Kinh Tiền Thế Tam Chuyển

Tây Tấn Pháp Cự dịch

Bản Việt dịch của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

***

Nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại vườn Kỳ thọ cấp cô độc, nước Xá-vệ cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đại A-la-hán. Tất cả những vị này đều là bậc tôn quý, đều biết được ý niệm của mọi người, chỉ có Tôn giả A-nan chưa đạt được.

Bấy giờ, Đức Phật ra khỏi thành Vương xá, ngồi trong hư không vì vô số trăm ngàn hội chúng vây quanh mà thuyết pháp. Có bảy vạn Bồ-tát đều đắc các pháp Tổng trì.

Khi ấy sắc mặt Đức Phật quang minh chói rạng hơn ngày thường. Ánh sáng từ khuôn mặt Đức Phật tỏa chiếu khắp các thế giới. Đức Phật mỉm cười, ánh sáng năm màu từ trong miệng tỏa ra lên đến cõi Phạm thiên.

Khi chư Phật, Thiên Trung Thiên thọ ký các đệ tử Thanh văn thì ánh sáng chiếu đến trời Tứ thiên vương, rồi ánh sáng chiếu trở lại xoay quanh Phật ba vòng, theo lòng bàn chân Đức Phật nhập vào.

Khi chư Phật, Thiên Trung Thiên thọ ký quả Bích-chi-phật thì ánh sáng từ trong miệng tỏa ra chiếu đến trời Ba-la-ni-mật, rồi ánh sáng chiếu trở lại xoay quanh Phật ba vòng theo rốn của Phật nhập vào.

Khi chư Phật, Thiên Trung Thiên thọ ký quả Phật đạo thì ánh sáng chiếu đến trời Phạm thiên, rồi ánh sáng chiếu trở lại xoay quanh Phật ba vòng theo đảnh của Phật nhập vào.

Lúc đó Địa thần đều nói: “Đức Phật thị hiện ba sự kiện như vậy là nói về các việc thọ ký của đời quá khứ, tương lai và hiện tại”.

Trời, Thần hư không, Tứ thiên vương, trời Đao-lợi, lên đến Phạm thiên đều nói: “Đức Phật thị hiện ba sự kiện như vậy trong thời quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là thọ ký quả Thanh văn, thọ ký quả Bích-chi-phật, thọ ký quả Phật”.

Khi đó các Phạm thiên đều câu hội, cho đến người trời ở tầng trời thứ Ba mươi ba cũng đều vân tập. Bấy giờ, vô số trăm ngàn người, chư Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, ưu-bà-di câu hội. Khi ấy, Hiền giả A-nan biết bảy pháp sự. Những gì là bảy?

1. Hiểu nghĩa.

2. Hiểu rõ pháp.

3. Biết thời.

4. Hiểu rõ tiết.

5. Biết rõ chúng.

6. Biết việc của mình.

7. Biết việc của người khác.

Hiền giả A-nan từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa y phục, quỳ gối, chắp tay, dùng lời kệ ca ngợi Đức Phật:

Thế Tôn tịch tĩnh vượt qua bờ

Mắt tuệ sáng ngời đức thanh tịnh

Hào quang màu vàng chiếu rất xa

Con mong biết tướng vi diệu này.

Nay ai phát tâm thành Phật đạo

Ai ngồi dưới cây hàng phục ma

Ai nhận lợi ích đạo cao thượng?

Xin nói vì sao Phật mỉm cười?

Nếu khi Thế Tôn miệng mỉm cười

Mặt sáng ngời, nụ cười rạng rỡ

Đúng lúc trăm ngàn người câu hội

Xin Phật dạy con biết duyên này.

A-nan tiếp bạch Phật:

-Bạch Đấng Thiên Trung Thiên, chỉ những người còn dâm, nộ, si, vì sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cho nên giỡn cười. Còn Đấng Thiên Trung Thiên đã đoạn dâm, nộ, si thì vì sao Ngài mỉm cười? Chư Phật, Thiên Trung Thiên không cần Xá-lợi-phất hỏi, cũng không cần Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Ưu-vi Ca-diếp, Ca-dực Ca-diếp, Na-dực Ca-diếp, Thí-la-tỉ-lợi-ca hỏi. Chư Phật, Thiên Trung Thiên có sáu pháp bất cộng. Những gì là sáu?

1. Chư Phật, Thiên Trung Thiên có trí tuệ biết rõ quá khứ không bị ngăn ngại.

2. Chư Phật, Thiên Trung Thiên có trí tuệ biết rõ tương lai không bị ngăn ngại.

3. Chư Phật, Thiên Trung Thiên hiện tại cũng có trí tuệ không bị ngăn ngại.

4. Chư Phật, Thiên Trung Thiên thân hành trí tuệ.

5. Chư Phật, Thiên Trung Thiên nói trí tuệ.

6. Chư Phật, Thiên Trung Thiên tâm nghĩ trí tuệ.

Chư Phật, Thiên Trung Thiên luôn thấy nghe chư Phật thuyết trí tuệ Phật đạo.

Đức Phật dạy A-nan:

-Vào thời quá khứ có nước tên là Ưu-ba-la-việt, nước này giàu mạnh, thực phẩm dồi dào, nhân dân đông không thể kể hết và họ sống rất bình an.

Đức Phật bảo A-nan:

-Khi ấy trong nước ưu-ba-la-việt có vua tên Ba-la-tiên, là vị vua duy nhất trong các nước đã giáo hóa nhân dân thực hành chánh pháp, ông không dùng đến một hình phạt nào. Nhân dân nước này thọ đến hai vạn tuổi. Đến lúc nhà vua qua đời, trong nước có một cô gái bán dâm xinh đẹp, nàng có một nhan sắc tuyệt vời. Cô gái đến nhà một người kia, chủ nhà vừa sinh con trai. Người mẹ giật cánh tay của con. Cô gái liền hỏi:

-Bà kéo tay nó làm gì?

Bà ta nói:

-Tôi đói bụng và muôn ăn nó.

Cô gái bảo:

-Bà không có cơm ăn sao?

Bà mẹ nói:

-Không có.

Cô gái bảo người mẹ:

-Bà hãy đợi một lát, tôi sẽ đem thức ăn đến.

Bà mẹ nói:

-Cô chưa ra khỏi nhà thì tôi đã chết đói rồi. Tôi không chờ cô mang thức ăn đến đây được.

Cô gái suy nghĩ: “Nếu ta đem đứa bé này đi thì mẹ của nó sẽ chết đói. Nếu để nó ở lại bà ta sẽ ăn thịt nó. Ta phải làm thế nào để cho hai mẹ con đứa bé được an toàn?”. Cô gái liền lấy con dao bén cắt hai vú của mình cho bà mẹ ăn ngay. Cô gái hỏi:

-Bà đã no chưa?

Bà ta đáp:

-Tôi đã no.

Hai vú cô gái máu ra lênh láng liền trở về nhà. Lúc ấy có một người đàn ông đến nhà cô gái, muốn cùng cô ta làm việc phi pháp, thấy sự kiện như vậy, ông ta hỏi:

-Ai đã cắt hai vú của cô?

Và lòng ông ta bỗng thương mến cô gái, đối xử như tình chị em, không còn tâm ham muốn như trước nữa. Ông ta lại hỏi:

-Chị đã để ai hại mình như thế?

Cô gái nói:

-Không có ai hại tôi cả. Tự tôi đến nhà người khác, thấy người chủ nhà vừa sinh xong liền lấy tay kéo con bà, thấy thế tôi hỏi bà muốn làm gì. Bà ấy nói là tôi rất đói và muốn ăn thịt con. Tôi hỏi: Bà không có cơm ăn sao? Bà trả lời: Không có. Tôi bảo bà hãy đợi một chút, tôi sẽ đem cơm đến, nhưng bà ấy nói: Cô chưa ra khỏi cửa thì tôi đã chết vì đói. Tôi suy nghĩ: “Nếu đem đứa con đi thì mẹ sẽ chết, mà nếu tôi bỏ đi thì người mẹ sẽ ăn thịt đứa bé”. Vì thế tôi cắt hai vú cho bà ấy ăn.

Người đàn ông nghe kể xong, ngã xuống đất ngất xỉu. Cô gái liền lấy nước rưới lên người ông ta, hồi lâu ông ta tỉnh dậy và nói:

-Chị hãy vì tôi thể hiện lòng chí thành của mình.

Cô gái vâng lời, người đàn ông nói:

-Tôi không chứng kiến tai nạn này từ đầu. Nếu quả đúng như lời chị nói, không hư dối thì xin cho hai vú chị bình thường như cũ.

Ngay lúc nói xong, hai vú của cô gái bình phục như trước, cũng không có vết sẹo.

Thích Đề-hoàn Nhân dùng Thiên nhãn thấy cô gái ấy, tự nói: “Người dâm nữ xinh đẹp này nhờ bố thí mà được phước đức như vậy, e rằng tương lai sẽ đoạt ngôi vị của ta”. Ông ta liền hóa thành một người Bà-la-môn cầm cành báu và bình nước rửa, chống cây gậy vàng đi đến nhà cô gái và nói:

-Xin cho tôi thức ăn.

Cô gái dùng bát vàng đựng đầy cơm ra cho người Bà-la-môn, nhưng ông ta từ chối không nhận. Cô gái đẹp hỏi người Bà-la-môn:

-Vì sao ông không nhận cơm?

Ông ta đáp:

-Tôi không ăn, tôi nghe cô bố thí vú, việc ấy có đúng như vậy không?

Cô gái trả lời:

-Thật đúng như vậy.

Người Bà-la-môn dùng kệ hỏi:

Cô vì cầu việc chi

Hay cầu làm Thích, Phạm

Hay muốn nhiều châu báu?

Điều này khó như ý.

Cô gái dùng kệ đáp:

Không mong cầu gì hơn

Không sinh già bệnh chết

Thanh tịnh không sầu lo

Ta chỉ mong có vậy.

Bà-la-môn hỏi:

-Có phải khi bố thí vú, cô mong chuyển được thân khác phải không?

-Này Bà-la-môn, ta sẽ chứng tỏ lòng chí thành của ta cho ngươi thấy.

Ông ta nói:

-Cô cứ thể hiện.

Cô gái nói:

-Nếu tôi thành thật dùng vú bố thí không có ý gì khác thì xin cho tôi chuyển thân người nữ thành người nam.

Cô gái vừa nói xong, liền chuyển thành thân người nam.

Sau khi vua Ưu-ba-la-việt trị vì năm ngàn năm thì mạng chung, quần thần trong triều nghe cô gái chuyển thành thân nam, họ nghĩ: “Nên lập ngay người này lên làm vua. Vị vua này sẽ đem chánh pháp trị nước, nên họ cùng nhau tôn ngài lên ngôi vương vị”.

Sau khi lên ngôi, nhà vua không dùng hình phạt mà chỉ đem chánh pháp trị nước. Nhà vua thích bố thí vàng bạc, châu báu ở ngoài các cửa thành và các ngã đường. Ai muốn được cơm ăn, nước uống, áo mặc, hoa thơm, nhà cửa, ruộng vườn, giường chiếu, vòng hoa, châu báu, ngọc minh nguyệt, lưu ly, thủy tinh, san hô, mã não… nhà vua đều ban cho theo nhu cầu, dạy mọi người thọ trì giới Bát quan trai.

Nhà vua trị nước được năm trăm năm, dân chúng không cày bừa, trồng trọt, tự nhiên vẫn có lúa gạo thơm ngon tinh khiết, không có những đồ xấu dở. Hôm nay cắt lúa thì ngày mai tự nhiên tiếp tục sinh trở lại; ngay khi người ta lấy gạo xong thì những cọng lúa tự chìm xuống. Mọi người cùng lấy gạo đó ăn. Sau khi ăn những vị gạo này, răng của họ không bị rụng. Họ cũng không già không bệnh, không bị còng lưng. Nhan sắc không khác, cao thấp như nhau, tướng tốt cũng vậy, giống như ở xứ Uất-đơn-việt. Nhà vua nghĩ: “Ta bố thí cho con người đâu có gì là lạ, ta bố thí cho loài cầm thú mới là điều khó”. Vua lấy bơ thơm thoa, chà vào thân, rồi đi vào trong rừng vắng, nằm trên bờ đá. Hằng trăm con chim bay đến mổ vào thân vua, vua mạng chung thác sinh vào một nhà Bà-la-môn rất giàu, vàng bạc châu báu vô số. Mãn mười tháng thì ra đời; đứa bé có tướng hảo đoan nghiêm không ai sánh bằng. Vừa sinh ra, có bốn thị nữ phục vụ đời sống đứa bé: Người thứ nhất lo trang điểm thân đứa bé, người thứ hai lo việc tắm rửa, người thứ ba lo việc bú mớm, người thứ tư lo việc bồng bế. Đứa bé rất chóng lớn. Bốn người thị nữ cùng bàn: “Không cho đứa bé trông thấy gì khác”. Lúc năm trăm thể nữ hầu hạ đang cùng nhau vui chơi thì chú bé lén ra phố và trông thấy cảnh mua bán người khốn khổ, chú bé sinh lòng thương xót, tự nói: “Nếu làm cho những người dân này được giàu có, an vui, không bị mua bán, đổi chác”. Chú bé nói kệ:

Làm sao thân tâm ta

Vững vàng không tổn hoại

Ta an ổn tự tại

Chứng kiến dân khốn khổ.

Chú bé chạy nhanh về nhà thưa cha mẹ:

-Con muốn cạo bỏ râu tóc, đi vào núi rừng, ở nơi vắng lặng, ngồi dưới cội cây tu tập.

Cha mẹ chú bé không bằng lòng, nói:

-Chúng ta chỉ có con là người con duy nhất, rất đỗi yêu thương. Chúng ta đã ngày đêm nguyện cầu, cúng tế các vị thần sông núi, mặt trời, mặt trăng, chư Thiên… mới sinh được con. Nếu không thấy mặt con, chúng ta sẽ buồn rầu đên chết mất, nên dứt khoát không cho đi.

Người con nằm xuống đất một ngày, hai ngày, cho đến năm ngày, không chịu ăn uống. Những người bà con thân thuộc nghe đứa bé này muốn cạo bỏ râu tóc mà cha mẹ nó không cho nên nằm trên đất không ăn uống đã năm ngày rồi. Các người bà con đến nhà khuyên can:

-Này chú bé, tại sao không dậy tắm rửa, ăn uống chuẩn bị để cạo bỏ râu tóc vui đạo thanh nhàn ở chốn núi rừng?

Họ nói như vậy ba lần. Chú bé cũng không chịu. Những người bà con này lại đến chỗ cha mẹ chú bé nói:

-Xin cho cháu xuất gia học đạo. Nếu thích thì thỉnh thoảng sẽ lui tới thăm viếng, nếu không thì gọi nó trở về.

Cha mẹ chú bé bằng lòng. Thấy cha mẹ chấp thuận, chú bé trở lại ăn uống như cũ. Sáu, bảy ngày sau, chú bé đi nhiễu quanh cha mẹ ba vòng làm lễ, rồi từ giã, vào chốn núi rừng thanh vắng hành đạo.

Chú bé đến khu rừng nhiều cây to lớn, trong đó có hai đạo nhân tọa thiền chứng năm thần thông. Họ chí thành tinh tấn cầu đạo, xa lìa dâm dục. Chú bé đến chỗ hai đạo nhân, hỏi:

-Các ngài ở giữa chốn núi rừng này làm gì?

Hai đạo nhân đáp:

-Chúng tôi ở đây tọa thiền, suy tư về đạo, vì nhân dân mà chuyên cần khổ hạnh.

Chú bé nói:

-Tôi cũng sẽ vì nhân dân mà tọa thiền tầm đạo.

Hai đạo nhân cùng nói:

-Lành thay đồng tử!

Chú bé liền vào rừng, tọa thiền dưới gốc cây, vì lòng thương dân mà siêng năng hành đạo, liền đặng năm thần thông và tinh tấn vượt hơn hai đạo nhân kia nên họ tôn đồng tử là Đại thánh.

Ở vùng rừng núi ấy có một con hổ đang mang thai. Theo pháp của các đạo nhân, chỉ nhặt quả rụng để ăn chứ không hái trên cây. Các đạo nhân cùng đi tìm trái cây, chợt thấy con hổ có thai, đồng tử đạo nhân nói với hai đạo nhân:

-Con hổ này đã sắp sinh, trải bao ngày đói khát, tôi sợ nó sẽ ăn thịt con của nó. Ai có thể đem thân mình cho hể ăn?

Một trong hai đạo nhân là Bồ-tát Di-lặc nói:

-Tôi sẽ đem thân mình cho hổ ăn.

Sau khi hái rau trở về, thấy con hổ mới sinh muốn ăn thịt con mình. Đồng tử đạo nhân nói với hai đạo nhân:

-Con hổ mới sinh xong rất đói, nó muốn ăn thịt con. Ai có thể đem thân cho nó ăn?

Và rồi cả ba người đi đến chỗ con hổ. Hổ giương mắt há miệng hướng về phía ba người. Hai người đạo nhân kia đều hoảng sợ, liền bay lên không trung. Một đạo nhân nói:

-Tại sao người tha thiết với nó thế?

Vị kia bảo:

-Ta đem thân cho hổ đói ăn, sao lại bay lên hư không?

Nói rồi đạo nhân thương cảm rơi lệ.

Nhìn chung quanh không có ai, đồng tử đạo nhân lấy dao bén cắt cánh tay phải chảy máu. Đồng tử cắt đến bảy chỗ như vậy. Hổ uống máu người chảy vào trong miệng, đồng tử đạo nhân liền tự sát để thân cho hổ đói ăn.

Đức Phật bảo A-nan:

-Ông muốn biết người dâm nữ tuyệt đẹp lúc bấy giờ là ai không? Người đó chính là Ta. Người được tôn lên ngôi vua cũng chính là Ta. Còn người Bà-la-môn tự giết mình cho hổ ăn cũng chính là Ta vậy. Hai vị đạo nhân là Bồ-tát Ca-diếp và Bồ-tát Di-lặc.

Đức Phật bảo A-nan:

-Ta tinh tấn hành đạo vượt hơn Bồ-tát Di-lặc chín kiếp. Như vậy A-nan, Ta tinh tấn hành đạo sáu mươi kiếp, bố thí tay chân, đầu, tai, mắt, mũi, gân cốt, vợ con, y phục tốt đẹp và đồ ăn uống, hàng phục sáu mươi ức quân ma, ba mươi bốn ức người đắc thành Phật đạo.

Đức Phật bảo A-nan:

-Nếu làm cho tất cả mọi người biết phước báo bố thí như Ta đã biết, đối với kẻ nghèo thiếu ăn, nhờ một bữa cơm, họ sẽ kéo dài được mạng sống, mà không ăn được bữa cơm này, họ sẽ chết, thì có thể nhịn để người khác no lòng.

A-nan, Ta nhớ thuở xưa đã làm những việc bố thí, do đó nay Ta có sắc diện quang minh rạng ngời. Lúc Ta cười, hào quang từ miệng chiếu khắp ba ngàn đại thiên thế giới.

Khi Đức Phật nói kinh này có bốn ngàn hai trăm vị Tỳ-kheo khởi Vô dư ý được giải thoát. Tám mươi na-thuật (na-do-tha) trời, người phát tâm Vô thượng đạo chánh chân, bảy vạn Bồ-tát chứng Vô sinh pháp nhẫn.

Đức Phật nói kinh này xong, Hiền giả A-nan và tất cả hội chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, nhân dân trong thế gian đều vui mừng, đến trước đảnh lễ Phật mà lui ra.

    Xem thêm:

  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 5 - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 1 - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 6 - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 3 - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 2 - Kinh Tạng
  • Kinh Tiểu Bộ Tập 10 – Chuyện Tiền Thân Đức Phật Phần 4 - Kinh Tạng
  • Đà La Ni Bí Mật Phật Đỉnh Tôn Thắng Tâm Phá Địa Ngục Chuyển Nghiệp Chướng Xuất Tam Giới - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Tam Ma Nhạ - Kinh Tạng
  • Kinh Tịch Chiếu Thần Biến Tam Ma Địa - Kinh Tạng
  • Kinh A Di Đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật Đàn Quá Độ Nhơn Đạo - Kinh Tạng
  • Phật Thuyết Kinh Chuyển Thân Nữ - Kinh Tạng
  • Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Tự Thệ Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Đại Thừa Lưu Chuyển Hữu - Kinh Tạng
  • Kinh Như Lai Độc Chứng Tự Thệ Tam Muội - Kinh Tạng
  • Pháp Thức Thực Hành Tam Muội Chuẩn Đề - Kinh Tạng
  • Kinh Lực Trang Nghiêm Tam Muội - Kinh Tạng
  • Kinh Đà La Ni Tập Cửu Phẩm Vãng Sanh A Di Đà Tam Ma Địa - Kinh Tạng
  • Kim Cang Đỉnh Siêu Thắng Tam Giới Kinh Thuyết Văn Thù Ngũ Tự Chơn Ngôn Thắng Tướng - Kinh Tạng