(PPUD) Nằm soi mình trong bốn bể làn nước trong xanh giữa lòng hồ Phú Ninh, chùa Yên Sơn (xã Tam Sơn, Núi Thành, Quảng Nam) nằm tịch tịnh giữa “đại ngàn” sông nước.
Chùa Yên Sơn là một ngôi chùa làng còn rất hoang sơ giữa miền trung du, lưng tựa vào núi Rẫy Bông, mặt hướng ra một góc hồ Phú Ninh mênh mông, xanh ngắt. Muốn đến chùa, khách bộ hành phải qua một con đò ngang. Đặt chân đến Yên Sơn, dường như mọi phiền não, ưu tư bỏ lại bên kia bờ để thưởng ngoạn phong cảnh thanh tịnh của chốn trang nghiêm chùa Yên Sơn thấp thoáng trong bóng cây rừng uy nghiêm và huyền hoặc.
Vừa đặt chân lên ốc đảo, hình ảnh đầu tiên mà du khách nhìn thấy là tượng Mẹ Quan Thế Âm từ bi, trang nghiêm. Theo các vị cao niên trong làng giới thiệu về chùa, chúng tôi không khỏi háo hức đến với một khung cảnh nơi chốn thiền môn yên ả ấy. Từ xa, tượng Phật Quan Âm thấp thoáng trong một màu trắng thanh thoát giữa nền xanh của cây rừng, thoai thoải trên triền đồi với phía trước là màu nước êm đềm. Thi thoảng mới có một chiếc đò nan chầm chậm qua, vô cùng yên bình. Khói sớm lãng đãng trên rặng cây từ mấy ngôi nhà xa xa càng như tô điểm cho cảnh già lam thêm huyền ảo, lung linh.
Chùa tọa lạc trên một rìa đảo nhỏ với điểm nhấn là Tượng Phật Bà Quan Âm cao 12,5m đặt trước cổng chùa. Theo nhiều bậc cao tăng nhận định đây là bức tượng Phật Bà Quan Âm có khuôn mặt phúc hậu, độ lượng, bao dung và đẹp, sắc sảo nhất tại Quảng Nam.
Chùa chưa có trụ trì, cũng như không có các tăng ni, chỉ có một lương y, cư sỹ vốn là một thầy giáo nghỉ hưu có ít “tài” gia truyền về nghề bốc thuốc về trú ngụ nơi đây làm “nhà” khám bệnh và hương khói trong chùa. Đó là hình ảnh ông cụ 72 tuổi Giang Thành Tiến (quê phường Trường Xuân, Thành phố Tam Kỳ). Người dân nơi đây quen gọi với tên gọi thân mật là thầy lang Tiến.
Nhìn lại lịch sử ngôi chùa cũng sinh thành trên mảnh đất này ngót 100 năm có dư (?). Nguyên thủy chùa chỉ là một miếu nhỏ, có thờ tượng Phật có từ đầu thế kỷ XX. Đến thời kỳ oanh tạc bom Mỹ, ngôi miếu tan hoang chỉ duy có tượng Phật là vẫn nguyên vẹn và nằm dưới lòng một hố bom. Rồi qua thời gian vùi lấp, chỉ đến khi người dân lên đây làm rẫy mới phát hiện ra, rồi dựng lại tượng Phật. Hòa bình lập lại, ngôi miếu tự được Tăng – Ni, Phật tử mọi miền Tổ quốc gom góp để nâng thành ngôi chùa làng nép mình nơi miền sơn cước hẻn lánh này. Khi ấy chùa chưa có tên gọi, về sau khi nhìn quang sắc nơi đây,người dân mới ngẫm ý đặt cho tên gọi là chùa Quan Âm hay “Yên Sơn” (có nghĩa là “khói núi”, là bình yên và thoát tục).
Bước chân lên đò để đến Yên Sơn là lòng người đã cởi bỏ hết những muộn phiền, mong đến sự thanh thản của cõi tâm diệu vợi để cùng lạc vào “thế giới” “từ bi, hỷ xả”. Dưới tán cây bồ đề che mát, con người được kề bên những tượng Phật trang nghiêm, Tượng la hán ngồi xếp bằng trầm tư mặc tưởng, tượng Tiên Đồng hướng tâm linh con người đến cõi Niết bàn vô lượng, hay tượng Dược Sư uy nghi mà tĩnh lặng trên đài cao đỉnh đồi.
Về Yên Sơn để cùng một ngày trải nghiệm nơi chốn cửa thiền, lòng người sẽ cảm thấy thanh tịnh hơn, vứt những phiền lụy được tách bạch con người bỏ lại phía bên kia bờ, để hướng đến cõi không huyền ảo diệu siêu linh, và… có được một “khoảng khắc” yên bình.
Dương Văn Út
(Theo Phật Pháp Ứng Dụng)