Đây có thể coi là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay.
Nằm ẩn mình trong khu rừng rậm hoang vu của cao nguyên Deccan (Ấn Độ), hang động Ajanta đã bị lãng quên trong một thời gian dài.
Vào năm 1819, một nhóm người Anh đi săn cọp trong khu vực này đã tình cờ phát hiện hệ thống hang động Ajanta. Quần thể hang động Ajanta là di tích quý giá đại diện cho thời kỳ Hưng thịnh của Phật giáo tại Ấn Độ.
Ajanta tọa lạc ở lưng chừng núi, bên dưới hang động là lòng vực cùng dòng sông Waghora uốn khúc. Hang động được bố trí theo dạng hình móng ngựa, khoét sâu vào bên trong vách núi đá thẳng đứng cao 76m.
Di tích hang động Ajanta có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự.
Quần thể hang động Ajanta không được tạo dựng trong một thời kỳ liên tục nên các nhà nghiên cứu phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng.
Nó gồm hai phần: cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu vào thế kỷ II TCN gồm hang số 8, 9, 10, 12, 13, 15A mang màu sắc của Phật giáo nguyên thủy.
Cụm hang sau được xây dựng vào thế kỷ V, mang màu sắc Phật giáo mới. Tuy nhiên, một số hang vẫn còn chưa được hoàn tất.
Dù vẫn còn một số hang vẫn chưa được hoàn thành, Ajanta vẫn là quần thể chùa hang vô cùng lớn trên thế giới do bàn tay con người tạo ra.
Một trong những điểm đặc biệt của quần thể hang động này chính là một số lượng khổng lồ các bức tượng điêu khắc về đạo Phật. Đây được coi là những tác phẩm hội họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo.
Ngay những bước chân đầu tiên tham quan quần thể kiến trúc này, du khách có thể bắt gặp những khung cảnh hết sức vĩ đại. “Mặt tiền” của hang động, hàng dài tượng Phật được đục đẽo bằng tay vô cùng khéo léo ngay trên bề mặt của vách đá, hay cả một điện thờ với những cột trụ vô cùng chắc chắn được tạo nên bởi các nghệ nhân ngay trong lòng núi đá.
Hang số 12 được đẽo trong thời kỳ đầu và được gọi là Tăng viện; đây là nơi sinh sống của những thầy tu ngày xưa.
Họ sinh hoạt và tu hành trong không gian chật hẹp. Các thầy tu dùng bệ đá làm giường ngủ, họ luôn tuân thủ trong quá trình tu hành khổ hạnh theo cách như thế.
Hang số 9 có tên gọi là Tháp viện, là một căn phòng dùng làm nơi cầu nguyện của các nhà tu hành. Tháp viện mang ý nghĩa rất linh thiêng, là nơi tôn thờ thánh tích của Đức Phật. Thời kỳ này hoàn toàn không có sự hiện diện của các tượng Phật. Vì vậy, Tháp Phật được xem là một biểu tượng linh thiêng để tôn thờ và phụng sự.
Nhóm hang động thứ 2, tượng Phật hiện diện khắp nơi. Có tượng Phật ngồi thể hiện rằng, đã đạt được sự giác ngộ dưới cội bồ đề, xung quanh là sự cám dỗ của quỷ ma. Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua nhiều giai đoạn tu luyện, tất cả đều được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm điêu khắc trong hang.
Có được các tác phẩm tượng Phật đạt đến vẻ đẹp đỉnh cao như thế là nhờ vào các họa sĩ và nhà điêu khắc đã thấm nhuần Phật pháp. Chính họ đã góp phần rất lớn tạo nên giá trị cho quần thể hang động Ajanta.
Từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ VII là giai đoạn phát triển của nghệ thuật Phật giáo tại hang động Ajanta. Đó là những bức bích họa được vẽ trên tường trong hang động.
Cách mà những người thợ dùng để tạo ra những tác phẩm của mình cũng vô cùng độc đáo. Theo một số tài liệu, nguyên liệu chính để làm nên những bức vẽ chính là đá cuội và các loại rau quả
Rau quả được nghiền nát ra để tạo thành 1 chất keo, sau đó được nghiền tiếp với các viên sỏi đầy màu sắc để tạo ra một loại “sơn” cho những tác phẩm này.
Minh chứng rõ nhất chính là những hình tượng Phật trên những bức tường ở hang số 10 dù đã trải qua nhiều thế kỷ nhưng vẫn không hề bị phai màu.
Có thể nói, nghệ thuật hội họa của người Ấn Độ cổ đại đã đạt đến chất lượng hoàn hảo về màu sắc cũng như bố cục. Các tác phẩm này đã qua cuộc thử nghiệm thành công của thời gian.
Quần thể chùa hang Ajanta là di tích lịch sử lớn nhất thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 1983. Đây có thể coi là một trong những di sản lớn nhất về đạo Phật còn lưu giữ được đến ngày nay.