Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị khách ghé thăm chùa. Người khách biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”.

Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”.

Người khách hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”.

Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm”.

Người khách băn khoăn, lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”.

Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi, gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi là chẻ củi, gánh nước là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm”.

Như thế, nguyên do thực sự của mọi đau khổ, bi ai trên đời chính là do người ta không thể buông bỏ tâm phàm, không thể tùy duyên, tùy phận. Lão hòa thượng trước khi đắc Đạo thì chính là người thường mang nặng tâm phàm, làm gì cũng không thể tùy duyên hành sự, làm việc này lại nhớ việc kia, sống ở hôm nay mà tâm lại nghĩ tưởng ngày mai và quá khứ. Như vậy, chỉ khi đối xử với mọi chuyện một cách ung dung, tự tại, tùy duyên, người ta mới tìm được sự thanh thản đích thực trong tâm hồn.

Chuyện trên đời vốn chẳng bao giờ luôn thuận buồm, xuôi gió. Trời cao không phải ngày nào cũng quang đãng, tạnh mây. Cầu vồng chỉ xuất hiện sau cơn mưa lớn. Ngày vui, ngày buồn chính là đan xen đến với nhau. Đó chính là sự “tùy duyên” của đất trời, của vũ trụ này. Hiểu được điều ấy thì bạn ắt là thản nhiên đối diện được với đời, gặp chuyện vui cũng không quá phấn khích, ngạo mạn, trước sự buồn cũng chẳng âu sầu, bi thương vậy.

(st)