Với những người thân yêu nhất, chúng ta dễ dàng buông ra những lời ác ý, biến lời nói thành mũi dao sắc nhọn làm thương tổn trái tim họ. Nhưng trước mặt những người mình không ưa, chúng ta lại có thể biến thành cọng cỏ ngả theo chiều gió. Mặc dù trong lòng đang hậm hực, ta vẫn làm ra vẻ tươi tỉnh và nói “không có gì”. Sau khi bị châm chọc, chúng ta vẫn có thể kìm nén cơn giận để nhẹ nhàng “xin lỗi” đối phương.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa người với người, nhưng chúng ta lại dùng để làm tổn thương nhau.

Chúng ta cho rằng, thời gian qua đi sẽ xoá nhoà tất cả, những lời nói sắc nhọn rồi cũng tan đi như mây khói, và sau cuộc tranh cãi nảy lửa thì hai người lại hòa thuận như thuở ban đầu. Kỳ thực, từng cái gai sắc nhọn ấy dẫu đã được nhổ ra, thì vết thương vẫn còn nguyên vẹn. Lần sau lại cãi nhau, vết thương mới lại chồng lên vết thương cũ, nỗi đau trong lòng lại càng thêm nhức nhối.

Đôi khi, trong tâm biết rõ rằng mình đã sai, nhưng chúng ta vẫn tìm lý do bao biện cho chính mình.

Có câu nói rằng: “Lời nói không là dao, mà cắt lòng đau nhói; lời nói không là khói, mà khoé mắt cay cay”. Trong lúc giận dỗi, chúng ta luôn tìm cách làm tổn thương lẫn nhau, dùng lời nói để lấn át đối phương, nhưng chúng ta không biết rằng, kỳ thực, mình mới là người thua cuộc.

Khi chúng ta buông ra những lời băng giá, thì chỉ những người luôn yêu thương ta, những người mang trái tim chân thành mà bao bọc chở che cho ta, mới dễ dàng bị những lời vô tình ấy làm buốt nhói tâm can.

Thiết nghĩ, khi hai người hoán đổi vị trí cho nhau mà nhìn nhận thì mọi mâu thuẫn đều sẽ hoá giải. Hai người hãy thử nhìn sự việc ở một góc độ của đối phương, chứ không chỉ dựa trên quan niệm cố hữu của bản thân mình, chúng ta hãy xem đối phương có cảm nhận giống như mình đang nghĩ hay không?

Hãy nhớ, khi yêu thương lấp đầy trái tim thì mâu thuẫn nào cũng trở thành bé nhỏ.

Thay vì bực dọc và buông ra những lời lẽ vô tình, chúng ta hãy nhẹ nhàng bày tỏ sự biết với mọi người và chia sẻ, nói lên những điều mình mong muốn.

Nếu chúng ta đều giữ trọn bổn phận của mình, trân quý và tôn trọng sự khác biệt của người khác, chúng ta sẽ trở nên tinh tế hơn và tình yêu của chúng ta sẽ khiến người khác ấm lòng.

Quả đúng như lời ông cha đã dạy: Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Khi mâu thuẫn xảy đến, trước khi muốn trách móc người khác theo phản xạ tự nhiên, chúng ta hãy thử tìm cho mình một khoảng lặng, và nhìn sâu vào trong tâm hồn mình.

Như vậy, lời giải cho những mối quan hệ tốt đẹp chẳng phải đều bắt nguồn từ sự tu dưỡng của mỗi cá nhân hay sao? Hóa ra ngọn nguồn của tình yêu và hạnh phúc lại nằm sẵn trong trái tim và khối óc của chúng ta vậy.

(st)