Kinh 46: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh về Vua Tôi
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại núi Linh thứu thuộc thành Vương xá cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Bấy giờ, các vị Tỳ-kheo đều tự nghĩ: “Nhờ uy thần của chư Phật, chư Thiên cảm nhận nên đạt được những điều chưa từng có. Trong khi Đức Thế Tôn thường đem lòng Từ bi thương xót để đối xử với mọi người, thì ngược lại, ông Điều-đạt luôn có ý muốn hại Đức Như Lai. Đức Phật luôn lấy lòng đại Bi để đáp lại ông.” Hoặc có vị Tỳ-kheo nói như thế này: “Đã từng trải qua, lẽ nào Đức Thế Tôn lại không biết tâm địa của ông hung ác, độc hại mà còn cho ông ấy cạo tóc xuất gia.” Hoặc có những vị Tỳ-kheo bảo với nhau: “Đức Phật đã thừa biết tâm địa cửa ông Điều-đạt là hung ác, nguy hiểm, dối trá.” Hoặc có lời dị nghị rằng: “Có ai cho ông Điều-đạt cạo bỏ râu tóc làm Sa-môn đâu”.
Đức Phật từ xa đã biết được các vị Tỳ-kheo cùng nhau bàn bạc việc này, nên liền đến đó, nói với các Tỳ-kheo:
-Ông Điều-đạt hung ác kể sao cho xiết, nếu dùng lời thì không có lời nào nêu bày hết. Đức Phật nói tiếp:
-Đúng như thế đây! Như các vị Tỳ-kheo đã nói, ông Điều-đạt ấy thường đem lòng độc ác mưu hại Như Lai. Nhưng Ta luôn đem lòng Từ bi để hàng phục ông ấy, từ nhiều đời quá khứ xa xưa khó kể hết được. Từ đó về sau, Phật đã biết ông Điều-đạt hung ác, tâm địa đầy gian trá, vẫn liên tục đem lòng Từ bi mà hàng phục, cho nên để cho ông ấy làm Sa-môn là muốn cho ông ta tạo dựng, thu nhiếp, lấy đức thiện để làm căn bản. Do nhân duyên ấy mà được xuất gia, được cứu giúp, che chở. Ông Điều-đạt chẳng phải chỉ mới đời nay luôn tìm các phương tiện để bày tỏ lòng độc ác mưu hại Ta và Ta vẫn luôn đem lòng Từ bi hết sức chân thành rộng lượng mà hàng phục ông ấy. Trong quá khứ xa xưa, vô số kiếp về trước, ở thành Ba-la-nại có vị quốc vương hiệu là Đại Do, dùng pháp luật trị nước, không bức bách muôn dân. Nhà vua có vị đại thần tên là Mật Thiện Tài, thông minh đa trí, không điều gì là không biết, danh tiếng đức độ thật xuất chúng, khác thường, không giống với người đời. Tánh tình ông thuần hậu một cách đặc biệt, luôn hòa nhã, an định, không chút lo lắng, thường đem lòng Từ bi thương xót đối với tất cả muôn loài, ý chí luôn mềm mỏng, dịu dàng. Vị vua kia không có lòng thương xót của người Thích tử, chí không từ bi, thường xét nét lỗi của người khác, muốn chinh phục được người, tâm địa hung ác, không một chút tốt đẹp. Khi ấy, nhà vua cùng với đại thần Mật Thiện Tài gặp nhau, vua Đại Do nói với đại thần:
Người ta phải ăn nói như thế nào thì thu đạt được nhiều an lành, không dẫn đến nguy hại mà còn được ích lợi lâu dài? Rồi vua còn dùng kệ ca tụng:
Ta nói ít, lợi nhiều
Chẳng nhẫn được lâu dài
Nhẫn nhục nên vứt bỏ
Mật Thiện Tài nghĩ sao?
Đại thần Mật Thiện Tài dùng kệ đáp:
Đại vương là mầm sân
Lòng thường hay giận hờn
Không hại, không sân giận
Đó là hạnh chánh chân.
Nhà vua dùng kệ nói:
Lấy gì được ngủ yên?
Làm sao không lo phiền?
Lấy gì chỉ một pháp
Hạnh mật đến tài lành?
Sao Thánh hiền khen ngợi,
Đến chết chẳng lo buồn?
Ai gánh vác việc ấy,
Dứt sầu không lo toan?
Vị đại thần dùng kệ đáp:
Bỏ sân được ngủ yên
Trừ giận hết ưu phiền
Gốc độc là giận dữ
Đại vương nên biết rõ.
Hiền thánh khen điều này
Duyên đó không lo lắng
Đáp vua dùng nghĩa thẳng
Hạnh nhẫn nhục ngợi khen.
Tiêu hủy hết oán hờn
Lấy nghĩa ấy đáp lại
Khuất phục nhờ phân giải
Được tiện không đẩy xô
Hung ác đừng thêm vô
Đứng trên đức bình đẳng.
Đức Phật bảo cho các Tỳ-kheo biết:
-Quốc vương Đại Do lúc ấy là ông Điều-đạt, còn vị đại thần Mật Thiện Tài là bản thân Ta. Khi Ta chứng đắc Phật đạo, đã diễn nói đầy đủ về gốc ngọn của sự việc này.
Đức Phật thuyết giảng như thế, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 47: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh về Vua Quạ Ở Nước Câu-tát la
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị.
Khi ấy vừa sáng sớm, Đức Thế Tôn khoác y mang bát vào thành khất thực. Quốc vương Ba-tư-nặc có bốn vị đại thần được bổ làm bốn tướng, hiệp với bốn thứ binh mã nhằm đi chinh phục một nước nhỏ ở phương khác. Lúc ấy, bốn vị đại thần từ xa trông thấy Đức Thế Tôn và chúng Tăng, liền đến thẳng chỗ Đức Phật, cung kính đảnh lễ nơi chân Ngài rồi lui ra đứng sang một bên. Đức Thế Tôn hỏi họ:
-Chư vị nhân giả, các vị muốn đi đâu đấy?
Các đại thần đáp:
-Vua Ba-tư-nặc sai chúng con dẫn theo bốn binh mã để đi chinh phục một nước nhỏ ở nơi khác. Thưa Đức Thế Tôn, thân chúng con đã vì vua của nước này, góp nhiều công lao để xây dựng với biết bao khó nhọc, nguy hiểm đe dọa đến tánh mạng. Nay chúng con phải đi xa, đi chiến đấu để chinh phạt. Công việc ra đi của chúng con là như thế.
Đức Thế Tôn khen:
-Hay thay! Hay thay! Các Hiền giả thật khó ai sánh kịp, việc làm của các vị cũng thế. Đó là báo ân, thể hiện sự đền đáp, cho dù việc làm chỉ ít thôi nhưng chỗ làm ấy không hề mất. Thân của các vị nhận lấy bổng lộc của vua đương nhiên là phải làm việc. Công việc ấy là tốt đẹp, vì hình thức điều hành rất thận trọng đúng pháp, ắt trở thành kẻ sĩ chân chánh, vừa báo đáp được ân lớn của nhà vua đối với bề tôi, tức thể hiện sự đền đáp qua lại. Các Hiền giả hãy nghe cho rõ, chẳng phải chỉ đời này, các ông mới vì quốc vương mà tạo dựng, thành tựu được nhiều công trạng, khó ai bì kịp, về thời quá khứ xa xưa, ở nước Sa-kiệt, có rất nhiều bầy quạ bay đến tụ tập, dừng nghỉ, trong đó có một con quạ chúa tên là Cam Giá một mình làm chủ cả bầy quạ tám vạn con. Quạ chúa có vợ tên là Cựu-lê-ni lúc ấy đang có thai muốn ăn thứ đồ ăn khó kiếm, nên nghĩ: “Muốn được ăn thịt nai chúa”.
Muốn được ăn thứ thịt ấy, nên nó khẩn cầu quạ chúa:
-Nay thân tôi có điều ước nhỏ thế này, là nếu được ăn thịt mềm của nai chúa thì sống, còn không được ăn chắc là phải chết.
Lúc đó, vua nước Sa-kiệt, vì muốn ăn thịt nai chúa mềm ngon nên đã sai thợ săn đi tìm kiếm, hễ bắt được thì đem về dâng vua. Bấy giờ quạ chúa nghe lời vợ, họp bầy quạ lại bảo:
-Các ngươi phải đi đến chỗ quốc vương Sa-kiệt, ở đấy có một con nai chúa hình dáng to lớn tến là Tu-cụ-dạ, đã bị đám thợ săn bắt được, phải lấy được thịt nai ấy đem về.
Khi ấy, bốn con quạ ứng đáp:
-Chúng tôi xin đảm nhận việc đi lấy thịt nai chúa ngon mềm cho quốc vương, chúng tôi không hề tiếc thân mạng, sẽ xin hoàn thành việc này. Đừng cho các con quạ khác đi theo sau chúng tôi.
Thế rồi bốn con quạ nhiều lần bay đến chỗ nhiều người tụ họp động đảo. Chúng bàn với nhau:
-Dùng phương tiện gì để lấy được thịt đây?
Cùng lúc, sứ giả của quốc vương báo cho thái tử:
-Quạ luôn bay đến, phải lo giữ gìn, đề phòng và đuổi chúng đi xa.
Không được như ý muốn, các con quạ trở về điều động cả bầy quạ đến để nhanh chỏng lấy thịt nai chúa đem về.
Người con của quốc vương thấy cả bầy quạ quá đông nên sợ hãi bỏ chạy về tâu với vua, thưa lại đầy đủ sự việc ấy. Quốc vương hỏi:
-Quạ từ đâu bay đến như thế?
Thái tử tâu:
-Con thấy bốn con quạ hình sắc khác lạ, thường thường bay đến vườn nai kia. Con cũng đôi lần đuổi đi, sau đấy bốn con quạ lại xuất hiện với cả bầy đông đảo. Vua Sa-kiệt ra lệnh cho người bên ngoài lo việc bắt quạ. Người thợ săn đem theo chim ưng đến để bắt quạ. Bốn con quạ thấy thế, sợ nguy đến tánh mạng nên lẩn tránh. Do vậy, người thợ săn đến bắt chim ưng về và liền thay đổi biện pháp. Ông quan sát các diễn biến nơi đó, tạo ra cách giăng lưới để bắt quạ. Ông liền bắt sống được chúng dâng lên nhà vua. Lúc ấy, quốc vương Sa-kiệt mắng hỏi bốn con quạ:
-Các ngươi cớ sao lại hay đến đây xâm phạm cảnh giới của ta?
Bốn con quạ thưa:
-Tâu đại vương, chẳng phải là điều vui thú của chúng tôi, chúng tôi không mong đến nơi này, chỉ vì có một vị vua tên là An Trụ, cùng với tám vạn con quạ là quyến thuộc, vua ấy là tôn sư của chúng tôi. Người vợ của quạ chúa là Cựu-lê-ni đang mang thai nghén, khó ăn uống, đòi ăn cho được thịt nai Tu-cụ ngon mềm nên chúa quạ sai chúng tôi đến đây. Nhận lời chỉ bảo của vua, chúng tôi chẳng tiếc thân mạng, liều mình vào chỗ chết, để dốc sức phụng sự vua, chứ chẳng phải ý nguyện riêng của mình.
Quốc vương nghe được điều chưa từng có ấy, lấy làm ngạc nhiên, lạ lùng. Một đằng thì muốn ăn món ăn không thể kiếm ra được, một đằng thì tự nhận lời chỉ bảo của vua, tìm ra phương kế, chẳng tiếc thân mạng, vì đấng quân vương mà coi thường mạng sống, những việc làm đó hôm nay, thật không có gì sánh kịp, trên đời ít có. Muốn tìm người đời có sự đền đáp như thế, nghe lời dạy bảo của vua, của cha, hãy còn không thể được, huống gì là loài cầm thú. Loài cẩm thú mà biết tuân phụng lệnh vua, thật khó ai bì kịp, khó ai bì kịp, đúng là chưa từng có. Lúc đó, các con quạ vì vua mà nói kệ:
Xin nguyện đại quốc vương
Chúng tôi đến Sa-kiệt
Vì An Trụ thân thiết
Cùng quạ tám vạn con.
Lê-ni đòi ăn ngon
Muốn có thịt mềm tốt
Vườn nai ngài hơn hết
Đầy đủ món vua cần.
Vua chúng tôi lệnh ban
Chúng tôi phụng mạng đến
Nếu nhận được quân lệnh
Chẳng dám tự tới đây.
Quốc vương bèn nghĩ: “Việc này khó làm được, là việc chưa từng có.”
Rồi quốc vương bảo các con quạ:
-Ta tha tội lỗi của các ngươi, từ lúc này, các ngươi được giải thoát, không còn bị kềm chế nữa.
Đức Phật bảo các vị đại thần:
-Các ông có biết bản thân bốn con quạ thời đó là ai không? Nay là các ông, bốn vị đại thần đó. Còn vua An Trụ kia nay là vua Ba-tư-nặc. Hiện tại quốc vương, các binh sĩ, đại thần, quan lại và các ông đều được an toàn cũng như trước đây các ngươi đem tám vạn con quạ đi và được thoát nạn không gặp nguy hại.
Đức Phật đã thuyết giảng như thế, bốn vị đại thần, binh sĩ, quan lại và các thầy Tỳ-kheo thảy đều vui mừng lãnh hội.
Kinh 48: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Mật Cụ
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo hội đủ. Lúc bấy giờ, có ông Phạm chí bị mê hoặc do tà thuật của ngoại đạo, chẳng tin Phật pháp, muốn làm rối loạn Phật giáo. Ông đang dạo trong thành, từ xa thấy Đức Như Lai đi tới, ghét không muốn nhìn, liền tránh vào nhà khác để ông Sa-môn Cù-đàm không gặp được mình. Khi đó, Đức Đại Thánh rất thương xót ông Phạm chí nên hiện ở trước mặt ông, muốn trốn cũng không xong, muốn chạy đi cũng không sao chạy được, ông đành phải đến chỗ Đức Phật. Đức Thế Tôn vì ông thuyết giảng kinh pháp, ông vui mừng, lòng lành phát sinh, liền xin quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ trì giới cấm, đi nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đảnh lễ rồi ra về. Về đến nhà, ông liền lấy đồ đựng đầy mật ong, hai tay bưng đến chỗ Đức Phật và dâng lễ. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo đem bát mật đó phân chia đều khắp cho chúng Tăng. Chỉ có một bát mật, Phật và chúng Tăng dùng đầy đủ rồi mà bát mật ấy vẫn còn đầy như cũ. Chúng Tăng liền đem bát mật trao cho Đức Phật. Đức Phật bảo ông Phạm chí:
-Ông đem mật này đổ xuống chỗ nước lớn có nhiều dòng chảy.
Ông Phạm chí hỏi Đức Phật:
-Vì cớ gì?
Đức Phật nói:
-Vì trong nước có đầy đủ các thứ côn trùng, sâu bọ, sấu, giải, cá, ba ba thảy đều mong có được vị này.
Ông Phạm chí nghe lời, liền đem mật đến đổ vào trong nước, trở lại chỗ Phật, vừa sợ, vừa ngờ, buồn vui lẫn lộn, bồi hồi xúc động. Lúc ấy, Đức Thế Tôn cười vui, từ miệng Ngài đạo hào quang năm sắc phát ra, tỏa lên đến cõi Phạm thiên, chiếu khắp năm đường, soi tỏ tất cả, rồi trở lại nhiễu quanh thân Ngài ba vòng, thọ ký cho Bồ-tát thì hào quang theo đảnh đầu vào, thọ ký cho Duyên giác thì hào quang theo miệng vào, thọ ký cho Thanh văn thì hào quang theo khuỷu tay vào, nói phước đức trên cõi trời thì hào quang theo xương sống vào, nói việc thọ thân người thì hào quang theo đầu gối vào, nói về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì hào quang theo chân vào.
Khi đó, Tôn giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục cho ngay ngắn, đầu gối bên phải chạm sát đất, chắp tay bạch với Đức Phật:
-Đức Phật không cười suông, Ngài cười hẳn là có ý gì?
Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:
-Ông thấy không, ông Phạm chí đem mật dâng lên Phật, rồi mật ấy đem cho cúng Tỳ-kheo Tăng, vẫn còn thừa đem đổ xuống nước.
Tôn giả A-nan thưa:
-Vâng ạ!
Đức Phật nói tiếp:
-Nay ông Phạm chí hiện tại! về đời sau này trải qua hai mươi kiếp không bị đọa vào đường ác, qua hai mươi kiếp thì chứng được quả Duyên giác, tên là Mật Cụ.
Các Tỳ-kheo thưa:
-Thưa vâng Thế Tôn, chúng con đều thấy ông Phạm chí ấy chỉ dâng một bát mật mà đạt được nhiều lợi ích và chứng được quả Duyên giác.
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Ông Phạm chí ấy không phải chỉ mới đời này dâng một bát mật đạt được nhiều lợi ích, mà ở đời trước ông cũng từng làm như vậy.
Đức Phật kể:
-Về nhiều đời trong quá khứ không thể kể xiết, có một người Bà-la-môn đi vào nơi chốn vắng vẻ, tịch mịch, gặp nhiều vị Thần tiên đem lòng kính yêu. Người Bà-la-môn đó nghe người ta nói xưa nay bậc Tiên khó gặp, phải đến mà thưa trình xin gặp, có người bảo phải đem nhiều vật dụng ăn uống, y phục đến ra mắt. Khi ấy, có một Tiên nhân chứng đắc năm thứ thần thông, biết được điều nghĩ trong lòng ông Bà-la-môn, liền từ nơi chỗ vắng vẻ bên gốc cây bay vụt lên không trung và hiện ra trước mắt người Bà-la-môn ấy. Người này thấy vậy vui mừng vô cùng, lòng lành phát sinh, liền trở về nhà lấy đầy một bát mật đem đến dâng trao cho vị Tiên. Vị Tiên nhân nhận mật xong thì bay lên không trung. Do cái duyên thực hiện công đức ấy, nên đời sau làm quốc vương, tên là Mật Cụ. Nhà vua dùng luật pháp chân chính để trị nước nên nước được an ổn lâu dài, sau khi mạng chung thì được sinh lên cõi trời.
Đức Phật bảo cho các vị Tỳ-kheo biết là vị Tiên nhân chứng đắc năm thần thông chính là bản thân Phật, ông Phạm chí lúc đó nay là ông Phạm chí này. Thời ấy, bố thí mật được phước đức làm trời, người, từ duyên ấy đời nay cũng lại bố thí mật cho Đức Phật và về sau chứng được quả Duyên giác. Bấy giờ, Hiền giả A-nan dùng kệ tán dương Đức Phật:
Đức Phật đầy lòng Từ
Dốc sức độ mọi người.
Vì trời và nhân thế
Lo họ ngục không rời.
Cho nên làm Đấng Thiên Nhân Tôn
Nơi pháp từ bi tuôn mưa pháp
Đem tâm hoan hỷ khuyến khích khắp
Xuất gia vô số sinh cõi trời.
Nay vượt dứt lợi, người đều lợi
Nên đều vui lòng quy kính Phật
Cung kính ân cần tạo nhiều ít
Mạng chung đã tận gặp nơi an.
Đức Thế Tôn khen ngợi Hiền giả A-nan:
-Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Tôn giả đã nói. Lại nữa, này Tôn giả A-nan! Ta đã tạo vô số hạnh nguyện nên mới thành tựu được đạo quả hôm nay. Phật luôn cứu độ chúng sinh như mẹ nhớ nghĩ đến con.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.
Kinh 49: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tạp Tán
(Theo một bản khác thì kinh này là kinh thứ năm mươi)
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có người con trai của một vị Tỳ-kheo-ni xuất gia tu đạo, nhưng ưa tìm đến các nhà thế gian, cùng với đám bạch y tụ tập ăn nói xằng bậy thô tục, hành động bất nhất. Người mẹ lắm lần la rầy:
-Chớ nên như vậy, phải hạn chế sự đi lại. Chỉ nên đi lại khi có các hội thuyết pháp giảng kinh! Không được học đòi theo việc thế tục.
Cha anh ta cũng từng đã la rầy, nhưng người ấy chẳng chịu nghe lời dạy bảo của cha mẹ, cứ vào nhà thế gian gây gỗ với nhiều người. Anh ta cùng với bọn ác nhân, bọn chẳng ra gì truy đuổi nhau, chẳng may gặp đám quá hung dữ dùng quyền cước đánh tả tơi rồi đem ném xuống nước, nằm yên trong ấy hồi lâu mới vùng vẫy kêu la xin được cứu thoát. Cắc vị Tỳ-kheo nghe tiếng kêu ấy đã tìm tới cứu được anh ta đem về nhà. Sau đấy, các vị Tỳ-kheo đến thưa với Đức Phật nói rõ đầu đuôi. Đức Phật nói với các Tỳ-kheo:
-Người ấy đâu phải chỉ mới đời này không chịu nghe theo giáo dục của gia đình, có những hành động mê lầm sai trái như thế.
Đức Phật kể:
-Về thời quá khứ xa xưa, có các tổ quạ ở gần gũi với nhà con người, nhiều lần họ đã tò mò dò xét để bắt lấy, nên quạ vợ nói với chồng:
-Không nên làm tổ gần nhà con người, chớ tin nơi họ, nếu không thì ông chỉ nhận thêm bao thứ đau khổ, độc hại thôi!
Con quạ chồng nghe lời vợ nói, muốn rời bỏ nơi này, nhưng lòng còn lưu luyến chẳng thể dứt đi được. Người ta đã nhiều lần đến xâm phạm, quấy phá tổ quạ, vì quạ không chịu bỏ đi nên bị người ta bắt được, nhổ hết lông rồi lấy dây gai cột cổ. Khi ấy, trời có mưa dầm, đường sá lầy lội khó đi mà bay thì không thể được, nên quạ từ từ cố sức lết về đến tổ. Vợ quạ dùng kệ nói:
Ai mà lông trơ trọi
Hôm nay trời mưa dầm
Lấy dây gai làm áo
Đứng cửa gọi ầm ĩ.
Con quạ cùng kệ đáp:
Duyên số thân ta còn may mắn
Hôm nay gặp lúc trời mưa to
Nên mau mở cửa cho ta đấy
Đem gấp đồ ăn cứu mạng này.
Vợ quạ dùng kệ nói:
Ta nghĩ thế nào ra thế ấy!
Người thêu dệt đó là vì tham
Hiểm nguy nay gặp là như vậy
Sự thật này đây sau phải kham.
Lời nói của ta, ta chấp nhận
Đề hồ và sữa đã đầy mâm
Cầm bằng khổ nhọc tiêu tan hết
Đến chỗ vắng vẻ sống an nhàn.
Cách chỗ chúng không xa, có một vị đạo nhân Phạm chí là bậc thần tiên, thoáng nghe lời nói ấy nên dùng kệ chỉ dạy:
Không biết quả báo ác
Là duyên gặp khổ đau
Do đó chớ tạo tội
Sẽ không chịu ưu sầu.
Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:
-Có biết con quạ vợ thời ấy nay là ai không? Chính là vị Tỳ- kheo-ni kia, con quạ chồng chính là người con xuất gia làm Sa-môn, bị đánh đập, còn vị Tiên nhân lúc ấy là bản thân Ta. Ngày xưa gặp nhau, hôm nay cũng gặp lại.
Đức Phật đã thuyết giảng như thế, không ai là không vui mừng lãnh hội.
Kinh 50: Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Lư-đà
(Theo Đan bản thì kinh này là bài thứ bốn mươi chín)
Nghe như vầy:
Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo.
Bấy giờ, có một vị Tỳ-kheo mới tu học, là khách từ xa đến nước này, ông ta xin các vị Tỳ-kheo cho làm ỷ trù, các vị Tỳ-kheo không cho vì thấy ông ta đi đứng không đàng hoàng, cử động không rõ ràng, nếu giao cho ông ấy làm thì công việc sẽ hao hụt mất mát. Thế là ông ta lại đi đến chỗ khác để xin làm công việc ấy. Các Tỳ- kheo kia không chịu hỏi rõ gốc ngọn gì cả liền giao cho ông ta làm ỷ trù. Vị Tỳ-kheo trước hay được liền đến hỏi:
-Sao ông không hỏi rõ đầu đuôi về anh ta mà lại giao cho làm công việc đó?
Vị Tỳ-kheo này đáp:
-Tôi cho ông ấy làm ỷ trù vì thấy anh ta có thể tin cậy được, không gian trá, cũng là để giúp việc cho tôi trong những lúc cúng dường, có được một vị Tỳ-kheo đi đứng ung dung từ tốn, cử động không thô bạo, ra vào, tới lui đúng phép tắc, đó là người tốt chứ không phải hạng hung ác đâu?
Vị Tỳ-kheo chỉ riêng sống một mình ít đi ra ngoài. Ông tân học Tỳ-kheo bèn lấy hết y bát rồi bắt ông Tỳ-kheo chủ ấy dùng gậy đánh đập, trói bỏ dưới đất, còn bịt miệng để khỏi kêu la cho người ngoài nghe tiếng và ngay trong đêm đó, hắn ta chạy trốn mất. Trời vừa sáng, các vị Tỳ-kheo nghe tiếng kêu ú ớ, bèn chạy đến cởi trói và hỏi thăm ông. Ông kể hết đầu đuôi sự việc và nhờ các Tỳ-kheo chia nhau đi tìm bắt tên đó, đem y bát về cho ông. Các vị Tỳ-kheo trả lời:
-Chúng tôi đã nói với ông là không nên tin tưởng sai lầm, chớ cho ông ấy làm ỷ trù, ông không rõ, chỉ tự tin làm theo ý mình, không theo lời bọn tôi, sự việc đã rồi, nay mới thức tỉnh.
Các vị Tỳ-kheo đem việc này thưa đầy đủ với Đức Thế Tôn. Đức Phật bảo:
-Này các Tỳ-kheo, ông Tỳ-kheo ấy chẳng phải chỉ mới đời này mới bị kẻ hung ác kia chiếm đoạt của cải vì chẳng rõ gốc ngọn, vì đã tin tưởng sai lầm nơi kẻ khác, hễ đã gặp gỡ là ông liền bị xâm đoạt.
Đức Phật kể:
-Thuở quá khứ, có ông Phạm chí tên là Thảo-lư-đà dùng xe chở đồ sành sứ, xe có cửa nẻo chắc chắn, đang đi trên đường cái, từ xa trông thấy một đứa tớ trai đứng ven lối đi. Tên này nhìn thấy ông Phạm chí dần dần đi tới chỗ mình, thì sinh tâm xấu muốn cướp đoạt tài sản. Vừa mới gặp nhau là ông Phạm chí tin hắn liền. Ông nghĩ: “Người này thấy ta nên tìm đến để phụng sự, giúp đỡ, vậy là có thêm kẻ cộng tác, thêm kẻ thân thích cho ta.” Ông Phạm chí liền dùng kệ nói:
Người ở ngã tư đường
Dáng dấp phản phúc chăng?
Người chưa biết gốc ngọn
Chẳng lựa chọn tỏ tường
Người đi đường thấy đấy
Hạnh pháp sửa sạch trong
Không có điều hung ác
Giúp việc ta đảm đang.
Lúc ấy, các Phạm chí khác, bạn đi cùng đường đều nói:
-Chớ tin dùng người ấy, nếu không nó sẽ lừa dối ông rồi đoạt hết của cải của đồ vật đấy!
Họ dùng kệ nói:
Phạm chí không nên vừa gặp người
Ở giao lộ chớ vội tin ngay
Mắt thì láo liên, mặt trơ tráo
Nhất định đánh đập, cướp của người.
Ông Phạm chí nghe kệ nhưng không tin lời bạn, ngược lại đi tin đứa tớ giặc, chưa có được lợi gì trong chuyện giúp đỡ, cung cấp việc ăn uống, thì đến nửa đêm trời tối không ai thấy gì, tên tớ kia liền chạy đến đánh đập ông Phạm chí, gây thương tích ở chân và đầu gối khiến ông hoa mắt nằm ngã lăn dưới đất, tên kia đoạt hết của cải rồi trốn đi. Mất hết của cải, lại bị thương ở đầu gối, ông Phạm chí Thảo-lư-đà nằm lăn dưới đất khóc lóc như một đứa trẻ, than oán, kêu gào. Có một vị trời tên là Tịnh Tu Phạm Hạnh dùng kệ nói:
Kìa cầu lợi cầu tài
Mà hành động xót vay
Tự chuyên mà thu nhận
Sư trưởng chẳng nghe lời.
Đều phải gặp khổ nạn
Như Phạm chí kia thôi
Tin người, chẳng thận trọng
Tội Phạm chí, phải rồi!
Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
-Ông Phạm chí Thảo-lư thời đó nay là ông Tỳ-kheo đã giao cho ông tân học Tỳ-kheo làm công việc ỷ trù đấy. Còn ông Tỳ-kheo lòng độc ác, dựa vào việc ỷ trù để cướp đoạt là tên ác nô đã cướp đoạt tài sản của ông Phạm chí. Các ông Phạm chí khác khuyên can ông Phạm chí lúc đó nay là các vị Tỳ-kheo gạn hỏi ông Tỳ-kheo bị nạn, còn vị trời Tịnh Tu Phạm Hạnh nay là bản thân Ta. Ngày đó gặp nhau, ngày nay cũng gặp nhau.
Đức Phật thuyết giảng như vậy, không ai là không hoan hỷ lãnh hội.