Một giọt mực rơi vào ly nước, nước lập tức đổi màu, không thể uống được nữa.
1. Một giọt mực rơi vào ly nước, nước lập tức đổi màu, không thể uống được nữa. Một giọt mực rơi xuống biển cả, biển vẫn cứ biếc xanh, chẳng hề thay đổi. Sự khác biệt này là do đâu? Đó là bởi số nước trong ly quá ít ỏi khi so với biển cả bao la.
Con người sống trên đời này cũng vậy. Nếu chúng ta có thể bao dung, độ lượng để tha thứ cho lỗi lầm của người khác thì chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có, mọi việc đều bình yên.
2. Thầy giáo hỏi học sinh: “Giả dụ các em nhóm bếp để đun một nồi nước nhưng khi mới đun được một nửa thì củi đã sắp hết. Lúc đó, các em sẽ làm thế nào?”. Có em nói sẽ sang hàng xóm xin ít củi, có em trả lời sẽ ra ngoài mua thêm. Thầy giáo nghe vậy, liền nói: “Sao không ai nghĩ đến chuyện đổ bớt nước trong nồi đi nhỉ?”
Tương tự như vậy, mọi chuyện trên đời này có được ắt có mất, chứ không thể lúc nào cũng suôn sẻ, viên mãn được. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi để đạt được mục đích của mình
3. Một ông lão bảo cháu mình nắm chặt tay lại trong vòng 10 giây, rồi hỏi:
– Cháu cảm thấy thế nào?
– Hơi mỏi tay ạ! – Đứa bé trả lời.
Ông lão lại nói:
– Hãy cố nắm chặt thêm nữa đi!
Đứa bé làm theo lời ông, được vài giây đã kêu lên:
– Mỏi lắm ông ạ! Tay cháu còn hơi đau nữa.
– Được rồi, bây giờ hãy thả lỏng tay ra. Cháu thấy sao?
– Dễ chịu hơn nhiều ạ.
– Cháu thấy đấy, khi con người đã quá mệt mỏi thì điều cần làm không phải là gồng mình lên gắng gượng mà là thả lỏng bản thân, cho phép mình được thư giãn. Khi cảm thấy đã nghỉ ngơi đủ thì mới nên tiếp tục làm những việc còn đang dang dở, kết quả sẽ có thể tốt đến không ngờ. Ngược lại, nỗ lực một cách cố chấp thì sẽ chỉ càng làm hỏng việc mà thôi.
4. Hãy tưởng tượng bạn đánh rơi 100 nghìn đồng trên đường nhưng không biết chính xác ở đâu. Liệu bạn có chịu tốn tiền xăng xe và bỏ công sức đi vòng lại cả quãng đường dài để tìm 100 nghìn kia không? Có người nói không nhưng cũng chẳng ít người trả lời có. Nếu bạn nói có, điều đó giống như việc bạn tốn hàng giờ để buồn bã vì một câu mắng nhiếc của người khác, hay mất hàng năm để luyến tiếc một mối quan hệ mà tình cảm đã sớm nhạt phai.
Tại sao phải tự làm khổ mình như vậy? Chi bằng hãy thôi để tâm đến những mất mát, những điều làm ta thương tổn. Thay vào đó, hãy lạc quan lên và tìm đến những khởi đầu mới, bạn nhé!
(st)
Mời quý vị cùng xem thêm pháp thoại: Sống tốt để lòng thanh thản do ĐĐ. Thích Phước Tiến thuyết giảng.