100 Tản Mạn Hồn Quê – Dạ Ngân

1978

100 Tản Mạn Hồn Quê

Tác giả: Dạ Ngân

Gọi là tản mạn, thật ra ở đây chính là những suy tưởng, hồi ức về nhiều chuyện. Đậm đà những kỷ niệm không phai mờ về tuổi thơ trong đó một cô bé theo mẹ chèo xuồng trên con kinh xa ngái, hay đi hái hoa điên điển mùa nước nổi…

Rồi những việc, những người vô danh nhưng đầy cá tính được trí óc và tấm lòng nhà văn lưu giữ lại qua bước đường đời xuyên qua các vùng quê, từ Nam, ra Bắc, về Trung.

Chỉ cần đọc qua những cái tựa mộc mạc, đã có thể hình dung phần nào: “Miền rạ cũ”, “Ánh lửa chiều cuối năm”, “Bông so đũa”, “Món bún ốc đầu ghế”, “Người câu tôm”, “Tình cảm gia nhân”…

Những người yêu văn chương đẹp đẽ hoài cổ và giàu rung cảm, sẽ yêu thích tản văn của Dạ Ngân. Những gì nhà văn lưu lại trong tâm trí tự nó đã đẹp, đẹp rất thực nhưng cũng như siêu thực:

“Nón lá trắng quai tím, áo bà ba màu da trời còn bông điên điển thì vàng, vàng hực cả mặt nước, vàng hực cả trên sạp xuồng, vàng sóng sánh trong hai con mắt…”;

“Một chùm hoa sim, cứ thế trắng nụ chen với trắng xòe lẫn với màu tím ngào ngạt của những cây bông sắp đến hồi về với đất, một sự phối hợp mê hồn và cứ khiến người ta phải nao lòng về một điều gì đó…”

Tập sách như là tập hợp của rất nhiều cái đẹp mong manh mà người viết bắt được, bắt được không chỉ bằng mắt mà còn bằng tâm hồn, một tâm hồn đàn bà, nên rất tinh tế:

“Không ai không thảng thốt khi nhìn thấy một cây hoa gạo. Và nhất định phải ngoảnh lại khi đi qua để ghi khắc và thương nhớ nó”;

“Nó đang có mặt mà mình vẫn thấy nhớ huống gì đi xa hay phải sống mà luôn thiếu nó, sự nhớ kỳ lạ này chỉ có với heo may, chỉ có gió heo may mới làm nổi”.

Rất nhiều những câu, những đoạn như thế.

Nhà văn Dạ Ngân lặng lẽ viết hàng chục năm nay, và gần đây, hai năm 2004-2005, chị liên tiếp đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hà Nội.