1
2

KINH PHẬT NÓI VỀ CÔNG ĐỨC XUẤT GIA

Phật Thuyết Xuất Gia Công Đức Kinh

Thất dịch

Bản Việt dịch (1) của Thích Nguyên Lộc

Bản Việt dịch (2) của Thích Tâm Nhãn

***

Kinh Phật Nói Về Công Đức Xuất Gia

Việt dịch: Thích Nguyên Lộc

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thời Đức Phật cư ngụ tại nước Tì-xá-li, đến giờ Ngài vào thành khất thực. Lúc bấy giờ, trong thành Tì-xá-li có một người dòng dõi Lê-xa, tên Tì-la-tiễn-na (Trung Quốc dịch là Dũng Quân). Giống như chư thiên và các tiên nữ cùng nhau vui chơi, vương tử và các thể nữ cũng vui đùa với nhau trên lầu gác, chìm đắm sắc dục như vậy.

Lúc bấy giờ, Đức Phật dùng Nhất thiết trí nghe tiếng nhạc kia rồi nói với thầy A-nan:

– Ta biết người này tham đắm năm món dục, không bao lâu nữa sẽ mạng chung. Bảy ngày sau người này sẽ từ bỏ những niềm vui quyến thuộc này, nhất định qua đời. A-nan! Nếu người này không bỏ dục lạc, không chịu xuất gia, thì khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục!

Lúc đó, thầy A-nan đỉnh lễ vâng theo lời dạy của Phật. Vì muốn làm lợi ích cho vị vương tử này, nên thầy đến nhà vương tử. Bấy giờ, nghe thầy A-nan đang ở ngoài cửa, vương tử liền ra gặp mặt và vì lòng cung kính, nên thỉnh thầy vào nhà ngồi. Ngồi chưa được bao lâu, vương tử khởi tâm cung kính bạch:

– Quí thay! Bằng hữu tốt! Ngài đến đây rất đúng lúc! Hôm nay gặp ngài, tôi vô cùng vui mừng. Ngài tên Hoan Hỉ, hôm nay xin ngài hãy dạy giáo pháp của Đức Phật để tôi hoan hỉ.

Vương tử thỉnh ba lần như thế, thầy A-nan muốn làm lợi ích rộng lớn, nên im lặng không trả lời.

Vương tử lại thưa:

– Đại tiên Tì-đà-ha Mâu-ni làm lợi ích tất cả chúng sinh. Ngài có oán trách gì mà im lặng, không dạy cho một vài lời!

Thầy A-nan thụ trì pháp tạng của Phật, muốn làm lợi ích thế gian, nên thương cảm dạy bảo:

– Ông hãy lắng nghe! Bảy ngày sau ông sẽ mạng chung. Nếu ông cứ chìm đắm trong năm dục mà không tỉnh ngộ, không xuất gia, thì sau khi mạng chung sẽ đọa vào địa ngục. Đức Phật là bậc Nhất thiết trí, nói lời đúng đắn, dự báo cho ông như vậy. Giống như lửa đốt vật, hoàn toàn không phát cháy suông, ông hãy suy nghĩ cho kĩ!

Vương tử kia nghe nói như vậy, trong lòng vô cùng lo sợ, buồn bã không vui, bèn vâng theo lời dạy của A-nan và thưa:

– Tôi sẽ xuất gia, nhất định như vậy! Nhưng hãy cho phép tôi hưởng thụ dục lạc thêm sáu ngày nữa, đến ngày thứ bảy tôi từ biệt gia đình và quyến thuộc quyết chí xuất gia.

A-nan chấp nhận. Đến ngày thứ bảy, ông sợ trôi lăn trong đường sinh tử, nên cầu Phật xuất gia. Phật chấp nhận. Trải qua một ngày một đêm tu tập, giữ gìn tịnh giới, thì ông qua đời. Sau khi hỏa thiêu, thầy A-nan và quyến thuộc đến bạch Đức Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Tì-kheo Tì-la-tiễn-na đã mạng chung, thần thức sinh về đâu?

Phật Thế Tôn là bậc Nhất thiết trí, thầy của trời người. Ngài có đại Phạm âm thù thắng hơn các âm thanh của tiếng sấm, tiếng trống, tiếng chim ca-lăng-tần-già. Ngài dùng Phạm âm có đủ tám đặc tính này bảo A-nan:

– Tì-kheo Tì-la-tiễn-na này sợ chìm đắm trong sinh tử, chịu khổ địa ngục mà bỏ năm dục xuất gia, giữ gìn tịnh giới một ngày một đêm, nên khi xả bỏ báo thân này, thì được sinh lên trời Tứ Thiên Vương, làm con của thiên vương Tì-sa-môn ở phương bắc, tha hồ hưởng thụ năm dục lạc. Vì tham đắm hưởng thụ năm dục và cùng vui chơi các thể nữ, nên chỉ thọ năm trăm tuổi. Thọ năm trăm tuổi xong, mạng chung được sinh lên tầng trời Ba Mươi Ba làm con của Đế Thích, tha hồ hưởng thụ niềm vui năm dục cùng tột của cõi trời, cũng vui đùa cùng các thiên nữ đẹp, hưởng thọ một nghìn tuổi. Khi tuổi thọ hết thì sinh đến cõi trời Diệm-ma làm con của Diệm-ma thiên vương, tha hồ hưởng thụ sắc, thanh, hương, vị, xúc của cõi trời, tâm vui nơi dục lạc, thọ được hai nghìn tuổi. Sau hai nghìn năm thì khi mạng chung sinh vào làm con của vua cõi trời Đâu-suất, tha hồ hưởng thụ niềm vui năm dục, mắt nhìn nhau thì thành việc dục, tâm tự thỏa mãn, thường bàn luận Phật pháp, trí tuệ giải thoát, thọ bốn nghìn tuổi. Mãn bốn nghìn năm thì mạng chung sinh lên cõi trời Đại Tự Tại làm con của vua trời cõi này, hưởng thụ các niềm vui ngũ dục, ở trong các thể nữ tùy ý biến hóa, sống được tám nghìn tuổi. Khi tuổi thọ đã hết, mạng chung sinh vào cõi trời Tha Hóa Tự Tại làm con của thiên vương cõi này. Dục lạc trong cõi trời thứ sáu này, từ tầng trời thứ năm trở xuống không thể biết được. Khi sinh vào cõi trời này, thì sẽ hưởng thụ các niềm vui thù thắng vi diệu, nơi đây là kho tàng của các niềm vui. Khi hưởng thụ niềm vui này thì tâm vô cùng say mê, hưởng thụ đầy đủ niềm vui thù thắng vi diệu, nên thọ một vạn sáu nghìn tuổi. Bảy lần lên xuống hưởng thụ niềm vui như thế ở trong cõi trời Lục Dục.

Tì-la-tiễn-na này do xuất gia một ngày một đêm mà suốt hai mươi kiếp không đọa địa ngục, ngạ quỉ và súc sinh, thường sinh làm trời người, hưởng phúc tự nhiên. Cuối cùng thì sinh vào nhà giàu sang sung sướng, tiền của, châu báu đầy đủ. Khi đã trải qua tuổi tráng niên, các căn chín muồi, ông ấy sợ những khổ nạn sinh, già, bệnh, chết, chán cuộc sống thế gian nên xuất gia, cạo bỏ râu tóc, thân mặc pháp phục, siêng năng tinh tiến tu tập, giữ bốn oai nghi, thường hành chính niệm, quán năm ấm là khổ, không, vô ngã, hiểu pháp nhân duyên, chứng Bích-chi-phật, hiệu là Tì-lưu-đế. Bấy giờ, vị bích-chi-phật này phóng ánh sáng chiếu soi, khiến nhiều trời người sinh căn lành, các loài chúng sinh đều gieo nhân duyên Tam thừa giải thoát.

Bấy giờ, A-nan chắp tay bạch Đức Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu có người cho phép kẻ khác xuất gia, hoặc cung cấp những thứ cần dùng cho người xuất gia thì được bao nhiêu phúc đức? Nếu có người phá hoại nhân duyên xuất gia của người khác, thì chịu tội báo thế nào? Cúi xin đức Thế Tôn chỉ dạy.

Phật bảo A-nan:

– Nếu tròn một trăm năm ông hỏi việc này, Ta dùng vô lượng trí tuệ, trừ lúc ăn uống mà nói rộng công đức của người này cho ông nghe thì cũng không hết được. Người này luôn được sinh lên cõi trời hay trong loài người và đều làm quốc vương, hưởng sự vui sướng của trời người. Nếu có người ở trong pháp sa-môn này mà bảo người xuất gia, hoặc lại giúp đỡ nhân duyên xuất gia, thì ở trong sinh tử thường hưởng thụ niềm vui. Ta nói phúc đức của người đó suốt một trăm năm cũng không thể cùng tận. Thế nên, A-nan! Ông sống thọ hết một trăm năm mà hỏi Ta việc này, còn Ta cho đến lúc nhập niết-bàn, cũng không nói hết công đức của người đó.

Phật bảo A-nan:

– Nếu có người phá hoại nhân duyên xuất gia của người khác, tức là cướp đoạt vô lượng kho báu phúc đức căn lành, phá hoại ba mươi bảy pháp trợ bồ-đề và nhân Niết-bàn. Giả như có người muốn phá hoại nhân duyên xuất gia, thì nên quán xét việc này. Vì sao? Do tội nghiệp này mà đọa vào địa ngục, thường bị mù mắt, chịu đau khổ tột cùng. Nếu làm súc sinh cũng bị mù mắt; sinh làm ngạ quỉ cũng thường mù mắt, chịu khổ trong ba đường ác nhiều kiếp mới được giải thoát. Nếu được sinh làm người thì bị mù mắt lúc còn trong thai. A-nan! Dù một trăm năm ông luôn hỏi điều này, trọn một trăm năm Ta dùng trí tuệ nói tội báo này cũng không thể hết. Ở trong bốn đường, người này sinh ra thường bị mù mắt, Ta hoàn toàn không thụ kí cho những người này thời gian giải thoát. Vì sao? Bởi vì họ phá hoại nhân duyên xuất gia vậy.

Như người này thành tựu vô biên công đức, nhưng vì phá hoại nhân duyên tốt như vậy, nên cũng phải chịu vô lượng tội. Lẽ ra trong gương trí tuệ thanh tịnh này, được các pháp lành giải thoát, nhưng khi gặp người xuất gia tu hành, giữ giới thanh tịnh, hướng đến con đường giải thoát thì lại phá hoại, gây trở ngại cho người ấy, nên khi sinh ra thường bị mù, không thấy niết-bàn. Thường quán chiếu mười hai nhân duyên: Vô minh… , lẽ ra người này phải được giải thoát, nhưng vì hủy hoại con mắt trí tuệ của người khác, phá nhân duyên xuất gia, che mắt trí tuệ, nên người này khi sinh ra hai mắt đã bị mù, không thấy ba cõi.

Người xuất gia lẽ ra thấy được năm ấm, hai mươi ngã kiến, hướng đến chính đạo. Nhưng vì phá nhân xuất gia, hủy hoại chính đạo, nên khi sinh ra bị mù, không thấy chính đạo. Người xuất gia lẽ ra thấy được tất cả pháp tụ, chỗ trụ của thiện pháp, thấy pháp thân chư Phật thanh tịnh. Nhưng vì phá nhân duyên xuất gia, nên khi sinh ra thường bị mù, không thể nhìn thấy pháp thân Phật. Vì xuất gia lẽ ra đầy đủ hình tướng sa-môn, giữ gìn cấm giới, làm ruộng phúc thanh tịnh, gieo nhân Phật đạo. Nhưng do phá nhân xuất gia nên đoạn tất cả mong cầu đối với các pháp lành. Do tội duyên này mà đời đời thường bị mù.

Người xuất gia lẽ ra quán sát kĩ thân tâm đều là khổ, vô thường, vô ngã, bất tịnh; nhưng lại ngăn cản người khác xuất gia, gây trở ngại cho họ, nên bị quả báo mù mắt. Vì mắt mù nên không thấy bốn đường, bốn niệm xứ, bốn chính cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám chính đạo, đến thành Niết-bàn. Do tội duyên này mà sinh ra thường bị mù, cho đến không thấy được thiện pháp thanh tịnh, không, vô tướng, vô tác mà hướng tới thành Niết-bàn.

Do đó, người có trí tuệ biết người xuất gia cần phải thành tựu pháp lành như vậy, không nên phá hoại nhân duyên tốt mà bị mang tội. Ai phá hoại nhân duyên chính kiến xuất gia làm sa-môn của người khác, thì suốt đời không thể thấy được thành Niết-bàn, sinh ra thường bị mù.

Có người suốt một trăm kiếp xuất gia ở cõi khác, tu tập giữ giới thanh tịnh. Lại có người ở cõi Diêm-phù-đề này xuất gia giữ giới một ngày một đêm, cho đến thanh tịnh xuất gia trong chốc lát, thì công đức của người xuất gia giữ giới suốt trăm kiếp kia không bằng một phần mười sáu công đức của người xuất gia ở cõi Diêm-phù-đề này.

Lại có người điên cuồng làm việc dâm loạn với chị em gái, rồi sinh tâm ganh ghét, bỏn xẻn thì chịu tội báo không thể tính kể. Lại có một người hay suy nghĩ đúng đắn, phát tâm xuất gia, muốn bỏ các việc ác. Lại có người phá hoại nhân duyên xuất gia của người ấy, không cho toại nguyện, thì tội này vượt hơn trước, lại chịu khổ nhiều hơn trăm kiếp”.

A-nan lại bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Vị Tì-la-tiễn-na này gieo trồng căn lành, được sinh vào nhà tôn quí, được hạnh phúc an vui, là do đời quá khứ ông ta làm việc thiện hay chỉ với công đức xuất gia một ngày một đêm nay mà hưởng phúc như vậy?

Phật bảo A-nan:

– Ông không nên xét đến nhân duyên quá khứ! Bởi chỉ do căn lành thanh tịnh xuất gia một ngày một đêm mà vị tì-kheo ấy được sinh lên cõi Lục Dục, trải qua bảy lần lên xuống hưởng phúc, trong hai mươi kiếp hưởng thụ niềm vui sinh tử thế gian. Kiếp sau cùng làm người, sinh vào nhà có phúc lạc. Trải qua tuổi trung niên, lúc các căn chín muồi, lo sợ khổ sinh, già, bệnh và chết, nên xuất gia giữ giới, chứng Bích-chi-phật.

Này A-nan! Nay Ta nói thí dụ, ông khéo lắng nghe! Giống như bốn châu thiên hạ, phương đông là cõi Phất-bà-đề, phương nam là cõi Diêm-phù-đề, phương tây là cõi Cù-da-ni, phương bắc là cõi Uất-đơn-việt. Nếu các bậc a-la-hán ở khắp trong đó nhiều như lúa mè, có một người suốt một trăm năm hết lòng cúng dường thức ăn uống, y phục, thuốc men trị bệnh, phòng xá, ngọa cụ cho các vị a-la-hán này; cho đến sau khi các vị này nhập niết-bàn, người này lại xây tháp tôn thờ, lại trang hoàng các thứ châu báu, hoa hương, chuỗi ngọc, tràng phan, bảo cái, kĩ nhạc, linh báu, rồi quét dọn, rưới nước thơm, đồng thời dùng các bài kệ khen ngợi cúng dường thì công đức đạt được cũng không bằng một phần mười sáu công đức của người vì đạo Niết-bàn mà xuất gia thụ giới, dù chỉ một ngày một đêm. Vì nhân duyên nầy, nên thiện nam tử phải nên xuất gia tu tập, giữ giới thanh tịnh. Các thiện nam tử! Những người tạo công đức, cầu pháp lành, tự lãnh thụ giáo pháp, không nên làm cản trở nhân duyên xuất gia mà phải hết lòng tìm cách giúp đỡ khích lệ họ tu cho thành tựu.

Đại chúng nghe Đức Phật dạy, đều nhàm chán thế gian, xin xuất gia giữ giới, rồi có người chứng quả Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán, có người gieo căn lành Bích-chi-phật, có người phát tâm Vô thượng bồ-đề, tất cả đều hoan hỉ, đỉnh lễ vâng theo.

    Xem thêm:

  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Cư sĩ Tịnh Ý Thưa Hỏi - Kinh Tạng
  • Kinh Ngài Ma Ha Ca Diếp Độ Bà Lão Nghèo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa 12 Tương Khế Với 108 Danh Hiệu Vô Cấu Của Thiên Nữ Đại Cát Tường - Kinh Tạng
  • Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác - Kinh Tạng
  • Kinh Nói Về Lễ Tắm Phật Sau Khi Đức Phật Đã Nhập Diệt - Kinh Tạng
  • Kinh Viên Giác - Kinh Tạng
  • Đại A La Hán Nan Đề Mật Đa La Sở Thuyết Pháp Trụ Kí - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Công Đức Của Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Định Bất Định Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Phẩm 31 đến 45) - Kinh Tạng
  • Kinh Bất Tất Định Nhập Định Nhập Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Na-Tiên Đàm Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Tu Lại - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh A Nậu Phát - Kinh Tạng