1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11

Kinh 11: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Năm Vị Tiên Nhân

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa ở thành Vương xá cùng với chúng đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị và các vị Bồ-tát.

Đức Phật bảo các vị trong chúng hội:

-Về vô số kiếp xa xưa, có năm vị Tiên nhân sống nơi rừng núi. Bốn người là chủ, một người chuyên hầu hạ, cung cấp mọi thứ, chưa từng làm mất lòng bốn người kia. Hái quả, múc nước đều làm đúng giờ giấc. Một ngày nọ, ông ta đi xa hái quả, lấy nước, mệt mỏi ngủ say, quên giờ trở về. Ông về đến nơi thì đã quá nửa ngày rồi, bốn người kia không được ăn, tức giận gọi người hầu đến bảo:

-Ngươi lo việc cấp dưỡng mà xử sự như thế được sao? Hành động như ngươi đúng là một người xấu ác đáng nguyền rủa chứ không phải là người đàng hoàng.

Người hầu nghe xong, buồn rầu, khó nói nên lời, trở về bên gốc cây, ngồi gần mép nước duỗi một chân, suy nghĩ tự trách mình làm việc đã lâu, nay cung cấp trái giờ ăn của bốn vị Tiên, đã mất ý nghĩa của đạo giáo, lại còn chẳng thuận với bốn vị kia, nên quá xúc động mà chết. Chân ông thường mang đôi guốc bằng bảy báu, khi ông duỗi chân ngồi thì một chiếc guốc rơi xuống nước mất. Sau khi chết liền sinh làm đứa con đáng nguyền rủa của một người ngoại đạo. Lúc hơn mười tuổi, cùng với bọn trẻ đùa giỡn bên đường. Bấy giờ có vị Phạm chí đi qua thấy bọn trẻ đùa giỡn bên đường, nên dừng lại quan sát, thấy đứa trẻ đáng nguyền rủa này có quý tướng làm vua, dung mạo đặc biệt hơn người. Vị Phạm chí gọi đứa trẻ ấy đến bảo:

-Ngươi có tướng làm vua, không nên vung phí sức lực rong chơi với bọn chúng.

Đứa trẻ đáp:

-Tôi là một tên đáng nguyền rủa, sao có tướng làm vua được!

Vị Phạm chí lại nói:

-Căn cứ theo kinh điển của ta so với nghi dung hình thể của ngươi và theo sách ghi sấm ký cũng rất phù hợp. Việc này mà ứng nghiệm thì lời ta là ân sâu nặng đấy, chắc chắn không chút lừa dối.

Vị quốc vương ấy phải mất vào ngày ấy, tháng ấy, ắt ngươi sẽ được kế vị.

Đứa trẻ đáp:

-Dạ, ngài chớ nói lớn chuyện này, xin hãy giữ thật kín. Nếu đúng như lời ngài nói, con xin mang ân nặng, chẳng dám tự kiêu.

Vị Phạm chí nói xong, bỏ đi sang nước khác.

Chẳng-bao lâu, nhà vua mất, không có người nối ngôi, cho người cầu hiền để làm quốc vương. Quần thần bàn: “Nước không có chủ như người không có đầu, phải mau đi tìm người có đức để lập làm vua.”

Sứ giả đi khắp nơi, thấy đứa trẻ ấy có phong tư khác thường, liền cho người về trình báo với quần thần, phải theo phép tắc của triều đình, xa giá uy nghi đúng phép, đem đến nghinh đón. Quần thần bá quan ai cũng mừng rỡ, theo đúng lời sứ giả đã thưa, xa giá nghiêm chỉnh cung kính rước về. Dùng nước thơm tắm gội, mặc triều phục năm thời, đội mũ thất bảo, đeo kiếm, đúng như pháp của Tiên vương, tiền hô hậu ủng, hợp với nghi thức quốc gia, đưa đứa trẻ ấy lên điện tức vị. Vua hướng về phía Nam, xưng hiệu, bố cáo khắp nơi được biết, cầu cho đất nước an lành, dân chúng vui mừng.

Khi ấy, vị Phạm chí ngước trông thiên văn, cúi xuống quan sát địa lý, biết được đứa trẻ ấy đã lên ngôi vua, bèn tìm đến thẳng cửa cung, cầu xin yết kiến. Quan giữ cửa tâu với vua:

-Bên ngoài có vị Phạm chí cầu xin yết kiến quốc vương.

Nhà vua cho mời vào. Vị Phạm chí tiến vào vừa cảm tạ, vừa chú nguyện, rồi thưa với nhà vua:

-Thật như tồi đoán, nay kết quả đã đúng như nguyện trước, hoàn toàn chắc chắn chăng?

Nhà vua đáp:

-Đúng vậy! Đạo nhân quả là bậc thần diệu! Tôi đã chịu ân và hưởng được ngôi cao.

Nhà vua nói tiếp với vị đạo nhân:

-Nửa kho tàng châu báu của đất nước, phụ nữ đẹp, xe ngựa, người hầu, nếu ông muốn là được ngay.

Vị Phạm chí đáp:

-Tôi không muốn những thứ đó, chỉ xin nhà vua hai ước nguyện: Một là xin được cùng với vua ăn uống, y phục, mọi thứ nằm ngồi đều đồng thời như nhau, chớ có trước sau hay sai khác. Hai là cùng với vua tham gia bàn luận quốc sự, cùng nhau quyết định mọi việc, không được tự chuyên.

Nhà vua nói:

-Lành thay! Tôi chấp nhận hai ước nguyện của đạo nhân, không làm sai khác đâu!

Nhà vua thường lấy chánh pháp để chỉnh đốn và cai trị đất nước, không bức hiếp muôn dân. Vị Phạm chí được ân vua, tự kiêu, phóng túng, khinh miệt đại thần. Quần thần căm giận đến can vua:

-Vua là bậc tôn quý, phải nên cùng với các vị đại thần kỳ cựu bàn bạc việc nước, chứ lại tin theo đạo sĩ khiến hắn trở nên ngạo mạn, khinh lờn, lấn hiếp bá quan. Việc này nếu lân quốc nghe được, họ sẽ cười cho, sẽ dẫn đến nạn giặc thù xâm lấn.

Nhà vua nói:

-Lúc nhỏ, ta có lời thề với ông ta từ lâu, làm sao có thể bỏ được!

Triều thần can vua không nghe, họ nghĩ: “Nếu vua ăn trước, không chờ hắn thì có thể sửa đổi được tình hình.”

Được vua bằng lòng, họ đợi đến lúc ông Phạm chí đi vắng không về kịp, bèn dọn bữa cho vua ăn trước. Ông Phạm chí trở về tức giận, nói:

-Vì cớ gì mà nay một mình nhà vua ăn trước?

Vua đáp:

-Ta ăn trước vì ngươi chưa về, biết ngươi về trễ nên ta đã dự bị sẵn một cỗ khác cho ngươi.

Ông Phạm chí mắng:

-Đồ thứ đáng nguyền rủa, chẳng biết đạo lý, vi phạm lời thề.

Quần thần nghe kẻ bề tôi mà dám hủy báng vua như thế đều đến tâu vua xin giết đi. Vua hỏi quần thần:

-Tội này nên dùng hình phạt nào để xử?

Mọi người đều thưa rằng: nào là bỏ vào nồi để nấu, nào là dùng lửa thiêu đốt, nào là đem phanh thây, nào là bỏ vào cối mà giã, hoặc dùng năm hình phạt như là xẻo tai, cắt lưỡi, móc mắt…Vua không nghe theo. Vua bảo:

-Ta phụng thờ đạo pháp, lòng thành luôn thương xót tất cả chúng sinh, không hại đến một con vật mềm yếu, huống gì là hại mạng con người. Nay cấp lương thực, đồ dùng cho hắn rồi đuổi ra khỏi nước.

Quần thần y theo chiếu chỉ, cấp lương thực và quần áo, rồi trục xuất ông Phạm chí ấy ra khỏi lãnh thổ.

Một mình trên quãng đường xa, chịu bao nhiêu thứ nóng lạnh nên mệt mỏi, tiều tụy, chẳng giống với ai, ông ta sang nước khác, thẳng đến nhà một người Phạm chí vốn có quen biết từ trước. Người Phạm chí này hỏi:

-Người từ đâu đến, tu tập hành động theo kinh điển gì? Đã có chỗ sở đắc chưa?

Hắn đáp:

-Tôi từ xa đến đây, bị đói rét hành hạ nên quên hết những điều đã tu tập.

Vị Phạm chí ấy nghĩ: “Người này đã quên hết những điều đọc tụng tu tập, khó có thể làm công việc giáo hóa, nên cho ông ta làm ruộng.” Ông liền cấp cho hắn tôi tớ và trâu cày. Khi làm ruộng, hắn đầy đọa người đầy tớ quá đỗi, bất phải san bằng đất đai và sai đi khắp nơi. Người đầy tớ buồn khổ muốn gieo mình xuống dòng nước. Người ấy đến bên dòng sông thì nhặt được một chiếc guốc bằng bảy báu, lòng bèn nghĩ: “Nếu đem đưa cho ông chủ, thì ông chủ vô ân, nếu đem cho cha mẹ thì cha mẹ ắt bán để ăn thôi. Ông Phạm chí này đã gây khốn khổ, sai khiến ta đủ điều, ta đang phải phụng sự hắn, nếu đem dâng chiếc guốc báu này thì có thể được thoải mái.” Anh ta liền mang chiếc guốc về dâng cho người Phạm chí. Ông này rất vui mừng, suy nghĩ: “Giá trị của chiếc guốc bằng bảy báu này thật không có gì sánh được. Ta đã làm trái ý vua, bây giờ nếu đem chiếc guốc này dâng lên vua thì cái tội phạm thượng trước đây có thể được hóa giải.”

Vị Phạm chí nghĩ như thế rồi bèn trở lại tìm vị quốc vương, dâng lên vua chiếc guốc, rồi hắn tự trần tình sự ăn năn hối lỗi ngày trước, xin được vua tha tội cho.

Nhà vua nói:

-Lành thay!

Rồi vua liền đem chiếc guốc vào để trong màn, cho hắn ngồi tòa riêng, gọi quần thần lại, xuống chỉ:

-Các khanh có thấy vị Phạm chí bị trục xuất trước đây không? Quần thần tâu:

-Thưa không thấy!

Vua nói:

-Nếu như thấy hắn thì ta phải làm gì?

Quần thần tâu:

-Dạ phải chặt tay chân hắn, xẻo tai, mũi hắn, chặt đầu, chém lưng hắn… dùng năm thứ độc trị hắn.

Vua nói:

-Nếu như hắn tỏ ra hiểu biết thì sao?

Quần thần tâu:

-Thưa không xét.

Nhà vua đưa chiếc guốc báu cho quần thần thấy và gọi người Phạm chí ra để gặp quần thần, nói rõ việc liên quan giữa hắn với vật báu lạ này. Quần thần cùng tâu:

-Tội người Phạm chí này như núi, như biển, không thể tha thứ được. Hiến một chiếc guốc chưa đủ, nếu được một đôi thì tội ấy mới có thể dứt trừ.

Nhà vua đồng ý. Vua lại trục xuất người Phạm chí, bảo phải tìm thêm một chiếc guốc nữa. Người Phạm chí buồn bã than:

-Ôi! Việc ta lại thêm nặng nề quá lắm!

Hắn bèn quay về chủ cũ. Người chủ hỏi:

-Ngươi đã đến chốn nào và từ đâu trở lại đây?

Người Phạm chí nín thinh, chẳng dám đáp lại, làm như ngẫu nhiên mình trở lại đây. Người chủ cũ giao cho trâu cày, đầy tớ, khiến hắn lo việc trồng trọt như trước. Bấy giờ, người Phạm chí mới hỏi người đầy tớ:

-Trước đây ngươi được chiếc guốc báu ở đâu?

Người đầy tớ liền đưa hắn đến nơi nhặt chiếc guốc. Đến bên bờ nước, hắn tìm khắp chung quanh nhưng không thấy chiếc guốc kia ở đâu. Anh chàng đầy tớ bỏ về. Người Phạm chí nghĩ: “Chiếc guốc báu đó ắt phải từ phía thượng lưu trôi xuống, ta ở phía dưới này làm sao tìm được.” Hắn liền theo ngược dòng sông đi lên, trông thấy một con cá ngậm hoa sen lớn lội theo dòng nước cuốn trôi. Hoa ấy rất lớn, có hơn một ngàn cánh. Người Phạm chí suy nghĩ: “Tuy không tìm được chiếc guốc, mà nếu dâng lên nhà vua bông hoa này thì cũng có thể hóa giải được lỗi trước và được sủng ái như xưa”. Hắn. liền cầm lấy cành hoa thì thấy có bốn vị Tiên nhân đang ngồi bên gốc cây, liền đi đến trước mặt các vị ấy làm lễ, thăm hỏi nơi ở và chúc Thánh thể được vạn phước. Các vị Tiên hỏi:

-Ngươi từ đâu đến đây?

Người Phạm chí thưa:

-Con làm mất lòng nhà vua, tuy đã dâng một chiếc guốc báu, nhưng chưa đủ để hóa giải tội lỗi, cho nên phải ngược dòng đến đây để tìm thêm một chiếc nữa mà chưa tìm được.

Vị Tiên nhân bảo:

-Ngươi là người có học, phải biết lẽ tiến lui chứ! Vị quốc vương đó là đệ tử của chúng ta, đã từng thương yêu, kính trọng ngươi, cùng ăn uống, nằm ngồi, bàn bạc quốc sự với ngươi. Tại sao trong một lúc mà ngươi dám mắng vua là đồ đáng nguyền rủa. Tội ngươi rất đáng bị tru lực. Ngươi nay chẳng biết, tại nơi gốc cây này, quốc vương xưa là thị giả cung cấp lương thực cho các vị Tiên, hồi ấy đã ngồi duỗi một chân, rồi quá xúc động mà chết, chiếc guốc báu rơi xuống nước, một chiếc mang nơi chân thì còn đây, giờ cho ngươi đó!

Người Phạm chí nhận lấy chiếc guốc, dập đầu tạ lỗi, trở về bổn quốc, tiếp tục dâng chiếc guốc lên nhà vua. Nhà vua vui mừng, lòng quần thần cởi mở nên hắn lại được sủng ái như xưa.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Vị vua lúc đó là tiền thân của Ta, bốn vị Tiên nhân ấy là các vị Phật Câu-lưu-tần, Câu-na-hàm Văn-ni, Ca-diếp và Di-lặc, còn ông Phạm chí kia là Điều-đạt.

Bấy giờ, Đức Phật giảng như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 12: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Hai Cậu Cháu

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ cùng với chúng đại Tỳ-kheo.

Đức Phật nói với các vị Tỳ-kheo:

-Thuở vô số kiếp trong quá khứ, có hai chị em, người chị có một người con trai, cùng với người cậu chuyên cung cấp các thứ ăn mặc quý giá đẹp lạ cho vua chúa quan lại như lụa là, gấm vóc. Anh ta thấy những đồ vật quý hiếm lạ lùng trong kho, nên động lòng tham, liền bàn với người cậu:

-Chúng ta làm việc luôn siêng năng khó nhọc, không dám trễ nải, biết rõ các đồ vật trong kho tốt xấu, ít nhiều, sao ta lại không lấy để giải quyết cảnh nghèo đói của chính mình?

Như đã định, đêm đến, hắn đào đường hầm chui vào kho trộm lấy nhiều đồ vật không biết bao nhiêu. Sáng ra, người giữ kho thấy đồ vật trong kho giảm bớt, liền đem việc này tâu lên vua. Nhà vua bảo:

-Chớ làm lớn chuyện khiến người ngoài biết cậu cháu nhà kia ăn trộm. Cứ làm như vua bận nhiều việc nên không hay biết gì. Đến ngày hôm sau cứ phục sẵn, thế nào hắn cũng trỗ lại lần nữa. Phải cảnh giác nghiêm nhặt để chờ hắn. Hắn đến là bắt ngay không để chạy mất.

Người giữ kho nhận chiếu chỉ, liền gia tăng phòng bị vì thế nào kẻ kia cũng trở lại ăn trộm. Người cháu nói với cậu:

-Cậu lớn tuổi, thân thể gầy ốm, nếu bị người giữ kho bắt được, không thể tự thoát nổi, vậy cậu cứ theo đường hầm mà vào, nếu bị họ phát hiện thì sức con còn cường tráng sẽ cứu thoát cậu ngay.

Người cậu theo lời vừa chui vào đường hầm thì bị đám canh chừng tóm ngay. Những người này hô hoán lên nhưng không bắt được người cháu. Sợ sáng mai mọi người biết việc này, nên họ chặt đầu người cậu mang về. Sáng sớm, người giữ kho đem mọi việc tâu với vua. Nhà vua lại chỉ thị:

-Đem cái thây chết này đặt nơi ngả tư, nếu có ai đến nhận khóc tử thi thì đó chính là tên giặc chủ mưu.

Đặt xong tử thi, những người này tản ra bốn ngả đường canh gác nhiều ngày. Lúc đó, từ phía xa có một đoàn buôn đông đảo đi đến, người ngựa, xe cộ ồn ào đầy dẫy nghẽn cả đường, rồi đột nhiên chen nhau chạy tới. Người kia làm ra vẻ náo loạn, cho chở hai xe củi trên đặt cái thây chết kia chạy đi. Đám người canh gác liền vào triều tâu hết với vua mọi điều. Nhà vua bảo:

-Phải cẩn trọng dò xét khắp nơi và cẩn mật, nếu gặp chúng thiêu thây thì bắt hết đem về đây.

Lúc ấy, người cháu liền bảo bọn trẻ con cầm đuốc múa giỡn, mọi người cùng náo nhiệt cả lên, ném lửa vào củi, củi cháy bừng bừng. Những người theo dõi thấy vậy chẳng biết phải làm sao, cùng đem sự việc tâu lên vua. Nhà vua lại chỉ thị:

-Nếu đã hỏa táng rồi thì phải tăng cường canh giữ, dò xét nghiêm mật cái hài cốt kia, kẻ đến lấy cái hài cốt ấy chính là tên cầm đầu vụ trộm.

Người cháu biết được việc này, bèn làm thật nhiều rượu ngon rồi sai người hiền lành mang rượu thẳng đến chỗ những người canh giữ rao bán. Bọn canh giữ nhiều đêm liền đói khát, thấy rượu đến đều mua uống, uống rượu quá nhiều nên say ngủ mê man như bị nhốt trong bình rượu. Người bán rượu bèn nhặt lấy hài cốt mà đi. Đám người canh giữ chẳng hay biết gì cả. Thức dậy, họ lại vào tâu rõ với vua sự việc. Nhà vua lại bảo:

-Trước, sau cảnh giác, canh giữ đều để hắn sổng mất, tên giặc này rất xảo quyệt, phải dùng mưu mới tóm được hắn.

Nhà vua liền cho người con gái trang sức nào ngọc ngà, chuỗi anh lạc, châu báu, thật đẹp đi ra ở trong ngôi nhà bên bờ sông lớn, rồi sai rất nhiều thị vệ canh chừng, dò xét không ngớt, tức là dùng sắc đẹp để nhử hắn tìm đến nơi chỗ người con gái này. Nhà vua chỉ dạy rõ cho người con gái nếu gặp kẻ nghịch thì tìm cách tóm lấy và hô hoán lên cho mọi người bắt giữ.

Vào đêm nọ, người cháu lén tìm tới. Nhờ vào dòng nước, hắn thả bè, cho thuận dòng trôi xuống, kêu to lẽn rồi lặn mất. Các người canh giữ nghe tiếng kêu, sợ hãi đi đến xem cho là có người lạ, nhưng họ chỉ thấy bè cây. Nhiều đêm như vậy, thường thường không đổi, những người canh giữ cho là việc bình thường nên ngủ yên không lo sợ gì. Người cháu liền cỡi bè đến nhà người con gái… Người con gái liền nắm áo của y. Người cháu bảo:

-Níu áo làm chi, nắm tay ta đây này!

Người cháu vốn sáng trí lắm mưu nên đã mang sẵn cánh tay của người chết, bèn trao cho đứa con gái, cô ta liền bỏ áo chụp lấy cánh tay chết, rồi kêu ầm lên. Những người canh giữ thức dậy chậm, nên người cháu thoát chạy mất. Những người này lại tâu rõ sự việc với nhà vua. Nhà vua lại nói:

-Tài nghệ của tên này thật có một không hai, nên lâu rồi mà chưa bắt được.

Đang lúc chưa biết tính sao, thì người con gái ấy mang thai, sau mười tháng sinh được một đứa con trai, trông rất bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhà vua bảo người nhũ mẫu bồng nó đi khắp trong nước, nếu có người nào thấy mà gọi nó thì bắt trói đem về đây. Bà nhũ mẫu bồng đứa bé đi cả ngày mà không có ai gọi cả. Người cháu lúc bấy giờ là thợ làm bánh. Đứa bé đói khóc, bà nhũ mẫu bồng sang lò bánh mua bánh cho ăn. Người cháu thấy đứa trẻ liền lấy bánh cho, nhân đó mà gọi nó. Bà nhũ mẫu trở về tâu với vua:

-Ẵm đứa bé đi trọn ngày không ai đến gần, nó đói, đi ngang qua lò bánh, thì người bán bánh đến trao cho bánh và gọi nó.

Nhà vua nói:

-Sao không bắt trói đem về đây?

Bà nhũ mẫu đáp:

-Trẻ nhỏ đói khóc, người làm bánh cho bánh, nhân đó mà gọi nó, chẳng có ý làm giặc, cớ gì bắt tù người ta được.

Nhà vua bảo bà nhũ mẫu đem đứa bé ra và sai người hầu bám theo dò xét, nếu thấy ai đến gần đứa bé thì liền bắt trói đem về.

Người cháu làm rượu ngon, gọi mời bà nhũ mẫu và những người ngầm theo dõi tựu về quán rượu, cho uống đến say mềm, rồi bắt trộm đứa bé đem đi. Những người này khi tỉnh dậy thấy mất đứa bé, chỉ còn biết về tâu rõ với vua. Nhà vua lại nói:

-Các ngươi ngu đần, đều ham uống rượu, đã không bắt được kẻ giặc mà còn làm mất đứa bé.

Người cháu khi được đứa bé liền mang sang nước khác, xin yết kiến vị quốc vương nước này. Trong khi nói năng, bàn luận với vua, ông luôn luôn từ tốn và dẫn giải theo kinh điển khiến nhà vua rất vui mừng, liền phong ban cho ông địa vị, bổng lộc, cử làm đến đại thần, nhận xét, bảo:

-Trong nước của ta, về trí tuệ và tài năng thì không ai sánh kịp khanh, nay ta muốn gả con gái ta cho khanh, ý riêng của khanh thế nào?

Ông tâu rằng:

-Thần chẳng dám! Nếu bệ hạ thật lòng thương thần thì ngài cưới con gái của vua nước thần cho thần.

Nhà vua đáp:

-Lành thay! Ta chuẩn theo sở nguyện của khanh.

Nhà vua liền nhận ông ta làm con và sai sứ đến hỏi con gái vị vua kia cho ông. Vị vua ấy bằng lòng gả con gái cho, nhưng lại nghĩ: “Hắn liên tục là kẻ trộm, trước sau rất xảo trá.” Vua bảo cho sứ giả hay là muôn rước con gái mình thì thái tử phải có đủ năm trăm xe ngựa chỉnh tề.

Nhà vua liền ra lệnh mau chóng chuẩn bị đầy đủ xe ngựa để đi ra ngoài. Người cháu vốn là một tên giặc nên đối với vua có lòng lo sợ, tự nghĩ: “Nếu đến nước kia, vua biết được thì sẽ bắt liền, chẳng chút nghi ngại!” Bèn nói với sứ giả về tâu lại với vua bên ấy:

-Nếu nhà vua cho người ngựa của năm trăm xe đầy đủ, quần áo, yên cương thảy đều giống nhau không chút sai khác thì mới có thể nghinh hôn.

Nhà vua bằng lòng sự đòi hỏi đó, liền cho sang rước dâu. Vua cha cô dâu lệnh cho con gái mình tiếp đãi ăn uống thật vui vẻ, hai trăm năm mươi xe ngựa ở phía trước, hai trăm năm chục xe ở phía sau, người cháu ở giữa, nhưng chàng rể vẫn ngồi trên lưng ngựa, không xuống giữa năm trăm chiếc xe. Phụ vương cô gái phải tự ra xem xét rồi đi vào giữa đoàn xe, đích thân dẫn người cháu ra và nói:

-Ngươi đã bày ra mưu mô trước sau, đủ cách thì làm sao bắt được.

Người cháu cúi đầu thưa:

-Có thật như thế sao?

Nhà vua nói:

-Cái thông tuệ của nhà ngươi thật là thiên hạ vô song, ta thuận theo sở nguyện của ngươi.

Nhà vua đem con gái gả cho và họ đã trở nên vợ chồng.

Đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo:

-Người cháu lúc đó là tiền thân của Ta, phụ vương của người con gái là Xá-lợi-phất bây giờ, người cậu nay là Điều-đạt. Vị quốc vương nhận làm cha người cháu nay là Du-đầu-đàn, mẹ của người cháu là thân mẫu Ma-da, người vợ nay là Cù-di, đứa trẻ là La- vân…

Đức Phật thuyết giảng như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội,


Kinh 13: Đức Phật Thuyết Kinh Nhàn Cư

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật du hóa ở nước Câu-lưu, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm vị.

Phật và Thánh chúng vừa đến nơi xóm làng ở trong thành thì tự nhiên ở đấy vang lên âm thanh tốt đẹp. Đức Phật liền đi vào trong ấy. Bấy giờ, nơi xóm làng đó, có ổng Phạm chí trưởng giả cùng với vô số dân chúng thảy đều nghe rõ như thế này: “Có Đấng chí nguyện lớn lao, tịch tĩnh, họ là Cù-đàm, thuộc dòng Thích-ca nổi tiếng, đã ra khỏi nước, đang đi đến xóm làng trong thành cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo. Đức Phật đại thánh này tiếng tăm vang lừng khắp mười phương, không ai là không ca ngợi, tán dương. Những kẻ nghi ngờ thì co lại, nơm nớp sợ hãi, còn mọi người thì ai mà chẳng mừng rỡ, kính ngưỡng. Tôn hiệu của Ngài là Như Lai, Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Vi Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự Thiên Nhân Sư, Hiệu Phật Thế Tôn, luôn đem lòng thương xót đối với chư Ma, Phạm thiên, Sa-môn, Phạm chí, cả trên trời lẫn nhân gian, khai hóa loài trời, người. Ngài chứng sáu thứ thần thông, riêng mình qua lại tự tại trong ba cõi, thuyết pháp nói kinh, lời giảng dạy trước sau như một, luôn thể hiện điều tốt đẹp dẫn dắt về nẻo thiện, phân tích nghĩa lý vi diệu để thấy được chân lý, tịnh tu phạm hạnh. Lành thay! Phước đức biết bao! Nếu được gần gũi hầu hạ Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ấy, nếu như thành kính thọ trì đạo pháp của Ngài thì công đức thật là vô lượng.”

Lúc ấy, ông trưởng giả Phạm chí đến thẳng chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài, rồi ngồi sang một bên. Từ chỗ ngồi hướng về Đức Như Lai, ông trưởng giả khiêm cung chắp tay thỉnh lời vấn an Đức Phật. Đức Thế Tôn bảo ông trưởng giả Phạm chí:

-Giả sử có người đến hỏi ngươi: Loại Sa-môn nào thì không nên phụng sự cúng dường?

Ông đáp:

-Con không được rõ, cúi xin Đức Phật chỉ dạy cho!

Đức Phật nói:

-Đó là loại Sa-môn, Phạm chí mắt còn tham đắm sắc đẹp, tai còn mê tiếng hay của năm ấm, mũi còn ưa hương thơm, miệng còn ham vị ngon, thân thích va chạm trơn láng mịn màng, tâm ý chạy theo các pháp, chẳng dứt bỏ dục vọng, tham lam ganh ghét, vướng buộc vào nẻo ái ân, chỉ cầu không biết chán, luôn luôn bị lửa dục nung nấu trong sự thống khổ. Với những Sa-môn, Phạm chí như thế thì không nên tôn kính, phụng sự cúng dường.

Ông trưởng giả thưa với Phật:

-Nếu có người đến hỏi như trên, con phải đáp lại như thế thì mới ứng hợp nghĩa lý tốt đẹp cùng nẻo hành hóa của giáo pháp. Tại sao vậy? Là vì chúng con còn tham vướng các pháp: sắc, thanh, hương, vị và xúc, còn say đắm ái ân, tham cầu không biết chán và các thứ khác nữa, còn bị mê hoặc theo năm ấm, sáu trần, chạy theo quan tước, bổng lộc, của cải, giàu sang, không biết mệt mỏi. Như thế thì hàng Sa-môn, Phạm chí theo như Đức Thế Tôn dạy, khác gì người thế tục như chúng con, vì vậy chẳng nến phụng sự cúng dường những hạng người ấy.

Đức Phật bảo ông trưởng giả:

-Giả sử có người đến hỏi ông phải nên tôn trọng, phụng sự, cúng dường cho những vị Sa-môn, Phạm chí nào, thì ông sẽ trả lời ra sao?

Phạm chí bạch Thế Tôn:

-Cúng dường cho những vị đã không còn tham vướng năm ấm, sáu trần, tham dâm, giận dữ, ngu si, không bị nhiễm tập theo vọng niệm về sắc, thanh, hương, vị và cảm giác êm ái. Họ còn tích chứa các đức, luôn thể hiện sự ôn hòa, nhã thuận. Đấy chính là các bậc Phạm chí, Sa-môn phải nên cúng dường phụng sự.

Đức Phật nói với ông Phạm chí trưởng giả:

-Các ông vì sao nói những lời ấy? Căn cứ vào đâu mà biết được các vị Sa-môn, Phạm chí đã lìa bỏ được các sự tham dâm, giận dữ, ngu si và chỉ dạy cho mọi người cũng lìa bỏ được sự tham đắm về sắc, thanh, hương, vị và các cảm giác êm ái, dứt được lửa phiền não trong lòng và các dục tình không bờ bến?

Ông trưởng giả trả lời Đức Phật:

-Chúng con thường thấy có một số vị Sa-môn, Phạm chí đoan chánh, tốt lành, họ đã xả bỏ được mọi ham muôn về sắc, thanh, hương, vị và các cảm giác êm ái, họ sống ở nơi chốn thanh vắng, hoặc ngồi bên gốc cây, hoặc ở những khoảng đồng trống, gò nổng, dứt bỏ mọi lỗi lầm xấu xa, lòng không một chút tham cầu, yên ổn tự tại một mình. Họ đã đoạn trừ vĩnh viễn vọng niệm của các pháp sắc, thọ, tưởng, hành, thức, xua diệt các đòi hỏi, giữ lòng rỗng lặng. Chúng con luôn xem xét và nhận biết các vị Sa-môn, Phạm chí này lìa được tham dâm, giận dữ, si mê và cùng chỉ dạy cho mọi người cùng lìa bỏ các vọng niệm về sáu trần. Được lãnh hội về sự dạy bảo như thế, ai cũng lấy làm vui mừng, nên đối với việc say mê ái ân cũng được trừ hết, các thứ mong cầu sắc dục, khi được sáng tỏ rồi thì cũng lìa bỏ luôn, như thế thì sẽ thực hiện được sự hạn chế một cách thích hợp việc cung phụng mọi sở cầu của mình. Đối với năm ấm, sáu tình cũng lại như vậy. Con nhận xét các vị Sa-môn, Phạm chí này sống ở chốn thanh tịnh, vắng lặng, an tọa bên gốc cây, hoặc ở trong quãng đồng rộng gò cao một mình và luồn yên định, đã dứt trừ vĩnh viễn mắt đắm sắc, tai mê tiếng, mũi mê mùi hương, miệng ưa vị ngon, thân thích tiếp xúc êm ái, ý chấp các pháp, luôn tích chứa gốc của các đức, thể hiện sự cung thuận, hòa nhã.

Các vị Sa-môn, Phạm chí đã lìa bỏ tham dục, giận dữ, si mê rồi chỉ dạy mọi người cùng xa lìa các thứ trên. Chúng con đã quan sát và so sánh những hiện tượng đó, nên hôm nay chúng con xin quy y Phật, Pháp và Tăng, vâng giữ năm giới, làm người cư sĩ tại gia.

Đức Phật đã giảng nói như thế, các vị Tỳ-kheo không ai là không hoan hỷ lãnh hội.


Kinh 14: Đức Phật Thuyết Giảng về Việc Tôn Giả Xá lợi-phất Nhập Niết bàn

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại vườn Trúc Ca-lan-đà thuộc thành Vương xá.

Bấy giờ, Hiền giả Xá-lợi-phất đang ở tại xóm Na-la bị bệnh nặng phải nằm một chỗ, luôn được các vị Hiền giả và các Sa-di trông nom. Khi Hiền giả Xá-lợi-phất vừa nhập Niết-bàn, thì người hầu tên là Chuân-na đã theo đúng pháp thực hiện việc phụng sự cúng dường đầy đủ xong xuôi, ông mang hết bình bát, y phục của Hiền giả Xá-lợi-phất về đến vườn Trúc ở thành Vương xá thì mặt trời đã xế bóng. Ngay buổi chiều ây, Sa-di Chuân-na đã mang y bát của Hiền giả Xá-lợi-phất đến chỗ của Tôn giả A-nan, cung kính đảnh lễ rồi ngồi sang bên. Sa-di Chuân-na thưa với Tôn giả:

-Thưa Tôn giả, Tôn giả biết không, Hiền giả Xá-lợi-phất đã nhập Niết-bàn rồi! Hôm nay con mang xá-lợi của Hòa thượng cùng y bát về đây.

Tôn giả A-nan bảo Chuân-na:

-Tiện đây ta với ông cùng đến chỗ Đức Phật, cung kính lễ bái Ngài, hoặc giả nhân đấy được nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp quan trọng.

Sa-di Chuân-na đáp:

-Dạ, xin vâng theo lời chỉ dạy của Tôn giả.

Thế rồi hai người cùng đến thẳng chỗ Đức Phật, cúi đầu làm lễ xong, ngồi sang một bên, chắp tay thưa với Đức Phật:

-Thân con như thể suy yếu lắm, chẳng còn có chút khí lực nào, hoàn toàn sa sút, nhu nhược, như thể không còn tu các pháp được nữa. Vì sao như thế? Là vì vừa rồi ông Sa-di Chuân-na đến chỗ con, cúi đầu làm lễ và nói với con rằng: ‘Tôn giả biết không, Hiền giả Xá-lợi-phất đã nhập diệt rồi. Con gom y bát và xá-lợi của Ngài đem về đây!”.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Ý nghĩ của ông và Chuân-na cho là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đã dùng các phẩm về Giới, Định, Tuệ, về Giải thoát và Giải thoát tri kiến làm hành trang đã vào cõi diệt độ chăng? Lại nữa, Ta đã thông tỏ pháp ấy, đạt đến bậc Tối Chánh giác, mới phân biệt nói ra các nẻo tu tập: Bốn Ý chỉ, bôn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý và tám Thánh đạo hành, là chỗ thể hiện sự tin tưởng Đức Phật. Ông nay vừa hay Tỳ-kheo Xá-lợi-phất nhập Niết-bàn mà đã bi lụy than khóc không thể tự kiềm chế được! Khác nào ông đã bạch với Đức Thế Tôn là: “Tỳ-kheo Xá-lợi-phất chẳng hề mang theo các phẩm về Giới, Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát tri kiến mà vào Niết-bàn.” Đức Thế Tôn đã thấu tỏ giáo pháp ấy, chứng được đạo quả Tối chánh giác, phân biệt theo căn cơ mà nói ra và Hiền giả Xá-lợi-phất cũng không mang theo các pháp tu tập như: Bốn Ý chỉ, bốn Ý đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác ý, tám Thánh đạo hành mà vào cõi tịch diệt.

Tôn giả A-nan bạch Phật:

-Dạ, đúng như thế thưa Đức Thế Tôn! Tỳ-kheo Xá-lợi-phất hết lòng phụng trì giới luật của đạo giải thoát, có biện tài thông suốt, giảng giải đạo pháp không biết chán, khiến cho bốn bộ chúng lãnh hội không hề biết mệt mỏi, bàn bạc không chút lười nhác. Nhờ đó họ khuyến khích hỗ trợ lẫn nhau, khai hóa giúp những người chưa đạt, khiến lòng họ vui vẻ, nên không ai là không vâng theo lời dạy của Hiền giả. Hiền giả luôn tiết chế, biết đủ, chí dốc tinh tấn, tu thiền định, có trí tuệ rộng lớn của bậc Đại thánh. Có ai hỏi điều gì, Hiền giả luôn tùy theo căn cơ mà lựa lời chỉ dạy, thể hiện một sự thấu đạt sâu xa, theo lời hỏi mà đáp lại, khiến tất cả đều thông suốt. Trí tuệ là vật báu, các đức luôn đầy đủ, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất cao vời như thế, cho nên khi nghe Hiền giả đã vào cõi tịch diệt, con ưu sầu buồn thảm, lòng đầy thương xót không thể tự kiềm chế được.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Đã sinh ra trên đời, làm sao còn mãi được. Các pháp do suy niệm nhớ nghĩ duyên khởi mà có, ắt phải quy về sự diệt tận, hủy hoại, vĩnh viễn mất đi. Trước mắt Ta, các pháp đang tan rã, đang mất đi, muốn nó không mất cũng không thể được.

Đức Phật lại nói với Tôn giả A-nan.

-Phật đã từng nói, tất cả những ân ái đều phải biệt ly, phàm có sinh thì có diệt, sự việc có thành tất có bại, có hợp ắt có tan, tất cả đều phải bị hủy diệt, hư hoại hết, muốn chúng không như thế đâu có được theo ý. Phải biết tất cả các pháp đều hoại diệt, đều quy về vô thường. Các pháp biệt ly, muốn chúng không lìa tan nào đâu có thể được!

Đức Phật nói tiếp với Tôn giả A-nan:

-Việc Hiền giả Xá-lợi-phất đã về cõi tịch diệt, Phật rất an tâm, không có gì đáng lo nghĩ, bởi vì đã đến lúc biệt ly, tan rã theo nẻo vô thường, thì có muốn nó không đến cũng không làm sao có thể được! Các pháp có khởi là có diệt, sự việc có thành thì có hoại, con người có sinh thì phải có tử, có hưng thạnh ắt phải có suy vong, các pháp phải theo quy luật vô thường, biệt ly, muốn nó không đến đâu có thể được! Ví như núi báu lớn rồi tới một hôm nào đó đỉnh núi cao cũng bị sụp đổ. Này A-nan, Tỳ-kheo Xá-lợi- phất ở trong chúng Tăng cũng như thế, nay Hiền giả đã nhập diệt, cũng như đỉnh núi báu bị sụp đổ, các pháp đều chịu quy luật vô thường nên phải tan rã, biệt ly, muốn nó không đến đâu có thể được như ý.

Đức Phật nói với Tôn giả A-nan:

-Như cây báu lớn, rễ, mầm, thân, nhánh, cành lá hoa trái đầy đủ tươi tốt, rồi bỗng dưng một phần lớn của cây gãy đổ, khiến nó hiện tướng khuyết giảm nhìn không còn uy thế. Này A-nan, Tỳ-kheo Xá-lợi-phất ở trong chúng Tăng cũng thế. Nay Tỳ-kheo đã diệt độ, chúng Tăng cũng giảm uy lực. Các pháp phải theo quy luật vô thường, hao tổn, hủy diệt, muốn nó không đến há có thể được sao! Do đó, này A-nan, từ nay về sau, thân tự tu tập hành hóa, đã dốc quy y đạo pháp, để có được sự chứng đắc thì phải lấy kinh điển làm nơi nương tựa, chớ có nương vào cái gì khác. Này các Tỳ-kheo, các vị cần phải làm những gì? Đối với các vị Tỳ-kheo, phải tự quán tưởng về bản thân: trong ngoài đều là vô ngã, phải tự quan sát để chế ngự cái tâm vọng của mình, quán sát về mọi pháp thế gian đều do vô minh mà có. Quán bên trong và bên ngoài đều luôn thọ nhận sự khổ, đều là phi ngã (vô ngã). Đạt được như thế thì rất tốt! Chế ngự tâm vọng tưởng, nhận thấy các pháp thế gian đều do vô minh mà có. Quán sát nội, ngoại của tâm, trong ngoài đều chẳng có gì cả. Đạt đến được như vậy thì tốt lắm thay! Tự chế ngự tâm vọng, quán sát thế gian không có ánh sáng trí tuệ, quan sát thấy mặt trời, mặt trăng trên cao, cũng quán cấc pháp bên ngoài, nhưng không dựa bám vào bên trong, bên ngoài. Đạt được chỗ đó thì tốt lắm thay! Chế ngự tâm vọng, quán sát thế gian bị chìm đắm trong vô minh cần được xua trừ…

Đức Phật nói với Tôn giả A-nan:

-Đó chính là những pháp nên tu tập hành hóa, tự mình tu tập để nương vào nơi cõi pháp, quy mạng với chánh pháp, không đứng ở cõi khác, không nương dựa nơi người khác.

Đức Phật bảo Tôn giả A-nan:

-Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thanh tín sĩ, Thanh tín nữ đã theo Ta thọ nhận giáo pháp, phải tự tu thân, tự tìm chốn nương tựa, đứng vững nơi cõi pháp, quy về nơi cõi phấp, quy mạng với chánh pháp, không ở cõi khác, không về theo người khác. Các vị Tỳ-kheo xuất gia làm đệ tử của Phật, vâng theo lời dạy này tức là thuận theo đạo pháp của Phật.

Đức Phật thuyết giảng như thế, Tôn giả A-nan, Sa-di Chuân- na cùng các vị Tỳ-kheo đều hoan hỷ nghe kinh, lãnh hội lời dạy rồi lui ra.


Kinh 15: Đức Phật Thuyết Giảng về Chuyện Người Con Bị Chết

Nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật dư hóa tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá-vệ.

Lúc bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một người theo ngoại đạo, con trai ông ta vừa mới chết, cha mẹ vì quá yêu thương con không hề muốn nghĩ là nó đã chết, nên cứ nhìn nó mãi không thôi. Tình yêu thương con đó đã làm cho người này phát điên loạn, chạy khắp trong nhà ngoài ngõ, trên các nẻo đường để tìm con, mong con đến gặp mình, con đang ở đâu? Làm sao thấy được hình hài của con? Khi ấy, người này lững thững theo đường lộ ra khỏi thành Xá-vệ đi đến khu lâm viên Kỳ-đà Cấp Cô Độc, rồi tới thẳng chỗ Đức Phật, lặng thinh đứng trước mặt Ngài. Đức Phật hỏi người kia:

-Ông đến đây vì cớ gì? Ông phải biết tự chế ngự lòng mình, chứ hiện nay các căn của ngươi đã biến dạng bất thường, trông rất là tiều tụy, gầy yếu!

Người kia thưa với Đức Phật:

-Ngài hỏi con tại sao các căn của con biến đổi khác thường! Thưa Ngài, tại vì con chỉ có độc nhất một đứa con, cả nhà đều yêu thương hết mực, không ai là không yêu mến, ngắm nhìn nó không hề biết chán mà nay thì nó đã mất rồi. Vì thương yêu con mà con đã phát cuồng si, tâm hồn mê loạn nên chạy đôn đáo tứ tung để tìm cho được nó, cầu mong nó lại gặp con. Nhưng giờ thì con không biết tìm con mình ở đâu.

Đức Phật dạy:

-Hỡi kẻ kia, vì quá tham đắm nẻo ái ân, nên ly biệt thì âu sầu, khóc lóc bi thương, chính là cái hoạn từ sự ưu phiền. Có hội hợp ắt phải có chia ly, đã có chỗ yêu thương thì tất phải dẫn đến sự sầu khổ.

Lúc ấy người kia nghe được những lời dạy của Đức Phật, trong lòng bỗng nhiên hiểu rõ: Cuộc sống là vô thường, ba đời như là huyễn ảo. Vị ấy liền thọ giới với Đức Phật rồi cúi lạy ra về.

    Xem thêm:

  • Kinh Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Bảo Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại thừa Duyên Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Sinh Ra Tâm Bồ Đề - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 23 – Tứ Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Bản Sinh Tâm Địa Quán - Kinh Tạng
  • Kinh Sư Tử Nguyệt Phật Bản Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Nhân Duyên Của Vua Đảnh Sinh - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Từ Thị Sở Thuyết Đại Thừa Duyên Sinh Thí Dụ Cây Lúa - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Thiên Tử Ta Vạt Nẵng Pháp Quy Y Tam Bảo Khỏi Sinh Vào Ác Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 30 – Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Cùlasàropama sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 40 – Tiểu Kinh Xóm Ngựa (Cùla-Assapura sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 5 – Kinh Không Uế Nhiễm (Anangana sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Trung Bộ 29 – Ðại Kinh Thí Dụ Lõi Cây (Mahasaropama-sutta) - Kinh Tạng
  • Kinh Ma Nhiễu Loạn - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 11 – Phá Trai - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 16 – Phóng Sanh - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 12 – Phú Quí - Kinh Tạng
  • Kinh Thần Chú Hộ Mạng Pháp Môn - Kinh Tạng