Phật Nói Kinh Nhân Duyên Nại Nữ Và Kỳ Vực

Phật Thuyết Nại Nữ Kì Vực Nhơn Duyên Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Thích Tâm Nhãn

***

Như vầy tôi nghe:

Một thời đức Phật ở tại nước La-duyệt-kỳ cùng đông đủ đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, Đại-Bồ-tát, Thiên long Bát-bộ, đại chúng và nhân dân tín thí đông vô số, tụ hội nghe Phật thuyết pháp.

Bấy giờ, có một người bần cùng chỉ có một chiếc khăn tay rách nát ý muốn bố thí, nhưng lại sợ vật bố thí tồi tàn, nên do dự chưa quết định. Khi ấy, trong hội có một Tỳ-kheo Ni tên là Nại-nữ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh y phục, tác lễ quì gối chắp tay và bạch với đức Phật rằng:

– Thưa Thế Tôn! Con tự nhớ: Đời trước sanh ở nước Ba-la-nại, làm một người nữ nghèo khổ. Khi ấy có một vị Phật danh hiệu là Ca-diếp cùng đại chúng quay quanh nghe ngài thuyết pháp. Lúc ngồi nghe kinh tâm rất vui mừng, ý muốn bố thí. Nhưng không có gì để bố thí, tự nghĩ mình quá bần cùng lòng dạ u buồn. Rồi con đi ra ngoài vườn cố gắng hái trái cây chín để cúng dường đức Phật. Trong vườn có một cây táo rất lớn, hương thơm ngào ngạt. Con lấy cái bồn nước nâng lên, dùng cây khèo những quả táo để dâng lên đức Phật Ca-diếp và chúng tăng. Đức Phật biết ý muốn của con nên chú nguyện thọ nhận và phân bố nước táo cho khắp tất cả. Duyên tác phước này tận hưởng suốt đời sau đó con sanh Thiên được làm Thiên hậu. Lại sanh xuống thế gian trải qua 91 kiếp không phải sanh từ bào thai mà sinh từ hoa cây táo, đẹp đẽ đoan chánh, thường biết túc mạng. Nay con được đức Thế Tôn khai thị đạo nhãn. Lúc ấy, Nại-nữ làm kệ đọc rằng:

Tam tôn lòng từ ban rải khắp

Tuệ độ vô số người nam, nữ.

Trái cây cúng dường được phước báo,

Nhờ vậy xa lìa các khổ nhọc.

Về trời liền được làm thiên hậu.

Ở đời, sanh ra từ trong hoa.

Tự mình quay về độ Thánh chúng

Phước điền con được rất sâu dày.

Tỳ-kheo Ni Nại-nữ lễ xong quay về chỗ ngồi. Bấy giờ, tại nước Duy-da-Lê-trì-đạt-đa, trong vườn thượng uyển của nhà vua tự nhiên mọc một cây táo cành lá sum suê tốt tươi. Nó rất cao lớn lại có ánh sáng phát ra và hương thơm ngào ngạt khác thường. Nhà vua rất yêu mến quí báu cây táo này. Trong cung từ người tôn quí cho đến mỹ nhân ông ta cấm không được ăn trái cây này. Trong nước có một cư sĩ Phạm-chí giàu có, tiền của vô số không ai sánh bằng. Ông ta lại thông minh uyên bác, tài trí siêu quần nên nhà vua rất trọng mến và phong chức đại thần cho ông ta. Một hôm, nhà vua mời Phạm-chí đến dùng cơm; ăn cơm xong nhà vua lấy một trái táo ngon ra mời Phạm-chí. Phạm-chí thấy trái táo thơm ngon khác lạ mới hỏi nhà vua:

– Tâu Đại-vương! Ở dưới cây táo này chắc có cây con. Nếu có cho hạ thần xin một cây được không?

Nhà vua nói: – Cây nhỏ thì rất nhiều nhưng ta sợ nó hại cây lớn nên đã bỏ hết rồi. Nếu khanh muốn trồng ta giúp cho.

Nhà vua liền sai người đi lấy hột giống cây táo cho Phạm-chí. Phạm-chí trở về gieo trồng hôm sớm tưới nước, càng ngày càng phát triển to lớn, cành lá xanh tốt. Ba năm trôi qua cây táo đơm hoa kết trái, đủ loại màu sắc sặc sỡ giống như cây táo nhà vua. Phạm-chí rất vui mừng tự nghĩ: “Tài sản gia đình ta vô số không thua kém nhà vua, duy chỉ không bằng nhà vua là chưa có cây táo, nay ta đã được nó thì đâu thua gì nhà vua nữa!”. Rồi Phạm-chí hái táo ăn nhưng ăn không được vì đắng và chát, buồn rầu chán nản lại suy nghĩ: “Lẽ nào đất không màu mở hay sao!” Ông liền đi lùa trăm con bò sữa, chọn một con vắt sữa. Phạm-chí đem sữa con bò đó nấu thành đề-hồ, lấy nước sữa tưới lên rễ cây. Hàng ngày Phạm-chí tưới cây táo cho đến năm sau trái rất ngon ngọt như cây táo nhà vua không khác. Nhưng bên cạnh cây táo bỗng nhiên nhô lên khối u càng ngày càng lớn, to bằng nắm tay, Phạm-chí suy nghĩ: “Sao tự nhiên có khối u này?” Ông ta sợ có hại cho trái của nó muốn cắt bỏ đi nhưng sợ hại cho cây. Ngày nào cũng suy nghĩ lòng lưỡng lự chưa quyết định. Rồi bỗng nhiên giữa khối u sinh ra một nhánh cây chỉa thẳng lên trời, to lớn cứng cỏi, vượt hơn ngọn cây táo chính, cách mặt đất bảy trượng. Ngọn cây của nó đâm ra rất nhiều nhánh che phủ khắp nơi. Hình dạng trông như cái lộng chổng ngược, hoa lá sum suê xanh tươi tốt hơn cây chính. Phạm-chí lấy làm lạ không biết nó mọc lên từ đâu? Bèn đóng thang gỗ leo lên xem thử, thấy trên cành cây bên trong như cái lọng lật ngửa, lại có chỗ nước đọng; nước trong vắt và tỏa mùi hương thơm, lại có những đóa hoa màu sắc sặc sỡ. Phạm-chí vạch hoa ra xem thấy ở phía dưới một bé gái trong chỗ đọng nước, Ông ta bồng về nuôi nấng và đặt tên là Nại-nữ. Đến năm mười lăm tuổi Nại-nữ nhan sắc đoan chánh đệ nhất thiên hạ, tiếng đồn vang xa đến các nước.

Bấy giờ, có bảy quốc-vương cùng nhau đến nhà Phạm-chí xin cầu hôn muốn cưới Nại-nữ làm phu nhân. Phạm-chí lo sợ không biết chọn ai, liền cất một cái lầu cao trong vườn cho Nại-nữ ở trên đó. Phạm-chí thưa với các Quốc-vương:

– Tâu các Đại-vương! Nại-nữ không phải do hạ thần sinh ra mà nàng sinh ra từ cây táo, cũng không biết là nữ Thiên Long, quỉ thần hay vật của ma quỉ chăng? Nay bảy Đại-vương đến đây cầu hôn với nàng thì hạ thần thiết nghĩ, nếu gả một vị thì sáu vị kia sẽ phẫn nộ. Nên hạ thần không dám chọn ai. Hiện nay, nàng đang ở trên lầu trong vườn, các Đại-vương tự ý nghị bàn tìm ra phương pháp. Nếu như ai được thì đưa nàng về còn hạ thần không dám đặt điều kiện.

Thế rồi, bảy đức vua cùng nhau tranh cãi, phân vân chưa quyết định cho đến tối, Bình-sa-vương theo đường hầm vào bên trong, leo lên lầu ngủ với Nại-nữ một đêm. Sáng sớm, Bình-sa-vương chuẩn bị ra đi Nại-nữ thưa:

– Tâu Đại-vương! Đại-vương là người đức hạnh oai tôn đã tiếp đãi thần thiếp. Nay lại chia tay ra đi, nếu thần thiếp có con, đó là “hạt giống” của Đại-vương thì phải gửi gấm ở đâu?

Nhà vua bảo:

– Nếu là con trai đem về cho trẫm, còn con gái thì tiện thể nàng nuôi.

Nhà vua tháo ấn vòng vàng trong tay giao lại cho Nại-nữ để làm tin. Nhà vua quay lại nói với quần thần:

– Trẫm đã cùng Nại-nữ ngủ chung một đêm. Nàng không có gì lạ cũng như người bình thường, không giữ làm gì.

Lúc ấy, trong binh lính Bình-sa-vương tung hô “Vạn tuế!” và hô lớn: – Đức vua của chúng ta đã được nàng Nại-nữ.

Sáu vị vua kia nghe như vậy họ quay trở về. Từ khi vua Bình-sa ra đi Nại-nữ mang thai và dạy người hầu:

– Nếu có ai tìm ta thì nói ta bị bệnh.

Ngày tháng trôi qua, nàng “mãn nguyệt khai hoa” sinh một nam nhi, nhan sắc đoan chánh. Khi mới sinh đứa bé tay nó cầm kim châm cứu, đãy y dược. Phạm-chí nói:

– Con vua nước này mà nắm giữ đồ y dược chắc chắn thành y vương.

Nại-nữ lấy áo trắng mặc cho đứa bé, rồi sai nữ hầu đem nó để trong ngõ hẻm. Nữ hầu vâng lời ẵm đứa bé đem đi bỏ. Sáng sớm, Vương tử Vô-úy lên xe để đến yết kiến Đại-vương, sai người dẹp đường. trên đường đi Vương tử thấy một vật màu trắng, mới hỏi người đánh xe bên cạnh:

– Vật màu trắng kia là thứ gì vậy?

– Thưa Vương tử đó là một đứa bé.

– Chết hay sống.

– Dạ, còn sống.

Vương tử ra lệnh người đánh xe ẵm đứa bé lên, đem về tìm nhũ mẫu nuôi dưỡng cho khôn lớn. Phạm-chí lại đem đứa bé này giao trở lại cho Nại-nữ và đặc tên là Kỳ-vực. Năm lên tám tuổi Kỳ-vực rất thông minh tài giỏi. Về sự học vấn bình thơ thông suốt đặt biệt “có một không hai”. Mỗi lần chơi đùa, đứa bé này thường có tâm khinh khi những đứa bé láng giềng. Nó coi người ta không bằng mình. Chúng bạn cùng nhau mắng chửi nó và nói:

– Mày là thứ không cha cái hạng dâm nữ sinh ra mày. Vậy mà sao dám khinh tụi tao?

Kỳ-vựa ngạc nhiên lặng thinh không trả lời, quay về hỏi mẫu thân:

– Thưa mẹ! Những đứa bạn của con, chúng đều không bằng con mà dám mắng chửi con rằng: “Đồ cái thứ không cha”. Vậy hiện giờ cha con ở đâu?

– Cha của con chính là Bình-sa-vương.

– Bình-sa-vương ở tại nước La-duyệt-kỳ, cách đây năm trăm dặm làm sao sinh ra con? Theo như lời mẹ nói thì lấy gì làm bằng chứng?

Người mẹ lấy ra ấn vòng vàng nói:

– Đây là vòng vàng làm chứng Bình-sa-vương là cha con.

Kỳ-vực thấy ấn văn của vua Bình-sa mới hiểu rõ, kính cẩn thâu giữ vòng vàng, rồi đến nước La-duyệt-kỳ. Kỳ-vực đi thẳng vào cung môn, đến cửa không ai hỏi đi luôn đến trước nhà vua làm lễ, quì gối tâu lên rằng:

– Tâu phụ vương! Con là Vương tử, mẹ Nại-nữ sinh ra con. Khi lên tám tuổi mới biết là dòng họ nhà vua, nên đem ấn vòng vàng làm tin từ xa đến đây.

Nhà vua thấy ấn văn nhớ lại lời thề thuở xưa, biết Kỳ-vực là con mình, lòng thương xót vô hạng và phong làm thái tử. Thời gian thấm thoát hai năm, sau đó vua sinh A-xà-thế. Kỳ-vực nhân tiện thưa với nhà vua:

– Tâu phụ vương! Lúc con mới sinh tay đã cầm kim đãy y dược là phải làm thầy thuốc. Tuy phụ vương phong vị con làm thái tử nhưng con không vui. Nay chánh hậu sanh hoàng nam đã có người nối dõi tông tự; vậy con nguyện được học y thuật xin phụ vương cho phép.

Nhà vua nói:

– Con không làm thái tử mà học y dược thì không được hưởng bổng lộc của triều đình.

Nhà vua ban sắc lệnh cho các thầy thuốc thượng phủ, phải hết lòng dạy bảo Kỳ-vực. Kỳ-vực thường rong chơi không chịu học. Các vị thầy trách than rằng:

– Y thuật là một nghề thô kệch chẳng phải nghề để thái tử vương tôn học. Nay vì phụng mạng nhà vua không dám chống trái. Sắc lệnh đã ban xuống, ngày tháng trôi qua vậy mà thái tử không học nữa lời phương thuốc. Nếu nhà vua có hỏi thì chúng tôi trả lời ra sao đây?

Kỳ-vực nói:

– Khi tôi mới sinh ra đã có dụng cụ y dược trong tay. Tôi đã xin phụ vương bỏ vinh hoa phú quí cầu học y thuật; tôi đâu có giải đãi để phiền các thầy đôn đốc. Thật ra nghề thuốc của các thầy không đủ để tôi học.

Kỳ-vực liền lấy một ít vị dược thảo và phương pháp châm cứu kinh mạch hỏi các thầy thuốc. Các thầy thuốc không trả lời được, tất cả đều quì gối xuống, đảnh lễ Kỳ-vực và chắp tay nói:

– Hôm nay, mới biết thái tử thật là thần thánh, chúng tôi không so sánh bằng. Những điều thái tử vừa hỏi là những chỗ nghi ngờ mà thầy chúng tôi, đã trải qua nhiều đời chưa hanh thông được. Mong thái tử giải bày tất cả những vấn đề đó mà nhiều năm chúng tôi còn gút mắc.

Kỳ-vực giải thích những ý nghĩa nghi hoặc. Các thầy thuốc vui mừng, đứng dậy đảnh lễ sát đất, ghi nhận lời dạy của Kỳ-vực. Lúc này, Kỳ-vực suy nghĩ: “Nhà vua ban sắc lệnh cho các thầy thuốc dạy ta, nhưng ta không học bất cứ người nào. Vậy ai có thể dạy ta y thuật? Nghe nói nước Đức-xoa-thi-la nọ có một thầy thuốc tên là A Đề Lê; tự là Tân-ca-la về nghề thuốc tuyệt luân có thể dạy ta”.

Đồng tử Kỳ-vực đi đến nước đó, đến chỗ ở của Tân-ca-la thưa hỏi:

– Thưa đại sư! Nay con muốn thỉnh đại sư làm thầy con để con theo học nghề y thuật.

Thấm thoát bảy năm, một hôm Kỳ-vực nghĩ ngợi: “Ta học tập y thuật đến nay không biết có thành đạt chưa?” Bèn đến thầy hỏi:

– Thưa thầy con học y thuật đến nay được chưa?

Vị thầy cầm cái rỗ sắt và dụng cụ đào thảo dược bảo:

– Con đi quanh nước Đức-xoa-thi-la cách một do tuần, tìm các loại cỏ không phải là thảo dược thì đem về đây cho ta.

Kỳ-vực vâng lệnh thầy ở trong nước Đức-xoa-thi-la đi một do tuần, tìm những thứ không phải thảo dược, tìm khắp nơi toàn là cây thuốc, khéo léo tìm kiếm phân biệt tất cả thảo mộc, nhưng đều là cây thuốc có thể sử dụng được. Kỳ-vực không lấy trở về thưa lại thầy:

– Thưa thầy! Hôm nay, thầy bảo con đi quanh nước Đứ-xoa-thi-la tìm cây không phải thảo dược, mà trong nước cách một do tuần con tìm khắp không thấy cây nào là chẳng phải cây thuốc. Con cố gắng tìm kiếm hết sức, phân biệt kỹ lưỡng nhưng đều sử dụng được hết!

Vị thầy bảo Kỳ-vực:

– Vậy con có thể ra đi. Về nghề y thuật con đã thành đạt rồi. Trong cõi Diêm-phù-đề này ta là đệ nhất nhưng sau khi ta chết thì còn có con.

Thế là Kỳ-vực đi trị bệnh hễ chữa là lành, trong nước đều biết danh. Một hôm, Kỳ-vực đi vào cung thành, đến trước cổng cung gặp một đứa bé gánh củi. Kỳ-vực thấy tất cả ngũ tạng trong bụng đứa bé: ruột, vị… nhiều thứ rõ ràng. Kỳ-vực suy nghĩ: “Trong sách dược thảo có nói loại cây dược vương nhờ nó từ bên ngoài thấy được bên trong bụng nội tạng của con người. Chẳng lẽ trong gánh củi của đứa bé này có cây dược vương sao?”

Kỳ-vực đến hỏi đứa bé:

– Gánh củi bán bao nhiêu tiền?

– Dạ, mười tiền.

Kỳ-vực lấy tiền mua gánh củi, đặt gánh củi xuống đất thì trong bụng đứa bé tối sầm không thấy gì nữa. Kỳ-vực lấy làm lạ nghĩ ngợi: “Không biết vì sao trong bó củi lại có dược vương” Liền tháo hai bó củi ra, lấy từng cây để lên bụng đứa bé, không thấy gì hết. Kỳ-vực lại lấy từng cây trong hai bó củi làm như vậy cho đến hết, chỉ còn lại cây củi nhỏ cuối cùng dài hơn một thước. Kỳ-vực lấy lên thử chiếu một lần nữa, thì thấy toàn bộ nội tạng trong bụng đứa bé. Kỳ-vực rất vui mừng biết chắc cây củi nhỏ này là dược vương, rồi trả toàn bộ củi lại cho đứa bé. Đứa bé vừa được củi vừa được tiền vui mừng hớn hở bỏ đi.

Bấy giờ, Kỳ-vực tự nghĩ: “Trước tiên ta nên trị bệnh ai? Nước này nhỏ lại gần biên địa, ta nên trở lại bổn quốc khai mở y đạo”. Rồi trở về thành Bà-ca-đà. Trong thành Bà-ca-đà có một đại trưởng giả. Vợ ông ta đã mười hai năm qua thường có chứng bệnh đau đầu, nhiều thầy thuốc trị mà không khỏi. Kỳ-vực nghe tin liền đến nhà trưởng giả, bảo người giữ cửa rằng:

– Người vào nói với trưởng giả là có một vị lương y đang đứng ngoài cổng.

Người giữ cổng vào trong thưa lại:

– Có vị thầy thuốc đang đứng ngoài cổng.

Vợ trưởng giả nghe hỏi:

– Ông thầy thuốc hình dáng ra sao?

– Dạ, ổng trạc tuổi niên thiếu.

Vợ trưởng giả nghĩ thầm: “Các bậc thầy thuốc lão túc, trị còn không được, huống gì là một người trẻ tuổi” Rồi bảo người giữ cửa: – ngươi ra nói lại là hôm nay ta không cần lương y.

Người giữ cửa ra nói lại:

– Tôi vì ông thưa với trưởng giả nhưng bà vợ trưởng giả nói: “Hôm nay bà không cần lương y”.

Kỳ-vực lại nói:

– Ngươi có thể thưa lại với vợ trưởng giả, để ta trị nếu trị lành tùy ý cho ta gì cũng được.

Người giữ cửa vào thưa lại:

– Ông thầy thuốc nói như vầy: “Hãy để ông ta trị nếu trị lành tùy ý cho ta gì cũng được”.

Vợ trưởng giả nghe thế nghĩ ngợi: “Nếu vậy thì không tốn kém gì” Rồi dạy người giữ cửa ra mời vào. Kỳ-vực vào đến chỗ vợ trưởng giả hỏi:

– Bà đau đớn như thế nào?

– Dạ, đau như thế này, thế này…

– Bệnh phát khởi ra sao?

– Dạ, bệnh phát khởi như vầy, như vầy…

Kỳ-vực lại hỏi:

– Bệnh mới đây hay lâu chưa?

– Dạ, thưa thầy bệnh lâu lắm rồi.

Kỳ-vực lấy thuốc hảo hạng dùng sữa đặc nấu, rồi rót vào mũi vợ trưởng giả. Trong miệng bệnh nhân sữa và nước miếng chảy ra. Lúc đó bệnh nhân lấy đồ hứng, gạt nước miếng lấy sữa, nước miếng đổ đi. Kỳ-vực thấy vậy buồn rầu lo nghĩ: “Chỉ có một chút sữa không sạch mà còn tham tiếc, huống nữa trả công cho ta”.

Vợ trưởng giả thấy vậy hỏi trưởng giả Kỳ-vực:

– Trông thầy có vẻ buồn vậy?

– Vâng, đúng thế.

– Vì sao thầy buồn?

– Tôi nghĩ một chút sữa này không sạch mà còn tham tiếc, huống nữa trả công cho tôi. Vì thế tôi buồn.

– Dạ, việc ấy không phải thế, đổ đi có ích gì, có thể dùng vào việc đốt đèn. Vì thế tôi giữ lại, thầy cứ lo trị chớ có buồn như vậy!

Kỳ-vực trị cho vợ trưởng giả. Sau khi bệnh lành, vợ trưởng giả đem ra bốn mươi vạn lượng vàng và nô tỳ, xe ngựa…biếu cho Kỳ-vực. Kỳ-vực nhận lễ vật này rồi quay trở về thành Vương Xá, đến cung của Vương tử Vô-úy bảo người giữ cửa:

– Ngươi vào bẩm với Vương tử là có Kỳ-vực đến, đang đứng ở ngoài.

Người giữ cổng vào thưa với Vương tử. Vương tử lệnh cho người giữ cổng mời Kỳ-vực vào. Kỳ-vực đến trước đảnh lễ sát đất, đứng qua một bên đem hết mọi việc lúc trước trình bày đầy đủ lên vương tử Vô-úy và nói:

– Nay tôi được lễ vật này dâng hết cho Vương tử.

Vương tử bảo:

– Tôi không nhận, anh đã được người ta cúng dường thì tùy ý sử dụng.

Đây là lần đầu tiên Kỳ-vực trị bệnh.

Bấy giờ, nước Câu-thiểm-di có con một trưởng giả chơi nhảy nhào lộn. Ruột trong bụng bị co thắt, ăn uống không tiêu, đại tiện cũng không được. Lương y nước này vô phương cứu chữa. Trưởng giả nghe nói nước Ma-kiệt có bậc lương y tài giỏi khả năng trị lành bệnh, bèn sai người đến thỉnh cầu nhà vua:

– Tâu Đại-vương! Nước Câu-thiểm-di con vị trưởng giả bệnh, duy chỉ có Kỳ-vực mới trị được. Nguyện xin Đại-vương cho phép thỉnh thầy Kỳ-vực đến đó.

Khi ấy, Bình-sa-vương gọi Kỳ-vực đến hỏi:

– Con trưởng giả nước Câu-thiểm-di bị bệnh con có thể trị được không?

– Tâu phụ vương! Dạ được.

– Nếu được con có thể đến đó chữa trị.

Bây giờ, Kỳ-vực lên xe đến nước Câu-thiểm-di. Khi đến nơi con trưởng giả đã chết, tấu nhạc tiễn đưa. Kỳ-vực nghe âm thanh ấy hỏi:

– Tiếng trống nhạc gì vậy?

Người bênh cạnh đáp:

– Đó là tiếng trống nhạc người ta đánh tiễn đưa con trưởng giả chết.

Kỳ-vực giỏi phân biệt các loại âm thanh, tức khắc ra lệnh quay trở lại và nói:

– Người ấy chưa chết.

Người đánh xe liền quay trở lại. Kỳ-vực xuống xe cầm dao bén mổ bụng, banh chỗ ruột bị thắt nói với cha mẹ và người thân rằng:

– Đây là do chơi bời nhào lộn mà ruột bị thắt rối như thế này, nên ăn uống không tiêu chứ chẳng phải chết.

Kỳ-vực giải phẫu, sắp xếp ruột chỗ nào lại chỗ đó, may chỗ mổ lại, rồi lấy thuốc hảo hạng thoa trên vết thương tức thì lông mọc lên, lành lặn như không có vết thương. Vợ của con trưởng giả đền ơn Kỳ-vực bốn mươi vạn lượng vàng. Con trưởng giả cũng đền ơn Kỳ-vực bốn mươi vạn lượng vàng. Ông bà trưởng giả cũng như vậy, mỗi người đều biếu bốn mươi vạn lượng vàng. Lúc ấy, Kỳ-vực suy nghĩ: “Mình đã làm được thầy thì phải nhớ ơn thầy, phải đền đáp công ơn thầy thuốc của mình.” Rồi đem một trăm sáu mươi vạn lượng vàng về lại nước Đức-xoa-thi-la, đến chỗ thầy mình là Tân-ca-la. Như đã dự định Kỳ-vực đem vàng đến chỗ thầy, đảnh lễ sát chân và dâng số vàng ấy lên nói:

– Xin Đại sư thương con nhận cho.

Thầy bảo:

– Con có tấm lòng cúng dường nhưng ta không nhận báu vật đó đâu!

Kỳ-vực ân cần thỉnh dâng nhiều lần nên thầy Tân-ca-la mới nhận số vàng đó. Kỳ-vực khiêm cung đảnh lễ ra đi.

Khi ấy, trong nước có một gia đình cư sĩ có người con gái vừa tròn mười lăm, sắp sửa thành hôn bổng nhiên đau đầu mà chết. Kỳ-vực hay tin đến gia đình ấy hỏi thân phụ của người con gái:

– Con gái ông mang bệnh gì mà dẫn đến chết yểu?

– Tiểu nữ nhà tôi bị chứng đau đầu, ngày tháng trầm trọng. Sáng này tái phát nặng hơn ngày thường rồi đưa đến tuyệt mạng.

Kỳ-vực đến lấy cây dược vương chiếu trong đầu xem, thấy côn trùng đục khoét, lúc nhúc lớn nhỏ vô số hàng trăm con. Chúng rúc rỉa trong não cho hết cạn nên cô ta chết. Kỳ-vực lấy dao vàng mổ đầu cô ta, gắp hết côn trùng trong đó ra, bỏ vào cái vò đậy nắp lại; lấy ba loại thuốc thần cao bôi lên vết thương. Một loại trị vết thương chỗ trùng ăn trong xương. Một loại bổ não. Một loại trị vết thương dao mổ.

Kỳ-vực nói cha cô gái:

– Tốt lắm rồi! Để bệnh nhân nghĩ ngơi, cẩn thận đừng kinh động. Mười ngày nữa sẽ bình phục mau chóng, đúng ngày đó tôi sẽ trở lại.

Kỳ-vực cáo từ ra đi.

Mẹ cô gái than khóc nói:

– Sao như thế! Chỉ vì để sống lại mà phải mổ não đầu, nên con tôi phải chết một lần nữa. Ông làm cha cớ gì nhẫn nhịn để người ta mổ con mình như vậy.

Người cha ngắt lời:

– Thầy Kỳ-vực lúc mới sinh ra tay đã cầm kim y dược, từ bỏ địa vị tôn quí, làm thầy thuốc chỉ vì tất cả mạng người. Đó là y vương của trời đâu có dối trá, bà chớ nói như vậy. Thầy có dặn tôi phải cẩn thận chớ kinh động, mà bà không nghe khóc kể làm kinh động con mình, nó không sống lại được.

Người vợ nghe chồng nói không khóc nữa. Hai người cùng nhau săn sóc con. Hai vợ chồng bình tĩnh trong bảy ngày. Sáng sớm ngày thứ bảy, người con gái hắt xì thức dậy như người ngủ tĩnh giấc, liền hỏi:

– Hôm nay, sao con không còn đau đầu, thân thể khỏe khoắn ai giúp cho con được thế này?

Người cha nói:

– Lúc trước con đã chết, y vương Kỳ-vực đến đây giúp con, thầy mổ đầu lấy hết côn trùng cứu con sống lại.

Người cha mở cái vò đựng côn trùng đưa cho con gái xem. Cô thấy rất kinh sợ tự nghĩ: “Mình quá may mắn mới có thần y Kỳ-vực đến cứu giúp như vậy. Ta phải mau đền đáp công ơn này”.

Người cha bảo:

– Thầy Kỳ-vực có hứa với cha hôm nay sẽ trở lại.

Lúc ấy, Kỳ-vực cũng vừa đến. Cô con gái vui mừng hớn hở chạy ra cửa đón tiếp, đảnh lễ sát đất, quì gối chắp tay thưa:

– Nguyện xin thầy cho con theo làm Nô tỳ, trọn đời phụng dưỡng để đền đáp ơn thầy cứu mạng.

Kỳ-vực nói:

– Ta làm thầy thuốc đi trị bệnh khắp nơi không chỗ cố định, làm sao nuôi người hầu. Cô muốn đền đáp công ơn thì biếu cho ta năm trăm lượng vàng. Ta không chi tiêu số vàng này nhưng ta đòi hỏi vì: Phàm người học đạo đúng phép tắc phải tạ ơn thầy. Thầy ta tuy không dạy ta nhưng ta từng là đệ tử. Nay được số vàng của cô, ta lấy nó tạ ơn thầy.

Cô gái đem đến năm trăm lượng vàng biếu cho Kỳ-vực. Kỳ-vực đem về dâng cúng lại cho thầy, nhân tiện bạch lên nhà vua xin về nước Duy-da-ly để thăm mẹ.

Bấy giờ, trong nước lại có con trai của một cư sĩ tinh thông võ thuật. Nó làm con ngựa gỗ cao hơn bảy thước. Hàng ngày luyện tập, mới đầu leo lên trên ngựa gỗ tập rất đắc ý, luyện tập rất lâu bỗng nhiên nhảy qua mất thăng bằng té xuống đất chết. Kỳ-vực nghe chuyện đó đến nơi lấy cây dược vương chiếu vào trong bụng, thấy gan lộn ngược ra sau nên bị bế khí không thông mà chết. Kỳ-vực dùng dao vàng mổ bụng, đưa tay dò xét sắp xếp cho gan quay về vị trí cũ, dùng ba loại thuốc mỡ thần cao. Một loại bổ ngay chỗ mà Kỳ-vực dùng tay sửa. Một loại giúp thông khí, hơi thở điều hòa. Một loại trị vết thương bị mổ, xong rồi Kỳ-vực dặn dò người cha:

– Nên cẩn thận đừng làm ồn ào, ba ngày nữa bệnh sẽ lành.

Người cha vâng lời chỉ dạy, an tỉnh chăm sóc nuôi dưỡng, đến ngày thứ ba cậu con trai hắt xì tỉnh dậy, trạng thái giống như người ngủ tĩnh giấc liền ngồi dậy. Chốc lát Kỳ-vực cũng vừa đến, cậu con trai vui mừng chạy ra ngoài cổng nghinh đón, đảnh lễ sát đất, chắp tay quì gối thưa:

– Nguyện xin thầy cho con theo làm người hầu, suốt đời phụng dưỡng hầu hạ để đáp đền công ơn cứu mạng.

Kỳ-vực nói:

– Ta là thầy thuốc trị bệnh khắp nơi. Bệnh nhân nhiều gia đình xin theo ta làm người hầu, nhưng ta dùng người hầu để làm gì. Mẹ ta nuôi ta khổ nhọc công ơn của mẫu thân chưa đền đáp được, nếu muốn đền đáp cho ta thì biếu cho ta năm trăm lượng vàng để ta báo ơn mẫu thân.

Thế rồi, Kỳ-vực trở về nước La-duyệt-kỳ đem số vàng dâng lên cho mẹ là Nại-nữ. Đến đây Kỳ-vực trị bệnh được bốn người, danh tiếng vang khắp thiên hạ, không ai mà không biết. Lại ở phương nam có một nước rất lớn, cách nước La-duyệt-kỳ tám ngàn dặm. Vua Bình-sa và các nước nhỏ đều rất thân thuộc với nước này. Vua nước này đau bệnh nhiều năm nay mà không thuyên giảm. Ông ta thường đau khổ và giận dữ hay lăm le giết người. Người nào đưa mắt nhìn là giết, người nào cuối đầu không ngước lên cũng giết, sai người nào mà đi chậm cũng giết, đi nhanh cũng giết. Hầu cận tả hữu không biết liệu tính thế nào. Lương y bào chế thuốc ông ta nghi kỵ có độc cũng giết, trước sau giết sạch. Cận thần, cung nữ, những người thầy thuốc không thể tính hết. Căn bệnh ngày càng trầm trọng. Độc nóng nung đốt trong tâm, phiền muộn rầu rĩ, hơi thở hổn hển, toàn thân như bị thiêu đốt. Ông ta nghe tiếng Kỳ-vực liền xuống chiếu chỉ gởi đến nhờ Bình-sa-vương gọi Kỳ-vực. Kỳ-vực nghe ông vua này giết nhiều thầy thuốc nên rất lo sợ. Bình-sa-vương thương lo cho Kỳ-vực tuổi còn nhỏ e rằng sẽ bị giết, nên không muốn cho đi, nhưng lại sợ ông ta đem quân chinh phạt. Cha con ray rứt đêm ngày đau buồn không biết tính thế nào. Bình-sa-vương bèn đưa Kỳ-vực đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát đất, bạch với đức Phật rằng:

– Thưa Thế Tôn! Ông vua kia tánh tình hung ác giết nhiều thầy thuốc, vậy Kỳ-vực đến đó được không?

Phật bảo Kỳ-vực:

– Đời trước ta và con ước thệ cùng nhau cứu giúp thiên hạ. Ta trị nội bệnh con trị ngoại bệnh. Nay Ta thành Phật như bổn nguyện, ý ta đã đạt trước. Ông vua đó bệnh quá nặng mà ở xa mời con làm sao không đến được! Mau liệu tính phương tiện khéo léo đến cứu giúp, bệnh tình thuyên giảm thì ông ta không giết con.

Kỳ-vực nương thần lực của Phật đến chỗ ông vua đó. Kỳ-vực chẩn đoán mạch lý, lấy cây dược vương chiếu vào, thấy bên trong ngũ tạng và hàng trăm kinh mạch của nhà vua; khí huyết khắp thân thể chảy rần rần đều là chất độc mãng xà.

Kỳ-vực tâu nhà vua:

– Tâu Hoàng thượng! Bệnh của Hoàng thượng có thể trị được, trị chắc phải hết. Tuy nhiên, cho phép hạ thần diện kiến Thái hậu để nghị bàn bào chế thuốc, nếu không gặp Thái hậu thì thuốc không bao giờ thành được.

Nhà vua nghe lời lẽ của Kỳ-vực không hiểu cớ gì. Ý muốn tức giận nhưng sợ ảnh hưởng đến bệnh, lại nghe Kỳ-vực là danh y được đón tiếp từ xa nghĩ chắc cũng có ích cho lòng mong mỏi. Vả lại là người nhỏ tuổi biết Kỳ-vực cũng không thông gian, nên nhẫn nhịn lắng nghe. Nhà vua liền lệnh quan thái giám đưa Kỳ-vực đến gặp Thái hậu. Kỳ-vực thưa Thái hậu:

– Bẩm Thái hậu! Bệnh của nhà vua có thể trị được nhưng phải cùng Thái hậu bào chế thuốc. Vì đây là phương thuốc tối mật không thể tiết lộ cho ai dù là người hầu cận tả hữu.

Thái hậu liền đuổi quan thái giám ra ngoài, nhân tiện Kỳ-vực mới bạch Thái hậu:

– Bẩm Thái hậu! Hạ thần xem bệnh nhà vua thấy khí huyết trong thân toàn là chất độc mãng xà, hình như chẳng phải loài người. Xin Thái hậu xác định nhà vua là con ai? Thái hậu thành thật kể cho hạ thần thì hạ thần mới có thể trị cho nhà vua. Còn nếu không nói cho hạ thần biết thì sợ rằng bệnh của nhà vua khó trị lành.

Thái hậu kể:

– Trước kia vào một buổi trưa ta đang ngủ ở tại điện Kim Trụ, bổng nhiên có một vật đến đè trên người ta. Lúc ấy, ta hốt hoảng nửa tỉnh nửa mơ, trạng thái như bị bóng đè trong mộng, rồi thỏa ý thông tình. Bất chợt thức giấc thấy một con mãng xà rất to dài hơn ba trượng, từ trên người ta bò đi. Giờ mới biết mang thai nhà vua là con của mãng xà. Ta quá xấu hổ về điều đó, không bao giờ nói ra. Nay Đồng tử đã biết việc này sao thần diệu vậy? Nếu bệnh này có thể trị được thì ta xin phó thác mạng sống nhà vua cho Đồng tử. Bây giờ trị cho nhà vua bằng thuốc gì?

Kỳ-vực đáp:

– Chỉ có đề-hồ thôi!

– Ôi! Đồng tử cẩn thận chớ có chế đề-hồ. Nhà vua ghét ngửi mùi đề-hồ, ghét nghe nói tên đề-hồ. Ai chế đề-hồ là tiếng trước tiếng sau giết người đó, con số lên đến hàng trăm hàng ngàn người. Nay Đồng tử chế đề-hồ chắc chắn bị giết. Còn nếu đem đề-hồ cho nhà vua uống hoàn toàn càng không được. Xin Đồng tử liệu kế chế thuốc khác.

Kỳ-vực thưa:

– Đề-hồ trị độc, bị bệnh độc mà căm ghét đề-hồ thì bệnh nhà vua tuy ít nhưng rồi sanh thêm bệnh khác, chỉ có thuốc đó mới trị hết bệnh. Chất độc của mãng xà rất nặng lại lan tràn khắp thân. Nếu không phải đề-hồ thì không bao giờ diệt được nó. Bây giờ sắc nấu thành nước không còn hơi hay mùi vị. ý nhà vua không biết nhất định tự uống, khi thuốc ngắm vào bệnh sẽ lành. Thôi Thái hậu đừng lo lắng nữa!

Kỳ-vực ra ngoài tâu lại nhà vua:

– Tâu Hoàng thượng! Hạ thần đã diện kiến Thái hậu đưa ra phương thuốc, nghị bàn bào chế mười lăm ngày sẽ thành. Nay hạ thần có năm điều nguyện, nếu Hoàng thượng nghe lời hạ thần thì bệnh mau khỏi, còn không nghe hạ thần, chắc bệnh khó lành.

Nhà vua hỏi:

– Năm điều nguyện ấy là chuyện gì?

Kỳ-vực tâu:

Nguyện thứ nhất là xin trong kho báu Hoàng thượng một cái áo giáp mới chưa từng mặc, cho hạ thần mặc.

Nguyện thứ hai là cho hạ thần tự nhiên ra vào trong cung không được ngăn cấm.

Nguyện thứ ba là hàng ngày hạ thần vào gặp Thái hậu và Hoàng hậu, không được ngăn cấm.

Nguyện thứ tư là khi Hoàng thượng uống thuốc phải uống một hơi cho hết, không được nghỉ nữa chừng.

Nguyện thứ năm là xin Hoàng thượng ban cho con bạch tượng đi tám ngàn dặm để hạ thần cởi nó.

Nhà vua nghe xong vô cùng phẫn nộ hét:

– Tiểu tử…! Sao dám cả gan cầu năm điều nguyện đó, mau giải thích cho rõ nếu không giải thích ta đánh chết. Sao ngươi dám đòi áo mới của ta? Vì muốn giết ta hay tiện bề mặc áo của ta để giả danh ta chăng?

Kỳ-vực tâu:

– Tâu Hoàng thượng! Khi chế thuốc phải thanh tịnh trai giới, mà hạ thần đến đây đã lâu quần áo dơ bẩn, nên muốn xin Hoàng thượng áo để mặc nấu thuốc.

Nhà vua hiểu rồi lại hỏi:

– Như vậy thì tốt. Sao ngươi muốn tự ý ra vào cung môn không bị ngăn cấm. Có phải nhân cơ hội đó đem binh tấn công giết ta chăng?

Kỳ-vực thưa:

– Tâu Hoàng thượng! Những ông thầy thuốc trước sau, Hoàng thượng đều cơ hiềm không tin tưởng và muốn tàn sát họ, không dùng thuốc của họ. Quần thần lớn nhỏ đều nói rằng: “Hoàng thượng cũng sẽ giết hạ thần”, mà bệnh của Hoàng thượng đã nặng sợ người ngoài sinh tâm làm loạn. Nếu để hạ thần ra vào không bị ngăn cấm thì người ngoài lớn nhỏ đều biết Hoàng thượng tin tưởng hạ thần; một khi nhà vua dùng thuốc của hạ thần thì bệnh sẽ lành. Thế là họ không dám sinh tâm nghịch loạn.

Nhà vua nói:

– Tốt lắm! Vậy còn hàng ngày sao ngươi muốn một mình vào gặp mẹ và vợ ta, muốn dâm loạn chăng?

Kỳ-vực thưa:

– Tâu Hoàng thượng! Từ trước đến nay, Hoàng thượng đã giết quá nhiều người. Quần thần lớn nhỏ đều ôm ấp lòng lo sợ. Họ cầu nguyện cho Hoàng thượng gặp điều bất hạnh, cho nên không thể tin bất cứ một ai. Nay cùng họ chế thuốc, nhân lúc hạ thần lơ là sơ ý, họ sẽ bỏ thuốc độc vào, hạ thần không biết thì chẳng phải chuyện nhỏ. Nên hạ thần suy nghĩ nên tin tưởng vào người nào có ân tình, không hai lòng thì chỉ có Thái hậu và Hoàng hậu. Vì vậy, hạ thần cần gặp Thái hậu và Hoàng hậu để cộng sự nấu chế thuốc. Mười lăm ngày là hoàn thành nhưng hạ thần muốn hàng ngày vào để thăm bệnh và nấu tể vậy thôi!

Nhà vua nói:

– Vậy thì tốt! Tại sao ngươi muốn ta uống phải uống cho hết, không được nghỉ nữa chừng; có phải bỏ thuốc độc sợ ta biết chăng?

Kỳ-vực thưa:

– Tâu Hoàng thượng! Vì thuốc có nhiều loại, hơi và mùi vị phải hòa hợp lẫn nhau, nếu uống nữa chừng nghỉ thì mùi vị không liên kết với nhau.

Nhà vua nói:

– Hay lắm! Thế tại sao ngươi muốn cỡi voi của ta. Con voi đó là báu vật vương quốc ta, một ngày nó đi tám ngàn dặm, cho nên ta mới chinh phục được các nước là nhờ nó.

Ngươi xin cỡi nó vì muốn chiếm đoạt, rồi quay về quê hương cùng cha ngươi chinh phạt nước ta chăng?

Kỳ-vực thưa:

– Tâu Hoàng thượng! Ở trong núi biên giới phía nam có loại thuốc thần diệu, đến đó mất bốn ngàn dặm. Hoàng thượng uống thuốc là loại dược thảo ấy. Tuy việc khó khăn nhưng phải chế cho được, hạ thần muốn mượn voi đến đó hái thuốc, sáng đi chiều về thì thuốc không mất mùi vị.

Nhà vua nghe mọi chuyện, ý đã hiểu rõ. Thế là Kỳ-vực luyện nấu đề-hồ trong mười lăm ngày xong. Nó trong vắt như nước, tất cả được mười lăm thăng, đưa cho Thái hậu và Hoàng hậu bưng ra ngoài. Kỳ-vực đến thưa nhà vua:

– Tâu Hoàng thượng! Có thể chuẩn bị bạch tượng dẫn đến trước điện.

Nhà vua cho phép. Ông ta thấy thuốc trong như nước không mùi vị không biết là đề-hồ, lại có Thái hậu và Hoàng hậu thân cận cùng chế thuốc nên tin tưởng chắc không phải thuốc độc. Nhà vua như lời dặn, uống một lần hết sạch. Kỳ-vực lên voi ra đi, trở về nước La-duyệt-kỳ. Kỳ-vực đi được ba ngàn dặm vì tuổi nhỏ thể lực yếu đuối nên không chịu nổi, bổng nhiên đau đầu, hoa mắt choáng váng phải dừng lại nằm nghỉ. Đến giữa trưa nhà vua nhảy mũi hắt xì văng ra đề-hồ, liền nổi giận quát tháo:

– Thằng nhóc con, dám cả gan cho ta uống đề-hồ, hèn chi thằng quái mượn bạch tượng của ta, chắc nó phản nghịch rồi.

Nhà vua có một cận thần tên là Ô, đầy đủ thần thông đi nhanh có khả năng rượt đuổi bạch tượng. Nhà vua gọi Ô lại bảo:

– Ngươi cấp tốc đuổi theo, bắt sống nó đem về trước mặt ta, dùng chùy đánh cho chết. Ngươi tánh thường không liêm chính, tham ăn nên gọi là Ô. Những bọn thầy thuốc nhiều mẹo vặt dùng thuốc độc. Nếu thằng nhóc cho ngươi ăn thì cẩn thận đừng ăn.

Ô vâng lệnh ra đi, đi như bay vào trong núi gặp Kỳ-vực bảo:

– Vì sao ngươi làm đề-hồ cho vua uống mà nói là thuốc? Hoàng thượng sai ta đuổi theo bắt ngươi quay lại. Ngươi mau theo ta trở về, tự thú tạ tội ngõ hầu hy vọng sống. Nếu ngươi muốn đào tẩu thì bắt buộc ta giết ngươi, đừng hòng chạy thoát được.

Kỳ-vực suy nghĩ: “Ta dùng mưu kế dùng bạch tượng cũng không thoát được”. Rồi nói với Ô:

– Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn gì đường nào cũng chết, thôi ông nghỉ ngơi đợi tôi chốc lát. Tôi đi vào trong núi kiếm trái cây ăn, uống miếng nước cho no bụng chết cũng chịu.

Ô thấy Kỳ-vực còn nhỏ sợ chết khủng hoảng, lời lẽ tội nghiệp thương lòng đồng ý và nói:

– Đi kiếm thức ăn mau đi!

Không bao lâu Kỳ-vực trở lại tay cầm trái lê ăn hết một nữa, lấy thuốc độc bỏ vào móng tay, cho vào phần còn lại rồi đặt xuống đất. Lại lấy nước đã uống hết một nữa, lấy móng tay có độc búng vào ly nước, để xuống đất và than rằng:

– Nước và lê đều là thuốc trời trong mát lại thơm ngon. người nào ăn, uống được nó thân thể bình an, trăm bệnh tiêu trừ, khí lực gấp bội. Rất tiếc kinh đô không có thứ này. Trăm họ đang cần mà nó lại ở trong núi sâu người ta không biết được, đôi khi vào núi tìm kiếm thì gặp trái cây khác.

Ô tánh tham ăn không thể nhận nhịn về chuyện ăn uống, lại nghe Kỳ-vực khen là thần dược, cũng thấy Kỳ-vực ăn uống rồi. Ô nghĩ chắc không có độc lấy phần còn lại lê và nước, uống hết sạch. Liền bị kiết lỵ, tiêu chảy như nước, rồi ngã sấp xuống nằm dài, cố gắng đứng dậy lại hoa mắt ngã xuống không cử động được nữa.

Kỳ-vực nói:

– Tôi chế thuốc cho Hoàng thượng uống tất nhiên bệnh sẽ hết. Giờ thì thuốc chưa thấm là bao nên chất độc vẫn còn. Nay ở lại chắc tôi bị giết, ông đâu có biết, nên rượt bắt tôi để giải về cho nhà vua. Vì vậy tôi làm cho ông bệnh, bệnh của ông không hại gì, thận trọng chớ động đậy ba ngày bệnh sẽ lành. Nếu ông đứng dậy rượt theo tôi tất nhiên chết không sai.

Kỳ-vực cỡi bạch tượng ra đi. Kỳ-vực đi qua một ngôi làng nghèo nói với trưởng làng:

– Sứ giả vương quốc này bổng nhiên lâm bệnh, các ông tranh thủ cấp tốc đưa ông ta về nhà, nuôi dưỡng chăm sóc cho chu đáo, chuẩn bị giường chiếu cho đàng hoàng, cung cấp cháo thịt cẩn thận chớ để chết. Nếu để ông ta chết thì nhà vua tiêu diệt ngôi làng các ông.

Nói rồi Kỳ-vực lên đường quay về bổn quốc. Trưởng làng vâng lệnh đón Ô về nuôi dưỡng, ba ngày độc ngưng tuyệt hẳn. Ô trở về diện kiến nhà vua, khấu đầu tự tường thuật lại:

– Hạ thần thật ngu si trái lời Hoàng thượng dạy, tin lời Kỳ-vực ăn uống phần dư nước và trái cây, vì ăn trong đó nên sanh bệnh kiết lỵ ba ngày. Từ đó đến nay mới hết, hạ thần tự biết tội chết.

Trong thời gian ba ngày đến khi Ô trở về, nhà vua cũng hết bệnh. Nhà vua suy nghĩ: “Ta rất ăn năn đã sai Ô đi”. Thấy Ô về vừa buồn vừa vui nói:

– Lúc Trẫm giận nhờ ngươi đuổi theo giết cho được thằng nhỏ không được trái lời. Hiện nay mạng Trẫm được cứu sống là nhờ ơn của nó. Trẫm đã gây ra tội lỗi không nhỏ.

Nhà vua hối hận đã giết nhiều người chết oan trước đây, rồi đem hậu táng, đưa tiền của giúp gia đình họ. Nghĩ đến ơn cứu mạng của Kỳ-vực, nhà vua sai sứ giả cung nghinh Kỳ-vực. Kỳ-vực tuy biết nhà vua hết bệnh nhưng vẫn còn nổi lo sợ không muốn đến. Bấy giờ, Kỳ-vực đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân Phật bạch rằng:

– Thưa Thế Tôn! Ông vua đó sai sứ giả đến nghinh đón con, có nên đến không?

Đức Phật bảo Kỳ-vực:

– Túc mạng đời trước con đã thệ nguyện phải hoàn thành công đức sao dừng nữa chừng, nên đến đó đi! Con trị ngoại bệnh cho nhà vua, Ta cũng trị nội bệnh cho ông ta.

Kỳ-vực bèn theo sứ giả lên đường, đến nơi nhà vua thấy Kỳ-vực hết sức vui mừng, dắt tay đến ngồi chung một chỗ và vịn vai nói:

– Đội ơn công đức hiền giả đã cứu mạng, nay lấy gì đền đáp đây? Trẫm muốn chia vương quốc mỗi người một nửa. Thể nữ trong cung, kho tàng châu báu cũng chia làm đôi tha thiết hiền giả nhận cho.

Kỳ-vực thưa:

– Tâu Hoàng thượng! Hạ thần vốn cũng là Thái tử. Tuy là vương quốc nhỏ nhưng cũng có nhân dân, châu báu đầy đủ. Hạ thần không vui với ngôi vị trị nước nên cầu làm thầy thuốc đi trị bệnh. Hoàng thượng cho đất đai, thể nữ, châu báu hạ thần không cần. Trước kia Hoàng thượng nghe hạ thần thỉnh năm điều nguyện, ngoại bệnh đã lành. Bây giờ, nếu Hoàng thượng nghe một điều nguyện nữa thì nội bệnh dứt sạch.

Vua nói:

– Xin nhân giả chỉ dạy, muốn biết sự việc của điều nguyện đó.

Kỳ-vực thưa:

– Xin Hoàng thượng thỉnh Phật đến để thọ chánh pháp cao minh. Vì Hoàng thượng, đức Phật sẽ nói công đức vời vợi tôn quí của đức Thế Tôn.

Nhà vua nghe thế quá vui mừng bảo:

– Vậy để Trẫm sai Ô lấy bạch tượng đón rước đức Phật có được không?

Kỳ-vực nói:

– Không cần dùng bạch tượng, tất cả tâm niệm của mọi người ở xa đức Phật đều biết. Miễn là Hoàng thượng một đêm trai giới thanh tịnh, dâng cúng đầy đủ hương trầm, quay về hướng Phật làm lễ, quì gối thỉnh nguyện tự nhiên đức Phật đến.

Nhà vua làm như lời dặn. Sáng ngày đức Phật cùng đầy đủ 1250 vị Tỳ-kheo đến đó. Sau khi thọ trai xong vì nhà vua đức Phật thuyết kinh. Nhà vua tâm ý khai giải liền phát tâm đạo Vô thượng chánh chơn. Cả nước lớn nhỏ đều thọ ngũ giới rồi cung kính làm lễ mà đi.

Lại nữa khi nàng Nại-nữ sinh ra rất kỳ dị, càng lớn càng thông minh, theo cha học vấn, uyên bác kinh đạo, thuật chiêm tinh toán số vượt hẳn hơn cha, lại thông thạo về âm nhạc tấu âm thanh như Phạm thiên. Những đứa con gia đình cư sĩ và Phạm-chí tất cả 500 người theo học và tôn Nại-nữ là Đại sư. Nại-nữ cùng 500 đệ tử thường tán thán, trao đổi kinh thuật hay du ngoạn chốn hoa viên, ao hồ hoặc chơi âm nhạc. Người trong nước không hiểu việc làm của họ nên sinh phỉ báng gọi Nại-nữ là dâm nữ, còn 500 đệ tử gọi là dâm đảng.

Lúc Nại-nữ sinh đồng thời trong nước có Tu-mạn-nữ và Ba-đàm-nữ cũng sinh cùng lượt. Tu-mạn-nữ là người sinh trong hoa Tu mạn. Trong nước có nhà cư sĩ thường bện hoa Tu mạn để làm hương cao. Bên chỗ bện thạch cao bổng nhiên nhô khối u to như viên đạn. Ngày ngày lớn dần như nắm tay rồi hòn đá nứt ra, trong kẻ đá có điểm tụ sáng như ánh lửa đom đóm, bắn ra ngoài rơi xuống đất. Ba ngày sinh ra cây Tu-mạn, ba ngày nữa thành hoa, trong hoa nở ra có một bé gái. Nhà cư sĩ chăm sóc nuôi dưỡng và đặt tên là Tu-mạn-nữ. Khi nàng trưởng thành dung nhan diễm kiều, tài trí vẹn toàn nếu so sánh với Nại-nữ, nàng là người thứ hai.

Bấy giờ, lại có một gia đình Phạm-chí trong ao nhà tự nhiên mọc lên hoa sen xanh. Đặc biệt hoa sen không những lớn mà ngày càng vươn cao to bằng cái bình cỡ năm thăng. Khi hoa nở bên trong thấy có một bé gái, Phạm-chí giữ nuôi dưỡng đặt tên là Bà-đàm-nữ. Khi lớn khôn nàng rất đẹp tài trí sánh như Tu-mạn-nữ. Vua các nước nghe đồn về hai người con gái này nhan sắc tuyệt đẹp, họ đem sính lễ đến cầu hôn. Hai nàng nói:

– Chúng tôi không phải sinh ra từ bào thai mà sinh ra từ hoa thảo, nên cùng người phàm không đồng. Vậy làm sao thích hợp theo người đời cùng sánh đôi được! Nghe Nại-nữ thông minh dung nhan tuyệt thế, không thể sánh kịp với nàng. Nại-nữ lại sanh đồng thể với chúng tôi.

Họ từ biệt cha mẹ theo Nại-nữ cầu làm đệ tử, thấu rõ kinh điển, trí tuệ sáng suốt giỏi hơn 500 đệ tử kia. Khi ấy, đức Phật vào nước Duy-da-lê, nại-nữ dẫn 500 đệ tử ra nghinh đón đức Phật, đảnh lễ sát đất, quì gối bạch rằng:

– Kính thưa Thế Tôn! Ngày mai xin thỉnh Thế Tôn vào trong vườn chúng con thọ trai.

Đức Phật mặc nhiên thọ nhận. Nại-nữ trở về chuẩn bị đầy đủ những thứ cúng dường. Khi đức Phật đi vào thành nhà vua ra khỏi cung nghinh đón đức Phật xong, quì gối thỉnh Phật:

– Thưa Thế Tôn! Nguyện thỉnh Thế Tôn ngày mai đến cung thọ trai.

Phật đáp:

– Nại-nữ đã thỉnh ta trước rồi.

Nhà vua buồn rầu nói:

– Con làm vua một nước chí tâm thỉnh Phật tất nhiên được y hứa. Còn Nại-nữ chỉ là gái dâm, hàng ngày theo 500 đệ tử dâm loạn, làm việc trái phép. Vì sao Thế Tôn từ chối con mà nhận lời thỉnh nguyện của nó.

Đức Phật bảo:

– Người con gái này không phải là dâm nữ, mà đời trước cô ta có công đức lớn đã cúng dường ba ức Phật. Xưa kia cô ta, Tu-mạn và Ba-đàm cùng là chị em. Nại-nữ là chị cả, Tu-mạn chị thứ còn Ba-đàm là út, cùng sinh trong một đại gia tộc tài sản châu báu vô số kể. Chị em họ cùng nhau cúng dường cho 500 Tỳ-kheo Ni. Hàng ngày bày biện đồ ăn thức uống để cúng dường và may y phục tùy theo chỗ nào không có đều cúng dường đầy đủ. Khi sắp lâm chung họ phát thệ nguyện: “Chúng tôi nguyện đời sau được gặp Phật”. Tự nhiên được hóa sinh không do bào thai, xa lìa dơ bẩn. Nay họ được thọ nguyện sinh vào thời của ta, nhờ xưa kia cúng dường Tỳ-kheo Ni. Tuy làm con nhà giàu nhưng với ngôn ngữ kiêu mạn, luôn luôn trêu chọc giỡn cợt Tỳ-kheo Ni: “Những người ở trong đạo lâu ngày buồn chắc cũng muốn có chồng, ngặt vì nhờ chúng tôi cúng dường kiểm soát nên các cô không dám phóng y tự tình đó thôi!”. Nên ngày hôm nay họ phải chịu nhiều tai ương đó, tuy hàng ngày tán tụng kinh điển đạo lý, nhưng vẫn bị phỉ báng là dâm nữ. Lúc ấy, tất cả 500 đệ tử cùng sức tương trợ cúng dường, đồng tâm hoan hỷ, cho nên sinh ra gặp nhau hưởng chung cái quả như vậy. Còn Kỳ-vực làm con gia đình nghèo, thấy Nại-nữ cúng dường ý rất vui mừng, nhưng không có tư tài nên thường giúp đỡ Tỳ-kheo Ni bằng công việc quét dọn cho sạch sẽ, rồi phát lời thệ nguyện: “Nhờ công việc quét dọn, sau này giúp cho ta có thể quét trừ bệnh tật mọi người trong thiên hạ, quyết định như vậy”. Nại-nữ thương Kỳ-vực nghèo khổ lại siêng năng cần cù nên nhận làm con. Mỗi khi những vị Tỳ-kheo Ni có bệnh thường nhờ Kỳ-vực đón thầy thuốc về bổ thuốc và bảo: “Đời sau ngươi và ta cả hai đều được phước’. Kỳ-vực đón thầy thuốc về trị, trị tất nhiên là lành. Kỳ-vực thề rằng: “Ta nguyện đời sau làm đại y vương luôn trị bệnh tất cả thân tứ đại, trị dứt khoát là hết”. Nhờ nhân duyên ngày trước mà nay làm con Nại-nữ được như bổn nguyện.

Nhà vua nghe Phật nói liền quỳ gối sám hối và đồng ý chờ ngày hôm sau. Sáng ngày, đức Phật cùng hàng Tỳ-kheo đến vườn Nại-nữ. Vì tất cả đức Phật đã thuyết bổn nguyện công đức. Ba nàng nghe kinh khai ngộ và tất cả 500 đệ tử một lượt vui mừng xin xuất gia tu hành, tinh tấn không giải đãi, họ đều đắc quả A-la-hán.

Phật bảo A-nan:

– Ông phải thọ trì vì tứ chúng nói kinh chớ để đoạn tuyệt. Tất cả chúng sanh cẩn thận thân, khẩu, ý chớ sinh kiêu mạn phóng dật. Như Nại-nữ ngày xưa vì chế nhạo, đùa giỡn Tỳ-kheo Ni nay phải bị phỉ báng là dâm nữ. Ông phải tu hành nghiệp thân, khẩu, ý mãi mãi phát thiện nguyện, nghe kinh tùy hỷ tin vui, thọ trì chớ sinh phỉ báng sẽ đọa vào địa ngục, dư báo làm súc sanh. Trải qua trăm ngàn kiếp quả báo sau này làm người bần cùng hạ tiện, không nghe được chánh pháp, sinh trong gia đình tà kiến, thường gặp vua ác, thân không đầy đủ. Ông phải tu hành thọ trì đọc tụng cho đến tận vị lai mãi mãi bất tuyệt.

Bấy giờ, A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, quì gối chắp tay bạch với đức Phật rằng:

– Thưa Thế Tôn! Chính yếu pháp này phải đặt tên kinh gì?

Phật bảo A-nan:

– Kinh này gọi là kinh nhân duyên Nại-nữ và Kỳ-vực; tu hành theo pháp như trên, cúng dường Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, chỉ có bố thí thuốc và đón lương y tùy hỷ phát nguyện mà nay được quả báo như thế. Vậy nên thọ trì.

Nghe Phật thuyết kinh xong. Đại chúng: nhân dân, Thiên long Bát-bộ… đều hoan hỷ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Pháp Môn Lược Thuật Kim Cang Đỉnh Du Già Phân Biệt Thánh Vị Tu Chứng - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Da Kỳ - Kinh Tạng
  • Kinh Nại Nữ Và Kỳ Bà - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Về Tám Điều Nuôi Lớn Công Đức - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 26 – Dối Trá - Kinh Tạng
  • Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Căn Bổn Đại Giáo Vương Kinh Kim Sí Điểu Vương Phẩm - Kinh Tạng
  • Kinh Tất Đàm Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Nhật Tử Vương Sở Vấn - Kinh Tạng
  • Kinh chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại - Kinh Tạng
  • Kinh Người Phụ Nữ Gặp Điều Bất Hạnh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 04 – Kính Tháp - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Dược Sư Tam Muội Hành Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 93 – Kinh Assalàyana (Assalàyana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Quả Trong Đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Kinh Tạng
  • Truyện Cao Tăng Sang Tây Vực Cầu Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Lộc Mẫu - Kinh Tạng
  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Truyện Các Vị Tăng Thần Dị - Kinh Tạng
  • Kinh Bản Khởi Thái Tử Hiện Điềm Lành - Kinh Tạng