Kinh Phật Nói Giới Đại Thừa

Phật Thuyết Đại Thừa Giới Kinh

Tống Thi Hộ dịch

Bản Việt dịch của Thích Thiện Giới

***

Đúng thật như thế, chính tôi được nghe: Một thuở nọ, đức Phật tại Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên trong nước Xá Vệ. Bấy giờ, đức Phật dạy các tỳ-kheo:

– Nếu người nào thọ giới Phật chế mà lại phá hủy, tuy mạng sống người đó còn nhưng căn lành đã đoạn mất. Người xuất gia rất khó phát tâm tinh tấn vững chắc. Nếu các tỳ-kheo ở trong giáo pháp của Ta mà cầu giải thoát, phải xa lìa tất cả điều ác khổ não; như lời đức Phật dạy thà bỏ thân mạng mà chịu vô thường, chứ không nên để tâm buông lung phạm giới mà Phật đã chế. Vì giữ giới mà hủy bỏ thân mạng thì chỉ mất một đời; còn phá giới luật thì phải chịu trăm đời vạn kiếp chìm đắm trong ác đạo.

Nếu người nào trì giới thì chắc chắn thấy Phật, giữ giới là món trang nghiêm bậc nhất, hương giới là thứ hương tuyệt diệu nhất, giữ giới là nhân vui thích bậc nhất.

Giới thể thanh tịnh cũng giống như nước trong mát có thể tiêu trừ lửa nóng phiền não. Vậy giới là pháp hơn cả. Các loại chú thuật thế gian, nọc độc của các loài rồng, rắn không thể xâm phạm người trì giới. Lại nữa, trì giới thì được danh tiếng và an lạc, sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời.

Đức Phật dạy: Nếu tỳ-kheo phạm luật nghi giống như người mù không thấy được màu sắc, cũng như mất đôi chân thà làm sao bước đi được, xa rời niết-bàn, chẳng thể đến được bờ bên kia. Còn người trì giới thì thành tựu tất cả các pháp bảo, giống như chiếc bình hoàn hảo, bền chắc có thể chứa đầy tất cả trân bảo. Còn tỳ-kheo phá luật nghi đức Phật chế, thì đánh mất tất cả pháp thiện, giống như chiếc bình báu bị vỡ, làm mất hết trân bảo. Nếu trước từng phá giới, sau đó tâm mong cầu niết-bàn thì chẳng khác gì người bỏ đi tai mắt mà đứng trước gương soi mặt, thì thật không thể được!

Đức Phật dạy các tỳ-kheo: Người nữ không đáng tin, không nên thân cận. Ân của vua tuy là lớn, nhưng không thể nương nhờ; bọt nước kia không thật thì làm sao nắm bắt cho được; giàu sang rồi cũng vô thường, không thể tồn tại mãi; tất cả sắc tướng như hoa đốm, biến đổi trong khoảnh khắc. Mạng sống như quả đã chín, không thể đợi chờ. Cũng như thuyền trôi theo dòng nước chảy xiết, như ở trong nhà gỗ mục nát. Vì vậy, tỳ-kheo thà uống thuốc độc, chứ không được uống rượu; thà trầm mình vào lửa lớn, chứ không được ham thích các món dục lạc.

Khi Đức Phật nói kinh này xong, tất cả tỳ-kheo và Bồ-tát đều rất vui mừng rồi vâng giữ hành trì.

    Xem thêm:

  • Kinh Năm Thiên Sứ Của Vua Diêm La - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Giáo Hóa Phạm Chí A Bạt - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 30 – Địa Ngục - Kinh Tạng
  • Kinh Vua Ưu Điền - Kinh Tạng
  • Kinh Lời Dạy Cuối Cùng (Kinh Di Giáo) - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Nói Về Sự Tu Hành Của Bồ Tát - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Nguyên Thuận dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 46 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 06 – Nhập Đạo - Kinh Tạng
  • Kinh Phật Dạy Vua Ưu Điền Dùng Chánh Pháp Trị Nước - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 1 - Kinh Tạng
  • Thiện ác nghiệp báo phần 28 – Rượi Thịt - Kinh Tạng
  • Kệ Khuyến Phát Chư Vương - Kinh Tạng
  • Kinh Những Điều Trái Nghịch Của Ma - Kinh Tạng
  • Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Thái Tử Đức Quang - Kinh Tạng
  • Kinh Pháp Cú – Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch - Kinh Tạng
  • Kinh Tạp A-Hàm Quyển 43 - Kinh Tạng
  • Kim Cang Tràng Trang Nghiêm Bát Nhã Ba La Mật Đa Giáo - Kinh Tạng