KINH TẠP A-HÀM QUYỂN 34
Hán dịch: Tống, Tam Tạng Cầu-Na-Bạt-Ðà-La.
Việt dịch: Thích Ðức Thắng.
Hiệu đính & Chú thích: Thích Tuệ Sỹ
KINH 940. THẢO MỘC[1]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ[2] sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ[3] của khổ. Các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ thế nào? Tất cả loại cỏ cây trên mặt đất này, nếu xẻ ra làm thẻ bằng bốn ngón tay dùng để đếm cha mẹ của các ông đã trải qua sanh tử luân hồi, thì số thẻ tre đã hết, nhưng số cha mẹ các ông vẫn còn không hết.
“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 941. THỔ HOÀN LIỆP[4]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Thế nào, các Tỳ-kheo? Nếu đem hết bùn đất nơi đại địa này vo lại thành viên như trái bà-la[5] để đếm cha mẹ của các ông đã trải qua sanh tử luân hồi, thì số viên đất đã hết, nhưng số cha mẹ các ông vẫn còn không hết.
“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 942. AN LẠC[6]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, các ông thấy các chúng sanh hưởng thụ khoái lạc an ổn, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng ta mãi mãi ở trong sanh tử luân hồi, cũng đã từng hưởng thụ khoái lạc kia, thú vui kia vô lượng.’
“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 943. KHỔ NÃO[7]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, nếu thấy các chúng sanh chịu các khổ não, thì nên nghĩ rằng: ‘Ta từ vô thỉ sanh tử luân hồi mãi cho đến nay, cũng đã từng chịu khổ như vậy, đến số vô lượng.’
“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành
KINH 944. KHỦNG BỐ[8]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Này các Tỳ-kheo, các ông thấy các chúng sanh mà sanh lòng sợ hãi, dựng đứng chân lông; nên nghĩ rằng: ‘Quá khứ chúng ta chắc chắn đã từng sát sanh, đã từng làm tổn thương, đã từng làm hại, đã từng làm ác tri thức, mãi mãi ở trong sanh tử luân hồi vô thủy, không biết biên tế tối sơ của khổ.’
“Các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Hãy đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 945. ÁI NIỆM[9]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, nếu thấy chúng sanh mà khởi ái niệm hoan hỷ, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng sanh như vậy, trong đời quá khứ chắc chắn đã từng là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thầy bạn, tri thức của chúng ta, cứ mãi mãi luân chuyển sanh tử như vậy, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Hãy nỗ lực tinh cần, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành
KINH 946. HẰNG HÀ[10]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Ba-la-môn đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, sau khi chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, đời vị lai sẽ có bao nhiêu Đức Phật?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Phật đời vị lai có vô lượng như số cát sông Hằng.”
Bấy giờ, Bà-la-môn nghĩ rằng:
“Các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác đời vị lai sẽ có vô lượng như số cát sông Hằng, ta sẽ theo các Ngài tu phạm hạnh.”
Bà-la-môn sau khi đã nghe những gì Đức Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Trên đường về, Ba-la-môn vừa đi vừa nghĩ: “Hôm nay ta chỉ hỏi Sa-môn Cù-đàm về chư Phật đời vị lai chứ chưa hỏi chư Phật quá khứ.” Liền trở lại hỏi Thế Tôn:
“Thế nào Cù-đàm, đời quá khứ có bao nhiêu Đức Phật?”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Phật đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng.”
Lúc ấy Bà-la-môn liền nghĩ: “Chư Phật Thế Tôn trong đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng, mà ta chưa từng thân cận. Giả sử vô lượng các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời vị lai như số cát sông Hằng, cũng sẽ không thân cận vui vầy, thì trong hiện tại ta nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh.” Nhân đó chắp tay bạch Phật:
“Nguyện xin Thế Tôn cho phép con xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh pháp luật.”
Phật bảo Bà-la-môn:
“Chấp thuận cho ông xuất gia tu phạm hạnh, được làm Tỳ-kheo trong Chánh pháp luật.”
Bấy giờ, Bà-la-môn liền được xuất gia thọ cụ túc, sau khi xuất gia một mình ở nơi thanh vắng tư duy về nguyên nhân làm cho người thiện nam, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,… cho đến đắc A-la-hán.
KINH 947. LỤY CỐT[11]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở núi Tỳ-phú-la, thành Vương xá[12]. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Có một người[13], ở trong một kiếp sanh tử luân hồi, xương trắng chồng chất không bị mục nát, như núi Tỳ-phú-la. Nếu vị Thánh đệ tử nào biết như thật về Thánh đế khổ này, biết như thật về sự tập khởi của khổ này, biết như thật về sự diệt tận của khổ này, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt khổ này; sau khi vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tất đoạn trừ ba kết: thân kiến, giới thủ và nghi. Khi đoạn trừ được ba kết này, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Một người, trong một kiếp,
Chồng chất xương cốt khô;
Để lâu không mục nát,
Như núi Tỳ-phú-la.
Nếu các Thánh đệ tử,
Chánh trí thấy chân đế;
Khổ cùng nguyên nhân khổ,
Lìa khổ được tịch diệt.
Tu tập tám con đường,
Hướng thẳng đến Niết-bàn;
Chỉ còn trải bảy lần,
Qua lại sanh trời người.
Sạch hết tất cả kết,
Giải thoát bờ mé khổ.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 948. THÀNH TRÌ[14]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bach Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta có thể vì ông mà nói, nhưng ông khó mà biết được!”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Ngài có thể nói thí dụ không?”
Phật bảo:
“Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như thành trì bằng sắt, vuông vức một do-tuần, từ trên xuống dưới cũng như vậy, bên trong đầy hạt cải. Cứ một trăm năm có người lấy một hạt cải. Số hạt cải kia có thể hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Cũng vậy Tỳ-kheo, kiếp kia dài lâu như vậy. Kiếp dài cả trăm, ngàn, vạn, ức khổ lớn nối tiếp nhau, mà xương trắng chất thành gò, máu mủ chảy thành sông, trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tỳ-kheo, đó gọi là từ vô thỉ sanh tử mãi luân hồi, không biết nguồn gốc khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 949. NÚI[15]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta có thể vì ông mà nói, nhưng ông khó biết được!”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Ngài có thể nói thí dụ không?”
Phật bảo:
“Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như núi đá lớn không bị vỡ, không bị lở sụt, vuông vức một do-tuần. Nếu có người nào dùng mảnh lụa ca-thi kiếp-bối[16], cứ một trăm năm phủi qua một lần; phủi không ngừng nghỉ. Núi đá mòn hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Này Tỳ-kheo, kiếp kia dài lâu như vậy, cả đến trăm, ngàn, vạn, ức kiếp chịu các khổ não… cho đến các Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 950. QUÁ KHỨ[17]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân hồi, không biết nguồn gốc khổ.”
Lúc ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, quá khứ có bao nhiêu kiếp?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Ta có thể vì ông mà nói, nhưng ông khó mà biết được!”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Ngài có thể nói thí dụ không?”
Phật bảo:
“Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như có người sống tới trăm tuổi. Buổi sáng nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Buổi trưa nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Buổi chiều nhớ lại ba trăm ngàn kiếp. Ngày nào cũng nhớ nghĩ đến số kiếp như vậy, cho đến trăm tuổi mạng chung, cũng không thể nhớ được biên tế của số kiếp. Tỳ-kheo nên biết vô lượng số kiếp quá khứ như vậy. Vô lượng số kiếp quá khứ, mãi mãi chịu khổ và xương chất thành núi, máu mủ chảy thành sông, trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Cũng vậy, Tỳ-kheo từ vô thỉ sanh tử mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng’.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 951. VÔ HỮU NHẤT XỨ[18]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Không có một nơi nào mà không sanh không chết. Như vậy, từ vô thỉ sanh tử mãi mãi không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 952. VÔ BẤT NHẤT XỨ[19]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Không có một nơi nào mà không có cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thân thích, Sư trưởng. Cũng vậy, Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử mãi mãi luân hồi không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng’.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 953. BONG BÓNG NƯỚC MƯA[20]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Thí như trời mưa lớn, bong bóng nước thoáng sanh thoáng diệt. Cũng vậy, chúng sanh bị vô minh che lấp, ái cột cổ mình, từ vô thỉ sanh tử, nên sự sanh, sự chết mãi mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 954. CƠN MƯA TRÚT[21]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân hồi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Thí như trời mưa lớn tầm tã khắp nơi, cả Đông, Tây, Nam, Bắc không nơi nào là không mưa. Cũng như, phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc. Trong vô lượng quốc độ, kiếp thành, kiếp hoại giống như trời mưa lớn, giọt mưa khắp nơi trong thiên hạ, không nơi nào là không mưa. Cũng vậy, từ vô thỉ sanh tử luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ.
“Thí như ném gậy lên không trung, hoặc đầu rơi xuống đất, hoặc là đuôi rơi xuống đất, hoặc khoảng giữa rơi xuống đất. Cũng vậy, từ vô thỉ sanh tử luân hồi mãi mãi, hoặc đọa vào địa ngục, hoặc đọa vào súc sanh, hoặc đọa vào ngạ quỷ. Sanh tử vô thỉ như vậy, luân chuyển mãi mãi. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 955. NGŨ TIẾT LUÂN[22]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Này Tỳ-kheo, thí như, hoặc có người lăn bánh xe năm tiết, luôn luôn lăn không nghỉ. Cũng vậy, chúng sanh lăn bánh xe vào năm đường, hoặc rơi vào đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cùng đường Trời, Người, lúc nào cũng lăn không dừng. Cũng vậy, vô thỉ sanh tử luân hồi mãi mãi, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 956. TỲ-PHÚ-LA[23]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở bên núi Tỳ-phú-la, tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Tất cả hành vô thường, tất cả hành không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Các Tỳ-kheo, đối tất cả hành nên sanh yểm ly, cầu vui giải thoát. Các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ núi Tỳ-phú-la này gọi là núi Trường trúc[24]. Chỗ dân chúng ở chung quanh núi gọi là ấp Đề-di-la[25]. Người ấp Đề-di-la sống bốn vạn tuổi. Người ấp Đề-di-la lên đỉnh núi này, bốn ngày mới trở về. Đương thời có Phật Ca-la-ca Tôn-đề[26] Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện thế gian, thuyết pháp giáo hóa; pháp ấy, khoảng đầu, khoảng giữa, sau cùng đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần đầy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày hiển thị. Hiện tại tên núi Trường trúc cũng mất, dân chúng ấp Đề-di-la cũng không còn, Đức Phật Như Lai kia cũng đã vào Bát-niết-bàn. Tỳ-kheo nên biết, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch, đối tất cả hành, nên tu tập yểm ly, ly dục, giải thoát.
“Các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, núi Tỳ-phú-la này gọi là Bằng-ca[27]. Lúc ấy chỗ người dân cư trú chung quanh núi gọi là ấp A-tỳ-ca[28]. Tuổi thọ người dân lúc ấy là ba vạn tuổi. Người A-tỳ-ca lên núi này trong vòng ba ngày mới trở về lại. Đương thời có Phật Câu-na-hàm Mâu-ni Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, chặn sau đều thiện, nghĩa thiện, vị thiện, thuần đầy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày, hiển thị. Các Tỳ-kheo, tên núi Bằng-ca kia đã mất từ lâu, dân ấp A-tỳ-ca từ lâu cũng không còn, Đức Phật Thế Tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Tỳ-kheo các ông, nên tu tập yểm ly, cầu vui giải thoát.
“Các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, núi Tỳ-phú-la này tên là Tú-ba-la-thủ[29]. Chỗ nhân dân cư ngụ quanh núi gọi là ấp Xích mã[30]. Tuổi thọ người dân là hai vạn tuổi. Người dân ở đây lên đỉnh núi này trong vòng hai ngày mới về lại được. Đương thời có Phật Ca-diếp Như Lai, Ứng Cúng… cho đến xuất hiện ở đời, diễn nói kinh pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng sau đều thiện; nghĩa thiện, vị thiện, thuần đầy thanh tịnh, phạm hạnh thanh bạch, mở bày, hiển thị. Tỳ-kheo, nên biết tên núi Ba-la-thủ đã mất từ lâu, dân ấp Xích mã từ lâu cũng không còn, Đức Phật Thế Tôn kia cũng vào Bát-niết-bàn. Cũng vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Cho nên Tỳ-kheo nên tu tập yểm ly, ly dục, giải thoát.
“Các Tỳ-kheo, ngày nay núi này tên là Tỳ-phú-la. Chỗ có dân chúng cư ngụ chung quanh núi, gọi là nước Ma-kiệt-đề. Tuổi thọ của những người dân này là trăm tuổi, nếu khéo tự điều hòa thì có được trăm tuổi. Người Ma-kiệt-đề lên đỉnh núi này chỉ trong chốc lát là trở về. Nay Ta ở nơi này được thành Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác,… cho đến Phật, Thế Tôn, diễn nói Chánh pháp, giáo hóa khiến được Niết-bàn tịch diệt, chánh đạo, thiện thệ giác tri.
“Tỳ-kheo nên biết, tên núi Tỳ-phú-la này cũng sẽ tiêu ma, người Ma-kiệt-đề cũng sẽ diệt vong. Chẳng còn bao lâu, Như Lai sẽ vào Bát-niết-bàn.
“Như vậy, Tỳ-kheo, tất cả các hành đều vô thường, không hằng hữu, không an định, là pháp biến dịch. Cho nên Tỳ-kheo, nên tu tập yểm ly, ly dục, giải thoát.”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Thuở xưa núi Trường trúc,
Tên ấp Đề-di-ca.
Tiếp là núi Bằng-ca,
Tụ lạc A-tỳ-ca.
Núi Tú-ba-la-thủ,
Tên tụ lạc Xích mã.
Nay núi Tỳ-phú-la,
Tên nước Ma-kiệt-đà.
Tên núi đều hoại diệt,
Dân chúng cũng không còn.
Chư Phật Bát-niết-bàn,
Đã có gì cũng mất.
Tất cả hành vô thường,
Chúng là pháp sanh diệt.
Có sanh thì có diệt,
Chỉ tịch diệt là vui.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 957. THÂN MẠNG[31]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có người xuất gia họ Bà-sa[32], đến chỗ Phật, chắp tay chào hỏi. Chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, Ngài có thì giờ rảnh để trả lời cho không?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Tùy những gì ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói.”
Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có phải mệnh tức là thân không[33]?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Mệnh tức là thân, điều này không xác định[34].”
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có phải là mệnh khác thân khác không?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Mệnh khác thân khác, điều này cũng không xác định.”
Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, tôi hỏi ‘Mệnh tức thân?’ Thì được trả lời, ‘Không xác định.’ Hỏi: ‘Mệnh khác thân khác?’ Cũng được trả lời: ‘Không xác định.’
“Sa-môn Cù-đàm, có những điều kỳ lạ gì[35] mà khi đệ tử mệnh chung liền được xác định rằng: ‘Người này sanh chỗ kia. Người kia sanh chỗ nọ.’ Các đệ tử kia, khi ở nơi này mệnh chung xả thân, liền nương theo ý sanh thân[36], sanh vào nơi khác. Ngay lúc đó, chẳng phải là mệnh khác, thân khác sao?”
Phật bảo Bà-sa:
“Đây là nói về hữu dư, chứ không nói vô dư[37].”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, thế nào là hữu dư, chứ không nói vô dư?”
Phật bảo Bà-sa:
“Thí như lửa, có hữu dư[38] thì có thể cháy, chứ không phải không có hữu dư.”
Bà-sa bạch Phật:
“Tôi thấy có lửa không có hữu dư mà cũng cháy.”
Phật bảo Bà-sa:
“Thế nào là thấy lửa không có hữu dư mà cũng cháy?”
Bà-sa bạch Phật:
“Thí như một đống lửa lớn bị gió lốc thổi qua, làm lửa bốc lên không trung. Đó há không phải là lửa vô dư [39] sao?”
Phật bảo Bà-sa:
“Lửa được gió thổi bốc lên tức là hữu dư, chứ chẳng phải vô dư.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, lửa bay trong không, sao gọi là hữu dư?”
Phật bảo Bà-sa:
“Lửa bay trong không trung nương gió mà trụ, nương gió mà cháy. Vì nương vào gió nên nói là hữu dư[40].”
Bà-sa bạch Phật:
“Chúng sanh mạng chung ở nơi này, nương ý sanh thân, vãng sanh nơi khác, tại sao nói là hữu dư?”
Phật bảo Bà-sa:
“Chúng sanh mạng chung ở nơi này, nương ý sanh thân, sanh nơi khác. Ngay lúc ấy, nhân vì ái mà thủ, nhân vì ái mà trụ, nên nói là hữu dư[41].”
Bà-sa bạch Phật:
“Chúng sanh vì ái lạc nên hữu dư, vì nhiễm đắm nên hữu dư. Chỉ có Thế Tôn mới đạt vô dư này mà thành Đẳng Chánh Giác.
“Thưa Sa-môn Cù-đàm, thế gian nhiều duyên sự, xin phép được cáo từ!”
Phật bảo Bà-sa:
“Ông tự biết đúng lúc.”
Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra về.
KINH 958. MỤC-LIÊN[42]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng ở nơi đây. Lúc ấy, có người xuất gia dòng họ Bà-sa, đến chỗ Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, cùng Tôn giả gặp nhau thăm hỏi khích lệ nhau, rồi ngồi lui qua một bên, thưa Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
“Tôi có việc muốn hỏi, Tôn giả có rảnh thì giờ để trả lời cho không?”
Mục-kiền-liên đáp lời Bà-sa:
“Tùy những gì ông muốn hỏi, nếu biết tôi sẽ trả lời.”
Lúc ấy, Bà-sa xuất gia hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên:
“Nhân gì, duyên gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, có người đến hỏi: ‘Thế nào, Như Lai sau khi chết có còn, không còn; Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không; Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?’ họ đều tùy theo đó mà đáp. Còn Sa-môn Cù-đàm, nếu có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, không còn; Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không; Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có?’ mà lại không xác định?”
Mục-kiền-liên bảo Bà-sa:
“Các Sa-môn, Bà-la-môn khác vì không biết như thật đối với sắc, sự tập khởi sắc, sự diệt tận sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, nên đối với việc Như Lai sau chết có còn, sanh ra chấp trước; hay sau khi chết Như Lai không còn; Như Lai sau khi chết vừa có, vừa không; Như Lai sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có, sanh khởi chấp trước. Không biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,… sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức. Vì không biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, sanh ra chấp trước; sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, sanh ra chấp trước. Như Lai, biết như thật đối với sắc, biết như thật đối với sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc. Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, không chấp trước; hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có không sanh chấp trước. Và biết như thật đối với thọ, tưởng, hành, thức,… biết như thật đối với sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức, vị ngọt của thức, sự tai hại của thức, sự xuất ly thức. Vì biết như thật nên đối với việc Như Lai sau khi chết có còn, không đúng; hay sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có, sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có, cũng không đúng. Vì Như Lai là sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, nhưng tất cả đều tịch diệt.
“Này Bà-sa, vì nhân như vậy, duyên như vậy, các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nếu có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không; sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có’, thì vì họ mà ký thuyết. Cũng vì nhân như vậy, duyên như vậy, đối Như Lai, nếu có người nào đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, sau khi chết không còn, sau khi chết vừa có vừa không có; sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không có’, thì không vì họ mà ký thuyết.”
Sau khi Bà-sa xuất gia nghe những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 959. KỲ TAI[43]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có người xuất gia dòng Bà-sa đến chỗ Phật, chắp tay thăm hỏi; sau khi thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, do nhân gì, duyên gì mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, nếu có người đến hỏi… “Nói đầy đủ như trên.”
Bấy giờ, Bà-sa xuất gia vui vẻ nói rằng:
“Lạ thay! Thưa Cù-đàm, giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa. Thưa Cù-đàm, hôm nay con có đến chỗ Đại Mục-kiền-liên, dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy mà hỏi Tôn giả; Tôn giả cũng dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy mà trả lời cho con, như những gì mà Cù-đàm nói hôm nay. Cho nên thưa Cù-đàm, thật là kỳ đặc, giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa.”
Bấy giờ[44], Bà-sa xuất gia có nhân duyên đến tụ lạc Na-lê[45]. Sau khi lo liệu mọi việc đã xong, đến chỗ Tôn giả Tiên-đà Ca-chiên-diên[46], cùng nhau thăm hỏi. Sau khi thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, rồi hỏi Tiên-đà Ca-chiên-diên:
“Do nhân gì, duyên gì mà Sa-môn Cù-đàm, nếu có người đến hỏi: ‘Như Lai sau khi chết có còn, hay sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không có; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có’, thì không vì họ mà ký thuyết?”
Tiên-đà Ca-chiên-diên nói với Bà-sa xuất gia:
“Bây giờ tôi hỏi ông, cứ theo ý mà đáp cho tôi. Ý ông thế nào? Hoặc nhân ấy, hoặc duyên ấy, mà các hành được thi thiết[47] rằng: ‘Đây là sắc, đây là vô sắc, đây là tưởng, đây là phi tưởng, đây là phi tưởng phi phi tưởng’. Hoặc nhân kia, duyên kia, hành kia, hành diệt không còn, vĩnh viễn diệt rồi, Như Lai đối với họ có ký thuyết rằng: ‘Sau khi chết có, hay sau khi chết không có; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có’, không[48]?”
Bà-sa xuất gia trả lời Tiên-đà Ca-chiên-diên:
“Hoặc nhân ấy, hoặc duyên ấy, mà các hành được thi thiết rằng: ‘Đây là sắc, đây là vô sắc, đây là tưởng, đây là phi tưởng, đây là phi tưởng phi phi tưởng’. Hoặc nhân kia, duyên kia, hành kia, hành diệt không còn; thì làm sao Cù-đàm đối với họ mà ký thuyết: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có’?”
Tiên-đà Ca-chiên-diên bảo Bà-sa xuất gia:
“Cho nên vì nhân này, vì duyên này mà có người hỏi Như Lai: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có’, Như Lai không vì họ mà ký thuyết.”
Bà-sa xuất gia hỏi Tiên-đa Ca-chiên-diên:
“Ngài làm đệ tử Sa-môn Cù-đàm đã bao lâu rồi như vậy?”
Tiên-đà Ca-chiên-diên đáp:
“Tôi xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh pháp luật, mới hơn ba năm.”
Bà-sa xuất gia nói:
“Tiên-đà Ca-chiên-diên, nhanh thay, ngài được điều thiện lợi! Mới xuất gia chỉ một thời gian ngắn mà đã đạt được luật nghi về thân, miệng như vậy và lại được trí tuệ biện tài như vậy.”
Sau khi Bà-sa xuất gia nghe những gì Tiên-đà Ca-chiên-diên nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 960. KỲ ĐẶC[49]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, chắp tay thăm hỏi, thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh giờ để giải đáp cho không?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Tùy theo những gì ông muốn hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói.”
Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, vì nhân gì, duyên gì, mà có người đến hỏi: ‘Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có’, Ngài không vì họ ký thuyết?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“…” Như những gì Tiên-đà Ca-chiên-diên đã nói rộng ở trên,… cho đến “sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không có.”
Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Lạ thay! Thưa Cù-đàm, giữa Đại Sư và đệ tử, nghĩa đồng nghĩa, cú đồng cú, vị đồng vị, cho đến đồng đệ nhất nghĩa. Thưa Cù-đàm, con có chút duyên sự đến tụ lạc Na-lợi-già để lo liệu công việc đã xong, tạm ghé qua chỗ Sa-môn Ca-chiên-diên, đem nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy hỏi Sa-môn Ca-chiên-diên. Tôn giả cũng dùng nghĩa như vậy, cú như vậy, vị như vậy để trả lời những gì con hỏi, như những gì Sa-môn Cù-đàm nói hôm nay. Cho nên biết, thật là kỳ đặc! Giữa Thầy và đệ tử nghĩa cú vị cả hai đều đồng.”
Sau khi Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 961. HỮU NGÃ[50]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, chắp tay thăm hỏi, thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có ngã không?”
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không đáp. Ba lần hỏi như vậy, Thế Tôn cũng ba lần không đáp.
Lúc này, Bà-sa xuất gia thầm nghĩ: “Ta đã ba lần hỏi Sa-môn Cù-đàm, mà không thấy trả lời, thôi ta nên trở về.”
Lúc ấy, Tôn giả A-nan, đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Bà-sa xuất gia kia ba lần hỏi, vì sao Thế Tôn không đáp? Há không làm tăng ác tà kiến cho Bà-sa xuất gia kia, rằng Sa-môn không khả năng để giải đáp những gì được hỏi?”
Phật bảo A-nan:
“Nếu Ta đáp là có ngã, sẽ làm tăng tà kiến có từ trước của kia. Nếu đáp rằng không ngã, thì sẽ làm cho nghi hoặc trước kia, há không tăng thêm nghi hoặc sao? Nói rằng trước có ngã, từ nay sẽ đoạn diệt. Nếu trước vốn có ngã, đó là thường kiến; mà nay đoạn diệt, đó là đoạn kiến. Như Lai lìa hai bên, thuyết pháp ở giữa. Nghĩa là: ‘Cái này có, nên cái kia có; cái này khởi nên cái kia sanh. Đó là, duyên vô minh nên có hành… cho đến sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt.’”
Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 962. KIẾN[51]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, cùng nhau thăm hỏi, thăm hỏi xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, thế nào, Cù-đàm có thấy như vầy, có nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Ta không thấy như vầy, không nói như vầy: ‘Thế gian thường, đó là chân thật, ngoài ra là hư vọng.’?”
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có thấy như vầy, có nói như vầy: ‘Thế gian vô thường, vừa thường, vừa vô thường; chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; có biên, không biên; vừa biên, vừa vô biên; chẳng phải biên, chẳng phải vô biên; mạng tức là thân; mạng khác, thân khác; Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Ta không thấy như vầy, không nói như vầy:… cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không.”
Lúc ấy, Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, những kiến giải này có những sai lầm nào, mà đối với tất cả những kiến giải này Ngài không ký thuyết?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Nếu thấy như vầy: ‘Thế gian thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng,’ thì đó là kiến giải điên đảo, là kiến giải do quán sát, là kiến giải dao động, là kiến giải cấu nhiễm, là kiến giải kết sử, là khổ, là ngại, là não, là nhiệt, bị kiến kết trói buộc; phàm phu ngu si không học ở đời vị lai sẽ bị sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não sanh.
“Này Bà-sa xuất gia, nếu thấy như vầy: ‘Thế gian vô thường; vừa thường, vừa vô thường; chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; có biên, không có biên; vừa biên, vừa vô biên; chẳng phải có biên, chẳng phải không biên; là mạng là thân; mạng khác thân khác; Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’, đó là đảo kiến,… cho đến ưu, bi, khổ, não sanh.”
Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, sở kiến của Ngài thế nào?”
Phật bảo Bà-sa xuất gia:
“Sở kiến của Như Lai đã hoàn toàn dứt hết. Này Bà-sa xuất gia, nhưng Như Lai thấy là thấy rằng ‘Đây là Khổ Thánh đế; đây là Khổ tập Thánh đế, sự diệt tận của Khổ diệt Thánh đế, đây là Khổ diệt đạo Thánh đế.’ Sau khi biết như vậy, thấy như vậy rồi, đối với tất cả kiến, tất cả thọ, tất cả sanh, tất cả kiến chấp về ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử, đều khiến cho đoạn diệt, tịch tịnh, mát mẻ, chân thật. Đối với Tỳ-kheo giải thoát tất cả như vậy, sanh không đúng, không sanh cũng không đúng.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, vì sao nói, sanh không đúng?”
Phật bảo Bà-sa:
“Bây giờ, Ta hỏi ông, cứ tùy ý mà trả lời cho Ta. Này Ba-sa, giống như có người đốt lửa trước ông, ông có thấy lửa cháy không? Ngay đó dập tắt lửa trước ông, ông có thấy lửa tắt không?”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, thấy như vậy.”
Phật bảo Bà-sa:
“Nếu có người hỏi ông: ‘Lửa vừa cháy đó, nay ở chỗ nào? Đi về phương Đông, phương Tây, phương Nam, phương Bắc?’ Nếu hỏi như vậy, ông sẽ nói thế nào?”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, nếu có người nào đến hỏi như vậy, con sẽ trả lời như vầy: ‘Nếu có ai đốt lửa trước tôi, nhờ nhân duyên củi, cỏ nên lửa cháy. Nếu không thêm củi, lửa tắt, vĩnh viễn không sanh khởi trở lại được. Nói đi về phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc thì không đúng.”
Phật bảo Bà-sa:
“Ta cũng sẽ nói như vầy: ‘Sắc đã đoạn, đã biết; thọ, tưởng, hành, thức đã đoạn, đã biết. Đoạn tận gốc rễ của nó như chặt đứt ngọn cây đa-la không thể sanh lại được; đối với đời vị lai không thể sanh khởi trở lại nữa. Nếu bảo đến phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc thì điều đó không đúng. Vì điều đó sâu xa, rộng lớn, vô lượng, vô số, vĩnh viễn tịch diệt.”
Bà-sa bạch Phật:
“Con sẽ nói thí dụ.”
Phật bảo Bà-sa:
“Ông biết đúng lúc.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, thí như gần thành thị hay làng xóm, có một vùng đất mầu mỡ, mọc lên một khu rừng kiên cố. Có một cây to lớn bền chắc. Nó sanh trưởng đã trải qua hàng ngàn năm. Lâu ngày, cành lá rơi rụng; vỏ cây khô mục; chỉ còn gốc cây đứng trơ trọi. Cũng vậy, thưa Cù-đàm, Pháp luật của Như Lai lìa bỏ những thứ cành nhánh cọng lá, chỉ còn trơ gốc không, đứng một mình kiên cố.”
Bấy giờ, Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 963. VÔ TRI[52]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi, khích kệ xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, người kia do không biết cái gì mà thấy như vầy, nói như vầy: ‘Thế gian thường, đấy là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng. Thế gian vô thường, thế gian vừa thường vừa vô thường; thế gian chẳng phải thường, chẳng phải vô thường; thế gian hữu biên hay thế gian vô biên; thế gian vừa hữu biên vừa vô biên; thế gian chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên; mạng tức là thân; mạng khác, thân khác; Như Lai, sau khi chết có còn, sau khi chết không còn; sau khi chết vừa có, vừa không; sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’?”
Phật bảo Bà-sa:
“Vì đối với sắc không biết, nên thấy như vầy, nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng… cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’. Và vì đối với thọ, tưởng, hành, thức không biết nên thấy như vầy, nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng… cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, vì biết pháp gì mà không thấy như vầy, không nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng… cho đến cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’?”
Phật bảo Bà-sa:
“Vì biết sắc nên không thấy như vầy, không nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng… cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’. Và vì biết thọ, tưởng, hành, thức nên không thấy như vầy, không nói như vầy: ‘Thế gian thường, đây là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng… cho đến sau khi chết chẳng phải có, chẳng phải không’.”
Cũng như không biết và biết, nên không thấy và thấy như vầy. Cũng vậy, không nhận thức, có nhận thức; không đoạn, đoạn; không quán, quán; không sát, sát; không giác, giác[53].
Phật nói kinh này xong, Bà-sa xuất gia nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
KINH 964. XUẤT GIA[54]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà trong thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia họ Bà-sa, đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi, khích kệ xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Thưa Cù-đàm, con có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh thì giờ giải đáp cho không?”
Bấy giờ Thế Tôn ngồi im lặng. Bà-sa xuất gia hỏi hai, ba lần, Phật cũng hai, ba lần ngồi im lặng. Lúc này, Bà-sa xuất gia bạch Phật:
“Con cùng Cù-đàm cả hai tùy thuận nhau[55]. Hôm nay có điều muốn hỏi vì sao Ngài lại im lặng?”
Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: “Bà-sa xuất gia này lúc nào cũng chất trực, không dối trá. Những gì muốn hỏi hôm nay đều từ không biết, chứ không phải cố ý nhiễu loạn. Ta nay, nên dùng A-tỳ-đàm, Luật để nạp thọ ông ta.[56]” Nghĩ xong, liền bảo Bà-sa xuất gia:
“Tùy những gì ông hỏi, Ta sẽ vì ông mà giải đáp.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, có pháp thiện, pháp bất thiện[57] không?”
Phật đáp:
“Có.”
Bà-sa bạch Phật:
“Xin Ngài vì con mà nói về pháp thiện, pháp bất thiện, khiến cho con được hiểu.”
Phật bảo Bà-sa:
“Hôm nay, Ta sẽ vì ông mà nói lược về pháp thiện và pháp bất thiện. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ.
“Này Bà-sa, tham dục là pháp bất thiện. Điều phục được tham dục là pháp thiện. Sân nhuế, ngu si là pháp bất thiện. Điều phục được sân nhuế ngu si là pháp thiện. Sát sanh là pháp bất thiện. Lìa sát sanh, là pháp thiện. Trộm cắp, tà dâm, nói dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt, tham nhuế, tà kiến là pháp bất thiện. Không trộm cắp… cho đến chánh kiến, đó là pháp thiện. Này Bà-sa, hôm nay Ta đã nói ba thứ pháp thiện và ba thứ pháp bất thiện. Cũng vậy, khi Thánh đệ tử biết như thật về ba thứ pháp thiện và ba thứ pháp bất thiện; biết như thật về mười loại pháp thiện và mười loại pháp bất thiện, thì đối với tham dục được diệt tận không còn sót. Khi sân nhuế, ngu si, được diệt tận không còn, thì đối với tất cả pháp hữu lậu đều diệt tận, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự biết tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bà-sa bạch Phật:
“Có Tỳ-kheo nào, đối với Pháp luật này sạch được hữu lậu, vô lậu tâm giải thoát,… cho đếnkhông còn tái sanh đời sau nữa không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm; có rất nhiều Tỳ-kheo, đối với Pháp luật này đã sạch hết các hữu lậu,… cho đến không tái sanh đời sau nữa.”
Bà-sa bạch Phật:
“Hãy gác Tỳ-kheo lại! Có một Tỳ-kheo-ni nào đối với Pháp luật này mà hết sạch các hữu lậu, ‘… cho đến không tái sanh đời sau nữa,’ không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những một, hai, ba Tỳ-kheo-ni mà cho đến năm trăm, có rất nhiều Tỳ-kheo-ni, đối với Pháp luật này đã hết các hữu, ‘… cho đến không tái sanh đời sau nữa’.”
Bà-sa bạch Phật:
“Xin gác Tỳ-kheo-ni lại! Có một Ưu-bà-tắc nào tu các phạm hạnh, đối với Pháp luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu-bà-tắc, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-tắc, tu các phạm hạnh, đối với Pháp luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, được thành A-na-hàm không tái sanh lại cõi này nữa.”
Bà-sa bạch Phật:
“Xin gác Ưu-bà-tắc lại! Có một Ưu-bà-di nào, đối với Pháp luật này tu các phạm hạnh; đối với Pháp luật này đã thoát khỏi hồ nghi không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm Ưu-bà-di, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-di, đối với Pháp luật này, đã đoạn năm hạ phần kết, đối với họ hóa sanh đắc A-na-hàm không tái sanh lại cõi này nữa.”
Bà-sa bạch Phật:
“Xin hãy gác Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh lại! Có Ưu-bà-tắc nào hưởng thọ ngũ dục, mà đối với Pháp luật này thoát khỏi hồ nghi không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những chỉ có một, hai, ba, mà cho đến năm trăm, cho đến có rất nhiều Ưu-bà-tắc, có gia đình vợ con, trang sức hương hoa, nuôi dưỡng nô tỳ, mà đối với Pháp luật này đã đoạn trừ ba kết; tham, nhuế, si đã mỏng, đắc Tư-đà-hàm, chỉ còn một lần qua lại, cứu cánh thoát khổ.”
Bà-sa bạch Phật:
“Xin gác Ưu-bà-tắc lại! Có một Ưu-bà-di nào hưởng thọ ngũ dục mà đối với Pháp luật này thoát khỏi hồ nghi không?”
Phật bảo Bà-sa:
“Không những một, hai, ba mà cho đến năm trăm, cho đến rất nhiều Ưu-bà-di ở tại gia, nuôi nấng con cái, hưởng thụ ngũ dục, trang điểm hoa thơm, mà đối với Pháp luật này đã đoạn tận ba kết, đắc Tu-đà-hoàn, không còn đọa vào pháp đường ác, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn qua lại bảy lần sanh trong Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.”
Bà-sa bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, như Sa-môn Cù-đàm đã thành Đẳng Chánh Giác; nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hưởng thụ ngũ dục, mà không được công đức như vậy, thì không đầy đủ[58]. Nhưng vì Sa-môn Cù-đàm thành Đẳng Chánh Giác và Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu phạm hạnh, cùng Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di hưởng thụ ngũ dục, do thành tựu những công đức như vậy, nên đó là sự đầy đủ. Thưa Cù-đàm, bây giờ con sẽ nói thí dụ.”
Phật bảo Bà-sa:
“Ông cứ tùy ý mà nói.”
Bà-sa bạch Phật:
“Như trời mưa to, nước chảy xuống thành dòng. Pháp luật của Cù-đàm lại cũng như vậy. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, hoặc nam, hoặc nữ, tất cả đều theo dòng hướng đến Niết-bàn, chuyển đến Niết-bàn. Kỳ lạ thay! Phật, Pháp, Tăng, bình đẳng pháp và luật[59]. Còn những xuất gia ngoại đạo khác đến chỗ Cù-đàm, ở trong Chánh pháp luật muốn cầu xuất gia thọ cụ túc thì phải mất bao nhiêu thời gian mới cho phép xuất gia?”
Phật bảo Bà-sa:
“Nếu những xuất gia ngoại đạo khác muốn cầu xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật, phải qua bốn tháng ở bên Hòa thượng thọ y chỉ mà an trụ[60]. Nhưng điều này chỉ vì người mà tạm bày ra giới hạn mà thôi[61].”
Bà-sa bạch Phật:
“Nếu những xuất gia ngoại đạo muốn đến cầu xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật, được phép ở bên Hòa thượng nhận lãnh y chỉ và nếu đủ bốn tháng thì cho phép xuất gia. Vậy, nay con có thể ở bên Hòa thượng bốn tháng thọ y chỉ. Nếu ở trong Chánh pháp luật mà được xuất gia thọ cụ túc, thì con sẽ xuất gia thọ cụ túc tu trì phạm hạnh ở trong pháp Cù-đàm.”
Phật bảo Bà-sa:
“Trước đây Ta không nói là tạm vì người mà bày ra giới hạn sao?”
Bà-sa bạch Phật:
“Đúng vậy, thưa Cù-đàm!”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Các ông nên độ Bà-sa này xuất gia thọ cụ túc ở trong Chánh pháp luật.”
Xuất gia dòng họ Bà-sa liền được phép xuất gia thọ cụ túc thành Tỳ-kheo ở trong Chánh pháp luật,… cho đến trong vòng nửa tháng những gì cần học nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng, thì đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng Chánh pháp của Như Lai.
Tôn giả Bà-sa tự nghĩ: “Nay ta đã học những gì nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng. Tất cả những điều đó ta đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng. Bây giờ, nên đến gặp Thế Tôn.”
Ngay lúc ấy, Bà-sa đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, những gì cần học nên biết, nên phân biệt, nên thấy, nên đắc, nên hiểu rõ, nên chứng, con đều biết, đều phân biệt, đều thấy, đều đắc, đều hiểu rõ, đều chứng Chánh pháp của Thế Tôn. Xin Thế Tôn vì con mà thuyết pháp, sau khi con nghe rồi, sẽ ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, tư duy về lý do người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo,… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Phật bảo Bà-sa:
“Có hai pháp tu tập, tu tập nhiều, đó là chỉ và quán[62]. Tu tập, tu tập nhiều hai pháp này, thì sẽ biết được quả báo của các cõi, hiểu rõ các cõi; biết các thứ cõi, hiểu rõ các thứ cõi. Tỳ-kheo như vậy là muốn cầu ly dục, pháp ác bất thiện,… cho đến thành tựu, trụ đệ Tứ thiền; an trụ từ, bi, hỷ xả, không nhập xứ, thức nhập xứ, vô sở hữu nhập xứ, phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ; khiến ba kết của ta diệt tận, đắc Tu-đà-hoàn. Với ba kết đã tạân diệt, tham, nhuế, si mỏng, đắc Tư-đà-hàm. Với năm hạ phần kết đã diệt tận, đắc A-na-hàm. Với các thứ cảnh giới thần thông, thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm trí, túc mạng trí, sanh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt được. Cho nên Tỳ-kheo, nên tu hai pháp, tu tập, tu tập nhiều. Nhờ tu tập hai pháp, nên biết các thứ cõi,… cho đến lậu tận.”
Sau khi Tôn giả Bà-sa nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ làm lễ mà lui.
Bấy giờ, Tôn giả Bà-sa ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, ‘… cho đến tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’
Lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo phượng tiện trang nghiêm muốn đến cung kính cúng dường Thế Tôn. Bấy giờ, Tôn giả Bà-sa hỏi các Tỳ-kheo:
“Có phải các ông phương tiện trang nghiêm muốn đến cung kính cúng dường Thế Tôn không?”
Các Tỳ-kheo đáp:
“Vâng.”
Lúc này Bà-sa nói các Tỳ-kheo:
“Tôn giả cho tôi gởi lời kính lễ thăm hỏi Thế Tôn: ‘Ngài sống nhẹ nhàng, ít bệnh, ít não, an lạc không?’ Và thưa: ‘Tỳ-kheo Bà-sa bạch Thế Tôn rằng: Con đã cúng dường, phụng sự Thế Tôn đầy đủ, khiến Ngài hài lòng, chứ không phải không hài lòng. Những gì mà đệ tử của Đại Sư cần làm, con đã làm xong. Đã cúng dường Đại Sư, khiến Ngài hài lòng, chứ không phải không hài lòng.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bà-sa đê đầu kính lễ dưới chân Thế Tôn,… cho đến hài lòng chứ không phải không hài lòng.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Chư Thiên đã nói trước cho Ta rồi, nay các ông lại nói. Như Lai đã thành tựu tri kiến đệ nhất, cũng như Tỳ-kheo Bà-sa có đức lực như vậy.”
Bấy giờ Thế Tôn vì Tỳ-kheo Bà-sa kia mà nói thọ ký bậc nhất.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 965. UẤT-ĐÊ-CA[63]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có xuất gia ngoại đạo tên là Uất-đê-ca[64] đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn chào hỏi, an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm! Thế nào, Cù-đàm, thế gian hữu biên chăng?”
Phật bảo Uất-đê-ca:
“Điều này không xác định.”
Uất-đê-ca bạch Phật:
“Thế nào Cù-đàm, thế gian vô biên chăng? Vừa hữu biên vừa vô biên chăng? Chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên chăng?”
Phật bảo Uất-đê-ca:
“Điều này không xác định.”
Uất-đê-ca bạch Phật:
“Thế nào, thưa Cù-đàm, hỏi: ‘Thế gian hữu biên chăng?’ Được trả lời, ‘Không xác định’. ‘Thế gian vô biên chăng? Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên chăng? Chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên chăng?’ Được trả lời: ‘Không xác định’. Thưa Cù-đàm, vậy những pháp nào có thể được xác định.”
Phật bảo Uất-đê-ca:
“Là bậc Tri giả, Trí giả, Ta vì các đệ tử mà xác định về đạo, để cho chân chánh diệt tận khổ, rốt ráo biên tế khổ.”
Uất-đê-ca bạch Phật:
“Như thế nào Cù-đàm vì các đệ tử mà xác định về đạo, để cho chân chánh diệt tận khổ, rốt ráo biên tế khổ. Tất cả thế gian, hay chỉ một phần ít, từ con đường này mà xuất?”[65]
Bấy giờ Thế Tôn im lặng không đáp. Qua hai, ba lần hỏi, Phật cũng hai, ba lần im lặng không đáp.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan đang cầm quạt đứng hầu sau Phật. Tôn giả bảo xuất gia ngoại đạo Uất-đê-ca:
“Ban đầu ông đã hỏi nghĩa này. Nay lại hỏi theo cách nói khác, cho nên Thế Tôn không ký thuyết. Này Uất-đê-ca, nay tôi sẽ vì ông mà nói thí dụ. Phàm người trí mà nghe thí dụ thì sẽ hiểu. Ví như quốc vương có thành lũy bao quanh bốn bề kiên cố; đường giao thông bằng phẳng và chỉ có một cửa. Người đứng giữ cửa lại là một người thông minh, sáng suốt, thường khéo đoán xét. Bên ngoài có người đến, nếu người đáng vào thì cho phép vào; người không đáng vào thì không cho phép. Khắp chu vi vòng thành, muốn tìm cửa thứ hai cũng không thể được. Ngay đến lỗ ra vào của chó mèo cũng không, huống chi là cửa thứ hai! Người giữ cửa thành kia cũng không biết rõ người vào kẻ ra là ai, nhưng người này biết tất cả người ra hay vào chỉ từ cửa này, chứ không phải nơi nào khác. Cũng vậy, Thế Tôn tuy không dụng tâm để biết rõ tất cả chúng sanh thế gian, hay chỉ một phần ít, từ con đường này xuất. Nhưng biết chúng sanh hết khổ, cứu cánh biên tế khổ, tất cả đều từ đạo này mà xuất.”
Sau khi xuất gia ngoại đạo Uất-đê-ca nghe những gì Phật nói, hoan hỷ tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
KINH 966. PHÚ-LÂN-NI[66]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có Tôn giả Phú-lân-ni[67], ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Lúc ấy có các xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả Phú-lân-ni, cùng nhau thăm hỏi khích lệ, rồi ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả Phú-lân-ni:
“Tôi nghe Sa-môn Cù-đàm chủ trương đoạn diệt, phá hoại sự hữu. Có truyền dạy như vậy chăng? Nay xin hỏi Tôn giả Phú-lân-ni, có đúng như vậy không?”
Phú-lân-ni bảo các xuất gia ngoại đạo:
“Tôi không biết điều đó. Không có trường hợp Thế Tôn dạy chúng sanh đoạn diệt, phá hoại hữu, khiến trở thành vô sở hữu. Theo tôi hiểu như vầy: ‘Thế Tôn dạy có những chúng sanh chấp có ngã, ngã mạn, tà mạn. Thế Tôn đã dạy, khiến họ đoạn diệt những thứ đó’.”
Lúc ấy, các xuất gia ngoại đạo nghe những gì Tôn giả Phú-lân-ni nói, không hài lòng. Bèn chỉ trích rồi ra về. Sau khi các ngoại đạo đi rồi, Tôn giả Phú-lân-ni đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, đem những điều các xuất gia ngoại đạo đã nói, bạch đầy đủ lên Thế Tôn:
“Bạch Thế Tôn, con đã đáp lại những điều ngoại đạo nói như vậy, là không mắc vào tội hủy báng Thế Tôn chăng? Là nói đúng pháp, nói như những gì Phật dạy, nói như pháp, nói tùy thuận pháp, không bị các nhà luận nghĩa hiềm trách đó chăng?”
Phật bảo Phú-lân-ni:
“Như những gì ông đã nói, không hủy báng Như Lai, không mất thứ tự, như Ta ký thuyết; nói pháp như pháp, nói tùy thuận pháp, không bị các nhà luận nghĩ hiềm trách. Vì sao? Này Phú-lân-ni, vì trước tiên, các chúng sanh đã có ngã mạn, tà mạn; tà mạn bức bách, tà mạn tập khởi, không hiện quán tà mạn[68], rối loạn như ruột chó, như vòng móc sắt, như cỏ rối, qua lại rong ruổi đời này sang đời khác, đời khác sang đời này, rong ruổi tới lui không thể lìa xa.
“Này Phú-lân-ni, tất cả chúng sanh đối với tà mạn, nếu ai vĩnh viễn diệt tận không còn sót, thì tất cả những chúng sanh đó lúc nào cũng an ổn, khoái lạc.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo Phú-lân-ni nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
KINH 967. CÂU-CA-NA[69]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả A-nan-đà sáng sớm đến bờ sông Tháp-bổ[70], cởi y để bên bờ, xuống nước rửa tay chân, rồi trở lên bờ mặc một y, lau chùi thân thể. Lúc ấy cũng có xuất gia ngoại đạo tên Câu-ca-na[71]đến bên sông. Tôn giả A-nan-đà nghe tiếng đi, liền ho đánh tiếng, Câu-ca-na xuất gia ngoại đạo nghe có tiếng người, nên hỏi:
“Ai đấy!”
Tôn giả A-nan-đà đáp:
“Sa-môn.”
Câu-ca-na xuất gia ngoại đạo nói:
“Sa-môn nào?”
Tôn giả A-nan-đà đáp:
“Sa-môn họ Thích.”
Câu-ca-na xuất gia ngoại đạo nói:
“Tôi có điều muốn hỏi, Tôn giả có rảnh giờ để giải đáp cho không?”
Tôn giả A-nan-đà đáp:
“Tùy ý cứ hỏi, nếu biết thì tôi sẽ đáp.”
Câu-ca-na hỏi:
“Thế nào, A-nan-đà, Như Lai sau khi chết có còn chăng?”
A-nan-đà đáp:
“Thế Tôn đã nói, điều này không xác định.”
Lại hỏi:
“Như Lai sau khi chết không còn chăng? Sau khi chết vừa có vừa không chăng? Chẳng phải có, chẳng phải không chăng?”
A-nan-đà đáp:
“Thế Tôn đã nói, điều này không xác định.”
Ngoại đạo Câu-ca-na nói:
“Thế nào, thưa Tôn giả A-nan-đà? Khi hỏi: ‘Như Lai sau khi chết còn’ thì đáp: ‘Không xác định”. Khi hỏi: ‘Sau khi chết không còn, sau khi chết vừa còn vừa không còn, sau khi chết chẳng phải còn, chẳng phải không còn’, thì đáp: ‘Không xác định’. Thế nào, A-nan-đà! Có phải vì không biết không thấy chăng?”
A-nan-đà đáp:
“Chẳng phải không biết, chẳng phải không thấy, mà là biết tất cả, thấy tất cả.”
Lại hỏi Tôn giả A-nan-đà:
“Biết gì? Thấy gì?”
A-nan-đà đáp:
“Thấy chỗ có thể thấy, thấy chỗ sanh khởi, thấy chỗ đoạn tận triền phược, đó là biết, đó là thấy. Ta biết như vậy, thấy như vậy, sao nói là không biết, không thấy?”
Câu-ca-na ngoại đạo lại hỏi:
“Tôn giả tên gì?”
Tôn giả A-nan-đà đáp:
“Tôi tên là A-nan-đà.”
Câu ca-na ngoại đạo nói:
“Lạ thay! Đệ tử của Đại Sư mà ta được cùng luận nghị. Nếu ta biết Tôn giả này là Tôn giả A-nan-đà thì không dám mở lời hỏi.”
Nói những lời này xong liền bỏ đi.
KINH 968. CẤP CÔ ĐỘC[72]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ có gia chủ Cấp Cô Độc, ngày nào cũng đến viếng thăm Thế Tôn đảnh lễ và cúng dường. Gia chủ tự nghĩ: ‘Ta đến quá sớm. Thế Tôn và các Tỳ-kheo còn đang tọa thiền, tư duy. Thôi ta nên đi qua trú xứ của các ngoại đạo.’ Gia chủ đi vào tinh xá ngoại đạo, cùng họ chào đón, thăm hỏi khích lệ, rồi ngồi lui qua một bên. Lúc ấy ngoại đạo kia hỏi:
“Gia chủ, ông thấy Sa-môn Cù-đàm thấy thế nào, thấy những gì?”
Gia chủ đáp:
“Tôi cũng không biết Thế Tôn thấy thế nào và Thế Tôn thấy những gì?”
Các ngoại đạo nói:
“Ông hãy nói cái thấy của chúng Tăng. Chúng Tăng thấy như thế nào, chúng Tăng thấy những gì[73]?”
Gia chủ đáp:
“Tôi cũng chẳng biết thế nào là cái thấy của chúng Tăng, chúng Tăng thấy những gì?”
Ngoại đạo lại hỏi gia chủ:
“Nay hãy nói cái thấy của chính ông? Cái thấy của chính ông là gì?”
Gia chủ đáp:
“Các ông mỗi người hãy tự nói chỗ thấy của mình, rồi tôi sẽ nói chỗ thấy của tôi cũng không khó.”
Khi đó có một ngoại đạo nói như vầy:
“Gia chủ, tôi thấy tất cả thế gian là thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Gia chủ, tôi thấy tất cả thế gian là vô thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Gia chủ, thế gian vừa thường vừa vô thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Thế gian phi thường phi vô thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Thế gian hữu biên, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Thế gian vô biên, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Lại có người nói:
“Thế gian vừa hữu biên vừa vô biên.”
Lại có người nói:
“Thế gian chẳng phải hữu biên chẳng phải vô biên.”
Lại có người nói:
“Mạng tức là thân.”
Lại có người nói:
“Mạng khác thân khác.”
Lại có người nói:
“Như Lai sau khi chết là còn.”
Lại có người nói:
“Như Lai sau khi chết là không còn.”
Lại có người nói:
“Như Lai sau khi chết vừa có vừa không.”
Lại có người nói:
“Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.”
Các ngoại đạo bảo gia chủ:
“Chúng tôi mỗi người đều trình bày sở kiến của mình, vậy ông nên nói sở kiến của ông.”
Gia chủ đáp:
“Sở kiến của tôi là, chân thật hữu vi, tư lương duyên khởi[74]. Nếu chân thật là pháp hữu vi do tư lương, duyên khởi thì chúng là vô thường; mà vô thường là khổ. Biết như vậy rồi, đối với tất cả sở kiến đều vô sở đắc. Như sở kiến của các ông cho thế gian là thường, đó là chân thật, ngoài ra là hư vọng. Sở kiến này là chân thật hữu vi do tư lương duyên khởi. Nếu là chân thật hữu vi do tư lương duyên khởi thì vô thường, mà vô thường là khổ. Cho nên các ông thân cận với cái khổ, chỉ chịu khổ, sống mãi trong khổ, chìm sâu vào trong khổ.
“Cũng vậy, các ông cho rằng: ‘Thế gian là vô thường, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.’ Chúng có lỗi như vậy. Hay: ‘Thế gian thường vô thường, phi thường, phi vô thường, thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian hữu biên vô biên, thế gian phi hữu biên phi vô biên; mạng tức là thân, mạng khác thân khác; Như Lai sau khi chết có, Như Lai sau khi chết không, Như Lai sau khi chết vừa có vừa không, Như Lai sau khi chết chẳng phải có chẳng phải không, đó là chân thật, ngoài ra đều là hư vọng.’ Đều nói như trên.”
Có một ngoại đạo nói với gia chủ Cấp Cô Độc:
“Như những gì ông đã nói: ‘Nếu có sở kiến gì, thì đó là chân thật hữu vi do tư lương duyên khởi, đó là pháp vô thường.’ Nếu vô thường là khổ, thì sở kiến của gia chủ cũng thân cận khổ, chịu khổ, sống khổ, vào sâu trong khổ.”
Gia chủ đáp:
“Trước kia tôi chẳng đã nói: ‘Sở kiến thật sự là pháp hữu vi, do tư lương duyên khởi, thảy đều vô thường, mà vô thường là khổ. Khi đã biết khổ rồi, ta đối với sở kiến ấy vô sở đắc’ đó sao?”
Các ngoại đạo nói:
“Đúng như thế! Thưa gia chủ!”
Bấy giờ gia chủ Cấp Cô Độc ở nơi tinh xá ngoại đạo khuất phục dị luận, kiến lập chánh luận, ở trong chúng ngoại đạo rống lên tiếng rống sư tử rồi, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, ngồi lui qua một bên, đem cuộc đàm luận với ngoại đạo thuật lại hết lên Thế Tôn.
Phật bảo gia chủ Cấp Cô Độc:
“Lành thay! Lành thay! Hãy nên tùy lúc hàng phục các ngoại đạo ngu si, kiến lập chánh luận.”
Phật nói kinh này xong, gia chủ Cấp Cô Độc nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ tùy hỷ đảnh lễ mà lui.
KINH 969. TRƯỜNG TRẢO[75]
Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà tại thành Vương xá. Bấy giờ có tu sĩ ngoại đạo là Trường Trảo[76] đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn chào hỏi an úy xong, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Thưa Cù-đàm, tôi không chấp nhận mọi sở kiến[77].”
Phật bảo:
“Này Hỏa chủng[78], ông nói không chấp nhận mọi sở kiến, vậy sở kiến này cũng chẳng chấp nhận luôn chăng?”
Trường Trảo ngoại đạo nói:
“Đã nói không chấp nhận mọi sở kiến thì cái sở kiến này cũng không chấp nhận.”
Phật bảo Hỏa chủng:
“Biết như vậy, thấy như vậy thì sở kiến này đã đoạn, đã xả, đã lìa, các sở kiến khác không còn tương tục, không khởi, không sanh. Này Hỏa chủng, nhiều người có cùng sở kiến như ông. Nhiều người cũng thấy như vậy, nói như vậy, ông cùng với họ giống nhau. Này Hỏa chủng, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào xả bỏ các kiến chấp kia, các kiến chấp khác không khởi, thì hàng Sa-môn, Bà-la-môn này rất ít có ở thế gian.
“Này Hỏa chủng, y cứ vào ba loại kiến. Những gì là ba? Có người thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tôi chấp nhận tất cả.’ Lại có người thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tôi không chấp nhận tất cả.’ Lại có người thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tôi chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần.’
“Này Hỏa chủng, nếu chủ trương chấp nhận tất cả, kiến chấp này cùng sanh với tham, chẳng phải không tham; cùng sanh với nhuế, chẳng phải không nhuế; cùng sanh với si, chẳng phải không si; ràng buộc, chẳng lìa ràng buộc; phiền não, chẳng thanh tịnh; ái lạc, chấp thủ, nhiễm trước sanh. Hay nếu có kiến chấp như vầy: ‘Ta không chấp nhận tất cả’, kiến chấp này chẳng cùng sanh với tham, chẳng cùng sanh với nhuế, chẳng cùng sanh với si; thanh tịnh, không phiền não; lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc; không ái lạc, không chấp thủ, không nhiễm trước sanh. Này Hỏa chủng, hay nếu có kiến chấp như vầy: ‘Ta chấp nhận một phần, không chấp nhận một phần’; vậy nếu chấp nhận thì câu hữu với tham,… cho đến sanh nhiễm trước; còn nếu không chấp nhận thì ly tham… cho đến không sanh nhiễm trước. Đa văn Thánh đệ tử kia nên học: ‘Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta chấp nhận tất cả’, sẽ bị hai hạng người chê trách và cật vấn. Những gì là hai? Người không chấp nhận tất cả và người một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận. Họ sẽ bị hai hạng người này chê trách. Vì bị chê trách nên bị cật vấn. Vì bị cật vấn nên bị hại. Kiến chấp kia vì bị chê trách, bị cất vấn, bị phá hại nên họ xả bỏ kiến chấp đó, còn những kiến chấp khác thì không còn sanh trở lại. Cũng vậy đoạn kiến, xả kiến, ly kiến, các kiến khác, không còn tương tục, không khởi, không sanh.
“Đa văn Thánh đệ tử kia nên học như vầy: ‘Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Tất cả không chấp nhận’, sẽ bị hai hạng người chê trách và hai hạng người cật vấn. Những gì là hai? Người chấp nhận tất cả và người một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận. Hai hạng người chê trách và cật vấn như vậy, ‘… cho đến không tương tục, không khởi, không sanh.’
“Đa văn Thánh đệ tử kia nên học như vầy: ‘Nếu ta thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta một phần chấp nhận, một phần không chấp nhận’, sẽ bị hai hạng người chê trách, hai hạng người cật vấn. Những gì là hai? Là người thấy như vầy, nói như vầy: ‘Ta chấp nhận tất cả và không chấp nhận tất cả’. Hai trường hợp bị trách như vậy, ‘… cho đến không tương tục, không khởi, không sanh.’
“Lại nữa, Hỏa chủng, thân có sắc gồm bốn đại thô kệch như vậy, Thánh đệ tử nên quán vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả. Nếu Thánh đệ tử sống mà luôn quán vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả, thì sống đối thân kia sự tham dục thuộc về thân, sự nhớ tưởng về thân, cảm thọ về thân, sự nhiễm về thân, sự đắm trước về thân vĩnh viễn diệt trừ không còn.
“Này Hỏa chủng, có ba thứ cảm thọ. Đó là khổ thọ, lạc thọ và bất khổ bất lạc thọ. Ba thứ cảm thọ này cần có nhân gì, tập gì, sanh gì, chuyển gì? Ba cảm thọ này cần có xúc là nhân, do xúc tập, xúc sanh, xúc chuyển. Mỗi mỗi xúc tập khởi, thọ tập khởi; mỗi mỗi xúc diệt tận, thọ diệt tận; vắng lặng, trong mát, vĩnh viễn hết sạch. Người kia đối với ba thọ này, biết rõ khổ, biết rõ lạc, biết rõ không khổ không lạc; biết như thật mỗi mỗi thọ hoặc tập khởi, hoặc diệt tận, hoặc vị ngọt, hoặc tai hại, hoặc xuất ly. Khi đã biết như thật rồi, đối những thọ ấy liền quán sát vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả bỏ. Người ấy ngay nơi toàn thân mình biết như thật các cảm thọ, nơi toàn phần sanh mạng mình biết như thật các cảm thọ. Nếu người ấy sau khi thân hoại, mạng chung, ngay lúc ấy các thọ hoàn toàn chấm dứt, không còn gì nữa. Bấy giờ, người ấy nghĩ rằng: ‘Lúc biết rõ cảm thọ lạc thì thân mình cũng hoại, lúc biết rõ cảm thọ khổ, thì thân mình cũng hoại, ngay lúc biết rõ cảm thọ chẳng lạc chẳng khổ, thì thân mình cũng hoại, thảy đều thoát khổ. Đối với cái cảm thọ lạc kia lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc; đối với cái cảm thọ khổ kia lìa ràng buộc, chẳng ràng buộc; đối với cái cảm thọ chẳng lạc chẳng khổ kia, lìa ràng buộc, chẳng bị ràng buộc. Lìa ràng buộc gì? Lìa tham dục, sân nhuế, ngu si; lìa sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não’. Ta nói những điều này gọi là lìa khổ.”
Vào lúc bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất vừa mới thọ giới cụ túc nửa tháng, Tôn giả đang cầm quạt đứng sau hầu Phật. Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất tự nghĩ: ‘Thế Tôn đã khen ngợi nói ở nơi pháp này, pháp kia mà đoạn dục, ly dục, diệt tận dục, xả dục.’ Tôn giả Xá-lợi-phất đối với từng pháp này quán sát vô thường, quán sanh diệt, quán ly dục, quán diệt tận, quán xả bỏ, không khởi các lậu, tâm được giải thoát.
Bấy giờ, xuất gia ngoại đạo Trường Trảo xa lìa trần cấu, đắc pháp nhãn tịnh. Ông thấy pháp, đắc pháp, giác ngộ pháp, thâm nhập pháp, thoát khỏi các nghi hoặc, không do người khác độ, vào trong Chánh pháp luật, được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đảnh lễ Phật và chắp tay bạch Phật:
“Con xin được xuất gia thọ giới cụ túc ở trong Chánh pháp luật, ở trong Phật pháp tu các phạm hạnh.”
Phật bảo xuất gia ngoại đạo Trường Trảo:
“Ông được xuất gia thọ cụ túc trở thành Tỳ-kheo, ở trong Chánh pháp luật.”
Được xuất gia trở thành thiện lai Tỳ-kheo. Ông suy nghĩ lý do người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà… cho đến tâm thiện giải thoát đắc A-la-hán.
Phật nói kinh này xong, Tôn giả Xá-lợi-phất, Tôn giả Trường Trảo nghe Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Chú thích:
[1] Đại Chánh quyển 34. Ấn Thuận Hội Biên, vii. Như Lai sở thuyết tụng, 45. Vô thủy tương ưng, kinh số 1377. Quốc Dịch, viii. Như Lai tụng, 5. Vô thủy tương ưng, kinh 13400. Phật Quang, quyển 34, kinh 932. Tương đương Pāli, S. 15, 1. Tiṇakaṭṭhaṃ. Hán, №100(336).
[2] Pāli: amatagga, khởi thủy không thể ước lượng.
[3] Hán: bản tế 本際. Pāli: pubbā koṭi.
[4] Hòn đất. Pāli: 15.2 Pathavī. Hán: №100(336).
[5] Bà-la quả 婆羅果. №100(336): “như hạt đậu”. Pāli: kollātthimatta, như hạt quả táo.
[6] Pāli: S.15.12. Sukhitaṃ. Hán Biệt dịch, №100(335).
[7] Pāli: S.15,11. Duggataṃ. Hán Biệt dịch, №100(336).
[8] Pāli: tham chiếu các kinh trên. Hán, №100(337).
[9] Pāli: 15. 14-19. Mātā, v.v… Hán, №100(338).
[10] Pāli: S.15.8. Gaṅgā. Hán, №100(339).
[11] Đống xương nọ. Pāli: S.15.10 Puggala (con người). Hán, №100(340), 101(11), 150A(30).
[12] Núi Tỳ-phú-la, thành Vương xá 王舍城毘富羅山. Pāli: Veppulla-pabbata; Nhưng S.15.10:Rājagahe Gijjhakūṭe pabbate. Trên núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.
[13] Pāli: ekapuggalassa, đối với một con người.
[14] Quốc Dịch phẩm 2, kinh 13480-13417 (=984-956). Pāli: S.15.6. Sāsapā. Hán, №100(341), №125(52.3).
[15] Pāli: S.15.5. Pabbata. Hán, №100(342).
[16] Ca-thi kiếp-bối 迦尸劫貝. Pāli: Kāsika vattha, vải sản xuất ở nước Kāsi.
[17] Pāli, S.15.7. Sāvakā(các Đệ tử). Cf. №100(343).
[18] Không có một chỗ nào. Hán Biệt dịch, №100(344). Pāli, không thấy tương đương.
[19] Không một nơi nào mà không. Pāli, S.15.14-19. Mātā, v.v… Cf. №100(345).
[20] Pāli, tham chiếu, S.22.95. Phenam (bong bóng), S.48.50. Saddha (tín). Cf. №100(346).
[21] Quốc Dịch gồm hai kinh: 1344. Đại vũ hồng chú 大雨洪澍; 1315. Trịch trượng 擲杖 (ném gậy). Pāli, S.15.9. Daṇḍa (cây gậy).
[22] Bánh xe 5 tiết (căm). Pāli, không thấy tương đương. Biệt dịch, №99(432), №100(349).
[23] Pāli, S. 15.20. Vepullapbbataṃ. Biệt dịch, №100(350).
[24] Trường trúc sơn 長竹山. Pāli: Pācīnavaṃsa (đông trúc).
[25] Đề-di-la ấp 低彌羅邑. Pāli: Tivara.
[26] Ca-la-ca Tôn-đề 迦羅迦孫提= Phật Câu-lưu-tôn. Pāli: Kakusandho.
[27] Bằng-ca 朋迦. Pāli: Vaṅkaka.
[28] A-tỳ-ca 阿毘迦. Pāli: Rohitassa (ngựa đỏ). Xem cht. 30 dưới.
[29] Tú-ba-la-thủ 宿波羅首. Pāli: Supassa..
[30] Xích mã 赤 馬. Pāli: Suppiya.
[31] Quốc Dịch, tụng viii. Như Lai tụng, Tương ưng 6. Bà-sa chủng, gồm chín kinh, 13418-13426 (ĐạiChánh kinh 957-964). Ấn Thuận Hội Biên, tương ưng 46: Bà-sa xuất gia, chín kinh: kinh 13297-13305). Tương đương Pāli, một phần các kinh thuộc S. 33. Vacchagotta-samyutta. Đại Chánh kinh 957; Pāli, tham chiếu S. 44.9. Kutūhalasālā (luận nghị đường). Biệt dịch, №100(190).
[32] Bà-sa chủng xuất gia 婆蹉種出家. Pāli: Vacchagotta-paribbājaka, tu sĩ thuộc chủng tộcVaccha.
[33] Pāli: taṃ jīvaṃ taṃ sarīraṃ, tức linh hồn và thân xác đồng nhất; một trong mười bốn vấn đề được xếp vào loại vô ký, không xác định.
[34] Hán: vô ký 無記. Pāli: avyākata.
[35] Bản Cao-ly: hà đẳng kỳ 何等奇. Bản Phật quang sửa lại: hà đẳng pháp 何等法.
[36] Ý sanh thân 意生身, hay ý thành thân, Pāli: manomaya-kāyā, thân được tác thành bởi ý,không lệ thuộc vật chất.
[37] Hữu dư 有餘; Pāli: upādiesa, tàn dư của hữu y, chất liệu của tồn tại; tức tàn dư của chấp thủhay phiền não, làm chỗ y cứ cho sự tồn tại. Niết-bàn với sự tồn tại của ngũ uẩn chưa tan rã gọi là hữu dư y Niết-bàn (saupādisesa-nibbāna). Niết-bàn với sự xả bỏ hoàn toàn ngũ uẩn gọi là vô dư (y) Niết-bàn (anupādiesa–nibbāna).
[38] Hữu dư, đây được hiểu là nhiên liệu.
[39] Vô dư, đây chỉ lửa không nhiên liệu.
[40] Hữu dư, upādiesa, đây được hiểu là sở y.
[41] Ở đây hữu dư đồng nghĩa với chấp thủ.
[42] Pāli, S.44.7. Moggalāna (Àyatana). Biệt dịch, №100(191).
[43] Quốc Dịch chia làm hai kinh: “Kỳ tai” và “Tiên-na Ca-chiên-diên”. Ấn Thuận cũng chia làmhai. Pāli, S.44.11. Sabhiyo. Biệt dịch, №100(192, 193).
[44] Từ đây xuống, Ấn Thuận tách thành một kinh riêng.
[45] Na-lê tụ lạc 那梨聚落. Pāli: Nātike Giñjakāvasatte.
[46] Tiên-đà Ca-chiên-詵陀迦旃延. Pāli: Sabhiyo Kaccāno.
[47] Bản Cao-ly: hành thân thi 行身施. Bản Minh: chủng thi thiết chư hành 種施切諸行 . ẤnThuận Hội Biên, Phật Quang và Quốc Dịch đều sửa theo bản Minh. Tham chiếu Pāli: yo ca vaccha hetu yo ca paccayo paññāpanāya rūpīti và arūpīti va… “Có nhân này, có duyên này, để tuyên bố (= thi thiết) rằng: đây là sắc, đây là vô sắc…”
[48] Tham chiếu Pāli: so ca hetu, so ca paccayo sabbena sabbaṃ sabbathā sabbaṃ aparisesaṃ nirujjheyya, kena naṃ paññāpanāya rūpī ti vā ảūpī ti vā… “Nếu nhân ấy, duyên ấy hoàn toàn diệt tận, vĩnh viễn diệt tận, do cái gì mà nói (=thi thiết): đây là sắc, đây là vô sắc…?”
[49] Pāli, S.44.8 Vaccho (Bhandham). Biệt dịch №100(194).
[50] Pāli, S.44.10. Ānando. Biệt dịch, №100(195).
[51] Pāli, M. 72. Aggivacchagotta-suttanta. Biệt dịch, №100(196).
[52] Pāli, S.33.1-5 Aññāṇā. Biệt dịch, №100(197).
[53] Nghĩa là, như kinh trên, thay các từ “biết / không biết” bằng các từ tương ứng.
[54] Pāli, M.73. MahāVacchagotta-suttanta. Biệt dịch, №100(198).
[55] Cọng tương tùy thuận 共相隨順 . Pāli: dīgharattafhaṃ khotā gotamena sahakathī, từ lâu tôi thường đàm đạo với Tôn giả Gotama.
[56] Pāli: saṃkhittenapi khote ahaṃ vaccha kusalā kusalaṃ deseyyaṃ, này Vaccha, Ta có thể nói cho ông một cách tóm tắt về thiện và bất thiện.
[57] Bản Cao-ly không có “pháp bất thiện”. Ấn Thuận theo Tống-Nguyên-Minh thêm vào.
[58] Nghĩa là, pháp của Phật chưa hoàn hảo.
[59] Hán dịch không rõ nghĩa. Trong bản Pāli, đoạn này là lời Vacchagotta xin quy y Phật, Pháp, Tăng.
[60] Nghĩa là, y chỉ Thầy mà sống giữa các Tỳ-kheo tuy chưa thọ cụ túc. Bản Cao-ly: y 依 (chỉ). Bản Tống-Nguyên-Minh: y 衣 (áo).
[61] Bản Pāli: do sự sai biệt về tâm tính của mỗi người (api ca m’ettha puggalavemattatā).
[62] Pāli: samathaĩca vipassanaĩca.
[63] Ấn Thuận Hội Biên, “47. Ngoại đạo Xuất gia tương ưng”. Gồm mười lăm kinh: 13306-13320 Quốc Dịch, mười lăm kinh: 13427-13441. Đại Chánh, kinh 965-979. Pāli, A.10.95. Uttiya. Biệtdịch, №100(199).
[64] Uất-đê-ca 鬱低迦. Pāli: Uttiya.
[65] Pāli: sabbo vā tena loko nīyati upaḍḍho vā tībhāgo vā ti, do bởi đó tất cả thế gian, hay một nửa, hay một phần ba, được hướng dẫn (xuất ly)?
[66] Tham chiếu, Pāli, A.10.83. Puṇṇiya(không hoàn toàn tương đương). Skt. Pūrṇika (Píchel).Biệt dịch №100(200).
[67] Phú-lân-ni 富鄰尼. Pāli: Puṇṇiya.
[68] Nguyên Hán: tà mạn bất vô gián đẳng, 邪命不無間等 Xem các cht.trước.
[69] Pāli, A.10.96. Kokanuda. Biệt dịch, №100(201).
[70] Tháp-bổ hà 榻補河. Pāli: Tappodā.
[71] Câu-ca-na 俱迦那. Pāli: Kokananda.
[72] Pāli, A.10.93. Diṭṭhi. Skt. Dṛsṭi (Píchel). Biệt dịch, №100(202).
[73] Pāli: Kiṃdiṭṭhikā bhikkhū ti, “Các Tỳ-kheo có quan điểm gì?”
[74] Hán: chân thật hữu vi tư lương duyên khởi 真實,有為,思量,緣起Tham chiếu Pāli: yaṃ.. kiñci bhūtaṃ saṅkhataṃ cetayitaṃ paticcasamuppannaṃ.. “Phàm cái gì là thật vật, được tạo thành bởi tâm tư, sanh khởi do duyên”. Trong bản Hán: bhūta (sanh vật hay thật vật) được hiểu là chânthật; saṅkhataṃ cetayitaṃ (đươc tạo tác thành do bởi tâm tư) hiểu là hữu vi tư lương.
[75] Móng tay dài. Pāli, M.47. Dīghanakha-suttanta. Skt. Dīrghânkha (Píchel). Biệt dịch,№100(203).
[76] Trường Trảo 長爪. Pāli: Dīghanakha, tu sĩ để móng tay dài.
[77] Nhất thiết kiến bất nhẫn 一切見不忍. Các bản Tống-Nguyên-Minh không có chữ kiến. Pāli: sabbaṃ me na khamati, “Tôi không công nhận tất cả”. Phát biểu của chủ nghĩa hoài nghi, không tin bất cứ điều gì.
[78] Hỏa chủng 火種. Pāli: Aggivessana.