1. Bức tranh an lạc

Sau khi đức Thế Tôn thành đạo, ngài suy nghĩ rằng, Ly dục và thanh tịnh là tối thắng, an trú trong đại thiền định mới hàng phục được chúng ma.

Tại vườn Lộc Uyển, ngài chuyển bánh xe pháp về bốn chân lý độ cho năm anh em Kiều Trần Như đều chứng được đạo quả.

Mỗi khi có thầy Tỳ kheo nào nêu lên những điều chưa rõ, cầu Phật chỉ giáo, đức Thế Tôn giảng giải làm cho tất cả đều được khai ngộ, chắp tay cung kính theo lời Phật dạy.

Ly dục và thanh tịnh là tối thắng

Vị tu sĩ ngồi xuống dưới một gốc cây, không gian xung quanh khá vắng lặng. Vị ấy đặt chánh niệm trước mặt và bắt đầu thực tập thiền tuệ. Năm thứ dục của thế gian vị ấy đã buông bỏ. Ly dục là không còn ham muốn vào năm thứ dục, bao gồm tài, sắc, danh, thực, thụy. Buông bỏ ham muốn về tiền bạc, vị ấy không còn lo nghĩ về sự lấp đầy, chất chứa của cải hay chạy theo sự nghiệp. Tiền bạc như giọt nước đầu ghềnh, nó là phương tiện giúp sống qua ngày và phòng thân trong tương lai. Đã là người tu thì không còn ham thích tiền bạc, mà thay vào đó là thực tập cho đi, giúp ly tham và giúp xa rời những bất an trong đời sống. Sắc đẹp như cái nhìn thoáng qua, không bền chắc. Vị tu sĩ ý thức rằng sắc thân rồi cũng sẽ tàn hoại và tiếp theo đó là những tiếc nuối và đau thương nên vị ấy ly sắc và không còn muốn tầm cầu hưởng thụ sắc hết sức mong manh. Danh lợi như giọt nước đầu ghềnh hay nước trôi qua cầu, có đó rồi mất đó, dù có trèo lên đỉnh cao nhất cũng không thể đứng lâu và cảm xúc thăng hoa rời đi rất mau. Vị tu sĩ không dính mắc vào danh lợi hay địa vị vì nó có thể tạo ra sự tranh đấu và đố kị, làm mất đi tự tính bình yên của thực tại. Mỗi ngày đi khất thực, ăn một bữa đủ để duy trì sự sống mà tu tập cho đến ngày giải thoát nên vấn đề ăn uống không nên bị mất thì giờ. Ăn uống nhiều khiến thân thể đẫy đà nhưng tâm phải cực nhọc vì làm việc nhiều để kiếm món ăn thức uống ngon. Ăn ít và đúng cách giúp thân tâm khỏe mạnh và không mất nhiều thì giờ chế biến các món ăn cầu kỳ. Thụy là ham thích ngủ, nghỉ và thời gian thực tập sẽ ít dần. Vị tu sĩ ngủ vừa đủ và nghỉ vừa đủ, giảm thiểu phát sinh những năng lượng tiêu cực. Buổi sáng dậy sớm ngồi thiền, tụng kinh, quán sát thân tâm của mình và siêng năng trên con đường tỉnh thức, con đường của giải thoát. Giải thoát trước hết là giải thoát khỏi những cơn dục, chấm dứt ham muốn, lúc này mới có thể rảnh rang tầm cầu các pháp môn thực tập. Vị tu sĩ xa lìa đòi hỏi các lạc thú phi thời để tiếp xúc với an lạc chân thật trong hiện tại. Ly dục là khung cửi dệt nên bức tranh an lạc cho người tu.

Thực tập thanh tịnh là thu thúc sáu căn và làm cho sáu căn thanh tịnh. Vị tu sĩ muốn thanh tịnh sáu căn thì thực tập chánh niệm. Chánh niệm về mắt và các thức ăn là hình sắc mà mắt tiếp xúc. Vị ấy ý thức rằng hình sắc không thực có, nó chỉ là sự hợp tướng và đến lúc nào đó sẽ tan tướng, nên quán chiếu tính không đáng dính mắc và không đáng tham cầu về mặt hình sắc. Chánh niệm về tai và các thức ăn của tai là âm thanh mà tai tiếp xúc. Vị ấy ý thức rằng âm thanh là do các điều kiện kết hợp mà thành nên không nắm bắt được. Âm thanh đến rồi đi rất nhanh, như một cơn gió thoảng qua và vị ấy không kẹt vào âm thanh nào. Chánh niệm về mũi và các thức ăn của mũi là mùi hương mà mũi tiếp xúc. Mùi hương dễ chịu hay không dễ chịu đều do mũi thức phân biệt mà ra. Nếu không còn phân biệt thì có gì gọi là dễ chịu hay không dễ chịu. Vị tu sĩ không tầm cầu mùi hương và thực tập nhận diện mùi hương một cách đơn thuần. Chánh niệm về lưỡi và các thức ăn của lưỡi mà lưỡi tiếp xúc. Đồ ăn thức uống được sử dụng để nuôi dưỡng vị tu sĩ nhằm duy trì sự sống mà tiếp tục con đường thực tập giải thoát và độ đời nên tiêu thụ vừa đủ nhằm tiết kiệm và có thêm thì giờ thực tập thanh tịnh. Những tiếp xúc khác của lưỡi tạo ra cảm thọ dễ chịu hay không dễ chịu và các cảm thọ này trôi đi rất mau, như một cái chớp mắt hay nhiều lắm là cái phẩy tay. Tìm kiếm các cảm thọ có thể tạo ra nhiều khổ đau và hệ lụy. Chánh niệm về thân và thức ăn của thân mà thân tiếp xúc. Sự xúc chạm có thể đem lại niềm vui ngắn ngủi nhưng những đau khổ của nó có thể kéo dài rất lâu. Vị tu sĩ chấm dứt ham muốn tạo niềm vui ngắn ngủi và thực tập đón nhận các niềm vui lâu dài và chân thật. Chánh niệm về suy nghĩ và thức ăn của suy nghĩ mà suy nghĩ hướng tới. Vị tu sĩ ý thức rằng suy nghĩ rất mênh mông, đung đưa như vượn chuyền cành, và dễ bị hoàn cảnh chi phối. Vị ấy muốn tác ý chân thật hay như lý tác ý thì vị ấy phải biết rõ mình đang suy nghĩ điều gì và điều suy nghĩ đó có thể dẫn vị ấy tới đâu. Sáu căn thanh tịnh thì nghiệp thanh tịnh. Vị tu sĩ vun bồi một đời sống thanh tịnh vươn lên giữa cuộc đời vẫn còn nhiều thứ bất tịnh. Như hoa sen vươn lên từ bùn nhơ, gần bùn và mang cả các yếu tố của bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn.

Bốn sự thật mầu nhiệm

Sự thật thứ nhất là thực tại khổ đau. Vị tu sĩ ý thức rằng khổ đau đang có mặt đó nên nhận diệu khổ đau và chuyển hóa khổ đau. Khổ đau không được chuyển hóa vì không biết đó là khổ đau và nhiều khi lầm tưởng khổ đau là hạnh phúc. Sự thật thứ hai là có nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Có thể các điều kiện trong kiếp quá khứ hay trong kiếp hiện tại làm cho khổ đau phát khởi. Vị tu sĩ nắm rõ gốc rễ của khổ đau sẽ thấy khổ đau không tự nhiên mà có. Khi nhân duyên đầy đủ thì khổ đau có mặt và khi nhân duyên thiếu vắng thì khổ đau không còn. Sự thật thứ ba là có thể chấm dứt khổ đau. Khổ đau không kéo dài mãi mãi. Nhờ vô thường mà khổ đau có thể kết thúc. Vị tu sĩ không sợ hãi khổ đau vì vị ấy biết khổ đau đến thì khổ đau sẽ đi. Sự thật thứ tư là có con đường chấm dứt khổ đau. Nếu tạo các điều kiện làm nguyên nhân cho khổ đau thì khổ đau chào đời, nhưng nếu không tạo các điều kiện làm nguyên nhân cho khổ đau thì khổ đau không chào đời. Khi khổ đau qua, hạnh phúc sẽ hiện tiền vì hạnh phúc là vắng mặt khổ đau. Hạnh phúc này chân thật và an lành. Vị tu sĩ thực tập nhận diện và chuyển hóa khổ đau của bản thân là tầm cầu cứu độ chúng sinh. Muốn độ tha thì phải tự độ, tức là muốn cứu khổ chúng sinh thì trước hết cứu khổ chính mình. Vị ấy tìm về Niết bàn là nhu cầu đích thực muôn thưở của chúng sinh. Như con cò muốn tìm về cánh đồng, con sư tử muốn tìm về khu rừng, thì chúng sinh muốn tìm về Niết bàn. Niết bàn là con đường thênh thang tĩnh lặng, giải thoát hoàn toàn khỏi những khổ đau.

Mười điều nguyện

Tam Bảo thề nguyện theo
Tai ương thề nguyện thoát
Chúng sanh thề nguyện độ
Pháp môn thề nguyện tu
Tam học thề nguyện gìn
Phiền não thề nguyện đoạn
Luân hồi thề nguyện giải
Lợi danh thề nguyện diệt
Tinh tấn thề nguyện làm
Nguyện trong kiếp hiện tại

Quả Phật xin nguyện thành.

Vì muốn thành tựu đạo quả và giữ vững tâm ban đầu, vị tu sĩ thường xuyên phát nguyện để nhắc nhở mình là một người tu và mục tiêu tối thượng của người tu là gì. Vị ấy nguyện nương tựa ba ngôi Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Quay về nương tựa Phật, nguyện đời đời sống tỉnh thức và bước lên dấu chân mà Phật đã đặt ra. Quay về nương tựa Pháp, nguyện học và hành trì những lời dạy của Phật, làm hành trang cho con đường đạo rộng thênh thang. Quay về nương tựa Tăng, những người nguyện nối gót theo bước chân Phật và mang Phật vào thế gian. Vị tu sĩ nguyện thoát khỏi những tai nạn bằng cách thực tập giữ giới và chấm dứt tạo nhân. Vị ấy thường xuyên tụng giới, nhắc nhở bản thân giữ giới và nương tựa vào thầy y chỉ hay bạn đồng tu để giữ giới. Dù ở tư thế nào, bước đi trên đường, đứng ở một nơi, nằm ở một chỗ hay ngồi ở đâu thì vị ấy vẫn hết mực mang giới hạnh theo mình. Khi đã thành tựu đạo quả với kinh nghiệm thực chứng, vị tu sĩ cứu độ chúng sinh bằng chia sẻ các pháp môn thực tập. Vị ấy biết ơn chúng sinh đã yểm trợ vị ấy tu tập cho đến ngày giải thoát. Thực tập giải thoát là biết trả ơn và biết cúng dường cao thượng. Phật giáo có rất nhiều pháp môn và tùy theo căn cơ mà thực tập theo pháp môn thích hợp. Vị tu sĩ sử dụng pháp môn như một phương tiện, như chiếc bè bơi qua sông, nhưng tới bờ bên kia thì chiếc bè phải bỏ để bước lên bờ. Thực tập vào pháp môn nhưng không kẹt vào pháp môn, vị ấy sẽ không rơi vào tình trạng cố thủ các học thuyết hay thái độ cuồng tín. Căn bản thực tập là giới, định, tuệ, là ba sự học và hành trì hay còn gọi là tam học. Thực tập thiền để phát triển định và nhờ định mà thấy rõ sự thật, tức là tuệ giác. Giới là nền tảng ban đầu của việc hành thiền. Không giữ giới thì hành thiền rất vô ích và dễ rơi vào tà thiền. Tuệ giác không là điều đem ra khoe khoang hay chứng minh cho cái ngã của tôn giáo mà đó là hoa trái của của sự thực tập, có tu, có chứng, có hạnh phúc, có an lạc và có giải thoát. Như một con đường có lối đi và có hố sâu, vị ấy luôn tự thắp đuốc để đi vào con đường bình yên, không để tự thân bị rơi vào đường hiểm nạn.

Vị tu sĩ nguyện chấm dứt các phiền não, nhất là những tham ái dẫn đến phiền não. Còn mong cầu thì còn phiền não nên đã đi tu rồi thì đừng mong cầu gì cả, đừng mong cầu cái chùa, đừng mong cầu giáo phẩm, đừng mong cầu sự cúng dường hay đừng mong cầu sự cung kính. Mong cầu chủ yếu của vị ấy là đạo giải thoát, hành trì con đường giải thoát và gặt hái quả giải thoát. Một khi đã giải thoát thì chắc chắn luân hồi sẽ được giải. Chúng sinh cứ luân hồi vì chúng sinh tầm cầu luân hồi, xem niềm vui của thế gian như bánh xe bò. Vị tu sĩ không còn đam mê dính mắc của thế gian, sống trong thế gian nhưng không bị các pháp thế gian lôi kéo. Vị ấy buông bỏ tất cả lợi danh, không muốn vươn lên đỉnh cao, chia sẻ phước báu cho nhiều người và thực tập bố thí. Điều mà vị ấy bố thí đến mười phương là sự bình an của vị ấy, còn gọi là vô úy thí, bố thí sự không sợ hãi, hay cho đi sự an vui và thảnh thơi. Tu là đang hoằng pháp và chẳng có con đường nào đẹp bằng con đường tu cả. Ngoài bốn vật dụng thiết yếu, vị ấy không giữ cho mình cái gì hết, ngoài tâm bồ đề cao rộng, ngoài tình thương tất cả chúng sinh, ngoài thực tập con đường chánh pháp đến tận cùng. Muốn làm được vậy, vị tu sĩ luôn nhắc nhở phải siêng năng trong những giờ công phu, giờ chấp tác lẫn giờ nghỉ ngơi. Không có thành tựu nào có mặt của sự lười biếng. Phật làm được, vị ấy làm được và chúng sinh cũng làm được. Việc thực tập không dành cho Phật hay bồ tát mà cho tất cả chúng sinh. Thực tập đúng đắn, niềm vui đúng đắn sẽ đến. Vị tu sĩ phát nguyện đạt quả vị giải thoát ngay trong kiếp hiện tại, không chần chừ, không hứa hẹn. Học theo hạnh của Phật và hàng ngàn đệ tử Phật trong thời đó đã quyết tâm giải thoát ngay trong kiệp hiện tại của họ như thế nào. Vị ấy sẽ không ngụy biện cho việc chưa giải thoát của mình, mà luôn soi rọi bản thân vì sao vẫn chưa thực sự giải thoát. Khi bị giam cầm trong nhà tù khổ đau, chúng sinh có khuynh hướng đập tan song sắt nhà tù đó để đi ra bầu trời cao rộng, để tự do thênh thang và giang đôi tay bay đi như cánh chim ngút ngàn.Vị tu sĩ giải thoát là đập tan những buộc ràng, để an lạc như bầu trời xanh, và thảnh thơi như làn mây trắng.

2. Đập tan song sắt

dap tan song sat

Từ giã ba mẹ đi xuất gia học đạo, thấu rõ nguồn tâm, hiểu vô vi pháp, được gọi là bậc sa môn. Thường giữ gìn giới, sống đời thanh tịnh, thực hành bốn chân đạo, thành tựu quả vị A la hán.

Vị chứng quả A la hán có thể phi hành, biến hóa, kéo dài mạng sống, ở đời động cả đất trời. Vị chứng quả A na hàm, khi tuổi thọ hết, thần thức sẽ sinh lên cõi trời thứ 19 thì chứng quả A la hán. Vị chứng quả Tư đà hàm, một lần sinh lên cõi trời, một lần sinh xuống cõi người thì chứng quả A la hán. Vị chứng quả Tu đà hoàn phải bảy lần sinh tử mới chứng quả A la hán. Vị chứng quả A la hán là người đã đoạn tận ái dục, như chân tay bị chặt, không thể sử dụng trở lại được.

Thấu rõ nguồn tâm

Tâm là cội nguồn thanh tịnh và cũng là cội nguồn không thanh tịnh. Vị tu sĩ biết tâm và quán tâm để biết mình và tìm về chính mình. Tâm như một dòng chảy, nhảy từ tâm hành này sang tâm hành khác, và do bị kẹt vảo cảnh nên tâm không yên được. Tâm có liên hệ với thân, thọ và pháp. Thân luôn bị bức bách về ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện, sinh lý, nghỉ ngơi, sức khỏe… Thân khỏe mạnh phần nào cũng là do tâm khỏe mạnh và tâm khỏe mạnh cũng phần nào giúp cho thân được khỏe mạnh. Các bác sĩ sử dụng nhạc êm dịu giúp trị liệu và chuyển hóa một số đau đớn nơi thân. Có những khổ đau của thân không nhiều nhưng do tâm khổ nên thân bệnh nặng hơn. Tâm khổ khi chứng kiến người thân qua đời, sự nghiệp không thành hay tình duyên trắc trở nên thân bệnh.  Tâm rong ruổi theo cảm thọ nên thân bươn chãi, tâm suy nghĩ để tầm cầu các cảm thọ. Cảm thọ rất ngắn ngủi nhưng thời gian chuẩn bị cho các cảm thọ rất lâu, tiêu tốn nhiều sức lực. Các pháp thì nhiều vô số kể nên chạy theo pháp thì mệt lắm. Mình không chạy theo sự khen ngợi, sự vinh danh, một phong cảnh đẹp hay một âm thanh vui tai. Nhìn vào tự thân của các pháp thấy chúng biến chuyển không ngừng và do nhân duyên mà biểu hiện ra. Vị tu sĩ không kẹt vào cái biến chuyển không ngừng thì sẽ không đánh mất tính thanh tịnh vốn có của tâm. Nhìn vạn pháp như nó đang là hay như nó đang biểu hiện, không đặt một ý niệm hay một giảng giải gì cả. Sở dĩ tâm không thanh tịnh vì nguồn tâm đã lạc lối trong khu rừng của ý niệm. Ý niệm là một rổ danh từ, nó không giải thích được thực tại, mà chỉ làm thực tại thêm méo mó. Nhìn ra nguồn tâm của mình, vị tu sĩ trở về nhà, như bình minh tìm thấy ánh sáng, như không gian tìm thấy sự thênh thang. Buông bỏ ý niệm là đập tan song sắt, cho phép mình được tự do, không vướng bận gì nữa.

Vô vi pháp là những pháp hiện hữu nằm trong nguyên lý trật tự của tánh không. Các pháp này không sinh diệt, không có tướng sinh trụ dị diệt và cũng không do nhân duyên tạo tác. Các pháp này thuộc bản chất thường hằng, thanh tịnh và hiện hữu trong trật tự của tánh không. Pháp hữu vi thì có sinh diệt, có biến đổi và do nhân duyên mà tạo tác. Vị tu sĩ thực tập quán chiếu thì nhận thấy từ phiền não mà thấy bồ đề, từ khổ đau mà thấy hạnh phúc, từ tướng mà thấy tánh, từ vọng thấy chân, từ sinh tử mà thấy niết bàn. Pháp vô vi không nằm ngoài pháp hữu vi và quán sát pháp hữu vi thì sẽ tìm ra pháp vô vi. Ví như một người đã bươn chãi ngoài xã hội quá lâu, thân thể mệt mỏi và buồn chán, người ấy muốn trở về nhà và nghỉ ngơi vì người ấy nghĩ rằng ngôi nhà được xem như cội nguồn của hạnh phúc. Cũng vậy, vị tu sĩ không còn dính mắc vào các pháp của thế gian vì thấy chúng không như ý muốn, có đó rồi mất đó, không thể nào lường được nên muốn an trú vào các pháp xuất thế gian để được thanh tịnh, để không còn sinh diệt nữa. Nhưng không thể tách rời thế gian ra khỏi xuất thế gian, muốn tìm xuất thế gian thì ở ngay thế gian mà tìm. Trạch diệt là cách gọi của niết bàn. Sử dụng trí tuệ để giải trừ các trói buộc của tư kiến hay chấm dứt các ý niệm thì niết bàn thanh tịnh biểu hiện. Niết bàn biểu hiện thường tại bất biến, không thay đổi, là một pháp trong nguyên lý trật tự của tánh không. Niết bàn không nằm ngoài sinh tử mà nằm trong lòng sinh tử. Sở dĩ sinh tử còn vì các ý niệm còn và một khi các ý niệm không sinh khởi thì sinh tử không còn nương vào đâu mà biểu hiện. Tham ái cũng do ý niệm mà thành. Do ham muốn, bấu víu, muốn cột chặt vào đối tượng được tham ái và ý niệm về hạnh phúc thế gian xuất hiện và mình sống chết với đối tượng ham muốn đó. Vị tu sĩ tìm về cội nguồn thanh tịnh, tắm trong dòng suối mát trong của hạnh phúc đích thực và không còn tầm cầu gì nữa. Mình tìm kiếm đủ thứ vì chưa bao giờ biết đủ, nên mãi nghèo nàn. Còn vị ấy không cần gì nữa nên không tìm gì, vị ấy trở nên giàu có. Vị ấy không chạy tới chạy lui, không lăng xăng, không giao động. Như mặt nước hồ thu không gợn sóng, rất tĩnh lặng, có thể phản chiếu thực tại rõ mồn một. Thiên nhiên được sao chép tự động mà không cần một máy ảnh nào.  (1)

Chân tay bị chặt

Vị tu sĩ thực tập không còn kẹt vào thân kiến, giới cấm thủ và nghi thì bắt đầu nhập vào dòng thánh, còn gọi là nhập lưu, hay chứng quả Tư đà hoàn (Sotàpatti). Vị ấy cứ như thế mà thực tập đi tiếp con đường giải thoát. Khi đã vào dòng thì cùng với công phu tu tập mà chỉ có đi lên chứ không đi xuống, tùy theo sự thực tập mà có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn. Chánh niệm của vị ấy rất miên mật, và việc thực tập thiền cũng có thành tựu. Tuy nhiên, người thực tập thiền giỏi chưa chắc đi vào dòng hay người thiền định rất sâu, thậm chí đắc thần thông cũng chưa chắc đi vào dòng. Thánh quả cũng cần thêm các yếu tố của trí tuệ, công đức, phước đức và các hạnh lành. Vị tu sĩ khi đã vào dòng thì biết chắc chắn sẽ không bao giờ sinh vào các đường ác đạo bao gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và Atula. Vị ấy sẽ sinh tử nhiều lắm là bảy lần nữa và trong khoảng thời gian này vị ấy tu tập cho đến ngày giải thoát. Chấm dứt ba kiết sử trên như là chặt được ba ngón tay và phá được vài song sắt của nhà tù để có cơ hội hít thở dễ dàng hơn. Vị tu sĩ nếu chấm dứt được ba kiết sử và tiếp tục thực tập làm nhạt dần sáu tâm bất thiện gồm tham, sân, si, mạn, nghi và kiến, nhất là hai tâm tham và sân. Vị ấy đi tiếp dòng thứ hai là Tư đà hàm (Sakad à gà mì). Quả vị này còn gọi là Nhất lai, tức là còn trở lại một lần nữa. Vị ấy hầu như không bao giờ nổi lên những cơn tham hay những cơn sân nào nữa, tuy nhiên vẫn còn những cái tham và sân rất vi tế. Giảm bớt các tâm bất thiện như chặt bớt hai ngón tay và hai ngón chân hay gỡ bỏ thêm vài song sắt nhà tù, cho phép ánh mặt trời đủ đi vào để làm sáng mọi ngõ ngách vẫn còn tăm tối.

Khi sáu tâm bất thiện đã diệt sạch, vị tu sĩ không còn phiền não, và hai tâm tham và sân không có gốc rễ để mọc trở lại, vị ấy đi đến dòng A na hàm (Anàgàmì), còn gọi là Bất lai, hay không trở lại nữa. Tham và sân không còn thì nhân duyên không đủ để tái sinh lại cõi đời này nữa. Sau khi thân hoại mạng chung, vị tu sĩ sinh về cõi trời sắc cứu kính và thực tập cho đến khi giải thoát hoàn toàn. Vài ngón tay và ngón chân của vị ấy lại tiếp tục bị chặt, rất nhiều phiền não đã rơi rụng xuống và có thể bước ra khỏi song sắt ngục tù. Các xiềng xích rơi lả chả như ai đó cầm một cái rìu mà chặt đi từng khúc. Nếu tiếp tục thực tập miên mật trong đời sống hiện tại, vị ấy vượt thắng tất cả các ý niệm và không một ý niệm nào làm vị ấy gục ngã. Không kẹt vào ý niệm thì không còn phiền não nào, không bị tâm bất thiện nào sai sử, vị ấy giải thoát, tiếp xúc với Niết bàn ngay trong phút giây hiện tại. Do không bị ràng buộc gì, vị ấy bước đi thong dong và thảnh thơi trong thế gian và mãi mãi không bao giờ còn bị ô nhiễm bởi các pháp thế gian nữa. Lúc này không chỉ song sắt nhà tù bị mục nát mà cả cái nhà tù đó cũng đổ sụp xuống, tan ra thành bụi. Người đạt được quả vị giải thoát là do đã nhiều đời gieo trồng căn lành, tu tập miên mật, tạo thuận duyên cho đời sống hiện tại đi đến thành tựu viên mãn. Sự thực tập của vị ấy là không thể nghĩ bàn và thành tựu của vị ấy cũng không thể nghĩ bàn. Thời khắc phát khởi tâm bồ đề, thế giới đã chấn động và thời khắc vị ấy hoàn thành sứ mệnh, thế giới cũng đã chấn động. Chấn động vì công năng phá ngục và công năng giải thoát của vị ấy. Vị ấy biết rằng phạm hạnh đã thành, việc gì làm đã làm xong, và không còn tái sinh nữa.

Theo Phật Pháp Ứng Dụng