KINH BỐN VỊ THIÊN VƯƠNG
Phật Thuyết Tứ Thiên Vương Kinh
Lưu Tống Trí Nghiêm Cộng Bảo Vân dịch
Bản Việt dịch (1) của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Bản Việt dịch (2) của Huyền Thanh
***
Kinh Bốn Vị Thiên Vương
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật bảo các đệ tử:
-Hãy cẩn thận đối với tâm niệm của mình, không nên ưa thích sáu dục, dứt bỏ các thứ cấu nhiễm nơi trần, lấy vô cấu làm đầu, bên trong thanh tịnh, bên ngoài thì hết lòng hiếu kính, dùng bốn Tâm vô lượng để phụng dưỡng bậc sinh thành. Sáng sớm vào nơi tôn miếu làm lễ sám hối, buổi chiều đọc tụng, suy nghĩ ý nghĩa nơi diệu lý của kinh, dùng giới trọng của Phật để đối trị tâm bệnh cấu uế, nghiêm trú ở chỗ vắng lặng, tu thiền định, quán hơi thở ngược dòng đến nguồn gốc để cầu đạo giải thoát, mạng sống như ánh chớp, chỉ trong chóc lát liền diệt, ngày trai giới nên cẩn thận giữ gìn thân, miệng, ý. Ngày trai giới thì chư Thiên theo dõi việc thiện ác của con người.
Ở trên núi Tu-di, tức là cõi trời Đao-lợi thứ hai, vua cõi trời ấy là Thích Đề-hoàn Nhân, phước đức rộng lớn, cai quản bốn Thiên vương. Tứ Thiên vương ấy tức là bốn vị vua giữ bốn phương. Mỗi người canh giữ một phương, thường lấy ngày mồng tám trong tháng sai sứ đi tra xét thiên hạ, theo dõi quan sát tâm niệm, lời nói, hành động thiện ác của muôn dân, của Đế Thích, thần dân, rồng, quỷ, các loài côn trùng nhỏ bé.
Ngày mười bốn, thái tử xuống.
Ngày mười lăm, Tứ Thiên vương xuống.
Ngày hai mươi ba, sai sứ giả xuống.
Ngày hai mươi chín, thái tử lại xuống.
Ngày ba mươi, bốn Thiên vương đích thân xuống. Mặt trời, mặt trăng, năm sao lớn, hai mươi tám sao nhỏ, các chư Thiên trong đó đều theo xuống.
Bốn Thiên vương ra lệnh: Thường xuyên theo dõi việc làm tốt xấu của chúng sinh. Nếu ở những ngày này mà quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, tâm thanh tịnh, giữ gìn trai giới, bố thí cho người nghèo, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đem kinh này thuyết giảng rộng, giáo hóa cho người tối tăm, hiếu thuận cha mẹ, phụng sự Tam bảo, cung kính thọ nhận pháp, thực hành bốn Tâm vô lượng, Từ bi cứu giúp các loài, phân biệt đầy đủ để thưa lại với Đế Thích. Nếu tu tập nhiều phước đức, tinh tấn không biếng nhác thì Đế Thích và ba mươi hai vị quan phụ tá thảy đều hoan hỷ.
Đế Thích ra lệnh tăng thêm tuổi thọ cho họ, sai các vị thiện thần ủng hộ những người đó, tùy theo những người ấy giữ giới nhiều hay ít. Nếu người giữ một giới thì có năm vị thần hộ trì. Người trì năm giới thì có hai mươi lăm vị thần cùng ủng hộ nhà cửa, các tai ương, âm mưu tà vạy đều bị tiêu diệt, ban đêm không có ác mộng, hàng quan lại hung bạo, giặc cướp, nạn khổ về nước, lửa, hoàn toàn không xâm hại, các thứ tai họa, quái ác được diệt trừ.
Nhờ bốn Tâm vô lượng, giữ năm giới, sáu ngày trai, giống như nước lớn diệt trừ lửa nhỏ, không có gì mà không diệt được sao? Lúc lâm chung thần thức của họ được đón rước sinh lên cõi trời, nơi cung điện bảy báu, mọi nguyện cầu đều đạt được. Nếu có người không cứu giúp mạng chúng sinh, ô trược, trộm cắp, dâm dật với vợ người, nói hai lưỡi, mắng chửi nói lời ác, nói dối ,nói thêu dệt, dùng chú thuật nguyền rủa, ganh ghét, giận dữ, ngu si, trái nghịch với đạo, bất hiếu, trái với Phật, trái Pháp, chê bai Tỳ-kheo Tăng, luận bàn lẫn lộn việc thiện ác, người thực hành như vậy, Tứ Thiên vương tâu lại với Đế Thích, chư Thiên, khiến các vị ấy không vui. Các vị thiện thần không theo ủng hộ những hạng người ấy, liền khiến cho mặt trời, mặt trăng không còn ánh sáng, các tinh tú đều lặn mất, gió mưa trái thời, nhằm răn đời để sửa đổi tu tập, cần tẩy tâm, giữ gìn thanh tịnh, thành khẩn ăn năn đối với Tam bảo, tu bốn Tâm vô lượng, phụng dưỡng cha mẹ, trung hiếu với vua, dùng tâm Từ ngăn cản mọi sự tranh chấp, thành thật không lừa dối, ngược lại những sai trái ở trước để tu tập, xả bỏ cấu uế, thành tựu đạo thanh tịnh.
Nếu có người cải bỏ tà hạnh, thành tựu đạo chân chánh thì Đế Thích và Tứ Thiên vương đều hoan hỷ, mặt trăng mặt trời liền chiếu sáng, tinh tú thường xuất hiện, mưa gió hợp thời, khí độc tiêu hết, trời mưa xuống cam lộ, đất sinh ra dòng suối mát, lúa nước nhiều hương vị, ăn vào ít bệnh, sắc hoa rực rỡ, mạng sống lâu dài, đời đời xa lìa lao ngục, chết được sinh lên cõi trời, phước đức như sở nguyện, đi lại an nhiên, được mất luôn tự tại, thân có ánh sáng như mặt trời, ăn vào tự tiêu hóa, không có những lo lắng về sự dơ dáy, nơi thân, miệng trong sạch, thơm thơ. Mặt trời, mặt trăng, tinh tú tức là nhà cửa, cung điện của chư Thiên. Điện, đền đài bằng bảy báu hiện ra giữa hư không theo ý của mình. Khi tuổi thọ hết được sinh vào hàng vương tộc, dung mạo đẹp đẽ, người nhìn thấy đều ưa thích, được gặp Phật, gặp pháp, cùng sống chung với Thánh tăng, nhờ vào diệu lực tu tập không còn tội lỗi, chắc chắn đạt đến Niết-bàn, mỗi người thọ trì năm giới, mười điều thiện thì ngăn chận được sáu trần và các dục, sáu ngày trai giới cũng đạt được như vậy.
Vào thời Đức Phật Câu-lưu-tần, tuổi thọ của con người đến sáu vạn năm, tánh của họ thuần thiện, cứu giúp mọi người giống như nuôi dưỡng mình, bình đẳng không hai. Đức Phật ấy qua đời, chánh pháp suy kém, dân chúng hành động không chân chánh, dần dần làm ác, tuổi thọ của họ ngày càng giảm đi, chỉ còn trăm năm.
Sau khi Đức Như Lai nhập Niết-bàn, dân chúng trái với lời dạy của Phật, không còn hiếu kính, mạng sống, tuổi thọ giảm bớt, thiện thần chẳng hộ trì, bệnh dịch quỷ ác thường hay xâm hại, các thứ tai họa xuất hiện khắp nơi, sống thì bị vào lao tù của phép nước, chết bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu làm người chắc chắn bị nghèo cùng, sinh vào hàng hạ tiện. Thiện ác luôn gắn liền thân giống như năm thứ lúa thóc tùy theo chỗ gieo trồng mà thu hoạch được hạt quả. Cũng như ban đêm chép sách, lửa tất chữ còn, thân chết, tên diệt, nhưng phước họa không hư mất.
Các ông nên thận trọng, giữ gìn thân, miệng, ý, thực hành theo năm giới mười điều thiện mới có thể đạt được đạo. Ta nay thành tựu đạo quả Phật chính là nhờ tích chứa các hạnh mà đạt được.
Các Tỳ-kheo nghe kinh này đều rất hoan hỷ, cung kính đảnh lễ Phật mà lui ra.