1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

Kinh 26: Đức Phật Thuyết Giảng về Việc Thầy Tỳ-kheo Bị Bệnh

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Khi ấy, có một vị Tỳ-kheo bị bệnh nặng mà chỉ một thân một mình, không có ai chăm nom hoặc lo giúp về thuốc men, quần áo, ăn uống. Ông không thể ngồi dậy được, mọi sự bài tiết hầu như tự xuất, nằm dài trên giường, quay nhìn bốn bên, chẳng thấy một ai đến gần, liền tự than thở:

-Hiện giờ thân ta quả là không có ai đến cứu giúp cả!

Tôn giả A-nan nghe được, liền đến bạch với Đức Phật:

-Thưa Đức Đại Thánh, được như thân con hôm nay là chưa từng có. Thưa Đức Như Lai đại từ đại bi, hiện có một vị Tỳ-kheo bị bệnh nặng, đang mong được sự cứu giúp, săn sóc.

Đức Phật nói:

-Nhiều đời kiếp về trước kia, Ta đã từng cứu giúp cái khổ về bệnh tật của vị Tỳ-kheo này rồi, đến hôm nay cũng vậy. Về thời quá khứ xa xưa, ở chốn thanh vắng, tịch tĩnh, có nhiều vị thần tiên đạt được năm thứ thần thông, cùng nhau tu học. Nơi chốn riêng lẻ ấy, mỗi mỗi người đều tự khuyến khích hỗ trợ lẫn nhau, ai ai cũng đem các thứ trái cây mình kiếm được để cùng cung cấp đủ cả, lại còn trù tính khi bị bệnh tật thì chăm sóc, chữa trị cho nhau. Bây giờ, có một Phạm chí trẻ tuổi cầu học, dù có ai bị bệnh hoạn nguy cấp, cũng không thèm ngó qua. Khi người Phạm chí này có việc nguy ngập thì không có ai cứu giúp, chỉ trước sau một thân một mình, không có bè bạn. Một hôm khác, ông bị bệnh, không có người săn sóc, chạy chữa, cũng không ai cho trái cây để ăn. Lúc ấy có một vị Tiên nhân đạt năm thứ thần thông, là bậc tôn trưởng ở đấy, thấy như vậy, tự nghĩ: “Người này thật cô độc, không ai giúp đỡ cả”.

Cảm thấy thương xót, ngài liền đến chỗ người bị bệnh, hỏi:

-Này ông Phạm chí tuổi trẻ, lúc ông khỏe mạnh, nghe ai có chuyện gì hầu như chẳng thèm thăm hỏi, vậy ông có bạn bè thân thích gì chăng?

Người ấy liền đáp:

-Dạ không, thưa bậc Tôn trưởng, con không có bạn bè thân thích gì cả, mà cha mẹ thân thuộc bà con thì ở cách đây xa lắm!

Lại hỏi:

-Các ông Phạm chí cùng chung sống ở đây, không lấy tình thân hữu kết làm tri thức với nhau sao?

Đáp:

-Thưa không!

Vị Tôn trưởng nói:

-Không tạo tình thân hữu, không có một người bạn tri thức nào cả, thế là thế nào? Ông xem những người khác, ai ai cũng đều kính trọng, ai ai cũng lo việc giúp lẫn nhau, chỉ riêng ông là lẻ loi, cô độc, không một ai cứu giúp.

Rồi vị Tiên nhân đỡ người trẻ tuổi này ngồi dậy đem về chỗ ở của mình, khuyên giải ông ấy hãy yên tâm, lại nhờ những người quen biết lo liệu việc chữa trị. Vị Tiên làm bài kệ:

Bỏ gia đình, vợ con

Xuất gia, dục không còn

Bậc tôn túc là cha

Anh em là đồng môn.

Ở chung cùng Phạm chí

Chẳng cùng nhau kết thân

Khi bệnh tật nguy khốn

Cô độc, ai đỡ đần.

Xét kỹ ngươi thấy đó

Phạm hạnh là bạn gần

Đến đâu cũng được kính

Cùng nhau thường hỏi han.

Khi đó, Đức Thế Tôn đến thẳng chỗ vị Tỳ-kheo bị bệnh nặng hỏi:

-Nay ông bị bệnh thế đã có ai săn sóc về thuốc men, giường chiếu gì chăng? Tỳ-kheo bị bệnh thưa:

-Con thật cô độc, không một ai săn sóc, cũng không có thuốc men gì cả. Gia đình con ở rất xa, mà con đã lìa bỏ cha mẹ, lại không có anh em, không bạn bè, không người láng giềng nên chẳng một ai gần gũi.

Đức Thế Tôn lại hỏi:

-Lúc còn khỏe mạnh, ông có hay săn sóc, thăm hỏi các người bị bệnh không?

Thưa:

-Dạ không!

Đức Thế Tôn bảo:

-Lúc khỏe mạnh, ông cũng chẳng chăm sóc, thăm hỏi những người bị bệnh, nên nay ông bị bệnh thì không một ai săn sóc lại cho ông cả! Thiện ác đối đãi nhau, tội phước luôn báo ứng, sống nên tạo ân qua lại, tình nghĩa dứt thì mọi cái đều lạt lẽo. Nhưng Phật vì cứu khổ cho tất cả chúng sinh trong ba cõi, độ thoát họ ra khỏi năm đường mà lại bỏ không cứu ông sao? Đời trước, Ta đã cứu ông, bây giờ thì cũng vậy!

Rồi Đức Phật đỡ vị Tỳ-kheo ngồi dậy, tính dùng nước để rửa ráy. Lúc ấy, chỉ trong khoảnh khắc, vị Đế Thích hốt nhiên hiện xuống, muốn thay Đức Phật để rửa ráy cho vị Tỳ-kheo kia. Đức Phật nói với Đế Thích:

-Ông ở trên cõi trời, trong chốn sạch sẽ, tinh khiết, đâu có thể làm cái việc rửa ráy giúp nơi chỗ hôi thối ô uế được?

Trời Đế Thích đáp:

-Nghe Đức Thế Tôn nói là vị Tỳ-kheo này vốn không hề biết chăm sóc, giúp đỡ người bệnh tật, nên nay bị bệnh thì chịu cảnh cô độc, không ai cứu giúp. Đức Phật đã dốc cứu khổ cho tất cả chúng sinh trong mười phương, công đức đầy đủ, không chỗ thiếu thốn, mà Ngài còn chăm sóc cho vị Tỳ-kheo ấy, huống gì tôi chưa thoát khỏi vòng tội phước, mà lại không dốc làm phước sao?

Rồi Phật dùng tay rửa ráy cho vị Tỳ-kheo, Đế Thích xối nước, đưa vị ấy nằm lại chỗ cũ, cho uống thuốc, bệnh giảm bớt dần, lại vì ông ấy mà giảng kinh pháp, khiến ông liền đắc đạo. Đức Thế Tôn dùng bài kệ khen:

Thấy bệnh phải đến thăm

Hỏi han việc nguy nan

Thiện ác có báo ứng

Muốn quả phải trồng nhân.

Thế Tôn là từ phụ

Kinh pháp là mẹ hiền

Đồng học là huynh đệ

Nhân đó được độ liền.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không vui mừng lãnh hội.


Kinh 27: Đức Phật Thuyết Giăng về Chuyện Ông Thẩm Lõa Hình

Nghe như vẩy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khư lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bây giờ, có một vị quốc vương cùng với một người nữ Phạm chí sinh được một đứa con trai, đặt tên là Chí Thành, người này theo học một phái ngoại đạo là phái lõa hình, lấy đó làm tên, gọi là Lõa Hình Tử. Ông ấy trí tuệ thông minh, có sự hiểu biết khác lạ hơn người, ở những nơi chốn thuyết giảng luôn hàng phục được nhiều đối tượng, đối với các thứ kinh điển không chỗ nào là không thông tỏ, tiếng tăm được bàn tán khắp trong ngoài triều, thấu đến tai Đức Thế Tôn.

Người theo phái lõa hình kia có bốn chị em do Phạm chí sinh, đều theo học các phái ngoại đạo: Một tên là Thao Than, hai là Hưng Tham, ba là Kim Thành, bốn là Thành Tuyết. Lõa Hình Tử sai bốn người này đến chỗ Đức Phật, muốn dò xét Đức Thế Tôn nên hắn buộc họ phải tiếp nhận các phép tắc, cùng học kinh điển để sau này về nói lại cho hắn. Lúc ấy, bốn chị em bàn với nhau:

-Chúng ta đến chỗ ông Sa-môn Cù-đàm để dò xét về những hành động, cách thức sinh hoạt tu học, cố nắm lấy chỗ sở trường, sở đoản của ông ấy.

Bàn xong, họ liền đến chỗ Đức Phật, lìa bỏ gia đình, thảy đều xin làm Sa-môn, thọ giới pháp đầy đủ. Bấy giờ, Đức Thế Tôn thường lấy các việc đời trước để dẫn dụ nhằm khai thị giáo hóa họ, chỉ rõ cội nguồn, chỗ các căn phải theo cùng gốc của mọi công đức, nhờ đó họ dứt bỏ hết mọi thái độ cao ngạo, kiêu mạn, chứng được quả A-la-hán. Khi ông Lõa Hình Tử hỏi các chị em về công việc dò xét ra sao thì những người con gái ấy đã dùng không biết bao nhiêu lời hay tốt để tán thán Đức Thế Tôn, ca ngợi sự nhiệm mầu không gì hơn của kinh điển và giới luật do Phật dạy. Lõa Hình Tử chẳng chịu nghe lời tán thán của họ. Hắn nói:

-Nhiệm vụ của các ngươi đến đó là để dò xét và làm rối loạn đạo pháp, nay thì ngược lại, các ngươi đã bị ông Thế Tôn thu phục làm cho mê hoặc, bị lừa dối rồi! Ví như có người vào trong nước nhằm để rửa bỏ mọi thứ dơ bẩn, làm cho thân thể được sạch sẽ, nhưng trái lại thì bị chết chìm trong ấy. Các ngươi là như vậy đó! Muốn đến dò xét để hủy hoại ý đạo, xem xét mọi hành động, cách sinh hoạt để nắm lấy cái sở trường, sở đoản của họ, ngược lại, các ngươi đã bị ông Cù-đàm mê hoặc, tự đắm chìm để chết trong ấy, không thể cứu được nữa rồi! Ví như có người đi vào rừng cây trái, muốn hái được nhiều quả ngon, nhưng lại bị các loài thú dữ như cọp, sói ăn thịt mất xác chẳng còn trở về. Các ngươi cũng thế! Các ngươi đến đó là nhằm dò xét ông Sa-môn Cù-đàm, nắm lấy phép tắc, mọi sinh hoạt, cái hay cái kém để về nói lại với ta, nhưng trái lại thì bị chìm ngập trong ấy, bị ông Cù-đàm mê hoặc. Ví như đối với loài rắn hổ mang, trùng độc hoặc người hung hãn hãy còn có thể gần gũi, tin tưởng, vui thích, có thể có được các phép tốt lành, yên ổn, chứ còn đối với ông Thế Tôn Cù-đàm thì mong cầu có được công đức ấy tức ý nghĩa của sự yên ổn thì chắc chắn là không thể được!

Các người con gái đáp:

-Đạo đức của Đấng Thế Tôn trừ khử được cho con người các độc hại của loài rắn dữ, các thứ lỗi lầm, ô uế, khiến cho mọi người đạt được yên ổn, tịch tĩnh. Hư không còn có thể có tỳ vết, chứ Đức Như Lai Thế Tôn thì chưa từng có chút thiếu sót, sai lầm. Nam nữ, ai được nhìn thấy Ngài không ai là không được yên vui. Ngài đã vì chúng tôi mà thuyết giảng những ý nghĩa mầu nhiệm, tuyên dương đạo pháp khiến chúng tôi rất vui mừng, nên cung kính đảnh lễ xin quy y.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo Tăng thưa bày đầy đủ với Đức Phật:

-Thưa Đức Thế Tôn, chúng con thấy ông ngoại đạo Lõa Hình Tử dùng những lời không tốt để bài báng đạo giáo của Đức Phật, lại quở trách những người con gái kia: Nào là tại sao các ngươi lại quy mạng ông Thế Tôn, nào là các ngươi phải quan sát mọi sinh hoạt ở đây, phải nắm lấy chỗ mạnh, chỗ yếu của Phật để báo lại cho ta biết, nào là các ngươi trái lại đã bị mê hoặc, đã bị chết chìm trong ấy không thể tự cứu được.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Lõa Hình Tử sai bốn người có gái ấy đến là nhằm dò xét Ta, muốn nắm lấy chỗ hơn kém của Ta. Nhưng Ta không chút tỳ vết thì tìm đâu ra khuyết điểm. Ta nhân đấy liền khai thị giáo hóa cho, khiến cả bôn người đều được độ, chứng được đạo quả Vô trước.

Đức Phật kể:

-Về đời xa xưa, có một vị quốc vương tên là Ca-lân cùng một vị quốc vương khác kết oán thù với nhau. Muốn phá hoại vị quốc vương kia nên vua Ca-lân sai bốn người con gái trẻ trung, diễm lệ, nhan sắc tuyệt vời đến thăm dò để nắm lấy chỗ mạnh, chỗ yếu của nhà vua ấy, ngầm làm giặc bên trong. Đám nữ đó đến chỗ vua A-chi và được vua chấp thuận. Vua A-chi có bà Thái hậu đáng kính, đoan chánh, đẹp đẽ, ai cũng tôn quý, uy thần lồng lộng, phước đức thù thắng vô lượng, không có chút tỳ vết, nhơ uế, nhu hòa hiền hậu, tiếng lành vang xa. Các con gái của vua Ca-lân ca ngợi:

-Công đức của vua A-chi thật trên đời hiếm có, danh tiếng đồn xa, tám phương, trên dưới đâu đâu cũng vang dậy. Phụ vương chúng tôi húy là Ca-lân, cùng sai chúng tôi đến để hầu hạ, phụng sự đại vương. Phụ vương chúng tôi dặn: “Đức độ của vua A-chi thù thắng, vi diệu, khó nghĩ kịp, không có vết nhơ, hiền hậu, không hung bạo, nhẫn nhục, trong lành, đặc biệt có tài biện luận với mọi người, nghe đến tên vua thì ai cũng bái phục”, nhưng cha chúng tôi chẳng chịu nghe lời.

Có nước kia thuộc dưới quyền của vua A-chi, là một nước lớn, tên nước là Hư không, nước này có một vị đại thần tên là Tế- na, trí tuệ thông minh, thông đạt không ai bì kịp, ứng đối nhanh nhẹn, làm phụ thần cho vua. Khi đó, vua Ca-lân không nghe theo lời các con gái, bỏ đến thẳng biên giới nước lớn của đại thần Tế- na, cùng với cả đoàn người vây chung quanh. Nhà vua hỏi kẻ bề tôi bên cạnh:

-Ta tự mở cửa ra đi đến cửa của kẻ khác, vậy thì phải làm sao đây?

Kẻ bề tôi bên cạnh tâu:

-Không nên sợ hãi, Thiên tử cứ yên tâm! Ví như sư tử trong rừng chẳng hề sợ cây cối, nay ta ở đây cũng lại như vậy. Thành quách yên ổn, được bảo vệ kỹ, khỏi phải lo lắng gì cả.

Rồi làm bài kệ:

Tự mở cửa nước nhà

Vào đất nước người ta

Dựa A-lan nước lớn

Như sư tử rừng già.

Muốn giúp mà được giúp

Tự nhiên không sợ gì

Hân Dũng, quốc vương ấy

Được yên ổn dài lâu.

Mọi người tha hồ bàn luận, lời nói lan đi khắp nơi. Vua A-chi nghe vua Ca-lân vì của cải và tiếng tăm mà khởi ý đến đó, nên than:

Việc này rất tốt

Mầu nhiệm khó lường

Danh đức lưu khắp

Không còn tai ương.

An trụ nơi pháp

Không nên phô trương

Tất có điều gian!

Lại tự hỏi:

-Nay đây các vị Tiên nhân, các vị Thần của Thiên đế đều du hành đến cõi nước của vua Ca-lân. Các vị ấy uy thần lớn lao, nên biết được đức hạnh của ta, nhất định phải cho ta thắng lợi, còn vua Ca-lân kia thì bị phá bỏ, phải tự hàng phục.

Lúc ấy, vua A-chi tự nghĩ: “Các vị Tiên nhân kia trước sau chẳng hề nói dối. Chư Tiên nhân nói rằng ta sẽ đạt được thắng lợi, công đức ấy thật là vô lượng, chắc chắn là như thế đấy.”

Các bề tôi đáp:

-Thưa vâng, đại vương! Tiên nhân là người chí thành nhất định khôn? nói dối.

Và đọc bài kệ:

Đám Ca-lân đắc thắng

Hàng phục dựa vào đây

Vua A-chi thất thế

Tiên lại nói thế này.

A-chi thắng, không mất

Lời chân thực, hay thay

Tại sao nói được vậy

Tự nhiên lời nêu bày.

Vua Trời phải biết đó

Lời chí thành đến đây

Hành động không phóng túng

Thắng lợi phải được thôi.

Lại nói vua A-chi

Thắng lợi phải đến tay

Chí thành thế do đâu

Lại vì ta giải ngay.

Các đại thần đáp:

-Chưa từng được nghe hay sao, các vị Tiên nhân mất Thánh đức, rất là cứng cỏi khó cảm hóa, tay cầm kiếm bén, dáng dấp thật đáng sợ. Bạc nam tử trượng phu, chính vì dân chúng nương theo gốc nơi đức độ của nhà vua mà quyết làm cho đối phương hàng phục, không dùng nhiều lời mà chúng tự quay về nẻo chánh. Vua A-chi ấy là một vị đại trượng phu, mọi phương tiện kế hoạch trù liệu cũng lại như vậy. Hơn nữa, quyến thuộc của nhà vua luôn hòa thuận, vâng lời chỉ dạy, không có khác lòng, không có tâm chia rẽ, những việc làm đều cao cả, uy đức lồng lộng. Giá như vua A-chi không được thắng lợi, thì nay xin vua trời hãy tận mắt nhìn thấy nhà vua dũng mãnh, kế sách phương tiện quyền biến hơn người, nhất định không thể bị phá hoại được. Ví thử không tin, thì khi đã tận mắt thấy rõ sẽ không còn nghi ngờ gì.

Bèn đọc bài kệ khen:

Kế sách rất cao thâm

Biết thì tinh tấn thêm

A-chi vang đức nhẫn

Hóa giải các giận hờn

Vua A-chi được hết

Ca-lân làm sao bằng.

Bấy giờ, vua Ca-lân chẳng hề tuyên chiến, tự dấy khởi binh tướng kéo thẳng đến nước vua A-chi, thì binh sĩ của Hân Dũng, là vị đại thần phụ tá, vốn thông minh trí tuệ, dũng mãnh tinh tấn, lòng dạ cao cả, hòa hợp không hề chia rẽ. Hơn nữa, bản thân vua A-chi cũng dũng mãnh hơn người, đó là sức mạnh thần thánh, nên nhất định phải thắng vua Ca-lân. Vua Ca-lân chịu phục, tự quy mạng bái yết, thả hết những người đã bắt sống được. Khi ấy, trời Đế Thích đọc kệ khen:

Nhẫn nhục Thánh hiền khen

Hóa giải mọi giận hờn

Vua Ca-lân quy phục

A-chi thắng hoàn toàn.

Đức Phật bảo với các vị Tỳ-kheo:

-Nên biết vua Ca-lân lúc ấy nay là ông Thẩm Lõa Hình Tử, vua A-chi là bản thân Ta, đại thần Hân Dũng nay là Tôn giả Xá-lợi- phất, Đế Thích là Tôn giả A-nan. Thời ấy theo nhau kết làm bạn bè, giáo hóa đạo lý cho nhau, đến hôm nay cũng vậy.

Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 28: Đức Phật Thuyết Giảng về Sứ Giả Của Cái Bụng

Nghe như vầy:

Một thuở Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, lúa gạo của nước này giá cả tăng vọt, dân chúng đói khát, các vị Tỳ-kheo của Đức Phật muốn phân tán ra đi du hóa đến các nước khác để an cư. Hiền giả A-nan là bậc nghe rộng biết nhiều, đối với giáo pháp luôn tận lực lãnh hội, có biện tài vô ngại. Khi Đức Phật thuyết giảng kinh, Hiền giả A-nan đã giúp rất nhiều người thọ nhận ý nghĩa của kinh điển, tinh tấn không ai bì kịp. Khi ấy Hiền giả A-nan tự nghĩ: “Giá như Đức Thế Tôn đến một nước nào đó để có cuộc sống an ổn thì ở khu vực khác sẽ có vô số người mất đi chỗ nương tựa của đạo đức, mặc dù các vật dụng sinh hoạt thì không hề thiếu thốn. Còn nếu Đức Như Lai lại dừng ở nước Xá-vệ này an cư trong năm, thì nhiều chỗ được an ổn, tạo nên cái gốc cho đạo đức.”

Lúc ấy Đức Thế Tôn vì thương xót muôn dân, muốn cứu giúp họ, nên Ngài quyết định ở lại thành Xá-vệ với vua Ba-tư-nặc, quần thần và dân chúng. Hiền giả A-nan đến chỗ quốc vương trình bày đầu đuôi sự việc ấy. Vua Ba-tư-nặc nghe lời của Hiền giả A-nan, nên thỉnh Phật và đại chúng Tỳ-kheo ở lại đây ba tháng, bao nhiêu món ăn thức uống nhà vua đều lo đầy đủ, bệnh hoạn thì cung cấp thuốc men, tùy theo nhu cầu tất cả mọi thứ, mọi chỗ đều an lành. Đức Phật và các vị Tỳ-kheo an cư tại thành Xá-vệ trong ba tháng như thế không hề thiếu thốn. Các vị Tỳ-kheo trong lòng tự nghĩ: “Công đức của Hiền giả A-nan khó ai bì kịp, làm được việc chưa từng có, hành động quyền biến, biết được thời cơ, hiểu rõ lý luận, khuyến hóa được vua Ba-tư-nặc cúng dường Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo trong mùa an cư ba tháng được yên ổn, khiến trong chín mươi ngày ấy, đại chúng Tỳ-kheo không có gì phải suy nghĩ, tất cả đều được bảo vệ và cung cấp đầy đủ, nhờ đó các Tỳ-kheo ai cũng được yên tâm tu học, không phải du hóa tới các nước khác.”

Đức Phật biết rõ là các Tỳ-kheo đang bàn luận về việc này, nên đi đến chỗ các vị Tỳ-kheo và hỏi:

-Các ông đang hướng về ai mà bàn bạc như vậy?

Đại chúng Tỳ-kheo liền đem đầy đủ sự việc trình bày với Đức Như Lai. Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Hiền giả A-nan không phải chỉ mỗi đời này mới hành động quyền biến, nắm lấy thời cơ, mà đời trước cũng đã từng làm như thế. Đức Phật kể:

-Vào đời quá khứ xa xưa, ở nước Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm Đạt, là bậc có phước đức lớn, tiếng tốt đồn xa. Bấy giờ trong nước gặp lúc đói kém, giá lúa gạo đắt đỏ, dân chúng đói khát, kẻ ăn xin rất nhiều, không lấy gì để cung cấp cho đủ. Nhà vua vui lòng làm công việc bố thí, tức thì mười phương, bốn hướng tụ lại để xin đông nhiều như mây nổi, nhà vua cứ theo mức độ tiêu dùng mà cung cấp. Bố thí như vậy liên tục không hề dừng nghỉ. Lúa gạo dần dà trở nên quý hiếm, trời lại chuyển sang nắng hạn dữ dội, không một giọt mưa rơi, mùa màng mất trắng, dân chúng đói khát khốn cùng, kẻ ăn xin ngày càng nhiều thêm. Họ kéo nhau đến trước cung vua, ở đây kho lẫm cũng sạch trơn. Lúc ấy, các quan lại đều bàn với nhau:

-Nay theo ý của quốc vương, thì kẻ ăn xin nào đến là phải bố thí cho họ, không để họ phải nản lòng. Nhưng trời hạn hán chẳng mưa, kẻ ăn xin thì quá nhiều, lúa gạo thì khan hiếm mà kho lẫm thì lại trống rỗng, đất nước sắp đến lúc bại hoại chăng!

Thế rồi, các đại thần vì muốn bảo vệ đất nước, nên cùng đến chỗ nhà vua tâu trình đầy đủ lời mình vừa bàn trên:

-Việc bố thí của vua bây giờ xin hãy ngừng lại, dựa vào một số biện pháp để giữ trật tự, đợi sau này được mùa, lúc ấy mới bố thí tiếp.

Nhà vua bảo:

-Việc bố thí của ta không thể dừng lại được. Ta đã có chí nguyện bố thí, sao lại làm trái với bản tâm của ta được. Hơn nữa, họ đến đây để xin ăn, sao nỡ khiến họ thất vọng? Nếu như không có người đến xin thì ta bố thí cho ai?

Các đại thần cùng bàn với nhau:

-Chúng ta phải cùng nhau tìm ra kế sách, làm cho các người nghèo không còn đến xin nữa, thì mới chấm dứt được tình trạng này. Trong khi đó thì nhà vua vẫn tiếp tục bô thí, chưa từng chậm trễ, trong lòng tự nguyện: “Mong sao cho các kho chứa lúa gạo không bị hao hụt.” Cùng lúc, các quan pháp minh yết cáo, thông báo cho các nơi xa gần biết là không được đến chỗ nhà vua xin ăn, kẻ nào dám đến xin thì đều bị tội chết, thấy đem bêu giữa chợ.

Hành khất các nơi xa đến nước này, nghe được thông báo như thế nên chẳng dám đi xin ăn nữa. Không được gặp nhà vua, họ càng ưu sầu, buồn thảm, hỏi các vị đại thần xem đúng là có lệnh này không. Lại hỏi cha mẹ, thật có lệnh cấp bách không được đi xin ăn chăng?

Đáp rằng:

-Có đấy! Chẳng được đi xin ăn.

Những người đi xin lại nói:

-Nếu có lệnh đến những phương xa, thì phải có các quan sứ. Hiện khắp nơi, khắp chốn các kho lúa, lương thực đều đủ cả. Nay các quan trong triều này như muốn chỉ để riêng mình tiêu dùng, nên ban ra lệnh ác bảo các nơi xa, những người đi xin ăn nghèo cùng không được đến cửa vua để xin ăn, nếu ai liều đi xin thì phải tội chết. Tuy vậy, các người sứ từ phương xa đến đều thấy các kho lẫm đều còn đầy.

Lời nói lần lượt truyền nhau nên mọi người đều biết đây là lệnh của các quan trong triều đề ra chứ không phải là nhà vua.

Có một vị Phạm chí đói khổ đã lâu, muốn đi xin ăn để cứu mạng sống mình. Ông đi khắp nơi xin ăn để còn chu cấp cho vợ con, giá như vào lúc giá gạo rẻ, xin ăn dễ, được nhiều, còn khi lúa gạo khan hiếm, xin ăn khó được, phải chạy ngược xuôi khắp nơi, không chỗ nào là không tìm đến mà cũng chỉ vừa đủ nuôi mạng sống, lòng ông lo lắng chẳng nói nên lời. Vợ ông lúc đó nói với ông:

-Ông thật khổ nhọc, đi xin ăn gặp lúc gay go, không chỗ nào là không đến xin vậy mà chẳng được gì. Sao không tới chỗ vua mà xin ăn, nghe nói quốc vương ta mong muốn có người đến xin, không hề trái ý người xin bao giờ.

Vị Phạm chí đáp lời vợ:

-Bà chẳng nghe hay sao? Quốc vương đã có lệnh không cho người đến cửa vua xin ăn nữa. Tuy các người sứ ở phương xa đến đều được thấy rõ là lúa gạo trong kho còn đủ để cấp thí, những ai đi xin thì liền bị chém đầu.

Vị Phạm chí nói tiếp:

-Thân tôi hôm nay muốn được bình an chứ không muốn bị nguy hại. Còn nếu muốn mong chờ nơi nhà vua thì có thể lại bị hủy nhục đấy!

Vợ ông đáp:

-Như các quan lại trong triều thông báo cho các nơi xa được biết, vậy chỉ có những người ở xa mới được tới trước, còn các người khác thì không cho. Sao ông không tự nói rằng mình từ phương xa đến, muốn được gặp vua để tâu trình, có thể được miếng ăn đây.

Bấy giờ, vị Phạm chí nghe theo lời vợ, cầm gậy, đội mũ của quan phụng sứ, đến thẳng cửa cung vua. Quan giữ cửa hỏi:

-Ồng ở đâu đến đây?

Đáp:

-Tôi là phụng sứ từ xa đến.

Quan phụng sứ vào tâu với vua rõ đầu đuôi về người ấy, tức thì trở ra hỏi rất rõ:

-Ông từ chốn nào đến, hiện nay cả mười sáu nước lúa gạo đều khan hiếm, nước nào cũng lo giữ biên giới của mình làm sao mà đến, từ nước nào mà đến được?

Quan giữ cửa đã hỏi đầy đủ như thế. Người Phạm chí đáp:

-Được nghe và khâm phục đức hạnh của nhà vua, nên mặc kiểu phụng sứ mà đến.

Quan giữ cửa lại hỏi:

-Ở biên giới nước này có thể nghe được nước kia sao?

Đáp:

-Làng xóm thành ấp thì có thể biết được đầy đủ. Giả sử chỉ vì mình thôi thì xin nguyện vua Trời, một mình cầu xin kiếm ăn là đủ rồi. Tôi muốn gặp được vua nên đến đây để cầu kiến.

Quan giữ cửa hỏi nữa, ông cũng đáp như vậy. Nhà vua cho gặp, vị Phạm chí liền vào. Vua hỏi ông:

-Vì ai mà phụng sứ đến đây?

Vị Pham chí thưa: -Cầu xin không sợ hãi, như ngài chịu hứa nghe thì mới dám tâu vua chỗ sai đến.

Nhà vua bảo:

-Hãy nói rõ nguồn cơn, đừng sợ hãi.

Nhà vua lại hỏi:

-Ai là người sai ông đến đây?

Vị Phạm chí tâu:

-Đại vương muốn biết chăng? Chính bụng dạ tôi sai đến.

Khi ấy, vị Phạm chí liền nói kệ:

Mọi người cầu tài lợi

Gặp giặc giữ, oán hờn

Ta bị bụng sai đến

Xin vua tha cho thần.

Ai thế lực lớn nhất

Ai kia cao cả hơn

Tôi thật là phúc sứ (Sứ giả của cái bụng)

Vua chớ trách tội thần.

Chư Phật và Duyên giác

Các đệ tử Thánh nhân

Rời bỏ nơi tịch tĩnh

Vào thành thị xin ăn.

Cùng khốn không chỗ dựa

Thân sống gặp khổ nạn

Nay tôi làm phúc sứ

Xin tha, hỡi tôn nhân!

Vua nghe rất thương xót ông, dùng kệ đáp:

Phạm chí, ta cho ngươi

Trâu cái năm trăm đôi

Cùng nghé con đầy đủ

Đâu thể không cho ngươi.

Ta vì các sứ giả

Cấp cho chỗ nghèo thôi

Vì sứ giả, làm sứ

Cho thêm không sợ gì.

Đức Phật bảo cho các Tỳ-kheo biết:

-Ông Phạm chí lúc đó nay là Hiền giả A-nan, vua Phạm Đạt nay là vua Ba-tư-nặc. Thời ấy Hiền giả A-nan đã khai thị giáo hóa khiến nhà vua rất vui mừng, kính ngưỡng vô cùng. Đến bây giờ đây, tại nước này, Hiền giả A-nan lại nêu bày chỉ dẫn cho vua Ba-tư-nặc, mặc dù lúa gạo khan hiếm, mà nhà vua vẫn cúng dường cho Đức Thế Tôn và đại chúng Tỳ-kheo trong ba tháng, không có chỗ nào thiếu thốn. Vậy cho nên các vị Tỳ-kheo phải học hỏi thực hiện các lời nói hiền lành, dịu dàng, hòa ái, phải lựa lời khéo léo làm câu phương tiện giáo hóa. Đó là lời dạy của chư Phật.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 29: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Người Đệ Tử Qua Đời

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Lúc ấy, một vị Tỳ-kheo có một người đệ tử tánh tình hiền hậu, công đức thù thắng, ý chí hành động luôn đúng nẻo nhân từ đức độ, tâm dốc cầu sự an tịnh, bản thân thường theo hầu hạ vị Hòa thượng, trong các lúc hành hóa hay nghỉ ngơi, luôn cung kính thuận hợp, tinh tấn không ai bì kịp, thuận theo giáo pháp, chẳng hề dám trái mạng thầy. Do vì mạng ngắn, bởi vì đời trước đã gieo thiếu nhân lành nên thọ mạng mỏng ít, còn tuổi ấu thơ mà đã qua đời, liền được sinh lên cõi trời Đao-lợi. Vừa sinh lên cõi Trời, ông đã quan sát nhận thấy ở cõi này cũng không có gì là bền vững lâu dài, chỉ thấy lửa đang cháy to, nên ông thầm nghĩ: “Ta vốn có sở nguyện nhưng không được như ý, chẳng đạt được cứu cánh, cùng với thầy lành bạn tốt không thể giữ nhau được, nay lại phải bỏ đi để theo bạn xấu. Như thế là đã xa rời các bậc Hòa thượng chí tôn, bậc A-di-lê và các bạn lành khác, như những người tu phạm hạnh, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ, bốn chúng đệ tử của Phật. Đức Phật Thế Tôn trí tuệ vô biên, hiểu biết tất cả, hiệu là Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay đã xa rời bậc Đại Thánh Thế Tôn ấy, các bậc Hòa thượng, thầy, bạn và các đồng học mà từ vô sô” kiếp rất khó gặp, khó thấy, cho dù cùng sinh ra ở thế gian này cũng chẳng thể gặp được. Cũng không thể được nghe thuyết giảng các kinh điển thâm diệu, sâu xa vô lượng mà ta chưa từng nghĩ đến. Miệng Ngài không phát ra lời mà làm cho mọi người được yên ổn, để cùng được dẫn dắt, giáo hóa, dùng trí tuệ phân biệt để thuyết giảng các pháp duyên khởi, mỗi mỗi đều giải rõ. Ta từ vô số kiếp, vốn đã gieo nhân nên những chỗ chưa được nghe, thấy, rốt cuộc đều được giải rõ. Ta may mắn được gặp vị Hòa thượng nên đã lãnh hội được kinh điển giới luật ấy, bỏ nhà xuất gia làm Sa-môn, chẳng đến được chỗ siêu việt khác thường, như vậy những điều ta phải tạo dựng chẳng đến nơi đến chốn. Nay ta há lại phải buông thả các hành động của mình sao? Nay ta nên trước đến chỗ Đức Thế Tôn trọn lòng học hỏi nghĩa lý kinh điển thì sẽ tự hiểu được cái nợ kiếp trước mà cảm thương cho thân phận của mình.”

Rồi ngay đêm ấy, bằng oai thần chói lọi, sáng chiếu rất xa, ông đến chỗ Đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ rồi đứng sang một bên. Đức Phật biết được lòng ông chân chánh thuần thục, vui thích đạo pháp, nên Ngài thuyết giảng về Tứ diệu đế: Khổ, Tập, Tận, Đạo. Ông liền ngộ được diệu nghĩa của bốn chân lý. Lúc ấy, Đức Thế Tôn dựa vào căn gốc để phân tích cho ông hiểu. Ông chứng được đạo quá, vui mừng hớn hở, thọ trì giới luật, cúi đầu đảnh lễ, đi quanh Đức Phật ba vòng, rồi bỗng nhiên biến mất.

Trong khi đó, lòng vị Hòa thượng nghĩ đến tánh hạnh, công đức của người đệ tử mà thương cảm, kết thành ưu sầu, rơi nước mắt như mưa, không thể tự giải tỏa được. Tất cả những lời khuyên giải chung quanh đều không thể làm nguôi được mối ưu tư ấy. Khi đó, các vị Tỳ-kheo bèn đến trình bày với Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn bảo:

-Này ông Tỳ-kheo, lại Ta hỏi đây! Vì sao ông sầu não, không thể tự giải tỏa được?

Vị Tỳ-kheo ấy thưa:

-Thưa Đức Thế Tôn, người đệ tử của con rất là lương thiện, đàng hoàng, hiển lành, nhân đức, ôn hòa, danh tiếng đạo đức khó lường, chưa đạt được cứu cánh, nửa chừng mạng yểu, do đó con buồn lo, cứ mãi chất chứa.

Đức Phật bảo vị Tỳ-kheo:

-Chớ nên mãi buồn lo! Vì sao như vậy? Vì người đệ tử của ông đã đạt đến cứu cánh rồi! Ông ấy được sinh lên cõi trời, nửa đêm hôm nay đã đến chỗ Phật, uy thần lồng lộng, hào quang chiếu sáng rất xa, cúi đầu làm lễ và đứng sang một bên. Ta đã vì vị Thiên tử ấy mà thuyết giảng kinh pháp, phân tích đầy đủ, rộng rãi về Tứ diệu đế, bấy giờ, vị Thiên tử ngay nơi tòa ngồi đã thành tựu được pháp Thánh cao tột. Đức Phật vì vị Tỳ-kheo ấy nói rõ đầu đuôi, khiến ông tức thời hoan hỷ, dứt hết mọi nỗi buồn lo, chẳng còn rơi lệ.

Khi Đức Thế Tôn giảng dạy cho vị Tỳ-kheo kia dứt trừ bao mối lo lắng sầu não, thì các vị Tỳ-kheo khác tâm niệm:

-Chúng ta đã được chứng kiến một việc chưa từng có, Đức Đại Thánh Thế Tôn đã dùng pháp dược vô thượng để trị lành hẳn bịnh sầu não của vị Tỳ-kheo ấy. Do người đệ tử của ông ta bị bệnh qua đời, ông đau buồn sầu não không thể giải được, gặp Đức Phật Thế Tôn thì các khổ hoạn kia đều tiêu trừ hết. Quả là Bậc Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, cho nên dù đến hàng vạn kiếp ca ngợi công đức của Phật cũng không thể hết được!

Đức Phật từ xa biết các vị Tỳ-kheo đang bàn luận như thế, liền đi đến hỏi:

-Các ông tụ hội bàn bạc chuyện gì vậy?

Các vị Tỳ-kheo thưa với Đức Phật:

-Thưa Thế Tôn, chúng con hội họp lại đây để ca ngợi công đức của Đức Phật là bậc Thánh tôn quý thật không lường, Phật đã hóa độ cho những người chưa được độ, cứu giúp những ai chưa giải thoát, diệt trừ những gì chưa được dứt trừ, trị liệu tất cả những bệnh tham dâm, giận dữ, si mê, là vị thầy thuốc vô thượng, dùng các pháp dược để trị các thứ tâm bịnh, như vừa trị tuyệt được nỗi âu lo buồn khổ của vị Tỳ-kheo, khiến vị ấy vui mừng hớn hở, không thể tự kiềm chế được.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

-Các vị có biết vì sao ngày nay vị Tỳ-kheo ấy thấy đệ tử mình qua đời mà cảm động, kết thành ưu sầu, chẳng thể tự giải không? Chỉ riêng có Phật Thế Tôn mới biết được túc mạng đời trước của hai người này, cũng lại như vậy.

Đức Phật kể:

-Về quá khứ xa xưa, ở một nơi chốn vắng vẻ nọ, có một con voi mẹ sinh con, voi con ra đời chưa bao lâu thì voi mẹ chết. Cách chỗ ấy không xa là chỗ ở của một Tiên nhân, là bậc đầy đủ oai thần, công đức, luôn có tâm đại bi thương xót muôn loài, xa thấy voi con mất mẹ, vừa cử động chân bước chập chững đây đó, không thể tự sống được. Ông liền tìm cách cứu giúp, đi đến chỗ voi con, lấy nước cho uống, hái quả cho nó ăn. Khi ấy, voi con dần dà trở nên nhân hòa, hiền lành, công đức thù thắng, vui cùng nghĩa lý, muốn được an ổn, không có âu lo, dứt hết các phiền não. Bấy giờ, vị Tiên nhân cùng chung sống với voi, thân hình nó phát triển lớn dần, lông lá mượt mà thì biết đem nước ngọt, trái cây ngon cúng dường vị Tiên nhân trước, rồi mới ăn sau, tới lui ân cần, hầu hạ, phụng sự không hề trễ nải, khiến vị Tiên nhân rất thương xót voi con, thấy đức hạnh nó như vậy nên ông thương yêu nó như con, ngắm nhìn nó không chán, yêu quý vô hạn.

Lúc đó, trời Đế Thích có ý nghĩ: “Vị Tiên nhân này tâm ý đều đặt ở con voi con, luôn nghĩ đến nó không hề chán, nay ta có thể làm mất voi con đi khiến ông ấy phải buồn rầu khổ não.” Thế là trời Đế Thích thị hiện thi hành việc đó, hóa phép khiến con voi con đột nhiên lăn ra chết, máu loang đầy đất. Vị Tiên nhân thấy con voi con chết thì ưu sầu không nói năng, rơi lệ ngắn dài không thể khuây giải được. Các vị Tiên nhân khác biết việc đều tới khuyên can, nhưng không thể dứt được mối ưu sầu của vị Tiên nhân ấy, ông lại chẳng chịu ăn uống gì cả. Khi ấy, trời Đế Thích đang ở giữa hư không, liền vì vị Tiên nhân mà nói kệ:

Hiền giả đã bỏ nhà

Đến đây không quyến thuộc

Các Tiên giữ pháp luật

Buồn chết không tốt đâu.

Giả sử buồn âu sầu

Khiến chết sống lại được

Thì họp lại thương khóc

Nhưng khóc không tái sinh.

Quen rồi đều lặng thinh

Để cùng voi con trọn

Chút ân cần lân mẫn

Không thể không buồn rầu.

Còn khóc đến chết theo

Kìa có người khóc đó

Người trí biết tự chế

Sao Tiên lại khóc thương

Trời Đế Thích làm cho vị Tiên nhân kia sầu não rồi, liền khiến voi con sống lại như cũ. Khi ấy, vị Tiên nhân thấy voi con sống lại, nên vô cùng hớn hở, vui mừng hết mực, không còn ưu sầu nữa. Trời Đế Thích liền vì vị Tiên nhân nói bài tụng:

Đánh tan sầu cho ông

Sầu thương chất đầy lòng

Nay Hiền giả hết nạn

Buồn thương con trừ xong.

Nay đã lìa sầu não

Và thân thuộc đủ đông

Ông hôm nay vui vẻ

Nhìn voi sống thong dong.

Trời Đế Thích lại nói kệ tiếp:

Ta cảm thương cho ông

Muốn trừ nỗi đau lòng

Nên bày nhân duyên ấy

Thêm lợi cõi bụi hổng.

Người sáng hiểu rõ đấy

Ân ái sinh khổ lòng

Trong ngoài quan sát kỹ

Muốn được biến hóa thông

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Vị Tiên nhân thời ấy nay là vị Hòa thượng đó, con voi con là người đệ tử, còn trời Đế Thích chính là thân Ta, ngày đó gặp nhau, bây giờ cũng thế.

Đức Phật nêu giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 30: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Con Trâu Chúa

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, Phật nói với các Tỳ-kheo:

-Về đời quá khứ xa xưa, ở chốn vắng vẻ, khoáng đãng nọ, lúc ấy có một con trâu chúa sống nơi đấy, hay đi đó đây để ăn cỏ và uống nước suối. Khi trâu chúa và đám quyến thuộc họp nhau lại một chỗ, trâu chúa thường đứng trước, dáng vẻ đẹp đẽ, uy thần lồng lộng, đức độ khác lạ hơn chúng, lại luôn nhẫn nhục hòa nhã, mọi nẻo đi đứng đều luôn thể hiện sự an lành. Có một con khỉ cái đứng ở ven đường, nhìn thấy trâu chúa cùng quyến thuộc tụ hội đông đủ, lòng sinh giận dữ, ganh ghét, liền lấy gạch đá, tung cát bụi ném vào đám trâu kia. Bị khinh khi, làm nhục, nhưng trâu vẫn im lặng nhận chịu chứ không chống trả lại. Lát sau, một bộ phận khác của trâu chúa nối nhau tìm đến, con khỉ cái trông thấy cũng lại la mắng, rồi lấy gạch đá, tung cát bụi quăng ném xối xả về phía đàn trâu. Bộ phận đi sau này thấy vua trâu đi trước im lặng không hề chống trả, nên cũng bắt chước nhịn nhục, lòng vui vẻ, ôn hòa, an lành, khoan thai bước đi, chấp nhận sự hủy nhục ấy không lấy đó làm giận. Tất cả đám quyến thuộc của trâu chúa đi qua chưa bao lâu thì lại có một chú trâu nghé theo đàn đi tới, đuổi theo bầy. Lúc đó, con khỉ cái lại mắng chửi, nhục mạ khinh dể nó. Con trâu nghé này lòng giận lắm, chẳng vui, nhưng thấy cả bầy đi trước đã tỏ ra nhẫn nhục, không sân hận, nên cũng học theo cách ấy mà thể hiện sự nhẫn nhục, nhu hòa. Cách con đường đó không xa, nơi rừng cây lớn có vị thần cây sống quanh quẩn trong đó. Khi trông thây các con trâu bị hủy nhục mà vẫn nhẫn nhịn, không sân hận, bèn hỏi trâu chúa:

-Vì sao các ngươi thấy con khỉ cái ấy thốt ra lắm lời mắng chửi, ném gạch đá, tung cát bụi mà vẫn nhẫn nhục, im tiếng, không chút phản ứng gì cả, thế là ý nghĩa gì, ý của các ngươi thế nào? Ông lại làm bài kệ để hỏi:

Các ngươi vì cớ gì

Nhịn khỉ cái phóng dật

Quá độ hung ác thật

Các ngươi xem khổ vui.

Hòa ái cho ngày mai

An lành trong hành động

Nhẫn nhục phải coi trọng.

Trong quá khứ chúng bây.

Mặc gậy đập sừng này

Tạo nên bao đầy ải

Lại bày nghĩa sợ hãi

Mặc nhiên không đáp lại.

Con trâu chúa đáp lại:

Khi dễ, hủy nhục ta

Đối người khác tăng gia

Kia chịu nhiều báo ứng

Bệnh hoạn càng thêm ra.

Đàn trâu đi qua chưa lâu, thì có đông đảo các vị Phạm chí cùng với một đoàn Tiên nhân thuận đường cùng tới, con khỉ cái ấy cũng lại buông lời mắng chửi, nhục mạ, khi dễ, rồi lấy đá gạch cát bụi tung ném về phía họ.

Các Phạm chí tức thời đuổi bắt, lấy chân đạp giết con khỉ đó. Do vậy, thần cây lại làm bài kệ:

Tội ác chẳng tiêu mất

Gặp họa khi đã mùi

Tội ác đã đầy đủ

Tai ương phải đến thôi.

Đức Phật bảo cho các vị Tỳ-kheo biết, trâu chúa lúc ấy là bản thân Ngài. Lúc còn là Bồ-tát, có tội nên bị đọa làm trâu, là vua trong loài trâu, Ngài thường thực hành nhẫn nhục, tu tập bốn tâm vô lượng là: Từ, Bi, Hỷ, Hộ, tự chứng đến quả Phật. Các con trâu khác và đám quyến thuộc của trâu chúa nay chính là các Tỳ-kheo. Còn con trâu nghé là các vị Phạm chí, Tiên nhân và các tín đồ tại gia của Đức Phật. Con khỉ cái kia là đại diện của đám dị giáo Ni-kiền sư. Đầu đuôi là như thế, đầy đủ rốt ráo, mọi nẻo hành động đều có thu đạt, thiện ác không hề bị tiêu mất mà luôn như bóng theo hình, như vang ứng với tiếng.

    Xem thêm:

  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Sinh Ra Tâm Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Sư Tử Nguyệt Phật Bản Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Từ Thị Sở Thuyết Đại Thừa Duyên Sinh Thí Dụ Cây Lúa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Tử Ta Vạt Nẵng Pháp Quy Y Tam Bảo Khỏi Sinh Vào Ác Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 5 – Kinh Không Uế Nhiễm (Anangana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Nhiễu Loạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng