Có Phật tử cùng một lúc thực hành theo nhiều tông phái khác nhau như “Thiền Tịnh song tu”, “Vừa niệm Phật vừa trì chú”… Trong bài viết này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu sơ lược 10 tông phái Trung Hoa do Thầy Thích Thiện Hoa giảng trong bộ “Phật học phổ thông”. 10 tông phái đó là:

1) Thiền Tông
2) Mật tông
3) Tịnh độ tông

Hiện nay ba tông phái này là lớn nhất và thông dụng nhất. Còn lại 7 tông phái khác gồm:

4) Luật tông: Tông này dùng luật làm chỗ căn cứ nên gọi là Luật tông. Ðức Phật khi còn tại thế, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chế ra nhiều loại giới luật để răn dạy đệ tử, hóa độ chúng sinh. Sau khi Ngài nhập Niết bàn, các đệ tử của Ngài, như Ngài Ưu Ba Li là vị tinh thông về giới luật đứng trên pháp tọa trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, đã tụng đọc lại những giới luật mà Ðức Phật đã chế ra. Lần kết tập này chưa biên chép thành kinh điển, nên Ngài Ưu Ba Li phải đọc đi đọc lại đến 80 lần, đến nỗi mỗi người trong hội đều thuộc lòng. Do đó, mới có tên là “Bát thập tụng luận “. Về sau, tuần tự theo thời gian, nguyên thủy Phật giáo lần hồi chia ra làm nhiều nhánh, hay bộ phái. Mỗi bộ phái đều theo một bộ lụât riêng.

5) Duy thức tông hay Pháp tướng tông: Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì chấp có thật ngã, thật-pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dẫn dắt  nên xoay vần mãi theo bánh xe sanh tử luân hồi. Nếu con người hiểu rõ một cách chắc chắn rằng: tất cả các pháp trong vũ trụ, nhân và ngã đều không thật có, chỉ do thức biến hiện, như cảnh trong chiêm bao, và không còn gây phiền não, tạo nghiệp chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc trong bánh xe sanh tử luân hồi.

Ðể phá trừ hai món chấp thật ngã và thật pháp, Ðức Phật dạy rất nhiều phương pháp pháp thiền, mà Duy-Thức Tông hay Pháp tướng tông là một pháp tu rất cần thiết, rất hiệu-nghiệm để đi đến giải-thoát.

Tông phái này thuộc về Ðại thừa, phân tách vũ trụ, vạn hữu đều do thức biến hiện. Duy thức tông, hay Pháp tướng tông, như danh từ đã chỉ định, không nói về tâm tánh chơn như, mà chỉ nói về tướng của thức, tức cũng là tướng của pháp. Biết rằng từ chơn vọng hòa hiệp biến thành hình tướng thức A Lại Da, rồi từ thức A Lại Da sanh ra các tướng tâm-pháp .v.v…tôn này quán sát hành tướng của các pháp ấy, nên gọi là ” Pháp tướng tông ” .  Ðứng về phương diện nguyên nhân mà nghiên cứu, tôn này chủ trương rằng vũ trụ vạn hữu, hay là tát cả các pháp đều do duy thức biến hiện, ngoài thức không còn một yếu tố nào khác nữa nên gọi là  ”Duy thức tông ” .

6) Hoa nghiêm tông hay Hiền thủ tông: Tông này thuộc về Ðại-thừa, căn cứ theo giáo nghĩa trong kimh Hoa nghiêm là một bộ kinh cao nhất mà Ðức Phật đã nói ra, nên gọi là Hoa nghiêm tông.

Người sáng lập ra tông này là Ngài Ðỗ Thuận một vị Hòa thượng đời Ðường. Ngài đã thâu góp ý nghĩa mầu nhiệm của kinh Hoa nghiêm, làm ra ba bộ “Pháp giới quán”.

Người kế vị Ngài Ðỗ Thuận là Ngài Trí nghiễm, ở chùa Trí tướng. Ngài Trí nghiễm đã làm ra nhiều bộ luận có giá trị để giải bày nghĩa lý của tông này như các bộ: ”Sưu huyền ký”, ”thập huyền môn”, ”Ngũ thập yếu vấn đáp”.
Vị thừa kế Ngài Trí nghiễm và đã có nhiều công nghiệp lớn đối với Tông này là Ngài Pháp tạng, cũng gọi là Hiền Thủ quốc sư. Ngài đã làm ra bộ ”Thám huyền ký” và nhiều chương số khác, khiến cho Hoa nghiêm tông rất được thạnh hành và phát triển trong đời Ngài. Do đó, Tôn này cũng thường gọi là Hiền thủ tôn. Sau khi Ngài Hiền thủ qua đời được ít lâu, kinh Hoa nghiêm được dịch lại bằng tiếng Hán văn bộ mới, Ngài Trừng quán, tức là Thanh lương quốc sư, dựa theo ý nghĩa bộ Hoa nghiêm mới dịch này mà làm ra bộ ”Hoa nghiêm sớ sao”, bày giải nghĩa lý rộng rãi, sâu xa mầu nhiệm của kinh Hoa nghiêm. Vì thế, Hoa nghiêm tông lại càng được người đời sùng mộ, nhất là trong giới thượng lưu trí thức nước Tàu.

7) Tam luận tông hay Tánh không tông: Tông này căn cứ vào ba bộ luận sau đây mà thành lập, nên gọi là Tam Luận tông.
1.- Bộ Trung luận, gồm có bốn quyển, do Ngài Bồ tát Long Thọ làm ra, mục đích chính phá chấp của Tiểu Thừa và kèm một phần phụ đả phá sai lầm của ngoại đạo.
2.- Bộ Bách luận, gồm có hai quyển do Ngài Bồ tát Ðề Bà làm ra, mục đích chính là phá chấp của ngoại đạo và kèm một phần phụ phá chấp của Tiểu Thừa.
3.- Bộ Thập Nhị Môn luận, gồm có một quyển, cũng do ngài Long Thọ làm ra, mục đích phá cả Tiểu Thừa và ngoại đạo.
Tóm lại, ba bộ luận trên đây, đều phá sự thiên chấp sai lầm của Tiểu Thừa và ngoại đạo và mục đích cuối cùng là làm sáng tỏ nghĩa lý sâu xa, mầu nhiệm của Ðại Thừa.
Tông này được thịnh hành ở Trung Hoa trong đời Dao Tần do công đức hoằng dương của ngài Cưu Ma La Thập, và trong đời Ðường do công đức của ngài Ðại sư Gia Tường.

8) Câu Xá Tông hay Là Hữu Tông: Tông này thuộc về Tiểu thừa, phát xuất từ bộ luận Câu xá của Ngài Thế-Thân. Bộ luận Câu xá lại dựa theo ý nghĩa của bộ kinh Ðại Tỳ Bà Sang (Mahavibhasacastra) mà thành lập. Bộ luận Câu xá được Ngài Trần Chân Ðế dịch và truyền sang Tàu rất sớm, nhưng về sau bị thất truyền. Trong giai đoạn đầu nầy, Câu xá tông chưa thành một tông phái riêng biệt ở Trung Hoa. Chỉ đến khi Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh ở Ấn Ðộ trở về, đem dịch lại bộ luận Câu Xá và đệ tử của Ngài là Ðại sư Phổ Quang dựa theo bộ luận nói trên mà ra bộ “Câu xá thuật ký”, và Ngài Pháp bảo làm bộ “câu xá luận sớ” thì Câu xá tông mới thành một tông phái và được thịnh hành ở Trung Hoa. Nhưng hết đời Ðường (từ đầu thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ thứ IX) thì tông này lại dần dần suy tàn và nhường địa vị quan trọng cho phái Ðại thừa khác, thích hợp với triết học và tâm lý của nhưng Trung Hoa hơn.

9) Thành thật tông: Tông này thuộc về Tiểu Thừa, y cứ vào ý nghĩa của bộ Thành thật luận, do đó gọi là Thành thật tông. Bộ Thành thật luận do ngài Ha-lê-bạt-ma ( Harivarman), Tàu dịch là Cưu-ma-la-đà (Kumaraladha) thuộc phái Tiểu Thừa Tát-bà-đa làm ra, vào khoảng 900 năm, sau khi đức Phật Thích Ca nhập niết bàn. Như chúng ta đã biết qua trong phần lịch sử truyền giáo ở Ấn độ, sau khi đức Phật nhập niết bàn, phái Tiểu Thừa chia ra thàngh nhiều nhóm, giải thích kinh điển của Phật không giống nhau. Nhận thấy nguy cơ có thể làm cho Phật giáo suy đồi vì sự không đồng quan điểm`về giáo lý của các tông phái ấy, ngài Ha-lê-bạt-ma đã đem hết tâm lực và trí tuệ uyên bác của mình, rút ra tinh tủy trong các bộ kinh luậncủa Tiểu Thừa, làm ra bộ Thành thật luận. Sở dĩ ngài dùng hai chữ “Thành thật” để đặt tên cho bộ luậncủa mình là hàm ý muốn nói rằng: những lý nghĩa trong bộ luận của mình là chân thật, đúng đắn hoàn toàn với giáo lý căn bản trong ba tạng kinh điển của Phật. Mà thật như thế, bộ Thành thật luận là bộ luận có thể tiêu biểu một cách trung thực giáo lý của Tiểu Thừa.
Và cũng vì giá trị chân chính ấy mà bộ Thành thật luận được truyền sang Trung Hoa, được Ngài Cưu-ma-la-thập trong đời giao Tần dịch ra văn Tàu, gồm có tất cả 16 cuốn, chia ra làm 202 phẩm. Mặc dù được người đời hâm mộ, bộ luận này phải đợi đến đời Nam Bắc triều mới thành lập một tông riêng tức là” Thành thật tông”.

10) Thiên thai tông: Giáo pháp của tông phái này dựa trên kinh Diệu pháp liên hoa. Thiên Thai tông xem Ngài Long Thụ  là Sơ tổ vì ba quan điểm chính (Thiên Thai tam quán) của tông phái này dựa trên giáo lí của Long Thụ. Đó là: Tất cả mọi hiện tượng dựa lên nhau mà có, và thực chất của chúng là tính Không. Mọi hiện tượng là biểu hiện của một thể tuyệt đối, đó là Chân như. Tông phái này gọi ba chân lí đó là không, giả và trung:

1. Chân lí thứ nhất cho rằng mọi pháp không có một thật thể và vì vậy trống rỗng;
2. Chân lí thứ hai cho rằng, tuy thế, các pháp vẫn có một dạng tồn tại tạm thời với thời gian và giác quan con người có thể nắm bắt được;
3. Chân lí thứ ba tổng hợp hai chân lí đầu, cho rằng thể của sự vật lại không nằm ngoài tướng, không thể bỏ hiện tượng để tìm bản chất, thể và tướng là một.

Quan điểm này nhấn mạnh tính toàn thể và xuyên suốt của sự vật. Cái toàn thể và cái riêng lẻ là một. Toàn bộ các pháp có khác nhau nhưng chúng đan lồng vào nhau, cái này chứa đựng cái kia. Không, giả và trung chỉ là một và từ một mà ra.

Chính vì vậy các tổ của tông phái này hay nói “toàn thể vũ trụ nằm trên đầu một hạt cải” hay “một ý niệm là ba ngàn thế giới.” Tổ thứ hai của tông này là Huệ Văn, Tổ thứ ba là Huệ Tư và Tổ thứ tư là Trí Di. Dưới sự lĩnh đạo của Đại sư Trí Di, giáo lí của tông Thiên Thai đã đạt đến tuyệt đỉnh. Phép tu của Thiên Thai tông dựa trên phép thiền Chỉ quán, và chứa đựng các yếu tố mật tông như Chân ngôn (thần chú, sa. mantra) và Mạn-đà-la (sa. mandala). Tông này sau được Truyền Giáo Đại sư Tối Trừng (767-822), đệ tử của Tổ thứ 10 Thiên thai tông, truyền qua Nhật trong thế kỉ thứ 9.

Sưu tầm