Kinh Nhập Định Bất Định Ấn

Nhập Định Bất Định Ấn Kinh

Đường Nghĩa Tịnh dịch

Bản Việt dịch của Tuệ Khai

***

Từng nghe,

Áo điển Đại thừa, thần sáng chứa trong sách ngọc.

Then huyền Ba tạng, nhằm linh văn nơi kệ báu.

Ấy mới :

Lồng chắc nhốt voi, diễn thông sâu tối

Tuy nghĩa “không” số một, danh ngôn tuyệt dứt đôi đường, các pháp không tướng, lý nghe nói đều quên.

Nhưng mà,

Phát khải căn lành, vốn liếng khai đạo, diệu chỉ rộng truyền, trọn nhờ hiển dương.

Đến như,

Ban đầu Lộc Giả, tôn dung nghiễm nhiên thường trụ. Lúc mở cung rồng, ngậm Xá lợi đến tương lai.

Sở dĩ

Đất vọt toàn thân là điều làm chứng nói kinh

(Hư) “Không” treo điện báu là biểu trưng xiển dương pháp

Tám muôn bốn ngàn, phân bố cảnh quan Diêm Phù

Ba mươi sáu ức, trang nghiêm nơi ở Bình đẳng

Diễn bày một âm thì tùy loại mà giải

Giảng rộng một câu thì trọn kiếp khó cùng.

Từ đêm che sao Chu, đến đêm thông mơ Hán

Lông ngọc tuông sáng, thi rực rỡ gió Đông Tiệm

Miệng vàng truyền thơm, bèn nhìn thấy dịch Hậu Tần (Bản dịch đời Hậu Tần)

Tu Đa, Kỳ dạ là dấu thần, Nhân duyên, Thí dụ là yếu tôn, Thọ ký đi cùng Bản sinh, Phương Quảng đi cùng Luận Nghị. Tuy đặt tên sai khác mà xét lý chẳng sai, đồng về nguồn thật Tướng, đều đến hội Niết bàn.

Trẫm,

Trẻ sùng Thích giáo, sớm chiều qui y

Nghĩ muốn,

Chở sáu đường lên thuyền từ, vượt qua bể khổ

Xua bốn loài đến bờ kia, lìa mãi buộc ràng.

Nghiên cứu di văn đủ cách, gom góp bí lục như non

Hôm nay ở,

Việc phiên dịch chùa Đại Phước Tiên lại phiên dịch lời kinh Ba Tạng.

Kinh này làm sáng tấm lòng thoái chẳng thoái, trước hai sau ba, tuy có chậm mau. Đức Như Lai lập giáo, đồng đi về Bồ đề. Đã hiển hiện công thần chú, trang nghiêm tối thượng. Bèn chép lời ký hạ sinh, nói pháp độ người. Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh.v.v… gồm những nhà tu hành cốt cán, những phường tri thức tài năng, đức bao Sơ địa, đạo che khắp trời. Sáng nền thịnh trị của ta, lại nghiệp trụ trì cao tột.

Lấy năm đầu Cữu Thị nhằm năm Canh tý ngày năm tháng năm hoàn tất công tác sao chép chỉnh đốn.

Mở lại cửa cam lồ, phân bố bóng đại vân

Mong muốn,

Giới thành (ngôi thành hạt cải) số cực, điểm bút còn truyền (chữ như dấu chân chim)

Phất Thạch (quét đá-địa danh) năm cùng thọ Kinh không hết (bản khắc Kinh bằng cây)

Hoằng tế lan đến trăm ức, cứu bạt trùm cả hằng sa.

Bộ sách lưu hành, bày ở bên trái (cách viết chữ Hán xưa thì ở bên trái còn viết theo chữ Việt thì ở bên dưới)

KINH NHẬP ĐỊNH BẤT ĐỊNH ẤN

Tôi nghe như vầy, một thuở, đức Thế Tôn ở trong núi Thứu Phong tại thành Vương Xá, cùng với đại chúng Bí sô gồm một ngàn hai trăm năm mươi người và sáu mươi ức trăm ngàn naduđa Đại Bồ tát. Những vị Bồ tát ấy tên là : Diệu Cát Tường Bồ tát, Quán Tự Tại Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát, Dược Vương Bồ tát, Dược Thượng Bồ tát, Tập Lôi Âm Vương Bồ tát.v.v… Những vị đại Bồ tát như vậy đều là thượng thủ, tất cả đều được tịch tịnh, quyết trạch Tam ma địa, Kiện hành Tam ma địa, chẳng động Hải Triều tam ma địa thậm thâm, thành tựu Quán đảnh Đà la ni, thành tựu Vô Biên Chư Phật Sắc Thân Đà la ni… Lúc bấy giờ, Bồ tát Diệu Cát Tường bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Nguyện xin đức Thế Tôn vì các vị Bồ tát diễn nói pháp môn Nhập Định Bất Định Ấn ! Chúng con vào pháp Ấn này nên liền giải rõ : “ Đây là Bồ tát bất định cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với Trí đạo Vô thượng mà có thoái chuyển. Đây là Bồ tát quyết định cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với Trí đạo Vô thượng mà chẳng thoái chuyển.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Diệu Cát Tường đồng tử rằng :

– Này Diệu Cát Tường ! Ông phải biết Bồ tát có năm thứ hành. Những gì là năm ? Đó là Dương xa hành, Tượng xa hành, Nhật Nguyệt thần lực hành, Thanh văn thần lực hành, Như Lai thần lực hành. Này Diệu Cát Tường! Đó là năm thứ hành của Bồ tát. Này Diệu Cát Tường! Hai Bồ tát đầu đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là chẳng quyết định. Ba Bồ tát sau đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là được quyết định.

Bồ tát Diệu Cát Tường bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Tại sao hai hạng Bồ tát bất định thì cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với Trí đạo vô thượng mà có thoái chuyển ? Tại sao ba hạng Bồ tát quyết định thì cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác đối với Trí đạo vô thượng mà chẳng thoái chuyển ?

Đức Phật dạy rằng :

– Này Diệu Cát Tường ! Sở dĩ gọi đi xe dê, đi xe voi là vì hai hạng Bồ tát này cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với Trí đạo vô thượng mà có thoái chuyển. Còn đi bằng thần lực của nhật nguyệt, đi bằng thần lực của Thanh văn, đi bằng thần lực Như Lai thì ba hạng Bồ tát này cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với Trí đạo vô thượng mà chẳng thoái chuyển. Này Diệu Cát Tường ! Sao gọi là Bồ tát đi xe dê ? – Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự muốn đi qua thế giới nhiều như số vi trần của năm cõi Phật. Họ tự suy nghĩ : “Ta nay phải cưỡi xe gì mà có thể vượt qua số thế giới như vậy ?” Rồi người đó tác khởi ý nghĩ rằng : “ Ta phải cưỡi xe dê để qua những thế giới đó !”. Này Diệu Cát Tường ! Người đó liền cưỡi xe dê theo đường mà đi. Đi lâu, chịu nhiều lao khổ, người đó đi được một trăm du thiện na thì gặp cơn gió to thổi khiến cho lùi trở lại tám mươi du thiện na (đơn vị đo chiều dài : Do tuần). Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào? Người đó cưỡi xe dê kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ức kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một thế giới chăng ?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng :

– Chẳng được, thưa đức Thế Tôn ! Người đó cưỡi xe dê kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ức kiếp hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một thế giới thì không có điều đó !

Đức Phật dạy rằng :

– Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà cùng với Thanh Văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, luận bàn, hoặc tại vườn rừng và ở trong chùa đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, giải thích những nghĩa lý ấy, hoặc lại dạy người khác đọc tụng suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, giải thích nghĩa lý ấy. Do người này thọ trì giáo lý Thanh văn thừa, gieo trồng căn lành nên trí tuệ nhỏ nhoi, thoái chuyển Trí đạo vô thượng. Tuy trước họ tu tập tâm Bồ đề, tuệ căn, tuệ nhãn, nhưng do thọ trì giáo lý Thanh văn thừa nên khiến cho căn họ trở nên ngu độn, liền thoái lui mất trí đạo Vô thượng. Này Diệu Cát Tường ! Ví như có người bị bệnh nhắm tối mắt. Muốn cho mở ra nên trải qua hàng tháng trị liệu thuốc men mắt người ấy bớt dần thì có kẻ oán dùng tiêu bột mịn búng vào trong mắt thì mắt liền nhắm lại, tối tăm. Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Bồ tát kia, tuy trước tu tập tâm Bồ đề, tuệ căn, tuệ nhãn, nhưng do thọ trì giáo lý Thanh văn thừa, gieo trồng thiện căn nên khiến cho căn của họ trở nên ngu độn liền thoái lui mất trí đạo Vô thượng. Này Diệu Cát Tường! Như vậy gọi là Bồ tát đi xe dê. Này Diệu Cát Tường ! Sao gọi là Bồ tát đi xe voi ? – Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần thế giới như trước. Người đó tự suy nghĩ : “ Ta nay phải cưỡi xe gì mà có thể vượt qua số thế giới như vậy”. Rồi Bồ tát đó nghĩ rằng : “Ta sẽ cưỡi xe voi thượng diệu đầy đủ tám chi kia để qua số thế giới đó”. Này Diệu Cát Tường ! Người đó liền cưỡi xe voi theo đường mà đi. Trải qua một trăm năm, người đó đi được hai ngàn du thiện na thì bỗng gặp cơn gió to thổi mạnh khiến cho lùi trở lại một ngàn du thiện na. Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào ? Người cưỡi xe voi kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ngàn ức kiếp, hoặc chẳng thể nói, chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua được một thế giới chăng ?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng :

– Chẳng được, thưa đức Thế Tôn ! Người đó cưỡi xe voi kia, hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc ngàn ức kiếp, hoặc chẳng thể nói chẳng thể nói kiếp mà có thể vượt qua một thế giới thì không có điều đó.

– Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà liền cùng với Thanh văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cùng chung thọ dụng, hoặc tại vườn rừng và ở trong chùa, đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, giải thích nghĩa lý ấy, hoặc lại dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh Văn thừa, giải thích nghĩa lý ấy. Do người này thọ trì giáo lý Thanh văn thừa gieo trồng căn lành nên trí tuệ nhỏ nhoi, thoái lui trí đạo Vô thượng. Tuy trước người đó tu tập tâm Bồ đề, tuệ căn tuệ nhãn nhưng do thọ trì giáo lý Thanh văn thừa, gieo trồng căn lành nên khiến cho Bồ tát ấy căn tínhngu độn, liền thoái lui mất Trí đạo vô thượng. Này Diệu Cát Tường ! Ví như cây to cao một trăm ngàn du thiện na rơi vào trong biển lớn theo sóng trôi đi. Có nhiều Dạ xoa sống ở trên không vào trong biển điều khiển cho dừng lại, rồi dùng cái chày bằng sắt ngang dọc năm ngàn du thiện na buộc cho đứng lại. Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào? Cây lớn này có thể vượt biển cả, cùng các loài hữu tình tạo tác lợi ích chăng?

Ngài Diệu Cát Tường đáp rằng :

– Chẳng thể được, thưa đức Thế Tôn !

Đức Phật dạy :

– Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Bồ tát đó tuy lại tu tập tâm Bồ đề, trọ trì Đại thừa, gieo trồng các căn lành, nhưng do tu tập pháp Thanh văn nên đối với biển Nhất Thiết Trí nó dẫn dắt khiến họ thoái lui, chẳng thể tiến đến biển Nhất Thiết Trí, ở trong biển sinh tử họ chẳng thể cứu tế tất cả loài hữu tình. Này Diệu Cát Tường ! Như vậy gọi là Bồ tát đi xe voi. Này Diệu Cát Tường ! Sao gọi là Bồ tát đi bằng thần lực mặt trời mặt trăng ? – Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần thế giới như trước. Người đó tự suy nghĩ rằng : “Ta nay phải xử dụng sức thần thông mà có thể vượt qua số thế giới như vậy ?” Rồi người ấy nghĩ rằng : “ Ta sẽ sử dụng thần lực mặt trời mặt trăng để qua những thế giới đó”. Này Diệu Cát Tường ! Người đó liền dùng thần lực mặt trời mặt trăng theo đường mà đi. Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào ? Người đó có thể vượt qua những thế giới đó chăng ?

Ngài Diệu Cát Tường bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Người đó có thể vượt qua những thế giới như vậy mà ở trên đường dài phải trải qua nhiều cần khổ.

Đức Phật dạy rằng :

– Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà chẳng cùng Thanh văn đồng chung trụ dừng, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cùng chẳng cùng chung với họ thọ dụng y thực, chẳng tại vườn rừng và ở trong chùa đồng chỗ kinh hành, đọc tụng suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, thậm chí một bài kệ tụng cũng chẳng dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, thường chỉ đọc tụng Đại thừa, diễn nói Đại thừa. Này Diệu Cát Tường ! Như vậy gọi là Bồ tát đi bằng thần lực mặt trời, mặt trăng. Này Diệu Cát Tường ! Sao gọi là Bồ tát đi bằng thầnlực Thanh văn ? Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần số thế giới như trước. Người đó tự suy nghĩ rằng : “ Ta nay phải tạo tác sức thần thông gì mà có thể vượt qua số thế giới như vậy ?” Người đó liền nghĩ rằng : “ Ta sẽ tạo tác thần lực của Thanh văn đó để qua số thế giới kia”. Rồi người đó liền dùng thần lực Thanh văn đi qua số thế giới kia. Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào? Người đó có thể vượt qua số thế giới kia chăng?

Bồ tát Diệu Cát Tường bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Người đó có thể vượt qua số thế giới như vậy.

Đức Phật dạy rằng :

– Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác mà chẳng cùng với Thanh văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cũng chẳng cùng chung thọ dụng y thực, chẳng ở tại vườn rừng, ở trong chùa, đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa thậm chímột bài kệ tụng cũng chẳng dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ, giáo lý Thanh văn thừa, thường chỉ đọc tụng, diễn nói Đại thừa. Đối với người thâm tín Đại thừa, đọc tụng Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa thì người ấy sinh lòng cung kính, thân phụng, hướng về mà cùng chung dừng ở, thừa sự, gần gũi, tập quen, đàm luận, thường cầu Đại thừa thọ trì đọc tụng. Người ấy lại dùng đủ thứ hương hoa, hương xoa, bột hương, đèn sáng, vòng hoa cài đầu…. lòng kính cúng dường, thường chỉ đọc tụng kinh điển Đại thừa và bằng tấm lòng hoan hỷ vì mọi người diễn nói, đối với Bồ tát chưa học lòng sinh cung kính, tươi cười trước khi nói, lời nói chẳng thô ác, nói năng dịu dàng khiến cho người ưa nghe. Giả sử gặp phải nhân duyên mất mạng cũng chẳng lìa bỏ tâm Đại thừa. Nếu có Bồ tát phát khởi Đại thừa, đọc tụng Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa… thì thường đối với người khởi tâm tăng thượng mà cúng dường, cũng chẳng cùng người khác cạnh tranh, đối với kinh Đại thừa chưa từng nghe thì thường mong cầu, đối với người thuyết pháp thì khởi lòng cung kính, phát sinh Đại Sư tưởng, đối với Bồ tát chưa học cũng sinh lòng kính trọng, đối với lỗi lầm của người khác, hoặc thật, chẳng thật chẳng nên quở trách, cũng chẳng ưa cầu tìm lỗi lầm của người khác, thường ưa tu từ bi hỷ xả. Này Diệu Cát Tường ! Như vậy gọi là Bồ tát đi bằng thần lực Thanh văn. Này Diệu Cát Tường ! Sao gọi là Bồ tát đi bằng thần lực Như Lai ? Ví như có người vì nhân duyên đại sự, nhân duyên trọng sự nên muốn đi qua vi trần số thế giới như trước. Người đó tự suy nghĩ : “ Ta nay phải tạo tác sức thần thông gì mà có thể mau chóng qua khỏi số thế giới như vậy”. Rồi người đó nghĩ rằng : “ Ta sẽ tạo tác thần lực Như Lai đó mà vượt qua những thế giới kia”. Người ấy liền dùng thần lực Như Lai vượt qua những thế giới kia. Này Diệu Cát Tường ! Ý ông thế nào ? Người đó có thể vượt qua những thế giới kia chăng ?

Bồ tát Diệu Cát Tường bạch đức Phật rằng :

– Thưa đức Thế Tôn ! Người đó có thể mau chóng vượt qua những thế giới kia.

Đức Phật dạy rằng :

– Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân phát tâm mong cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng cùng với Thanh văn đồng chung dừng ở, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, cũng chẳng cùng chung với Thanh văn thọ dụng y thực, chẳng ở tại vườn rừng và ở trong chùa đồng chỗ kinh hành, đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa, thậm chí chỉ một bài kệ tụng, cũng chẳng dạy người khác đọc tụng, suy nghĩ giáo lý Thanh văn thừa. Người ấy chỉ thường đọc tụng Đại thừa, diễn nói Đại thừa, đối với thân mạng, lời nói, tâm hồn luôn khiến cho thanh tịnh, đối với giới cấm, thiện pháp cũng luôn an trụ và cũng khiến cho người khác thanh tịnh thân thể, lời nói tâm hồn, an trụ ở giới cấm, thiện pháp. Nếu có Bồ tát phát khởi Đại thừa, đọc tụng Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa thì thường đối với người này cung kính hướng về, thừa sự, thân cận, tập quen, đàm luận, y thực có được cùng chung thọ dụng, cùng với Bồ tát đó mà chung đồng trụ, đồng chỗ kinh hành, thường cầu Đại thừa, nhiếp lấy Đại thừa, thọ trì Đại thừa. Người ấy dùng đủ hoa hương, hương xoa, bột thơm, đèn sáng, vòng hoa cài tóc với tấm lòng cung kính cúng dường, thường chỉ đọc tụng kinh điển Đại thừa, bằng tấm lòng hoan hỉ diễn nói Đại thừa, đối với Bồ tát chưa học chẳng khởi lòng kiêu mạn, đối với các Bồ tát khác cũng khiến cho an trụ, tươi cười nói trước, lời nói chẳng thô ác, nói năng dịu dàng khiến người ưa nghe, đối với người khác cũng vậy. Giả sử gặp phải nhân duyên mất mạng cũng chẳng lìa bỏ tâm Đại thừa. Nếu có Bồ tát phát khởi Đại thừa, đọc tụng Đại thừa, nhiếp thọ Đại thừa thì người đó dùng tâm tăng thượng hoan hỷ thân cận phụng sự, cũng dạy người khác cung kính cúng dường, cũng chẳng cùng người khác chung cạnh tranh, đối với kinh điển Đại thừa chưa từng nghe thì thường ưa mong cầu, đối với người nói pháp thì dấy lòng cung kính, lòng sinh ra Đại Sư tưởng, đối với Bồ tát chưa học thì chẳng sinh lòng kiêu mạn, đối với tội lỗi của người khác, hoặc thật, không thật thì chẳng nên quở trách, cũng chẳng ưa cầu tìm lỗi lầm của người khác, đã tự làm rồi lại dạy người khác tu học như vậy. Này Diệu Cát Tường ! Như vậy Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất nghiệp Bồ tát thì dạy bảo khiến cho họ được nghiệp Bồ tát, cũng có thể khiến người khác dạy các loài hữu tình mất nghiệp Bồ tát khiến cho họ được nghiệp Bồ tát. Bồ tát tự quán loài hữu tình mất đạo Bồ tát thì dạy bảo khiến cho họ được đạo, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất đạo Bồ tát để dạy cho được đạo. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất hạnh Bồ tát để dạy bảo khiến cho được hạnh, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất hạnh Bồ tát để dạy cho họ được hạnh. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất nhân Bồ tát để dạy cho họ được nhân, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất nhân Bồ tát để dạy cho họ được nhân. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất thiện xảo Bồ tát để khiến cho họ được thiện xảo (khéo léo), cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất thiện xảo Bồ tát để khiến cho họ được thiện xảo. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất việc Bồ tát để dạy cho họ được việc, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất việc Bồ tát để dạy cho họ được việc. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất gia hạnh lực của Bồ tát để khiến cho họ được gia hạnh lực, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất gia hạnh lực của Bồ tát để khiến cho họ được gia hạnh lực. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất chỗ y chỉ của hạnh Bồ tát để khiến cho họ được chỗ y chỉ, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất chỗ y chỉ của hạnh Bồ tát để khiến cho họ được chỗ y chỉ. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất từ bi hỷ xả để khiến cho họ được từ bi hỷ xả, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất từ bi hỷ xả để khiến cho họ được từ bi hỷ xả. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất hạnh bình đẳng để khiến cho họ được hạnh Bình đẳng, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất hạnh Bình đẳng để khiến cho họ được hạnh bình đẳng. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình chẳng tin Tam bảo để khiến cho họ tin Tam bảo, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình chẳng tin Tam Bảo để khiến cho họ tin Tam Bảo. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất ham muốn thiện pháp để khiến cho họ được sự ham muốn thiện pháp, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất sự ham muốn thiện pháp để khiến cho họ được sự ham muốn thiện pháp. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình bị trói buộc giam cầm để khiến cho họ được giải thoát, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình bị trói buộc giam cầm để khiến cho họ được giải thoát. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình có bệnh khổ để ban cho thuốc men, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình có bệnh khổ để ban cho thuốc men. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất sự gieo trồng thiện căn đối với Phật để khiến cho họ được thiện căn, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất sự gieo trồng thiện căn đối với Phật để khiến cho họ được thiện căn. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình không người nương cậy để làm nơi qui thú, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình không người nương cậy để làm nơi qui thú. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình ngủ say mãi để khiến cho họ tỉnh ngộ, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình ngủ say mãi để khiến cho họ tỉnh ngộ. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình sinh làm người hạ tiện để khiến cho họ sinh ra chỗ tốt hơn, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình sinh làm người hạ tiện để khiến cho họ sinh ra nơi tốt hơn. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất tâm Bồ đề để khiến cho họ được tâm Bồ đề, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất tâm Bồ đề để khiến cho họ được tâm Bồ đề.

Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất pháp túc để khiến cho họ được pháp túc, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất pháp túc để khiến cho họ được pháp túc. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất tư lương (lương thực) phước trí để khiến cho họ được tư lương, cũng khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất tư lương phước trí để khiến cho họ được tư lương. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất niềm tin Đại thừa để khiến cho họ vào chánh tín, cũng khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất niềm tin Đại thừa để khiến cho họ được chánh tín. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất giới (cấm) hộ để khiến cho họ trụ ở giới hộ, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất giới để khiến cho họ trụ ở giới hộ. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất pháp tùy pháp để khiến cho họ được pháp ấy, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất pháp tùy pháp để khiến cho họ được pháp ấy. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất hòa nhẫn để khiến cho họ được hòa nhẫn, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất hòa nhẫn để khiến cho họ được hòa nhẫn. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất chỉ quán để khiến cho họ trụ ở chỉ quán, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất chỉ quán để khiến cho họ trụ ở chỉ quán. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất tinh tấn của Bồ tát để khiến cho họ trụ ở tinh tấn, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất tinh tấn của Bồ tát để khiến cho họ được tinh tấn. Bồ tát tự quán sát loài hữu tình mất bố thí, điều thuận, tri túc để khiến cho họ được bố thí.v.v…cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất bố thí.v.v… để khiến cho họ được bố thí.v.v… Bồ tát tự quán sát loài hữu tình mất niệm tuệ, trì hạnh để khiến cho họ được niệm.v.v…, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất niệm.v.v… để khiến cho họ được niệm.v.v… Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất đường đi đến bờ kia để khiến cho họ có đường đi đến bờ kia, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất đường đi đến bờ kia để khiến cho họ có đường đi đến bờ kia. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình chẳng sinh vào Phật gia để khiến cho họ sinh vào Phật gia, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình chẳng sinh vào Phật gia để khiến cho họ sinh vào Phật gia. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất bạn lành để khiến cho họ được bạn lành, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất bạn lành để khiến cho họ được bạn lành. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất tâm hữu tình lợi để khiến cho họ được tâm hữu tình lợi, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất tâm hữu tình lợi để khiến cho họ được tâm hữu tình lợi. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất y pháp (pháp để nương theo) để khiến cho họ được y pháp, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất y pháp, để khiến cho họ được y pháp. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất y trí để khiến cho họ được y trí, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất y trí để khiến cho họ được y trí. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất y nghĩa để khiến cho họ được y nghĩa, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất y nghĩa, để khiến cho họ được y nghĩa. Bồ tát tự quán sát loài hữu tình mất y liễu nghĩa Kinh (chỗ nương để rõ ý nghĩa của Kinh) để khiến cho họ được y liễu nghĩa Kinh, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình mất y liễu nghĩa Kinh để khiến cho họ được y nghĩa liễu Kinh. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất bốn chánh cần để khiến cho họ được bốn chánh cần, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất bốn chánh cần để khiến cho họ được bốn chánh cần. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình mất lời thật, lời pháp, lời lợi ích, lời điều phục để khiến cho họ trụ ở lời thật, lời pháp, lời lợi ích, lời điều phục, cũng có thể khiến cho người khác quan sát các loài hữu tình mất lời thật, lời pháp, lời ích lợi, lời điều phục để khiến cho họ trụ ở lời thật, lời pháp, lời ích lợi, lời điều phục. Bồ tát tự quan sát loài hữu tình thấy người nghèo hèn thì khiến cho họ được giàu sang, cũng có thể khiến cho người khác quan sát những loài hữu tình thấy người nghèo hèn thì khiến cho họ được giàu sang. Đại Bồ tát đối với các loài hữu tình khởi lên tâm đại từ bi, đều đối với khắp tất cả tác khởi ý niệm như vầy : “ Các loài hữu tình đó không nương, không cậy, không quy, không thú (thú hướng), không châu, không bãi, không nhà cửa, không người cứu hộ. Ta ở thời điểm nào có thể vì loài hữu tình làm việc cứu hộ vậy ?”. Này Diệu Cát Tường ! Ví như vua chim cánh vàng vi diệu trẻ trung có thế lực lớn tùy ý bay lên đỉnh núi cao tuyệt vời. Bồ tát đi bằng thần lực Như Lai cũng lại như vậy, đầy đủ sức dõng mãnh nhanh chóng của đại thiện căn, tùy ý có thể sinh vào trong Phật hội, có thể cùng với loài hữu tình đường ác mà làm cứu hộ. Này Diệu Cát Tường ! Như vậy gọi là Bồ tát đi bằng thần lực Như Lai. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân ở trong ngày ngày dùng thiên y (áo của trời), đồ ăn trăm vị của trời cúng dường các đức Phật nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương, lại dùng ngọc báu như ý đầy trong các thế giới nhiều như cát sông Hằng mà bố trí. Cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dạy bảo một hữu tình được quả Dự lưu thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được quả Dự lưu. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được quả Nhất lai thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được quả Nhất lai. Nếu lại có người dạy một hữu tình được quả Bất hoàn thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được quả Bất hoàn. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được quả A la hán thì phước ấy nhiều hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được quả A la hán. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình chứng quả Độc Giác thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được quả Độc Giác. Nếu lại có người dạy cho một Bồ tát đi xe dê an trụ ở tâm Bồ đề thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được tâm Bồ đề đi xe dê. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được tâm Bồ đề đi xe voi thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được tâm Bồ đề đi xe voi. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được tâm Bồ đề đi bằng thần lực mặt trời mặt trăng thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được tâm Bồ đề đi bằng thần lực mặt trời mặt trăng. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được tâm Bồ đề đi bằng thần lực Thanh Văn thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dạy cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương được tâm Bồ đề đi bằng thần lực của Thanh Văn. Nếu lại có người dạy cho một hữu tình được tâm Bồ đề đi bằng thần lực Như Lai thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân ở trong ngày ngày, dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường cho loài hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống bố thí cho một người cận sự quy y Tam Bảo thọ năm học xứ, đối với giáo pháp đức Phật sinh chánh tín thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người cận sự nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho Đệ bát nhân (Bát đại nhân giác) thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường cho Đệ bát nhân nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một người chứng quả Dự lưu thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người chứng quả Dự lưu mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống bố thí cho một người chứng quả Nhất lai thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người chứng quả Nhất lai nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một người chứng quả Bất hoàn thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người chứng quả Bất hoàn nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một người chứng quả A la hán thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người chứng quả A la hán nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một người chứng quả Độc giác thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường người chứng quả Độc giác nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một Bồ tát đi xe dê thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Vì sao vậy ? Này Diệu Cát Tường! Vì Đại Bồ tát đó tùy theo lúc nào ? Tùy theo việc gì ? Phát tâm Bồ đề tức là vào lúc ấy không một việc bất thiện nào mà chẳng xả bỏ, không một Phật pháp gì mà chẳng sinh trưởng. Này Diệu Cát Tường ! Vì Bồ tát đó đầy đủ như vậy chẳng thể nghĩ bàn công đức thắng diệu. Này Diệu Cát Tường ! Ví như vua chim Ca-lăng-tần-già ở tại trong vỏ trứng, tuy tự chưa nở ra mà đã có thể thắng hơn tất cả chim trong bầy vì có âm thanh sâu sắc mỹ diệu. Đúng vậy ! Đúng vậy ! Này Diệu Cát Tường ! Bồ tát mới bắt đầu phát tâm Bồ đề còn ở trong vỏ trứng vô minh, tuy nghiệp tối phiền não che lấp chướng ngại. Nhưng có thể thắng hơn Thanh Văn, Độc Giác kia vì Bồ tát ấy có âm thanh hồi hướng thiện căn hạnh nguyện. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường Bồ tát đi dê nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một Bồ tát đi xe voi thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường Bồ tát đi xe voi nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một Bồ tát đi bằng thần lực nhật nguyệt thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường Bồ tát đi bằng thần lực nhật nguyệt nhiều như vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một Bồ tát đi bằng thần lực Thanh văn thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường cho Bồ tát đi bằng thần thông Thanh văn nhiều như vi trần của tất cả thế giới mười phương mà bố thí như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người dùng một bữa ăn uống thí cho một Bồ tát đi bằng thần lực Như Lai thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường Bồ tát đi bằng thần lực Như Lai nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người nghe pháp môn này mà thâm tâm tín thọ thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân tạo lập chùa nhiều như vi trần của tất cả thế giới mười phương cúng dường cho người chứng quả Độc Giác nhiều như vi trần của ba ngàn đại thiên thế giới mà số tăng phòng, nhà cửa ấy đều làm bằng vàng diêm phù đàn, trang nghiêm bằng đèn chớp, báu mạt ni, tất cả báu sáng làm thềm bệ, mạt ni, chân châu, chuỗi ngọc bằng mọi thứ báu dùng làm trang sức, tràng phan bảo cái bằng lụa ngũ sắc treo la liệt khắp nơi nơi. Vua ngọc như ý, lưới báu chuông nhỏ lục lạc dùng làm trướng, long hộ chiên đàn dùng làm bùn thơm tô đất ấy. Hoa mạn đà la, hoa đại mạn đà la, hoa mạn thi sa, hoa đại mạn thù sa, hoa tô mạt na, hoa ốt bát la, hoa câu vật đầu, hoa phân đà lợi, hoa bà lợi sa, hoa trớ la ni, hoa cù trớ la ni, hoa bạt la, hoa tô kiện địa những hoa thượng diệu như vậy.v.v… mà tung trải khắp. Rồi người ấy còn dùng thiện diệu y, đồ ăn trăm vị của trời mà cúng dường những vị ấy mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người được nghe Phật danh hoặc danh hiệu Nhất thiết trí hay danh hiệu chúa thế gian, hoặc xem hình tượng thậm chí là tượng vẽ có trong quyển Kinh thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Huống gì có người chắp tay cung kính thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Huống gì lại có người dùng các đèn sáng, hương hoa… cho đến khen một tướng công đức của đức Phật thì phước ấy càng thắng hơn, vào đời tương lai được hưởng thụ niềm vui đại phú, cho đến với trí Nhất thiết trí. Này Diệu Cát Tường ! Như một giọt nước rơi vào trong biển cả thì cho đến khi kiếp lửa khởi lên nhất định chẳng hết trong biển ấy. Này Diệu Cát Tường ! Bồ tát cũng vậy, dùng chút ít căn lành hồi hướng thành Phật, thậm chí khi lửa Nhất thiết trí sinh ra thì nhất định chẳng hết trong trí ấy. Này Diệu Cát Tường ! Ví như vầng trăng có thể thắng hơn mọi vì sao, ánh sáng tròn đầy, rộng lớn cao hơn. Bồ tát cũng vậy, dùng chút ít căn lành hồi hướng thành Phật mà có thể thắng hơn Thanh văn, Độc giác kia. Vì căn lành ấy rộng lớn cao hơn. Này Diệu Cát Tường ! Đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác có công đức chẳng thể nghĩ bàn như vậy.v.v… Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân dùng thiên diệu y, đồ ăn trăm vị của trời cúng dường Thanh văn, Độc giác và Bồ tát nhiều như số vi trần của tất cả thế giới mười phương mà cúng dường như vậy cho đến hằng hà sa số kiếp. Nếu lại có người có thể đối với Kinh này mà lòng sinh tín thọ thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Huống gì có người chép thành sách, vì người khác diễn nói thì phước ấy tối thắng. Vì sao vậy ? Vì đó là cái nhân để thành Phật. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, hay nữ nhân dùng tâm sân ác chiếm đoạt đồ ăn thức uống, quần áo của vô lượng Thanh Văn, Độc Giác. Nếu lại có người dùng lòng sân ác chiếm đoạt của Bồ tát tin ưa Đại thừa thậm chí chỉ chút ít đồ ăn uống, quần áo hoặc trong một ngày làm cho người ấy chẳng được ăn thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Vì sao vậy ? Vì tất cả Thanh Văn, Độc Giác của ba đời, ở vô số kiếp, tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, đều vì bản thân mình, đoạn trừ phiền não. Bồ tát chẳng vậy, thậm chí một hào một ly bố thí thuở còn bàng sinh đều vì Tam Bảo chẳng đoạn tuyệt vậy. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người dùng lòng sân ác hủy hoại giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của vô lượng vô biên vô số Độc Giác. Giả sử có người dùng lòng sân ác đối với một Bồ tát tin ưa Đại thừa mà làm tổn hoại một chi tiết giới và việc sở học làm cho chẳng thành tựu thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Vì sao vậy ? Vì tất cả Thanh Văn, Độc Giác ba đời, ở vô số kiếp, sở hữu giới, định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến của họ đều vì bản thân mình đoạn trừ phiền não. Bồ tát chẳng vậy, thậm chí một ngày tu giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, các vị đều vì loài hữu tình mà đoạn trừ phiền não. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người dùng lòng sân ác trói buộc tất cả loài hữu tình mười phương, đặt vào trong lao ngục. Nếu lại có người dùng lòng sân ác, ở chỗ Bồ tát, chẳng muốn mắt nhìn thấy, quay lưng mà đi thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử tất cả loài hữu tình trong mười phương đều bị móc mắt. Lại có người khác, đối với loài hữu tình lại khởi lòng từ lớn làm cho mắt bình phục. Sở đắc công đức ấy so với, nếu lại có người dùng tâm thanh tịnh mà đi đến chiêm ngưỡng Bồ tát Đại thừa thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người có thể khiến cho ngục tù sở hữu của mười phương đều được giải thoát, hưởng thụ niềm vui vua Chuyển Luân Thánh, trời Đế Thích. Nếu lại có người dùng lòng thanh tịnh chiêm ngưỡng, khen ngợi Bồ tát Đại thừa thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người có thể khiến cho tất cả loài hữu tình của mười phương chứng được quả Độc Giác thì công đức sở hữu so với, nếu lại có người dạy một vị Bồ tát tin ưa Đại thừa, từng ở chỗ Phật gieo một căn lành khiến cho được lớn thêm thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Nếu có Bồ tát thâm tín Đại thừa, đối với tất cả loài hữu tình của thế giới mười phương, đều khiến cho họ an trụ ở tâm Bồ đề thì sở đắc công đức ấy so với, nếu lại có người dùng pháp Đại thừa, thậm chí chỉ một bài kệ tụng dạy bày cho người khác thì công đức ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người đem người chứng quả Độc Giác nhiều như số vi trần của thế giới mười phương đặt vào địa ngục, ngã quỷ, bàng sinh. Nếu lại có người đối với một người mới phát tâm Bồ đề mà tạo tác chướng ngại thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người đối với tất cả loài hữu tình của thế giới mười phương phát tâm Bồ đề mà tạo tác chướng ngại. Nếu lại có người đối với một Bồ tát thâm tín Đại thừa phát tâm Bồ đề mà tạo tác chướng ngại thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử tất cả loài hữu tình mười phương đều bị đọa vào địa ngục, ngã quỷ, bàng sinh, cõi diêm ma vương. Giả sử lại có người cứu giúp cho họ ra khỏi lại dạy an trụ ở tâm Bồ đề. Công đức sở đắc ấy so với, nếu lại có người khiến cho một hữu tình ở trong Đại thừa sinh tín giải sâu sắc thì phước ấy thắng hơn phước kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người đối với số Độc Giác đầy trong thế giới mười phương mà sinh khinh mạn. Nếu lại có người đối với một Bồ tát mới bắt đầu phát tâm mà sinh lòng khinh mạn thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô số. Này Diệu Cát Tường ! Giả sử có người đối với người chứng quả Độc Giác nhiều như vi trần của thế giới mười phương mà đoạn tuyệt lợi, ở mười phương vang dội tiếng ác ấy. Nếu lại có người đối với một vị Bồ tát thâm tín Đại thừa mà đoạn tuyệt lợi dưỡng vang dội tiếng ác ấy thì tội ấy nặng hơn tội kia vô lượng vô biên. Này Diệu Cát Tường ! Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân đối với một vị Bồ tát thâm tín Đại thừa, vì cầu chánh pháp nên thậm chí chỉ bố thí một bình nước. Do nghiệp phước này sẽ được vô lượng quả báo thắng diệu Chuyển Luân Thánh Vương, huống gì là bố thí cho vị Đại Bồ tát thọ trì đọc tụng, sinh tín giải sâu sắc.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói Kinh này rồi, Diệu Cát Tường đồng tử và các vị Đại Bồ tát, các chúng Thanh Văn, trời, rồng, Càn thát bà, A tu la, Yết lộ trà, người, chẳng phải người.v.v… đều rất vui mừng, tín thọ phụng hành.

    Xem thêm:

  • Kinh Nhân Duyên Xuất Gia - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Về Đối Trị Bệnh Tật - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Sư Tử Tố Đà Bà Không Ăn Thịt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 19 – Suy Nghĩ Thận Trọng - Kinh Tạng
  • Tịnh Từ Yếu Ngữ - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Như Huyền dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đăng Chỉ Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Kinh Tạng
  • Kinh Bất Tất Định Nhập Định Nhập Ấn - Kinh Tạng
  • Kinh Đại An Ban Thủ Ý - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 25 – Kinh Bẫy Mồi (Nivàpa sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện – Vạn Phật Thánh Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 3 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa tập 15 - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Tâm Châu dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Bách Dụ – Thích Nữ Viên Thắng dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nhập Lăng Già - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 29 – Xem Tướng - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Bảo Tích tập 6 – HT Thích Trí Tịnh dịch - Kinh Tạng