Kinh Thập Nhị Du
Đông Tấn Ca Lưu Đà Già dịch
Bản Việt dịch của Thích Chánh Lạc
***
Ngày xa xưa, cách đây vô số kiếp, có Bồ-tát là quốc vương. Cha mẹ Ngài mất sớm, Ngài bèn nhường ngôi cho em mình, bỏ nước đi cầu đạo, từ xa Ngài thấy một vị Bà la môn họ Cù đàm (Bồ Tát) nhân đó theo Bà la môn đi học đạo. Vị Bà la môn ấy bảo “Bồ Tát” rằng:
– Hãy cởi bỏ y phục của nhà vua đi! Hãy bện tóc làm thành áo, hãy ăn mặc như ta! Và lấy họ của ta là Cù Đàm.
Bấy giờ “Bồ Tát” dùng y phục này để mặc, lấy họ là Cù đàm, giữ chí trong sạch vào trong núi sâu, rừng rú hiểm trở để tọa thiền suy niệm đạo.
Bà la môn ấy bảo rằng:
– Ngươi là nhà vua, lâu nay sống ở trong sự tôn quý, hãy học sự cần khổ, mùa hạ thì uống nước, ăn các rau quả, mùa đông thì vào thành ấp, xóm làng để khất thực, rồi trở về dưới gốc cây mà tọa thiền suy tư, chớ nên sai lời.
Khi Bồ Tát đi khất thực, trở về lại nước của mình, toàn quốc từ trên nhà vua cho đến thứ dân, không ai nhận ra Bồ Tát, họ gọi Ngài là Tiểu Cù Đàm. Bồ Tát ở trong vườn cam quả, ngoài thành, làm một tinh xá, ngồi tọa thiền một mình trong đó.
Bấy giờ có năm trăm tên đạo tặc, ở trong nước cướp giật đồ của nhà quan. Trên con đường đào tẩu bọn họ ngang qua bên chiếc lều của Bồ Tát, dấu chân in rải rác đây đó, chúng giấu cất vật trộm được bên phải, bên trái trong chiếc lều của Ngài.
Sáng mai những người truy lùng kẻ cướp đã lần theo các dấu chân đến nơi túp lều của “Bồ Tát”. Nhân đó họ bắt Ngài rồi đưa lên cấp trên để thẩm vấn. Họ cho Bồ Tát là tên đạo tặc trong nước, đã trộm cướp từ xưa đến nay. Vậy tội đáng phải chết!
Nhà vua bèn ra lệnh cho vị đại thần rằng:
– Loại người như vậy cứ theo phép mà xử trị. Phải dùng cây đâm xuyên vào thân, cột vào cây nêu lớn, để cho máu trong thân hắn chảy xuống đất!
Bấy giờ vị Đại Cù Đàm ở trong núi sâu, bằng thiên nhãn thấy việc ấy, liền dùng thần túc bay đến để hỏi:
– Con có tội gì mà phải chịu sự đau đớn tàn khốc như vậy? Bị cây đâm xuyên há chẳng đau đớn sao còn chịu khổ như vậy?
Bồ Tát đáp rằng:
– Bên ngoài tuy đau đớn, nhưng bên trong con vẫn ôm lòng từ bi, con chẳng biết bị tội là gì, vô cớ mà bị giết hại như vậy!
Đại Cù Đàm nói:
– Ngươi không có con cháu lấy ai để nối dõi, lẽ nào chịu đau đớn vậy sao?
Bồ Tát đáp:
– Mạng người chỉ trong khoảnh khắc, kể đến con cháu mà làm gì.
Bấy giờ quốc vương bảo tả hữu dùng cung nỏ, phi tiêu bắn vào Bồ Tát để kết thúc đời ngài.
Khi ấy Đại Cù Đàm buồn rầu khóc lóc, hạ thi thể xuống, bỏ vào quan tài, rồi hốt đất vấy máu lấy bùn để viên lại, lấy đất bên tả bên hữu, đem về tinh xá mà để trong núi, máu phía bên trái thì đựng trong hủ bên trái, phía bên phải thì đựng trong hủ bên phải; Đại Cù Đàm nói:
– Con là đạo sĩ, nếu con chí thành thì thần tiên sẽ khiến cho máu con hóa thành người.
Mười tháng sau bỗng nhiên phía bên trái biến thành người nam, phía bên phải biến thành người nữ; Khi ấy lấy họ là Cù Đàm.
Một người tên là Xá Di Nhân. Đến thời Hiền Kiếp là Bảo Như Lai Thích Ca Việt, thọ 500 vạn tuổi.
Từ đó trở xuống 25 vị vua, thọ 300 vạn tuổi, vua Văn Đà Kiệt thọ 100 vạn tuổi; Vua Đảnh Sanh Giá Ca Việt, vua Tả Tủy, Hữu Tủy, đều thọ 10 vạn tuổi, từ vua Hoan Hỷ đến các vua sau này đều thọ 8 vạn 4 ngàn tuổi.
Từ khi vua Giá Ca Việt có niệm ác giết một con trâu để tế tự, vì hại sinh mạng cho nên mất Kim-luân (xe bằng vàng) được chiếc xe bằng bạc, làm chủ ba thiên hạ, thọ một vạn tuổi. Vua Kiên Niệm làm áo giáp để mặc mà ra trận, thọ 5 ngàn tuổi, được xe bằng đồng. Làm chủ 2 thiên hạ, chủ phía Tây-Nam, vua Hỷ Sát thọ 2.500 tuổi, được chiếc xe bằng sắt, làm chủ thiên hạ phía Nam. Nhà vua có một người Thái tử vì đã làm 5 điều ác, giết, hại cho nên tuổi thọ giảm xuống còn một ngàn tuổi. Người dân cổ đại lúc ấy có 9 loại bệnh: Lạnh, nóng, đói, khát, sanh, lão, bệnh, tử.
Vì Bà la môn phát sinh để tế tự nên từ đó sanh ra 400 loại bệnh. Từ lúc vua Sư Tử Niệm, con người giảm xuống còn 120 tuổi. Từ lúc vua Sư Tử Niệm trở về sau, Vua Sư Tử Ý có 84 vị vua, mạng con người giảm xuống dần chỉ còn có 80, 70, 50, 30, 20, và 10 tuổi.
Về sau có vị vua Sư Tử Mạng Xa tên là Bạch Tịnh, là cha của Bồ Tát. Vậy là: Kể từ thân của Bồ Tát từ đầu đến cuối và từ trước đến sau, giòng họ này có đền 8 vạn 4 ngàn người.
Vua Giá Ca Việt tên là Cù Đàm, giòng họ là Thuần Thục, Bồ Tát ở trên cung trời Đâu Thuật, ý muốn hạ sinh, quan sát ở cõi trời, để xem nước nào có thể sanh được. Bồ Tát thấy rằng chỉ có gia đình của vua Bạch Tịnh là có thể sanh được.
Bấy giờ, ở cõi trời có một cái cây tên là Đâu Đàm, Bồ Tát ngồi dưới gốc cây ấy mà tư duy, làm cho cây Đâu Đàm không còn ánh tinh quang nữa.
Bấy giờ có vị trời hỏi rằng:
– Vì sao Bồ Tát lại bỏ chỗ ngồi lệ thường, mà ngồi dưới gốc cây khác?
Có vị thiên tử biết rõ ý Bồ Tát đáp rằng:
– Ngài muốn biết sao? Nay Bồ Tát muốn hạ sanh xuống cõi Diêm Phù Lợi, quán xem nước nào có thể sanh được. Bồ Tát thấy chỉ có nhà Bạch Tịnh là có thể sanh được mà thôi.
Khi ấy chư thiên đều nói:
– Nay Bồ Tát hạ sanh, vậy chúng ta lấy gì để làm lễ vật tiễn đưa Ngài?
Rồi lập phương kế nói rằng:
– Chỉ trên cõi trời Tịnh Minh có 400 tứ bảo, chạm trổ kỳ lạ, khác nhau, mỗi cái đều có tên riêng, đồng có kho báu, có thể làm xe để cỡi.
Long Vương Y La Mạn, lấy đó làm xe gọi là Bạch Tịnh, lông, cánh của nó còn trắng hơn tuyết. Con voi có 35 cái đầu, mỗi đầu có 7 cái ngà, trên mỗi cái ngà có 7 cái ao nước, mỗi cái ao cũng có 7 cái hoa sen ưu bát và trên mỗi cái hoa bát la lại có một ngọc nữ. Sau đó Bồ Tát cùng tám vạn 4 ngàn thiên tử, cỡi lên xe báu bạch tượng đi xuống.
Bấy giờ trong giấc ngủ của hoàng hậu vua Bạch Tịnh, người mơ thấy con voi trắng phảng phất. Tỉnh giấc hoảng sợ tâu với vua:
– Cha của Bồ Tát tên là Bạch Tịnh. Anh của cha Ngài là người 4. Vua Bạch Tịnh có hai người con, người con lớn tên là Tất Đạt, người con nhỏ tên là Nan Đà, mẹ của Bồ Tát tên là Ma Da, mẹ của Nan Đà tên là Cù Đàm Di. Thúc phụ của Bồ Tát là vua Cam Lồ Tịnh, ông cũng có hai người con. Trưởng nam tên là Điều Đạt, thứ nam tên là A Nan. Người chú giữa của Bồ Tát là vua Hộc Tinh, ông có hai người con: trưởng nam tên là Ma Ha Nạp, thứ nam tên là A Na Luật, người chú út của Bồ Tát là vua Thiết Tịnh, ông có hai người con: lớn tên là Thích Ca Vương, nhỏ tên là Thích Tiểu Vương.
Nước Ca Duy La Duyệt phồn vinh có 8 cái thành, gồm có 900 vạn nóc nhà. Điều Đạt thì sanh vào ngày mồng 7 tháng 4. Đức Phật thì sanh vào ngày mồng 8 tháng 4. Nan Đề em của đức Phật sanh vào ngày mồng 9 tháng 4. A Nan sanh ngày 10 tháng 4. Thân của Điều Đạt cao 1 trượng 54 tấc, thân của đức Phật cao 1 trượng 6 thước, thân của Nan Đà cao 1 trượng 54 tấc, thân của A Nan cao 1 trượng 53 tấc, Xá đi quý tộc, bà con của đức Phật cao 1 trượng 4 thước, những người của nước khác đều cao 1 thước.
Ngoại gia của Bồ Tát cách thành 800 dặm, họ là Cù Đàm Thị, là một vị vua nước nhỏ, chủ của 1 trăm vạn nóc nhà tên là vua Nhất Ức, gia đình phía vợ của Bồ Tát thuộc họ Cù Đàm. Trưởng giả Xá Di tên là Thủy Quang, nhạc mẫu của Ngài tên là Nguyệt Thị, sống bên cạnh một thành, lúc hạ sanh con gái, mặt trời sắp lặn, ánh sáng sót lại chiếu khắp nội thất, nhân đó gọi Cù Di là Minh Nữ. Cù Di là cháu chắt lớn của thái tử. Cha của nàng là trưởng giả Thủy Quang. Người vợ thứ nhất của thái tử sanh ra La Vân, tên là Da Duy Đàn, cha của nàng tên là trưởng giả Di Thí. Đệ tam phu nhân tên là Lộc Dã, cha của nàng là Thích trưởng giả.
Thái tử có ba phu nhân, phụ vương cho dựng ba cung điện hợp với ba mùa, mỗi cung điện có hai vạn thiếu nữ, như vậy ba cung điện có đến sáu vạn thiếu nữ.
Lúc 29 tuổi Ngài xuất gia, lúc 35 tuổi Ngài thành đạo.
Từ ngày mồng 8 tháng 4 cho đến ngày rằm tháng 7, năm thứ nhất ngài ngồi dưới một gốc cây, năm thứ hai ngài thuyết pháp cho nhóm A Nhã Câu Lân… nơi vườn Lộc Dã, ngài lại thuyết pháp cho nhóm Tất Bà Ban, rồi lại thuyết pháp cho nhóm Ca Giả La… cả thảy 17 người. Ngài lại thuyết pháp cho trưởng giả Đại Tài, và ưu bà di Nhị Tài Niệm, thuyết pháp cho Ni Kiền Chánh Niệm, thuyết pháp co nhóm Đề Hòa Kiệt La…. 42 người. Năm thứ ba ngài thuyết pháp cho ba anh em Uất Vị Ca Diếp, với 100 vị Tỳ kheo. Năm thứ tư ngài thuyết pháp cho loài Rồng, Quỷ thần ở trên núi Tượng Đầu. Năm thứ năm ngài thuyết pháp chi Tư Ha Vị ở trong vườn trúc…
Năm năm qua, Ngài chưa đến nước Xá Vệ. Lúc đó tôn giả Xá Lợi Phất là Bà la môn, có 125 đệ tử đang ngồi dưới một gốc cây. Khi ấy tôn giả Mục Liên là Tướng quân thừa tướng của nước Di La, xuất hành thấy tôn giả Xá Lợi Phất đang ngồi dưới một gốc cây kia liền hỏi:
– Ngài ngồi chỗ này để làm gì?
Tôn giả Xá Lợi Phất đáp:
– Ta muốn học đạo.
Tôn giả Mục Liên nói:
– Tôi xin kết bạn với Ngài.
Tôn giả liền bảo 100 vị quan, quần thần trở về, chỉ giữ lại 25 người thôi. Hai người hiệp lại là 250 người.
Tôn giả Xá Lợi Phất vào thành để khất thực, thấy đệ tử của đức Phật là Tỳ kheo Mã Sư, liền hỏi:
– Vì sao y phục của đạo sĩ không giống người bình thường.
Tỳ kheo Mã Sư đáp:
– Tôi là đệ tử của đức Phật.
Tôn giả Xá Lợi Phất đáp hỏi:
– Đức Phật thuyết pháp như thế nào?
Ma Sư đáp:
– Các pháp đều do duyên sanh, hễ nhân duyên diệt thì các khổ đều tận diệt.
Bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất liền đắc quả Tu đà hoàn đạo. Tôn giả vui mừng, liền trở về bảo cho tôn giả Mục Liên rằng:
– Có vị thần nhân ở thế gian!
Tôn giả Mục Liên nói:
– Vị ấy nói pháp gì?
Tôn giả Xá Lợi Phất nói rõ đầu đuôi câu chuyện trên. Nghe xong tôn giả Mục Liên cũng đắc quả Tu đà hoàn. Lúc ấy hai tôn giả cùng dẫn các đệ tử đi đến chỗ đức Phật. Tuy họ chưa đến nhưng đức Phật đã biết trước liền bảo các Tỳ kheo rằng:
– Hiện nay đang có hai vị hiền sĩ, một người tên là Tỳ kheo trí tuệ, một người tên là Tỳ kheo thần túc đang đi đến đây!
Đức Phật thuyết Tứ Đế cho hai vị nghe, sau 7 ngày, tôn giả Xá Lợi Phất liền chứng quả A la hán. Và tôn giả Mục Kiền Liên thì sau 15 ngày liền chứng quả A la hán.
Năm thứ sáu, trưởng giả Tu Đạt cùng thái tử Kỳ Đà làm Tịnh Xá dâng cúng đức Phật, làm 12 Phật Đồ Tự, 72 giảng đường, 3600 phòng ốc, 500 lầu gác.
Năm thứ bảy, Ngài thuyết kinh “Ban Chu” cho nhóm Bà Đà Hòa Bồ Tát cả thảy 8 người , ở nước Câu Da Ni.
Năm thứ tám, Ngài thuyết pháp cho Hoàng đế của đức vua Truân Chơn Đà La ở Liễu Sơn .
Năm thứ chín, Ngài thuyết pháp cho Đà Khuật Ma ở trong núi Uế Trạch.
Năm thứ mười, Ngài trở về nước Ma Kiệt thuyết pháp cho vua Phất Ca Sa.
Năm thứ mười một, Ngài nói về Bốn Khởi cho Ngài Di Lặc ở dưới gốc cây Khủng Cụ.
Năm thứ mười hai, Ngài trở về nước của vua cha, thuyết pháp cho Sai Ma Kiệt ở thảo am họ Thích, cách thành 80 dặm, rồi Ngài trở về cung thuyết pháp cho phụ vương và dòng họ Thích Ca, độ cho 8 vạn 4 ngàn người, tất cả được đắc quả Tu đà hoàn.
Đó là trong 14 nước, đức Phật du hóa thuyết pháp mới trong 12 năm. Vua Ba Tư Nặc nước Tấn gọi là Hòa Duyệt. Ca Duy La Việt nước Tấn gọi là Diệu Đức, nước Xá Vệ nước Tấn gọi là không có vật gì mà không có, nước Duy Da Ly nước Tấn gọi là Quảng Đại, còn gọi là Độ-Sanh-Tử. La Duyệt Kỳ nước Tấn gọi là thành Vương Xá, nước Cưu Lưu, nước Tấn gọi là Lộc Dã, còn gọi là nước của chư Phật.
Trong cõi Diêm Phù Đề có 16 nước lớn, 8 vạn 4 ngàn thành, có 8 vị quốc vương, 4 vị thiên tử: Phía Đông có thiên tử nước Tấn, nhân dân đông đúc. Phía Nam có thiên tử nước Thiên Trúc, đất đai có nhiều con voi nổi tiếng. Phía Tây có thiên tử nước Đại Tần, đất đai có nhiều vàng, bạc, ngọc bích. Phía Bắc có thiên tử nước Nguyệt Chi, đất đai sanh nhiều ngựa quý. Trong 8 vạn 4 ngàn cái thành có 6 ngàn 4 trăm giống người, có vạn thứ âm thinh, có 56 vạn ức binh chủng. Có 6 ngàn 4 trăm loại cá, 4 ngàn năm trăm loại chim. Hai ngàn bốn trăm loại thú, một vạn giống cây, tám ngàn loại cỏ để làm thuốc, có bảy trăm bốn mươi loại thuốc tể, tạp hướng có 43 loại, châu báu có 121 loại. Chánh bảo có 7 loại, ở trong biển có 2500 nước, trong đó có 180 ăn ngũ cốc, 350 nước ăn cá rùa cua trạnh. Trong 5 vị quốc vương, mỗi vị vua làm chủ 500 thành. Vị vua thứ nhất tên là Tư Lê Quốc, không thờ tà đạo, cả nước đều thờ Phật và thần dân lấy đạo Phật làm quốc giáo. Vị vua thứ hai tên là Ca La, đất đai sinh bảy báu. Vị vua thứ ba tên là Bất La, đất đai sinh ra 42 loại hương và Bạch-lưu-ly. Vị vua thứ tư tên là Xà Da, đất đai sinh cây Tất Bát và Hồ Thúc. Vị vua thứ năm tên là Na Ất, đất đai sinh ra ngọc trắng và ngọc lưu ly 7 màu.
Người trong thành của 5 nước lớn phần nhiều da đen, lùn và nhỏ thó, cách nhau 65 vạn dặm, từ đó chỉ có nước biển, không có dân chúng, cách núi Thiết Vi 140 vạn dặm.