11. SUY TƯ HẰNG NGÀY VỀ BÀI THƠ

“Giống như sức mạnh của một thác nước rót xuống / Nước không không thể đổ ngược trở lên / Những chuyển động của kiếp sống con người cũng thế / Không chuyển ngược lại được”  Phật

Sau đây là nguyên bản bài thơ của ngài Ban-thiền Lạt-ma

Ước vọng được giải thoát khỏi những hiểm nguy của Giai đoạn Chuyển tiếp, Người can trường thoát khỏi sự sợ hãi

Tiết 1

Bản thân tôi và toàn thể không phân biệt bất cứ sinh linh nào trong không gian, xin qui y chư Phật của quá khứ, của hiện tại, của tương lai, xin qui y Pháp, xin qui y Tăng,
Cho đến khi nào được hoàn toàn giác ngộ.
Cho chúng tôi được giải thoát khỏi sự sợ hãi trong kiếp sống hiện tại, trong giai đoạn chuyển tiếp, và cho cả về sau.

Tiết 2

Cho chúng tôi xin rút tỉa thật nhiều tinh anh từ thân xác đang chống đỡ sự sống này
Không xao lãng bởi những việc vô ích trong kiếp sống hiện tại.
Chính cơ sở vững chắc đó, tuy khó đạt được nhưng dễ bị hủy diệt
Sẽ giúp chúng tôi cơ may lựa chọn giữa ích lợi và mất mát, giữa tiện nghi và bần hàn

Tiết 3

Xin cho chúng tôi được hiểu rằng không nên phung phí một giây phút nào,
Cái chết được biết chắc chắn, nhưng giờ chết không sao biết trước được,
Những gì kết hợp sẽ phân tán, những gì tom góp sẽ hủy diệt.
Đi xuống bắt đầu từ nơi tột đỉnh. Cứu cánh của sự sinh là cái chết

Tiết 4

Cho chúng tôi được giải thoát khỏi sự đau đớn vô biên gây ra từ đủ loại nguyên nhân đưa đến cái chết,
Trong thế giới của nhận định sai lầm giữa chủ thể và đối tượng này,
Xác thân ảo ảnh, cấu tạo bằng tứ đại ô nhiễm
Kể cả tâm linh, đang bắt đầu tan rã.

Tiết 5 

Chúng tôi xin được tránh khỏi những sinh khởi sai lạc do lỗi lầm
Trong giờ phút cuối cùng đầy thất vọng, và từ nơi xác thân được trau chuốt cẩn thận này
Những kẻ thù khiếp đảm và những hung thần của cái chết hiện ra.
Đưa chúng tôi đến chỗ tự hủy diệt bằng khí giới của ba thứ nọc độc là xa hoa, hận thù và lầm lẫn.

Tiết 6

Cho chúng tôi vẫn còn nhớ lại những lời giáo huấn khi tu học
Trong lúc các y sĩ đã bó tay và nghi lễ đã chấm dứt
Bạn hữu không còn hy vọng gì về sự sống của chúng tôi
Và chúng tôi cũng chẳng còn gì để có thể vớt vát được nữa.

Tiết 7 

Xin cho chúng tôi vững tin với sự hân hoan và tuyệt vời
Trong khi miếng ăn và của cải tom góp bằng sự ích kỷ phải bỏ lại
Những người thân vô cùng yêu mến và thân thiết phải vĩnh viễn xa lìa
Để đơn độc bước vào một hoàn cảnh thật hiểm nguy.

Tiết 8

Cho chúng tôi phát hiện được tinh thần đạo đức cực mạnh
Trong lúc tứ đại gồm đất, nước, lửa và khí tan biến dần dần
Sinh lực biến mất, miệng và mũi trở nên khô và teo lại
Hơi ấm tan đi, hơi thở hổn hển và tiếng khò khè vang lên.

Tiết 9

Chúng tôi xin đạt được dạng thể tâm thức trong đó cái chết không hiện hữu
Trong lúc ảo giác của sợ hãi và kinh khiếp hiện ra
Nhất là ảo ảnh, khói và đom đóm xuất hiện.
Đồng thời tột đỉnh của tám mươi ý niệm cũng biến mất.

Tiết 10

Xin cho chúng tôi giữ được tâm thức và nội quan vững mạnh
Trong khi sinh khí bắt đầu tan dần trong tâm thức
Trong khi luồng hơi thở bên ngoài chấm dứt và những biểu hiện thô thiển đối nghịch cũng bắt đầu tan biến
Đồng thời hình ảnh giống như đóm lửa của một ngọn đèn dầu hiện ra.

Tiết 11

Chúng tôi xin được hiểu rõ bản chất thực sự của chính chúng tôi
Nhờ vào du-già đã xem chu trình của sinh tử và cả niết bàn đều là hư vô.
Trong lúc ảo giác gia tăng và những gì thực hiện sắp hoàn tất cũng tan biến – cái khởi thủy tan trong cái tột cùng.
Tiếp theo là những giác cảm phát sinh giống như ánh trăng, ánh sáng mặt trời, và bóng tối lan tràn.

Tiết 12

Xin ánh sáng trong suốt của mẹ và con gặp nhau
Trong khi sự thực hiện gần như sắp hoàn tất, tự nó cũng tan dần trong hư không
Xin mọi sự sinh sôi chấm dứt
Và cảm giác tương tợ như bầu trời mùa thu không ô nhiễm sẽ bừng lên.

Tiết 13

Chúng tôi xin được lắng vào trạng thái thật sâu của thiền định.
Trong tinh anh cực mạnh phát sinh từ sự kết hợp giữa phúc hạnh bẩm sinh và Tánh không.
Xuyên qua quá trình bốn giai đoạn của Tánh không, trong lúc xảy ra hiện tượng tan rã của thể tạng màu trắng giống như ánh trăng,
Gây ra vì lửa của Sức mạnh Âm tính nhanh như một tia chớp.

 Tiết 14

Chúng tôi ước mong xin đạt được thể dạng thiền định sâu xa về ảo giác
Để thay vào trạng thái trung gian, khi rời khỏi ánh sáng trong suốt,
Để vượt lên và đạt được dạng thể một Thân xác Đại hạnh với những dấu hiệu và vẻ đẹp đầy vinh quang và sáng ngời của một vị Phật,
Phát hiện từ khí lực và bản thể của ánh sáng trong suốt của cái chết.

Tiết 15

Do nơi nghiệp, khi giai đoạn trung gian xảy ra,
Chúng tôi cầu xin mọi biểu hiện sai lầm đều được tẩy sạch,
Nhờ vào sự phân tích cấp thời và ý thức được tính chất không thực của mọi hiện hữu nội tại
Của mọi khổ đau do sinh và tử, và của cả giai đoạn trung gian.

Tiết 16

Chúng tôi xin được tái sinh nơi cõi Tịnh độ
Nhờ vào du-già để biến cải những gì bên ngoài, bên trong và sự thần bí
Bằng những biểu hiện đủ loại, bốn ý nghĩa của sự đảo ngược các thành phần,
Ba loại hiển hiện khiếp đảm và những sự hoang mang, đang phát sinh.

Tiết 17

Chúng tôi xin được tái sinh trong một thân xác cao đẹp
của một người tu tập Tan-tra biết sử dụng không gian,
trong thân xác của một nhà sư, hoặc của một người thế tục nhưng thấu triệt được ba cách tu tập
Chúng tôi cũng xin đạt cho được con đường Đạo hạnh đưa đến hai giai đoạn là sự sáng tạo và thực hiện
Để nhanh chóng đạt được các Hiện Thân của Phật: Thân chính Giác
Thân Đại Hạnh, và Thân Biến Hóa.

PHỤ LỤC: BỐ CỤC BÀI THƠ VÀ TÓM LƯỢC NHỮNG LỜI KHUYÊN

Sau đây là các tiết trong bài thơ kèm theo phần tóm lược những lời khuyên trong mỗi tiết. Ước nguyện giải thoát khỏi những hiểm nguy trong Trạng thái Trung gian, kẻ Can trường tự giải thoát khỏi sự Sợ hãi do Ngài Ban-thền Lạt-ma thứ Nhất, Losang Chokyi Gyeltsen biên soạn.

Chủ động cái chết để tái sinh trong một kiếp sống an lạc hơn (Phần cuối)

Tiết một: DỰA VÀO TAM BẢO VÀ TÌNH THƯƠNG YÊU KẺ KHÁC, TÔI XIN ĐƯỢC CHE CHỞ KHỎI SỰ SỢ HÃI TRONG KIẾP SỐNG NÀY, TRONG GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP VÀ CẢ VỀ SAU

Bản thân tôi và toàn thể không phân biệt bất cứ sinh linh nào trong không gian, xin qui y chư Phật của quá khứ, của hiện tại, của tương lai, xin qui y Pháp, xin qui y Tăng,
Cho đến khi nào được hoàn toàn giác ngộ.
Cho chúng tôi được giải thoát khỏi sự sợ hãi trong kiếp sống hiện tại, trong giai đoạn chuyển tiếp và cho cả về sau.

1- Điểm khởi đầu của việc tu tập là sự an lành của tất cả mọi sinh linh – tức là sự giải thoát khổ đau cho tất cả muôn loài để đạt đến sự toàn thiện. Hãy trau dồi chủ đích đó trong mục tiêu giúp đỡ kẻ khác nhiều chừng nào hay chừng ấy.

2- Chư Phật thuyết giảng con đường tu học, nhưng không đem tặng ta một kết quả sẵn có nào cả. Mỗi ngày, chính ta phải tự tu tập về đức hạnh, thiền định và nâng cao sự sáng suốt.

Tiết hai: KHI BIẾT SUY TƯ VỀ Ý NGHĨA VÀ NHỮNG KHÓ KHĂN ĐỂ TẠO RA CƠ SỞ CHỐNG ĐỠ CHO SỰ SỐNG NÀY, TÔI ƯỚC MONG RÚT TỈA ĐƯỢC NHỮNG TINH ANH TRÊN THÂN XÁC ĐÓ

Cho chúng tôi xin rút tỉa thật nhiều tinh anh từ thân xác đang chống đỡ sự sống này
Không xao lãng bởi những việc vô ích trong kiếp sống hiện tại.
Chính cơ sở vững chắc đó, tuy khó đạt được nhưng dễ bị hủy diệt
Sẽ giúp chúng tôi cơ may lựa chọn giữa ích lợi và mất mát, giữa tiện nghi và bần hàn.

1. Hãy ý thức giá trị của thân xác, nó đúng thực là của ta, vì nó là kết quả của rất nhiều nguyên nhân tốt trong quá khứ. Nên hiểu rằng những lời giáo huấn trong bài thơ là dành cho ta, sẳn sàng để cho ta sử dụng.

2. Kiếp sống làm người thật quý giá, ta có thể dùng nó như một sức mạnh tích cực hoặc sử dụng nó để gây ra tàn phá. Ta cũng hiểu là kiếp sống này hết sức mong manh, vì thế ngay từ giây phút này, hãy cố gắng sử dụng nó một cách hữu ích.

3. Sự thoải mái của cơ thể liên hệ đến thế thăng bằng tạm thời giữa những thành phần cấu tạo ra nó, sự hòa hợp ấy rất hời hợt. Hãy xem những gì tạm thời là tạm thời.

4. Một tâm thức nghiêm minh giúp ta sáng suốt, thư giản và hạnh phúc, trái lại nếu tâm thức dao động, dù hoàn cảnh xung quanh có tốt đẹp cách mấy chăng nữa, kinh hoàng và âu lo vẫn xâm chiếm ta.

Tiết ba: KHI QUÁN NHẬN ĐƯỢC VÔ THƯỜNG VÀ CÁI CHẾT, TÔI ƯỚC NGUYỆN VƯỢT KHỎI NHỮNG BÁM VÍU TRONG CHU KỲ SINH DIỆT

Xin cho chúng tôi được hiểu rằng không nên phung phí một giây phút nào,
Cái chết được biết chắc chắn, nhưng giờ chết không sao biết trước được,
Những gì kết hợp sẽ phân tán, những gì tom góp sẽ hủy diệt.
Đi xuống bắt đầu từ nơi tột đỉnh. Cứu cánh của sự sinh là cái chết.

1. Nếu ta quán nhận được tính cách bất định về cái chết, ta sẽ sử dụng thời gian còn lại một cách hiệu quả hơn.

2. Muốn tránh việc hẹn sự tu tập sang ngày hôm sau, ta đừng để cho ảo giác của trường tồn xâm chiếm lấy ta.

3. Phải ý thức rằng một địa vị dù cho tuyệt vời cách mấy rồi cũng phải chấm dứt.

4. Không nên tin tưởng sau này ta sẽ còn thừa ngày giờ.

5. Hãy thành thật trước cái chết của ta. Hãy khuyên những người khác nên minh bạch trước cái chết của chính họ. Đừng tìm cách lừa dối lẫn nhau, bằng cách tiếp tục khen nhau, khi giờ chết đã gần kề. Sự lương thiện đem đến can đảm và an vui.

Tiết bốn: TÔI ƯỚC MONG TRÁNH KHỎI NHỮNG KHỔ ĐAU KHÔNG CHỊU ĐỰNG NỔI GÂY RA TỪ ĐỦ LOẠI NGUYÊN NHÂN CỦA CÁI CHẾT 

Cho chúng tôi được giải thoát khỏi sự đau đớn vô biên gây ra từ đủ loại nguyên nhân đưa đến cái chết,
Trong thế giới của nhận định sai lầm giữa chủ thể và đối tượng này,
Xác thân ảo ảnh, cấu tạo bằng tứ đại ô nhiễm
Kể cả tâm linh, đang bắt đầu tan rã.

1- Hãy tu tập ngay từ giờ phút này, đến khi lâm chung, cách cư xử đạo đức của ta đã thuần thục sẽ hướng dẫn những hành vi của ta một cách tích cực hơn.

2- Hãy nhìn thân xác ta như một thế giới hàm chứa những giá trị giả tạo. Khi được tắm rửa, ta cảm thấy thân xác có vẻ như sạch sẽ, cũng thế ta có cảm giác những nguồn phúc hạnh sẽ kéo dài vô tận dưới sự kiểm soát của ta, nhưng thực ra không đúng như thế. Thân xác tứ đại (đất, nước, lửa và khí) phải gánh chịu mọi đớn đau và nó biến đổi từ phút giây này sang phút giây khác, tùy thuộc vào những xung năng thúc đẩy nó.

3- Sinh vật và các vật thể xung quanh có vẻ như hiện hữu tự nơi chúng. Vô minh chấp nhận ảo giác đó và làm phát sinh những xúc cảm đớn đau vì thèm khát dâm dục trầm trọng, vì hận thù và bấn loạn. Tiếp theo, những xúc cảm đớn đau sẽ gây ô nhiễm trong từng cử chỉ trên thân xác, qua từng lời nói, trong cả tâm thức, để rồi kích động sự xoay vần của chu kỳ sinh diệt. Hãy luôn luôn tự nhắc nhở rằng ta đang sống trong thế giới của những khái niệm sai lầm.

Tiết năm: TÔI ƯỚC MONG KHẮC PHỤC ĐƯỢC NHỮNG BIỂU HIỆN SAI LẦM TRONG LÚC CHẾT 

Chúng tôi xin được tránh khỏi những sinh khởi sai lạc do lỗi lầm
Trong giờ phút cuối cùng đầy thất vọng, và từ nơi xác thân được trau chuốt cẩn thận này
Những kẻ thù khiếp đảm và những hung thần của cái chết hiện ra.
Đưa chúng tôi đến chỗ tự hủy diệt bằng khí giới của ba thứ nọc độc là xa hoa, hận thù và lầm lẫn.

 1- Nên hiểu rằng thân xác mà ta đang chăm sóc với bất cứ giá nào sẽ bỏ ta một ngày nào đó.
2- Tránh đừng nuối tiếc địa vị mà ta sẽ phải từ bỏ.
3- Đừng nghi ngờ sự ra đi của ta.
4- Hãy tránh xa sự thèm khát dâm dục, hận thù và vô minh, như thế ta mới có thể thực thi những hành vi đạo đức trong khi chết.
5- Hãy ý thức rằng nếu uống một viên thuốc hay chích một mũi thuốc để tìm một cái chết gọi là bình an, ta sẽ đánh mất một dịp may quý báu để thực thi những điều đạo hạnh.

Tiết sáu: TÔI ƯỚC MONG VẪN CÒN NHẬN BIẾT ĐƯỢC NHỮNG LỜI GIÁO HUẤN TRONG KHI CHẾT 

Cho chúng tôi vẫn còn nhớ lại những lời giáo huấn khi tu học
Trong lúc các y sĩ đã bó tay và nghi lễ đã chấm dứt
Bạn hữu không còn hy vọng gì về sự sống của chúng tôi
Và chúng tôi cũng chẳng còn gì để có thể vớt vát được nữa.

1. Phải hiểu rằng vào một lúc nào đó, tất cả mọi hy vọng sống thêm trong kiếp này sẽ tiêu tan. Vào giây phút ấy, bác sĩ, tu sĩ, bạn hữu và người thân đều bất lực không giúp ta bảo tồn sự sống này thêm nữa. Ấy là lúc chính ta phải tự tìm cách giúp đỡ lấy ta.

2. Trong khi hấp hối, cần phải nhớ lại những lời giáo huấn tùy theo trình độ của ta và chú tâm vào đó.

3. Hãy ôn tập cho quen, quyết tâm giữ vững đường hướng tinh thần đúng như thế trong bất cứ trường hợp nào, dù cho gặp khó khăn cách mấy đi nữa. Hãy thực thi thật nhiều hành vi xứng đáng để gom góp sức mạnh hổ trợ sự sống và cả cái chết của ta. Hãy ý thức rằng khổ đau sinh ra từ sự yêu mến cái tôi của mình quá đáng, vậy hãy tập yêu thương kẻ khác. Thường xuyên ước vọng sẽ được tiếp tục tu tập trong những kiếp sau.

4. Khi có một người sắp chết, cẩn thận đừng làm cho họ bối rối bằng những cử chỉ bám víu hay căng thẳng, điều đó chỉ gây ra cho người chết những phản ứng tiêu cực. Đừng ta thán sự ra đi của họ. Tránh đừng ôm họ vào lòng và khóc trước mặt họ. Hãy giúp họ ra đi trong sự tự hào bằng cách gợi lên cho họ một viễn tượng tốt đẹp sẽ được tiếp tục tu học sau này.

5. Xin những người xung quanh sau này hãy làm như thế cho ta lúc ta sắp chết. Tìm cách thu xếp thế nào để có một người thân thỉnh thoảng nhắc nhở bên tai một thái độ tinh thần nào đó mà ta muốn thực hiện khi chết.

Tiết bảy: TÔI ƯỚC MONG ĐƯỢC CHẾT TRONG SỰ TIN TƯỞNG VÀ HÂN HOAN 

Xin cho chúng tôi vững tin với sự hân hoan và tuyệt vời
Trong khi miếng ăn và của cái tom góp bằng sự ích kỷ phải bỏ lại
Những người thân vô cùng yêu mến và thân thiết phải vĩnh viễn xa lìa
Để đơn độc bước vào một hoàn cảnh thật hiểm nguy.

1- Để tránh những bấn loạn do cái chết gây ra, hãy dựa vào tôn giáo sẳn có của mỗi người để phát lộ từ tâm đến muôn loài, chú tâm vào sự cần thiết rút tỉa những tinh anh của kiếp sống hiện tại, một kiếp sống dựa trên niềm hân hoan và may mắn đã biết tu tập, nhất là hãy suy tư càng nhiều càng tốt về vô thường.

2- Cách tập luyện cơ bản đó sẽ giúp ta nhớ lại những điều phải thực thi trong khi chết. Những hình ảnh khủng khiếp và mọi thứ ảo giác tuy có thể phát sinh nhưng không thể làm lung lay sự trầm tĩnh của ta, không làm xao lãng sự suy tư trong vui sướng và tự tin của ta.

Tiết tám: TÔI ƯỚC NGUYỆN PHÁT KHỞI ĐƯỢC TÂM THỨC MẠNH MẼ VÀ ĐẠO ĐỨC KHI NHỮNG DẤU HIỆU BÊN NGOÀI CHO BIẾT SỰ THOÁI HÓA CỦA CÁC THÀNH PHẦN CẤU HỢP ĐÃ BẮT ĐẦU.

Cho chúng tôi phát hiện được tinh thần đạo đức cực mạnh
Trong lúc tứ đại gồm đất, nước, lửa và khí tan biến dần dần
Sinh lực biến mất, miệng và mũi trở nên khô và teo lại
Hơi ấm tan đi, hơi thở hổn hển và tiếng khò khè vang lên.

1- Để khỏi bị bất ngờ khi quá trình của cái chết xảy ra, ta nên nhớ lại những giai đoạn tan biến của tứ đại chẳng hạn như những dấu hiệu bên ngoài đi kèm theo với quá trình của cái chết, và cần nhớ lại cả những dấu hiệu bên trong, sẽ mô tả trong tiết tiếp theo.

2- Chú ý khi gần kề cái chết, cần khơi động những xu hướng tốt bằng thái độ đạo đức.

3- Những dấu hiệu báo trước cái chết có thể xảy ra từ một đến hai năm trước khi chết. Nhờ vào sự nhắc nhở đó, ta sẽ kịp chuẩn bị, nhưng tốt nhất nên chuẩn bị sớm hơn nữa.

Tiết chín: TÔI ƯỚC MONG DUY TRÌ ĐƯỢC SỰ NHẬN BIẾT THẬT SÂU XA TRONG KHI NHỮNG DẤU HIỆU BÊN NGOÀI PHÁT HIỆN 

Chúng tôi xin đạt được dạng thể tâm thức trong đó cái chết không hiện hữu
Trong lúc ảo giác của sợ hãi và kinh khiếp hiện ra
Nhất là ảo ảnh, khói và đom đóm xuất hiện.
Đồng thời tột đỉnh của tám mươi ý niệm cũng biến mất.

1- Hãy hiểu rằng hàng triệu ảo ảnh, trong đó có một số rất hãi hùng và đáng ngại, sẽ hiện ra khi chết, chúng phát sinh từ nghiệp. Đừng để cho chúng làm ta phân tâm.

2- Hãy ghi nhớ nằm lòng ba hình ảnh đầu trong số tám hình ảnh: ảo ảnh trong sa mạc, các cụm khói trong lò hay khói mỏng trong gian phòng, đom đóm hoặc các tia lửa trong chiếc chảo đen rang đậu.

Tiết mười: TÔI ƯỚC MONG PHÁT KHỞI ĐƯỢC SỨC MẠNH ĐỂ CỐ GẮNG THỰC HIỆN ĐẠO ĐỨC TRONG LÚC NHỮNG BIỂU HIỆN THÔ THIỂN VÀ ĐỐI NGHỊCH TAN BIẾN.

Xin cho chúng tôi giữ được tâm thức và nội quan vững mạnh
Trong khi sinh khí bắt đầu tan dần trong tâm thức
Trong khi luồng hơi thở bên ngoài chấm dứt và những biểu hiện thô thiển đối nghịch cũng bắt đầu tan biến
Đồng thời hình ảnh giống như đóm lửa của một ngọn đèn dầu hiện ra.

1- Mặc dù tâm thức và vật chất có hai nguyên nhân thực thể khác nhau, nhưng vẫn có thể tương tác bằng nhiều cách.

2- Sau ba dấu hiệu bên trong là: ảo ảnh, khói và đom đóm phát sinh, dấu hiệu thứ tư giống như một ngọn lửa đèn dầu xuất hiện, leo lét lúc đầu và trở nên vững vàng sau đó.

3- Mặc dù vào thời điểm ấy hơi thở bên ngoài, tức ở mũi, chấm dứt và không còn ý thức được các phản ứng của giác quan đối với môi trường xung quanh nữa, người chết vẫn chưa phải là chết. Cần nhất đừng lay động thân xác, hãy chờ cho đến khi chết hẳn.

4- Khi chết giữ cho tâm thức và nội tâm thật tỉnh thức sẽ giúp ta nhận biết giai đoạn nào của chu kỳ bên trong đang hoàn tất, điều đó sẽ giúp ta phát động những xu hướng thật mạnh nhắm vào một kiếp tái sinh tốt lành.

Tiết mười một: TÔI ƯỚC MONG VỚI KINH NGHIỆM SẲN CÓ SẼ NHẬN RA ĐƯỢC BẢN THỂ ĐÍCH THỰC CỦA CHÍNH MÌNH KHI BA DẠNG THỂ ĐẦU TIÊN VỀ TÁNH KHÔNG PHÁT HIỆN 

Chúng tôi xin được hiểu rõ bản chất thực sự của chính chúng tôi
Nhờ vào du-già đã xem chu trình của sinh tử và cả niết bàn đều là hư vô.
Trong lúc ảo giác gia tăng và những gì thực hiện sắp hoàn tất cũng tan biến – cái khởi thủy tan trong cái tột cùng.
Tiếp theo là những giác cảm phát sinh giống như ánh trăng, ánh sáng mặt trời và bóng tối lan tràn.

1- Nhiều thái độ và khái niệm khác nhau sẽ phát khởi với nhiều sức mạnh khác nhau về sự chuyển động của khí trên các đối tượng của nó.

2- Hãy nhớ rằng sau bốn dấu hiệu bên trong là ảo ảnh, khói, đom đóm, và ngọn lửa (của một ngọn đèn hay một ngọn nến, leo lét ban đầu và vững vàng sau đó), ba trạng thái tâm thức tinh tế hơn tức là bầu-trời-tâm-thần màu trắng rực rỡ, bầu-trời-tâm-thần màu đỏ cam, bầu-trời-tâm-thần màu đen đậm sẽ phát hiện sau đó.

3- Hãy lợi dụng các trạng thái tâm thức thật tinh tế ấy để thể hiện Tánh không đích thực.

4- Tánh không không có nghĩa là không có gì cả. Đúng hơn nên xem đó là tính cách thiếu sót của sự hiện hữu nội tại (tự tại) nơi mọi hiện tượng, kể cả sinh vật và mọi vật thể.

5- Tập phân tích mọi hiện tượng: chúng có hiện hữu một cách nội tại hay không, chúng có phải do sự cấu hợp từ nhiều thành phần cá thể của chúng, hay là một thứ gì khác. Điều đó chứng minh cho thấy mọi hiện tượng không đến nỗi quá cụ thể như chúng hiện ra với ta.

6- Mọi nguyên nhân và hậu quả, tác nhân và hành vi, điều tốt và điều xấu, đều hiện hữu một cách quy ước mà thôi. Trên thực tế, chúng chỉ là sản phẩm do nhiều điều kiện tạo tác ra chúng.

7- Tính cách thiếu độc lập của chúng, hay là Tánh không của chúng về sự hiện hữu nội tại chính là thực tính tột cùng của chúng. Trí tuệ phải ý thức được điều đó, cũng như phải ý thức được Vô minh tiềm ẩn trong những thèm khát dục tính lôi kéo theo hận thù và khổ đau.

8- Hãy dựa vào sự luyện tập du-già như đã trình bày trên đây, để đạt được sự hiểu biết về bản thể tối hậu của ta và của tất cả mọi hiện tượng.

Tiết mười hai: TÔI ƯỚC VỌNG PHỐI HỢP ĐƯỢC ÁNH SÁNG TRONG SUỐT MẸ VÀ ÁNH SÁNG TRONG SUỐT CON TRONG THỂ DẠNG THỨ TƯ CỦA TÁNH KHÔNG 

Xin ánh sáng trong suốt của mẹ và con gặp nhau
Trong khi sự thực hiện gần như sắp hoàn tất, tự nó cũng tan dần trong hư không
Xin mọi sự sinh xôi chấm dứt
Và cảm giác tương tợ như bầu trời mùa thu không ô nhiễm sẽ bừng lên.

1- Giai đoạn cuối cùng của cái chết xảy ra khi bản thể bẩm sinh của ánh sáng trong suốt xuất hiện. Bản thể ánh sáng ấy hiện hữu từ lúc thời gian chưa bắt đầu và sẽ hiện hữu vô tận.

2- Qua thể dạng của Phật tính, người ta có thể lưu lại trong bản thể bẩm sinh của ánh sáng trong suốt, không suy thoái trở lại những cấp bậc thô sơ của tri thức theo một quá trình đảo ngược. Trong vị thế đó, nghiệp không còn tích tụ nữa.

3- Ngay cả đối với những người bình thường không tu hành, lúc chết cũng không xảy ra những biểu hiện thô thiển. Đối với một người tu học cao thâm, họ sẽ dựa vào sức mạnh do sự tu tập thiền định về Tánh không để tìm cách lợi dụng trạng thái trên đây để thực hiện chân lý, tức Tánh không của mọi hiện hữu nội tại.

4- Bản thể thông thường của ánh sáng trong suốt phát sinh vào giai đoạn chót của cái chết gọi là ánh sáng trong suốt mẹ. Ánh sáng trong suốt phát huy từ sức mạnh tu tập trên đường đạo hạnh gọi là ánh sáng trong suốt con.

5- Khi ánh sáng trong suốt của cái chết – tức ánh sáng mẹ – phát sinh do nơi nghiệp trở thành một thể dạng tâm linh khi tiếp xúc với Tánh không của ánh sáng trong suốt con, lúc đó đó chính là thời điểm gặp nhau giữa ánh sáng trong suốt mẹ và ánh sáng trong suốt con.

Tiết mười ba: TÔI ƯỚC VỌNG ĐƯỢC THIỀN ĐỊNH VỮNG BỀN TRONG TRÍ TUỆ PHÁT KHỞI TỪ PHÚC HẠNH VÀ TỪ TÁNH KHÔNG, KẾT HỢP ĐƯỢC PHÚC HẠNH TỰ TẠI VỚI TÁNH KHÔNG, TRONG CẢ BỐN GIAI ĐOẠN CỦA TÁNH KHÔNG 

Chúng tôi xin được lắng vào trạng thái thật sâu của thiền định.
Trong tinh anh cực mạnh phát sinh từ sự kết hợp giữa phúc hạnh bẩm sinh và Tánh không.
Xuyên qua quá trình bốn giai đoạn của Tánh không, trong lúc xảy ra hiện tượng tan rã của thể tạng màu trắng giống như ánh trăng,
Gây ra vì lửa của Sức mạnh Âm tính nhanh như một tia chớp.

1- Người tu tập ở mức độ cao nhất, với niềm tin trên đường Đạo, có thể biến cải ánh sáng trong suốt mẹ phát sinh do nghiệp vào lúc chết.

2- Trong các cấp bậc thấp hơn, những người tu tập Thần linh Du-già thuộc Tối thượng Du-già Tan-tra có thể hình dung biểu hiện của tám dấu hiệu của cái chết bằng ba cách chú tâm: nhận ra dấu hiệu đang phát sinh, dấu hiệu trước đó và dấu hiệu tiếp theo. Tập cho quen với sự xuất hiện liên tục tám dấu hiệu của cái chết bằng cách liên kết với sự quán nhận về Tánh không. Mỗi dấu hiệu đều có ba phần, trừ dấu hiệu đầu và cuối chỉ có hai

 – Ảo ảnh xuất hiện. Khói sẵn sàng bốc lên.
– Khói tỏa ra. Ảo ảnh vừa biến mất. Đom đóm chuẩn bị phát sinh.
– Đom đóm vụt phát hiện. Khói vừa tan biến đi. Một ngọn lửa bắt đầu le lói.
– Ngọn lửa hiện ra. Đom đóm vừa bay đi. Bầu-trời-tâm-thức sắc trắng rực rỡ đang chuẩn bị.
– Bầu-trời-tâm-thức sắc trắng rạng rỡ hiện ra. Ngọn lửa vừa bị che khuất. Bầu-trời-tâm-thức màu đỏ cam chuẩn bị hiện ra.
– Bầu-trời-tâm-thức màu đỏ cam xuất hiện. Bầu-trời-tâm thức màu trắng rạng rỡ vừa tan biến, Màu đen thật đậm chuẩn bị phát sinh;
– Màu đen thật đậm hiện ra. Bầu-trời-tâm-thức màu đỏ cam vừa rút ra xa. Bản thể ánh sáng trong suốt đang ở thời điểm phát khởi.
-Ánh sáng trong suốt hiện ra. Màu đen xậm vừa bị xoá đi.

3- Trong cách tu tập đặc biệt của Thần linh Du-già thuộc Tối thương Du-già Tan-tra, người tu học dùng sự hiểu biết về Tánh không theo trình độ của mình để làm phát hiện tám dấu hiệu của cái chết. Họ lại tiếp tục sử dụng bản thể của ánh sáng trong suốt, tức nhận thức được Tánh không – hay hình dung một thể dạng tri thức giống như thế – làm phương tiện để hiển hiện dưới dạng thể hoàn toàn lý tưởng và tràn đầy từ bi của một vị Thần linh.

4- Đối với những người tu tập cao, đã phát lộ được lòng từ bi vững chắc và một trí tuệ vượt bậc, họ có thể sử dụng sự giao hợp tính dục như một kỹ thuật để tập trung cao độ tâm thức trong lúc bản thể tự tại và căn bản của ánh sáng trong suốt biểu lộ. Nhờ vào nội tâm đó, họ ý thức được Tánh không của mọi hiện hữu nội tại một cách vô cùng mãnh liệt.

Tiết mười bốn: TÔI ƯỚC VỌNG ĐẠT ĐƯỢC ẢO THÂN THAY VÌ PHẢI TRẢI QUA TÌNH TRẠNG TRUNG GIAN

Chúng tôi ước mong xin đạt được thể dạng thiền định sâu xa về ảo giác
Để thay vào trạng thái trung gian, khi rời khỏi ánh sáng trong suốt,
Để vượt lên và đạt được dạng thể một Thân xác Đại hạnh với những dấu hiệu và vẽ đẹp đầy vinh quang và sáng ngời của một vị Phật,
Phát hiện từ khí lực và bản thể của ánh sáng trong suốt của cái chết.

1) Những người tu tập thật cao có khả năng sử dụng ánh sáng trong suốt của cái chết và khí chuyên chở nó như những nguyên nhân thực thể tương quan đến phần tâm thức tinh khiết và thân xác.

2) Để có thể chuyển từ bản thể ánh sáng trong suốt thành một thân xác tinh khiết, tác tạo bằng khí lực, cần phải nhờ vào sự tu tập từ trước để tưởng tượng ta có một tâm linh và một thân xác thúc đẩy bời lòng vị tha. Những gì ta cố gắng bắt chước sẽ có thể đưa đến sự thực.

3) Sự biến cải cuối cùng có thể không cần thiết phải chuyển từ bản thể bẩm sinh và căn bản của ánh sáng trong suốt sang một cấp bậc thô thiển hơn của tâm thức. Vì điều đó đã tạo ra một thể dạng bất tử.

Tiết mười lăm: TÔI ƯỚC VỌNG NHỮNG BIỂU HIỆN SAI LẦM TRONG TRẠNG THÁI TRUNG GIAN THÔNG THƯỜNG SẼ HIỂN HIỆN NHƯ MỘT THÂN XÁC TINH KHIẾT

Do nơi nghiệp, khi giai đoạn trung gian xảy ra,
Chúng tôi cầu xin mọi biểu hiện sai lầm đều được tẩy sạch,
Nhờ vào sự phân tích cấp thời và ý thức được tính chất không thực của mọi hiện hữu nội tại
Của mọi khổ đau do sinh và tử, và của cả giai đoạn trung gian.

1. Cần phải nhớ lại các dấu hiệu nhắc nhở cho biết là ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp.

2. Hãy xem những biểu hiện hay những cảm nhận dễ chịu hay bực bội chỉ là những cảm nhận xuất phát từ nghiệp của ta.

3. Trước những gì đang hiển hiện, ta nên tưởng tượng rằng ta đang là một Ảo thân, mọi biểu hiện của sinh linh đều là những phát lộ cao đẹp của từ bi và trí tuệ, những hiển hiện trong môi trường xung quanh gồm toàn là những lâu đài tráng lệ…

4. Tránh không tìm cách xô bỏ những gì xấu xí hoặc ham thích những gì xinh đẹp.

5. Hãy ý thức rằng những ảo tưởng đủ loại, những khổ đau của cái chết, trạng thái chuyển tiếp, sự tái sinh, hoàn toàn không có một hiện hữu nội tại. Tự bản thể của chúng, chúng không có thật.

Tiết mười sáu: ƯỚC VỌNG TÁI SINH NƠI CỎI TỊNH ĐỘ NHỜ VÀO SỨC MẠNH DU-GIÀ BIẾN CẢI NHỮNG GÌ BÊN NGOÀI, BÊN TRONG, VÀ THẦN BÍ

Chúng tôi xin được tái sinh nơi cõi Tịnh độ
Nhờ vào du-già để biến cải những gì bên ngoài, bên trong và sự thần bí
Bằng những biểu hiện đủ loại, bốn ý nghĩa của sự đảo ngược các thành phần,
Ba loại hiển hiện khiếp đảm và những sự hoang mang, đang phát sinh.

1. Hãy nên chuẩn bị để biết rằng trong giai đoạn trung gian, sẽ có nhiều hiển hiện lạ lùng, có thể là kỳ thú hay kinh hãi. Từ lúc này, nên hiểu rằng tất cả những gì hiện lên ta đều có thể làm cho chúng biến đổi nhờ vào sức mạnh của tưởng tượng.

2. Hãy giữ thật bình tĩnh. Hãy tưởng tượng môi trường xung quanh gồm toàn là lâu đài tráng lệ trong một khung cảnh an bình. Hãy xem mọi sinh linh đều hàm chứa một bản thể tinh anh tràn ngập từ bi và trí tuệ. Hãy xem chính tâm thức ta là một tâm thức hoan hỷ đang lắng vào Tánh không.

3. Thực hiện được như thế sẽ giúp ta tái sinh trong một hoàn cảnh thuận lơi cho việc tu tập để vượt lên một mức độ thực hiện sâu xa hơn.

Tiết mười bảy: TÔI ƯỚC VỌNG SẼ ĐƯỢC TÁI SINH TRONG MỘT KIẾP SỐNG CÓ Ý NGHĨ

Chúng tôi xin được tái sinh trong một thân xác cao đẹp
của một người tu tập Tan-tra biết sữ dụng không gian,
trong thân xác của một nhà sư, hoặc của một người thế tục nhưng thấu triệt được ba cách tu tập
Chúng tôi cũng xin đạt cho được con đường Đạo hạnh đưa đến hai giai đoạn là sự sáng tạo và thực hiện
Để nhanh chóng đạt được các Hiện Thân của Phật: Thân chính Giác
Thân Đại Hạnh và Thân Biến Hóa

1. Trong quá trình tái sinh, hãy cố gắng đạt được một thân xác tương lai trong một hoàn cảnh thuận lợi để đi cho trọn con đường tu tập Đạo Pháp.

2. Mục đích là đạt được sự Giác ngộ tối thượng để có thể phục vụ kẻ khác.

Sách tham khảo

S.S le Dalai Lama, Comment pratiquer le Bouddhsme, dịch từ tiếng Anh do Yolande du Luard, Plon, 2002, Pocket 2003.
– Sens de la vie: réincarnation et liberté, dịch từ tiếng Anh do Michel Cool và Pierre Lafforgue, J’ai lu 2000.
– Kindness, Clarity, and Insight, dịch từ tiếng Tây tạng do Jeffraey Hopkins, Ithaca, N.Y. Snow Lion Publication, 1984.
RINPOCHÉ Lati et Jeffray HOPKINS, La mort, l’État intermédiaire et la Renaissance dans le Bouddhisme tibétain. Dharma, 1997.

TSONGKHAPA, Le Grand Livre de la progression vers l’Éveil, vol. 1, Dharma, 1997.

LEKDEN, KENSUR, Compassion et vacuité: méditation d’un supérieur de collège tantrique pratique de la vacuité, Publié chez Dharma, 1989.

HOPKINS, Jeffray, Bouddhist Advice for Living ang Liberation; Nagarjuna’s Precious  Garland. Ithaca, New York; Snow Lion Publication, 1998.
– Cultivating Compassion. New York: Broadway Books, 2001.

WALLACE, Vesna A. and B. Alan WALLACE, A guide to Bodhisattva Way of Life. Ithaca, New York, Snow Lion Publications, 1997.

Rinchen, Geshe SONAM and Ruth SONAM, Yogic Deeds of Bodhisattvas: Gel-stap on Aryadeva’s Four Hundred, Ithaca, New York, Snow Lion, 1994.

Chú Thích

1 Bodgaya: Phật Già-Đa hay Chánh Giác Sơn. Đức Thích Ca đã tham thiền nơi đây và đắc quả Chánh Giác. 

2 « Đỉnh kên kên », đỉnh núi có khối đá hình dáng một con chim kên kên. Kinh sách tiếng Hán và tiếng Việt viết là « Linh thứu sơn », còn gọi tắt là « Linh sơn » (tiếng Phạn là Gridharakuta »). 

3 Ninh-mã phái (Nyingma) còn gọi là Hồng giáo vì các nhà sư đội mũ màu nâu đỏ. Đây là giáo phái xưa nhất trong bốn giáo phái chính của Tây tạng. 

4 Còn gọi là Tối thương Du-già Tan-tra hay Vô thượng Du-già Tan-tra: phương pháp tu luyện tối thượng, thành phật trong kiếp này với thân xác này. Tối thượng Du-già Tan-tra xem tâm tịnh là căn bản của mọi phép tu. 

5 Còn gọi là Bồ tát Văn Thù hay Diệu Đức, hay Diệu Cát Tường, hay Diệu Âm, (tiếng Phạn là Manjousrhi), là vị Bồ Tát tượng trưng  cho Trí Tuệ và kinh nghiệm giác ngộ bằng phương tiện Tri Thức. 

6 Tăng đoàn 

7 Câu này là tiếng Phạn, tạm dịch nghĩa: « Om, Ngọc Quý trong Hoa Sen, Hum »  (Om và Hum không có nghĩa nhưng hàm chứa âm hưởng thiêng liêng) 

8 Ý câu này có lẽ muốn nói đến sự cân đối giữa tâm linh và thể xác, hàng thú vật phần tâm linh kém hơn. 

9 Chẳng hạn trường hợp chó xông vào đám cháy để cứu trẻ em, nhảy xuống sông cứu người chết đuối, hoặc trường hợp cá voi, cá heo cứu người trên biển… 

10 Đây là một mệnh đề về luận lý triết học. Một cách đại cương, sự hiện hữu của xác thân trên đó giác cảm, sự cảm nhận và tâm thức phát triển, là do sự phối hợp của rất nhiều « nghiệp », hay rất nhiều nguyên nhân và điều kiện. 

11 Thánh Thiên: tên tiếng Phạn là Aryadeva, dịch âm là Đề-Bà, dịch nghĩa là Thánh Thiên Bồ-tát, còn gọi là Độc Nhãn Bồ Tát vì giai thoại sau đây: Trên đường từ Tích Lan đến tu viện Nalanda, bắc Ấn độ, ngài gặp một người đàn bà xin một con mắt để tu luyện, ngài liền móc mắt bên phải và cho ngay. Thánh Thiên sinh vào cuối thế kỷ thứ II tại Tích Lan, là một trong những đệ tử quan trọng của Bồ Tát Long Thọ (Nagarjuna), và cũng là tổ thứ 15 của Thiền tông Ấn độ. Ngài trụ trì một thời gian khá lâu tại tu viện Nalanda, trước khi trở về phương Nam. Một trong các tác phẩm chính của Ngài là « Bốn trăm tiết mục » liên quan đến du-già. 

12 Hiện trạng thân thể phì nộm (quá mập), là một lo lắng của các xã hội Tây phương hiện nay. 

13 Đức Dạt-lai Lạt-ma cũng như những nhà sư Tây tạng khác, khi thuyết giảng thường ngồi trong tư thế hoa sen trên một bục gỗ cao trang trí rất đặc biệt. 

14 Dịch câu này tôi liên tưởng đến hiện tượng ta gọi là « phép lạ ». Dù phép lạ có thật, xảy ra thật nhiều và thường xuyên đi nữa, rốt cuộc ta cũng chết. Phép lạ không phải là một giải pháp, cũng chẳng phải là một lối thoát. Nếu « có thật » đi nữa, cũng chỉ là tạm thời và giai đoạn mà thôi, kể cả phép lạ và người làm ra phép lạ, sự thoái hóa và tan rã cũng đã nằm sẵn trong đó. 

15 Tsongkapa, dịch âm là Tông-Khách-Ba (1357-1419), là một vị Lạt-ma nổi danh của Tây tạng, sáng lập tông phái Cách lỗ (Gelugpa). Ông sinh ở tỉnh Amdo, cùng quê với Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV. Từ bé đã cực kỳ thông minh, lúc ba tuổi thụ giới với một vị sư thuộc dòng Cát-mã-ba (Karmapa). Trong số những tác phẩm ông đã để lại có thiên luận giải gồm 18 bộ, đã trở thành kinh sách giáo khoa của Phật giáo Tây tạng. 

16 Một câu nói rất ý nhị, một vị bác sĩ đương nhiên sẽ hiểu rằng giả thuyết nào sẽ gần với sự thật hơn hết để chuẩn bị. 

17 Vô minh, tiếng Phạn là Avidya, dịch âm là A-vĩ-nễ hay A-vĩ-di, có nghĩa là tâm thức không sáng, ám muội, u mê, không nhìn thấy bản thể đích thực của mọi vật thể và mọi biến cố. Vô minh cũng có nghĩa gần tương đương với si, si mê (mudha, moha).

18 Giai đoạn trung gian, còn gọi là trung ấm, tức giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kiếp sống.

19 Thuộc miền tây bắc Ấn độ, nơi Đức Dat-lai Lạt-ma lưu trú. 

20 Dịch âm là kinh Cha-kra sam-va-ra, dịch nghĩa là kinh « Bánh xe đại hạnh ». Một bộ kinh quan trọng của Phật giáo Tây tạng. 

21 Dịch âm là kinh Ka-la cha-kra, dịch nghĩa là kinh « Bánh xe thời gian » hay kinh « Thời luân ». Bộ kinh rất quan trọng thuộc trường phái của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Kinh Ka-la cha-kra là một bộ kinh rất thâm sâu và phức tạp, xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ X ở Ấn độ, nhưng theo truyền thống thì bộ Kinh này có nguồn gốc xưa hơn, từ thời Đức Phật Thích-ca. 

22Phật ứng hiện dưới ba xác thân gọi là Tam thân Phật:
-Pháp thân (dharmakya): bản thể của Phật, còn gọi là Chân như.
-Báo thân (vipakakaya): hiện thân của Phật.
-Ứng thân (nirmànakaya): còn gọi là Hoá thân, Ứng hóa thân, Biến hóa thân…có nghĩa Phật ứng hiện ở muôn ngàn thể dạng khác nhau để tùy cơ dẫn độ chúng sinh. 

23 Thanh tịnh độ còn gọi là Tịnh độ, Phật quốc, Phật giới, Phật địa v.v… 

24 nKhông được rõ về lịch sử các nhân vật này và nguồn gốc kinh sách trích dẫn. 

25 Tức là sự nhận biết, còn gọi là thức (tiếng Phạn: vijnana), có thể xem tương đương với các chữ như tri giác, ý thức hay tri thức, khác nghĩa với tạng thức hay hay A-lại-gia-thức (tiếng Phạn alayavijnana). Học phái Duy Thức xem tạng thức là dạng thể cao nhất của phần tâm thức, là căn bản của mọi hiện tượng. Nghĩa khác biệt nhau giữa các danh từ là một trở ngại lớn trong việc dịch thuật. Các chữ thức, tri thức, tri giác…có nghĩa là sự nhận biết, trong khi đó chữ tâm thức hay tâm linh có nghĩa rộng và sâu hơn, gồm cả xúc cảm, sự suy nghĩ, tình cảm, những xung năng tiềm ẩn… 

26 Cách mô tả sinh học của Tối thượng Du-già Tan-tra là một cách mô tả « ẩn dụ », tức cụ thể hoá và đơn giản hoá những gì phức tạp hơn, nhắm vào mục đích hướng dẫn sự chú tâm và thiền định. 

27 Đám rối dương (plexus solaire) là một danh từ Y khoa, còn gọi là trung tâm thần kinh thực vật nằm giữa dạ dày và xương sống. 

28 Trẻ vị thành niên ở các trường học, hoặc trong phòng riêng của chúng thường bày trò chơi bằng cách dùng dây hay khăn buộc cổ và xiết thật chặt đến lúc gần ngất xỉu (chết) mới buông ra. Chúng tự làm hay nhờ bạn làm giúp. Giây phút sắp ngất xỉu, vì thiếu dưỡng khí lên óc, tạo ra một trạng thái « sảng khoái » (?) hay « hoa mắt » làm cho chúng thích thú. Trò chơi này thường gây nhiều tai nạn chết người, phụ huynh và những người giữ trọng trách giáo dục tại Âu châu thường chú ý canh chừng và cấm đoán. Trường hợp mô tả trên đây là dùng các kỹ thuật du-già (thiền định) để tìm hiểu những trạng thái sâu kín trong quá trình của cái chết. 

29 Bà Alexandra David-Néel cũng đã chứng kiến những hiện tượng này, xin xem các sách của bà. Bà Alexandra David Neel (1868-1969) là một người phưu lưu và xông pha khác thường, có một trí thông minh vượt bậc. Bà là người phụ nữ Âu châu đầu tiên đến được Lhasa năm 1924. Bà viết rất nhiều sách về Phật giáo, về Tây tạng, Ấn độ, Trung hoa, và đã từng đến Việt Nam và có viếng đền thờ hai Bà Trưng tại Hà nội, trước khi tiếp tục đi ngược lên Vân nam thuộc Trung quốc. Sách của bà đã có nhiều ảnh hưởng trong nền tư tưởng Phật giáo Âu châu và thế giới kể cả thế hệ trí thức của cha anh chúng ta trong cả hai giai đoạn tiền chiến và hậu chiến. Rất tiếc sách của bà rất ít được dịch sang tiếng Việt. Cụ Đoàn Trung Còn, một học giả lỗi lạc của Việt Nam, có trích dịch sách của bà trong quyển « Mấy thầy tu huyền bí Tây tạng và Mông cổ » xuất bản năm 1942. Quê của bà ở miền Nam nước Pháp và ngôi nhà trước kia của bà hiện nay đã trở thành một bảo tàng viện trưng bày nhiều di vật, bản thảo các sách của bà ; bàn thờ Phật vẫn giữ nguyên như khi bà còn sống. Hàng năm rất nhiều người đến viếng và chiêm ngưỡng. Khi Đức Đạt-lai Lạt-ma đến miền Nam nước Pháp thuyết giảng, có ghé đến đây và đọc một bài diễn văn tưởng niệm bà. 

30 Tánh không, tiếng Phạn là « Sunyata » có sách viết là không, hư không, hư vô (các kinh sách Tây phương dịch là vide, vacuité, espace, vacuum, emptyness…). Tánh không của mọi hiện tượng, tức mọi vật thể và mọi biến cố, là một khái niệm căn bản của Đạo Pháp. Mọi hiện tượng ta « thấy » và « hiểu », tức cảm nhận được, chỉ là những biểu lộ tạm thời, phát sinh từ nhiều nguyên nhân và liên hệ với nhiều điều kiện ; chúng biến đổi không ngừng, kể cả các nguyên nhân và điều kiện tạo tác ra chúng. Đó là bản chất vô thường của mọi vật thể và mọi biến cố, thực tính hay bản chất đích thực của chúng là Tánh không. 

31 Kinh sách tiếng Việt và Hán gọi là « giả tướng » 

32 Trí tuệ tiếng Phạn là Prajna. Thật ra, trong kinh sách Tây phương cũng như kinh sách tiếng Việt, không có chữ nào tương đương và diễn tả hết ý nghĩa của chữ này. Chữ Prajna dịch âm là: Bát-nhã, Bát-lạt-nhã, Ban-nhã, Bát-la-nhã, Tỳ-bà-xá-na…, dịch nghĩa là Trí, Minh (Sáng), Trí-huệ hay Trí-tuệ… 

33 Tiếng nhà Phật là Vô Minh (=A-vĩ-di, Avidya). 

34 Nhà bác học và triết gia Pháp Blaise Pascal, thuộc thế kỷ XVII, đã phát biểu một câu nổi tiếng như sau: « Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu » (Je pense donc je suis). Vậy ta thử hỏi trước khi ta suy nghĩ, ta có hiện hữu hay không? Giữa hai sự suy nghĩ hay sau một sự suy nghĩ (vì lý do này hay lý do khác, bắt buộc hay tự ý: xao lãng, ngất xỉu…), ta có hiện hữu hay không? Vậy sự hiện hữu của ta dính liền với một điều kiện phải có là sự suy nghĩ, sự suy nghĩ của ta lại dính liền với vô số những điều kiện khác nữa, chẳng hạn như thân xác ta, tâm thức ta, sự học vấn của ta, ngay cả sự hiện hữu của ta, v.v. và v.v… 

35 Tức là giới luật của những vị Bồ tát, gọi là Bồ Tát Giới, gồm 10 điều nghiêm cấm hệ trọng và 48 điều nghiêm cấm thứ yếu. Điều 8 trong 10 điều nghiêm cấm hệ trọng là sự Ganh ghét. 

36 Tông-khách-ba (Tsongkhapa) (1357-1419): là một vị Lạt-ma Tây tạng, sáng lập giáo phái Cách lỗ (Gelugpa) 

37 Khi ta không thấy sự hiện hữu nội tại hay tự tại của mọi hiện tượng, ta cho là chúng không có, không hiện hữu đích thực (Tánh không). Nhưng ta không thể phủ nhận cơ sở, tức đối tượng của những gì ta đang tìm kiếm. Rốt lại, ta nhận ra rằng những gì ta tìm kiếm và những gì ta phủ nhận cũng chỉ có bằng tên gọi hay danh xưng mà thôi. 

38 Có thể tạm hiểu như « thực tính » của một hiện tượng. 

39 Tức ba giai đoạn hiển hiện của bầu-trời-tâm-thần màu trắng, màu đỏ cam, màu đen. 

40 Mặc dù hết sức đa đoan, Đức Đạt-lai Lạt-ma vẫn ngồi thiền, học hỏi, tu tập liên tục mỗi ngày, luôn luôn nhắc đến các vị thầy của mình và truyền lại cho chúng ta những kinh nghiệm đã học hỏi được. Xin chú ý sự khiêm nhường của một vị « Phật sống ». Trong nhiều sách khác Ngài cho biết vẫn ngồi thiền và ôn tập các giai đoạn của quá trình cái chết từ sáu đến tám lần mỗi ngày. Ta thấy rằng điều này chẳng có hại gì đến sự thư giản, và sức làm việc của Ngài, vì lúc nào Ngài cũng tươi cười, ân cần với tất cả mọi người, có khi lại rất dí dỏm và khôi hài. 

41 Những hiện tượng này đã được nhiều bệnh viện và bác sĩ Tây phương chứng nhận khi có các nhà sư Tây tạng chết tại Mỹ châu và Âu châu. Chỉ có các nhà sư Tây tạng mới xác định được lúc nào người chết đã « chết hẳn ». 

42 Có những trường hợp khi các vị cao tăng ngồi thiền, hoạt động sinh lý của cơ thể chậm hẳn lại, tim đập rất nhẹ và rất chậm, nhịp thở cũng rất chậm và thật nhẹ, mạch gần như không nhận ra. Các vị ấy bất động trong tư thế ngồi thiền giống như tình trạng đã viên tịch, nhưng râu tóc vẫn thấy mọc. Người chung quanh chờ mãi không thấy động tịnh, hư rữa, liền đem sơn (loại sơn mài) bôi lên khắp người thành một pho tượng. Ngày nay người ta có thể nhìn thấy hoặc chụp hình bộ xương bên trong bằng quang tuyến X. Những di tích này vẫn còn ở Việt Nam và vài nước Á châu khác. 

43 Dịch nghĩa là kinh « Kết hợp thần bí », bộ kinh này được dịch sang tiếng Tây tạng vào thế kỷ XI. 

44 Có thể đây là những hình ảnh cụ thể hóa dùng để mô tả những diễn biến siêu hình vượt ra khỏi sức hiểu biết thông thường của ta, trong mục đích sử dụng cho việc thiền định. 

45 Tức là không còn tái sinh nữa 

46 Phát huy hơi nóng là cách tu tập của một số nhà sư Tây tạng. Vào mùa đông dưới không độ, họ trần truồng ngồi thiền định xếp hàng trên tuyết, những người phục vụ nhúng một cái mền (chăn) hay khăn trong nước lạnh buốt và đắp lên lưng họ, khi chăn khô vì hơi nóng thì lại đắp lên tấm khác. Số chăn sấy khô trong một đêm xác nhận cấp bậc thiền định của mỗi người. Hiện tượng này gần đây đã được các bác sĩ người Mỹ nghiên cứu bằng cách nhờ các nhà sư Tây tạng trên đất Mỹ và tại Dharamsala (Ấn độ) thực hiện. Họ đeo cho các nhà sư máy móc để đo nhịp tim, áp huyết và nhiệt độ nhiều nơi trên thân thể, mặt nạ đo nhiệt độ và tổng lượng dưỡng khí hít vào, khí oxid carbon thở ra v.v….Bà Alexandra David-Neel cũng có mô tả cách luyện tập này trong các sách của bà. Chính bà cũng tập luyện thành công phép này và cho biết hơi nóng phát sinh giúp những nhà sư ngồi thiền định trong các hang núi ở Hy Mã Lạp Sơn có thể nhịn đói và chịu lạnh qua hết mùa đông. Bà còn cho biết những người tu cao, không cần ngồi trong tư thế thiền định, sức nóng vẫn phát sinh tự nhiên, chỉ cần mặc một áo mỏng giữa mùa đông. 

47 Để đưa ra một thí dụ: Sau đây là vài lời khuyên của một nhà sư người Mỹ Lama Surya Das, từng tu học gần ba mươi năm ở Népal, Tây tạng, Ấn độ, và hiện giảng dạy tại Mỹ (vùng Boston):
Khi ngồi, ta hãy ngồi như một vị Phật. Hãy xem ta là một vị Phật.
Khi đứng, ta hãy đứng lên như một vị Phật. Hãy xem ta là một vị Phật.
Khi đi, ta hãy bước lên như một vị Phật. Hãy xem ta là một vị Phật
Khi suy nghĩ, ta hãy suy nghĩ như một vị Phật. Hãy để cho Phật suy nghĩ xuyên qua tâm ta.
Khi thở, ta hãy hít thở như một vị Phật.
Hãy để cho Phật hít thở bằng thân xác ta.
Hãy để cho Phật sống bằng thân xác ta. Hãy xem ta là một vị Phật.
Hãy tận hưởng sự toàn thiện tự nhiên. Ta sẽ nhận thấy rằng ta giống rất nhiều với một vị Phật, nhiều hơn là ta đã tưởng.
(Lama Surya Das: Éveillez le Bouddha qui est en vous, nhà xuất bản Robert Laffont, 1998, 347 trang, đoạn trích dẫn trang 129, sách dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

48 Thần linh biểu tượng của Trí tuệ. 

49 Khi « lấy » tinh trùng của một người đàn ông và trứng của một người đàn bà trong những điều kiện nào đó, chính « người cho » và « người thực hiện » việc thụ thai trong ống nghiệm đã mang những chủ đích rõ rệt và những kích thích tiềm ẩn. Kể cả trong ngành chăn nuôi kỷ nghệ ngày nay (heo, bò, ngựa…), cũng cần phải kích thích con vật đực để lấy tinh trùng và chờ lúc thích hợp để đưa tinh trùng vào tử cung của con vật cái. Chính những chủ đích, xu hướng và những kích thích tiềm ẩn như vừa kể đã tạo ra những điều kiện cần thiết hay môi trường (duyên) « thu hút » hoặc « ruồng bỏ » (tác động của nghiệp) liên hệ đến sự kết hợp trứng và tinh trùng (quả của nghiệp); sự kiện thụ thai chỉ là cơ sở chuyên chở cho sự tái sinh. 

50 Tức là thụ thai trong ống nghiệm  

Website Phật Pháp Ứng Dụng chân thành cảm tạ tác giả / dịch giả Hoang Phong và Cô Phú Ngọc  đã gửi tặng ấn bản tiếng Việt. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu  đến quý độc giả. 

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Hoang Phong dịch

Theo Phật Pháp Ứng Dụng