20. PHÁP HỘI VÔ TẬN PHỤC TẠNG THỨ HAI MƯƠI
Như vậy tôi nghe một lúc đức Phật ở thành Vương Xá tại núi Kỳ Xà Quật cùng chúng đại Tỳ Kheo ngàn hai trăm người câu hội, chúng này đều thành tựu công đức thù thắng hay sư tử hống. Đại Bồ Tát năm trăm người, tất cả đều được môn đà la ni biện tài vô ngại chứng vô sanh pháp nhẫn trụ bực bất thối đủ các tam muội du hí thần thông khéo biết tâm hành xu hướng của chúng sanh, danh hiệu của các đại Bồ Tát ấy là:
Nhựt Tràng Bồ Tát, Nguyệt Tràng Bồ Tát, Phổ Quang Bồ Tát, Nguyệt Vương Bồ Tát, Chiếu Cao Phong Bồ Tát, Tì Lô Giá Na Bồ Tát, Sư Tử Huệ Bồ Tát, Công Đức Bửu Quang Bồ Tát, Nhứt Thiết Nghĩa Thành Bồ Tát, Thành Tựu Túc Duyên Bồ Tát, Không Huệ Bồ Tát, Đẳng Tâm Bồ Tát, Hỉ Ái Bồ Tát, Lạc Chúng Bồ Tát, Chiến Thắng Bồ Tát, Huệ Hành Bồ Tát, Điện Đắc Bồ Tát, Thắng Biện Bồ Tát, Sư Tử Hống Bồ Tát, Diệu Ngôn Âm Bồ Tát, Năng Cảnh Giác Bồ Tát, Xảo Chuyển Hành Bồ Tát, Tịch Diệt Hành Bồ Tát, chư đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.
Lại có Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn, Tứ Đại Thiên Vương, Ta Bà Thế Giới Chủ Phạm Thiên Vương và chư đại oai đức Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Câu La Na, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, vô lượng đại chúng câu hội.
Bấy giờ, Điện Đắc Bồ Tát thấy đại chúng thanh tịnh lặng lẽ, các bực đại long tượng đều vân tập, liền rời chỗ ngồi trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay bạch đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Tôi có chút nghi muốn thưa hỏi, mong đức Như Lai thương hứa cho”.
Đức Phật dạy: “Này Thiện nam tử! Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác cho phép ông hỏi sẽ giải nói cho ông”.
Điện Đắc Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát thành tựu pháp gì có thể làm thỏa mãn sở dục của tất cả chúng sanh chẳng bị ô nhiễm bởi các lỗi lầm, tùy theo căn tánh của chúng sanh dùng phương tiện dẫn đạo khiến các chúng sanh sau khi chết chẳng sa đọa ác đạo, quyết định sẽ chứng được pháp bình đẳng, ở đời chẳng nhiễm như hoa sen, chẳng động pháp giới đi các cõi Phật thường chẳng rời Phật, chẳng thấy sắc thân, an trụ ba giải thoát chẳng nhập vào chánh vị, tùy sở dục chúng sanh mà nghiêm tịnh Phật độ, trong khoảng sát na hay chứng Vô Thượng Bồ đề?”.
Điện Đắc Bồ Tát ở trước đức Phật nói kệ bạch hỏi:
“Pháp Vương Vô Thượng Tôn
Đấng vô biên tri kiến
An trụ nơi cộng pháp
Lợi ích các thế gian
Bình đẳng xem chúng sanh
Làm chỗ dựa cho đời
Dạy các đạo tà chánh
Khiến cứu cánh an lạc
Chứa họp thắng công đức
Dường như khối châu báu
Mặt nhựt huệ trong đời
Đấng Ứng Cúng ba cõi
Mong nói tối thượng thừa
Thành tựu Bồ Tát đạo
Mặt như trăng tròn sáng
Đầy đủ xa ma tha
Khai thị pháp tịch tịnh
Hay diệt các phiền não
Xin nói Bồ Tát hạnh
Lợi ích các chúng sanh
Cõi Phật và thọ mạng
Sắc thân cùng quyến thuộc
Ba nghiệp cùng các pháp
Tất cả đều thanh tịnh
Xin đức Như Lai dạy
Hạnh Bồ Tát thanh tịnh
Hàng phục ma thế nào
Thuyết pháp như thế nào
Thế nào chẳng quên mất
Xin thương tuyên nói cho
Thế nào người dũng tiến
Vào khắp các sanh tử
An trụ trong nhứt tướng
Với pháp thường vô động
Thế nào nơi chư Phật
Hầu gần để cúng dường
Thường quán sắc thân Phật
Cứu cánh rời các tướng
Dầu chứng ba giải thoát
Như chim bay không gian
Chưa đủ các công đức
Trọn chẳng nhập Niết bàn
Biết các căn tánh dục
Tùy thuận vô sở úy
Cũng chẳng sanh nhiễm trước
Thành thục các chúng sanh
Trước ban vui thế gian
Sau khiến phát đạo tâm
Đầy đủ trí thù thắng
Chứng vô thượng Bồ đề
Nghĩa thâm diệu như vậy
Xin đức Như Lai nói”.
Đức Phật bảo Điện Đắc Bồ Tát rằng: “Lành thay, lành thay, thiện nam tử hay hỏi Phật các nghĩa như vậy làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sanh nhiếp thọ thế gian Trời Người hiện tại và chư Bồ Tát đời vị lai. Ông nên lắng nghe khéo suy nghĩ sẽ vì ông mà nói”.
Điện Đắc Bồ Tát bạch rằng: “Vâng, thưa đức Thế Tôn xin ưa muốn nghe”.
Đức Phật dạy: “Này Điện Đắc! Đại Bồ Tát có năm thứ phục tạng, vô biên phục tạng, đại phục tạng, vô tận phục tạng, biến vô tận phục tạng, vô biên phục tạng.
Đầy đủ các phục tạng ấy, Bồ tát xa rời bần cùng hay thành tựu các công đức như đã nói ở trên, do ít công lực mau được Vô thượng Bồ đề.
Đây là năm phục tạng: tham hành phục tạng, sân hành phục tạng, si hành phục tạng, đẳng phần hành phục tạng và chư pháp phục tạng.
Này Điện Đắc! Gì là Đại Bồ Tát tham hành phục tạng? Đó là các chúng sanh tương ưng với tham hành điên đảo hệ phược đi theo các tướng nhiều thứ phân biệt chấp trước kiên cố trong các cảnh sắc thanh hương vị xúc pháp say ưa hôn mê. Nơi những thứ tâm hành ấy của chúng sanh Bồ Tát phải biết rõ như thiệt: các chúng sanh ấy ưa muốn những gì? Với cảnh giới nào họ quen nhiễm vững mạnh? Họ đầy đủ thành tựu những tín giải nào? Thuở trước họ có trồng thiện căn nào? Họ sẽ được phát xu nơi thừa nào? Thiện căn của họ có bao lâu sẽ thành thục? Vì dứt tất cả dục nhiễm của các chúng sanh, vì khiến thiện tâm họ thường tương tục nên Bồ Tát quan sát rõ chắc để trị liệu.
Này Điện Đắc! Căn lành sai biệt của chúng sanh khó biết, tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật chẳng biết được huống là phàm phu và các ngoại đạo.
Này Điện Đắc! Hoặc có chúng sanh dầu tham trước các dục lạc nhưng cũng có thể thành thục Vô thượng Bồ đề.
Hoặc có chúng sanh vừa chạm cảnh dục hoặc từ tâm nhiễm phát ra lời nói bèn được thành thục vô thượng minh thoát.
Hoặc có chúng sanh xem các sắc đẹp lòng sanh dục nhiễm đến lúc sắc ấy biến hoại liền giác tri dứt lòng dục niệm sâu vô thường thì hay thành thục vô thượng minh thoát.
Hoặc có chúng sanh dầu thấy nữ nhơn chẳng sanh tham trước sau đó nghĩ nhớ mới sanh tâm nhiễm tưởng hình dung ấy mà sanh ái luyến.
Hoặc có chúng sanh chiêm bao thấy nữ sắc vừa ý lòng sanh tham trước nhớ tìm cầu mãi.
Hoặc có chúng sanh nghe âm thanh nữ nhơn bèn sanh tham ái, có lúc tạm thấy lìa tâm tham nhiễm bèn được thành thục vô thượng minh thoát.
Vì thế nên Bồ Tát ở nơi các thứ bịnh tham và các thứ thuốc tham biết rõ khéo tốt mà đối với pháp giới không thấy hai tướng. Nơi chúng sanh mê hoặc pháp giới ấy sanh lòng đại bi.
Này Điện Đắc! Hoặc tham sân si hoặc pháp giới trí, không có chút pháp để được.
Bồ Tát quan niệm rằng: các chúng sanh mà tôi thấy ấy, họ ở trong pháp giả danh an lập hòa hiệp vô tướng tự tánh không tịch nầy sanh lòng tham dục sân khuể ngu si, tôi phải quan sát đúng thiệt biết rõ rồi vì họ mà an trụ đại bi thành mãn sở nguyện xưa, chẳng động pháp giới dùng trí vô công dụng để thành thục họ.
Nếu có đàn ông nơi nữ nhơn vọng sanh ý tưởng trong sạch khởi tham nhiễm nặng, Bồ Tát liền hiện thân nữ nhơn xinh đẹp trang nghiêm như thiên nữ theo họ cho tham trước, họ đã tột ái luyến rồi lượng phương tiện mà họ có thể chấp nhận để nhổ tên độc tham dục cho họ, Bồ Tát dùng sức tự tại lại biến thân nữ hiện ra trước họ thuyết pháp cho họ thông đạt pháp giới xong rồi ẩn mất.
Nếu có nữ nhơn ở nơi đàn ông sanh lòng ái nhiễm, Bồ Tát vì họ mà hiện thân đàn ông cho đến dứt bỏ tên độc tham dục cho họ, vì họ thuyết pháp khiến họ nhập pháp giới rồi ẩn mất.
Này Điện Đắc! Các tham hành ấy có hai vạn một ngàn, cộng chung các hành kia thì có tám vạn bốn ngàn, Bồ Tát dùng trí vô công dụng xuất sanh vô lượng ức ngàn pháp môn khai tỏ chúng sanh làm cho họ được giải thoát, mà Bồ Tát cũng chẳng quan niệm tôi vì chúng sanh mà thuyết pháp như vậy, cũng không quan niệm có chúng sanh được giải thoát.
Này Điện Đắc! Ví như Long Vương Vô Nhiệt Não do nghiệp lực ở trong cung của Long Vương ấy phát xuất nguồn bốn sông lớn để cho các chúng sanh thủy lục an ở, mùa hạ nóng bức thì làm cho mát mẻ, thấm nhuần hoa quả, giúp trổ ngũ cốc, khiến các chúng sanh an ổn khoái lạc, mà Long Vương ấy chẳng quan niệm nay tôi khiến nguồn nước bốn sông đã chảy sẽ chảy đương chảy, nhưng nước bốn sông thường đầy làm chỗ cần dùng cho chúng sanh.
Cũng vậy, Bồ Tát thành tựu nguyện xưa dùng trí vô công dụng vì chúng sanh nói bốn thánh đế diệt trừ tất cả sanh tử nóng bức, ban vui thánh giải thoát cho Nhơn Thiên, mà Bồ Tát không quan niệm nay tôi thuyết pháp đã thuyết sẽ thuyết, Bồ Tát nhậm vận an trụ tâm đại bi quan sát chúng sanh tùy theo chỗ đáng được mà vì họ thuyết pháp.
Lại này Điện Đắc! Ví như Thiên Đế có mưòi hai na do tha thiên nữ, do sức tự tại Thiên Đế hiện ra nhiều thân khiến các thiên nữ đều được thỏa mãn dục lạc, các thiên nữ ấy đều tự cho rằng nay tôi riêng mình cùng Tiên Đế vui vầy, mà thiệt ra Thiên Đế không dục nhiễm.
Cũng vậy, đối với các chúng sanh đáng được độ, Bồ Tát tùy theo ý lạc của họ mà làm cho họ được thành thục, mà thiệt ra Bồ Tát không nhiễm trước.
Lại này Điện Đắc! Ví như mặt nhựt lúc mọc lên khỏi ngọn núi tỏa ánh sáng chiếu khắp Diêm Phù Đề, chỗ ánh sáng mặt nhựt chiếu đến tất cả hình sắc đều hiện rõ, mà mặt nhựt ấy vẫn một sắc một ánh sáng không có tướng sai biệt.
Cũng vậy, Bồ Tát trí huệ chiếu khắp pháp giới phát hiện chúng sanh chấp trước, tùy theo ý lạc của họ mà thuyết pháp, nhưng nơi pháp giới không có hai tướng.
Đây gọi là đại Bồ Tát tham hành phục tạng. Bồ Tát chứng nhập phục tạng này rồi hoặc một kiếp hoặc hơn một kiếp tùy theo các loại ý lạc của tất cả chúng sanh hiện vô lượng thân dùng các thứ ngôn từ mà vì họ thuyết pháp, nhưng nơi pháp giới cũng không hai tướng.
Lại này Điện Đắc! Ví như chơn kim do sức thợ khéo tùy ý làm ra các thứ anh lạc trang nghiêm hình tướng đều sai khác mà tánh chơn kim ấy không hề sai khác. Cũng vậy, Bồ Tát khéo quan sát pháp giới tùy theo các loại ý lạc của các chúng sanh hiện vô lượng thân dùng các thứ ngôn từ mà thuyết pháp cho họ mà ở nơi pháp giới cũng không hai tướng.
Đây là thường nhập pháp giới nhứt tướng. Bồ Tát được phục tạng như vậy có thể vì chúng sanh mà thuyết pháp. Họ nghe pháp rồi giàu có đầy đủ thánh tài vô tận dứt hẳn tất cả sanh tử bần cùng.
Thế nào gọi là đại Bồ Tát sân hành phục tạng. Này Điện Đắc! Các chúng sanh tương ưng với kiêu mạn chấp ngã ngã sở ở trong tướng tự tha từ lâu xa đến nay chẳng tu từ nhẫn, giận thù nhiệt não tự phá hoại tâm họ, chẳng nhớ tưởng đến Phật Pháp và Tăng, sân độc che mờ nên họ mê hoặc nơi chánh pháp. Đối với các chúng sanh nhiều sân hận ấy chẳng hề sanh khỏi tổn hại chỉ quan niệm rằng: chúng sanh rất lạ, họ ngu si mê hoặc bèn ở nơi các pháp bổn tánh tịch tịnh không cấu trược không hòa hiệp không vi tránh trong pháp viễn ly mà tương ưng với điên đảo vọng sanh sân hận. Quan niệm như vậy rồi, Bồ Tát an trụ tâm đại bi luôn thương xót chúng sanh, dầu cho bị họ chặt đứt thân thể cũng an trụ nhẫn nhục để điều phục sân hành chúng sanh ấy.
Nếu vô lượng chúng sanh sân hành ấy lẫn chống trái nhau, lòng họ giận hờn, nghiệp sân thành rồi sẽ đọa trong các loài rắn độc ác thú. Bồ Tát an trụ nhẫn nhục, dùng sức từ niệm hóa độ chúng sanh ấy có thể làm cho họ chẳng thọ ác báo quyết định chứng đưọc bình đẳng.
Đây gọi là Bồ Tát phương tiện thiện xảo diệt trừ sân hành cho chúng sanh.
Lại này Điện Đắc! Nếu thấy chúng sanh sân não, Bồ Tát quan niệm rằng: tất cả pháp bổn tánh thanh tịnh, các chúng sanh ấy theo tướng mà hành vọng sanh phân biệt, ở trong pháp bình đẳng không vi tránh mà họ khởi lòng sân hận, các chúng sanh ấy chẳng rõ biết được pháp giới tánh. Nều họ thấy được pháp giới tánh thì họ trọn chẳng sanh giận hại nơi người khác. Vì chẳng rõ biết bổn tánh pháp giới nên họ sanh sân hận. Với các chúng sanh nhiều sân ấy, Bồ Tát sanh lòng từ bi gấp bội, an trụ đại bi hoàn thành nguyện xưa, Bồ Tát dùng trí vô công dụng khai thị diễn thuyết nhiều pháp môn để phá hoại sân hành cho chúng sanh, mà Bồ Tát chẳng hề quan niệm tôi vì chúng sanh thuyết pháp trừ sân. Tại sao, vì Bồ Tát khéo quan sát pháp giới tướng vậy. Đây là Bồ Tát an trụ pháp giới vô sai biệt tướng diệt trừ sân phiền não.
Này Điện Đắc! Ví như chẳng trừ đen tối mà được ánh sáng hiện ra cũng chẳng phải không cái hay trừ đen tối. Đen tối và ánh sáng ấy tánh như hư không không có sai khác. Cũng vậy, Bồ Tát y cứ nơi trí pháp giới vô sai biệt thiện xảo thuyết pháp dứt diệt các thứ sân hành chúng sanh, nơi pháp giới chẳng quan niệm sai biệt.
Này Điện Đắc! Ví như mặt nhựt phóng ra ánh sáng, chiếu đến đâu thì chỗ ấy đều nhiếp thuộc mặt nhựt. Cũng vậy, vì muốn điều phục diệt trừ sân hành nên lời nói của Bồ Tát đều là pháp luân mà ở nơi pháp giới chảng quan niệm sai biệt.
Sân hành như vậy có hai vạn một ngàn và các hành kia tám vạn bốn ngàn, Bồ Tát thành tựu trí vô công dụng tùy theo các thứ sân hành của chúng sanh mà thuyết pháp cho họ, Bồ Tát chẳng quan niệm tôi vì chúng sanh hiện nay thuyết pháp đã thuyết sẽ thuyết.
Đây gọi là đại Bồ Tát sân hành phục tạng. Bồ Tát chứng được phục tạng này rồi hoặc trong một kiếp hoặc quá một kiếp tùy theo các thứ ý lạc của các chúng sanh dùng các loại văn tự ngữ ngôn phương tiện thuyết pháp. Sân hành biên tế ấy bất khả đắc, trí huệ biện tài của Bồ Tát cũng bất khả tận.
Đây gọi là Bồ Tát khéo nói pháp giới vô sai biệt tướng được sân hành phục tạng như vậy.
Thế nào là đại Bồ Tát si hành phục tạng?
Này Điện Đắc! Công hạnh như vậy của chư Bồ Tát là sự việc rất khó. Nghĩa là các chúng sanh là kẻ theo phiền não hoặc hành, là kẻ não hại người, là kẻ bị thai trứng vô minh bao gói, là kẻ như tằm nằm trong kén tự quấn trói, là kẻ trong pháp giới không có phương tiện, là kẻ chẳng khéo quan sát chỗ nên làm, là kẻ chấp ngã kiến, là kẻ hành tà đạo, là kẻ an trụ độn hành, là kẻ khó xuất ly, Bồ Tát vì các chúngsanh mê hoặc như vậy, từ lúc sơ phát tâm khởi đại gia hành chẳng biết mỏi nhọc chẳng hề giải đãi suy nghĩ rằng phải dùng những duyên những thắng giải nào, phải thuyết pháp thế nào để cho các chúng sanh ấy nhập Bồ Tát hạnh mà được giải thoát.
Thuở trước Bồ Tát khéo quán pháp giới dùng trí vô công dụng an trụ đại bi biết rõ chỗ mê hoặc pháp giới của các chúng sanh tùy theo sức lực kham được của họ mà thuyết pháp đều khiến điều phục, Bồ Tát cũng chẳng quan niệm tôi nay thuyết pháp đã thuyết sẽ thuyết, do Bồ Tát thuở xưa có sức thệ nguyện khéo quán duyên khởi tự nhiên diễn nói trăm ngàn pháp môn dứt trừ vô minh nghiệp hành cho các chúng thuyết trăm ngàn pháp môn đều khiến họ khai ngộ.
Đây gọi là đại Bồ Tát si hành phục tạng. Bồ Tát chứng được phục tạng này rồi khéo quán duyên khởi, vì các chúng sanh si hành như vậy, hoặc trong một kiếp hoặc quá một kiếp, tùy theo tánh dục của họ, dùng các loại văn tự ngữ ngôn thiện xảo thuyết pháp. Si hành biên tế ấy bất khả đắc, trí huệ biện tài của Bồ Tát cũng bất khả tận.
Đây gọi là đại Bồ Tát ở nơi tất cả pháp vô sai biệt tướng thiện xảo tuyên nói được si hành phục tạng như vậy.
Si hành ấy có hai vạn một ngàn và các hành khác tám vạn bốn ngàn, vì dứt trừ các hành ấy, Bồ Tát diễn nói trăm ngàn pháp môn. Đây gọI là đại Bồ Tát si hành phục tạng.
Thế nào gọi là đại Bồ Tát đẳng phần hành phục tạng?
Này Điện Đắc! Ví như gương soi bốn mặt trong suốt sáng sạch không lấm bụi dơ đem treo nơi ngã tư, bao nhiêu sắc tượng đối với gương đều hiện rõ trong ấy không tăng không giảm, gương ấy cũng chẳng nghĩ rằng tôi hay hiện rõ các thứ sắc tượng, nhưng gương ấy được khéo mài sáng rồi thì tất cả sắc tượng tự nhiên hiện rõ. Cũng vậy, Bồ Tát pháp giới khéo mài sáng rồi an trụ trong tam muội vô công dụng tùy theo tâm hành sai biệt của các chúng sanh mà khai thị diễn thuyết trăm ngàn pháp môn đều khiến tỏ rõ đều được giải thoát, mà Bồ Tát chẳng quan niệm pháp tướng và chúng sanh tướng. Tại sao, vì Bồ Tát khéo quán pháp giới tướng và chúng sanh tướng, với các chúng sanh tương ưng bốn hành ấy biết rõ như thiệt rồi tùy theo căn tánh họ mà thuyết pháp, nhưng ở nơi pháp giới và chúng sanh giới, Bồ Tát quan sát như thiệt không có hai tướng, bao nhiêu pháp giới và chúng sanh giới đều thấy rõ như thiệt không hai, vì là không sai biệt vậy.
Điện Đắc! Ví như hư không không có các thứ tướng sai biệt cũng không kiến lập. Cũng vậy, Bồ Tát khéo quan sát pháp giới rõ thấu tất cả pháp nhập vào nhứt tướng, cũng do sức thệ nguyện thuở trước nên tùy theo tâm hành của các chúng sanh mà nói nhiều thứ pháp môn, mà ở nơi pháp giới không sai biệt.
Này Điện Đắc! Đẳng phần hành ấy có hai vạn một ngàn và các hành kia tám vạn bốn ngàn, Bồ Tát quan sát đều rõ ràng cả. Như lương y biết bịnh cho thuốc, Bồ Tát dùng trí vô công dụng thuyết các pháp môn. Đây gọi là đại Bồ Tát đẳng phần hành phục tạng.
Bồ Tát chứng được phục tạng này rồi vì chúng sanh hoặc một kiếp hoặc quá một kiếp, tùy theo chí lạc của họ, dùng các loại ngôn từ thiện xảo tuyên nói. Biên tế các hành bất khả đắc, Bồ Tát trí huệ biện tài cũng bất khả tận.
Đây gọi là đại Bồ Tát khéo nói pháp giới vô sai biệt tướng chứng được đẳng phần hành phục tạng như vậy.
Lại này Điện Đắc! Đại Bồ Tát thành tựu trí như vậy rồi, nơi căn hành ý lạc của các chúng sanh đều khéo biết rõ. Nếu thấy chúng sanh nhiều tham dục, vì muốn điều phục chữa lành bịnh tham nên thị hiện đồng phàm phu thọ các dục lạc có đủ vợ con sản nghiệp, nhưng chẳng nhiễm trước như hoa sen.
Có các chúng sanh ngu si vô trí chẳng biết Bồ Tát thiện xảo phương tiện, họ nghĩ rằng sao lại có người trí tham thọ dục lạc chẳng khác phàm phu, họ bảo Bồ Tát xa rời Bồ đề. Các chúng sanh như vậy vì lòng họ chẳng tịch tịnh nên sanh sân hận lớn chẳng kính tin Bồ Tát, do đây nên sau khi chết họ đọa vào đại địa ngục, lại do đại Bồ Tát nhơn duyên mật hóa nên lúc tội báo đã xong rồi họ quyết định sẽ được nhập vào bình đẳng.
Này Điện Đắc! Ví như ngọn lửa mạnh, hễ ném vào bao nhiêu cỏ, gỗ thì đều cháy tất cả đều thành lửa. Cũng vậy, Bồ Tát trí huệ chói rực, bao nhiêu chúng sanh hoặc tham sân si hoặc thiện hoặc bất thiện, Bồ Tát đồng hành với họ tất cả đều sáng rực đều thành trí huệ. Đây gọi là pháp bất cộng của Bồ Tát.
Này Điện Đắc! Như núi Tu Di có tướng bất cộng, đó là bốn mặt do bốn báu làm thành, tùy các chúng sanh có các sắc tướng xanh vàng đỏ trắng, nếu họ qua đến phía lưu ly của núi ấy liền đồng một mầu lưu ly, qua đến phía chơn kim, bạch ngân và pha lê thì đều đồng mầu với núi phía ấy. Cũng vậy, Bồ Tát được pháp bất cộng như vậy, tùy các chúng sanh hoặc tham sân si hoặc thiện hoặc bất thiện, họ đến chỗ Bồ Tát, Bồ Tát đồng hành với họ đều làm cho tất cả chứng nhập trí Bồ Tát. Tâm họ bất tịnh do ác nghiệp nên hoặc họ bị đọa địa ngục ngạ quỉ súc sanh cõi Diêm Phù Đề, do công đức bất cộng và sức nguyện của Bồ Tát nên khi tội báo xong rồi họ quyết định sẽ đưọc Vô thượng Bồ đề.
Này Điện Đắc! Thuở quá khứ vô lượng vô biên vô số kiếp, nhằm đời ngũ trược có Phật xuất hiện hiệu Bửu Tụ Công Đức Thanh Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Thời kỳ ấy người thọ mạng trăm hai mươi tuổi như thời kỳ hiện nay. Các chúng sanh ấy tham dục sân hận ngu si rất nặng, họ bị phiền não che đậy chống trái cha mẹ anh em bằng hữu, chẳng thuận Hòa Thượng A Xà Lê, họ chẳng biết ơn đức mà thường ôm lòng độc hại gian trá cướp trộm, họ phá hoại lẫn nhau làm sự phi lý, họ chẳng kính tin Phật Pháp Tăng, họ tham lam nhỏ mọn thật hành pháp ngạ quỉ. Trong cõi Phật ấy, có các chúng sanh ác như vậy khó điều phục được. Đức Phật ấy cũng do nguyện lực xưa nên ở nơi ác thế ấy thành Vô thượng Bồ đề, lại có hai vạn hai ngàn chúng đại Thanh Văn. Bấy giờ có Quốc Vương tên Quảng Thọ trị nước tự tại thống lãnh Diêm Phù Đề, lòng tin thanh tịnh đối với Phật pháp. Nhà vua ấy thỉnh Phật và chúng Tăng hạ an cư rộng sắm đồ cúng dường.
Bấy giờ có một Tỳ Kheo pháp danh tên Vô Cấu có đủ biện tài thiện xảo thuyết pháp khai thị chúng sanh thường chẳng mỏi chánh, mọi người đều thích nghe. Pháp Sư Vô Cấu khi có thuyết pháp đều không cầu mong sắc diện vui vẻ hỏi thăm nom trước, sắc lực đầy đủ dung mạo đoan nghiêm, được các chúng sanh ưa thích cúng dường cung kính tôn trọng tán thán.
Đồng thời có Tỳ Kheo niên thiếu tân học theo Pháp Sư Vô Cấu vào ra vương cung không bị chướng ngại được những sự cúng dường ẩm thực y phục ngọa cụ y dược. Trong chúng ấy có đa số Tỳ Kheo chẳng biết tu tập thân giới tâm huệ, chẳng kính Phật
Pháp Tăng, họ chấp thường chấp đoạn chấp ngã hủy báng chánh pháp khinh tháo khó điều phục, họ chẳng nhiếp các căn mà an trụ nơi phi pháp, họ không có hạnh Sa Môn mà tự xưng là Sa Môn, thân khẩu ý nghiệp của họ đều là tịch.
Qua thời kỳ an cư ấy, đức Phật Bửu Tụ Công Đức Thanh Như Lai nhập Niết bàn. Quốc Vương Quảng Thọ dùng gỗ xích chiên đàn cúng dường trà tỳ rồi xây tám mươi câu chi bửu tháp dùng gỗ xích chiên đàn làm bao lơn, bốn mặt đều có hoa sen vàng.
Tỳ Kheo Vô Cấu được đức Phật ấy thọ ký đa văn đệ nhứt. Sau khi đức Phật ấy nhập diệt, Ngài hoằng tuyên chánh pháp, du hành các thành ấp tụ lạc giáo hóa vô lượng trăm ngàn chúng sanh khiến được an trụ Vô thượng Bồ đề.
Bấy giờ có số đông ác Tỳ Kheo chẳng biết tu hành thường ôm lòng tật đố bị ma mê hoặc, họ đến tâu Quốc Vương rằng: Tỳ Kheo Vô Cấu được nhà vua kính làm thầy ra vào vương cung không bị cấm chế ấy, nhà vua nên biết Tỳ Kheo ấy chưa rời lìa tham dục ăn phi thời dùng hương hoa trang sức thiệt chẳng phải phạm hạnh chẳng nên cúng dường. Vì sự việc ấy nên chúng tôi đến báo cáo nhà vua chớ sanh lòng tà tín trong chánh pháp sau lúc đức Phật nhập diệt.
Lại có ma tên Cực Ác tự biến thân làm hình Tỳ Kheo đến tâu vua đồng lời nói trên.
Nhiều lần nghe báo cáo như vậy, vua Quảng Thọ nghĩ rằng Tỳ Kheo Vô Cấu siêng tu có trí huệ được ta kính trọng không bao giờ có sự quấy như vậy.
Vua vừa suy nghĩ xong, chúng ma liền hiện nửa thân trong hư không bảo vua rằng:
Nhà vua nên học kỹ nghệ khéo rõ cơ nghi nếu chẳng biết thì chẳng phải tướng Nhơn Vương. A La Hán đệ tử Phật đã đủ đại trí huệ mà vua chẳng y lời sao vua lại theo đoạn kiến. Các Tỳ Kheo vì lợi ích thành thật báo cáo với vua, người ác đoạn kiến ấy thiệt chẳng tu phạm hạnh hiện đang ở trong cung vui vầy cùng các thể nữ, vua mau cùng thị tùng vào xem thì hết nghi.
Vua nghe lời báo cáo trên hư không cả kinh liền dắt thị tùng vào cung quan sát.
Lúc ấy Tỳ Kheo Vô Cấu đang ở trong cung diễn thuyết đệ nhứt nghĩa: các pháp tự tánh không vô ngã ngã sở. Nhà vua và thị tùng bị ma mê hoặc thấy các thể nữ trong cung ngồi bao quanh Tỳ Kheo. Nhà vua nổi giận như voi say truyền Chiên Đà La mang Tỳ Kheo ra trị tội vì đã làm ô uế cung của vua. Các quan và quyến thuộc vì ma lực nhiếp trì nên đối với Tỳ Kheo vô tội ấy đều căm giận muốn giết hại. Chiên Đà La cầm dao đến, Tỳ Kheo Vô Cấu buồn khóc. Vua nạt rằng ngươi phạm pháp phải đền tội sao lại buồn khóc? Vô Cấu tâu rằng sự này khó tự phát biểu xin chờ chốc lát tôi sẽ có chứng minh. Vua liền ngăn Chiên Đà La tạm dừng lại thử coi Vô Cấu làm gì.
Bấy giờ Tỳ Kheo Vô Cấu, người thành tựu ý lạc thù thắng hành từ lợi thế gian, chắp tay phát thệ rằng: Nếu tôi không phạm sự ấy xin cõi đất chấn động sáu cách hư không mưa hoa đẹp. Vừa phát thệ xong, cõi đất chấn động sáu cách hư không mưa đầy hoa trời. Chúng ma lo buồn bỏ đi.
Nhà vua thấy điềm lành ấy liền sanh lòng kính tin cúi lạy chưn Vô Cấu cầu hoan hỉ. Vua tự trách rằng tôi sẽ đọa địa ngục xin ngài thứ tha chở che. Sao tôi lại gặp bọn ác sanh lòng độc hại, kẻ theo tôi đều là ác hữu không ai giúp đỡ tôi. Mười phương không chỗ tôi nương chỉ có Đại Sư, tôi sẽ rời bỏ vương vị trọn đời quy y Đại Sư.
Tỳ Kheo Vô Cấu biết chí lạc của vua và quyến thuộc nên thuyết nghĩa đệ nhứt. Vua Quảng Thọ nghe pháp nghĩa đệ nhứt ấy được chánh tín cùng quyến thuộc trăm ức người bỏ ngôi xuất gia tu tập hạnh đầu đà chẳng nhận người thỉnh cúng. Trong nội cung có tám vạn thể nữ nghe nói đệ nhứt nghĩa đều an trụ bực bất thối.
Vua y theo Phật giáo suốt hai mươi bốn năm ngày đêm thường sám hối mà tội nghiệp còn chẳng hết. Trăm câu chi quyến thuộc của vua trước kia có lòng ác đối với Pháp Sư Vô Cấu nên sau khi chết họ bị đọa vô gián địa ngục chịu khổ nhiều ức năm, mãn tội rồi họ gặp đức Như Lai, vì nhơn khủng bố xưa nên bị dư báo thường gầy yếu, họ lần lượt tu tập cúng dường ngàn ức Phật, họ đều ở các quốc độ khác thành Vô thượng Bồ đề đồng một hiệu là Công Đức Danh Xưng.
Vua Quảng Thọ vì sanh lòng độc hại nơi Tỳ Kheo Vô Cấu, bực từ nhẫn, nên trong nhiều ức năm theo ác nghiệp ấy bị đọa địa ngục Đại Kiếu. Mãn tội được thân người gặp đức Phổ Nhãn Như Lai thân cận thường cúng dường, do đây lại được phụng thờ tám mươi ức câu chi Phật, sau đó thành chánh giác chính là thân ta Thích Ca Mâu Ni Phật ngày nay. Còn ác Tỳ Kheo kia muốn hại Pháp Sư vô tội ấy đương lai sẽ thành Phật chính là Di Lặc Bồ Tát đây. Nội cung tám vạn thể nữ tịnh tín trồng các công đức vâng thờ vô lượng Phật, ngày nay lại phát đại nguyện lợi ích chúng sanh, họ sẽ thờ ngàn ức Phật và sẽ đều thành chánh giác.
Nay ta bảo các ông tất cả chớ sanh lòng sân hại, người tu từ nhẫn được đức Phật khen tặng sẽ mau thành tựu quả Bồ đề.
Vì thế nên, này Điện Đắc! Nếu ở nơi căn tánh chí lạc của các chúng sanh chẳng khéo biết rõ thì phải tất cả thời gian chớ sanh lòng sân hại.
Này Điện Đắc! Như trong các núi, Tu Di sơn đệ nhứt. Cũng vậy, trong các trí huệ, Như Lai trí huệ tối tôn vô thượng.
Như trong tất cả dòng nước, đại hải là tối thắng. Cũng vậy, trong các trí huệ, Như Lai trí huệ tối thâm đại.
Như trong các Quốc Vương, Chuyển Luân Thánh Vương tối tôn thượng. Cũng vậy, trong các trí huệ, Như Lai trí vô thượng thượng.
Này Điện Đắc! Vì thành tựu trí huệ như vậy nên tất cả tham sân si hành, tâm tâm chuyển biến của tất cả chúng sanh, đức Như Lai đều biết rõ, trong khoảng một đàn chỉ đều có thể nhiếp thọ cả.
Này Điện Đắc! Đức Như Lai thành tựu Nhứt thiết chủng trí. Như người mắt trong sáng tự xem năm trái am la trong bàn tay mình chẳng dùng công lực đều thấy không nghi. Cũng vậy, đức Như Lai biết rõ tâm hành của tất cả chúng sanh, ở trong đại chúng thuyết các loại pháp, trong vô lượng vô số thế giới, các chúng sanh tương ưng với tham hành, bị tham dục làm nhiệt não ngày đêm lo nghĩ bỏ luống thời gian ta đều thấy biết rõ. Họ bị tham nhiệt não khởi các nghiệp thân khẩu, ta đều thấy biết rõ.
Các chúng sanh tương ưng sân hành bị sân hận che tâm ganh ghét lẫn nhau, do độc hại họ bị đọa vào vô gián địa ngục, ta đều thấy biết rõ.
Các chúng sanh tương ưng si hành bị vô minh che tối mê hoặc chấp trước ưa theo tà kiến, ta đều thấy biết rõ.
Có chúng sanh kham nhậm, chúng sanh không kham nhậm, chúng sanh tăng tiến, chúng sanh thối thất, chúng sanh trồng căn lành nơi Như Lai thừa, chúng sanh trồng căn lành Duyên Giác thừa, chúng sanh trồng căn lành Thanh Văn thừa, ta đều thấy biết rõ.
Thành tựu trí huệ như vậy, đức Như Lai ở trong đại chúng hay biết rõ tâm hành sai biệt của chúng sanh. Vì biết là phi thời nên đức Như Lai mặc nhiên bỏ để đó, chỉ quan niệm các chúng sanh ấy mê hoặc nơi chánh pháp chẳng hiểu được đức Như Lai có đủ căn lực thù thắng, vì khéo biết thời nên đức Như Lai biết là người kham điều phục, người có chí lạc thù thắng, người hay kham nhẫn, người thọ lãnh thiện ngôn, đức Như Lai đều thấy biết rõ: Biết rõ như vậy rồi, ở nơi chúng sanh ấy, đức Như Lai nhiếp thọ lợi ích.
Này Điện Đắc! Bồ Tát mới tu chưa vào chánh vị, ở nơi chí lạc hành thù thắng của các chúng sanh không thể khéo biết rõ, Bồ Tát ấy hoặc tại gia hoặc xuất gia đều chẳng nên sanh lòng ghét hại, chớ mãi tự chuốc lấy suy hại sầu não.
Vì thế nên Bồ Tát từ lúc mới phát tâm phải nên đối với tất cả người an trụ đại thừa tưởng họ là Phật. Với các chúng sanh khác, dầu thấy họ tạo nghiệp ác mà chẳng sanh lòng tổn hại họ. Tại sao? Vì đức Như Lai thường nói: nếu người nào ở nơi pháp bạch tịnh mà có chút khuyết giảm thì trọn chẳng được nhập Niết bàn.
Nếu thấy tham hành chúng sanh, Bồ Tát phải quan niệm họ bị đốt cháy bởi tham dục nhiệt não đó là lỗi của tôi. Nếu thấy chúng sanh bị sân hận và ngu si nhiệt não đốt cháy, Bồ Tát cũng coi là lỗi của mình. Tại sao? Vì Bồ Tát thấy tất cả chúng sanh bị khổ phải vì họ mà tìm thuốc phương tiện chữa trị, trước kia ta thệ nguyện trừ bịnh chúng sanh mà nay lại bỏ đói là lỗi của ta. Bồ Tát thành tựu tác ý ấy để tự xét lỗi mình, đối với chúng sanh phát khởi từ tâm lớn, dầu có bị họ giết hại chặt chém thân thể cũng không bao giờ có lòng báo oán.
Này Điện Đắc! Lúc chánh tu hành như vậy, Bồ Tát có bao nhiêu nghiệp ác từ quá khứ đều hết sạch chẳng còn thừa, nghiệp ác vị lai trọn không phát khởi.
Này Điện Đắc! Thuở quá khứ vô lượng vô số kiếp trước đức Phật Nhiên Đăng, có đức Phật Thắng Sanh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện thế gian, cõi nước tên Quang Minh, đức Phật ấy ở tại khu rừng nơi vương thành An Ổn. Bấy giờ có Chiên Đà La tên Khả Úy hung ác ưa giết hại không từ tâm tay vấy máu, mọi người trông thấy đều khiếp sợ. Ngày kia Chiên Đà La ấy cột bò trong nhà đi vào muốn giết thịt. Bò thấy kinh sợ bứt dây chạy thẳng đến rừng của Thắng Sanh Như Lai. Chiên Đà La ấy cầm dao đuổi theo, bò sợ quá sa xuống hố sâu sắp chết rống kêu khổ sở. Chiên Đà La ấy rượt đến thấy bò sa hố càng giận thêm cầm dao xuống hố sắp sửa giết bò.
Bấy giờ đức Thắng Sanh Như Lai ở trong rừng ấy có vô lượng đại chúng vây quanh, đức Phật rộng giảng dạy pháp môn duyên khởi. Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não, nhơn duyên như vậy tất cả là khối thuần khổ lớn. Trong duyên ấy, vô minh đối với hành vô tư vô giác, nhẫn đến sanh đối với lão tử vô tư vô giác, lão tử đối với sanh cũng vô tư vô giác. Các pháp như vậy tánh nó bất khả đắc không hành không niệm không ngã ngã sở bổn tánh thanh tịnh đều chẳng biết nhau. Kẻ phàm phu chẳng nghe pháp như vậy nên chấp sắc là ngã, ngã có các sắc, sắc thuộc nơi ngã, họ chấp thọ tưởng hành và thức cũng vậy. Do vì chấp trước ngã và ngã sở như vậy nên họ chấp vô thường là thường, khổ là lạc, bất tịnh là tịnh, vô ngã là ngã, đó là sanh bốn điên đảo. Vì kiến chấp điên đảo nên họ bị vô minh mê hoặc chẳng chánh tư duy, theo tâm nhiễm trước bị ái dục trói buộc nên sanh tử luân hồi nối nhau chẳng dứt. Người trí vì khéo quán tướng pháp giới nên chẳng thấy có chút tướng ngã nhơn chúng sanh thọ mạng sanh lão bịnh tử hệ phược sát hại mà có thể được.
Khả Úy Chiên Đà La trong thời gian ấy vói nghe tiếng thuyết pháp của đức Như Lai liền giác ngộ, tâm giết hại ngừng dứt, bỏ dao ra khỏi hố ra đảnh lễ chưn đức Phật rồi bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn! Nay tôi muốn ở trong Phật pháp xuất gia hành đạo. Đức Thắng Sanh Như Lai hứa khả bảo rằng: Thiện Lai Tỳ Kheo! Khả Úy liền thành Sa Môn đắc giới cụ túc.
Đức Phật ấy biết ý lạc của Khả Úy lần lần đã thuần thục bèn rộng giảng dạy các hạnh Bồ Tát.
Khả Úy Sa Môn nghe pháp chứng vô sanh nhẫn trụ bực bất thối chuyển.
Con bò ấy được nghe pháp cú duyên khởi của đức Như Lai nói, âm thanh Phật vi diệu, lòng nó vui mừng sau khi chết sanh trời Đâu Suất được thấy Di Lặc Bồ Tát thành tựu chánh tín.
Này Điện Đắc! Tâm hành của các chúng sanh thậm thâm vi mật khó rõ khó biết. Vì thế nên Bồ Tát muốn cầu Vô thượng Bồ đề phải khéo biết căn hành của tất cả chúng sanh. Đối với các chúng sanh, Bồ Tát an trụ tâm bình đẳng, tâm vô ngại, chẳng nhiễm trước tất cả pháp, xả sở hữu, trì tịnh giới, trụ nhẫn nhục, phát tinh tấn, nhập thiền định, như thiệt quan sát tánh tất cả pháp.
Này Điện Đắc! Bồ Tát viên mãn sáu pháp Ba la mật như vậy mau chứng Vô thượng Bồ Đề. Thế nào là viên mãn? Đó là vì y chỉ Nhứt thiết trí mà tu hành vậy.
Thế nào là đại Bồ Tát pháp phục tạng?
Này Điện Đắc! Bồ Tát thấy tất cả sắc biết rõ như thiệt bổn lai bất sanh tự tánh thanh tịnh. Vì ở nơi sắc được thiện xảo nên Bồ Tát thành tựu bốn vô ngại biện, đó là pháp vô ngại biện, nghĩa vô ngại biện, từ vô ngại biện và lạc thuyết vô ngại biện.
Pháp vô ngại là nơi các sắc pháp như thiệt quan sát như thiệt biết rõ.
Nghĩa vô ngại là nơi nghĩa của các sắc pháp không chướng ngại. Nghĩa của sắc là gì? Đó là nghĩa đệ nhứt. Gì là nghĩa đệ nhứt? Đó là sắc bất khả đắc. Thành tựu trí đệ nhứt nghĩa ấy gọi là nghĩa vô ngại biện.
Từ vô ngại là nơi các sắc dùng trí vô ngại thiện xảo ngôn từ phân biệt thuyết pháp.
Lạc thuyết vô ngại là nơi các sắc theo cơ chúng sanh mà khai thị diễn thuyết trọn không nhiễm trước.
Bồ Tát thành tựu trí như vậy rồi đối với khắp tất cả chúng sanh mê hoặc chấp trước sắc pháp, Bồ Tát tùy theo tánh dục của họ dùng trí vô công dụng như chỗ nên mà thuyết pháp nhưng nơi pháp giới không có hai tướng.
Rộng nói đến thanh hương vị xúc và pháp cũng vậy.
Đây gọi là Bồ Tát pháp phục tạng. Bồ Tát chứng được pháp phục tạng rồi, vì muốn điều phục các chúng sanh mê hoặc trong những cảnh giới như vậy, tùy theo ý lạc của họ nơi mỗi mỗi xứ, hoặc một kiếp hoặc quá một kiếp dùng các thứ ngôn từ thiện xảo tuyên nói, biên tế của các xứ cũng bất khả đắc, trí huệ của Bồ Tát cũng chẳng tổn giảm, chẳng rời pháp giới tùy thuận bất nhị, vì vô sai biệt vậy.
Đây gọi là Bồ Tát thiện xảo diễn nói tất cả pháp tướng vô sai biệt được pháp phục tạng ấy rồi, có thể vì chúng sanh như chỗ nên mà thuyết pháp khiến họ được pháp tài vô tận, làm cho dứt hẳn sanh tử nghèo cùng.
Đây gọi là đại Bồ Tát năm thứ phục tạng, đại phục tạng, vô tận phục tạng, biến vô tận phục tạng, vô biên phục tạng. Bồ Tát thành tựu phục tạng như vậy vì viên mãn công đức thù thắng nên dùng ít công lực mau được Vô thượng Bồ đề”.
Lúc đức Phật nói pháp môn phục tạng ấy, Điện Đắc Bồ Tát được đà la ni, năm trăm Bồ Tát được điện quang minh tam muội, ba vạn sáu ngàn Thiên Tử phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Bấy giờ Nguyệt Tràng Bồ Tát bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Như lời đức Phật nói trí vô công dụng, nghĩa ấy thế nào?”.
Đức Phật dạy: “Này Nguyệt Tràng! Nếu có Bồ Tát ở trong pháp lành mà thân tâm tương ưng duyên theo tạo tác thì gọi là công dụng.
Nếu có Bồ Tát thân tâm điều như không niệm không y rời lìa tướng tu hành, do đã thành tựu nguyện trí thuở xưa, nơi ức thiên cõi Phật những chỗ nên ra làm các thứ thị hiện, mà đối với pháp giới không hề động chuyển, thường diễn thuyết pháp không có chút pháp tướng, dùng tứ nhiếp pháp thành thục chúng sanh, cũng không có chúng sanh được độ, nghiêm tịnh tất cả các Phật độ mà chẳng thấy Phật độ bất tịnh, thường niệm chư Phật chẳng xem sắc tướng, đi các cõi Phật chẳng lìa pháp giới. Đây gọi là Bồ Tát vô công dụng trí.
Vì thành tựu trí vô công dụng như vậy nên làm đầy đủ tất cả hi vọng cho các chúng sanh, mà ở nơi chỗ làm không hề nhiễm trước”.
Lúc đức Thế Tôn nói trí vô công dụng ấy, cõi Đại Thiên chấn động sáu cách. Thiên Đế Thích Đề Hoàn Nhơn cùng chư thiên cõi trời Đao Lợi ở trên hư không mưa các thứ thiên hoa: mạn đà la, ưu bát la, câu vật đầu, ba đầu ma, phân đà lợi, hương chiên đàn, đều rải trên đức Phật, trống trời tự kêu, ánh sáng lớn chói khắp từ xưa chưa từng thấy. Chúng sanh nào gặp được thì thân được thanh lương.
Đức Thế Tôn bảo Điện Đắc Bồ Tát: “Chư Phật quá khứ đều tại chỗ này khai thị diễn nói pháp môn như vậy. Vị lai chư Phật sẽ xuất thế cũng ở tại chỗ này diễn nói pháp môn như vậy. Hiện tại trong vô lượng vô số thế giới chư Phật vì pháp môn này chẳng đoạn tuyệt nên phóng ánh sáng lớn”.
Bấy giờ Trưởng Lão A Nan rời chỗ ngồi trịch y vai hữu gối hữu chấm đất chắp tay bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Kinh này tên gì, chúng tôi phải phụng trì thế nào?”.
Đức Phật dạy: “Này A Nan! Kinh này tên là Vô Tận Phục Tạng, cũng tên là Thuyết Nhứt Thuyết Pháp Vô Sai Biệt Tướng. Ông nên phụng trì tên kinh như vậy”.
Đức Phật nói kinh này rồi, Điện Đắc Bồ Tát, Trưởng Lão A Nan và hành tứ chúng cùng tất cả thế gian Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà v.v…, nghe lời đức Phật dạy đều rất vui mừng tín thọ phụng hành.