ðó là kẻ đoạn dứt thiện căn. Nghĩa như vậy cũng lại chẳng đúng. Vì sao vậy? Vì chẳng đoạn dứt Phật tính. Như vậy là lý Phật tính chẳng thể đoạn thì làm sao đức Phật nói đoạn các thiện căn. Như đức Phật thuở trước nói mười hai bộ kinh, thiện có hai thứ, một là Thường, hai là Vô thường. Thường là chẳng đoạn, vô thường thì có thể đoạn nên đọa địa ngục. Thường chẳng thể đoạn thì vì sao chẳng ngăn chận? Phật tính chẳng đoạn thì chẳng phải Nhất xiển đề mà vì sao đức Như Lai nói như vậy là Nhất xiển đề? Thưa đức Thế Tôn! Nếu nhân Phật tính phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì vì sao đức Như Lai rộng vì chúng sinh nói mười hai bộ Kinh? Thưa đức Thế Tôn! Ví như bốn dòng sông, xuất phát từ ao A Nậu Ðạt. Nếu có trời, người, các đức Phật Thế Tôn nói rằng những dòng sông này chẳng chảy vào biển cả mà sẽ trở lại nguồn cũ thì không có điều này. Tâm Bồ Ðề cũng lại như vậy, nếu người có Phật tính thì hoặc nghe hay chẳng nghe, hoặc giới (cấm) hay chẳng phải giới, hoặc thí hay chẳng phải thí, hoặc tu hay chẳng phải tu, hoặc trí hay chẳng phải trí… đều nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Thưa đức Thế Tôn! Như mặt trời từ trong núi Ưu Ðà Diên hiện ra đi đến hướng chánh Nam (?). Nếu mặt trời nghĩ rằng, ta chẳng đến phương Tây mà trở lại phương Ðông thì không có điều này. Phật tính cũng vậy, nếu chẳng nghe, chẳng giới, chẳng thí, chẳng tu, chẳng trí…. chẳng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì không có điều này. Thưa đức Thế Tôn! Các đức Phật Như Lai nói rằng, tính của nhân quả chẳng phải có, chẳng phải không, nghĩa như vậy cũng chẳng đúng! Vì sao vậy? Vì như trong sữa ấy không có tính cao sữa thì không có cao sữa (lạc), hạt Ni câu đà không tính năm trượng thì chẳng thể sinh chất cây năm trượng. Nếu trong Phật tính không cây Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì làm sao sinh ra cây Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác được? Do nghĩa này nên lời nói, nhân quả chẳng phải có, chẳng phải không thì nghĩa như vậy làm sao tương ứng?
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn khen rằng:
– Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Ðời có hai loại người rất là hiếm có như hoa Ưu đàm. Một là người chẳng làm pháp ác, hai là người có tội có thể sám hối. Người như vậy rất là hiếm có. Lại có hai loại người, một là làm ơn, hai là nghĩ đến ơn. Lại có hai loại người, một là người hỏi han thính thọ pháp mới, hai là người ôn cũ chẳng quên. Lại có hai hạng người, một là người tạo ra cái mới, hai là người sửa cái cũ. Lại có hai loại người, một là người ưa nghe pháp, hai là người ưa nói pháp. Lại có hai loại người, một là người giỏi vấn nạn, hai là người giỏi giải đáp. Người giỏi vấn nạn là thân ông đó! Người giỏi giải đáp gọi là Như Lai vậy! Này thiện nam tử! Nhân sự khéo hỏi này, ta liền được chuyển bánh xe pháp Vô Thượng, có thể làm khô cây đại thọ mười hai nhân duyên, có thể độ vô biên dòng sông lớn sinh tử, có thể cùng ma vương Ba Tuần chung chiến đấu, có thể xô ngã sự kiến lập thắng tràng của Ba Tuần. Này thiện nam tử! Như trước ta đã nói, ba thứ mà người bệnh gặp là lương y, người xem bệnh, thuốc tốt và cả việc chẳng gặp được thì bệnh đều được khỏi. Nghĩa này ra sao? Nghĩa này là nếu được hay chẳng được gọi là định thọ mạng. Sở dĩ vì sao? Vì người này đã ở trong vô lượng đời, tu ba thứ thiện là thượng, trung, hạ. Do tu ba thứ thiện như vậy nên được định thọ mạng như người Uất Ðan Việt thọ mạng một ngàn năm. Có người gặp bệnh, nếu được lương y, thuốc tốt, người coi bệnh và cả việc chẳng được đều được khỏi bệnh. Vì sao vậy? Vì đã được định mệnh. Này thiện nam tử! Như lời ta nói, nếu có người bệnh được gặp lương y, thân tốt, người trông bệnh thì bệnh được trừ khỏi, nếu chẳng gặp thì chẳng được khỏi. Nghĩa này ra sao? Này thiện nam tử! Người như vậy thọ mạng chẳng định, mạng tuy chẳng tận nhưng có chín nhân duyên có thể làm chết yểu thọ mạng ấy. Những gì là chín? Một là biết ăn chẳng yên mà lại ăn. Hai là ăn nhiều. Ba là đồ ăn trước chưa tiêu mà lại ăn nữa. Bốn là đi đại tiểu tiện lợi chẳng theo thời tiết. Năm là khi bệnh chẳng theo lời dạy của thầy thuốc. Sáu là chẳng theo lời dạy bảo của người coi bệnh. Bảy là cố cưỡng lại chẳng thổ ra. Tám là đi đêm, do đi đêm nên bị ác quỷ đánh. Chín là phòng nhà lỗi sai. Do những nhân duyên này nên ta nói người bệnh nếu gặp lương y, thuốc tốt thì bệnh có thể khỏi còn nếu chẳng gặp thì chẳng thể bớt. Này thiện nam tử! Như trước ta nói, nếu gặp hay chẳng gặp đều chẳng thể khỏi. Nghĩa này ra sao? Có người mạng tận, nếu gặp hay chẳng gặp đều chẳng thể khỏi. Vì sao vậy? Vì mạng đã hết vậy. Do nghĩa này nên ta nói người bệnh, nếu gặp lương y, thuốc tốt và cả chẳng gặp đều chẳng thể được khỏi. Chúng sinh cũng vậy, người phát tâm Bồ Ðề nếu gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát hỏi han, thính thọ thâm pháp hay chẳng gặp được thì đều sẽ thành tựu. Vì sao vậy? Vì người ấy có thể phát tâm Bồ Ðề như người Uất Ðan Việt được định thọ mạng. Như lời ta nói, từ Tu đà hoàn đến Bích Chi Phật nếu nghe lời nói thâm pháp của bạn lành, các đức Phật, Bồ tát thì phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, còn nếu chẳng gặp các đức Phật, Bồ tát nghe nói thâm pháp thì chẳng thể phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Như người mạng bất định vì chín nhân duyên nên mạng chết yểu. Như người bệnh đó gặp lương y, thuốc tốt thì bệnh được khỏi còn nếu chẳng gặp thì bệnh chẳng khỏi. Vậy nên ta nói gặp Phật, Bồ tát, nghe nói thâm pháp thì có thể phát tâm, còn nếu chẳng gặp thì chẳng thể phát tâm. Như ta trước đã nói, nếu gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát, nghe nói thâm pháp và nếu chẳng gặp cũng đều chẳng thể phát tâm thì nghĩa này ra sao? Này thiện nam tử! Bọn Nhất xiển đề nếu gặp bạn lành, các đức Phật, Bồ tát nghe nói thâm pháp và cả chẳng gặp đều chẳng được lìa khỏi tâm Nhất xiển đề. Vì sao vậy? Vì đoạn thiện pháp vậy. Còn sở dĩ vì sao bọn Nhất xiển đề cũng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác? Nếu chúng có thể phát tâm Bồ Ðề thì chẳng lại gọi là Nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Do nhân duyên gì nói rằng, Nhất xiển đề được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác? Bọn Nhất xiển đề thật chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác như người mạng tận tuy gặp lương y, thuốc tốt, người coi bệnh nhưng chẳng thể được khỏi. Vì sao vậy? Vì mạng hết vậy. Này thiện nam tử! Nhất siển gọi là tin, đề gọi là chẳng đủ. Tin chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải tin, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là thiện phương tiện, đề gọi là chẳng đủ. Tu thiện phương tiện chẳng đầy đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải là tu thiện phương tiện, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là tấn, đề gọi là chẳng đủ. Tấn chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải tấn, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là niệm, đề gọi là chẳng đủ. Niệm chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải niệm, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là định, đề gọi là chẳng đủ. Ðịnh chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải định, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là tuệ, đề gọi là chẳng đủ. Tuệ chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải tuệ, chúng sinh chẳng phải đủ. Do chẳng đủ nên sao gọi là có thể đoạn? Nhất siển gọi là vô thường thiện, đề gọi là chẳng đủ. Do vô thường thiện chẳng đủ nên gọi là Nhất xiển đề. Phật tính chẳng phải vô thường thiện chẳng phải bất thiện. Vì sao vậy? Vì pháp yếu thiện từ phương tiện mà được mà Phật tính này chẳng phải phương tiện được. Vậy nên chẳng phải thiện. Vì sao lại gọi là chẳng phải bất thiện vậy? Vì có thể được thiện quả vậy. Thiện quả tức là Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Lại thiện pháp thì sinh rồi được mà Phật tính này chẳng phải sinh rồi được. Vậy nên chẳng phải thiện. Do đoạn trừ sinh mà được các thiện pháp nên gọi là Nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Như lời ông nói, nếu Nhất xiển đề có Phật tính thì sao chẳng ngăn chận tội địa ngục? Này thiện nam tử! Trong Nhất xiển đề có Phật tính. Này thiện nam tử! Ví như có vị vua nghe tiếng đàn không hầu. AÂm thanh đàn ấy thanh diệu, lòng liền đắm trước, tình ái niệm vui thích, không rời bỏ, liền bảo vị đại thần rằng: “AÂm thanh vi diệu như vậy từ đâu phát ra?” Vị đại thần đáp rằng: “Âm thanh vi diệu như vậy từ cây đàn không hầu phát ra!” Nhà vua lại nói rằng: “Hãy đem âm thanh đó lại đây!” Lúc bấy giờ vị đại thần liền mang cây đàn không hầu đặt ở trước đức vua mà nói rằng: “Thưa đại vương! Ngài phải biết, đây tức là âm thanh”. Nhà vua nói rằng: “Ðàn không hầu hãy phát ra tiếng! Hãy phát ra tiếng!” Nhưng mà tiếng đàn không hầu cũng chẳng phát ra. Lúc bấy giờ, vị đại vương liền cắt đứt dây của đàn ấy mà tiếng cũng chẳng phát ra. Ông đem da, gỗ của đàn ấy chẻ, xé ra hết để tìm kiếm tiếng đàn ấy mà cuối cùng chẳng thể được. Bấy giờ, vị đại vương liền giận vị đại thần, sao mà nói dối như vậy? Vị đại thần bạch vua rằng: “Bàn về việc thử lấy âm thanh thì phương pháp chẳng như vậy mà nên dùng mọi duyên và phương tiện khéo léo thì âm thanh mới phát ra vậy. Chúng sinh, Phật cũng lại như vậy, không có trụ xứ, do phương tiện khéo nên có thể được thấy. Do có thể thấy nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bọn Nhất xiển đề chẳng thấy Phật tính thì làm sao có thể ngăn chận tội của ba đường ác. Này thiện nam tử! Nếu Nhất xiển đề tin có Phật tính thì phải biết người này chẳng đến ba đường, người này cũng chẳng gọi là Nhất xiển đề vậy. Do chẳng tự tin có Phật tính nên liền rơi vào ba đường mà rơi vào ba đường nên gọi là Nhất xiển đề.
Này thiện nam tử! Như lời ông nói, nếu sữa không tính của váng sữa thì chẳng nên sinh ra váng sữa, hạt cây Ni câu đà không tính năm trượng thì chẳng nên có chất năm trượng. Người ngu si nói lời như vậy, còn kẻ trí thì nhất định chẳng phát ngôn như vậy. Vì sao vậy? Vì do vô tính vậy. Này thiện nam tử! Như trong sữa có tính cao sữa thì chẳng cần lại nhờ sức mọi duyên. Này thiện nam tử! Như sữa và nước đá nằm xen nhau đến cả tháng cũng nhất định chẳng thành cao sữa. Nếu dùng một giọt nước nhựa cây pha cầu cho vào trong sữa liền trở thành cao sữa. Nếu sữa vốn có cao sữa thì vì sao phải đợi duyên. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy, nhờ mọi duyên nên liền có thể thấy, nhờ mọi duyên nên được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu cái đợi mọi duyên, rồi nhiên hậu mới thành thì tức là vô tính. Do vô tính nên có thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử! Do nghĩa này nên Ðại Bồ tát thường khen cái thiện của con người và chẳng ca tụng cái khiếm khuyết của họ. Ðó gọi là tâm chất trực.
Lại nữa, này thiện nam tử! Sao gọi là lòng Bồ tát chất trực vậy? Ðại Bồ tát thường chẳng phạm ác. Giả sử các vị có lỗi lầm thì tức thời sám hối, đối với thầy, bạn đồng học nhất định chẳng che giấu, xấu hổ tự trách, chẳng dám làm nữa, ở trong tội nhẹ sinh ra tư tưởng tội rất nặng, nếu có người cật vấn thì đáp rằng, thật sự phạm tội. Người lại hỏi: “Tội này là tốt hay chẳng tốt?” thì đáp rằng: “Chẳng tốt!” Người lại hỏi: “Tội này là thiện hay bất thiện?” Ðáp rằng: “Bất thiện!” Người lại hỏi: “Tội này là thiện quả hay bất thiện quả?” Ðáp rằng: “Là tội thật chẳng phải là thiện quả!” Người lại hỏi: “Ai đã tạo ra tội này? Chắc chẳng phải là sở tác của Phật, Pháp, Tăng?” Ðáp rằng: “Chẳng phải của Phật, Pháp, Tăng mà là sở tác của ta vậy. Ðó là sự tập hợp cấu thành của phiền não”. Do trực tâm nên tin có Phật tính mà tin Phật tính thì chẳng bị gọi là Nhất xiển đề. Do trực tâm nên gọi là đệ tử của Phật. Nếu thọ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược của chúng sinh, mỗi thứ đều ngàn vạn mà chẳng đủ cho là nhiều. Ðó là tâm chất trực của Bồ tát vậy.
Sao gọi là Bồ tát tu trì giới? Ðại Bồ tát thọ trì cấm giới chẳng vì để sinh lên trời, chẳng vì khủng bố… cho đến chẳng thọ giới chó, giới gà, giới trâu, giới trĩ, chẳng tạo tác phá giới, chẳng làm khuyết giới, chẳng làm giả giới, chẳng làm tạp giới, chẳng làm Thanh Văn giới mà thọ trì Ðại Bồ tát giới, Thi Balamật giới, được cụ túc giới, chẳng sinh ra kiêu mạn. Ðó gọi là Bồ tát tu Ðại Niết Bàn, đủ giới thứ ba.
Sao gọi là Bồ tát thân cận bạn lành? Ðại Bồ tát thường vì chúng sinh nói về thiện đạo, chẳng nói ác đạo, nói ác đạo chẳng phải là quả báo thiện. Này thiện nam tử! Thân ta tức là chân thiện tri thức của tất cả chúng sinh. Vậy nên ta có thể đoạn trừ tà kiến sở hữu của Bàlamôn Phú Dà La. Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh thân cận ta thì tuy có nhân duyên ứng sinh vào địa ngục, nhưng liền được sinh lên trời. Như Tu na sát đa.v.v… ứng đọa vào địa ngục, do thấy ta nên liền được đoạn trừ nhân duyên địa ngục, sinh lên cõi trời Sắc. Tuy có Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên.v.v… nhưng chẳng gọi là thiện tri thức chân thật của chúng sinh. Vì sao vậy? Vì nhân duyên sinh tâm Nhất xiển đề. Này thiện nam tử! Thuở trước, ta trụ ở nước Ba La Nại, ông Xá Lợi Phất dạy hai người đệ tử, một người quán tưởng xương trắng, một người dạy cho quán sổ tức (phép quán đếm hơi thở). Trải qua nhiều năm cả hai đều chẳng được định. Do nhân duyên này liền sinh ra tà kiến nên nói rằng: “Không có pháp Niết Bàn vô lậu. Nếu pháp ấy có thì ta nên được. Vì sao vậy? Vì ta có thể giỏi trì sự thọ giới vậy”. Vào lúc ấy, ta thấy những Tỳ kheo đó sinh ra tà tâm này nên gọi ông Xá Lợi Phất mà quở trách rằng: “Ông chẳng khéo dạy! Thế nào mới làm hai người đệ tử này điên đảo nói pháp? Hai người đệ tử của ông, tính của họ đều khác. Một người là chủ giặt quần áo, một người là thợ vàng. Người thợ vàng nên dạy họ sổ tức, người giặt quần áo nên dạy họ quán tưởng bạch cốt. Do ông dạy nhầm nên khiến cho hai người này sinh ra tà ác”. Lúc bấy giờ, ta vì hai người này, đúng như sự đáp ứng của họ mà nói pháp. Hai người nghe rồi, được quả A la hán. Vậy nên ta là chân thiện tri thức của tất cả chúng sinh, chứ chẳng phải ông Xá Lợi Phất, ông Mục Kiền Liên.v.v… Nếu giả sử chúng sinh có kết rất nặng mà được gặp ta thì ta dùng phương tiện liền vì họ đoạn trừ. Như ông Nan Ðà em ta có ái dục rất nặng, ta dùng đủ thứ phương tiện khéo léo mà vì ông ấy đoạn trừ. Ông Ương Quật Ma La có sân nhuế nặng nhờ thấy ta nên sân nhuế liền đoạn trừ. Vua A Xà Thế có ngu si nặng, nhờ thấy ta nên lòng ngu si liền diệt. Như ông trưởng giả Bà Hy Dà, ở vô lượng kiếp, tích tập, thành tựu phiền não rất nặng, nhờ thấy ta nên liền đoạn diệt. Giả sử có người hạ tiện tệ ác mà gần gũi với ta làm đệ tử thì do nhân duyên này nên được tất cả người, trời cung kính, ái niệm. Tà kiến của ông Thi Lợi Cúc Ða xí thạnh, nhân thấy ta nên tà kiến liền diệt, nhân thấy ta nên đoạn trừ nhân của địa ngục, tạo tác duyên sinh lên trời. Như người Chiên đà la nghẹn thở, khi mạng sắp hết, nhân thấy ta nên trở lại được thọ mạng. Như ông Kiều Thi Ca, cuồng tâm thác loạn, nhân thấy ta nên trở lại được tâm như cũ. Như Cù Ðàm Di gầy ốm, con của nhà đồ tể, thường làm nghiệp ác, nhờ thấy ta nên liền lìa bỏ. Như Siển đề Tỳ kheo nhân thấy ta nên thà bỏ thân mạng, chẳng hủy phạm cấm giới. Như Tỳ kheo buộc cỏ (mặc áo cỏ?) mà do nghĩa này nên Tỳ kheo A Nan nói là bán phạm hạnh, gọi là Thiện tri thức. Ta nói rằng, chẳng vậy! Phải đầy đủ phạm hạnh mới gọi là Thiện tri thức. Ðó là Bồ tát tu Ðại Niết Bàn đầy đủ thân cận thiện tri thức thứ tư.
Sao gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn? Ðại Bồ tát vì Ðại Niết Bàn, mười hai bộ Kinh mà sao chép, đọc tụng, phân biệt, giải nói. Ðó gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn. Trừ mười một bộ kinh mà chỉ thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói kinh Tỳ Phật Lược thì cũng gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn. Trừ mười hai bộ kinh, nếu Bồ tát có thể thọ trì Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu, ghi chép, đọc tụng, phân biệt, giải nói thì đó cũng gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn. Trừ toàn thể đầy đủ Kinh điển này mà nếu Bồ tát có thể thọ trì một bài kệ bốn câu, lại trừ luôn bài kệ này mà nếu Bồ tát có thể thọ trì câu: Như Lai thường trụ, tính không biến dịch thì đó gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn. Lại trừ luôn việc này mà nếu hành giả biết là: Như Lai thường chẳng nói pháp, thì cũng gọi là Bồ tát đầy đủ đa văn. Vì sao vậy? Vì pháp vô tính vậy. Như Lai tuy nói tất cả các pháp nhưng thường không có điều gì để nói. Ðó gọi là Bồ tát tu Ðại Niết Bàn thành tựu đầy đủ đa văn thứ năm.
Này thiện nam tử! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân vì Ðại Niết Bàn thành tựu đầy đủ năm việc như vậy thì việc khó làm có thể làm, điều khó nhẫn có thể nhẫn (nhịn), của khó thí có thể thí (cho). Sao gọi là việc Bồ tát khó làm có thể làm? Như nghe có người ăn một hạt mè mà được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì tin lời nói này nên cho đến vô lượng atăngkỳ kiếp, thường ăn một hạt mè. Hoặc nghe nói, vào lửa được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì ở vô lượng kiếp, ở tại địa ngục A tỳ để vào đám lửa hừng hực. Ðó gọi là việc khó làm Bồ tát có thể làm. Sao gọi là điều khó nhẫn Bồ tát có thể nhẫn? Nếu nghe nhân duyên chịu khổ tay, gậy, dao, đá…, chặt, đánh mà được Ðại Niết Bàn thì liền ở vô lượng atăngkỳ kiếp, thân chịu đủ những thứ đó mà chẳng lấy làm khổ sở. Ðó gọi là việc khó nhẫn Bồ tát có thể nhẫn. Sao gọi là của khó thí Bồ tát có thể thí? Như nghe nói, có thể dùng đất nước, thành quách, vợ con, đầu mắt, não tủy ban cho người mà được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì liền ở vô lượng atăngkỳ kiếp, dùng đất nước, thành quách, vợ con, đầu mắt, não tủy sở hữu của mình mà ban cho người. Ðó gọi là của khó thí Bồ tát có thể thí. Bồ tát tuy lại có thể làm việc khó làm nhưng nhất định chẳng nghĩ rằng: “Chính là việc làm của ta!”… cho đến của khó cho có thể cho cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Ví như cha mẹ chỉ có một đứa con yêu thương rất nặng tình, dùng quần áo đẹp, đồ ăn ngon thượng diệu, tùy thời nuôi dưỡng, không gì thiếu thốn. Giả sử đứa con ấy đối với cha mẹ đã dấy khởi lòng khinh mạn, ác khẩu mạ nhục, nhưng cha mẹ vì yêu thương nên chẳng sinh ra sân hận, cũng chẳng nghĩ rằng: “Ta cho đứa trẻ này quần áo, đồ ăn, thức uống…” Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, nhìn các chúng sinh giống như đứa con một. Nếu đứa con gặp bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo. Vì con cầu thầy thuốc, siêng năng gia công trị liệu, cứu chữa. Khi bệnh đã khỏi rồi, cha mẹ nhất định chẳng sinh ý niệm: “Ta vì đứa trẻ này trị liệu bệnh khổ!” Bồ tát cũng vậy, thấy các chúng sinh gặp bệnh phiền não, sinh lòng ái niệm mà vì họ nói pháp. Chúng sinh nhờ nghe pháp nên các phiền não được đoạn trừ. Phiền não đoạn rồi, Bồ tát nhất định chẳng nghĩ rằng: “Ta vì chúng sinh đoạn trừ phiền não!” Nếu Bồ tát phát sinh ý niệm này thì nhất định chẳng được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Bồ tát chỉ tác khởi ý niệm này: “Không một chúng sinh được ta vì họ nói pháp khiến cho họ được đoạn trừ phiền não”. Ðại Bồ tát đối với các chúng sinh chẳng giận, chẳng mừng. Vì sao vậy? Vì giỏi có thể tu tập Không tam muội vậy. Bồ tát nếu tu Không tam muội thì sẽ sinh giận, sinh mừng đối với ai đây? Này thiện nam tử! Ví như rừng núi bị lửa dữ đốt cháy hoặc con người đốn chặt hay bị nước cuốn trôi thì rừng cây này sẽ sinh ra giận, sinh ra mừng với ai đây? Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, đối với các chúng sinh, không giận, không mừng. Vì sao vậy? Vì tu Không tam muội vậy.
Bấy giờ Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Tính của tất cả các pháp tự Không sao? Không không nên không? Nếu tính tự Không thì chẳng cần tu Không, rồi nhiên hậu thấy Không. Sao đức Như Lai nói rằng, do tu Không mà thấy Không vậy? Nếu tính tự chẳng Không thì tuy tu Không nhưng chẳng thể khiến cho nó không!
– Này thiện nam tử! Tính của tất cả các pháp vốn tự Không. Vì sao vậy? Vì tính của tất cả pháp chẳng thể được vậy. Này thiện nam tử! Tính của sắc chẳng thể được. Sao gọi là tính của sắc? Tính của sắc chẳng phải là đất, nước lửa, gió, chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, chẳng phải có, chẳng phải Không thì sao sẽ nói rằng, sắc có tự tính. Do tính chẳng thể được nên nói là Không. Tất cả các pháp cũng lại như vậy. Do sự giống nhau, tiếp nối nhau nên các phàm phu thấy rồi mà nói rằng, tính các pháp chẳng không tịch. Ðại Bồ tát đầy đủ năm việc nên thấy tính của pháp vốn không tịch. Này thiện nam tử! Nếu Samôn và Bàlamôn thấy tính của tất cả pháp chẳng không thì phải biết người đó chẳng phải là Samôn, chẳng phải là Bàlamôn, chẳng được tu tập Bát nhã Balamật, chẳng được vào với Ðại Bát Niết Bàn, chẳng được hiện thấy các đức Phật, Bồ tát mà họ là quyến thuộc của ma. Này thiện nam tử! Tính của tất cả các pháp vốn tự không và cũng nhân Bồ tát tu tập không nên thấy các pháp không. Này thiện nam tử! Như tính của tất cả pháp vô thường nên diệt có thể diệt nó. Nếu nó chẳng phải vô thường thì diệt chẳng thể diệt. Pháp hữu vi có tướng sinh nên sinh có thể sinh ra nó, có tướng diệt nên diệt có thể diệt nó. Tất cả các pháp có tướng khổ nên khổ có thể khiến cho nó khổ. Này thiện nam tử! Như tính của muối mặn có thể làm mặn vật khác, tính của đường ngọt có thể làm ngọt vật khác, tính rượu đắng rót trả lại có thể rót trả lại vật khác, gừng vốn tính cay có thể làm cay vật khác, quả Ha lê lặc đắng có thể làm đắng vật khác, quả Am la nhạt có thể làm nhạt vật khác, tính độc có thể hại khiến cho vật khác hại, tính của cam lộ khiến cho người chẳng chết, nếu đem hòa hợp với vật khác cũng có thể chẳng chết. Bồ tát tu không cũng lại như vậy, do tu không nên thấy tính của tất cả pháp đều không tịch.
Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương lại nói rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Nếu muối có thể khiến cho chẳng phải mặn trở thành mặn mà tu Không tam muội nếu như vậy thì phải biết định này chẳng phải thiện, chẳng phải diệu, tính định ấy điên đảo. Nếu Không tam muội chỉ thấy không mà không là không có pháp thì thấy cái gì?
– Này thiện nam tử! Không tam muội này thấy pháp chẳng không có thể khiến cho nó không tịch nhưng chẳng phải điên đảo. Như muối làm cho vật chẳng phải mặn trở thành mặn. Tam muội Không này cũng lại như vậy, pháp chẳng không làm trở thành không. Này thiện nam tử! Tham là hữu tính, chẳng phải là không tính. Tham nếu là không thì chúng sinh chẳng nên vì nhân duyên này mà rơi vào địa ngục. Nếu rơi vào địa ngục thì sao gọi tính tham sẽ là không vậy? Này thiện nam tử! Tính của sắc là có thì những tính gì gọi là điên đảo? Do điên đảo nên chúng sinh sinh ra tham. Nếu tính sắc này chẳng phải điên đảo thì sao có thể khiến cho chúng sinh sinh ra tham? Do sinh ra tham nên phải biết tính của sắc chẳng phải chẳng có. Do nghĩa này nên tu Không tam muội chẳng phải là điên đảo. Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu nếu thấy nữ nhân liền sinh ra nữ tướng. Bồ tát chẳng vậy, tuy thấy nữ nhân nhưng chẳng sinh ra nữ tướng. Do chẳng sinh ra nữ tướng nên tham chẳng sinh ra mà tham chẳng sinh nên chẳng phải điên đảo. Do người thế gian thấy có nữ nên Bồ tát theo đó nói rằng, có nữ nhân. Còn nếu khi thấy nam mà nói là nữ thì đó là điên đảo. Vậy nên ta vì ông Xà Ðề nói rằng: “Này ông Bàlamôn! Nếu lấy ngày làm đêm thì tức là điên đảo, lấy đêm làm ngày thì cũng là điên đảo. Ngày là tướng ngày, đêm là tướng đêm thì sao gọi điên đảo được? Này thiện nam tử! Tất cả Bồ tát trụ ở chín địa thấy pháp có tính mà do sự thấy này nên chẳng thấy Phật tính. Nếu thấy Phật tính thì chẳng lại thấy tính của tất cả pháp. Do tu Không tam muội như vậy nên chẳng thấy tính của pháp mà do chẳng thấy nên thấy Phật tính. Các đức Phật, Bồ tát có hai thứ nói, một là hữu tính, hai là vô tính. Vì chúng sinh nên nói có pháp tính, vì các hiền thánh nên nói không pháp tính. Vì chẳng “Không” thì thấy pháp không nên tu không tam muội khiến cho được thấy “Không”. Không pháp tính thì cũng tu Không nên không. Do nghĩa này nên tu không thì thấy không. Này thiện nam tử! Ông nói rằng, thấy không không là không có pháp thì thấy cái gì? Này thiện nam tử! Ðúng vậy! Ðúng vậy! Ðại Bồ tát quả thật không sở kiến. Không sở kiến thì tức là không sở hữu không sở hữu thì tức là tất cả pháp. Ðại Bồ tát tu Ðại Niết Bàn thì đối với tất cả pháp đều không sở kiến. nếu có thấy thì chẳng thấy Phật tính, chẳng thể tu tập Bát nhã Balamật, chẳng được vào với Ðại Bát Niết Bàn. Vậy nên Bồ tát thấy tính của tất cả pháp không sở hữu. Này thiện nam tử! Bồ tát chẳng những chỉ nhân thấy tam muội mà thấy không, Bát nhã Balamật cũng không, Thiền Balamật cũng không, Tỳ lê gia Balamật cũng không, Sằn đề Balamật cũng không, Thi Balamật cũng không, Ðàn Balamật cũng không, sắc cũng không, nhãn cũng không, thức cũng không, Như Lai cũng không, Ðại Bát Niết Bàn cũng không… Vậy nên Bồ tát thấy tất cả pháp đều là không. Vậy nên khi ta ở tại thành Ca Tỳ La có bảo ông A Nan rằng: “Ông chớ sầu não kêu gào khóc lóc!” Ông A Nan liền đáp rằng: “Thưa đức Như Lai Thế Tôn! Thân thuộc của con hôm nay đều bị diệt hết thì con làm sao chẳng buồn khóc vậy? Ðức Như Lai cùng con đều sinh ra ở thành này, cùng đồng họ Thích, thân thích, quyến thuộc mà sao đức Như Lai một mình chẳng sầu não, nét mặt sáng ngời?” Này thiện nam tử! Ta lại bảo rằng: “Này A Nan! Ông thấy thành Ca Tỳ La chân thật là có, còn ta thấy không tịch, không sở hữu! Ông thấy dòng họ Thích là thân thích, còn ta tu Không nên đều không sở kiến! Do nhân duyên này nên ông sinh ra sầu khổ, còn thân ta thì dung nhan lại ngời sáng. Các đức Phật, Bồ tát tu tập Không tam muội như vậy nên chẳng sinh ra sầu não. Ðó gọi là Bồ tát tu Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ chín. Này thiện nam tử! Sao gọi là Bồ tát tu Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ mười sau cùng? Này thiện nam tử! Bồ tát tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vào Ðại Niết Bàn Thường Lạc Ngã Tịnh, vì các chúng sinh phân biệt giải nói kinh Ðại Niết Bàn, hiển bày Phật tính. Nếu Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích Chi Phật, Bồ tát tin lời nói này thì đều được vào với Ðại Bát Niết Bàn. Nếu họ chẳng tin thì luân hồi sinh tử.
Lúc bấy giờ, Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Những chúng sinh nào đối với kinh này chẳng sinh lòng cung kính?
– Này thiện nam tử! Sau khi ta Niết Bàn, có đệ tử Thanh Văn ngu si, phá giới, ưa sinh ra tranh cãi, bỏ mười hai bộ Kinh mà đi đọc tụng đủ thứ sách điển của ngoại đạo, làm văn khen ngợi, tự tay ghi chép. Họ nhận nuôi chứa tất cả vật bất tịnh mà nói là Phật cho phép. Người như vậy đem chiên đàn tốt đổi lấy gỗ thường, đem vàng đổi lấy đá quặng, bạc đổi lấy bạch lạp (hợp kim thiếc pha chì), lụa đổi vải sô, đem vị cam lộ đổi lấy ác độc. Sao gọi là chiên đàn đổi lấy gỗ thường? Như đệ tử của ta vì sự cúng dường nên hướng về những người bạch y, diễn nói kinh pháp. Tính tình buông thả, chẳng ưa nghe pháp, bạch y ở trên cao, Tỳ kheo ở dưới thấp, thêm dùng đủ thứ đồ ăn ngon mà cung cấp cho họ mà họ còn chẳng chịu nghe. Ðó gọi là đem chiên đàn đổi lấy gỗ thường. Sao gọi là đem vàng đổi lấy đá quặng? Ðá quặng ví cho sắc, thanh, hương, vị, xúc. Vàng đem ví cho Giới. Các đệ tử của ta dùng nhân duyên sắc phá sự thọ giới. Ðó gọi là đem vàng đổi lấy quặng đá. Sao gọi là đem bạc đổi lấy bạch lạp. Bạc ví cho mười thiện, bạch lạp ví cho mười ác. Các đệ tử của ta buông bỏ mười thiện, làm mười pháp ác. Ðó gọi là đem bạc đổi lấy bạch lạp. Sao gọi là đem lụa đổi lấy vải thô. Vải thô ví cho không tàm không quí, lụa ví cho tàm quí (hổ thẹn). Các đệ tử của ta buông bỏ tàm quí, tập quen không tàm quí. Ðó gọi là đem lụa đổi lấy vải thô. Sao gọi là cam lộ đổi lấy độc dược. Ðộc dược là ví cho đủ thứ lợi dưỡng, cam lộ là ví cho các pháp vô lậu. Các đệ tử của ta vì lợi dưỡng nên hướng về các bạch y mà tự khen mình rằng, được vô lậu. Ðó gọi là đem cam lộ đổi lấy độc dược. Do những ác Tỳ kheo như vậy nên đang khi Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu này lưu hành trải rộng cõi Diêm Phù Ðề mà có các đệ tử thọ trì, đọc tụng, sao chép kinh này và diễn nói, lưu bố thì bị những Tỳ kheo ác như vậy giết hại họ. Những ác Tỳ kheo đó cùng nhau tụ hội, chung nhau lập định chế nghiêm ngặt: “Nếu có người thọ trì kinh Ðại Niết Bàn, sao chép, đọc tụng, phân biệt, diễn nói thì tất cả chẳng được ở chung, ngồi chung đàm luận nói năng. Vì sao vậy? Vì Kinh Niết Bàn chẳng phải là của Phật, là sự tạo ra của tà kiến mà người tà kiến tức là Lục sư ngoại đạo. Lời nói của lục sư thì chẳng phải là Kinh điển của Phật. Sở dĩ vì sao? Vì tất cả các đức Phật đều nói là các pháp vô thường, vô ngã, vô lạc, vô tịnh. Nếu nói rằng, các pháp Thường Lạc Ngã Tịnh thì đâu phải là lời nói Kinh của Phật. Các đức Phật, Bồ tát cho phép các Tỳ kheo nuôi chứa đủ thứ vật, còn lời nói của Lục sư thì chẳng cho phép đệ tử nuôi chứa tất cả vật. Nghĩa như vậy thì đâu phải là lời nói của Phật. Các đức Phật, Bồ tát chẳng cấm chế đệ tử đoạn dứt năm vị của trâu và cả ăn thịt máu, còn Lục sư chẳng cho phép ăn năm thứ muối, năm thứ vị của trâu và cả mỡ, máu. Nếu đoạn dứt điều đó thì đâu phải là chánh điển của Phật. Các đức Phật, Bồ tát diễn nói ba thừa mà trong Kinh này thuần nói Nhất thừa, gọi là Ðại Niết Bàn. Như lời nói Kinh này thì đâu phải là chánh điển của Phật. Các đức Phật rốt ráo vào với Niết Bàn, còn Kinh này nói rằng, Phật Thường Lạc Ngã Tịnh chẳng vào Niết Bàn. Kinh này chẳng ở trong số mười hai bộ Kinh tức là lời nói của ma, chẳng phải là lời nói của Phật”. Này thiện nam tử! Người như vậy tuy là đệ tử của ta nhưng chẳng thể tin thuận Kinh Niết Bàn này. Này thiện nam tử! Ðương lúc ấy, nếu có chúng sinh tin Kinh điển này, thậm chí chỉ nửa câu kệ thì phải biết người này là chân đệ tử của ta. Nhân họ tin như vậy nên liền thấy Phật tính vào với Niết Bàn.
Bấy giờ, Bồ tát Quang Minh Biến Chiếu Cao Quí Ðức Vương bạch đức Phật rằng:
– Thưa đức Thế Tôn! Hay thay! Hay thay! Ngày hôm nay đức Như Lai khéo có thể khai thị Kinh Ðại Niết Bàn! Thưa đức Thế Tôn! Con nhân việc này liền được giải ngộ từng nửa câu, từng câu của Kinh Ðại Niết Bàn. Do giải được một câu đến nửa câu nên thấy ít Phật tính! Như lời đức Phật nói thì con cũng sẽ được vào Ðại Niết Bàn. Ðó gọi là Bồ tát tu Kinh điển Ðại Niết Bàn vi diệu thành tựu đầy đủ công đức thứ mười.
KINH ÐẠI BÁT NIẾT BÀN
– Quyển thứ hai mươi bốn hết –