Kinh Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát

Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát Kinh

Tây Tấn Nhiếp Đạo Chơn dịch

Bản Việt dịch của Huyền Thanh

***

NĂM SỰ CHE LẤP (Ngũ cái: Pañca-āvaraṇāni) _PHẨM THỨ NHẤT_

Nghe như vậy. Một thời Đức Phật ngự trên Toà Tự Nhiên Kim Cương tại xứ Thanh Tịnh Pháp trong nước Ma Kiệt Đề (Magadha), ánh hào quang rất sáng, không có chỗ nào chẳng chiếu khắp… với vô ương số Bồ Tát thuộc chúng Ma Ha Tát cùng chung ngồi họp, trong đó Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát (Samanta-bhadra¬bodhisatva: Phổ Hiền Bồ Tát), Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát (Maṃjuśrī-bodhisatva:Diệu Cát Tường Bồ Tát) là tối đệ nhất (bậc thượng thủ)

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát rằng: “Nếu có người cầu Đạo Bồ Tát (Bodhisatva-mārga). Kẻ trai lành, người nữ thiện muốn được sự thanh tịnh không bị che lấp thì nên thực hành Pháp của nhóm nào để tự mình đến được vậy?”

Tạm Mạn Đà Bạt Đà La bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu Đạo Bồ Tát thì nên chỉnh sửa quần áo, ngày đêm đều ba lần cúi đầu trước chư Phật ở mười phương, làm lễ, hối lỗi, ăn năn hối hận với các việc ác đã làm. Các điều đáng Nhẫn thì nên Nhẫn (Kṣānti), các nơi đáng lễ thì nên lễ, các chỗ đáng Nguyện Lạc (mến mộ, ưa thích) thì nên Nguyện Lạc, các bậc đáng khuyến thỉnh thì nên khuyến thỉnh. Như vậy tất cả các Tội Cái, các Cấu Cái, các Pháp Cái đều trừ bỏ được. Tất cả Công Đức đều được đầy đủ.

Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Prajña-pāramita), Đâu Sa Đà Tỉ La (?Tathāgata¬piṭaka: Như Lai Tạng Kinh), tất cả Tam Muội (Samādhi), tất cả các Đà Lân Ni (Dhāraṇī), tất cả Ẩu Hoà Câu Xá La (Upaya-kauśaiya:Phương Tiện Thắng Trí) …Đây là Tôn (Nātha) trong các Kinh. Đem việc như vậy làm xong được lễ tất cả chư Phật. Ý ấy chí Tâm vậy”

***

SÁM HỐI LỖI LẦM _PHẨM THỨ HAI_

Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát nói: “Tất cả người mà thân đã thực hành, miệng đã phạm, Tâm đã nghĩ việc ác…Trong tất cả các cõi Phật đối với nhóm Trần (Viṣaya: cảnh) dấy lên ý nghĩ tất cả các việc ác…người đó (họ tên…) đều vì điều ấy mà sám hối tội lỗi

Con (họ tên…) theo việc đã làm, gây tạo các điều ác. Đối với chư Phật (Buddhānāṃ), các Bồ Tát (Bodhisatva), các Ca La Mật (?Karālamba: người cứu trợ), cha mẹ, A La Hán (Arhat), Bích Chi Phật (Pratyeka-buddha)… Trong sự bảo vệ của Đát Sa Kiệt (?Tarṣaka), chùa Đát Sa Kiệt, Pháp Đát Sa Kiệt của Thần…. đã phạm các lỗi ác.

Tu Ha Ma Đề (Sukha-vati: Cực Lạc) là cõi Phật A Di Đà (Amitābha: Vô Lượng Quang), tất cả chư Phật, tất cả các cõi Phật (Buddha-kṣetra), tất cả các Pháp Phật (Buddha-dharma)….nếu có nghi ngờ, khởi ý chẳng tin thì con (họ tên…) vì việc ấy ăn năn sám hối tất cả tội lỗi.

Con đối với tất cả chư Phật, các vị Bồ Tát, các Ca La Mật, các bậc cha mẹ, các vị A La Hán, các vị Bích Chi Phật, tất cả mọi người…đã có thể phỉ báng. Hoặc phóng túng tùy theo ham muốn, phóng túng tùy theo ngu si, phóng túng tùy theo sự tự dùng. Hoặc có gàn bướng chẳng cùng người nói chuyện. Hoặc bị Tham Dâm dẫn dắt. Hoặc bị keo kiệt, ganh tỵ dẫn dắt. Hoặc bị lòng tham dẫn dắt. Hoặc bị sự nịnh hót dẫn dắt, do các Dục dẫn dắt…Khi Tâm ấy loạn thì chẳng thể tự chuyên, bị tất cả sự che lấp, bị tất cả sự sợ hãi…đã khởi Ý có lỗi lầm. Nay con (họ tên…) đều vì việc ấy, ăn năn tất cả tội lỗi.

Con (Họ tên…) từ A tăng kỳ Kiếp khởi Ý ác với Đức Phật, hoặc đấu loạn Tỳ Kheo Tăng (Bhikṣu-saṃgha: Chúng Tỳ Kheo), hoặc hại A La Hán (Arhat), hoặc hại cha mẹ, hoặc thấy Chính Pháp (Saddharma) thì nói là Phi Pháp (A-dharma), hoặc thấy Phi Pháp thì nói là Pháp (Dharma), hoặc cười chê sự nghĩ nhớ của người, thường cùng với việc Phi Pháp. Hoặc lỗi lầm của chỗ phạm khác, hoặc muốn phạm, hoặc đã phạm. Hoặc phạm vào Giới mà Đa Sa Kiệt ấy đã dạy bảo. Đời này hoặc đời trước chẳng biết đến Phật, Pháp, Tỳ Kheo Tăng thời các lỗi ác đã phạm phải, nay con đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Các Ý ganh tỵ, nghiêng lệch mà con đã gây tạo như có Phật thì lại phán đoán ngăn chận người khiến cho họ chẳng được thấy nghe. Nếu có người hiểu rõ Kinh nói Pháp thì lại phán đoán ngăn chận người khiến cho họ chẳng được thấy nghe. Nếu có Ca La Mật thì lại phán đoán ngăn chận người khiến cho họ chẳng được trụ hội. Nếu có người đã làm các Công Đức: đem cho Bát Chấn Việt (Civara: quần áo), cơm, thức ăn, giường, vật dụng nằm nghỉ, thuốc men chữa bệnh gầy ốm thì lại la mắng ngăn chận khiến họ chẳng được đem cho.

Làm vô ương số việc ấy chẳng ngưng dứt, triển chuyển giao nhau dấy lên mọi tội. Nay con (họ tên…) đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Các tội mà con đã gây tạo như: thấy người phạm tội thì lại ở bên cạnh khuyến trợ, do điều ấy cho nên bị tội ấy dẫn kéo sinh vào thời Mạt Thế, hoặc sinh vào nhà nghèo khó, hoặc lìa Ca La Mật, nếu có Phật thì chẳng thể được nhìn thấy. Nếu có Bồ Tát, Ca La Mật thì chẳng được cùng nhau hội họp, chẳng thể được nghe Kinh Pháp. Do các điều ác đã gây tạo cho nên chẳng thể được gặp gỡ, nhìn thấy Thân của Thánh Hiền ấy.

Nay con (họ tên…) đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Các tội mà con đã gây tạo như: chẳng thể kịp nghe Pháp được, hoặc nghe Pháp mà Tâm ấy chẳng thể thọ nhận Pháp, nếu đã thọ nhận nhưng lại quên mất chẳng thể bền chặt giữ Pháp, chẳng thể kỹ lưỡng trì Pháp mà lại hèn yếu nhu nhược chẳng nhìn xa, hình sắc ấy chẳng thể đến được sự đoan chính, nơi sinh ra thường thiếu tài bảo, chẳng thể được Đà Lân Ni Hạnh, chẳng thể được Vô Niệm Tuệ Hạnh, chẳng thể được Bát Nhã Ba La Mật Hạnh, chẳng thể được Tam Muội Hạnh, chẳng thể được Tuệ mà Ẩu Hòa Câu Xá La (Upaya-kauśaiya: Phương Tiện Thắng Trí) đã nhập vào, chẳng thể được Tuệ mà Đâu Sa Đà Bỉ La (Tathāgata-piṭaka) không có chỗ chướng ngại đã nhập vào. Tất cả các tội đã gây tạo ấy, chẳng thể theo kịp được điều đấy. Nay con đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Các tội mà con đã gây tạo như: chẳng thể được tất cả Công Đức của Tuệ mà Pháp Hành đã nhập vào, chẳng thể được tất cả Công Đức của Tuệ mà ý của người đã nhập vào, chẳng thể được tất cả Công Đức của Tuệ mà Người nhân vào năm Căn đã nhập vào, chẳng thể được tất cả Công Đức của nơi mà Tuệ Luật của người đã nhập vào, chẳng thể được tất cả Công Đức mà Pháp Tuệ đã nhập vào, chẳng thể được tất cả Công Đức của Tuệ của người Nê Hoàn (người đã chứng Niết Bàn). Tất cả các tội đã gây tạo ấy, chẳng thể theo kịp được điều ấy. Nay con đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Các tội mà con đã gây tạo như: chẳng thể nhìn thấu suốt nghe thông tỏ, chẳng thể được Thần Túc Phi Hành, chẳng thể được tự biết Túc Mệnh, chẳng thể được biết việc của quá khứ, chẳng thể được âm thanh của Phạm Thiên, chẳng thể được Công Đức của thân miệng ý, chẳng thể được Hạnh cao thượng trong sạch, chẳng thể được đầy đủ nơi Công Đức. Tất cả các tội đã gây tạo ấy, chẳng thể theo kịp được điều ấy. Nay con đều xin sám hối tất cả tội lỗi.

Nếu người khác khởi Ý ác hướng đến con, hoặc có chúng binh lính. Hoặc con khởi Tâm Từ hướng đến người khác, hoặc có chúng binh lính, hoặc để cho tất cả các sự sợ hãi ngăn che…Con hợp hội ở trước mặt chư Phật, nơi mà chư nhãn đế tuệ biến đế đã nói, tức Thọ Đế. Con ở trước mặt Đế đấy, tự hổ thẹn hối lỗi (quy hối), lại tự phát nêu ra. Tự phát xong thì tự hối lỗi trách mình, chẳng dám che dấu, từ nay trở về sau chẳng dám tái phạm.

***

HÂM MỘ ƯA THÍCH (Nguyện Lạc) _PHẨM THỨ BA_

Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát nói: “Kẻ trai lành, người nữ thiện cầu Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga) nên làm sự hâm mộ ưa thích (nguyện lạc) này: “Nay con tự quy Hiểu Nhất Thiết (?bậc hiểu biết tất cả). Đối với các Phật Hiểu (?đấng có Tuệ Giác siêu việt), Bồ Tát, Ca La Mật với cha mẹ, các A La Hán, Bích Chi Phật với tất cả người, chí Tâm cầu xin thương xót. Người chưa thể hiểu biết, nay đều hiểu biết như chư Phật đã biết. Đấng như vậy là nơi có thể tự quy, vì đáng Tự Quy vậy”

Lại nữa, nay con…lễ tất cả chư Phật. Tất cả chư Bồ Tát, chư Ca La Mật, cha mẹ với A La Hán, Bích Chi Phật đều xin làm lễ

Tối thượng trong cùng tột, Minh trong Minh vô thượng, không có hai cũng không thể so sánh… như chư Phật đã biết. Chỗ như vậy là nơi nên làm lễ, vì đáng làm lễ vậy.

Lại nữa, nay con nguyện lễ Công Đức của chư Phật, Công Đức của chư Bồ Tát chư Ca La Mật, Công Đức của chư A La Hán chư Bích Chi Phật với Công Đức mà tất cả người ở mười phương đã làm… như chư Phật đã biết. Chỗ như vậy là nơi nên lễ các Công Đức, vì đáng lễ vậy

Đấy tức là Tuệ của Bồ Tát. Nếu kẻ trai lành, người nữ thiện có Công Đức đó, nguyện vui thích trợ giúp vị ấy được vui vẻ. Nếu có bậc chờ Phật Tuệ là nơi cần mến mộ ưa thích thì con đều mến mộ ưa thích. Vị ấy chưa làm Công Đức mà nay làm Công Đức thì con…đều nguyện mến mộ ưa thích

***

KHUYẾN THỈNH _PHẨM THỨ TƯ_

Tam Man Đà Bạt Đà La Bồ Tát nói: “Kẻ trai lành, người nữ thiện cầu Bồ Tát Đạo thì nên làm khuyến Thỉnh này:

“Con (họ tên…) chí Tâm khuyến thỉnh tất cả chư Phật. Nay Phật A Nậu Đa La Tam Gia Tam Bồ hiện tại cho đến A Duy Tam Phật (hiển hiện Chính Đẳng Tri Giác, tên gọi khác của Phật Trí), bậc đã thành Tất Đẳng Tri chưa chuyển bánh xe Pháp. Nay con khuyến thỉnh chư Phật chuyển bánh xe Pháp

Lại nữa, chư Phật ấy đã muốn vào Niết Bàn thời con khuyến thỉnh tạm đừng Bát Nê Hoàn (Parinirvāṇa: nhập diệt). Dùng tất cả người cho nên tạm tự trụ vô ương số Kiếp, dùng Pháp Thân (Dharma-kāya) trụ làm chỗ không có trụ, Kinh Pháp đã nói khiến cho tất cả người đều được chỗ ấy, đều khiến cho dũng mãnh, đầy đủ Pháp Hạnh của Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát, khiến cho tất cả người đều dùng điều này làm gốc, đều được an ổn, với các sự cần khổ trong nẻo Trời (Deva), Rồng (Nāga), Quỷ Thần, Kiền Đà La (Gandhāra), A Tu Luân (Asura), Ca Lưu La (Garuḍa), Chân Đà La (Kiṃnara), Ma Hưu Lặc (Mahoraga), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya), Nê Lê (Niraya: Địa Ngục), Bệ Lệ (Preta: Quỷ đói), cầm thú (loài chim và muông thú)… sớm được giải thoát. Người không có chỗ hiểu biết thì khiến cho buông xả ý si mê, đầu được Ý chính đúng, đi vào Phật Đạo. Người làm điều tà bậy thì khiến cho đều buông xả điều tà bậy đi vào Chính Đạo, đều trụ ở Bản Vô Pháp”

_Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát nói: “Kẻ trai lành, người nữ thiện cầu Bồ Tát Đạo, nên làm điều ban cho (thí dữ).

Công Đức của chỗ mà con đã có thể sám hối. Các Công Đức của chỗ có thể nhẫn nại, chỗ có thể lễ, chỗ có thể nguyện ưa thích, chỗ có thể khuyến thỉnh…hoặc muốn làm, hoặc mới làm, hoặc đã làm. Các Công Đức đã làm đều hợp hội tất cả, thành tựu làm một vị của Phước như Pháp của chư Phật, như chỗ Đức Phật đã biết. Công Đức này liền có thể là nơi đã sinh ra Trí, tướng của chư Phật, hay được Pháp Tự Tứ (Pravāraṇa: mãn túc, hỷ duyệt, việc tùy theo ý…). Các chỗ đã ban cho, đã nhận sự ban cho mà có ban cho. Sự ban cho này là sự ban cho chính đúng, không có chỗ bị chặt đứt. Con trì Pháp này ban cho Công Đức, khiến cho tất cả người đều đạt được Pháp ban cho, đều khiến khởi Ý, như nhóm ban cho của Tát Vân Nhược (Sarva-jña: Nhất Thiết Trí)

Nay con ban cho, như chỗ mà Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát đã thực hành, trì Công Đức ấy khiến tất cả cho Con không bị rơi vào trong Nê Lê (địa ngục), Bệ Lệ (quỷ đói), cầm thú, sinh trong tám đường ác cần khổ, đều khiến sinh vào nơi có Phật, có Bồ Tát, đều khiến sinh vào Tu Ha Ma Đề (Sukha-vati: Thế Giới Cực Lạc), cõi của Phật A Di Đà (Amitābha-buddha: Vô Lượng Quang Phật)

Con trì Công Đức này nhân vào Tâm tốt của con, đầy đủ khắp, phát Tâm A Nậu Đa La Tam Gia Tam Bồ (Anuttara-samyaksaṃbuddhi-citta: Tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

Con trì Công Đức ban cho của Pháp này, vì tất cả người làm căn nhà, làm chỗ giúp đỡ, nhận Tự Quy ấy làm chỗ hóa độ. Ở trong chỗ u ám làm ánh sáng, rất sáng trong ánh sáng. Ở trong Trì (gìn giữ) làm Trì, Tôn Trì trong Trì. Tất cả người chưa được độ thì con sẽ hóa độ, người chưa thoát thì con sẽ giúp cho thoát, người chưa Bát Niết Bàn thì con sẽ khiến cho Bát Niết Bàn. Tạo làm tất cả người đều khiến cho phát Tâm A Nậu Đa La Tam Gia Tam Bồ (Tâm Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác)

Con trì Công Đức ban cho của Pháp này, khiến cho tất cả người và thân của con, ở các nơi đã sinh ra đều có thể khởi ý thường cúng dường chư Phật, cúng dường các Bồ Tát. Đem sự cúng dường chư Phật Bồ Tát đã làm lúc trước, khiến cho tất cả người với thân của con chẳng lìa Bồ Tát Pháp; chẳng lìa Ca La Mật, Văn Thù Sư Lợi với Duy Ma Kiệt (Vimala-kirti) và Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát…Chỗ mà các Bồ Tát này đã thực hành đều đầy đủ Đà Lân Ni (Dhāraṇī), Tam Muội (Samādhi) thanh tịnh, một lòng chẳng dao động đều đã thành tựu chỗ mà Bát Nhã Ba La Mật đã hành, đều đã biết rõ Ẩu Hòa Câu Xá La (Upaya-kauśaiya), đã vào tất cả, ở các Pháp sai khác, khiến cho tất cả người với con đắc được đầy đủ Tuệ Hạnh của các Bồ Tát này

Con trì Công Đức ban cho của Pháp này, đều khiến cho người bị câu thúc ràng buộc tại Nê Lê (địa ngục), Bệ Lệ (quỷ đói), Cầm Thú… được giải thoát. Người không có mắt thì được có mắt, người điếc được nghe thấy, người ở trong sự cần khổ ấy đều được an ổn. Hoặc ở cõi Phật này với cõi Phật ở phương khác, bên dưới đến A Tỳ Nê Lê (Địa ngục A Tỳ: Avīci), bên trên đến vô cực. Ở khoảng giữa ấy, loài nhuyễn động có chân, không có chân. Hoặc vị lai, hoặc Nhuyễn Sinh hoặc Hóa Sinh; hoặc có hình sắc, hoặc không có hình sắc, hoặc có tư tưởng, hoặc không có tư tưởng với tất cả người, Phi Nhân… Khi chuyển tướng dựa dính xong thời hay giữ gìn con mắt Phật, thấy biết đều hiểu, khiến cho tất cả đều được hình người, đi vào Phật Đạo, nghe Pháp ắt hiểu rõ, thọ nhận đều được Tâm A Nậu Đa La Tam Gia Tam Bồ Đề

Con trì Công Đức ban cho của Pháp này, khiến cho tất cả người với con giữ gìn Công Đức này đều được nhóm Hạnh của chư Phật, nhóm Hạnh của các Bồ Tát, Hạnh của các Ca La Mật… khiến cho tất cả người đều đến cúng dường, khởi nguyện được các cõi Phật, hay khiến cho thanh tịnh. Đối với Pháp của ba đời, hiểu rõ hay biết hết, ví như Kim Cương không có chỗ xỏ xuyên qua, khiến cho tất cả người với con đều được Trí Tuệ của Phật, rồi đầy đủ các chỗ cảm động, hay biết hết. Đối với các Tuệ thâm sâu đều được. Đối với các Pháp mà không có nghi ngờ

Gìn giữ Công Đức này khiến cho con đầy đủ nguyện, như Pháp Hạnh của Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát, mười loại lực Địa thảy đều được.

Do đây làm chứng, gìn giữ Công Đức này, nguyện khiến cho tất cả người với con đều khiến được Phước.

***

THÍ DỤ VỀ PHƯỚC _PHẨM THỨ NĂM_

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát rằng: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện muốn cầu Bồ Tát Đạo, ngày đều đều ba lần sám hối tội lỗi, khuyên ưa thích Pháp Hành như bên trên nói thì Phước ấy như thế nào?”

Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát bảo Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát rằng: “Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện phụng hành Bồ Tát Đạo, cầm bảy báu tràn đầy bên trong đất của Diêm Phù Đề (Jambu-dvīpa) cúng dường Đát Sa Kiệt A La Ha Tam Ma Gia Phật chẳng như kẻ trai lành, người nữ thiện đó ngày đêm đều ba lần khuyên ưa thích Pháp Hành, chỗ cần sám hối thì sám hối, chỗ cần nhẫn nại thì nhẫn nại, chỗ cần lễ thì lễ, chỗ cần nguyện ưa thích thì nguyện ưa thích, chỗ cần khuyến thỉnh thì khuyến thỉnh, chỗ cần ban cho thì ban cho… ngày đêm phụng hành như Giáo bên trên thì Phước ấy vượt hơn việc đem bảy báu tràn đầy Diên Phù Đề cúng dường Đát Sa Kiệt gấp trăm lần, ngàn lần, vạn lần, ức lần, cự ức vạn lần… chẳng thể so sánh, chẳng thể tính đếm, chẳng thể ví dụ”

Khi nói Pháp đấy thời vô ương số chư Thiên trụ ở trong hư không, cầm hương hoa với kỹ nhạc rải tán bên trên Đức Phật với các vị Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Tam Mạn Đà Bạt Đà La Bồ Tát nói Kinh đó xong thời chư Thiên, Rồng, Quỷ Thần, A Tu Luân, Người, Phi Nhân nghe Kinh…rất vui vẻ, đến trước mặt Đức Phật làm lễ rồi lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh chú Đà La Ni Thỉnh Bồ Tát Quán Thế Âm Tiêu Phục Độc Hại - Kinh Tạng
  • Bài Xưng Tán Hạnh Nguyện Bồ Tát Phổ Hiền - Kinh Tạng
  • Đà La Ni Bí Mật Phật Đỉnh Tôn Thắng Tâm Phá Địa Ngục Chuyển Nghiệp Chướng Xuất Tam Giới - Kinh Tạng
  • Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hải Tam Muội Công Đức Pháp Môn - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Vô Lượng Công Đức - Kinh Tạng
  • Kinh Hoằng Đạo Quảng Hiển Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Văn Thù Sư Lợi Pháp Bảo Tàng Đà La Ni - Kinh Tạng
  • Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Thọ Ký - Kinh Tạng
  • Kinh Lại Tra Hòa La - Kinh Tạng
  • Bài Kệ Ca Ngợi Đức Phật A Di Đà - Kinh Tạng
  • Kệ Lễ Tán Sáu Thời - Kinh Tạng
  • Thiền Pháp Yếu Giải - Kinh Tạng
  • Kinh Tăng Nhất A-Hàm Tập 2 – HT Thích Thanh Từ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 3 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Trường A-Hàm Phần 4 – HT Thích Tuệ Sĩ dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tổng Trì Nhứt Thiết Như Lai Ô Sắt Nị Sa Tối Thắng - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 24 – Thọ Báo - Kinh Tạng
  • Kinh Luân Vương Thất Bảo - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Sự Nhân Duyên Lợi Ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ - Kinh Tạng
  • Kinh Bát Dương Thần Chú - Kinh Tạng