1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

Kinh 6: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Con Gà Rừng

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa nơi khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Lúc bấy giờ Đức Phật kể với các vị Tỳ-kheo rằng:

-Thuở quá khứ, nhiều đời trước đây, trong rừng cây rậm rạp có một con mèo rừng đang sống ở đó. Gặp ngày lâm bồn, nó không kiếm ăn được nên đói lả. Nhìn thấy trên cây cao có một con gà rừng xinh xắn, đẹp đẽ, nó bèn làm ra vẻ có lòng nhân từ thương xót, vừa lê lết, vừa thở hổn hển, khiến cho người, vật đều chú ý. Con mèo rừng đã có chủ tâm độc ác, muốn lấy mạng con gà rừng nên từ từ tiến đến bên gốc cây, dùng lời dịu ngọt, ngợi khen:

Lặng thinh làm mặt lạ

Ăn cá, mặc áo đẹp

Thôi ngươi hãy xuống đất

Ta vì ngươi kết giao.

Gà rừng đáp kệ lại:

Người có bốn giò đủ

Thân ta có hai chân

Mèo với gà khác loại,

Không nên kết vợ chồng.

Mèo rừng nói kệ:

Ta đã đi nhiều chỗ

Quận, huyện và quốc gia

Không gặp được người ưa

Chỉ mình ngươi vừa dạ.

Thân người thật gọn đẹp

Dáng vẻ khó ai bằng

Ta cũng tươi, dịu dàng

Son trẻ và trong sạch.

Hãy cùng nhau hoan lạc

Như gà đi chơi ngoài

Vừa lòng đều cả hai

Thì sao không vui thích.

Gà rừng đáp lại:

Ngươi sao ta chẳng biết

Thì ngươi muốn gì đây

Mọi việc chưa đủ rõ

Người trí chẳng vui vầy.

Mèo rừng lại nói:

Thuận lấy ta làm vợ

Ngược, như gậy đánh đầu

Dù nghèo cùng đến đâu

Cũng giàu như mưa báu.

Gần quyến thuộc con cháu

Sẽ phát tài không lường

Gần gia đình thân thương,

Thì yên tâm bền vững.

Gà rừng đáp:

Ý dứt, ta theo nàng

Mắt xanh như ghẻ dữ

Như bị dây khóa vòng

Như ngục tù giam giữ.

Mèo mắt xanh nói:

Không cùng ta đồng lòng

Nói chi lời gai góc

Có dụng ý gì chăng?

Lòng ta buồn rười rượi.

Đức hạnh ta vang lừng

Làm gì lưu xú uế

Nào, muốn bỏ ta chăng?

Ta đi xa biệt xứ.

Gà rừng đáp:

Ngươi quyến rũ đi xa

Hung tệ như mãng xà

Tuy lông ngươi mềm mại

Nhưng không muốn sánh đôi.

Mèo rừng nói:

Mau đáp thẳng xuống đây

Ta có điều tỏ bày

Góp lời cùng thân thích

Trình cho cha mẹ hay.

Gà rừng trả lời:

Vợ ta còn son trẻ

Đoan trang, tâm tốt lành

Nết na và đức hạnh

Lòng ta xa sao đành.

Mèo rừng nói:

Ở đây dạy dỗ nghiêm

Gà nhà theo chánh giáo

Trong nhà có tôn trưởng

Phép tắc được giữ gìn.

Cây dương liễu ngoài hiên

Mọi người đều cung kính

Quanh năm đều tốt rậm

Như Phạm chí thờ lửa.

Đem thế lực nhà ta

Phụng thờ các Phạm chí

Tốt lành nhiều con cháu

Lại được nhiều của báu.

Gà rừng đáp lại:

Trời thỏa nguyện ngươi đó

Lấy gậy Phạm đánh cho

Ở đời có pháp gì

Sao lại muốn ăn gà?

Mèo rừng lại nói:

Ta sẽ không ăn thịt

Bộc lộ ý trong lành

Đối chư Thiên thờ dạy

Ta mong được việc này.

Gà rừng lại dùng kệ đáp:

Ta chưa từng nghe thấy

Mèo rừng mà tu hành

Ngươi muốn diệt ta nhanh

“Ăn gà ” là mơ ước.

Cây và quả phân khác

Giả cười lời đẹp hay

Ta trọn chẳng tin mày

Làm sao ăn gà được.

Tánh ác bộc lộ hết

Mặt như máu đỏ thâm

Mắt thì xanh như chàm

Ngươi cứ phải ăn chuột.

Trọn chẳng ăn gà được

Sao chẳng bắt chuột đi?

Mắt xanh, mặt đỏ lừ

Tên mèo, lúc hô hoán.

Ta lông thảy dựng đứng

Nhanh trốn đi cho rồi

Đời đời xa lìa ngươi

Ý nào gặp nhau được.

Bấy giờ, mèo rừng lại nói;

Lành đâu tại sắc mặt

Đoan chánh cũng vậy thôi

Xét phép tắc oai nghi

Xem tu nhân tích đức.

Đủ hành vi tích cực

Lại phương tiện, thông minh

Gia thế rõ sự tình

Chưa từng ai sánh kịp.

Ngày ngày ăn mặt đẹp

Ta hay tắm gội thường

Bày ca múa tưng bừng

Nếu được ngươi bảo bọc.

Ta vì ngươi chải tóc

Và chăm sóc rửa chân

Đến đây xem đùa không?

Rồi yêu ta chẳng muộn.

Lúc ấy, gà rừng đáp:

Lòng ta đầy tự ái

Khiến sợ người chải đầu

Nếu cùng ngươi thân cận

Chắc chẳng sống lâu đâu

Đức Phật bảo với các vị Tỳ-kheo:

-Nên biết con mèo rừng lúc đó nay là Tỳ-kheo Chiên-già, còn con gà là tiền thân của Ngài. Kiếp xưa gặp nhau, đời này cũng thế.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 7: Đức Phật Thuyết Giảng về Việc Tranh Người Con Gái Ở Đời Trước

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ Điều-đạt tâm niệm độc hại tự cho mình đạt được đạo, bài báng Đức Như Lai. Mọi người đều trách mắng ông. Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương, tất cả đều khuyên nhủ:

-Chớ nên có ý hại đến Đức Như Lai, không được bài báng Đức Thế Tôn. Đức Phật là Đấng Chí Tôn của tất cả chúng sinh trong ba cõi, chứng trí tuệ ba đạt không hề bị ngăn ngại, trên trời dưới đất không ai là không quy mạng. Làm sao lại phỉ báng Ngài? Tội lỗi thật không thể lường được! Nhà ngươi muốn hủy báng Đức Phật, chẳng khác nào đưa tay muốn vói lấy mặt trời, mặt trăng; như đem một hạt bụi mà muốn vượt hơn núi Tu-di; như cầm một sợi lông mà đo lấy hư không.

Ông Điều-đạt nghe những lời khuyên ấy nhưng tâm không cải hối. Khi ấy, các vị Tỳ-kheo đều thưa với Đức Phật để rõ về việc đó:

-Ông Điều-đạt có hiềm khích gì mà ôm lòng oán thù Ngài quá vậy?

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Ông Điều-đạt chẳng phải chỉ mới đời này mà nhiều đời đã như thế.

Đức Phật kể:

-Về thời xa xưa, trải qua vô số kiếp, có một vị Phạm chí rất giàu có, tài sản vô kể, sinh được một người con gái xinh đẹp, đoan chánh, dịu dàng, nhan sắc có một không hai. Các Phạm chí cho đây là một dòng họ hơn người: đã là xử nữ thì phải sánh đôi với kẻ thông hiểu sách vở. Lúc đó, vị Phạm chí mời năm trăm người đồng học về nhà cúng dường ba tháng để xem xét về chỗ hiểu biết của họ. Trong năm trăm người này, có một vị trí tuệ vượt trội, học thấu ba kinh, rộng thông năm điển, văn chương rành mạch, hợp với nghĩa kinh, hạch hỏi, tìm lỗi thì không có chỗ nào còn nghi ngờ, nên được mời ngồi ở chỗ cao hơn hết, nhưng có điều là ông ấy quá già lão, mặt mày lại xấu xí, hai mắt lại xanh, xem chẳng giống người. Vợ chồng vị Phạm chí buồn rầu, còn cô con gái cũng phiền muộn lo lắng. Làm sao mà cùng với người đó nên vợ chồng được, nàng sợ chẳng khác nào sợ quỷ. Đang lúc chưa biết phải làm sao, thì từ phương xa có một vị Phạm chí trẻ tuổi, dung mạo đẹp đẽ đến. Vị Phạm chí này tinh tường ba kinh, thông đạt năm điển, biết rõ thiên văn, địa lý, thấu được mọi việc tai biến lành dữ. Ông cũng biết cả sáu phép đánh bạc, biết các yêu thuật quái dị, xem được thai đang mang là trai hay gái, sinh con khó hay dễ. Ông có lòng thương xót mười phương chúng sinh, đến cả các loài bò, bay, máy, cựa, luôn thể hiện bốn đẳng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Hộ (Xả). Ông nghe biết vị Phạm chí rất giàu có, lại thuộc dòng họ tiếng tăm, đã mời năm trăm người đồng học đến cúng dường trong ba tháng và muốn gả con gái, nên tìm đến thẳng gia đình ấy. Ông vấn nạn các vị Phạm chí kia, khiến cho những vị này trở nên lúng túng, không tìm được lời đáp lại. Năm trăm người ấy trí tuệ không bì kịp, đành để vị Phạm chí trẻ tuổi đó chiếm ngôi thượng tọa. Bây giờ, cô gái và cha mẹ cô thấy vậy đều rất hoan hỷ, cho rằng mình cầu hôn cho con gái đã lâu ngày, nay được như nguyện. Vị Phạm chí đáng kính nói:

-Ta nay tuổi đã già, muốn gả chồng cho con gái đã lâu. Nếu nay ta đúng như mong ước giao con gái ta cho ngươi làm vợ, ngươi nên yêu thương ta tuổi già, chớ hủy nhục nó.

Vị Phạm chí tuổi nhỏ đáp:

-Tôi không thể vượt khuôn phép mà phải theo đúng tình người, tôi xin nhận, tổi biết mình phải làm gì đối với ngài.

Ba tháng cúng dường đã hết, vị Phạm chí giàu có đem con gái giao cho vị Phạm chí trẻ tuổi. Vị Phạm chí già nua kia ôm lòng độc ác, nghĩ: “Ngươi đã làm nhục mà đoạt vợ của ta, đời đời ta oán thù ngươi, tìm cách hại và làm nhục ngươi, quyết không để yên cho ngươi đâu.”

Người Phạm chí trẻ tuổi luôn thể hiện tâm từ bi, còn người Phạm chí già nua kia thì cứ ôm lòng độc hại.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Người Phạm chí già nua thời ấy nay là Điều-đạt, còn vị Phạm chí trẻ tuổi chính là Ta, người con gái kia chính là Cù-di. Đời trước đã kết, đời nay khó giải.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không vui vẻ lãnh hội.


Kinh 8: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Ngọc Bị Rơi Vào Trong Biển

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa ở núi Linh thứu thuộc thành Vương xá cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, tất cả các vị đại Thánh đều đã đạt được thần thông.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo tụ tập ở giảng đường, cùng nhau bàn luận:

-Đức Thế Tôn của chúng ta, từ vô số kiếp luôn tinh tấn tu hành, không chút biếng trễ, không còn bị vây buộc với nạn sinh tử trong năm đường, dốc mong được giác ngộ để cứu độ tất cả chúng sinh. Do luôn hành tinh tấn, Ngài đã vượt qua chín kiếp, chứng được đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là Bậc Tối Chánh Giác. Chúng ta là những kẻ mới được Ngài thi ân hóa độ, phải nên noi theo để tu tập.

Lúc ấy, Đức Phật từ xa nghe lời bàn luận của các vị Tỳ-kheo đó, liền đến giảng đường hỏi các vị đã bàn luận điều gì? Các vị Tỳ- kheo thưa:

-Chúng con đang bàn luận: Đức Thế Tôn công đức thật vòi vọi không lường, từ nhiều kiếp đến nay luôn tinh tấn tu hành chẳng chút chán nản, không xa lánh những gì khó khăn, siêng năng khổ nhọc để cầu đạo, nhằm tế độ muôn loài không bị rơi rớt giữa chừng, tự chứng được đạo quả Phật-đà, chúng con nhờ ân ấy mà được hóa độ.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Thật đúng như lời các ông vừa nói. Ta từ vô số kiếp đến nay, luôn dốc tinh tấn cầu đạo, không chút nhác lười. Vì thương xót chứng sinh, muốn độ cho họ được giải thoát. Nhờ ở sự tinh tấn ấy, vượt qua chín kiếp, chứng được quả Phật trước khi Phật Di-lặc ra đời. Ta nhớ về đời quá khứ, vô số kiếp trước đây, thấy dân chúng trong nước vô cùng nghèo khó, thương xót họ, phải tìm cách gì để giúp họ được no đủ. Ta nghĩ là phải vào biển để kiếm được ngọc Như ý mới mong cứu giúp họ được. Bèn gióng trống, khua chuông kêu gọi ai muốn vào biển để tìm kiếm châu báu. Mọi người tụ hội lại khá đông. Khi sắp lên thuyền, ta ra lệnh chỉ rõ: Đi biển lần này là xa cha mẹ, chẳng luyến tiếc vợ con, xem thường sự sống chết của bản thân, có như vậy thì mới nhập bọn. Sở dĩ như thế là vì có ba cái nạn ở biển cả: Một là ngoài biển có loài cá lớn, dài đến hai mươi tám ngàn dặm; hai là quỷ thần, La-sát luôn muốn lật đắm thuyền chúng ta; ba là núi bị chấn động. Ta nói điều này để sau khỏi có kẻ oán trách.

Vừa nghe nói xong, mọi người đều thoái chí. Chỉ có năm trăm người một lòng kiên quyết ra đi. Thế là họ nhìn chiều gió, dong buồm ngồi thuyền ra đi, đến thẳng biển của Long vương để trước hết là tìm cầu ngọc Như ý. Long vương thấy họ siêng năng, khó nhọc mới đến được biển, muốn giúp đỡ kẻ nghèo khó, nên lấy ngọc cho họ. Những người đi tìm ngọc, ai nấy đều lo thu nhặt của báu, đã đầy đủ rồi thì họ lên thuyền trở về. Các rồng ở trong biển và quỷ thần đều bàn với nhau:

-Ngọc Như ý này là của quý báu nhất ở biển, không thể để cho người thế tục lấy được, sao lại làm tổn hại cho biển cả mà làm lợi cho cõi Diêm-phù-đề?

Chúng đâm ra tiếc rẻ nên tìm kế đoạt lại, chứ chẳng chịu mất ngọc báu về tay loài người. Lúc ấy, rồng và quỷ thần ngày đêm bao vây họ nhiều vòng, quyết đoạt cho được ngọc báu kia. Vị Thầy dẫn đường cho các người đi tìm ngọc ấy oai đức cao vời, đám quỷ thần và rồng tuy muốn lật thuyền để đoạt ngọc Như ý, nhưng sức của chúng không đủ. Vị Đạo sư và năm trăm người đi lấy ngọc đều yên ổn vượt biển. Bồ-tát (vị Đạo sư) mừng rỡ, cho thuyền dừng lại bên bờ biển, cúi đầu xuôi tay chú nguyện thần biển, cột châu báu ở nơi cổ. Khi đó, rồng và quỷ thần nhân cơ hội ấy đã làm cho ngọc báu rơi hết xuống biển.

Vị Đạo sư hết sức xót xa, nghĩ: “Ta đi thuyền gian khó, khổ sở không kể xiết, vào biển mới lấy được của báu này để cứu đói cho mọi người. Nay thần biển lại đem đổ xuống đáy sâu!” Ngài bèn bảo người hầu cạnh mau đem vật dụng đến để hút nước biển cạn đến đáy bùn, nếu tìm không được ngọc báu ấy thì không thể chấm dứt. Có đồ hút nước biển rồi, ngài dốc hết sức lực mình chẳng nề gian khó, không tiếc đến tánh mệnh, làm cho nước tự nhiên bị hút vào vật dụng kia. Các quỷ thần và rồng thấy sự việc như thế, lòng đều lo sợ, cho rằng người này uy thế và sức tinh tấn như vậy thật chẳng phải người đời có được. Nếu để ông ấy cho hút nước thì chẳng bao lâu biển sẽ cạn kiệt. Nghĩ thế nên chúng liền mang ngọc báu đến xin trả lại và tạ từ:

-Chúng tôi không lượng sức mình, chẳng hiểu được sức mạnh tinh tấn vô địch trong thiên hạ của bậc Đạo sư!

Thu lại của báu trở về nước, ngài quán tưởng về vật ấy, cầu nguyện khiến trời mưa bảy thứ báu, rồi đem của đó cung cấp cho thiên hạ khiến mọi người đều được an vui, no đủ.

Đức Phật bảo:

-Vị Đạo sư ngày ấy chính là tiền thân của Ta, năm trăm người theo Ta lấy của báu nay là đệ tử của Ta đấy. Ta là người hướng dẫn mọi người tinh tấn xông vào biển cả, lấy được của báu đem về, cứu giúp mọi người cùng khổ. Đến nay Ta đã chứng được quả vị Phật, ra khỏi sinh tử, được trí tuệ vô lượng, tế độ chúng sinh không hề sót một loài nào.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ-kheo thảy đều hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 9: Đức Phật Giảng Thuyết về Chuyện Tỳ-kheo ni Chiên- xà ma Bộc Chí Hủy Báng Đức Phật

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Lúc bấy giờ, quốc vương Ba-tư-nặc thỉnh Đức Phật và các vị Tỳ-kheo vào cung thọ trai. Đức Phật cùng các vị đại Tỳ-kheo và Bồ- tát rời khỏi khu lâm viên, Trời, Rồng, Thần, Quỷ cùng quyến thuộc vây quanh. Trời Đế Thích, Phạm thiên và Tứ thiên vương rải hương hoa, tấu nhạc trời cúng dường ở trên cao, cùng rưới nước hương thơm xuống đất. Đang lúc Đức Phật cùng đại chúng vào thành Xá- vệ nhằm đến thẳng vương cung thì có Tỳ-kheo-ni tên là Bộc Chí, dùng một khúc cây cột trong bụng giống như đang mang thai, tới kéo áo Đức Phật kêu lên:

-Ông là chồng tôi, từ khi thành thân không hề cung cấp quần áo, lương thực cho bản thân tôi, cớ sao như thế?

Khi ấy, các vị trong đại chúng Trời, Người, Đế Thích, Phạm thiên, Tứ thiên vương cùng chư Thiên, Quỷ thần và dân chúng trong nước thảy đều kinh hoàng. Họ đều biết Đức Phật là Đấng Chí Tôn của ba cõi, tâm luôn thanh tịnh còn hơn ngọc Ma-ni, trí tuệ tươi sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng, một mình cất bước trong ba cõi, không một ai có thể sánh kịp. Ngài hàng phục các tà thuyết, tất cả chín mươi sáu loại thảy đều quy kính, đạo đức cao dày, lồng lộng, không thể kể xiết! Như hư không vô hình không hề bị ô nhiễm, tâm Đức Phật còn hơn thế nữa, không một ai có thể sánh ngang hàng với Ngài được. Vị Tỳ-kheo-ni này đã là đệ tử của Phật, tại sao lại ôm lòng xâu ác muốn hủy hoại Đức Như Lai?

Lúc ấy, Đức Thế Tôn nhận thấy rõ tâm ý của mọi người, muốn dứt trừ mối nghi cửa họ, bèn ngước nhìn lên cao, vừa đúng lúc trời Đế Thích hiện xuống hóa làm một con chuột nhỏ, cắn đứt dây cột khúc gỗ nơi bụng của Bộc Chí, làm cho khúc gỗ rơi xuống đất. Mọi người thấy sự việc như vậy, vừa giận, vừa mừng, cho là do đâu mà có sự việc kỳ quái này. Vua Ba-tư-nặc tỏ ra giận dữ, bảo là vị Tỳ- kheo-ni này đã lìa bỏ gia đình, sự nghiệp, làm đệ tử Đức Phật, đã không tán dương công đức vô lượng, vô biên của Đức Như Lai mà ngược lại ôm lòng ganh ghét, bài bác Đức Đại Thánh! Vua liền ra lệnh cho người hầu đào hố sâu để chôn ngược bà ta. Đức Phật khuyên giải nhà vua:

-Chớ nên như thế! Đó là tội đã tạo ra từ kiếp trước của ta, không chỉ riêng bà ấy muốn hại.

Đức Phật kể:

-Thuở đời quá khứ xa xưa, có một nhà buôn bán rất nhiều ngọc quý, ngọc ấy vừa tròn trịa, vừa xinh đẹp. Bấy giờ, có một phụ nữ đến mua ngọc, giá cả gần xong thì ngẫu nhiên cùng lúc có một người đàn ông đến cho giá cao, mua hết số ngọc đó, mua xong ra đi. Người phụ nữ không mua được ngọc, lòng tức giận, nhưng cũng đến xin người đàn ông chia bớt cho mình, mà ông ta nhất định không chịu. Vị ấy rất oán giận, nghĩ: “Ta đến mua ngọc trước, ngươi đến sau, lại đoạt mua hết, xin chia bớt, ngươi cũng không chịu! Ngươi đã làm nhục ta, đời đời ta phải báo cái oán này. Ngươi đã hủy nhục ta, hối không kịp đâu.

Phật nói với các Tỳ-kheo, quốc vương và mọi người:

-Nên biết người đàn ông mua ngọc đó chính là thân Ta, còn người đàn bà mua ngọc ngày ấy nay là bà Bộc Chí. Do ôm mối hận đó mà sinh ra ở đâu, bà cũng tìm cơ hội bài bán Ta.

Đức Phật giảng nói chuyện ấy, mọi người đều dứt hẳn nghi ngờ, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 10: Đức Phật Thuyết Giảng về Con Ba Ba Và Con Khỉ Chúa

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo hội họp, bàn luận:

-Tỳ-kheo-ni Bộc Chí ấy đã rời bỏ gia đình, sự nghiệp, xuất gia học đạo, quy mạng Tam bảo, Đức Phật là cha, giáo pháp là mẹ, chư vị Tỳ-kheo là huynh đệ, vốn dốc lòng; theo đạo pháp làm Sa-môn, tuân giữ con đường đạo mà tu tập, dứt trừ ba độc cấu nhiễm, cúng dường, hầu hạ Phật pháp và các Tỳ-kheo Tăng, thương xót chúng sinh, thường hành bốn tâm vô lượng, mới có thể được giải thoát. Vậy mà ngược lại, bà đã ôm lòng độc ác, hủy báng Đức Phật tôn quý, khinh rẻ chúng Tăng, thật là điều quái lạ chưa từng có!

Đức Phật nghe rõ việc này, nên đến hỏi các vị Tỳ-kheo:

-Các thầy bàn luận về chuyện gì?

Các vị Tỳ-kheo trình bày với Đức Phật các điều đã bàn. Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Tỳ-kheo-ni ấy, chẳng phải chỉ đời này mới có ý ác hại Như Lai mà nhiều đời về trước cũng đã từng như vậy.

Ta nhớ lại từ vô số kiếp trong quá khứ, có một con khỉ chúa ở trong rừng cây, ăn trái cây, uống nước lã, lòng luôn thương xót đối với tất cả người và vật, muốn độ cho tất cả đều đạt đến cõi vô vi, giải thoát.

Nó cùng với một con ba ba kết bạn thân mật, kính trọng chẳng hề nghịch nhau. Thỉnh thoảng con ba ba đến chỗ con khỉ chúa ăn uống đàm luận những chuyện thích đáng, hợp nghĩa lý. Vợ con ba ba thấy chồng ra đi nhiều lần cho là có chuyện ngoại tình, liền hỏi chồng:

-Chàng đã nhiều lần ra ngoài, làm gì ở đâu, lấy gì làm chắc là chàng không làm việc vô đạo, phóng túng ở bên ngoài?

Con ba ba chồng đáp:

-Ta với khỉ chúa kết làm bạn thân. Hắn thông minh, trí tuệ, lại hiểu nghĩa lý. Ra khỏi nhà là đến đó ngay, ta với hắn bàn luận kinh pháp, chỉ nói những điều phải, không hề phóng túng.

Vợ không tin lời chồng nói. Nó giận con khỉ chúa dụ chồng nó đi lại nhiều lần, nên có ý đồ muốn giết con khỉ. Nhân chồng đang ở nhà, nó giả vờ bệnh nằm liệt giường. Chồng nó vất vả chạy thầy chạy thuốc để trị liệu, nhưng chẳng ăn thua gì. Nó bảo với chồng:

-Sao phải vất vả, tốn hao thuốc men, bệnh ta nặng lắm, phải lấy được gan của con khỉ bạn thân của chàng, dùng gan ấy chữa thì mới lành!

Chồng đáp:

-Đó là bạn thân của ta, đã trao gởi thân mạng cho nhau chẳng chút nghi ngờ, thì làm sao toan lấy gan nó mà trị bệnh cho nàng được?

Vợ nói:

-Đã là vợ chồng với nhau, hai ta chỉ là một, sao chàng lại chẳng lo cứu giúp thiếp?

Phản lại con khỉ là chẳng hợp với đạo nghĩa, nhưng sợ vợ và bị vợ bức bách nên ba ba phải đến mời con khỉ chúa. Hắn nói:

-Ta nay qua lại nơi ở của anh, nhưng anh chưa hề quá bộ đến cửa nhà tôi. Nay tôi mời anh đến nhà ăn bữa cơm.

Khỉ chúa đáp:

-Tôi ở trên đất, anh ở dưới nước, làm sao đến nhà anh được?

Ba ba đáp:

-Tôi sẽ cõng anh, như thế cũng thích hợp đấy!

Con khỉ chúa bằng lòng theo. Đi được nửa đường, ba ba nói với khỉ chúa:

-Hẳn anh muốn biết vì sao tôi đến mời anh chớ gì? Đó là vợ tôi bị bệnh hiểm nghèo, muốn có được lá gan của anh để ăn thì mới dứt được bệnh.

Khỉ chúa nói:

-À ra vậy, sao anh không nói sớm, tôi đã treo gan trên cây rồi, không đem theo đây, để tôi trở về lấy đã.

Thế là cả hai trở lại, đến nơi, con khỉ bèn nhảy vọt lên cây, vui mừng nhảy nhót. Ba ba hỏi:

-Sao ngươi không lấy gan mang theo đến nhà ta, mà lại thót lên cây nhảy nhót lăng xăng thế?

Khỉ chúa đáp:

-Thiên hạ không ai ngu hơn ngươi, gan mà làm sao treo trên cây được. Ngươi cùng với ta đã là bạn, thân mạng ký thác cho nhau, mà ngươi lại có ý đồ hại ta, thì từ nay về sau, hai ta mỗi người một ngả.

Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Vợ của con ba ba ấy nay là bà Bộc Chí, con ba ba là ông Điều-đạt, còn con khỉ chúa là tiền thân của Ta.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.

    Xem thêm:

  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Sinh Ra Tâm Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Sư Tử Nguyệt Phật Bản Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Từ Thị Sở Thuyết Đại Thừa Duyên Sinh Thí Dụ Cây Lúa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Tử Ta Vạt Nẵng Pháp Quy Y Tam Bảo Khỏi Sinh Vào Ác Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 5 – Kinh Không Uế Nhiễm (Anangana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Nhiễu Loạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng