Kinh Phật Nói Về Xá Lợi Phất Sám Hối Tội Lỗi

Phật Thuyết Xá Lợi Phất Hối Quá Kinh

Hậu Hán An Thế Cao dịch

Bản Việt dịch của Thích Nữ Đức Thuận

***

Một thời, Đức Phật cùng với một nghìn hai trăm năm mươi tì-kheo, các vị bồ-tát và trời người an trú tại núi Kì-xà-quật, thành La-duyệt-kì. Khi ấy đại đệ tử Xá-lợi-phất đến trước Đức Phật, quì gối chấp tay thưa:

-Bạch đức Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ cầu Phật đạo, nhưng đời trước đã từng tạo nghiệp ác thì nên sám hối thế nào?

Phật nói:

– Hay thay, hay thay! Này Xá-lợi-phất! Ông có lòng nghĩ đến trời và người nên mới hỏi như thế.

– Nếu có người thiện nam, thiện nữ muốn cầu đạo A-la-hán, đạo Bích-chi-phật và Phật đạo, hoặc muốn biết việc quá khứ, vị lai … thì mỗi ngày vào rạng sáng hoặc buổi trưa, buổi chiều, đầu đêm, giữa đêm và lúc gà gáy phải thức dậy súc miệng sạch sẽ, chỉnh trang y phục, chấp tay lễ bái mười phương Phật, rồi hướng về chư Phật chí thành tỏ bày tội lỗi cầu xin sám hối:

– Con tên là … từ vô thỉ kiếp đến nay đã phạm rất nhiều tội lỗi. Đời nay lại phạm các tội như dâm dục, sân giận, ngu si … Khi chưa biết Phật, pháp, tăng, không phân biệt được thiện ác, hoặc thân, miệng, ý phạm lỗi, khởi tâm muốn hại Phật, chê bai kinh điển, tranh cãi với tì-kheo tăng; hoặc giết a-la-hán, hoặc giết cha mẹ, phạm ba lỗi của thân, bốn lỗi từ miệng, ba lỗi của ý. Chính mình sát sinh, bảo người sát sinh, thấy người giết mà sinh tâm vui.

Chính mình trộm cắp, bảo người trộm cắp, thấy người trộm cắp mà sinh tâm vui. Chính mình dối gạt, bảo người dối gạt, thấy người dối gạt mà sinh tâm vui. Chính mình nói lưỡi đôi chiều, bảo người nói lưỡi đôi chiều, thấy người nói lưỡi đôi chiều mà sinh tâm vui. Chính mình mắng chửi, bảo người mắng chửi, thấy người mắng chửi sinh tâm vui. Chính mình nói dối, bảo người nói dối, thấy người nói dối mà sinh tâm vui. Chính mình ganh tị, bảo người ganh tị, thấy người ganh tị mà sinh tâm vui. Chính mình tham lam, bảo người tham lam, thấy người tham lam mà sinh tâm vui. Chính mình bất tín, dạy người bất tín, thấy người bất tín sinh tâm vui. Không tin làm thiện được quả thiện, làm ác gặp ác, thấy người làm ác mà sinh tâm vui. Chính mình trộm tài vật trong chùa, hoặc tài vật của tì-kheo, bảo người trộm cắp, thấy người trộm cắp mà sinh tâm vui. Tài vật của mình vốn nhẹ, nhỏ và ngắn, mà lại tự cho là nặng, lớn, dài để dối gạt người; thấy người khác gạt cũng vui theo. Chính mình cướp đoạt, bảo người cướp đoạt, thấy người cướp đoạt mà sinh tâm vui. Chính mình làm điều ác nghịch, dạy người làm điều ác nghịch, thấy người làm điều ác nghịch mà sinh tâm vui.

Vì vậy mà từ quá khứ đến nay, khi thân trôi lăn trong năm đường: địa ngục, cầm thú, ngạ quỉ, làm người, cõi trời đã tạo các tội lỗi như bất hiếu với cha mẹ, thầy tổ; chẳng kính bạn tốt, sa-môn, trưởng lão; xem thường cha mẹ, thầy tổ, người cầu quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật; hoặc phỉ báng, ganh ghét, gặp Phật đạo cho là sai, gặp ác đạo nói là đúng, thấy việc đúng nói chẳng đúng, thấy việc chẳng đúng cho là đúng.

Những tội lỗi mà con đã gây tạo như thế, nguyện các Đức Phật trong mười phương thương xót cho con sám hối, để đời này và đời sau không còn tái phạm những lỗi lầm như thế nữa. Sở dĩ con cầu các Ngài thương xót, là bởi các Đức Phật thấy nghe cùng khắp, không ai dám ở trước Ngài mà dối gạt. Những tội lỗi đã phạm, con không dám che giấu, nguyện từ nay về sau không còn dám tái phạm.

Phật lại bảo Xá-lợi-phất: “Nếu thiện nam, thiện nữ nào không muốn rơi vào ba đường ác, thì phải sám hối những lỗi lầm đã phạm, không được che giấu. Sau khi thụ giới rồi, không được làm điều xấu. Nếu không muốn sinh vào biên địa không có Phật, pháp, tăng, nơi không có đạo lí thiện ác, thì phải sám hối, không được che giấu. Nếu không muốn ngu si, điếc, mù, câm, ngọng, hoặc không muốn sinh vào nhà đồ tể, nhà làm nghề đánh cá, săn bắt, làm cai ngục và nhà nghèo hèn thì phải sám hối những lỗi lầm đã phạm, không được che giấu.

Người nữ nào muốn sinh con trai, thì phải sám hối những lỗi lầm đã phạm. Muốn chứng quả vị Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, thì đều phải sám hối. Muốn chứng quả vị Tư-đà-hàm cho đến sinh lên cõi trời, làm người; hoặc muốn chứng quả A-na-hàm cho đến sinh lên tầng trời hai mươi bốn; hoặc muốn chứng quả vị A-la-hán cho đến quả vị Niết-bàn; hoặc muốn chứng quả A-la-hán tại thế gian; hoặc muốn được quả vị Bích-chi-phật; hoặc muốn biết việc quá khứ, vị lai… thì đều phải sám hối những lỗi lầm đã phạm, không được che giấu.

Đức Thế Tôn lại bảo:

– Này Xá-lợi-phất! Thiện nam, thiện nữ nên mỗi ngày ba thời kính lễ các Đức Phật hiện tại khắp mười phương. Các Đức Phật ở mười phương đều bình đẳng chỉ dạy tất cả mọi người, như mặt trời mặt trăng chiếu xuống nhân gian, khiến họ làm việc thiện. Phật rưới giáo pháp đến khắp mọi người, giống như trận mưa rưới xuống thì mọi cỏ cây đều được tươi tốt. Nhờ Phật tuôn giáo pháp, nên chúng sinh được sinh vào nhà hầu, vương, Tứ Thiên Vương, hoặc sinh lên cõi trời Ba Mươi Ba, hoặc sinh vào gia đình giàu sang hạnh phúc, hoặc chứng quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.

Cúi xin các Đức Phật ở khắp mười phương nghe những lời con bày tỏ: Như đối với tất cả loài người cho đến loài côn trùng nhỏ bé đã tạo những việc thiện ác, hoặc hành bố thí, hoặc siêng năng tu tập không phá hủy giới pháp, hoặc từ bi thương tưởng muôn loài, hoặc làm nhiều việc thiện, hoặc cúng dường cho bồ-tát và các tì-kheo, hoặc bố thí cho hàng phàm phu và người nghèo khổ, cho đến các loài cầm thú đáng thương. Con nguyện khuyến khích, trợ giúp họ vui vẻ làm lành.

Các Đức Phật quá khứ đã cứu độ chúng sinh được quả Niết-bàn, con nguyện trợ giúp họ vui. Các Đức Phật đương lai dạy người làm thiện, xa lìa năm điều ác cội gốc sinh tử, đến nay chứng được quả vị A-la-hán, Bích-chi-phật, con nguyện khuyến khích hổ trợ họ làm thiện để được như Phật. Các Đức Phật hiện tại ở khắp mười phương đã cứu độ chúng sinh, như dạy người bố thí, không phạm giới pháp, các Ngài thương xót mọi người cho đến loài côn trùng nhỏ bé, đã giúp thoát khỏi các đường dữ địa ngục, cầm thú, ngạ quỉ, ngu si, nghèo hèn, đến nay đều được quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi-phật, Niết-bàn. Con nguyện khuyến khích họ hoan hỉ làm lành.

Các bồ-tát quá khứ chưa thành Phật, hành trì sáu ba-la-mật: bố thí ba-la-mật, trì giới ba-la-mật, nhẫn nhục ba-la-mật, tinh tấn ba-la-mật, thiền định ba-la-mật, trí tuệ ba-la-mật. Con nguyện khuyến trợ các vị ấy ưa thích hành trì.

Chư bồ-tát đương lai hành trì sáu ba-la-mật, chư bồ-tát hiện tại hành trì sáu ba-la-mật, con cũng nguyện khuyến trợ họ hoan hỉ hành trì. Con nguyện đem hết thảy phúc báo mình đã tạo hồi hướng đến tất cả, trên từ cha mẹ dưới đến các loài côn trùng nhỏ bé, loài hai chân, loài bốn chân, loài nhiều chân… ở khắp mười phương trong thiên hạ để giúp họ được phúc đức của Phật, được quả Bích-chi. Dù đem vàng bạc châu báu chất đầy trong bốn thành lớn dùng để bố thí, thì công đức kia lớn hơn gấp trăm, nghìn, vạn, ức.

Đức Thế Tôn lại bảo:

– Này Xá-lợi-phất! Nếu có thiện nam, thiện nữ nào mỗi ngày sáu thời đảnh lễ các Đức Phật khắp mười phương và phát nguyện: Chư Phật khắp mười phương đã thành nhưng không thuyết kinh, nay con thỉnh cầu quí Ngài hãy vì chư thiên và loài người cho đến loài côn trùng bé nhỏ mà thuyết kinh, giúp họ thoát khỏi kiếp nạn địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, ngu si, nghèo hèn, thành tựu quả vị Niết-bàn. Nếu các Đức Phật mười phương muốn vào Đại Niết-bàn, con nguyện thỉnh cầu chớ vội vào Đại Niết-bàn, hãy giúp chúng sinh cõi trời, người cho đến loài côn trùng nhỏ bé được phúc này và thoát khỏi địa ngục, ngạ quỉ.

Đức Thế Tôn lại bảo:

– Này Xá-lợi-phất! Đời trước, khi các Đức Phật còn làm bồ-tát, đã từng thỉnh cầu chư Phật thuyết kinh chớ vội vào Đại Niết-bàn, nhờ thế mà nay đều được thành Phật. Đệ nhất Tứ đại thiên vương, đệ nhị thiên vương và Đế Thích cùng đến chấp tay đảnh lễ thỉnh cầu, xin Ta chư thiên và loài người mà thuyết kinh. Vô số chư thiên thỉnh Như Lai chớ vào Niết-bàn.

Đức Phật lại bảo:

-Này Xá-lợi-phất! Như thế, tất cả chúng sinh nếu ai làm lành thì được phúc lành, làm ác thì tự chuốc tai ương.

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Nếu có thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu quả Phật, thì nên phát nguyện như thế nào?

Đức Phật bảo:

– Nếu thiện nam, thiện nữ nào mỗi ngày sáu thời lễ lạy các Đức Phật khắp mười phương và phát nguyện:

Cúi xin chư Phật ở mười phương nghe lời con bày tỏ: Từ vô số kiếp trước đến nay, con đã tạo các phúc lành như bố thí, trì tụng kinh pháp, giữ gìn tâm thiện, vì Tam bảo mà làm những việc lành, vì phàm phu mà làm lành, vì cầm thú mà làm lành. Tạo ác tự gặp tai ương, làm lành ắt được phúc báo, nên sám hối những việc ác, trì giới không hủy phạm, hoặc giữ giới không thân cận người nữ, hoặc vui mừng khi thấy chư Phật, bồ-tát, hay chúng sinh làm thiện, hoặc thỉnh cầu các Đức Phật chớ vội Niết-bàn… Tất cả những phúc mà con đã gieo trồng từ khi học đạo, xin được gom góp lại, với tâm chí thành nguyện hồi hướng hết thảy cho chúng sinh khắp mười phương, cho đến loài côn trùng nhỏ bé đều được phúc này. Mong với chút phúc phần còn sót lại giúp tu tập thành tựu, thực hành Phật đạo, giảng thuyết Phật kinh. Những người chưa được độ, con nguyện sẽ cứu độ, người chưa giải thoát, con nguyện sẽ độ thoát, người chưa được Niết-bàn, con nguyện sẽ giúp họ được Niết-bàn.

Đức Thế Tôn lại bảo:

– Này Xá-lợi-phất! Giả sử thiện nam, thiện nữ khắp trong thiên hạ đều chứng được quả vị A-la-hán và Bích-chi-phật. Người phát tâm cúng dường tất cả các vị a-la-hán và bích-chi-phật ấy cả nghìn năm, thì được phúc có nhiều chăng?

Xá-lợi-phất nói:

– Chỉ cần cúng dường một vị a-la-hán và bích-chi-phật trong một ngày đã được phúc vô lượng, huống là cúng dường các vị a-la-hán và bích-chi-phật khắp trong thiên hạ suốt cả nghìn năm!

Đức Phật nói:

– Tuy vậy, phúc cúng dường tất cả các vị a-la-hán và bích-chi-phật khắp trong thiên hạ suốt cả nghìn năm cũng không bằng một phần trăm nghìn vạn ức lần phúc của người hành trì kinh Hối quá, ngày đêm đọc tụng sáu lần.

    Xem thêm:

  • Kinh Sám Hối Lỗi Lầm Qua Lời Dạy Cho Tôn Giả Xá Lợi Phất - Kinh Tạng
  • Kinh A Hàm Khẩu Giải Mười Hai Nhân Duyên - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Công Đức Tạo Tượng Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Minh Lễ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập Hiền Hộ Bồ Tát – Thích Hằng Đạt dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Đức Phật Nói Về Hương Giới Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Bi Phân Đà Lợi - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Tu Tập Mười Nghiệp Lành - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lí Thú Lục Ba La Mật Đa - Kinh Tạng
  • Kinh Ly Thùy - Kinh Tạng
  • Kinh Thân Nhật Nhi Bổn - Kinh Tạng
  • Kinh Ðâu Ðiều - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Đại Tập Địa Tạng Thập Luân - Kinh Tạng
  • Kinh A Nan Vấn Phật Sự Cát Hung – Thích Nữ Tuệ Thành dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Phật Nói Kinh Huyền Sư Đài Đà Sở Thuyết Thần Chú - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Diệt Tận - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Thuyết Đại Ca Diếp Vấn Đại Bảo Tích Chánh Pháp - Kinh Tạng
  • Tư Duy Lược Yếu Pháp - Kinh Tạng